Dân Chúa, đặc biệt các đôi bạn trẻ cần được trang bị những hành trang nào để trở thành chứng nhân và tông đồ “yêu thương phục vụ”?

Thứ tư - 12/07/2017 20:13
BÀI THUYẾT TRÌNH

Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân), đặc biệt các đôi bạn trẻ cần được trang bị những hành trang nào để trở thành chứng nhân và tông đồ “yêu thương phục vụ”?

Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra dân Chúa như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà… Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất Chúa Giêsu đã dạy chính là sống yêu thương, phục vụ: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thấy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Hơn thế nữa, yêu thương phục vụ nhau cũng chính là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16). Đồng thời dân Chúa cũng được mời gọi trở thành "một dân hăng say làm việc thiện" (Titô 2, 14) và phục vụ "giống như Chúa Giêsu", trong âm thầm, trong kín đáo, đến độ "tay phải cho, tay trái không biết" (Mt 6, 3). Chúng ta phục vụ để người khác vui, để người khác có đủ ăn đủ sống sau cơn thiên tai, sau chuỗi đời dài với bao mất mát, xứng phần nào với nhân phẩm, nhân quyền. Và "giống như Chúa Giêsu", chúng ta cũng vui mừng hớn hở khi thấy người nghèo hèn, bé mọn được hầu hạ (Lc 10, 21). Vì thế, sống yêu thương phục vụ, chúng ta sẽ nên một bông hoa thơm đẹp cho những người xung quanh. Sống yêu thương phục vụ, chúng ta sẽ là một chút muối mặn cho lối xóm và địa phương mình. Sống yêu thương phục vụ, chúng ta sẽ là một ngọn đèn sáng cho gia đình. Sống yêu thương phục vụ, con cháu chúng ta sẽ là những người có đức có tài cho gia đình, Giáo Hội và xã hội mai sau. Sống yêu thương phục vụ, Giáo phận chúng ta sẽ là dòng sông chuyên chở nước phì nhiêu cho nước Việt. Sống yêu thương phục vụ, đem lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc cho chính mình và tha nhân. Đó là chứng nhân và tông đồ “yêu thương phục vụ” cho đạo thánh Chúa.

Nhưng để thực hiện được điều này, tất cả Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân), đặc biệt là các đôi bạn trẻ cần phải được chuẩn bị những hành trang cần thiết. Một vài trong số những hành trang mà giới hạn của bài viết này đưa ra, đó là: Đức tin, Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria.

1. Đức tin.
Trước hết, đức tin là vô cùng quí giá, vô cùng cần thiết, vô cùng hữu ích để chúng ta sống đời yêu thương phục vụ. Chúng ta tin Chúa là Cha của mình, Người là Đấng cứu độ, là hạnh phúc của chúng ta. Niềm tin ấy là chiếc phao chúng ta luôn bám vào, để mà bơi lội giữa dòng đời. Niềm tin ấy là tiếng trả lời ngắn gọn mà chúng ta luôn phải kiên định trước bao nhiêu thử thách. Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin, chúng ta sẽ nếm được một nguồn lực thiêng liêng có sức thay đổi con ngươi chúng ta. Với sự thay đổi sâu xa và thường xuyên do của đức tin, chúng ta sẽ dần dần trở nên con người mới, nhiệt thành và giàu lòng quảng đại hơn. Đức tin quả là một hành trang cần thiết.

2. Lời Chúa
Cùng với đức tin, chúng ta không quên bám chặt vào Lời Chúa. Lời Chúa là sự sống, là ánh sáng và là lửa mến. Một khi chúng ta siêng năng đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện theo Lời Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy như gặp được chính Chúa. Khi gặp được Chúa rồi, chúng ta sẽ tràn đầy hy vọng. Hy vọng trong những thành công và cũng cả trong những thất bại nữa. Hy vọng trong những lúc thánh thiện, sốt sắng, đạo đức và cũng cả trong những lúc sa ngã yếu đuối, tội lỗi. Hy vọng trong những vui mừng hân hoan và cả trong những đau buồn khốn cực. Những hy vọng ấy làm mới lại con người và đời người một cách lạ lùng, để từ đó chúng ta càng dấn thân hơn trong sự yêu thương và phục vụ tha nhân.

3. Bí tích Thánh Thể
Bên cạnh Lời Chúa, chúng ta thường xuyên nhận lãnh hàng ngày, hàng tuần Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta rước Thánh Thể vào lòng, khi tôn thờ Thánh Thể trước nhà tạm, khi chầu Thánh Thể trong thinh lặng, chúng ta cảm thấy Chúa Giêsu chính là Đấng đào tạo, huấn luyện của chúng ta. Người thanh luyện, làm cho chúng ta khiêm nhường hơn, để biết gọi Thiên Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót. Người dẹp đi những ý kiến của chúng ta, để thay vào đó là thánh ý của Người. Và cùng với Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy mình được sai đi rao giảng về Thiên Chúa tình yêu và phục vụ.

4. Đức Maria
Sau cùng, người đồng hành với chúng ta và cũng là mẫu gương đời yêu thương phục vụ để chúng ta noi theo, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Giữa một thế giới sống ích kỷ, vô cảm và ưa phô trương, Đức Mẹ luôn dạy chúng ta: Vinh quang của Mẹ là yêu thương phục vụ âm thầm, là hy sinh kín đáo, là thờ phượng với tâm hồn đơn sơ phó thác vào Chúa. Vậy nên chúng ta đừng bao giờ rời xa Mẹ, hãy luôn nhớ đến và hàng ngày chạy đến với Mẹ cầu xin, để Mẹ nâng đỡ, ủi an, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Riêng đối với các đôi bạn trẻ, xã hội ngày nay quá đề cao cá nhân và lối sống hưởng thụ đến mức cực đoan, nên lôi cuốn số đông các số bạn ngày càng sống ích kỷ, vô tâm, không muốn tham gia làm việc chung, không dám nhận trách nhiệm, hứa “cuội”,… Ai cũng chỉ biết có mình, coi bản thân mình là nhất, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng. Đây là vấn đề đang gây ra nhiều nhức nhối. Vậy ngoài 4 hành trang chính đã nêu trên, để chuẩn bị hôn nhân sau này, các bạn trẻ cũng cần trang bị thêm cho mình những hành trang này nữa: sống có trách nhiệm, giữ lời hứa, sống vị tha và dấn thân làm việc chung.

* Lãnh lấy trách nhiệm.

Thời đại nào, xã hội nào cũng cần những người trẻ. Là những người đã trưởng thành, đồng nghiã với trách nhiệm, ngay từ bây giờ các bạn trẻ hãy cộng tác làm việc, lãnh nhận trách nhiệm, để từ từ thay thế lớp người lớn tuổi, tiếp nối đại cuộc, xây dựng Giáo Hội và xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu "Tre già măng mọc", đó là định luật sinh tồn của xã hội và của cả Giáo Hội. Giới trẻ chính là tương lai của xã hội, của Giáo Hội, của đất nước, của nhân loại... Vậy nên các bạn hãy sớm nhập cuộc, tận dụng trí óc và con tim làm việc chung, để người lớn tin tưởng, từ từ trao cho các bạn những trách nhiệm lớn lao hơn. Các bạn trẻ hãy tham gia sinh hoạt cộng đoàn cũng như xứ đạo, để "trẻ trung hóa" cộng đoàn, giáo xứ của mình, và như thế là cộng tác vào việc "trẻ trung hóa" Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu cũng bắt đầu hoạt động công khai, khi Ngài mới khoảng 30 tuổi (Lc 3, 23). Rồi khi chọn môn đệ, Chúa cũng chọn những người đang vào tầm tuổi của các bạn trẻ bây giờ. Những năm gần đây, mới 30-40 tuổi mà người ta đã dám đứng ra làm tổng thống, thủ tướng,… lãnh trách nhiệm, cầm vận mệnh của cả một dân tộc hằng trăm triệu dân... Đừng vội biến mình thành những "ông cụ non", "bà cụ non" khi mới 20 - 30 tuổi, các bạn hãy trưởng thành, dấn thân và dám nhận lấy trách nhiệm.

Chúng ta biết, con người có thể trưởng thành về nhiều phương diện khác nhau: như sinh lý, tâm lý, kiến thức, tôn giáo,... Nếu một người có kiến thức khoa học rộng rãi (tạm gọi là một người trí thức), mà Đức tin và vốn liếng về tôn giáo của họ chỉ là Đức tin và vốn liếng còn sót lại sau cái thời đi học giáo lý, để xin Rước lễ lần đầu hoặc lãnh Bí tích Thêm sức, thì người đó sẽ mất quân bình nội tâm. Muốn tạo thế quân bình nội tâm, chúng ta cần phải trưởng thành đồng đều về các phương diện khác nhau, tương tự như một cây cổ thụ: cây càng lớn, rễ của nó phải càng ăn sâu xuống lòng đất. Nếu không, cây sẽ bật gốc mà chết. Cũng vậy, càng học cao, Đức tin của chúng ta càng cần phải thâm sâu hơn trước, chúng ta mới có thể giữ được thế quân bình thiêng liêng. Cho nên về phương diện tôn giáo, giới trẻ có thể trưởng thành bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng có một cách phổ thông nhất, gần gũi mà cũng hữu hiệu nhất, đó là tham gia các sinh hoạt cộng đoàn, dấn thân làm việc với cộng đoàn và cho cộng đoàn. Bởi vì khi làm việc chung với người khác, thế nào chúng ta cũng bị đụng chạm, không nhiều thì ít. Sự đụng chạm ấy sẽ giúp chúng ta nhìn lại con người mình, để sửa sai, để dốc lòng làm tốt hơn. Sự đụng chạm ấy, có thể ví như những viên sỏi dưới lòng suối. Khi xưa, những viên sỏi ấy là những cục đá, mỗi cục đá có những góc cạnh sắc bén của nó, nhưng nhờ nước suối cuốn đi, những cục đá ấy đụng chạm vào nhau, các góc cạnh sắc bén mòn dần, để cuối cùng trở thành những viên sỏi tròn trĩnh, xinh đẹp và dễ thương như thế. Chúng ta cũng vậy, nhờ đụng chạm với người khác, mà chúng ta có thể sửa mình, nên tốt hơn, trưởng thành hơn. Như thế, dám lãnh lấy trách nhiệm là một hành trang rất tốt để sống đời yêu thương phục vụ sau này.

* Giữ lời hứa.

Để sống đời yêu thương phục vụ, chúng ta cần phải trung tín với mình và với người. Trung tín, tiếng Latin có nghĩa là “fidelis”. Fidelis được bắt nguồn từ danh từ fides, nghĩa là đức tin, tín thác. Khi nói về nghĩa này, là nói đến mối quan hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Hay nói cách khác, từ mối quan hệ trung tín giữa con người với Thiên Chúa, sẽ giúp con người học được ý nghĩa trọn vẹn thế nào là trung tín. Và khi nói đến trung tín, chúng ta phải nói tới việc giữ lời hứa.

Lời hứa là sợi mắc xích, là gạch nối, và cũng là nguyên nhân dẫn chúng ta suy nghĩ và tập sống trung tín. Lời hứa đi theo cuộc sống con người từ lúc có trí khôn cho đến lúc trưởng thành. Thuở thiếu thời, con trẻ được giáo dục và dạy bảo về giá trị của lời hứa qua những việc bình thường trong ngày: “Con nhớ nhé, con làm điều này nhé… Dạ, con nhớ. Dạ, con hứa…”. Mối liên hệ, niềm tin giữa người lớn và trẻ nhỏ cũng được chớm nở và phát triển từ đó. Niềm tin dành cho nhau giữa hai người được hun đúc có lẽ phần lớn dựa vào khả năng giữ lời hứa của mỗi người. Cứ thêm một lần lời hứa được giữ, thì niềm tin dành cho nhau càng thêm được củng cố và phát triển. Ngược lại, nếu cứ một lần lỗi hẹn, thì niềm tin dành cho nhau cũng bị xói mòn. Trẻ em là người có khả năng nhạy bén nhất để nhận ra điều này. Niềm tin giữa cha mẹ và con cái phát triển tới mức nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giữ lời hứa của cha mẹ dành cho con cái, nhất là lúc các em con thiếu thời.

Khi một lời hứa với ai đó được giữ cẩn thận, thì điều đó có nghĩa là sự tôn trọng của chúng ta dành cho người kia được thẫm định. Xa hơn thế nữa, khi một lời hứa được giữ, điều trước hết chính là chúng ta tôn trọng chính con người chúng ta, chúng ta giữ lời hứa, chữ tín với chính mình, nhờ niềm tin này mà ta mới dám hứa, giữ lời hứa với người khác và tạo được biết bao nhiêu mối quan hệ đẹp trong đời: Tình cha mẹ, anh em, bạn hữu và vợ chồng, con cái. Nhờ biết giữ lời hứa mà ta thêm vững tin xây dựng cuộc đời, xây dựng đời mình và mới hết lòng yêu thương phục vụ nhau và vì nhau.

Như thế, học biết trung tín với Chúa trước, chúng ta càng dễ trung tín với nhau hơn. Mà đã biết trung tín với nhau, chúng ta đã học được bài học yêu thương phục vụ mà Chúa đã dạy. Đây cũng chính là hành trang không thể thiếu cho chúng ta sống đời chứng tá Tin Mừng.

* Tập sống vị tha.

Lòng vị tha (biết nghĩ đến người khác) đối nghịch với tính ích kỷ (chỉ biết nghĩ đến mình). Cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, Dòng tu) nào càng có nhiều người vị tha, biết hy sinh cho người khác, thì cộng đoàn đó càng có điều kiện sống trong bầu khí yêu thương bình an và hạnh phúc. Vì vậy cộng đoàn là môi trường, là nơi để các bạn trẻ huấn luyện tấm lòng vị tha của mình:

- Trong gia đình, khi vừa sinh ra, đứa con đã nhận được tình thương vô điều kiện của cha mẹ và các em phải học để đáp lại bằng tình hiếu thảo, thể hiện qua thái độ ngoan ngõan vâng lời hầu làm cho cha mẹ hài lòng. Đây là thứ tình yêu "nhận nhiều hơn cho". Lớn lên một chút, các em dần dần khám phá ra: ngoài cha mẹ, các em còn có các anh chị em khác trong gia đình cũng đang yêu thương em bằng tình huynh đệ. Với tình yêu này, các em phải tập sống "cho đi nhiều hơn nhận lãnh". Ngoài gia đình, mỗi em lại có bạn bè để chọn lựa và yêu thương gọi là tình bạn hữu. Các em phải tập "cho và nhận ngang nhau: "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại". Vì "Có đi có lại mới toại lòng nhau". Đến khi trưởng thành, người thanh niên sẽ tự chọn một người khác phái đồng trang lứa để yêu và được yêu. Tình yêu đó gọi là tình yêu nam nữ, và dẫn đến tình phu thê. Trong đó mỗi bên sẽ thực hành "cho nhiều nhận ít". Hai người có bổn phận hiến thân cho nhau và hy sinh vì nhau để được hạnh phúc. Đến khi có con cái, cha mẹ lại yêu thương phục vụ con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện và không lựa chọn gọi là tình phụ tử hay tình mẫu tử, trong đó cha mẹ thể hiện tình yêu phục vụ bằng việc"cho đi không cần nhận lại", hy sinh tất cả mà không mong báo đền. Đây là tình yêu phục vụ cao cả phản ảnh tình yêu bao la của Thiên Chúa là Tình Yêu. Như vậy trong môi trường gia đình, con người sẽ có điều kiện để thực tập sống tình yêu thương phục vụ từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó.

- Trong giáo xứ và Dòng tu, các bạn trẻ được mời gọi nhìn lên Chúa và học gương Ngài để lại: "yêu thương đến cùng"; "cho thì có phúc hơn nhận"; "Tha thứ vô điều kiện",... Chúa đã khiêm nhường rửa chân cho môn đệ và muốn ở lại với loài người mọi ngày trong bí tích Thánh Thể, trở nên của ăn giúp loài người được hạnh phúc đời đời, luộn bao dung tha thứ vô điều kiện trước những tội lỗi và những đối xử tệ bạc của loài người, đã tình nguyện chết đền tội thay để cứu lòai người khỏi chết và sau này còn được hưởng hạnh phúc đời đời. Đây là tình yêu phục vụ cao quý nhất.

Ngoài ra, các bạn còn phải quan tâm đặc biệt tới những người bệnh tật đau khổ và bị bỏ rơi, phải cầu nguyện điều tốt cho những kẻ đang thù ghét làm hại mình. Tất cả những điều này được tóm lại trong kinh Thương Người có Mười Bốn Mối và Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô mà các bạn cần đọc và quyết tâm thực tập mỗi ngày. Mỗi ngày, các bạn phải năng xét mình để loại dần tính ích kỷ và tự mãn của mình, siêng năng học sống Lời Chúa và cầu xin ơn Thánh Thần giúp các bạn sống nhân bản, tốt lành hơn. Có như thế các bạn mới sống đời yêu thương phục vụ và nên chứng nhân tông đồ cho Chúa, chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.

Như vậy, vai trò của cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, Dòng tu) trong việc đào luyện con người sống yêu thương phục vụ thật quan trọng và không thể thay thế được. Nếu cha mẹ, anh chị em, bề trên, bạn đời tương lai là những người yêu thương phục vụ các bạn nhiều nhất, mà các bạn không yêu thương, không phục vụ họ lại được, thì làm sao các bạn có thể yêu thương và phục vụ những người xa lạ, những người mình không mấy thiện cảm, nhất là những người luôn thù ghét và chống lại các bạn? Những ai đối xử không tốt với người thân trong gia đình, trong cộng đoàn mình... thì cũng khó lòng có thể đối xử tốt được với tha nhân bên cạnh theo đòi hỏi của Tin Mừng.

Nếu mỗi ngày các bạn biết từ bỏ tính ích kỷ và tự ái cao, năng nghĩ đến người khác và khiêm nhường phục vụ người thân trong gia đình, cộng đoàn mình nhiều hơn, biết quảng đại tha thứ và làm tốt cho các bạn bè và những người đau khổ bất hạnh nhiều hơn..., thì đó là hành trang mà các bạn đã chuẩn bị để sống đời yêu thương phục vụ, hầu chu tòan sứ vụ giới thiệu Chúa là Tình Yêu cho mọi người.

* Dấn thân làm việc chung.

Tổng thống Kennedy có câu nói để đời: "Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho Bạn, nhưng hãy tự hỏi Bạn đã làm gì cho đất nước". Chúng ta có thể thay chữ "đất nước" trong câu đó bằng chữ "Giáo Hội" và chúng ta sẽ có một câu tương tự: "Đừng hỏi Giáo Hội đã làm gì cho Bạn, nhưng hãy tự hỏi các Bạn đã làm gì cho Giáo Hội".

Hãy tham gia vào những việc hợp khả năng của các bạn. Nếu có khả năng chuyên môn, các bạn có thể tham gia ban nhạc, ca đoàn, Legio hoặc ban giúp lễ… Cộng đoàn là nơi giới trẻ có thể trổ tài, dùng những khả năng Chúa ban cho mình để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội. Để trổ tài như thế, nhiều khi các bạn phải dấn thân, phải liều mình. Cả khi thấy mình không có tài năng gì đi nữa, các bạn vẫn có thể tham gia các công việc từ thiện xã hội. Thí dụ, vào các dịp lễ, nhất là vào các dịp lễ lớn của cộng đoàn. Và mỗi khi có tổ chức lễ lớn trong cộng đoàn như thế, các bạn hãy hy sinh đến sớm để chuẩn bị, và sau đó ở lại tiếp tay dọn dẹp giúp cộng đoàn. Tuổi trẻ là tuổi dấn thân, coi thường nặng nhọc. Trời cho các bạn sức khoẻ "phi thường" vào lứa tuổi đó, để chúng ta làm những việc mà người khác đều "sợ" hoặc không làm nổi. Đặc biệt, những bạn cùng sống trong một thành phố có thể liên kết để sinh hoạt chung với nhau. Hãy tham gia những nhóm có sẵn trong cộng đoàn hoặc thành lập thêm những nhóm mới. Nếu ngại đọc kinh, các bạn có thể gia nhập những nhóm đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng cách chia sẻ Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi hoặc nuôi dưỡng tâm hồn mình. Các bạn cũng có thể tổ chức một đội đá banh, đánh bóng chuyền, bóng bàn cho khoẻ, học nhạc cho biết, chơi nhạc cho vui, hoặc thành lập các nhóm viết văn, làm thơ hoặc tập vẽ, chụp hình, tổ chức dã ngoại, tiếp tay với cha sở tổ chức và điều hành trại trẻ,…

Dấn thân làm việc trong cộng đoàn, các bạn sẽ học rất nhiều kinh nghiệm quí báu cho mình để sống và làm việc sau này, nhất là nhờ đó mà các bạn tự đào tạo lấy con người mình trưởng thành, hoàn hảo hơn từng ngày.

Kết luận:

Hành trang cần được trang bị để Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân), đặc biệt các đôi bạn trẻ trở thành chứng nhân và tông đồ “yêu thương phục vụ” chính là Đức tin, Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Ngoài 4 hành trang vô cùng quí giá và thật cần thiết cho Dân Chúa trên, các đôi bạn trẻ còn chuẩn bị thêm cho mình về cách sống có trách nhiệm, giữ lời hứa, sống vị tha, dấn thân làm việc chung nữa. Tạm chuẩn bị cho mình những hành trang như bài đã nêu trên, chắc chắn chúng ta có thể sống đời yêu thương và phục vụ một cách dễ dàng hơn như chính Chúa đã nêu gương, hầu làm chứng tá Tin Mừng và đem lại nhiều niềm vui, sự bình an và hạnh phúc cho cho muôn người trong xã hội hôm nay.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Hồng Sinh

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay10,835
  • Tháng hiện tại420,724
  • Tổng lượt truy cập28,736,093

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây