Bài Giảng lễ Chúa Hiển Linh

Thứ tư - 03/01/2018 09:01
BÀI GIẢNG LỄ HIỂN LINH năm B
( Mt. 2, 1 – 12 )
Giuse Võ Tuấn
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Người Do thái đã đợi chờ Đấng Messia từ bao nhiêu thế kỷ, và Đấng Messia được ví như một vì sao từ nhà Giacob (Ds. 24, 17). Chúng ta có thể nói một cách thi vị hơn, thì chờ đợi Đấng Messia là chờ đợi một vì sao xuất hiện.
Hình ảnh vì sao gợi lên trong lòng người Do thái niềm nôn nao đợi chờ Đấng Cứu độ cho dân tộc mình và cho cả thế giới (Ds. 24, 7). Nhưng không phải chỉ những người Do thái mới biết đợi chờ, vì theo các sử gia đáng tin cậy ở thế kỷ đầu thì cả dân ngoại cũng tin rằng : Đấng cai trị thế giới sẽ được sinh ra từ xứ Giuđêa. Phải chăng đó chính là lý do khiến các nhà chiêm tinh từ vùng Ba Tư, Ả Rập xa xôi đã lặn lội tìm đến Giêrusalem để bái yết vị Tân vương, khi họ nhìn thấy trên bầu trời xuất hiện vì sao lạ?
Thật vậy, đi sâu vào Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy nổi bật và sáng chói nhất mà cũng là khó hiểu nhất là hình ảnh ngôi sao. Thánh sử Matthêô đã nhắc tới ngôi sao đến bốn lần trong bài trình thuật này: ngôi sao xuất hiện ở phương Đông khích lệ các đạo sĩ lên đường đi Giêrusalem, ngôi sao bỗng biến mất khiến các đạo sĩ phải nhờ các thượng tế và kinh sư tra cứu Thánh Kinh để tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của nó, ngôi sao lại xuất hiện dẫn đường các đạo sĩ đến tận Bêlem, để rồi nhìn thấy ngôi sao thì các đạo sĩ vô cùng mừng rỡ.
Bên cạnh bao nhiêu giả thiết chuyên môn của các nhà khoa học và kinh thánh, thánh Phaolô trong một câu ngắn gọn tuy không chuyên môn nhưng rất đơn giản và thú vị “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Phil. 2, 15 ) cho chúng ta thấy người Kitô hữu chính là các ngôi sao ấy. Nói cách khác, Thiên Chúa chúng ta là một vị Thiên Chúa ẩn mình, nhưng Ngài muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của người Kitô hữu chúng ta. Vì thế cho nên, cái cung cách sống đạo biết yêu thương, biết tha thứ, biết nói tốt cho nhau của mỗi người Kitô hữu chúng ta, sẽ làm cho người lương dân chung quanh nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa là tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian này như vòm trời đêm tăm tối, và khuyến khích Kitô hữu chúng ta hãy sống yêu thương để có thể trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời này.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trở lại với trình thuật của bài Phúc Âm : khi vì sao lạ xuất hiện đã có nhiều phản ứng khác nhau trước sự hạ sinh của Vua dân Do thái. Trình thuật đã nêu lên hai cặp đối lập: cặp đối lập thứ nhất là Hêrôđê và Hài Nhi một bên, cặp đối lập thứ hai là các vị thượng tế và kinh sư một bên.
Hêrôđê thì sợ hãi vì thấy ngai vàng bị lung lay, ông đã hỏi về nơi sinh của vị vua mới để âm mưu loại trừ một đối thủ. Còn các thượng tế và kinh sư ở Giêrusalem lại có thái độ dửng dưng thụ động. Họ quá rành về Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của vua Messia, nhưng họ chẳng buồn cất bước tới Bêlem.
Còn các nhà đạo sĩ là đại diện cho dân ngoại, họ đã lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ sẵn sàng làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Quân Vương, mặc dầu trên đường đến với ngài họ gặp muôn ngàn gian khó, nhưng họ cứ vững lòng tiến về phía trước và cuối cùng đã gặp được Đức Giêsu và phủ phục thờ lạy Ngài. Qua cử chỉ tôn kính rất trân trọng ấy, họ nhìn nhận phẩm chất thần linh của Ngài. Họ dâng lên Ngài vàng để tôn xưng Ngài là vua, họ dâng Ngài nhủ hương để khẳng định Ngài là Thiên Chúa, họ dâng Ngài mộc dược để loan báo cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Với những ý nghĩa trong bài Tin Mừng hôm nay, phải chăng phụng vụ Giáo hội muốn nhắc cho mọi tín hữu biết: lễ Hiển linh là để khơi lại cho người Kitô hữu có nghĩa vụ phải truyền giáo. Ba Vua đã đến gặp Chúa nhờ ánh sao, còn con người hôm nay nhờ ánh sáng nào mà gặp được Chúa? Mỗi môi trường cần một thứ ánh sáng riêng, mỗi con người nhạy cảm với một loại ánh sáng… Vậy thì chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là ánh sáng thu hút được lòng con người? Phải chăng đó là ánh sáng của sự chân thành, của sự phục vụ yêu thương, của sự tha thứ giúp đỡ lẫn nhau, đó là ánh sáng của niềm vui an bình, của sự can trường bất nhất. Thực tế, chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt, một lời khích lệ, một lời nói tốt cho nhau cũng sẽ bừng sáng rực rỡ chẳng kém một vì sao. Như thánh Phaolô đã viết: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời”  (Phil. 2, 15).
Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đều trở thành một ánh sao, một ánh sao nói được điều gì đó với những người đang chờ đợi, một ánh sao đồng hành với những người chung quanh trên mọi nẻo đường, một ánh sao ngừng lại trước nhà của Con Thiên Chúa, để cho Con Thiên Chúa và thế giới loài người hôm nay gặp nhau. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tuấn

 Tags: Giảng lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây