Con đã thuộc về...

Thứ tư - 16/08/2017 06:32

CON ĐÃ THUỘC VỀ …

Thường ký hiệu “thuộc” trong toán học dùng để chỉ một phần tử nào đó ở trong một tập hợp. Nó sẽ mang tất cả những đặc điểm của tập hợp ấy và chính đặc điểm này làm nó giống các phần tử còn lại. Nó không bị tách riêng nhưng trở thành một với các phần tử khác. Ý nghĩa này cũng có thể áp dụng cho mỗi người. Bởi vì bất cứ một người nào được Thiên Chúa cho hiện diện trên mặt đất này đều phải thuộc về một đất nước, một dân tộc, một gia đình,… dù họ sống ở bất cứ đâu. Cách riêng, đối với người Công giáo, mỗi người tín hữu phải thuộc về một Giáo hội của Chúa, một giáo phận, một cộng đoàn,… dù họ sống trong bậc sống giáo dân hay giáo sĩ. Họ không thể lạc loài và sống như hòn đảo giữa biển khơi. Họ là một trong Chúa.

Điều này đã được Đức Cha Matthêô nhắc lại trong buổi gặp gỡ với chủng sinh Qui Nhơn vào chiều ngày 17/7/2017, không lâu trước ngày khai mạc năm thánh Giáo phận (26.7). Qua đó, Đức Cha nhấn mạnh đến tính chất thuộc về của một chủng sinh, một linh mục với giáo phận nhà, hướng về giáo phận với tình yêu, sự chung thủy và góp sức vì sự phát triển của giáo phận.

Các chủng sinh được nuôi dưỡng bởi mẹ giáo phận. Từ ngày được tuyển chọn vào chủng viện Qui Nhơn, học tập, gởi vào đào tạo tại ĐCV Sao Biển Nha Trang, mỗi chủng sinh đều được giáo phận lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, sách vở học hành,… Như người mẹ nuôi nấng những đứa con mong cho chúng trưởng thành, mẹ giáo phận cũng lo lắng cho từng chủng sinh như thế. Con cái đang ở nhà, mẹ chăm nom từng chút. Con cái ở xa, mẹ lo lắng không yên. Trong tình yêu thương của biết bao người anh đi trước, lớp lớp đàn em đi sau cũng được mẹ yêu thương không thiên vị, không so đo, luôn bao dung và hết lòng hết dạ. Mẹ làm sao nỡ bỏ con. Như bồ nông mẹ xé thịt nuôi con thì mẹ giáo phận cũng xé lòng lo cho các con từng chút. Như thế, dù có muốn hay không, mỗi chủng sinh, mỗi linh mục vẫn phải mang ơn giáo phận và tự nhiên thuộc về thân thể mẹ yêu dấu của mình.

Từ ý thức thuộc về mẹ giáo phận, mỗi chủng sinh, mỗi linh mục phải hết lòng yêu mến mẹ của mình. Mẹ đã đau lòng sinh ra các con, nuôi nấng các con lớn khôn, lẽ nào các con lại không muốn nhận mẹ, không muốn yêu thương và lo lắng cho mẹ.  Dù mẹ giáo phận có già yếu, có nghèo khổ thì cũng chính mẹ sinh ra con và nuôi nấng con thành người. Chẳng lẽ vì chút vinh hoa phú quý mà con hắt hủi, từ bỏ mẹ. Ngược lại, con phải yêu mến mẹ hết lòng, lo lắng cho mẹ khi tuổi già sức yếu. Yêu mẹ chính là đang công nhận mình là khúc ruột của mẹ, là thuộc về mẹ mãi mãi.

 Yêu thương mẹ, gắn bó với mẹ thì phải gắn bó với ngôi nhà của mình. Nơi đó, mình đã được sinh ra. Dù có đi xa, trước sau, lòng dạ vẫn như một. Ngày xưa, cả nhà cơm hẩm, rau dưa có nhau thì nay mâm cao cỗ đầy cũng đừng quên nhau. Cái nghĩa của lòng chung thủy là không thay lòng đổi dạ, không kén cá chọn canh, không xa mặt cách lòng. Dù cho có đi xa, học hỏi bao nhiều điều hay, biết được bao nhiêu kiến thức rộng lớn vẫn không bao giờ quên bài học vỡ lòng: mẹ giáo phận đã chăm chút cho con ngày còn thơ. Cho nên, gắn bó với giáo phận, chủng thủy với giáo phận thì nên góp sức làm cho giáo phận lớn mạnh.

Cái sức của mỗi chủng sinh lúc này là phải tu học và trưởng thành về nhiều mặt để rồi rồi làm việc cho mẹ giáo phận. Vì thế, khi mẹ giáo phận lo lắng trăm điều cho đoàn con lên đường đi học thì các con cũng phải biết tự lo cho mình nhiều hơn. Đừng ham vui mà phụ công mẹ trông mong từng ngày từng giờ. Hơn nữa, khi Mẹ tính ngày tính tháng chờ mong con, thì con cũng phải biết lo học hành tấn tới. Con đừng làm mẹ buồn vì những ý nghĩ vu vơ, an phận thủ thường, học cho lắm cũng bấy nhiêu sự, học nhiều cũng chẳng dùng bao nhiêu,… Ngược lại, con nên nhớ rằng, công việc cha mẹ đã làm rồi cũng đến lượt con. Con không thể thoái thác. Con phải học và phải làm cho được, cho đúng, cho hay tất cả mọi chuyện. Con không cố gắng, khác nào con phụ công cha mẹ nuôi dạy, khác nào con không biết được trách nhiệm của con. Chẳng lẽ, con không muốn thuộc về giáo phận sao?

Cuối cùng, hết lòng vì mẹ giáo phận, đấy mới chính là đạo làm con của mỗi chủng sinh. Đấy mới chính cách chứng minh con không lạc loài trong cộng đoàn anh em. Đấy mới chính là con đã quyết định thuộc về mẹ giáo phận, thuộc về Chúa.

Tác giả bài viết: Chủng sinh Phaolô Nguyễn Bá Định

 Tags: Chủng viện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay20,931
  • Tháng hiện tại372,982
  • Tổng lượt truy cập28,688,351

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây