Bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Chay - Năm B

Thứ tư - 07/03/2018 19:35
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
Thánh giá, tình yêu cứu độ (Ga 3, 14-21).
 
Chúa nhật IV Mùa Chay hôm nay là Chúa nhật Mừng (Laetare), còn gọi là Chúa nhật Hồng. Vui mừng vì Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến độ thí ban Con Một để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày đến tột cùng qua hình ảnh Chúa Giêsu chấp nhận chịu treo trên thập giá vì trần gian. Vui mừng vì ơn cứu độ, vì sự sống đời đời sẽ được ban cho những ai, với lòng tin tưởng và thống hối, biết nhìn lên Đấng bị đóng đinh, Đấng bị “giương lên” trên cây thập giá, như con rắn đồng trong sa mạc năm xưa. 
Nơi trang Tin Mừng chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu đã lấy lại hình ảnh con rắn đồng được treo cao trong hoang địa để cứu sống dân Do thái khỏi nọc độc rắn lửa cắn, để giới thiệu thập giá là tình yêu cứu độ, khi Ngài chấp nhận bị chết treo lên cao để cứu con người khỏi nọc độc của tội lỗi. Câu chuyện con rắn đồng không lạ gì với ông Nicôđêmô, với dân Do thái. Trong sách Xuất hành, kể lại cuộc hành trình về đất hứa của dân Do thái, một cuộc hành trình dài 40 năm đầy cam go, khổ sở và nhiều thử thách. Khi gần đến đất hứa, dân Do thái lại kêu trách, xúc phạm đến Chúa và chống đối ông Môisen. Chúa liền cho rắn lửa bò ra khắp nơi cắn chết nhiều người. Dân chúng hoảng sợ và hối hận, họ chạy đến kêu cầu ông Môisen cứu giúp. Ông Môisen cầu xin Chúa. Chúa bảo ông hãy đúc một con rắn bằng đồng treo lên cao, để hễ ai bị rắn lửa cắn, đến nhìn lên rắn đồng với lòng ăn năn thống hối thì được khỏi. Trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô nơi bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này để chỉ về Ngài: cũng như xưa, rắn đồng bị treo lên, Ngài cũng phải bị treo lên như vậy. Và cũng thế, rắn đồng chữa cho bất cứ ai nhìn lên nó, thì Chúa cũng cứu chữa bất cứ ai tin cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu bị giương cao trên thập giá và Ngài trở thành nguồn ơn cứu độ và giải thoát cho chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta bằng cách nào? Phải chăng Ngài cứu chúng ta chỉ bằng đau khổ thập giá? Chúng ta hãy nhớ lại trên đồi Can-vê chiều hôm ấy có ba bản án tử hình và ba cây thập giá được dựng lên, nhưng chỉ có một cây được gọi là “Thánh giá” và hai cây kia thì bị gọi là “khổ giá” hay “thập ác”. Chỉ có cây thập giá treo Chúa Giêsu lên thì được gọi là Thánh giá. Trong khi đó cả ba người tử tội đều cùng một hình phạt, cùng chịu đau khổ và nhục nhã như nhau và cùng chết thê thảm như nhau. Nhưng cái chết của hai tên trộm cướp kia có cứu được ai đâu? Chỉ có cái chết của Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu không cứu chúng ta bằng đau khổ nhưng là bằng tình yêu. Ở nơi thập giá Chúa Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ dung nhan của Người là tình yêu hiến ban, như Chúa Giêsu quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”. Ở trên thập giá Chúa Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu tột cùng của Người, vượt lên trên sự hiểu biết và suy tưởng của con người. Thiên Chúa đã thí ban Con Một dấu ái của Người để gánh lấy tội lỗi nhân loại, để đền thay và chết thay cho mọi người, nhờ đó con người được tha thứ, được cứu sống và sống đời đời.
Thật vậy, thập giá của Chúa Giêsu đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, cậy trông vào Ngài. Không đâu xa, ngay tại nơi Chúa Giêsu bị treo lên, vào buổi chiều Thứ Sáu trước lễ Vượt qua năm ấy, khi ba cây thập giá được dựng lên, treo ba thân xác tả tơi đầy thương tích của ba người tử tội, người ta nghe tiếng của tên trộm bị treo bên tả chửi bới, nguyền rủa, nói những lời xúc phạm và đòi xuống khỏi thập giá. Ngược lại, tên trộm phía bên hữu, như được sức mạnh của ánh sáng từ thập giá ở giữa chiếu soi, anh buồn rầu, hối hận vì tội lỗi ngập đầu của mình và quay sang Chúa Giêsu, anh tha thiết kêu xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Trước lời cầu cứu đầy tin tưởng ấy, Chúa nói: “Tôi bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.
Người trộm lành đã nhìn nhận tội lỗi của mình và chấp nhận chịu trừng phạt, khi anh đối chất với người bạn tù cùng bị đóng đinh với anh. Anh nói: “Mày đáng chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. Như vậy, dù cả đời anh ta xấu xa tồi tệ, cả đời trộm cướp, chiếm đoạt cách bất công tiền bạc, của cải của người khác, bất chấp đã gây ra biết bao đau khổ, mất mát cho tha nhân. Nhưng giờ đây, nhờ nhìn vào thánh giá Chúa Giêsu, tên trộm khét tiếng gian ác đã trở thành người trộm lành. Ánh sáng nơi thập giá Chúa Giêsu đã khơi dậy tâm tình thống hối nồng nàn tha thiết trong tâm hồn anh. Anh biết và thực tâm cảm nhận điều đó. Đồng thời tận đáy tâm hồn anh lòng kính sợ Thiên Chúa cũng đã được khơi gợi lên mạnh mẽ. Anh cũng đã nhận ra và tin tưởng Đấng cùng chịu đóng đinh với anh hôm nay là người vô tội, là Đấng thánh, là Đấng có thể cứu anh được sống đời đời. Nên khi quay sang thập giá Chúa Giêsu để cầu xin Ngài cứu giúp, thì lại chính là lúc anh được đón nhận ánh sáng từ thánh giá Chúa, và làm rực sáng đức tin của anh. Anh đã thấy thánh giá, anh đã tin vào giá trị của thánh giá, và biết Đấng bị đóng đinh là ai, nên anh mới xin Ngài nhớ đến anh khi Ngài về nơi vương quốc của Ngài.
Đứng trước thập giá Chúa Giêsu, đám đông dân chúng thì đòi Chúa xuống khỏi thập giá, trái lại tên trộm lành thì lại muốn được Chúa đưa lên cao. Thế gian thì cầu mong Chúa rao giảng một thứ tôn giáo không thập giá, còn người trộm lành thì lại tìm được niềm tin khi chịu đau khổ, bị treo trên thập giá. Anh ta đã thấy tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn mọi tội lỗi cả đời của anh, một tình yêu không loại bỏ thân phận thấp hèn và nhơ nhớp của anh. Anh đã thấy sức mạnh và quyền năng vô biên nơi tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ, và cho anh được sống đời đời. Phải chăng sự hối cải và niềm tin của người trộm lành đang chất vấn chúng ta, và là mẫu gương cho đời sống đức tin và lòng sám hối của chúng ta hôm nay? Hãy học cách nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu của người trộm lành, người đầu tiên được hưởng tình yêu cứu độ nơi thập giá Chúa Giêsu, người đầu tiên được Chúa Giêsu hứa ban hạnh phúc thiên đàng.
Kể từ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, khi thập giá Chúa Giêsu được giương lên cao, thì khổ hình thập giá đã trở thành thánh giá ; và bóng mát của tình yêu cứu độ nơi thánh giá Chúa đã bao phủ cả trời đất. Biết bao người suốt 2.000 năm qua đã được cứu độ, được sống đời đời nhờ Thánh giá Chúa Giêsu. Biết bao người đã tìm thấy niềm tin, ý nghĩa và giá trị cuộc sống nhờ tin vào thánh giá Chúa Giêsu. Họ đã cống hiến đời mình để tiếp tục ra đi dựng cây thánh giá Chúa ở mọi nơi khắp cùng trái đất. Nhờ đó mà Tin Mừng và ơn cứu độ của Chúa đến được với mọi dân tộc trên hành tinh này.
Cùng với mọi thành phần dân Chúa giáo phận Qui Nhơn đang hợp mừng Năm Thánh hồng ân, với ánh sáng lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên thánh giá Chúa với hết lòng tin yêu và chân thành sám hối; đồng thời cũng nhìn vào gương các bậc tiền nhân để tiếp tục dấn thân dựng xây gia đình giáo phận. Ước gì mỗi một người con của đất Mẹ Qui Nhơn hôm nay biết nhìn lên Thánh giá Chúa với tâm tình tạ ơn chân thành, với lòng tin tưởng mãnh liệt vào tình yêu Thiên Chúa mà biết sám hối, canh tân đời sống. Đồng thời cũng biết nhìn vào gương sống của các bậc tiền nhân, gương hy sinh quên mình và chấp nhận mọi gian lao khốn khó để loan báo Tin Mừng và gầy dựng giáo phận, để mỗi người thêm lòng nhiệt thành mà dấn thân phục vụ vô vị lợi và nổ lực sống chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa trên mãnh đất giáo phận thân yêu.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây