Bài giảng Mồng Hai Tết

Thứ năm - 15/02/2018 17:02
MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Hc 44,1.10-15 ; Ep 6,1-4.18-23 ; Lc 1,67-75.
 
Kính thưa…
Mồng Hai Tết Giáo Hội Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên, đó là Đạo Hiếu đối với con người và người Việt Nam đặt điều đó đứng đầu trong Đạo làm người, trên và trước mọi bổn phận. Lòng hiếu thảo còn nhắc nhở người kitô hữu thực hành điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn đầu tiên dành cho người kitô hữu thực hành ngay trong gia đình, ngay trong người thân của mình mà Thiên Chúa đã ban Mười Điều Răn để con người phải giữ và phải thi hành. Trong Kinh Thánh Thiên Chúa đã dạy rất nhiều điều phải giữ lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền nhân, chúng ta đọc lại Kinh Thánh là nền tảng để nói đến lòng hiếu thảo đối với ngày lễ hôm nay.
Cựu Ước:
“Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đền đáp cho cân xứng” (Hc 7,27-28).
“Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đều con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Cn 19,26).
“Này con, giáo huấn của cha con hãy nghe, lời dạy của mẹ con đừng gạt bỏ” (Cn 1,8)
“Tấm gương : Isaac vâng lệnh cha là Ápraham đến độ chấp nhận sự sát tế” (St 22,2-10).
Tân Ước:
Chúa Giêsu đả kích những người Do Thái theo tập tục của tiền nhân về Korban tự miễn cho mình bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già (Mt 15, 4-6); (Mc 7,10-12).
“Chúa Giêsu vâng phục cả cha mẹ trần gian” (Lc 2, 51)
“Hãy tôn kính cha mẹ đó là giới răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,2-3).
“Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8).
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
Từ nền tảng Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh dạy cho người kitô hữu phải thực hành lòng thảo kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đồng thời trong lương tâm Thiên Chúa cũng đã đặt nơi lòng mỗi con người phải biết tôn kính hiếu thảo với các đấng bậc đã sinh thành ra mình, và nơi người Việt Nam luôn đề cao lòng hiếu thảo cho nên nhiều người dù không tin vào một đạo nào, nhưng họ vẫn luôn giữ Đạo Hiếu bằng chứng là trong nhà họ có bàn thờ kính nhớ cha mẹ ông bà tổ tiên và thắp hương, nhang mỗi ngày.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng nói đến lòng hiếu thảo và bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình phải chu toàn để có một gia đình tốt.
Bài đọc 1: Ca ngợi tổ tiên là những người nhân đức con cháu sau này được thừa hưởng phúc lộc của các bậc tổ tiên (x. Hc 44,10-11).
Bài đọc 2: Con cái hãy vâng phục cha mẹ (Ep 6,1). Người làm cha thì đừng chọc tức con cái, nhưng hãy dưỡng dục, biết răn bảo sửa dạy theo đạo Chúa (Ep 6,4).
Áp dụng:
Gia đình Anh chị em tân tòng khi cho con em học giáo lý theo đạo Công giáo vẫn luôn nghĩ rằng: Đạo Công giáo bỏ ông bà cha mẹ, khi chết không được vái lạy, con cái theo đạo không làm giỗ cho cha mẹ, nên họ có phần hoang mang khi con cái theo đạo Công giáo khi lập gia đình. Khi họ dẫn con cái đến xin học giáo lý ngay từ buổi đầu tiên nên nói với họ: Đạo hiếu thảo đã được ghi vào điều răn thứ tư trong 10 điều răn, đọc vào mỗi ngày Chúa Nhật. Tháng 11 được dành riêng Kính nhớ người đã qua đời và ngày mồng hai Tết Nguyên Đán Giáo Hội Việt Nam cũng dành một ngày Tết để thực hành lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà tổ tiên.
Gia đình ngày hôm nay rất ít con cái cho nên con cái được nhận nơi cha mẹ, ông bà, dòng họ rất nhiều: nhận sự cưng chiều, nhận vật chất dành hết cho con cháu. Nhưng lại quên giáo dục con cái của mình về sự cho đi, lòng hiếu thảo, sự quảng đại, sự chia sẻ… Mà cha mẹ cưng con cái nhiều hơn, tức là sự đòi hỏi con cái mà cha mẹ phải đáp ứng và trở thành mọi thói quen ăn sâu vào trong lòng các em, khi cha mẹ lớn tuổi, bệnh tật, tai nạn… thì con cái không tỏ lòng hiếu thảo vì thiếu sự giáo dục là các em được cưng chiều chứ không được tình thương vì tình thương luôn phải chia sẻ, thông cảm cho nhau.
Sách giáo lý hôn nhân của Tổng Giáo Phận Sài Gòn dạy về lòng hiếu thảo:
“Cha mẹ truyền thông sự sống cho ta và có trách nhiệm dẫn dắt ta theo đường lối của Thiên Chúa. Đạo làm con buộc ta phải yêu mến, tôn kính, biết ơn và săn sóc cho các ngài, nhất là khi các ngài già yếu. Con cái phải vâng lời cha mẹ, biết đối thoại trong tâm tình người con hiếu thảo, trưởng thành.
Con cái có bổn phận nhớ đến và cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài qua đời. Giáo hội cho phép tín hữu Việt Nam bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ bằng những hình thức hợp với văn hóa, truyền thống. Tuy nhiên, phải tránh những hình thức dị đoan hoặc sai lạc về đức tin.
Cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng, thương yêu, dạy dỗ, và làm gương sáng cho con cái noi theo. Khi con đã lớn, phải giúp chúng chọn nghề nghiệp và lập gia đình thích hợp” (Sách giáo lý hôn nhân, giáo phận TP. Hồ Chí Minh, trang 56).
Lạy Chúa, xin cho mỗi gia đình chúng con biết noi gương Thánh Gia để sống đẹp lòng Chúa và đẹp lòng nhau đó là hạnh phúc mà mỗi người mong mỏi trong cuộc sống trần gian này. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Bùi Văn Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay22,724
  • Tháng hiện tại413,936
  • Tổng lượt truy cập28,729,305

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây