Các bài suy niệm lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ

Thứ sáu - 24/11/2017 03:30

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN (CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ)– A

Lời Chúa: Ed. 34, 11-12.15-17; 1Cr. 15, 20-26.28; Mt. 25, 31-46

 

1. VỊ THẨM PHÁN NHÂN TỪ VÀ CÔNG MINH

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Quyền lực là một cám dỗ có ma lực ghê gớm đối với con người ở mọi thời đại, vì nó đem cho người ta nhiều bổng lộc, giúp họ vinh thân phì gia. Trong xã hội Việt Nam của chúng ta, những tham vọng quyền lực đã và đang làm nghèo đất nước và gây bức xúc cho người dân. Nhiều người tìm cách đút lót hối lộ để được vào guồng máy lãnh đạo của nhà nước, thậm chí vào Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia (Thông tin trên một số trang mạng điện tử, trong đó có BBC, cho thấy bà Châu Thị Thu Nga khai đã đút lót 30 tỷ để được làm đại biểu Quốc hội). Trong bối cảnh này, tôn vinh Đức Giêsu với tước hiệu “Vua” dễ làm cho người đương thời hiểu sai về sứ vụ của Người. Chính Chúa đã nói với quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Đức Giêsu là Vua vũ trụ, nhưng là vị Vua đến để phục vụ con người và đem cho họ sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Là Thiên Chúa quyền năng, Đức Giêsu cũng là vị thẩm phán nhân từ và công minh. Người sẽ xét xử nhân loại về hành vi và đời sống của họ, vào lúc tận cùng của thời gian.
 
Vị thẩm phán này không chỉ xuất hiện vào thời tận thế, nhưng Người luôn đồng hành với con người trong hành trình dương thế. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với Dân riêng Ngài đã chọn. Những chi tiết được nêu giúp chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của một người mẹ, luôn hiểu thấu tình trạng của mỗi người con trong những đứa con của mình. Chúa Giêsu đến trần gian đã thực hiện những gì Cựu ước đã loan báo. Người tuyên bố, Người là Mục tử nhân lành. Người chăm sóc các tội nhân, chữa lành những người bệnh, giúp những người bị gạt ra bên lề trở lại hòa nhập cuộc sống xã hội. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc.  Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa. Chúa Giêsu đã thể hiện vương quyền của người không phải để thống trị, nhưng để yêu thương và phục vụ con người. Chúa cũng khẳng định: Người không đến trần gian để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu rỗi con người. Trọn vẹn cuộc sống và nhất là cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh điều đó. Chúa chấp nhận sự chết để cho con người được sống. Người chấp nhận đau khổ để con người được hạnh phúc. Đó là vương quyền đích thực của Người. Vương quyền này, hoàn toàn khác với vương quyền thế gian.
 
Một cách đặc biệt, vương quyền của Đức Giêsu thể hiện qua cuộc phán xét cuối cùng, hay còn gọi là phán xét chung. Đó là ngày tận thế, khi vũ trụ này sẽ qua đi, nhường chỗ cho trời mới đất mới.  Lúc đó, hậu vận tương lai của mỗi người cũng được quyết định. Chính Chúa Giêsu đã diễn tả cuộc phán xét chung, với những chi tiết cụ thể và dễ hiểu. Hình ảnh cuộc phán xét chung cũng là câu trả lời cho biết bao vấn nạn được đặt ra về sự công bằng, về đời sống thánh hiện hoặc gian ác, về sự sống bên kia sự chết. Vị Vua của ngày phán xét chung  là vị thẩm phán nhân từ nhưng cũng rất công minh. Người sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Tác giả Tin Mừng nói đến sự ngạc nhiên của những người có mặt trong phiên tòa, cả những người tốt cũng như người xấu, khi họ thấy Chúa tự đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, tù đày, đau yếu, cơ nhỡ… Thì ra ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công lao lẫy lừng chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến  cách chúng ta đối xử với anh chị em mình.
 
Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của một vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giêsu là Vua muôn loài (Bài đọc II).

Là người tín hữu, chúng ta thuộc về đàn chiên của Chúa. Đây là một trong những hình ảnh thường được dùng để diễn tả Giáo Hội. Tuy vậy, so sánh nào cũng khập khiễng. Hình ảnh “con chiên” dễ gây hiểu lầm, vừa coi giáo dân như những người mù quáng  mê muội phục quyền, vừa tạo cho người tín hữu lối sống thụ động, thiếu cộng tác tích cực trong việc xây dựng và điều hành cộng đoàn. Ơn gọi Kitô hữu trao trách nhiệm cho chúng ta cộng tác phần mình làm cho vương quyền của Đức Kitô lan tỏa trên thế gian này.
 
Sống trên đời, đừng quên sẽ có ngày phải đứng trước tòa phán xét. Hình ảnh phán xét sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, để không phải hổ thẹn, và nhất là không bị kết án trầm luân trước vị Thẩm phán nhân từ và công minh là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta.

 

 

2. VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU

Tgm. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào?

2- Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không?

3- Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không?

4- Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào? Có trở thành vương quốc của Chúa được không?

 

3. CHÚA GIÊSU LÀ VUA

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Tước hiệu Chúa Kitô là Vua được được thánh Gioan diễn tả khi Chúa Giêsu xác nhận danh tánh Ngài trước mặt Philatô khi Ông này cứ gạn hỏi Chúa :” Vậy Ông là Vua sao ? “ ( Ga 19, 37 ). Đức Giêsu đáp :” Chính Ngài nói rằng tôi là Vua.Tôi đã sinh ra và đến thế gian vì điều này : đó là để làm chứng cho sự thật.Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi “ ( Ga 19. 37 ). Hôm nay, mừng lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng ta chiêm ngưỡng Vị Vua Trời Đất đã sống hiền lành và khiêm nhượng. Vị Vua khiêm nhu đã cưỡi lừa đi vào Giêrusalem để chịu chết theo ý Thiên Chúa Cha.

Philatô thực tế đã nghe nói về Chúa Giêsu rất nhiều.Ông cảm phục Chúa vì nghe thiên hạ, dân chúng nói về những điều kỳ diệu, tính hiền lành, khiêm nhường của Ngài, do đó, Ông rất ngạc nhiên khi người ta vu cáo Chúa, tuy nhiên vì hèn yếu, vì danh vọng, vì sợ mất ngôi, Ông đã không dám can thiệp, tha cho Chúa dù Ông được Ngài xác định :” Nước của Chúa không thuộc thế gian này “ và chức vị Vua của Chúa cũng chỉ là chức vị thiêng liêng, thuộc thiên giới chứ không thuộc hạ giới. Vua là Vua thiêng liêng. Philatô đã dựa vào những lời tố cáo của dân cho rằng Chúa tự xưng là Vua theo nghĩa chính trị. Và chỉ có nghĩa này, dân chúng và Philatô mới có thể bắt giữ Chúa Giêsu, kết án Chúa Giêsu mà thôi. Mặc dầu Chúa Giêsu đã hai lần quả quyết “ Nước tôi không thuộc thế gian này “ và Ngài còn nhấn mạnh :” Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái “ ( Ga 18, 36 ). Khi nói lên điều đó, Chúa Giêsu muốn cho Philatô hiểu :” Quan tổng trấn đừng sợ “. Chúa không dành giật chức vị của ai vì Chúa đến để “ Phục vụ chứ không phải được phục vụ, được hầu hạ “.

Theo thánh Gioan:” Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian mà thuộc thiên giới. Nước của Chúa hoàn toàn thiêng liêng, không thuộc xác thịt mà thuộc thần khí. Chính vì thế. Chúa Giêsu xác định, quả quyết rằng Ngài không có gì đối kháng với đế quốc Roma. “ Của Cêsarê trả cho Cêsarê. Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa “. Vương quyền của Thiên Chúa hoàn toàn linh thiêng. Chúa Giêsu không bao giờ lấn quyền, hay có ý chiếm quyền của Philatô hay các Vị lãnh đạo thế trần lúc đó ! Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trên thập giá :” Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “ ( Ga 12, 32 ). Chính trên thập giá, Ngài mới tỏ rõ uy quyền của Ngài là Vua. Chúa Giêsu là Vua hiền từ, khiêm nhượng, Vị Vua từ khước vinh quang trần thế, Vua hy sinh, tự hiến ( Philip 2, 1tt…).

Philatô biết rõ sự thật :” Chúa hoàn toàn vô tội “, nhưng Ông vẫn truyền đưa Chúa Giêsu đi và đánh đòn Người “ ( Ga 19, 1 ). Philatô cũng đã cho viết dòng chữ đóng trên thập giá :” Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái “ ( Ga 19, 19 ).

Ca nhập lễ lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ viết :” Con chiên đã bị giết.Nay xứng đáng lãnh nhận thần tính và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang. Kính dâng Người vinh dự và quyền năng đến muôn thuở muôn đời “ (Kh 5,12; 1, 6 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ.Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi ken chúc tụng ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ ).

Đức Thánh Cha Pio XI đã thiết lập lễ mừng kính Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ hằng năm.

Gợi ý để chia sẻ :

1. Tại sao Philatô lại gạn hỏi :” Chúa Giêsu có phải là Vua không?”.
2. Tước hiệu Vua của Chúa Giêsu có nghĩa gì ?
3. Tại sao Philatô lại hỏi sự thật là gì ?
4. Vương quốc của Chúa Giêsu ở đâu ?


 

4. GIÊSU VUA TÌNH YÊU

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua Tình Yêu và là Chúa chúng ta. Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Hôm nay, Vị Vua ấy nói với chúng ta về cuộc phán xét tình yêu. Khi sử dụng ẩn dụ chiên – dê, Người cho chúng ta thấy rằng đây sẽ là cuộc phán xét về tình yêu.

Chỉ có tình yêu là điều đáng kể, nên thánh Ignatiô Loyola chiêm niệm để đạt được tình yêu, và ngài khuyên chúng ta cần phải đặt tình yêu vào trong lời nói và việc làm của mỗi người. Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: ” Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với” (Mt 25,34-36). Hơn nữa, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Cuộc phán xét tình yêu, đưa chúng ta trở về với thực tại chân đặt trên đất, đầu ngẩng lên nghe Chúa Kitô phán xét. Vương triều của Chúa Kitô rất khác với chuyên quyền trần thế, bởi tình yêu là tiếng nói cuối cùng còn tồn tại.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa của vương quốc hay quyền lực là để phục vụ người khác. Người khẳng định rằng Người là Chúa, là Thầy (Ga 13,13), và là Vua (Ga18,37), nhưng Người đã thi hành chức năng Thầy của mình bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4 ), và trao ban mạng sống mình. Chúa là Vua cai trị bằng sự khiêm nhường nằm trong (máng cỏ!) và bước lên ngai vàng là Cây Thập Giá.

Trên Thánh Giá có một bảng chữ viết rằng : “Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19), cái bên ngoài khẳng định mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu cai trị trên cây Thánh Giá và phán xét chúng ta bằng tình yêu, như thánh Gioan Thánh Giá đã nói:  “Anh chị em sẽ bị xét xử về tình Yêu“.

Câu hỏi được đặt ra : Vua Tình Yêu phán xét thế nào ? Khi Chúa Giêsu giáng lâm, tất cả mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt để Người xét xử. Tiêu chuẩn là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chính người tuyên án: “Mỗi lần các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta” (Mt 25, 40.45). Vì thế, cái gì sẽ xảy ra cho những kẻ không những không cho kẻ đói ăn, mà còn cướp lương thực khỏi họ; không những không tiếp rước khách lạ, mà còn là nguyên nhân làm cho người khác trở nên khách lạ.

Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình.

Ai trong chúng ta cũng muốn vào Vương Quốc ấy. Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng.

Để được vào, chúng ta phải phấn đấu. Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dân cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.

Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là: tình yêu, chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.

Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tinh, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng : “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Mt 25, 34).

Chắc một điều là Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2Tim 4,8), thì Người sẽ là Ðấng Cứu độ và là vinh quang. Còn khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa trong ngày sau hết.   

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, là Vua trên hết các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn với cả tình yêu, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, xin dâng Chúa quyền lực, vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.


 

5. VƯƠNG QUYỀN TÌNH YÊU

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tình yêu quan trọng hơn bao giờ hết khi được trao vương quyền. Tình yêu đủ lớn, đủ mạnh, mới thấy được những điều cần thiết để kiến tạo cho những người được trao cho dưới quyền và cho một lãnh thổ an sinh, an vui, hạnh phúc. Rất khó có một tình yêu đủ lớn như vậy, nếu thiếu ý thức điều Chúa Giêsu nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.” (Ga 19, 11)

Một trái tim hiểu biết và yêu thương

Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phan xi cô nói: “Khi con người không cảm thấy mình được yêu thương, thì họ có nguy cơ bị sa lầy vào “sự nô lệ gớm ghê” là tin rằng tình yêu chỉ dựa trên sắc diện bề ngoài hay khả năng xứng đáng. Hãy thử tưởng tượng xem trong một thế giới có tất cả mọi người đều nài xin cho có những lý do để thu hút sự chú ý của người khác, và không một ai muốn yêu một người khác cách nhưng không. Dường như đây là một thế giới của nhân lọai, nhưng thực ra đây là hỏa ngục.”.

Được hiểu biết và được yêu thương là nhu cầu của mọi người, đặc biệt những người chẳng được ai quan tâm. Để yêu thương đủ đã là một điều khó, vì yêu thương luôn quy về cái tôi của mình.

Tình yêu là tự đóng đinh.

Chúa Giêsu là mẫu gương cho tình yêu tự đóng đinh. Thánh Phaolô nói về tình yêu đó là một tình yêu tự hạ: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6 – 7). Khiêm nhường là bài học cần luyện tập luôn, đó là một đức tính dẫn đường đến khôn ngoan, Wanter Scott viết: “Cái đầu tỉnh táo, trái tim trung thực, tinh thần khiêm nhường là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng”.

Tình yêu chia sẻ

Hành vi tình yêu trao đi vì nhận biết mình là người “đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (Mt 20, 28). Con người sống với, sống cho và sống vì người khác. Khi đến trong trần gian này, mọi người đã thụ hưởng biết bao điều tốt đẹp do những người đi trước cống hiến. Chúa dạy: “Nhận nhưng không hãy trao đi nhưng không” (Mt 10, 8).

Tình yêu mời gọi sống thanh bần, (Ngày thế giới người nghèo)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi, một đời sống trở nên cho mọi người: “Chúng ta đừng quên rằng, đối với các môn đệ của Đức Ki-tô, thanh bần trước tiên là một ơn gọi theo Đức Giê-su nghèo. Đó là việc bước theo ngài và cùng với ngài, một hành trình dẫn đến hạnh phúc Nước Trời (x. Mt 5,3; Lc 6,20). Thanh bần có nghĩa là một con tim khiêm tốn biết đón nhận thân phận thụ tạo, giới hạn và tội lỗi của mình, để vượt thắng cám dỗ, một thứ cám dỗ cho rằng mình toàn năng và bất tử. Thanh bần là thái độ của tâm hồn ngăn cản ta nghĩ đến tiền bạc, con đường công danh sự nghiệp sang trọng như mục đích cuộc sống và là điều kiện để đạt được hạnh phúc. Đúng hơn chính thanh bần tạo ra những điều kiện để tự do, lãnh nhận trách nhiệm bản thân và xã hội, mặc dù mình có những giới hạn, tín thác vào sự gần gũi của Thiên Chúa và được ơn thánh của Chúa nâng đỡ. Hiểu theo nghĩa đó, thanh bần là thước đo giúp đánh giá và sử dụng đúng đắn những của cải vật chất và sống các liên hệ và tình cảm mà không ích kỷ và chiếm hữu (x. GLCG, các số 25-45).” (Thông điệp ngày thế giới người nghèo, số 5)

Vương quyền thiếu vắng tình yêu hướng về xây dượng công bình, bác ái, yêu thương là vương quyền của bạo lực, của sự dữ. Cần có tình yêu đích thực để thực thi vương quyền vì quyền được trao là để phục vụ và hiến dâng mạng sống như lời mời gọi của Chúa.


 

6. VỊ VUA TUYỆT VỜI

Anna Cỏ may

Mấy ai trong chúng ta thích làm người thấp bé bởi ai cũng muốn mình được người khác tôn trọng cả. Vì thế, hầu hết chúng ta đều có tham vọng được làm lớn.

Trong một lớp học, cô giáo hỏi học trò:

– Ước mơ của con là gì?

– Dạ, thưa cô, con muốn làm phi công. Con muốn làm bác sĩ. Con sẽ làm chú công an. Con sẽ làm ông vua.

Các học sinh thi nhau trả lời.

-Sao con lại thích làm ông vua?

Thưa cô, làm vua con sẽ có nhiều người hầu, có người bảo vệ, được ăn uống thỏa thích ạ. Con sẽ không bị ai ăn hiếp. Con muốn làm gì thì làm ạ.

Quả đúng như em học sinh nói. Ngày hôm nay, một ông vua chỉ có quyền hành trong một đất nước mà thôi. Có một vị vua luôn được thần dân ca tụng, ngợi khen, cảm tạ mỗi ngày, đó là Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn loài. Ngài là vua nhưng luôn sống trong sự vâng phục Chúa Cha. Ngài từ bỏ ngai vàng, quyền bính xuống sống cùng nhân loại, Ngài mang lấy những gánh nặng và đau khổ của nhân loại, Ngài xoa dịu những đau khổ để mang tình yêu và niềm vui đến cho nhân loại. Danh hiệu vua dân Do Thái của Ngài được mọi người biết đến nhờ ba nhà đạo sĩ Phương Đông. Họ đã tìm đến Vua Hêrôđê và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh hiện đang ở đâu” (Mt 2,2). Từ đó, tiếng Người được lan rộng. Qủa thực, một con người ngay trước mặt họ là người nghèo khổ, sinh ra trong một gia đình thất thế, thì làm sao dân chúng tin được đó là vua, dù Ngài đã làm nhiều phép lạ. Nhưng đều quan trọng là từ nơi nơi Ngài, mọi người đã tìm được hạnh phúc và tình yêu. Bởi vị Vua này chỉ hằng mong cho dân Người được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Ngài là Vua nhưng lại không ở trong lâu đài nguy nga; không mặc lụa là gấm vóc; không dùng quyền uy để ra lệnh. Trái lại, Ngài là vua của sự nghèo hèn và khiêm hạ. Ngoài Ngài ra, không có vị vua nào tuyệt vời hơn cả.

Vua thế gian ngày ngày ngồi trong cung, nghe những lời cáo kiện của muôn dân. Còn Vua Giêsu đi khắp đó đây, để hòa nhập vào cuộc sống của mỗi người. Người phán xét thật công minh, chân thật dựa vào công đức của mỗi người. Ngài cũng không thiên vị một ai, vì tất cả mỗi người là con cái của Ngài. Trong ngày phán xét, Ngài sẽ tách biệt chúng ta như đàn chiên và dê. Mọi người cũng sẽ bất ngờ về điều ngài nói (Mt 25,34 -36). Người sẽ làm những việc mà vua thế gian không làm được. Thánh Raymonđo Pênhapho đã nói với một tu sĩ khi nhà vua cấm mọi tàu thuyền không được phép chở ngài rằng: “Một vua trần thế cản đường, thì vua trên trời sẽ mở lối chúng ta đi”. Với niềm tin ấy, ngài đã cởi áo ngoài trải ra trên mặt biển, cắm cây gậy làm cột và cuốn một góc làm buồm mà đi. Thế là ngài đã cập bến an toàn. Cũng chính phép lạ ấy đã cải hóa được nhà vua trở lại với lương tâm. Vâng, Đức Giêsu, Ngài là vua vừa nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình thương xót và luôn làm phép lạ cho những ai tin vào Ngài. Chúng ta hãy vui lên vì chúng ta có một Đức Vua tuyệt vời và luôn tuyệt vời.

Hoan hô Vua Kitô. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con hưởng vinh quang, niềm vui của Ngài. Xin Chúa hãy tiếp tục cho chúng con không ngừng làm công tử, công chúa và hiền thê của Ngài. Amen.


 

7. ĐỔ ĐẦY TÌNH YÊU

Bông hồng nhỏ

Xế chiều, cơn mưa bất ngờ chợt đến đùa nghịch với hàng cây bên đường. Dòng người cũng hối hả chạy xe thật nhanh để trở về nhà. Cây cối hồ hởi đón những hạt mưa mát rượi nhưng con người lại đang cố che thật kín để tránh mưa. Bên vỉa hè, có bà cụ quẩy gánh hàng rong đang vội vã bước thật nhanh cho hàng kẻo ướt. Đang vội vã nhưng vừa trông thấy một người ăn xin đang nép mình thu lu trong mái hiên của một quán nhỏ đã đóng cửa, bà ghé vào lấy từ trong gánh hàng của mình một bọc bánh nhỏ trao cho người ăn xin.

– Cám ơn bà!

– Ơn nghĩa gì. Có chút, bà ăn cho đỡ đói. Tôi nghèo nên cũng chỉ có bấy nhiêu thôi.

Hai người đàn bà cùng khổ nhìn nhau nở nụ cười hạnh phúc.

Trong cảnh khốn cùng, người ta thương nhau, chia sẻ cho nhau những gì mình có. Có lẽ, từ trong cái khổ của mình, phần nào người ta cũng hiểu được cái khổ của người khác?

Hôm nay, Thầy Giêsu cũng đề cao giá trị về lòng nhân ái của mỗi người đối với tha nhân. Trong ngày cánh chung, Thiên Chúa sẽ xét xử mỗi người không theo việc lạ họ đã làm nhưng theo lòng nhân ái họ đã dành cho tha nhân. Có những lần ta quan tâm tới người bên cạnh và thật sự ta đã nhận được niềm vui. Họ đã biết ơn ta, ta cũng muốn tiếp tục giúp đỡ họ. Nhìn thấy một em bé phải vất vả mưa sinh trong khi những bạn cùng trang lứa được tung tăng đến trường, ta cũng chạnh lòng. Ta mua cho em một tờ vé số. Có lần, ta đã bỏ tiền cho người hành khất bên vệ đường. Ta đã dìu một bà cụ qua đường. Nhiều lắm những lần ta đã giúp đỡ những người bên cạnh ta nhưng nhiều khi ta đâu ý thức rằng, họ là hình ảnh của Chúa. Ta đã giúp đỡ họ bởi con tim ta được thúc đẩy và lòng nhân ái trong ta không cho phép ta từ chối giúp đỡ họ.

Thế nhưng, cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp. Chính trong bản thân ta cũng luôn có những sự giằng co giữa việc giúp đỡ người khác hay mặc kệ họ. Đã không ít lần ta phớt lờ, không giúp đỡ họ. Ta quá bận rộn với chính những nỗi bận tâm riêng. Làm sao có thời gian cho họ? Những khó khăn của họ có ảnh hưởng gì đến ta đâu. Ta cũng khổ quá rồi mà chẳng có ai quan tâm ta cả. Nghĩ đến bản thân, ta cũng đáng thương lắm chứ. Quả là niềm vui nhận được khi giúp đỡ một người cho ta một kinh nghiệm đáng quý nhưng đâu là động lực giúp ta tiếp tục nâng đỡ những người bên cạnh ta? Chỉ vì ích kỷ, ta đã không tra tay giúp đỡ họ khi có thể. Ta không ý thức rằng, chính họ là anh em của ta, họ là hình ảnh của Chúa. Chỉ khi nhận ra rằng, giúp đỡ họ cũng là làm cho chính Chúa thì ta mới đủ tình yêu để thực hiện những điều vượt quá giới hạn của con tim ta. Cũng chỉ vì ta không ở trong hoàn cảnh của họ, ta không hiểu được những gì họ phải trải qua, những khó khăn họ phải đối mặt. Nhiều khi ta đã khuyên răn họ nhiều điều vì muốn tốt cho họ nhưng lại chẳng giúp họ những gì họ thật sự cần thiết. Ta không lưu tâm đến họ nên không biết các nhu cầu của họ. Thật tội nghiệp, ta đã đẩy mình vào một ngõ cụt và chẳng thể ngờ, một ngày kia ta sẽ phải trả lẽ về những gì đã làm.

Vừa lên đến cầu thang, ta bắt gặp một người đang khiêng đồ nặng, ta cũng mệt quá rồi nên đi vội lên phòng. Nào ngờ, vừa mở cửa thì ta nghe có tiếng động dưới chân cầu thang. Chỉ vì ta không nhạy bén giúp người ấy một tay mà họ bị té. Nhìn xuống, ta thấy có người đang giúp nên lại thôi. Đêm về, nằm trên giường, mệt mỏi lắm nhưng ta chẳng thể nào chợp mắt được. Lời cứ vang vọng trong ta, chất vấn ta: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45). Ta ước gì có thể trở lại ngay lúc ấy để giúp họ. Lòng ta hối hận. Ta tạ ơn Chúa đã cho ta có cơ hội để nhìn lại. Ta quyết tâm ngày mai sẽ mang lại niềm vui cho một người nào đó mà ta gặp. Ta sẽ ghé thăm người bạn lúc chiều bị té.

Có người bảo rằng: “Tôi tạo phúc thì tôi hưởng, ông ấy tạo nghiệp thì ông ấy khổ. Thế thôi.” Mới nghe qua, ta thấy cũng đúng nhưng ngẫm kỹ lại ta thấy có điều gì đó không ổn. Cái phúc và cái họa mà mỗi người tạo ra đều có thể ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng lại chẳng hề đơn độc một mình. Bởi, tình liên đới đòi hỏi con người sống có trách nhiệm với nhau. Giống như lúc chiều, nếu ta nhanh chóng phụ người ấy một tay thì có thể họ đâu bị té. Khi ta giúp đỡ một người là ta mang lại niềm vui cho họ, ta quan tâm đến họ và tôn trọng họ. Dù là một người nghèo, họ cũng có những điều đáng quý trọng mà ta phải học hỏi.

Chúa Giêsu là Vua, một vị vua của Tình yêu. người đã bày tỏ vương quyền của mình bằng tình yêu dâng hiến, một vị vua khiêm nhường phục vụ, tự khiêm tự hạ. Ngài là mẫu gương cho muôn người trong muôn thế hệ. Là thần dân của Ngài, ta cũng phải sống tinh thần yêu thương tha nhân bằng một trái tim tự hiến, một tâm hồn biết khiêm nhường phục vụ. Vì đây là khả năng Chúa ban, nên ta hãy nài xin Chúa cho ta sống được tinh thần ấy.

Lạy Chúa! Chúa đã dạy con rằng, những người bên cạnh con, họ là anh em của con, hơn hết họ là hình ảnh của Chúa. Chúa vẫn mời gọi con yêu thương họ. Chúa biết rằng, khả năng yêu thương của con có giới hạn. Xin Chúa mỗi ngày đổ đầy tình yêu trong trái tim con để con có thể yêu cả những người mà con không ưa. Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng, mỗi lần con làm một điều tốt lành cho những người bên cạnh là con đang làm cho chính Chúa, để đến ngày ra trước tòa Chúa, con cũng được chung phần hạnh phúc với Chúa. Amen.


 

8. NGƯỜI CÔNG DÂN ĐẦU TIÊN TRONG VƯƠNG QUỐC VUA KITÔ

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Vua Vũ Trụ đã từng mong được người ta thương xót…

 Khi đọc đoạn Tin Mừng về ‘cuộc phán xét chung’, ấn tượng đầu tiên mà tôi có là: đi đạo chẳng có ích gì, bởi vì khi ‘tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê’ thì Vua Vũ Trụ đâu có áp dụng tiêu chuẩn tôn giáo nào đâu; vì thế đi đạo hay không cũng như nhau thôi. Cũng vậy khi Người phán: ‘hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn’ thì đâu chỉ dành cho những người đã được rửa tội, những người năng lãnh nhận các phép bí tích! Tiêu chuẩn Người áp dụng có vẻ quá đời thường, quá nhân bản…, phần nào có vẻ quá thực dụng chủ nghĩa nữa là khác, đến độ cả anh chị em không Ki-tô hữu (non-Christians) cũng dễ dàng đạt được; đó là sống yêu thương, sống từ nhân với hết mọi người. Các Phật Tử chẳng hạn có lẽ còn thực thi ‘từ bi xả hỉ’ hơn cả người Công giáo, các đồng chí đồng đội ngoài chiến trường còn đùm bọc nhau keo sơn hơn cả các tu sĩ trong một cộng đoàn. Nếu đã như thế thì, làm Ki-tô hữu được Phúc Âm dạy bảo, được các Bí Tích đỡ nâng, được các luật lệ, luân lý chở che… thực tế sẽ mang lại lợi ích gì cho tôi trong ngày Đức Vua đến xét xử trần gian?

Ấn tượng tiếp theo là Đức Vua này quá chủ quan! Người xét xử không căn cứ theo một bộ luật nào mà Người đã ban hành, trong đó có cả luật ‘mến Chúa yêu người’ vẫn thường được coi là quan trọng hơn hết. Luật pháp phải khách quan, nhất là khi xét xử, để cứ theo đó mà áp dụng công bằng cho mọi người. Đàng này tiêu chuẩn Đức Vua dùng để xét xử lại chỉ qui hướng trực tiếp về cá nhân Người mà thôi: “vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han”. Khi đặt các lời trên vào miệng Quan Án, hình như Đức Giê-su muốn cho thấy: chính Đức Vua vinh quang từ lâu vẫn hằng chờ mong để được mọi người thương xót và gia ân. Như vậy, được chúc phúc hay bị nguyền rủa đều dựa trên một tiêu chuẩn chung nhất, đó là lòng nhân ái mà mỗi người có trong tương quan thuận hay nghịch với một Đức Vua hằng xót thương tha thứ, đồng thời chính Người cũng đang chờ đợi để được mọi người thương xót.

Nếu chập hai yếu tố trên lại với nhau, tôi mới thoáng phát hiện ra nét độc đáo và siêu việt của ơn gọi Ki-tô hữu, ơn gọi mà tôi đã được diễm phúc tiếp nhận! Nhiều người không phải là Ki-tô hữu, chưa hề biết gì về Đức Vua hằng thương xót và hay tha thứ, nhưng vô hình chung lại thường xuyên đi vào tương quan thuận với ‘vị Vua dấu mặt’ đang chờ đợi được xót thương: “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù…?” Đức Giê-su cho thấy rõ, như thế là đã quá đủ để tạo một tương quan thuận với Thiên Chúa tình yêu và khao khát tình yêu; “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy”. Lúc này, tôi thành thực chúc mừng các anh chị em chưa được biết Chúa, vì thật may mắn cho anh chị em biết mấy! Nhưng, nếu anh chị chỉ mới giữ có một vế (làm mà không biết) mà đã được như thế, thì huống hồ chi Ki-tô hữu chúng tôi, nếu giữ được cả hai vế (làm và biết) thì thật còn may mắn biết bao; Ki-tô hữu chúng tôi mới là những người duy nhất trên trần gian này được diễm phúc có được cả hai vế ‘biết và làm’ để tiến vào tương quan cá vị sâu đậm nhất với Đức Vua xót thương và chờ đợi được thương xót. Nhờ đức tin, mà ngay từ ngày lãnh phép rửa tội, chúng tôi đã nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái và yêu thương; rồi trong suốt quá trình sống đời Ki-tô hữu, nhất là khi lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt bí tích Hòa Giải, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu là dịp để cảm nghiệm được lòng từ ái của Đức Vua; Lời của Vua hằng thôi thúc chúng tôi diễn đạt tương quan với Người bằng đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ. Tiêu chuẩn sống của chúng tôi không còn là một điều luật khách quan ‘kính Chúa yêu người’, mà đã trở thành một tương quan nhân vị mới, cho dầu theo cách nói quen thuộc của người Do Thái, Đức Giê-su gọi đó là ‘Điều răn mới’, “là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Do đó không một ai trong chúng tôi sẽ còn dám lên tiếng: “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói…” vì chúng tôi đã có muôn ngàn dịp để nhận ra và cảm nghiệm Đức Vua yêu thương, cũng như chúng tôi thừa biết rằng: Đức Vua chúng tôi tôn thờ lại rất khao khát được hồi ân, được chúng tôi đáp lại bằng mến thương, đặc biệt qua các hành động nhân hậu đối với các người anh em. Do đó khi gặp lại Đức Vua quang lâm, các Ki-tô hữu chúng tôi sẽ phải là những người trước hết “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21:28), vì chúng tôi biết chắc rằng: mình đứng bên phải trong số các kẻ “được Cha Ta chúc phúc”.

Lạy Đức Vua Vũ Trụ, Vua tình yêu và xót thương, cảm tạ Đức Vua đã cho con cơ hội tuyệt vời để nhận biết con được Người thương xót, đồng thời Người cũng khao khát được con thương xót lại. Chớ gì chương trình sống Ki-tô của con chỉ đơn giản là nhận biết mình được xót thương để rồi cố gắng đáp trả bằng thương xót tha nhân. Xin cho mọi người, không phân biệt lương giáo, biết cùng nhau ban phát lòng xót thương Chúa hằng khao khát, nhờ chính các Ki-tô hữu chúng con nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, và nhắc nhở cho mọi người rằng: có một Đức Vua yêu mến và xót thương hết thảy mọi người, đang chờ nhận được lòng thương xót. A-men 


 

9. VUA MỤC TỬ

Lm. Văn Hào

 “Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển, như một mục tử” (Mt 25,31-32).

Những công trình nghệ thuật và văn chương cổ điển, như những bức họa của Michelangelo tại đền thờ Sixtine hay của họa sĩ Dante, rất cuốn hút người xem với những cảnh vẽ về ngày phán xét sau cùng. Sự pha trộn  những nét tương phản được diễn tả rất sống động, như sự đối kháng giữa thiên thần và quỷ dữ, giữa lửa và mây, giữa những con người vui sướng vì được cứu thoát và những kẻ bị chúc dữ đầy khiếp sợ. Các bức họa muốn diễn bày ý tưởng, là trong ngày chung thẩm, người tốt lành sẽ được ân thưởng, và kẻ gian ác sẽ bị luận phạt. Các họa sĩ cũng mô tả chân dung của Đấng phán xử như một vị Vua uy lực, đấng sẽ ra phán quuyết tối hậu về số phận của mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu. Những hình ảnh này chắc chắn làm an tâm những ai đang cố gắng sống ngay lành, tuy còn phải nỗ lực hoàn thiện, đồng thời cũng gợi nhắc những ai làm điều xấu phải cố gắng hoán cải để nên hoàn thiện hơn.

Hình ảnh một vị Vua thần thánh đầy uy quyền, công bố những phán quyết để xử phạt, hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương qua dáng dấp một vị mục tử nhân lành, mà bài đọc thứ nhất cũng như Thánh vịnh đáp ca hôm nay gợi tả. Dung mạo của Đấng Chăn Chiên nhân hậu luôn chăm sóc đoàn chiên, đi tìm kiếm các con chiên lạc, thu gom chúng về đàn để không bị tản mát, chữa trị những con bị đau yếu , dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi đầy ắp thức ăn bổ dưỡng, cho chúng thư thái nghỉ ngơi và được no khát nơi dòng suối trong – hoàn toàn đối nghịch với một Đấng uy quyền ngồi trên tòa cao ngất ngưởng để xét xử và ra những phán quyết nhằm nghiêm phạt. Trong Tin mừng Matthêu, nhiều lần Đức Giêsu đã nói với các  môn đệ hãy bắt chước Ngài, sao chép lại tình yêu mục tử giống như Ngài. Ngài chạnh lòng thương cảm trước đám đông như bầy chiên lang thang không người chăn dắt (Mt 9,36). Ngài sai các môn đệ đi “tìm các con chiên lạc nhà Israel (10,6). Ngài cũng khuyến mời các học trò hãy thực hành giống như Ngài, một người chăn chiên liều lĩnh, đã bỏ lại 99 con trên đồng vắng để đi kiếm tìm con chiên lạc mất (18, 10-14).

Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu dung hòa cả hai chiều kích xem ra có vẻ đối nghịch này, để khải thị chủ đề về cánh chung. Một đàng, là vào giờ phút chung thẩm sau hết, sự chọn lựa cuộc sống nơi mỗi người chúng ta mang tính chất quyết định và không thể thay đổi. Đàng khác, Đức Giêsu, đấng ngồi trên ngai phán xử lại là một Người Chăn Chiên giàu lòng nhân hậu. Đức Giêsu vừa là một Vị Vua uy quyền, ngự trên ngai tòa cao sang, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trên tất cả sinh linh, đồng thời, Ngài cũng là một mục tử hiền lành, rất mực bao dung và đầy lòng thương xót. Hình ảnh sống động nhất nơi dụ ngôn không phải là dung mạo một ông vua với vinh quang chói sáng theo quan điểm trần gian, nhưng là một Đức Vua cao cả được đồng hóa với khuôn mặt của những con người cùng khổ đang đói, đang khát, đang lang thang nơi đầu đường xó chợ, đang rét mướt trần trụi không manh áo che thân, đang quằn quại bi thương trong bệnh hoạn hay đang bị giam giữ chốn lao tù. Những con người khốn khổ này được đồng hóa với chính Đức Giêsu. Điệp khúc đó được lập đi lập lại bốn lần trong câu truyện dụ ngôn, như muốn làm vang lên những tiếng thét gào ai oán của những người khốn khổ nhất. Họ giống như những con chiên thương tích và ốm yếu trong đàn đang cần được chăm sóc. Những học trò của Đức Giêsu khi thực hành giáo huấn này, biết bày tỏ lòng thương cảm đến các cận nhân chung quanh, chính là họ đang hiển thị dung mạo yêu thương của Đức Giêsu – Vua Mục Tử, một  cách rõ nét nhất.

Trong Tin Mừng Gioan, quyền uy của Đấng chăn chiên hiện lộ  trong việc kết hợp thân tình giữa chủ chăn và đoàn chiên (10,14), khi người mục tử biết từng con chiên(10,3), và người chăn chiên hy sinh ngay cả mạng sống mình cho đoàn chiên (10,11). Đây là uy quyền được diễn bày bằng tình yêu, một thứ uy quyền được sẻ chia, được trao ban để đi vào lòng người, chứ không phải là một thứ uy lực đứng ngạo nghễ trên cao, chỉ để công bố những phán quyết trừng phạt  cách nghiêm khắc.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cảnh báo chúng ta. Đương nhiên, chúng ta không khiếp sợ trước một vị vua oai phong nghiêm trị các thần dân khi chúng ta sao lãng bổn phận do lơ là hay yếu đuối. Nhưng những ai vẫn ngoan cố đóng khép lòng mình lại, chối từ lòng thương xót của Đấng Chăn Chiên nhân hậu, chính họ đã tự chuốc lấy án phạt cho chính mình.

Mỗi người chúng ta có tự do để chọn lựa số phận muôn đời. Sự định đoạt đó tùy vào thái độ chúng ta hôm  nay có biết đón nhận hay khước từ tình yêu của Vị Chăn Chiên nhân hậu, đấng luôn yêu thương và muốn cứu độ chúng ta.

 

 

10. NGÀY CHUNG THẨM

Lm Carolo

  1. Vấn đề của câu 32: “Hết mọi dân”

Ít ra có hai lối giải thích câu này:

1/ Đây là tất cả mọi dân trên thế giới (Trilling, Feuillet, Jeremias, J.Broer…).

2/ Đây chỉ là những dân tộc nào đã được loan báo Tin Mừng và đã thành Kitô hữu. (J.R. Michaels, A.Descamps…).

  Lối giải thích 1 hợp lý hơn, vì thuật ngữ ta ethuê mà Mt quen dùng có nghĩa là tất cả mọi dân tộc. Chẳng hạn hãy xem Mt 4,15   6,32  24,9-14  28,19. Các Tin Mừng nhất lãm khác cũng dùng thuật ngữ này với ý nghĩa đó, xem Mc 13,10; Lc 24,27…

  Có phải những dân ấy đã được loan báo Tin Mừng hết chăng? Một số nhà chú giải nghĩ như vậy, vì họ đưa vào Mt 24,14 “Tin Mừng Nước Chúa sẽ được loan báo khắp thế gian… rồi khi ấy mới là ngày cung tận”. Légasse dựa vào câu trên nên cho rằng tới ngày chung thẩm thì tất cả mọi dân tộc đã được loan báo Tin Mừng. tuy nhiên Mt không có ý nói thế, Mt chỉ có ý nói rằng Tin Mừng được loan báo khắp nơi thôi. Do đó dù cho tất cả mọi dân đều đã được loan báo Tin mừng, nhưng không nhất thiết từng người được nghe Tin Mừng. Vì thế có thể là tới ngày chung thẩm, dân tộc nào cũng có những người đã nghe Tin Mừng và cũng còn nhiều người chưa nghe.

  1. Vấn đề của câu 40: Những kẻ bé mọn

1- Nhiều nhà chú giải cho rằng “Những kẻ bé mọn” là các môn đệ của Đức Kitô, hay rỏ hơn nữa, đí là “những môn đệ có sứ mạng rao giảng Tin Mừng”; Họ nghĩ như xậy vì những lý do sau:

  a/ Trong Tin Mừng Mt mỗi lần nói tới “Những kẻ bé mọn” thì đều có nghĩa là các môn đệ

  b/ Mt (không giống như Lc) không mấy quan tâm đến những người nghèo nàn khổ sở, do đó không nên hiểu thuật ngữ trên ám chỉ giới nghèo khổ.

  c/ Giả sử thuật ngữ “hết mọi dân” có nghĩa là những dân đã được nghe Tin Mừngm thì phải hiểu “những kẻ bé mọn” là những môn đệ rao giảng Tin Mừng ấy

  d/ Trong Mt 10,42, Đức Giêsu xem sự đón tiếp dành cho các môn đệ cũng là dành cho chính Ngài.

2- Nhưng nhiều nhà chú giải khác muốn hiểu “những kẻ bé mọn” là nói chung về tất cả những người lâm cảnh nghèo khổ. Họ trả lời cho những lập luận của nhóm một ở trên như sau:

a) Đành rằng Mt thường dùng thuật ngữ này đẻ chỉ các môn đệ. Nhưng tất cả đền trong những huấn từ Đức Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ.

b) Hẳn nhiên là Mt không quan tâm như Lc đối với những người nghèo khổ. Nhưng như thế không có nghĩa là Mt hoàn toàn bỏ quên họ đến nỗi không có lần nào nói tới họ. Ngoài ra cần nhớ rằng Lc viết cho lương dân nên phải nhấn mạnh tới những việc phục vụ người nghèo khổ, cìn Mt viết cho người do thái vốn đã được chỉ dạy giúp đỡ người nghèo khổ rồi, không cần lập lại nhiều. (Hãy xem những giáo huấn của các ngôn sứ).

c) Về lạp luận (c) trước tiên phải chứng minh thuật ngữ “hết mọi dân” là những dân đã nghe Tin Mừng, rồi sau đó mới suy ra “những kẻ bé mọn” là các môn đệ được. Mà như đã trình bày ở phần I, ta kông thể hiểu “hết mọi dân” chỉ là những dân được nghe Tin Mừng.

d) Trong Mt 10,42 Đức Giêsu có đồng hóa “những kẻ bé mọn” với các môn đệ Ngài, nhưng cũng có thêm “trong tư cách họ là môn đệ”. Cũng thế trong Mt 18,5 Ngài nói đến việc tiếp rước “những kẻ bé mọn” “vì Danh Thầy”. Còn trong dụ ngôn ngày chung thẩm, không có thêm những chữ như trên.

  Ngoài ra còn vấn nạn này nữa: Nếu Đức Kitô đang phán xét các dân về thái độ họ tiếp rước các môn đệ, tại sao Ngài chỉ dựa vào tiêu chuẩn vật chất, mà lại không theo các tiêu chuẩn khác hợp lý hơn, chẳng hạn có lắng nghe Lời Giảng hay không, có đức tin không, có nhận Phép Rửa không?

  Thêm một vấn nạn nữa: Nếu xem “những kẻ bé mọn” là tất cả mọi người khốn khổ, bất kỳ họ có là môn đệ Đức Giêsu hay không thì cuộc phán xét của Đức Giêsu mới hợp lý. Tất cả những ai (môn đệ Đức Giêsu hay không) nếu gặp một người khốn khổ (môn đệ hay không) mà rat ay cứu giúp thì sẽ được thưởng, còn ngược lại thì sẽ bị phạt. Có như vậy mới là chung thẩm, nghĩ là cuộc phán xét tất cả mọi người.

  1. Các chi tiết khác

c 32 – “Tách chiên ra khỏi dê”: ở Palestina các mục tử dẫn một đoàn trong đó có chiên và dê lẫn lộn nhau. Đến tối họ mới tách riêng ra. Lý do là chiên thì quý hơn, tách riêng để coi chừng cẩn thận hơn; hơn nữa, chiên có nhiều lông nên để riêng, dê ít lông phải để riêng ở chỗ ấm áp hơn.

c 37 – Không phải những người lành đã quên những sự giúp đỡ đối với kẻ khốn khổ mà thực là họ không biết rằng kẻ khốn khổ là hiện thân của Đức Giêsu Kitô. Ý nghĩa trọn vẹn của việc lành họ làm chỉ được hiện rõ vào giờ cuối cùng, Tư tưởng này phù hợp với quan điểm chung của Mt (Mt 6,4: “Còn ngươi, Đấng thấu suốt cõi thầm kín sẽ trả công cho ngươi”).

40-45 – hãy chú ý động từ làm được xử dụng 4 lần. Đức Giêsu nói bằng tiếng Aram. Động từ “abad” vừa có nghĩa là làm, vừa có nghĩa phục vụ (faire – servir)

c 46 – Trong văn chương khải huyền do thái, hình phạt được dành cho những dân ngoại, những kẻ thù của Israel. Cón ở đây hình phạt khủng khiếp được dành cho những người không thể hiện lòng bác ái yêu thương. Đây cũng phù hợp với quan niệm chung của Mt (xem các chương 24-25).


 

11. VUA GIÊSU, VỊ THẨM PHÁN

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu.

1. Ngọn núi Corcovado và núi Tao Phùng

Dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio Brazil, tôi đi hành hương lên ngọn núi Corcovado cao 704m, kính viếng bức tượng Cristo Redentor – Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Vua dang tay đứng trên đỉnh núi cao.

Có loại xe lửa nhỏ khoảng 30 chỗ ngồi đưa du khách lên núi theo đường ray. Cũng có một đường xe hơi chạy lên núi theo hình xoắn ốc, đây cũng là đường bộ cho những ai thích leo núi.Năm 1985, Francisco Passos và Tegesra Suris xây dựng tuyến đường sắt thông đến núi Corcovado.

Lên đến trạm cuối, chúng tôi đi thang máy lên chỉ cách đỉnh núi khoảng 100m và tiếp tục đi bộ khoảng 120 bậc thang là đến chân tượng Chúa.

Từ đỉnh cao phóng tầm mắt nhìn thành phố Rio de Janeiro tuyệt đẹp. Tôi dành nhiều thời giờ để ngắm trời mây cảnh vật và chụp hình lưu niệm; đặc biệt chiêm ngắm tượng Chúa Cứu Thế là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới. Bức tương màu trắng thiên nhiên hướng nhìn về phía ngọn núi Zuckerhut – Sugarload.

Bức tượng Chúa Giêsu Vua là một đài kỷ niệm trên đỉnh ngọn núi Corcovado ở phía Nam thành phố. Bức tượng được dự định xây dựng để kỷ niệm 100 năm độc lập của nước Brazil do Kỹ sư kiến thiết Heitor da Silva Costa người Brazil phác họa vẽ mẫu. Bức tượng được khởi công thi hành năm 1922, nhưng gặp trở ngại vấn đề tài chánh nên việc thi hành kéo dài suốt 10 năm. Sau khi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp cùng trợ giúp cho dự án, công trình được hoàn thành, và khánh thành ngày 12.10.1931.

Bức tượng Chúa Giêsu cao 30 mét, chân đế cao 8 mét, đủ chỗ chứa cho 150 người vào trú ẩn trong tượng. Hai cánh tay Chúa Giêsu dang ra rộng 28 mét. Bức tượng nặng 1.145 tấn. Đầu và hai tay Chúa Giêsu do nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski làm ở Paris. Bức tượng làm bằng vật liệu bêtông cốt sắt theo từng phần ráp nối lại, và được kết bên ngoài bằng những viên đá dát theo kiểu Mosaic.

Năm 2006 dịp mừng kỷ niệm bức tượng được 75 năm, Giáo Hội đã chính thức nâng nơi đây thành nơi hành hương kính viếng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Đứng nơi ngọn núi Corcovado, tôi nhớ đến Tượng Kitô Vua (Tao Phùng) ở Vũng tàu. Với chiều dài 500m đi lên khoảng 1.000 bậc thang. Tượng được xây dựng 1974, do điêu khắc gia Văn Nhân và 50 thợ lành nghề thực hiện. Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; được đặt trên bệ khối chạm hình Tiệc ly. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Trong lòng tượng có thể chứa 100 người cùng một lúc. So với tượng Kitô Vua ở Rio de Janeiro ở Brazil thì tượng ở Vũng Tàu cao hơn 2 mét.Tượng Chúa ở Brazil đứng trên đỉnh núi Corcovado cao hơn 704 mét so với mực nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 170 mét của núi Nhỏ. Bệ tượng ở Brazil cao 8 mét, còn bệ tượng ở Vũng Tàu chỉ cao 4 mét.

Núi Corcovado hay núi Tao Phùng, nơi Chúa Giêsu Vua giang đôi tay ôm trọn nhân loại trong tình thương cứu rỗi.Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của người Mục Tử.

Chúa Giêsu là Vua Mục Tử Nhân Lành. Ngài tụ họp những con chiên bị phân tán, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa lành chiên bị đau ốm, chăn dắt chăm sóc đoàn chiên theo đường công chính (Bài đọc I). Ngài tuyên bố : “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta”(Ga 10,10); “Ta đến để cho chiên Ta được sống và được sống dồi dào. Chính Ta là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì chiên”. Vua Mục Tử thiết lập Vương Quốc Tình Thương. Vị Vua ấy đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn nghèo khổ : “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người thuộc vương quốc của Ngài là chính những hành động của tình thương. Vua Giêsu làm Thẩm phán xét xử mỗi người theo tiêu chuẩn của tình thương.

2. Vua Giêsu, vị Thẩm phán

Để diễn tả vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh đặc biệt. Năm A với bài Tin Mừng Matthêu (25,31-46), đề cao Vua Giêsu như vị Thẩm phán xét xử muôn loài. Năm B với bài Tin Mừng Gioan (18,33-37), một cái nhìn thần học về uy quyền của Vua Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể đến để làm chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại và chờ đợi con người đáp lại tình yêu ấy bằng cách tin vào Đấng được sai đến. Năm C với bài Tin Mừng Luca (23,35-43) trình bày Vua Giêsu hiển trị từ trên thập giá. Ngai vàng là thập giá, vương miện là mão gai. Vua Giêsu tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Ngài không là vị Vua Cứu Độ bảo đảm cho con người ta những sự thiện hảo thế tạm. Ngài chẳng giải thoát ngay cả chính bản thân Ngài khỏi cái chết thảm thương trên thập giá. Ngài cũng chẳng hứa sẽ giải thoát con người khỏi bệnh tật hay đói nghèo. Quyền bính của Ngài là ơn cứu độ và sự sống trong Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Ngài đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.

Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

3. Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân

Thánh Matthêu tường thuật quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử, mọi người tốt xấu, lành dữ đều có mặt và được xét xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để xét xử là tình yêu mỗi người thực hiện cho tha nhân.

Nội dung cuộc xét xử thật bất ngờ.Đấng Thẩm Phán chỉ xét hỏi người ta về tình thương. Một tình thương cụ thể được chứng tỏ bằng việc làm thiết thực đối với những con người bằng xương bằng thịt “Cho kẻ đói được ăn, cho kẻ được khát uống, viếng thăm kẻ bệnh tật và tù đày, tiếp rước khách lạ bơ vơ…”. Điều bất ngờ hơn nữa chính là lời Đức Kitô tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ bé nhỏ là các ngươi làm cho chính Ta”. Những người bị xét xử đều nhất loạt thắc mắc: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát, rách rưới, bệnh tật, bị cầm tù hay là khách lạ đâu?”. Mặc cho người tốt kẽ xấu thắc mắc, lời Chúa dạy thật rõ ràng: người khốn khổ bất cứ dưới hình thức nào đều là hiện thân của Chúa. Ngài tự đồng hóa mình với họ. Vậy thì rõ ràng mọi việc chúng ta làm vì tình thương đối với đồng loại đều là việc đạo đức.Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, việc làm chứ không phải lời nói hay cái gì khác quyết định chúng ta thuộc chiên hay dê.

Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ. Chúa trong nhà thờ và Chúa ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau. Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng hiện diện thực sự trong mỗi một con người.

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Ngôi Lời Thiên Chúa đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị chỉ trích lại trừ, bị hành hạ và chết treo trên Thập giá. Vì thế, Ngài đã kinh qua mọi khổ đau và cái chết trong thân phận con người, Ngài cảm thông với hết thảy mọi người. Chúa bảo rằng, những ai cho người đói khát một ly nước, một chén cơm là họ cho Chúa ăn uống. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo là họ đã cho Ngài mặc áo. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian là họ đã cho Chúa trọ nhà… Điều vĩ đại trong Phúc Âm về ngày Phán xét đó là giá trị những việc nhỏ bé hàng ngày của tình yêu thương. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc công dân Nước Thiên Chúa.Tình yêu là “thẻ căn cước”của công dân Nước Trời. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực và sống động. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.

Nếu Chúa Giêsu chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: “Show, but don’t tell!”: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

Trong ngày sau cùng, khi Vua Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?
Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá”. (Mt 7,24). 

Lạy Chúa Giêsu, nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều mà Chúa đề cao: mỗi lần giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác…đó là chúng con làm cho chính Chúa, xin cho chúng con luôn biết thực hành đức ái trong đời sống hàng ngày. Amen.


 

12. THẨM PHÁN NHÂN HẬU

Trầm Thiên Thu

Thẩm phán là người có quyền xét xử tại một phiên tòa, cũng gọi là quan tòa. Tại một số quốc gia, quyền hạn của thẩm phán được chia sẻ với bồi thẩm đoàn hoặc hội thẩm. Tòa án cũng có nhiều cấp khác nhau, cao nhất là tòa án tối cao.

Thiên Chúa Cha không xét xử ai, mà Ngài trao mọi quyền xét xử cho Thiên Chúa Con (x. Ga 5:22). Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã từng minh định với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Chúa Giêsu là Vua của các vua, là Chúa của các chúa, nhưng Ngài không là Vua như người ta tưởng, bởi vì chính Ngài đã xác định với ông Philatô rằng Vương Quốc của Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18:36), tức là thuộc về Cõi Trời, nơi mà phàm nhân không hề biết, không phải như cung trăng hoặc một nơi xa lạ nào đó mà thiên văn học đã phát hiện.

Như chúng ta biết, xã hội trần gian được phân chia thành năm châu lục, mỗi châu lục gồm nhiều quốc gia. Trong mỗi quốc gia có một vị đứng đầu với quyền tối thượng, gọi là nguyên thủ quốc gia. Tùy thời mà người ta gọi vị đó bằng các danh từ khác nhau: Chúa Thượng, Hoàng Thượng, Hoàng Đế, Vua, Nữ Hoàng, Quốc Vương, Quốc Trưởng, Tổng Thống,… Các nước cộng sản gọi vị đó là Chủ Tịch. Riêng Công giáo gọi vị đó là Giáo Hoàng.

Người ta có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Nguyên thủ quốc gia cũng chỉ tạm thời chứ không vĩnh viễn, kể cả quyền lực, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh viễn, thường tồn, bất biến, và có quyền tối thượng, kể cả “quyền ném vào hoả ngục” (Lc 12:5; x. Mt 10:28). Khi bị thế lực trần gian áp chế, Chúa Giêsu vẫn thẳng thắn nói với Philatô là người có toàn quyền trong tay: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19:11). Quyền xét xử của Philatô chỉ trong thời điểm đó, có quyền vì còn chức, tạm thời thôi.

Xét về từ ngữ và ý nghĩa, trong Hán tự có chữ 王 [wáng], nghĩa là vương (vua). Về chiết tự, ba “gạch ngang” tượng trưng cho Thiên – Nhân – Địa, và được nối kết bằng một “gạch đứng”, ý nói “vua là người nối kết trời, đất và con người”. Ý nghĩa thật thâm sâu, và với ý nghĩa này thì vua phải là người cao thượng, thế nhưng người ta thường lạm quyền thái quá. Chỉ là vua trần gian mà còn là “mối liên kết” như vậy thì huống chi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Vương của vũ trụ.

Gần gũi với chữ 王 (vương) là chữ 主 [Zhǔ], nghĩa là “Chủ” hoặc “Chúa”, viết giống như chữ Vương nhưng có thêm “ngọn lửa” ở trên: Chúa cũng là vua nhưng có đức độ, gần gũi với con người, đốm lửa trên đầu Ngài là ánh sáng soi sáng cuộc đời chúng ta, thúc bách chúng ta đi theo Ngài, và đó là ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Hán tự là chữ tượng hình mà hàm súc thâm thúy quá!

Vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, Chúa Giêsu là Đệ Nhất Thiên Vương, thế nhưng Ngài lại hạ mình đến tận cùng vì yêu thương các thần dân. Thật là quá đỗi lạ lùng, Ngài là Vua của các vua và là Chúa của các chúa nhưng lại hoàn toàn trái ngược với các vua chúa trần gian, vì Ngài là Vua-đa-không: KHÔNG ngai, KHÔNG đăng quang, KHÔNG vương miện, KHÔNG vương trượng, KHÔNG long bào, KHÔNG quần thần, KHÔNG dinh thự, KHÔNG văn phòng làm việc, KHÔNG nghi thức, KHÔNG thiết triều,… Thậm chí Ngài còn SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, rồi CHẾT trên đồi hoang. Tại sao vậy? Câu trả lời được chính Chúa Giêsu xác định với Tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Tuy nhiên, Ngài lại có quyền tối thượng: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử. Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người” (Ga 5:22, 26-27).

NHÂN HẬU và KHIÊM NHƯỜNG

Vua chúa trần gian tự nhận là Thiên Tử, là Con Trời, hét ra lửa, và có trọn quyền sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Khủng khiếp quá! Còn Chúa Giêsu khác hẳn, khi Philatô hỏi Ngài có phải là vua không, Ngài thản nhiên trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Vua Giêsu luôn chạnh lòng thương, luôn động lòng trắc ẩn, giàu lòng thương xót, đến thế gian để cứu những gì đã mất, và Ngài đưa ra lời khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Là Thiên Vương và cũng là Thẩm Phán Tối Thượng nhưng Chúa Giêsu lại vô cùng hiền lành, nhân hậu, từ tâm. Ngài là Quan Tòa khiêm nhường và nhân ái.

Quả thật, chính Đức Chúa là Chúa Thượng đã tuyên phán: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt” (Ed 34:11-12). Ngay khi chúng ta tưởng mình cô đơn thì Ngài vẫn đang hiện diện ở bên chúng ta. Khi cuộc đời chúng ta êm trôi, Ngài đồng hành với chúng ta; khi cuộc đời chúng ta như lâm vào ngõ cụt, Ngài không chỉ đồng hành mà Ngài còn vác chúng ta trên vai để chúng ta được an toàn. Thực sự là vậy, nhưng vì phàm nhân yếu đuối, thế nên chúng ta đã từng có những lúc bị dao động, chao đảo!

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tuyên phán rạch ròi: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê” (Ed 34:15-17). Chắc chắn Ngài không “bỏ qua” bất cứ ai, đặc biệt là người nào càng bất hạnh thì càng được Ngài thương xót và chăm sóc nhiều hơn. Thật vậy, Ngài không so đo hơn thua, chấp nhận bỏ lại 99 con chiên béo tốt để rong ruổi tìm kiếm cho được MỘT con chiên xấu xí, ốm yếu, hôi tanh (x. Mt 18:12-14; Lc 15:4-7).

Tìm kiếm trong số các vua chúa trần gian, nếu không là “hàng hiếm” thì cũng chẳng thấy nhiều người vì dân, vì nước, đích thân vi hành để biết dân tình ra sao. Mấy ai được như Hoàng đế Khang Hi (Kangxi, 1654-1722) đời nhà Thanh của Trung Hoa? Ông là vị vua thật tốt lành, thương dân suốt hơn 60 năm trị quốc. Có bao giờ Tổng thống đến khu dân cư nghèo để thấy sinh hoạt cực khổ của người dân? Đến nơi nào thì chỉ ở “trung tâm” rồi tiệc tùng, và nghe “báo cáo”, liệu có bao nhiêu phần trăm trung thực? Bởi vậy, người dân mới thở dài rồi nói: “Ôi dào! Làm láo, báo cáo hay!”. Quan trên, quan dưới vô vàn – Ít quan thật tốt, nhiều quan tham tàn! Tuy ít nhưng có những người đáng nể phục là cố TT G.B. Ngô Đình Diệm, và một số tổng thống của Hoa Kỳ, đó là sự thật mang tính lịch sử, không thể chối cãi.

Cấp nào cũng đa dạng. Ở cấp thấp hơn cũng chẳng khá hơn, tỉnh trưởng hoặc quận trưởng, trong số đó có bao nhiêu người thật lòng muốn biết nỗi niềm của người dân? Rồi giám mục hoặc linh mục, trong số đó có bao nhiêu người tận tình đến thăm giáo dân để hiểu được nỗi lòng của họ, cả đời thường lẫn tâm linh? Có thực sự tìm chiên lạc, chiên yếu, chiên bệnh, hay chỉ thân với chiên béo? Có chức nên có quyền, họ đủ lý lẽ biện hộ, khó mà thản nhiên trả lời ngay. ĐGH Phanxicô cũng thường thẳng thắn dám nói tới những điều “nhạy bén” tương tự như vậy, chắc hẳn nhiều người cũng cảm thấy “dị ứng” lắm!

Phải chân nhận rằng thực sự ấn tượng với Đức cố GM Jean Cassaigne (1895-1973), người ta thường thân thương gọi ngài là Cha Sanh, nhà truyền giáo của dân tộc Kơ Ho, chết vì lây bệnh cùi tại Trại Phong Di Linh, được mệnh danh là Tông Đồ Người Cùi. Khi còn là Giám mục của GP Saigon, ngài thường dùng chiếc xe vespa cọc cạch đi thăm dân chúng vùng Chợ Lớn. Một người Pháp mà quên mình, dấn thân và hòa nhập với người Việt Nam, đặc biệt là những người dân tộc và các bệnh nhân phong cùi. Không yêu thương làm sao sống được vậy? Đó là phong cách của thánh nhân!

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Cuộc sống thật nhiêu khê, biết nhiều thì khổ nhiều, thấy nhiều thì chán nhiều, nghe nhiều thì “nóng gáy” nhiều: Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn; càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (Gv 1:18). Làm ngơ thì người ta nói mình “sợ”, nói ra thì người ta “không ưa”. Thẳng thắn sẽ “va chạm”, chỉ khổ mình, nhưng không thể làm ngơ, ai nhát đảm thì dễ “vào hùa” lắm. May mà có Chúa là Bến Yêu Thương cho chúng ta trú ẩn. Thánh Vịnh gia chia sẻ cảm nghiệm tâm linh: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3). Ước gì mỗi chúng ta đều khả dĩ trải nghiệm đức tin tuyệt vời như vậy!

Cái gì cũng cần khổ luyện. Đức tin cũng vậy, phải được tôi luyện trong nhiều nỗi gian truân hoặc đoạn trường thì mới có thể dần dần trở nên “tinh ròng”, và lúc đó chúng ta mới có thể xác tín: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23:4-5). Thánh Vịnh gia chia sẻ thêm: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:6). Hạnh phúc quá! Nhưng hạnh phúc đó không thể cứ sống tà tà mà có được. Vâng, Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), Ngài không bao giờ “chợp mắt ngủ quên” hoặc nỡ lòng để mặc chúng ta lâm vào ngõ cụt. Tại sao? Vì bản chất của Ngài là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), mà tình yêu là bất tử.

HẰNG HỮU và HẰNG SINH

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu là Vua, là Đệ Nhất Thiên Vương, nhưng không phải là Phú Vương mà là Hàn Vương: SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, rồi CHẾT trên đồi hoang. Ngài là Vua mà cuộc sống như vậy, làm sao chúng ta có thể sống khác Ngài?

Và có điều đặc biệt: Chúa Giêsu LÀ Vua của người sống chứ KHÔNG LÀ Vua của kẻ chết. Thật vậy, dù Ngài bị người ta ghen ghét “tới bến” và đã giết Ngài chết thê thảm, nhưng Ngài đã từ cõi chết sống lại, cai trị cả Tử thần (x. 1 Cr 15:25), và trở thành Vua Hằng Sinh. Thánh Phaolô nói chi tiết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:20-24).

Chúa Giêsu là Vua Hằng Hữu và Hằng Sinh, nhưng Ngài đã chịu đau khổ tột cùng, thế nên Ngài có toàn quyền. Hoàn toàn hợp lý. Thánh Phaolô cho biết: “Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1 Cr 15:25-27). Đức Kitô là chính Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa, mà Chúa Cha với Chúa Con chỉ là MỘT mà thôi: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15:28).

Vào thời quân chủ ngày xưa, vua cho sống thì được sống, vua bảo chết thì phải chết, không muốn cũng phải tuân lệnh, bất tuân là bất trung. Chính cái chết minh chứng lòng thành của tôi trung. Đã từng có những trung thần đã dám xin được chết để minh chứng lòng trung thành với vua. Còn nữa, người ta không được phép nhìn mặt vua và phải tránh những chữ có “liên quan” nhà vua, phải đọc “trại” đi (trường – tràng, sinh – sanh,…), thậm chí muốn tâu bẩm cũng không được tâu thẳng với vua, mà chỉ được tâu “cái bệ rồng” của vua ngồi mà thôi: “Muôn tâu bệ hạ”. Ui da! Cái ghế vua ngồi còn đáng giá hơn thần dân. Nhưng với Vua Giêsu, không sợ “phạm húy”, Ngài cho phép chúng ta cứ thân thưa thẳng thắn: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con! Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài!”.

Chúa Giêsu là Vua nhưng Ngài không hề được tiền hô hậu ủng, không hề xa giá, chỉ một lần duy nhất được tung hô vạn tuế khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem trước dịp Lễ Quá Hải (Vượt Qua), thế nhưng chỉ vài ngày sau là họ lật mặt nhanh hơn trở bàn tay: “Đóng đinh nó vào Thập Giá” (Mt 27:22-23; Mc 15:13-14; Lc 23:21; Ga 19:6; Ga 19:15). Lạy Chúa tôi! Chúng ta cũng chẳng hơn gì đâu!

Ròng rã suốt những năm tháng hoạt động mục vụ, hàng ngày Ngài đích thân rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của những người cùng đinh nhất, đặc biệt là Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của bất kỳ ai. Là vua, trong tay đầy quyền lực, nhưng Ngài đã thực hiện đúng như lời Ngài dạy người khác làm: “Ai làm lớn phải phục vụ”(Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Ngài không cậy quyền, không ỷ thế, nói và làm gì cũng dựa trên nền tảng yêu thương, ngôn hành luôn song song, thậm chí Ngài còn LÀM NHIỀU HƠN NÓI. Ngài không chỉ là Vua Nhân Lành, Vua Hằng Sinh, Vua Tình Yêu, Vua Thương Xót, mà Ngài còn là Vua Nhân Ái và Công Bình. Vô cùng may mắn khi chúng ta là thần dân của Vị Vua này. Deo gratias – Tạ ơn Thiên Chúa!

NHÂN ÁI và CÔNG BÌNH

Nhân ái và công bình là nền tảng vững chắc của cuộc sống. Tin Mừng hôm nay là trình thuật Mt 25:31-46, cho biết về cuộc tái lâm và cách xét xử của Chúa Giêsu – Thiên Vương Chí Thánh và Thẩm Phán Tối Thượng. Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh thực tế, gần gũi đời thường và dễ hiểu: Chiên và Dê. Chiên là loài động vật hiền, mỗi lần bị xén lông rất đau nhưng nó không hề kêu hoặc phản ứng và có hình dáng “dễ thương”; dê là loài động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “không bắt mắt”. Chiên là hình ảnh của Người Lành, dê là hình ảnh của Kẻ Dữ. Hai hình ảnh đối nghịch nhau!

Tuyệt đối vâng lời Chúa Cha, Chúa Giêsu đã bằng lòng chịu chết để cứu độ nhân loại, vì thế Ngài cũng có toàn quyền phân xử, nhưng hoàn toàn công minh chính trực và đầy tình xót thương. Khi Ngài đến thế gian lần thứ hai, Ngài được các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han” (Mt 25:34-37). Hạnh phúc thay cho những ai được Ngài cười và nói như vậy!

Khi nghe Ngài nói vậy, họ ngạc nhiên vì họ chưa một lần thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, là khách lạ mà tiếp rước, trần truồng mà cho mặc, đau yếu hoặc ngồi tù mà thăm viếng giúp đợ. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41).

Rồi Đức Vua nói với những người ở bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Tôi mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã không cho ăn; Tôi khát, quý vị đã không cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã không tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã không cho mặc; Tôi đau yếu và ngồi tù, quý vị đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:42-44).

Họ cũng ngạc nhiên và phân bua, nhưng Ngài nói thẳng: “Mỗi lần quý vị không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã không làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:46). Hết cách phân minh, họ đành lủi thủi ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Đó là công bình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt. Có điều lạ là không thấy Chúa đề cập tội này hay tội nọ, Ngài chỉ thẩm vấn HAI điều: Sử dụng vốn sống thế nào để sinh lời (Mt 25:14-30), và thực hành đức ái (Mt 25:31-46).

Ngài không thiên vị ai, không thể lấy cớ mình là “ông này” hoặc “bà nọ” để mong được “ưu tiên”. Có lẽ chúng ta nghe nhiều hóa nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa “vui tính”, thích đùa dai. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi hằng năm có nhiều vụ “thiên tai” nhưng người ta vẫn “bình chân như vại”, thích những “sự lạ” chứ không muốn hiểu “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị. Thiên tai hay nhân tai? Việt Nam cũng không ngoài danh sách. Cứng lòng hay tự mãn?

Nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều Chúa Giêsu đề cao: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác,… đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là tha nhân, là bất kỳ ai, dù không quen biết, thậm chí là kẻ thù. Thật tuyệt vời với cách suy luận của đại văn hào Victor Hugo: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay”. Một cách nhận định chứa đầy niềm tin Kitô giáo.

Lòng thương xót cũng chính là tình yêu thương, chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1), Ngài không phạt nhãn tiền vì Ngài nhẫn nại chờ đợi chúng ta sám hối, đợi chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài, điển hình là đến với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Không được tha thứ là tại chúng ta quá cố chấp mà thôi! Alfred Mortier nói: “Mọi người đều nói đến QUYỀN LỢI, không mấy ai nói đến BỔN PHẬN”. Thật vậy, chúng ta van xin Chúa ban “miễn phí” cho chúng ta đủ điều, nhưng lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né “cái khó” càng nhiều càng tốt. Mâu thuẫn. Vậy là chúng ta không công bằng với Chúa đấy!

Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, xin thương tha thứ, nâng đỡ, che chở, độ trì, soi sáng và hướng dẫn con trong Cung Đường Tình Yêu cao cả và tuyệt đối của Thiên Chúa. Lạy Thẩm Phán nhân hậu, xin dủ lòng thương xót con – kẻ tội lỗi khốn nạn. Con tín thác vào Ngài, Đấng Cứu Độ hằng sinh, đồng hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Thiên Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


 

13. SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU LÀ VUA

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Tin mừng Chúa nhật lễ Đức Giêsu Kitô vua vũ trụ trình bày ngày Chúa quang lâm, Người đến trong vinh quang để phán xét nhân loại. Khi ấy, Người sẽ thi hành quyền bính như một vị vua: “Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người và Người sẽ phân chia họ ra”. Người Do Thái quan niệm ngai uy linh chỉ dành cho Thuên Chúa để xác nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Ngài là vua tình thương. Ngày sau hết, Đức Giêsu chỉ xét xử chúng ta về giới luật yêu thương, bởi đạo Ngài thiết lập là đạo tình thương, đạo bác ái:

“Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn. Hãy yêu thương anh em như chính mình” (Mt 22, 37.39).

“Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 45).

Trong viễn cảnh ngày tận thế, ngày mà Đức Giêsu sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Tin mừng Matthêu đề cập tới vương quyền của Chúa Giêsu: Ngài là vua không như những vua chúa trần gian cai trị dân bằng sức mạnh của vũ khí, quyền lực, kinh tế, tiền bạc… Đức Giêsu cai trị bằng tình yêu, hy sinh và phục vụ. Đức Giêsu là vua tình thương: “Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 28). Vương quốc của Người gồm những người nghèo khó, cùng cực, đói khát, bị bỏ rơi, bị tù đày… Những ai săn sóc, phục vụ, giúp đỡ, an ủi những người bé nhỏ nghèo khổ thì thuộc về vương quốc của Đức Giêsu, là công dân của Nước Trời:

“Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta”

Như thế, Đưc Giêsu đã đồng hóa tình Chúa và tình người. Yêu Chúa là yêu người; yêu người là thước đo lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Trong hoạt cảnh ngày phán xét, thánh Matthêu muốn trình bày việc người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên là những người lành được hưởng hạnh phúc quê trời. Dê là những người bất lương sẽ bị luận phạt. Điều làm cho chúng ta vô cùng ngạc nhiên: Đã có những người không nhận ra điều này, là họ đang phục vụ Đức Kitô khi họ cho những người đói khát ăn uống, cho kẻ trần truồng mặc, đón tiếp khách lỡ đương, thăm viếng người đau yếu, tù đày… Cũng có nhiều người đã không nhận ra rằng, họ đã thực sự chểnh mảng không phục vụ Đức Giêsu Kitô, khi họ làm ngơ, vô cảm trước những nhu cầu của những người nghèo khổ (GLCG 2443). Chính khi chúng ta làm phước giúp đỡ những người nghèo khổ là làm cho chính Chúa. Chính khi chúng ta từ chối không giúp đỡ anh em là chúng ta đã từ chối không làm cho Chúa. Tất cả người lành, kẻ dữ đều ngạc nhiên nói: “Lạy Chúa, chúng con có bao giờ thấy Chúa đói khát, đau yếu hay ở tù…, mà chẳng giúp Chúa đâu…!”.

Tin mừng nói rất rõ người được cứu và người không được cứu, chiên và dê sẽ bị phân chia bởi tiêu chuẩn căn bản là tình thương, bác ái, chứ không dựa vào danh giá, chức vụ, địa vị trong xã hội. Những hoạt động từ thiện, những việc phục vụ tha nhân trong tình yêu sẽ có giá trị vĩnh cửu và đạt được hạnh phúc Nước Trời. Ngược lại, vô cảm, hờ hững trước những khổ đau của anh em là từ chối Thiên Chúa, phản bội Ngài… sẽ bị luận phạt.

Trong thế giới văn minh hôm nay với nền kinh tế thị trường, nền đạo đức đang xuống cấp trầm trọng trong gia đình, học đường và xã hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người xây dựng một nền văn minh tình thương, chống lại nền văn minh sự chết qua việc phục vụ tha nhân, công bằng, thực thi công lý, sống lương thiện.

Đứng trước nhu cầu của thế giới hôm nay với 80% dân số toàn cầu là thành phần nghèo. Theo báo cáo của Hội nghị Quốc tế về các trẻ em nghèo trên thế giới. Mỗi năm, có 14 triệu trẻ em chết oan uổng vì đói ăn, suy dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc về thuốc men. Hiện nay, một số nước ở Châu Phi đang chịu cảnh đói và thiếu lương thực (ở Somali…). Trong khi đó, thế giới dư thừa thực phẩm. Con người hôm nay sơ cứng, lãnh đạm, hờ hững trước những khổ đau của anh em mình.

Giáo hội luôn khẳng định vai trò của mình là tiếp nối sứ mạng cứu độ của Đức Kitô, luôn dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo, những kẻ bị bỏ rơi. Giáo hội không ngừng lên tiếng, kêu gọi, đấu tranh chống lại sự nghèo đói, bất công xã hội dưới mọi hình thức để động viên mọi người thực hiện một nền văn minh tình thương.


 

14. VUA VŨ TRỤ

Lm. Trần Việt Hùng

Con Người ngự đến vinh quang,

Thiên Thần hầu cận, cao sang tầng trời.

Muôn dân tập họp bên Người,

Phân chia phán xét, cuộc đời trần gian.

Chiên dê tách biệt trước nhan,

Chiên nằm bên hữu, Chúa ban phúc lành.

Cha Ta chúc phúc lòng thành,

Nước Trời gia nghiệp, thưởng dành các ngươi.

Vì xưa đói khát ở đời,

Cho ăn đãi uống, một thời vị tha.

Ta là khách lạ phương xa,

Rộng lòng tiếp đón, vào nhà trú chân.

Yếu đau bệnh họan cơ bần,

Viếng thăm chăm sóc, ân cần lo toan.

Tình thương đức ái khôn ngoan,

Chính Ta bé mọn, hân hoan đón chào.

Dê nằm bên trái tự cao,

Không thương, chẳng giúp, tự hào chủ quan.

Không thăm, thiếu viếng đa đoan,

Sống đời ích kỷ, bất toàn trí tâm.

Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ, Vua các Vua. Ngài ngự cao siêu trên mọi tầng trời, nhưng lại rất gần gũi với con người trần thế. Ngài là Chúa muôn loài trên tầng cao thẳm, nhưng lại hạ thế làm người. Một Thiên Chúa vừa cao cả vừa gần gũi. Chúa uy quyền để chúng ta kính bái tôn thờ và gần gũi để chúng ta gặp gỡ, tâm sự và hiệp thông.

Chúa Kitô là Vua không phải như các vị vua trần thế. Chúa không cần có giang sơn tổ quốc, quân quyền và không ngai vàng cùng kẻ hầu người hạ. Chúa là Vua của tâm hồn, Vua tình yêu. Ai biết yêu là thuộc về con dân của Nước Chúa. Nước của Chúa không có biên cương lãnh thổ, nhưng là nước trong tâm hồn con người.   

Chúa ở gần chúng ta đến nỗi chúng ta không nhận ra Ngài. Ngài hiện diên không đâu xa, mà nơi chính anh chị em chung quanh chúng ta. Ngài ẩn thân qua những người nghèo khổ, kẻ mồ côi góa bụa, người đói khát, kẻ tù đầy, người bệnh họan, kẻ tật nguyền, cô đơn và nơi những người không có nơi nương tựa. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài?   

Thật dễ và cũng thật khó để nhận diện ra Chúa Kitô. Ngài hiện diện trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng chúng ta đã rất nhiều lần ngoảnh mặt làm ngơ. Một câu chào hỏi cũng không. Một bát nước lạnh cũng từ chối. Một miếng bánh vụn không muốn chia xẻ. Một chiếc áo hay chiếc quần cũ cũng không muốn cho đi. Đôi khi chúng ta còn nhìn anh em bất hạnh với con mắt khinh thị, nghi ngờ và chối từ. Chúng ta sợ dơ dáy bẩn thỉu, sợ bị quấy rầy và còn sợ nhiều thứ khác… Chúng ta không muốn chia xẻ tình yêu với họ.   

Chính Vua Vũ Trụ lại ở bên những người bị ruồng rẫy bỏ rơi đó. Chúa mang thân phận nghèo đói của kẻ ăn xin. Chúa muốn chúng ta đón tiếp các anh em cùng khốn như là đón tiếp chính Chúa. Phần thưởng Chúa dành cho những ai biết chia sẻ tình yêu với họ. Chúng ta không phải đi đâu xa để tìm gặp Chúa. Chúa là Vua ngay trong lòng và ngay bên cạnh chúng ta. Hãy mở mắt tâm hồn để nhận diện ra Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là Vua của lòng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ tình nhân ái với những người cùng khốn đang hiện diện chung quanh chúng con. Chúng con biết rằng khi chúng con đón tiếp họ, là chúng con đang đón tiếp chính Chúa.


 

15. SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Tình cờ gặp lại người quen, tôi hỏi: bạn có hay về thăm cha mẹ không? Người ấy nói: chẳng có thời gian để về! Nhiều khi muốn về nhưng lại chẳng có điều kiện nên cũng đành nhớ nhung từ xa!

Có lẽ trong cuộc đời vì tất bật mưu sinh với miếng cơm manh áo, với danh vọng quyền lực mà ta đã lãng quên người thân. Đôi khi  giật mình vì mải miết làm ăn mà ta đã bỏ rơi gia đình, bạn bè và người thân.

Xã hội hôm nay là xã hội của công việc, khiến ai cũng bận rộn, ai cũng tất bật ngược xuôi nên dường như chẳng còn thời giờ ngó đến nhau, thăm nom nhau và cũng chẳng mấy ai quan tâm giúp đỡ nhau. Hàng xóm láng giềng nhiều nơi chẳng biết tên nhau. Cùng chung cư cũng xa cách nhau. Con cái chẳng mấy khi về thăm cha mẹ. Anh em có còn mấy ai đùm bọc và giúp đỡ nhau?

Xã hội hôm nay tình liên đới đã mai một. Cuộc sống chia sẻ ngọt bùi với nhau đang đi vào cổ tích. Giả sử có một phiên tòa xét xử vì tội sống thiếu tình liên đới có lẽ người người sẽ bị phạt, nhà nhà sẽ bị vạ như câu chuyện ngày xưa đã kể.

Chuyện kể rằng: Vào giữa thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ, tại một nơi nghèo nhất trong thành phố New York, có diễn ra vụ xét xử một phụ nữ ăn trộm bánh mì vì đói.

Quan tòa hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mì không?”.

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Đúng vậy! Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mì!”.

Quan tòa lại hỏi: “Động cơ ăn trộm bánh mì của bà là gì? Có phải vì đói khát không?”

“Đúng ạ!” Người phụ nữ ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn vị thẩm phán và nói: “Đúng là tôi đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình, con gái tôi thì bị bệnh, còn 2 đứa cháu nhỏ đang chết đói. Chúng đã mấy ngày hôm nay không được ăn rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ!”.

Vị thẩm phán thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà phải nộp phạt 10 đô la”.

Sau đó ông nói lớn:  “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt này. Ngoài ra tôi phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu.

Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung một Cha trên trời nên “tứ hải giai huynh đệ”, mà còn vì con người là “hình ảnh Thiên Chúa”. Chính Chúa đã tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ đó.

Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình? Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giê-ri-cô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn “người phú hộ và Lagiaro”. Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Chúa Giê-su là Vua, nhưng Ngài đã cúi mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người. Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời gọi chúng ta “ai muốn làm lớn hãy cúi mình phục vụ anh em”.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với lối sống của thế gian. Xin cho chúng ta luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám “thí mạng sống mình vì người mình yêu” và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen


 

16. CUỘC PHỎNG VẤN ĐỂ VÀO THIÊN ĐÀNG

Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Có người xem nước Mỹ như thiên đàng hạ giới và mong sao có thể đặt chân đến miền đất mơ ước này.

Ai muốn đạt nguyện vọng này thì phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp lên Tòa lãnh sự Mỹ và điều quan trọng nhất là liệu làm sao khi đến giờ phỏng vấn xin visa nhập cảnh, phải đối đáp cho hợp tình hợp lý để được nhân viên phỏng vấn của toà lãnh sự đồng ý cấp visa.

Đây là giờ phút quyết định và rất quan trọng. Vì thế, người xin phỏng vấn phải chuẩn bị những thứ cần thiết cho giờ phút quan trọng này và họ thường tìm hiểu trước xem nhân viên phỏng vấn của toà lãnh sự sẽ hỏi những câu gì để chuẩn bị câu trả lời cho thỏa đáng, hầu được cấp visa.

Mai đây mỗi người chúng ta cũng đều phải trải qua một cuộc phỏng vấn quan trọng hơn nhiều, không phải là phỏng vấn xin visa vào Mỹ mà là phỏng vấn để có visa vào thiên đàng, để được định cư vĩnh viễn trên thiên quốc.

Muốn có visa vào thiên đàng, chúng ta cũng phải qua một cuộc phỏng vấn mà nhân viên phỏng vấn là Chúa Giê-su.

Ai cũng muốn biết trước Chúa Giê-su sẽ hỏi mình câu gì, để chuẩn bị trả lời cho xác đáng, để được định cư trên cõi hạnh phúc đến muôn thuở muôn đời.

Chúa Giê-su là một người phỏng vấn đặc biệt có một không hai trên đời nầy. Ngài muốn cho tất cả những ai đi phỏng vấn đều được trúng tuyển nên Ngài cho biết những câu mà Ngài sẽ hỏi họ.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su truyền cho thư ký của Ngài là Mát-thêu viết ra những câu mà Ngài sẽ hỏi các ứng viên xin định cư trên nước Trời và thông báo rộng rãi cho mọi người khắp nơi được biết để chuẩn bị.

Mời cộng đoàn phụng vụ theo dõi kịch bản sau đây để biết nội dung các câu hỏi của Chúa Giê-su.

Hôm ấy, anh Mít và Xoài theo lịch hẹn, ra trình diện Chúa Giê-su để được phỏng vấn xin visa vào thiên đàng.

Thiên thần xướng tên: Mời Lu-ca Trần Văn Mít. Mít rất tự tin, hô lên: Có mặt, rồi đến trình diện Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su hỏi câu thứ nhất:

“Muốn được lên thiên đàng thì người ta phải làm gì?”

Mít mừng thầm vì gặp câu hỏi dễ, anh mau mắn trả: “Thưa, phải mến Chúa, yêu người.”

Chúa mỉm cười: “Chính xác!”

Chúa hỏi tiếp: “Lòng mến Chúa phải được thể hiện cách cụ thể trong sinh hoạt đời thường ra sao?”

Mít trả lời ngay: “Thưa, lòng mến Chúa phải được thể hiện cụ thể bằng việc yêu thương phục vụ những người chung quanh, đặc biệt là những người bất hạnh đang cần giúp đỡ.” 

Chúa Giê-su vui sướng vỗ đùi: “Tuyệt vời! Chính xác!”

Chúa lại hỏi câu thứ ba: “Vậy thì khi thấy người đói khát, con có cho họ ăn uống không?” Đến đây, Mít cúi đầu xấu hổ và ngập ngừng đáp: “Thưa không.”

Bấy giờ khuôn mặt Chúa Giê su trở nên đăm chiêu trầm mặc. Ngài buồn bã lắc đầu.

Rồi Chúa hỏi: “Khi thấy người đau ốm… con có thăm viếng, giúp đỡ họ không?”

Mít run run đáp: “Lạy Chúa, con chưa hề giúp đỡ ai.”

Bấy giờ bỗng nhiên Chúa Giê-su đùng đùng nổi giận, Ngài xua tay đuổi Mít đi và quát: “’Hỡi quân bị nguyền rủa kia, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng” (Mt 25,41).

Sau đó, thiên thần lại xướng tên: Mời Phê-rô Nguyễn Văn Xoài. Xoài đáp: “Có mặt” rồi tiến đến trước vị giám khảo uy nghi. 

Chúa hỏi câu thứ nhất: “Con có thăm viếng, chăm sóc người đau khổ, bệnh tật không?”

Xoài vui vẻ, đáp: “Thưa có.”

Lúc nầy, nét mặt Chúa trở nên tươi tắn hơn, nụ cười của Ngài rạng rỡ hơn, Ngài gật gù vui vẻ đáp lại: “Tốt, tốt lắm! Con ngoan của Ta.” 

Chúa tiếp: “Con có quan tâm, giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh không?” 

Xoài tỏ ra vui mừng và đáp: “Thưa có.” 

Bấy giờ Chúa Giê-su đứng lên, rời khỏi ngai toà, bước xuống ôm choàng lấy Xoài và lớn tiếng chúc mừng:  

“Nào hãy đến, con là người được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho con từ khi tạo dựng vũ trụ” (Mt 25, 34),  rồi Ngài ra lệnh cho ca đoàn thiên thần đàn hát tưng bừng, rước Xoài vào chính điện, trình diện với Thiên Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, với Mẹ Maria, với thánh cả Giu-se và toàn thể các thánh. Tất cả vỗ tay chào đón Xoài như một chiến sĩ thắng trận trở về.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa dạy chúng con biết muốn được lên thiên đàng hưởng phúc đời đời thì phải mến Chúa, yêu người và thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc chăm lo phục vụ cho những người bất hạnh chung quanh. 

Nguyện xin Chúa cho chúng con luôn ghi nhớ lời Chúa dạy và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày, nhờ đó, mai đây chúng con được Chúa đón vào quê trời hưởng phúc vinh quang.


 

17. VUA TÌNH YÊU

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Năm phụng vụ khởi đầu bằng mầu nhiệm nhập thể, và kết thúc bằng việc tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô. Qua đó, Hội Thánh dạy: Chúa Kitô không xa cách ta. Người có một cuộc đời chẳng khác ta. Chính trong cuộc đời ấy, Người làm Vua toàn cõi vũ trụ. Chính nhờ đi qua cuộc đời ấy, Người nắm giữ quyền bính đời đời.

Chúng ta cũng được sinh ra trong cuộc đời. Như Chúa Kitô, nhờ khởi đi từ cuộc đời, ta sẽ về cùng Thiên Chúa. Hãy sống như Chúa Kitô, để cùng Người ta hiển trị trong Nhà Cha của mình.

I.  NHẮC LẠI VƯƠNG QUYỀN CỦA VUA KITÔ.

Mặc dù lễ Chúa Kitô là Vua mới được Đức Thánh Cha Piô XI thiết lập năm 1925, nhằm hiến dâng thế giới và nền hòa bình của nhân loại cho Chúa Kitô. Nhưng vương quyền của Người đã được Hội Thánh tuyên xưng từ xa xưa.

Chẳng hạn, Trên ngọn một cây tháp dựng từ năm 1586 do hoàng đế Caligula, giữa quảng trường thánh Phêrô – Vatican, có khắc ba lời tuyên xưng: Christus vincit: Chúa Kitô toàn thắng; Christus regnat: Chúa Kitô hiển trị; Christus imperat: Chúa Kitô thống lãnh.

Vì thế, khi lập lễ tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô, Hội Thánh nhắc lại niềm xác tín của mình:

– Muôn đời, chỉ một mình Chúa Kitô là Vua toàn cõi vũ trụ. Người là Đức Vua toàn thắng. Người đã, đang và sẽ còn tiếp tục hiển trị và thống lãnh trên trời, dưới đất. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Ga 28, 18).

– Muôn đời, Chúa Kitô vượt trên thời gian. Chính vì thế, Chúa Kitô là Chủ thời gian. Mọi chiều kích lịch sử điều đặt dưới quyền thống lãnh của Người. Chỉ một mình Người nhận lãnh thánh ý Thiên Chúa để nắm quyền kết thúc thời gian: Thiên Chúa “đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10).

– Muôn đời Chúa Kitô là Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu. Trong thánh ý Thiên Chúa, một mình Chúa Kitô là Chủ thế giới nhân sinh. Như vậy, Người là Chủ của nhân loại, Chủ của lịch sử nhân loại, Chủ của vận mạng cả nhân loại. Bởi Thiên Chúa “đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Ep 1, 21).

– Muôn đời Chúa Kitô là Chủ từng con người. Người nắm giữ mọi phán quyết trên cuộc đời ta. Người cũng sẽ phán quyết cách công bình, thẳng thắn trong ngày ta trình diện trước tòa án của Người:

Nếu ta sống lành thánh thì Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).

Nếu ta đứng ngoài nghĩa cử yêu thương thì Chúa phán: “Quân bị nguyền rủ kia, đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 41).

II.  ĐỂ VÀO SỰ SỐNG CHÚA BAN:

Bài Tin Mừng cho thấy quang cảnh xử án của Đức Vua dành cho chúng ta. Thật bất ngờ, nội dung cuộc xử án chỉ xoay quanh tình thương: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta… Những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”.

Vậy để được tham dự vào sự sống Chúa ban, mỗi người hãy sống lòng yêu thương qua từ nghĩa cử, từng hành động, từng tương quan, từng suy nghĩ, từng biểu hiện những nghĩ ấy của mình.

Làm cách nào để có thể sống tình yêu thương như Chúa dạy? Có rất nhiều tấm gương dạy ta sống yêu thương theo gương Chúa Giêsu. Cuộc đời và lối sống của thánh Gioan Maria Vianney là một trong những bằng chứng giúp ta học tập mà thực thi tình yêu thương với anh chị em xung quanh mình.

Người ta kể, trong lúc giáo phận Belley, nơi ngài đã từng cống hiến đời linh mục của mình, tiến hành điều tra các nhân đức để lập hồ sơ xin phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney, bỗng có một cụ già nghèo, quê mùa đến làm chứng:

 “Hôm ấy, trời đã tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về; giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài vui vẻ lên tiếng:

 – Chào ông, ông có khỏe không? Công việc làm ăn ra sao?

 – Con chào cha. Con cám ơn Chúa. Con vẫn khỏe. Nhưng… Chẳng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!

 – Tội nghiệp! Tôi thương ông và các cháu lắm! Chúng nó rất ngoan.

 Vừa nói ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp cùng mà cũng chẳng có được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:

 – Ông chịu khó đợi cha một chút!

 Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây… Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:

 – Cha không còn gì cả. Ông vui lòng lấy cái quần của cha đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có chút gì cha sẽ giúp cho thêm. Thôi chào ông nhé!

 Nói xong, cha Gioan nhanh chân bước đi. Tôi vẫn chưa kịp cám ơn ngài vì quá xúc động nghẹn ngào…”.

Là tín hữu Kitô, chúng ta đừng chỉ nói yêu thương, nhưng hãy sống lòng yêu thương mọi nơi mọi lúc. Mỗi người hãy là chứng nhân của tình yêu. Mỗi người hãy làm điểm nối kết để nhân rộng lòng yêu thương ngày một lớn, mạnh mẽ trên khắp mọi nơi mà mình hiện diện.

Hãy nhớ: Sống tình yêu, sẽ được Chúa xét xử bằng tình yêu.


 

18. AI ĐỨNG VỀ SỰ THẬT THÌ NGHE TIẾNG TÔI

  Fx Đỗ Công Minh

Bài Tin Mừng hôm nay  chúng ta được chứng kiến phiên tòa xử Đức Giêsu Kitô mà vị xét xử là quan Tổng trấn PhilaTô. Cuộc thẩm vấn công khai với lời tra hỏi đầu tiên :”Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”. Kể ra PhilaTô cũng là người chấp hành nghiêm việc xử án, tức là có hỏi và để phạm nhân trả lời, thậm chí vặn lại. Nghe Đức Giêsu hỏi lại, ông không tỏ phản ứng  bực tức của kẻ có quyền :” Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với Ngài về tôi “. Ông vẫn đường đường đối đáp tiếp với Chúa Giêsu : ” chính dân của ông và các Thượng tế đã nộp ông cho tôi, Ông đã làm gì ?”  Khi thấy Người nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ tôi đã chiến đấu không  để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra nước tôi không thuộc chốn này “. PhilaTô lúc này đã lộ nguyên hình  vị quan tay sai, ông đã đặt một câu hỏi mang tính bức cung để mong Đức Giêsu xác nhận điều người Do Thái tố giác : ” Vậy ông là vua sao ? “.

PhilaTô nghe đến “ Nước của Chúa Giêsu “ dù là không thuộc về thế gian này, nhưng vì e sợ những người đứng đầu một tổ chức chống lại hòang đế, tức là chống lại ông, nên cũng  buộc phải vu cho Chúa tội dám nhận là Vua. Đức Kitô không phủ nhận điều đó, nhưng Người  khéo léo : ” Chính Ngài nói rằng tôi là Vua. Nhưng tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này,(là )làm chứng cho sư thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi “. Đến đây thì đã rõ, dù Philatô có chạy theo những tố giác của người Do Thái  nhưng hẳn là ông cũng ngộ ra được một điều: Ông Giêsu không phải như những vị vua trần thế. Ông vua mà lại không có binh lính dưới quyền, không có vũ khí bảo vệ. Ông vua không có lãnh địa, dinh cơ, không ngai vàng cung điện. Ông vua mà nước không thuộc chốn này chỉ có thể là Vua. . . ảo.

Quả thật, Đức Giêsu, vị  Vua của những lời răn dạy. Vua tình yêu, Vua của sự thật, Vua của công lý. Ai chấp nhận đứng về sự thật thì theo Người. Người đã không xưng mình là Vua nhưng chính những  con người đơn sơ, bé nhỏ, nghèo hèn, yếu đuối, tội lỗi nhận mình là thần dân của vương quốc nước trời tôn vinh Người . Đường lối cai trị của Người là hiền lành, khiêm nhường. Người đến với con dân nuớc Người không để được hầu hạ, mà chính là hầu hạ mọi người, để con người được nâng lên địa vị như Người, là con Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Đã có một thời  chúng con ngộ nhận Chúa là Vua thống trị thế giới này về mặt quyền bính trần gian, nên có lúc những người con Chúa đòi mọi người chưa tin vào Chúa phải khuất phục, khiếp đảm. Chính trong thâm tâm, chúng con cũng từng nghĩ Chúa phải là vua trên các vị vua trần thế, nên đã khiến những người con của Chúa tự cho là hơn người khác, tài giỏi hơn, thánh thiện hơn, đạo đức hơn và có quyền coi khinh, coi rẻ anh em mình. Hiểu như thế là không nhận ra được Giêsu , vị Vua của tình yêu thương, vị Vua của lòng thương xót . Vị Vua dám lấy chính thân mình chết thay cho con người. Vị Vua từ bỏ địa vị là Thiên Chúa để trở thành một con người, hầu cứu con người thóat mọi tội lỗi, khổ đau, bất hòa, chia rẽ, tranh giành, xảo quyệt để tiến đến sự bình an, đạt đến công lý, yêu thương và sự thật.

Xin cho con luôn biết tôn nhận Chúa là Vua của tâm hồn con, gia đình con. Hầu từ bản thân, gia đình con sẽ tràn ngập tình yêu thương, tiến đến xây dựng khu xóm, địa phương, đất nước  và cả thế giới này dần dần thành một vương quốc của Tình yêu thương cho đến khi Chúa đến . AMEN


 

19. NƯỚC CỦA ĐỨC GIÊSU Ở CHỐN NÀO?

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

Ngày nay trên thế giới, rất ít nước còn chế độ quân chủ, vì thế, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Ấy vậy mà đạo Công Giáo hằng năm lại mừng lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ! Tại sao vậy? Và, Đức Giêsu làm Vua như thế nào? Chúng ta có thuộc về dân trong đất nước của Ngài không?

  1. Vị Vua Lạ Lùng

Mỗi khi mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu như là điểm quy chiếu, như cái tâm trong vòng tròn; như cùng đích của con người. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Ngài là khởi đầu và cùng đích, là Anpha và Ômêga. Là Chủ Vũ Trụ; là Vua các vua, Chúa các chúa. Ngài làm Vua trong sự toàn thiện, hoàn mỹ.

Tuy nhiên, khi nói đến Đức Giêsu là Vua, chúng ta thấy Ngài là một vị Vua không như các vua chúa trần gian! Ngài là Vua, nhưng là một vị lạ lùng!

Lạ lùng lúc sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Rong ruổi bôn ba khắp ngả đường. Đến nỗi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Không thành quách, cung điện ngọc ngà.

Khi tổ chức vương triều thì lại không binh lính, cũng chẳng có kẻ hầu người hạ, lại càng không dùng vũ khí, sử dụng quyền lực, binh đao.

Ngược lại, cung điện lại được đặt trong lòng mỗi con dân. Thành quách là sự liên đới. Lãnh đạo bằng tình yêu và tha thứ. Luôn phục vụ người khác thay vì được người khác phục vụ mình.

Nhưng có lẽ điều làm cho người ta chú ý nhất đến Vị Vua hy hữu có một không hai này chính là: khi được mọi người tôn vinh làm vua thì không muốn, nên tìm cách trốn tránh. Đến khi mọi người thù ghét, bôi nhọ, bêu dếu, chẳng ai bênh vực, đỡ nâng và không ai muốn trao Vương Quốc cho mình thì lại khẳng khái tuyên bố mình là Vua và đến thế gian này chỉ vì một mục đích là làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 36).

Tuy nhiên, ngược đời ở chỗ: Nước của Vị Vua ấy lại “không bao giờ cùng” “vô biên cương”, “không ranh giới” và “không thuộc thế gian này”.

Trong nước ấy, chỉ có sự thật, công lý, bình an và tình yêu ngự trị. Thần dân là tất cả những ai thuộc về đặc tính trên (x. Ga 18, 36).

Tất cả những điều lạ lùng đó, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta biết: Ngài là Vua sự thật; đồng thời, Ngài mời gọi chúng ta đứng về phía sự thật để được gia nhập đoàn dân của những người yêu mến công lý.

  1. Vua Sự Thật

Sự thật mà Đức Giêsu mang đến và mời gọi là gì? Thưa, đó là: mặc khải cho nhân loại biết sự thật, một sự thật được xây dựng trên tình yêu. Vì thế, Ngài đã chấp nhận đánh đổi ngay cả mạng sống của mình để biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Thật vậy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Khi Ngài đến, Ngài đã yêu thương họ đến cùng và chấp nhận đánh đổi chính cái chết trên thập giá để làm chứng cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi, nghèo khó, bị áp bức, bóc lột… Vì tình yêu không giới hạn và vô biên, nên Đức Giêsu đã gọi những người đó là bạn hữu và chấp nhận chết cho bạn hữu của mình được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,7-10; 15, 9-15). Quả thật: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13)

Sự thật ấy nhằm diễn tả đặc tính của tình yêu  trong một Vương Quốc khác chứ không phải nơi trần gian.

Điều này đã được Đức Giêsu nói trước quan toàn quyền Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18, 36).

Vì thế, vinh hoa, phú quý, sung túc, sang giàu, quyền lực và ngay cả sự sống trần gian này chẳng đáng gì đối với sự sống vĩnh cửu trong Nước của Chúa.

Và, như một sự tất yếu, muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

  1. Sống sứ điệp Lời Chúa

Trong thời đại hôm nay, việc sống chứng nhân cho sự thật không phải là chuyện dễ! Lại càng khó hơn nữa khi trong một xã hội tình yêu luôn bị đánh cắp, nghi ngờ và bị lợi dụng!

Bởi vì: người ngay thẳng, trung thực thì thường thua thiệt, và bị coi là ngu dốt, còn kẻ gian dối lại được coi là khôn ngoan… Sống man trá mà thành công thì được tưởng thưởng, còn vì sự thật mà bị thất bại thì bị khiển trách…

Đứng trước một xã hội như thế, hẳn sống đời chứng nhân cho Chúa quả là khó! Tuy nhiên, dù khó, chúng ta vẫn phải thi hành vì đây là hành vi mang tính quyết định thuộc về hay khước từ… Khi sống vì chân lý, ấy là lúc chúng ta chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho sự thật và tình yêu của Thiên Chúa trong bối cảnh hiện nay.

Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trở thành thần dân của Đức Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, đồng thời được mời gọi sống đặc tính của Nước ấy trong cuộc sống đời thường của mình. Vì thế, hẳn chúng ta phải mặc lấy Ngài và những tâm tình của Ngài như: từ bi, nhân hậu, hiền lành, nhẫn nại, bao dung, chết đi cho tính xác thịt, ý riêng và ra khỏi chính mình, từ bỏ tính kiêu ngạo, hóng hách để cúi xuống rửa chân cho cả kẻ thù. Sẵn sàng yêu thương, làm phúc cho kẻ đói ăn, khát uống. Nâng đỡ những người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mềm, nhân phẩm bị trà đạp…

Quyết tâm đứng lên để bảo vệ những người không có tiếng nói… Chấp nhận vì sự thật mà bị bách hại, vu khống đủ điều xấu xa.

Nếu thế gian chống đối lại sự thật, vì sự thật làm cho họ thua thiệt, thì chúng ta, không bao giờ được thỏa hiệp với bất công dù dưới bất kỳ hình thức hay nhãn giới nào…

Khi làm chứng cho Đức Giêsu trong sự thật như thế, hẳn chúng ta sẽ không thể thoát được số phận phải chết như Thầy của mình, tuy nhiên: “… can đảm lênThầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thật thế, chỉ trong sự thật, chúng ta mới được vào Nước Trời và được Đức Giêsu tuyên bố nhận chúng ta trước mặt Chúa Cha và Triều Thần Thiên Quốc: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-37).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Vua Vũ Trụ, xin cho con được yêu mến và ham thích đường lối sự thật và tình yêu của Chúa, đồng thời biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo khổ.

Ước gì khi làm những điều đó trong lòng mến, chúng con sẽ được vào Vương Quốc của Vua tình yêu và sự thật để được sống đời đời. Amen.


 

20. SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ. NĂM A

Lm. Anthony Trung Thành

Chúa Nhật 34 là Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và chung quanh Người có các Thiên thần hậu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục (x. Mt 25,31).

Để đón chờ ngày Tận thế, ngày vị Thẩm Phán Giêsu ngự đến, chúng ta cần phải xác tín và thực hành những điều sau đây:

Thứ nhất, chúng ta luôn phải xác tín rằng có ngày Tận thế: Vấn đề này chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức Giêsu cũng nói về ngày Tận thế rằng: “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong ngày của Con Người cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26). Người cũng nói với các Tông đồ: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến để đem anh em về với Thầy (x. Ga 14, 2-3). Tin mừng Thánh Mathêu hôm nay cũng cho biết: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”(Mt 25,31). Như vậy, có ngày Tận Thế, nhưng ngày đó đến lúc nào thì chúng ta không biết được. Chúng ta cần phải xác tín như vậy.

Thứ hai, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử toàn thể nhân loại: Thánh Phaolô khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10). Về vấn đề này, Đức Giêsu cũng đã nói rõ ràng qua dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Qua dụ ngôn này, ông chủ chính là Đức Giêsu. Cuộc hành trình ông chủ đi xa chỉ việc Người về với Chúa Cha. Các đầy tớ là những người tin vào Đức Giêsu. Những nén bạc được trao cho các đầy tớ là những khả năng Chúa ban. Những nén bạc được các đầy tớ sinh lãi là những việc tốt chúng ta đã làm khi tận dụng các khả năng của mình. Sự trở về của ông chủ là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày Tận thế. Khi đó, ông chủ tức là Đức Giêsu sẽ phán xét con người tùy theo công nghiệp của họ. Đầy tớ thứ nhất và thứ hai là hiện thân của những người được thưởng. Còn đầy tớ thứ ba là hiện thân của những người bị phạt. Như vậy, mỗi người chúng ta luôn phải nhớ rằng, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta theo nguyên tắc: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : Có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt. Nhờ đó, chúng ta luôn cố gắng làm lành lánh dữ.

Thứ ba, tiêu chuẩn để được thưởng và lý do bị phạt là luật bác ái: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đồng hòa Người với những kẻ bé mọn. Nên những ai giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Người. Vì thế, Người nói với những kẻ lành rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25,34-36.40). Ngược lại, Người nói với những kẻ dữ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!… Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,41-43.45). Tóm lại, tiêu chuẩn để Đức Giêsu phán xét là luật bác ái yêu thương.

Thứ tư, chúng ta phải làm gì để đón chờ ngày Tận thế? Có ngày Tận Thế và ngày đó đến một cách bất ngờ như kẻ trộm (x. 2 Pr 3,10). Vì thế, chúng ta phải siêng năng làm việc để sinh lãi những vốn liếng Chúa trao như người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Chúng ta phải có thái độ như người đầy tớ tỉnh thức đợi chủ đi ăn cưới về hay như chủ nhà tỉnh thức để canh chừng kẻ trộm (x. Lc 12, 35-40). Chúng ta phải chuẩn bị dầu đèn đầy đủ như năm cô trinh nữ khôn ngoan (x. Mt 25,1-13). Đặc biệt, mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực thi bác ái yêu thương, vì đó là tiêu chuẩn để chúng ta được vào Thiên đàng. Trong bài giảng “ngày quốc tế người nghèo lần thứ nhất” tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên đàng của chúng ta.” Và Ngài nhắn nhủ mọi người: “Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mưu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất.”

Lạy Chúa Giêsu là Vua Tình Thương, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống đức ái trong cuộc sống hằng ngày để mai sau chúng con có được giấy thông hành vào nước Thiên đàng với Chúa. Amen.


 

21. PHÂN XỬ CÔNG MINH

Lm. Jos. DĐH.

Khao khát được công thành danh toại, không muốn thua chị kém em về mặt hiểu biết, về tấm lòng bao dung, người có ước mơ đẹp như thế, phải là người được chăm sóc giáo dục tốt từ tấm bé. Tục ngữ có câu: vỏ quýt dầy, có móng tay nhọn. Con voi to lớn, không sợ con vật nào, nhưng lại có thể gục ngã vì con kiến nhỏ xíu. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, Kiều Công Tiễn tạo phản, rồi liên kết với quân Nam Hán nhằm củng cố địa vị, nhưng Ngô Quyền đã phá tan âm mưu xâm lược từ một trận hải chiến “Bạch Đằng Giang” (năm 938). Trong đời sống siêu nhiên, mỗi người dù tin hay không, chúng ta vẫn dang chịu sự phân xử rất công minh: làm việc thiện, tâm hồn sẽ bình an ; làm điều xấu, lương tâm sẽ cắn rứt.

Theo tự nhiên, đoàn tầu có giờ khởi hành, cũng sẽ có điểm dừng, có giờ kết thúc ; được sinh ra làm con Chúa, ắt phải có ngày trình diện Chúa về những việc làm tốt xấu, đó là quy luật, là công bằng. Con đường chật hẹp hoặc rộng lớn, đều mang một sứ mệnh đưa dẫn người ta đến điểm dừng, dù đích đến hạnh phúc của mỗi người sẽ được cân đo bằng việc làm, bằng nghĩa cử yêu thương. Bậc cha mẹ nuôi dạy con, yêu thương con, đầu tư cho con, rồi khi chia gia tài cho con, các ngài luôn mong ước các con biết sử dụng tiền của, biết sống đạo làm người, hầu xây dựng một đời sống thật ý nghĩa cho dòng tộc. Xã hội gia đình, thực tại tâm linh, hay sức khoẻ, trí tuệ, mỗi người mỗi khác, nhưng tự do, quỹ thời gian, luôn là cơ hội để chúng ta minh chứng về sự khôn ngoan của mình.

Vua chúa trần gian hiểu theo nghĩa tích cực là thay trời phật lãnh đạo, lo cho dân an quốc thái, vua trần gian hành quyền trên dân, ban phát bổng lộc cho người có công, tiêu diệt hoặc bỏ tù người có tội. Vua Giêsu mà chúng ta hằng tuyên xưng là Vua Tình Yêu, Ngài không ngồi trên ngai để chỉ đạo, phân xử, luận tội, Ngài ở nơi tâm hồn người nghèo đói, đau bệnh, Ngài mang hình ảnh của những người bị xem là ngu dốt, “thấp cổ bé miệng” trong xã hội. Vua trần gian còn được soi sáng để làm nhiều điều tốt cho dân, Con Vua Trời ở trong vũ trụ vạn vật, ở trong tâm hồn mỗi người, để ban phát hồng ân cứu độ, vì Ngài là Tình Yêu.

Từ xưa đến nay, không ai đủ tư cách tự phong chức tước cho mình, nhưng qua việc làm, qua những nghĩa cử bác ái, ai cũng phải tự chứng minh về trách nhiệm và bổn phận đối với ơn gọi làm thần dân của Vua Giêsu. Mọi người đều mơ ước xã hội có sự công minh rõ ràng, thưởng phạt đối với kẻ làm điều xấu và vinh danh người biết thực thi nghĩa cử đẹp. Trong ơn gọi kitô giáo, mỗi người còn đủ khôn ngoan để hiểu biết và thực thi đức công bằng đối với nén bạc mỗi người đã lãnh nhận, dù trái tim và khối óc vẫn đang lên tiếng, thôi thúc chúng ta hành động. Người kitô hữu sẽ không kỳ thị kẻ xấu người tốt, tách biệt lương giáo, nhưng ai cũng được hiểu biết phải sống có trách nhiệm, có bổn phận yêu thương tha nhân, vì tiếng nói sâu thẳm nơi tâm hồn đang phán xét việc làm của mỗi người.

Khuynh hướng tự nhiên, không ai “tự phong” cho mình là người giầu, dư thừa tiền của vật chất, cũng không có người nghèo khổ viết tên đeo bảng: tôi là người nghèo, tôi cần tiền, cần trợ giúp, dù chúng ta đều ý thức mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Tục ngữ có câu: con có khóc, mẹ mới cho con bú. Có những lý luận cho rằng vì con chưa nói được, chưa thể diễn tả được, nên nó phải khóc để nhắc mẹ nó hãy thực thi sứ mệnh yêu thương nó. Và cũng có lý lẽ khác lại nói: bản chất của người mẹ là thương con, nhưng người mẹ rất cần con thổ lộ một chút tâm tư để người mẹ đáp ứng đúng, và phù hợp, không làm tổn thương đến lòng tự trọng người con.

Ngày hôm nay, nghệ thuật đối nhân xử thế, hoặc kinh nghiệm sách vở, mỗi người sẽ không khó vi phạm tội vô tình với anh chị em mình. Người xưa có câu: kẻ ngu thường tỏ ra là mình nguy hiểm, nhưng kẻ nguy hiểm thường lại tỏ ra mình là ngu dốt. Hãy khiêm tốn, hãy hành động bác ái hơn là chỉ là hô hoán suông. Dù phủ nhận trời phật, xã hội vẫn đang chủ trương phải nghĩ đến anh chị em gặp thiên tai, và kêu gọi cộng đồng hãy quảng đại trợ giúp kẻ nghèo khổ, ít là vì đạo làm người: tứ hải giai huynh đệ. Chúa Giêsu mô tả cuộc phán xét chung dựa trên hành động yêu thương, ngày sau hết Ngài sẽ đến theo quy luật để phân biệt tốt xấu, vinh danh người hiền đức và khiển trách kẻ ác tâm, vì Chúa là tình yêu, công bằng và hay thương xót.

Với dụ ngôn ngày chung cuộc là có thật, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho con người biết tất cả những gì được coi là bí mật trong ơn gọi làm thần dân của Nước Chúa: niềm vui, phần thưởng, hạnh phúc đời đời. Đức Giêsu Vua Tình Yêu, Ngài sẽ giúp mỗi người thấy được sự phân minh rõ ràng bởi tình yêu thương chúng ta đã nhận lãnh và sẻ chia. Hạnh phúc được sánh ví như một thứ nước thơm, người kitô hữu không thể vẩy nước thơm lên anh chị em mình mà ta không làm vương vài giọt lên chính mình. Xin Vua Giêsu tiếp tục đồng hành và làm cho trái tim của chúng con luôn mềm mại và đầy tình mến yêu đối với anh chị em chúng con gặp gỡ mỗi ngày. Amen.


 

22. ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG MAI SAU

Phạm Anh

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, và cuộc sống thực sự của mỗi người là ở đời sau, trong Nước Trời. Vào ngày sau hết, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhãn tiền gương mặt Đức Vua Vinh Hiển, và Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc mình làm (x. Mt 25, 31-46). Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc diện kiến quan trọng ấy.

Thiên Chúa là Vị Vua yêu thương, Người chăm sóc chúng ta trong từng giây phút. Mỗi ngày sống là một món quà mà Người gửi đến cho mỗi người. Thật hạnh phúc khi mỗi sáng thức dậy chúng ta thấy mình vẫn còn đang hiện diện, và một ngày mới với những công việc đang chờ đón. Đã có biết bao hoàn cảnh chẳng được như chúng ta. Hôm nay, người ấy còn hiện diện, nhưng có thể ngày mai sẽ chẳng còn nữa. Đó là điều mà chẳng ai biết trước được. Chúng ta hãy tận dụng mỗi phút giây và làm cho nó trở nên ý nghĩa hơn. Những ai dạy học hãy trao những kiến thức bằng cả trái tim của người thầy. Những ai làm văn phòng hãy làm với hết năng lực trong sự rõ ràng, công minh. Những ai làm thợ xây hãy làm với cả sự tinh tế và trách nhiệm… Một công việc dù nhỏ bé đến đâu, chúng ta hãy làm bằng cả tấm lòng. Như thế, cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Khi đó, chúng ta có thể nói rằng Thiên Đàng đang hiện diện ngay giữa trần gian này.

Một phương thế hữu hiệu có thể giúp chúng ta để đạt được hạnh phúc đời sau đó chính là quan tâm tới những người nghèo, những người nhỏ bé. Chính Chúa đã nói: “Ta bảo thật các ngươi; mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Trong bài giảng của Đức Thánh Cha ngày 19/11/2017, ngày Quốc tế người nghèo, Đức Thánh Cha đã nói: “Nếu trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, thì họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào Thiên Đàng của chúng ta”. Thật vậy, tâm lý tự nhiên của chúng ta khi gặp những người nghèo, những người bệnh tật là xa lánh, hắt hủi, chê bai,…Tại sao vậy? Nguyên nhân có thể do người nghèo thường làm những công việc bẩn thỉu, hôi hám, thấp hèn. Nhưng chính Chúa Giêsu đang hiện diện trong họ. Người đang mời gọi chúng ta bỏ qua những rào cản bên ngoài để đến với họ bằng con tim biết rung cảm. Họ đang khao khát được hòa nhập cùng với chúng ta, và được nhìn nhận trong xã hội. Những con người ấy đang cần được chúng ta đùm bọc, sẻ chia, chứ không phải là xa lánh.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì mỗi buổi sáng thức dậy, chúng con biết sẽ được sống thêm một ngày. Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa ban để từng giây phút qua đi đều mang lại cho chúng con những điều ý nghĩa. Đặc biệt, xin cho chúng con can đảm bỏ qua những rào cản của địa vị, hoàn cảnh sống,… để đến với từng người chúng con gặp gỡ, đặc biệt là những người nghèo, bị bỏ rơi. Để mai sau, chính những người ấy dẫn chúng con tới Nước Trời, diện kiện trước Vua Giêsu. Amen.


 

23. CHỈ CÓ MỘT VUA

Phê-rô Trần Đình Phan Tiến

Ai cũng biết, vua là người đứng đầu một Đất Nước , một Quốc Gia, người có quyền thống lãnh toàn quốc. Nếu một vị vua nhân ái, hiền lành, thương dân , lo cho dân, thì người ta gọi vị vua ấy là : “ Minh vương”, còn nếu vị vua ấy độc ác , thì người ta gọi là: “ Hôn quân” hay “ Bạo chúa”. Nếu ai sống trong một vương quốc của một bạo chúa, thì coi như “ tàn đời”. Vâng, đó là Vua trần thế, vua ở thế gian.

Nhưn, hôm nay đây, Giáo Hội Công giáo mừng kinh một Vị Vua duy nhất trên Nước Trời, đó là Vua Giêsu. Vị vua nhân ái , Người đã “ đồng hóa” với “thần dân” nghèo hèn của Người.

Tin Mừng (Mt 25, 31 -46), là Đoạn Tin Mừng nói về “Ngày phán xét chung”, tuy dài nhưng, nội dung tóm lược là: “VỊ THẨM PHÁN THƯƠNG XÓT”. Đó là, Đức Giêsu- Kitô, Vị Vua Duy Nhất trên Vương Quốc vĩnh cửu. Thường thì các bậc quân vương trần thế đứng về phía người giàu, không có vị vua nào đừng về phía người nghèo. Nội dung Tin Mừng hôm nay, tuy là cuộc phán xét chung, chung thẩm, nhưng thực ra chỉ có một vần đề duy nhất là : Biết chia sẻ cho tha nhân.

  • Sự đói, khát
  • Sự trần truồng
  • Sự đau yếu, tù tội.
  • Sự trú ngụ, lữ khách

Tóm lại là nhu cầu hằng ngày của tha nhân, tức người đồng loại. như , chúng ta biết, Vị Thẩm Phán chí công là chính Chúa Giêsu, đồng thời là vị Vua nhân ái, mặc nhiên Người không bất công, Người không thể nào  “lên án“ người vô tội.

Theo ý nghĩa Tin Mừng, Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được sống cách bình đẳng, không phải chỉ có người giàu có mới sống được , còn những thân phận nghèo khổ, cơ cực thì phải sống lầm than , đau khổ.

Vì không phải ai cũng nghèo khổ, thì thế giới nầy không còn là một thế giới sống, mà là hỏa ngục, nơi đọa đày tội nhân. Hoặc, thế giới nầy không phải là nơi “cực lạc” vĩnh hằng, để ai ai cũng giàu có.

Thiên Chúa “đồng hóa” với người nghèo là để cho người giàu” tạo phúc” cho họ, giàu vật chất chưa đủ, còn phải giàu tâm linh. Tại sao, Thiên Chúa muốn đồng hóa với người nghèo, người đau khổ bất hạnh. Bởi vì, Thiên Chúa muốn cho họ giàu có “ân sủng” là chính Chúa, nơi Chúa, nơi “dựa” vũng chắc và cũng là nơi bù đáp : “ thỏa mãn “nhất cho người đau khổ.

Đau khổ là “bậc thang thánh thiện”, nếu người ta biết khai thác “ giá trị” của đau khổ. Vì, đau khổ sinh ra khiêm nhường, khiêm nhừơng sinh ra bác ái, bác ái sinh ra công phúc, vì bác ái chính là Thiên Chúa.

Vì thế, Đau khổ không phải là sự trừng phạt, mà là dịp để cho người nghèo lập công, và người giàu tạo phúc. Thiên Chúa yêu thương và “chia sẻ” chính mình, vì thế, Người muốn thế nhân chia sẻ với người khác. Chia sẻ là bản tính Thiên Chúa, không phải Thiên Chúa chủ trương “ lấy của người giàu chia cho người nghèo” một cách bất công , vô lý. Thiên Chúa đồng hóa với người bất hạnh vì Thiên Chúa muốn biểu lộ bản chất “tình yêu”  chính là Thiên Chúa. Vì, Thiên Chúa cho đi chính mình, Thiên Chúa ban tặng chính Thiên Chúa cho người giàu cũng như kẻ nghèo. Thiên Chúa đòi hỏi yêu thương người nghèo, vì người giàu cũng đã được Thiên Chúa yêu thương rồi, khi nghe Đọan Tin Mừng hôm nay, người ta nghĩ Thiên Chúa “ bất công”, vì tại sao, Thiên Chúa lại yêu thương người nghèo đến độ đồng hóa với họ?!

Vâng, thưa quý vị, đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề, mà có những học thuyết thế gian không thể “ bắt chước được. Như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Maxs – Lênin, chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng hạn. bởi vì, những thứ chủ nghĩa nầy hoàn toàn là do con người, bởi con người mà ra., gọi là “ chủ thuyết “ có nghĩa là chỉ có “ nói “ là chính, chứ không làm.

Còn Thiên Chúa đã làm những gì Người nói, sở dĩ Lời Chúa hôm nay mang tính là “chung thẩm”, nhưng có được “ Lời lẽ” nầy là do “ Mầu nhiệm Cứu Độ”, mầu nhiệm làm Người của Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu. – Kitô, Vị Vua nhân ái.

Kết cục chung thẩm không phải là người nghèo, người bất hạnh được tuyên dương, hay đề cao, hoặc tất cả người nghèo được lên Thiên Đàng, hoặc tất cả những ai ở tù, những ai vô gia cư, đau yếu , bệnh tật mà được lên Thiên Đàng hết đâu.

Nhưng, là những ai có điều kiện, hoặc gặp gỡ người bất hạnh, mà “ bỏ qua”, thì mặc nhiên căn cứ Lời Chúa hôm nay, họ sẽ trả lẽ.

Lạy Chúa là Cha Toàn Năng, Cha đã ban Thánh Tử Giêsu là VỊ THẨM PHÁN CHÍ CÔNG trong ngày sau hết. Xin cho những ai nghe Lời Chúa hôm nay được mau mắn thực thi, vì Lời Chúa dành cho kẻ công chính, cũng như kẻ bất lương, người giàu cùng kẻ nghèo,  xin thương ban cho mọi người đều biết nhận ra tình Chúa cao vời mà đáp đền muôn một./. Amen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay11,217
  • Tháng hiện tại612,722
  • Tổng lượt truy cập28,264,609

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây