Bài giảng thánh lễ mở cửa Năm Lòng Thương Xót

Chúa nhật - 13/12/2015 10:08

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Ngày mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, 13.12.2015

 

Hôm nay là Chúa nhật III Mùa Vọng, thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui, bởi vì Đấng Cứu Thế đã gần đến. Niềm vui ấy được tiên báo trong bài đọc I trích sách ngôn sứ Xôphônia (Xp 3,14-18a), và được thánh Phaolô mời gọi thể hiện qua bức thư Ngài gửi cho các tín hữu Philipphê trong bài đọc II (Pl 4,4-7). Tuy nhiên, để thể hiện được niềm vui ấy, con người cần phải sống công bình bác ái, chia cơm sẻ áo cho nhau, như lời thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay.

Niềm vui ấy càng trở nên rộn rã và sâu đậm, vì theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm nay là ngày giáo phận Qui Nhơn cùng với các Giáo Hội địa phương khắp nơi trên toàn thế giới long trọng cử hành nghi thức mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, một năm hồng ân mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, như thời gian đặc biệt để mọi người đang đau khổ vì hậu quả của tội lỗi có thể gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa và thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân, như lời Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng: "Anh em hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót" (Lc 6,36).

Đau khổ là điều ai cũng cảm nghiệm được trong cuộc sống của mình, cũng như có thể quan sát được nơi môi trường chung quanh. Đau khổ là hậu quả của tội lỗi. Không ai thoát khỏi đau khổ, vì mọi người đều phạm tội. Tuy nhiên Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Cho dù con người có phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương tha thứ. Trong tông sắc Dung mạo Lòng thương xót (Misericordiae Vultus) ấn định Năm Thánh Lòng Thương Xót, số 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: "Trước sự nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đã đáp lại bằng sự tràn đầy của tình yêu. Lòng thương xót luôn lớn hơn tội lỗi và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa".

Vì thế, đối với những người có niềm tin, từ đầu này tới đầu kia của mỗi cuộc đời, xuyên qua những khóc lóc và đau khổ, vẫn có một sợi chỉ xanh hy vọng, nhờ đó cuộc đời của người tín hữu không bị vỡ tan vì tuyệt vọng, nhưng luôn chứa chan niềm cậy trông phó thác, cho dầu gặp phải những hoàn cảnh đau đớn lớn lao. Niềm cậy trông là nét căn bản của Mùa Vọng, của Năm Thánh Lòng Thương Xót và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình mục vụ và truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn trong năm 2016, trên lộ trình tiến về Năm Thánh giáo phận sẽ được cử hành vào năm 2018, kỷ niệm 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng.

Ngày xưa, trong khi dân Israel phải chịu trăm ngàn đau khổ vì chiến tranh, lưu đày, với một chân trời tương lai mang màu xám xịt, thì ngôn sứ Xôphônia đã gióng lên một tin vui có sức xua tan mọi băng giá mù mịt: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion; hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3,14). Lý do khiến dân Israel vui mừng là vì Thiên Chúa đã xót thương rút lại lời kết án họ. Chính Thiên Chúa đang ở giữa họ, yêu thương họ và là Đấng Cứu Độ của họ. Như thế, niềm vui là một ân huệ phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương và tha thứ.

Chính niềm vui ấy đã giúp dân Israel vượt qua biết bao thăng trầm của cuộc sống để kiên vững trong niềm trông đợi ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Rồi một ngày kia họ thấy Gioan Tẩy Giả xuất hiện kêu gọi sám hối và chịu phép rửa để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế. Họ đã nô nức tuôn đến với Ngài để đón nhận những tín hiệu đầu tiên của tin vui. Gioan Tẩy Giả đã kiên nhẫn và ân cần chỉ dẫn cho họ tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người. Lời chỉ dẫn của Ngài rất thực tế và dễ hiểu. Đối với những người thu thuế, Ngài khuyên họ đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định. Đối với các binh sĩ, Ngài khuyên họ đừng dùng vũ lực để ức hiếp và tống tiền kẻ khác. Đối với dân chúng, Ngài khuyên họ hãy biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn. Nói chung, những chỉ dẫn ấy đều tập trung vào việc thực hiện công bình bác ái và lòng thương xót đối với nhau. Gioan Tẩy Giả không nói cho đám cử tọa của Ngài những điều mới lạ, nhưng chỉ nhắc lại cho họ những điều mà cuộc sống bon chen, giành giật, làm cho họ quên mất. Ngài cho thấy rằng điều kiện đầu tiên để được hưởng niềm vui của Thiên Chúa chính là một cuộc sống công minh chính trực cùng với những thực hành của lòng thương xót.

Trong thư gửi các tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II, thánh Phaolô đã tha thiết kêu gọi: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4). Niềm vui mà thánh Phaolô kêu gọi là niềm vui đích thực, niềm vui thánh thiện, bền vững, hoàn toàn khác với niềm vui chóng qua của xác thịt trong sự thỏa mãn những cảm xúc. Theo Chesterton, niềm vui là bí ẩn vĩ đại của Kitô giáo, vì nó phát xuất từ chiều sâu nội tâm của con người, từ sự sám hối cải thiện đời sống để vui hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Kitô giáo có thể được gọi là đạo của niềm vui. Vì thế thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”, tức là không phải là một vị thánh đúng nghĩa có sức sưởi ấm và lôi cuốn mọi người, vì sự vui tươi phát xuất từ lương tâm trong sạch và từ tâm tình tạ ơn liên tục đối với những ơn lành của Thiên Chúa, ngay cả giữa  những thử thách đau thương ngổn ngang ngàn nỗi. Đặc tính vui tươi của đạo Chúa được thể hiện hàng tuần vào mỗi ngày Chúa nhật, khi mọi người được mời gọi rời bỏ những vất vả nhọc nhằn của công việc và những lo toan vật chất để nô nức tiến về nhà thờ, trước sự kinh ngạc của những anh chị em lương dân, để trút nhẹ gánh lo âu cho Thiên Chúa và cùng nhau dâng lời ca tiếng hát để tạ ơn Ngài vì những ơn lành Ngài đã ban trong suốt một tuần qua. Thánh lễ kết thúc, họ hân hoan ra về chia sẻ niềm vui với những người chung quanh, cũng như tiếp tục tìm thấy niềm vui trong những việc thiện họ làm, đặc biệt trong việc thể hiện lòng thương xót đối với những người đau khổ sầu buồn.

Hằng ngày chúng ta có biết bao cơ hội để làm những việc thiện đại loại như thế, và chắc chắn những việc như thế sẽ để lại trong tâm hồn chúng ta những niềm vui không có gì sánh bằng và cũng không có gì có thể lấy mất được. Đó chính là niềm vui của lòng thương xót được thể hiện qua việc chia cơm sẻ áo mà thánh Gioan Tẩy Giả đã nói đến. Đó cũng là những việc chúng ta nên làm trong Mùa Vọng này để có thể hưởng trọn vẹn niềm vui Giáng Sinh sắp đến, vì Ngôi Hai Thiên Chúa sinh xuống trần gian trong cảnh khó nghèo, và bất cứ những gì tốt đẹp chúng ta làm cho một người đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta, tức là chúng ta làm cho chính Chúa.

Niềm vui cũng phát sinh từ tâm tình thống hối chân thật. Mùa Vọng mời gọi chúng ta  hoán cải và trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được hưởng được niềm vui ơn cứu độ, tức là niềm vui của chính Chúa được thông ban cho chúng ta qua ơn tha thứ. Quả thế, trong tông sắc Dung mạo lòng thương xót, số 9, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy "Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt khi Ngài tha thứ", như thánh Luca đã mô tả qua 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu của đứa con hoang đàng (x. Lc 15,1-32).

Để mọi người có thể tận hưởng niềm vui của ơn tha thứ này, ngoài những cử hành bí tích hòa giải để ban ơn tha thứ tội lỗi, Giáo Hội còn mở rộng kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa để ban ơn toàn xá cho các tín hữu, nhờ đó mọi hậu quả xấu xa do tội lỗi để lại nơi con người chúng ta đều được xóa bỏ. Với tâm tình cảm tạ và niềm tin sâu xa vào ơn sủng của Thiên Chúa, trong suốt Năm Thánh này mỗi người chúng ta hãy ra sức thực hiện những gì Giáo Hội chỉ dạy để xứng đáng vui hưởng mọi ân huệ Chúa ban.

 

Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 Tags: giảng lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay11,318
  • Tháng hiện tại529,913
  • Tổng lượt truy cập28,845,282

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây