Chúa Nhật 15 Thường Niên

Thứ tư - 12/07/2017 08:40

CHÚA NHẬT 15 TN NĂM A

(Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-9)

Có thể nói được rằng, Chúa Giêsu là một nhà sư phạm đại tài. Vì chúng ta thấy, để rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời, một thực tại quá mong lung, quá sức trừu tượng vì mắt phàm không ai thấy bao giờ, không ai có thể cảm được, thêm vào đó thính giả phần lớn là dân quê mùa, ít học, ngay cả các tông đồ cũng ở trong tình trạng này. Nên để diễn tả về Nước Trời, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, mỗi dụ ngôn diễn tả được một khía cạnh của Nước Trời. Đây là một lối giảng dạy rất cụ thể , dễ hiểu, hấp dẫn, đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người đi gieo giống để nói về hạt giống của Lời Chúa. Đối với người dân của chúng ta đây hạt giống ai cũng có thể biết, cách gieo ai cũng có thể hiểu. Tuỳ vào thời tiết, khí hậu, cách chăm bón để cho đất tốt thì hạt giống có thể sinh hoa kết quả dồi dào, còn nếu các điều kiện để gieo hạt giống xấu thì kết quả sẽ đi ngược lại. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả nhưng tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người thì không đón nhận, có người đón nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận Lời Chúa với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào hạt được 30, hạt được 60 hay hạt được 100.

Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo hội đã khuyên nhủ chúng ta hãy chuyên cần lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì theo thánh Giêrônimô: “Không biết Lời Chúa là không hiểu biết về Chúa Kitô”. Vì Lời Chúa dạy cho chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa, am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời, hay nói cách khác, Lời Chúa là Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta biết thánh ý của Ngài.

Theo Lời Chúa của ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã phân chia ra thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa:

Trước hết, Đất vệ đường: đó là thái độ của những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời được gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị gió cuốn đi hay bị quỷ dữ cướp mất.

Loại thứ 2 đó là Đất lẫn sỏi đá : là thái độ của những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút khó khăn hay gian khổ là bỏ cuộc.

Thứ đến là loại Đất có nhiều gai : là thái độ của những người cũng đón nhận Lời Chúa đó, nhưng điều họ quan tâm hơn đó là những đam mê, vui thú, của cải vật chất, nhục dục... Những thứ đam mê đó như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngẹt.

Và cuối cùng đó là Đất tốt : là thái độ của những người sốt sắng lắng nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.

Như thế, chúng ta biết rằng Chúa đang muốn mỗi người chúng ta phải chuẩn bị lòng mình như mãnh đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa :

Trước hết, chúng ta phải làm cho đất lòng mình phải được xốp : không cứng cỏi như vệ đường, tức là phải có tinh thần khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực hành lời Chúa.

Thứ đến chúng ta phải làm cho đất lòng mình phải không có sỏi đá : tức là phải loại bỏ những chướng ngại vật như : sự lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.

Sau nữa chúng ta phải làm cho đất lòng mình phải không có gai : tức là tâm hồn phải thanh thỏa, không có những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời: như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất... vì những thứ đó có thể là những gai góc bóp chết lời Chúa được gieo trong lòng của mình.

Để rồi chúng ta mới có được một mãnh Đất lòng mình thật tốt : là biết khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi đời sống của mình theo ý Chúa.

Như thế, tâm hồn của mỗi người chúng ta được ví như là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cầy xới. Đương nhiên cuộc cầy xới nào mà không long đong, vất vả. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa kết trái nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cầy xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của những thù hận ghen ghét.

Như vậy Lời Chúa ngày hôm nay kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn của lòng mình trở thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là những bụi gai bởi lòng tham những hư hèn, ươn lười, biếng nhác ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cầy xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.

Vì Lời Chúa có một sức mạnh vô biên có thể làm thay đổi lòng người. Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề trong tâm hồn của chúng ta để trở nên những viên đá tròn trịa.

Chuyện kể rằng: Một bà vợ nọ đi lễ về rồi làm cơm sáng hơi muộn làm người chồng khó chịu. Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ: Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?

Bà vợ trả lời : Được nhiều lắm, anh ạ.

Chồng hỏi tiếp: Được cái gì ?

Vợ thản nhiên đáp: Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em !

Chồng trợn mắt: Rửa sạch ?

Vợ chỉ tay vào rổ rau mới rửa, trả lời : Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn !

Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ !

Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn phải có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác. Chúa Giêsu đã nói :”Nếu các con đã lành nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 11,08). Nếu bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của mỗi người kitô hữu chúng ta cũng phải là truyền giáo, vì mỗi người thuộc đại gia đình của Giáo Hội.

Lời Chúa phải được chúng ta loan truyền để mang lại nhiều mùa gặt khác. Cũng như những hạt giống được gió đưa đi, rơi xuống và nảy mầm ở những nơi xa, hạt giống Phúc âm phải được rải ra từ chính tấm lòng của mình vào trong lòng anh em của chúng ta. Nếu chúng ta giữ Lời Chúa cho riêng chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ mất Lời Chúa. Hạt giống không phải được tạo ra để nằm trong một góc của bồ lúa, mà là để được nảy sinh trong những cánh đồng và cuối cùng là trên khắp thế gian.

Tóm lại, mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi, địa vị, chức vụ và khả năng của mình, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa và đem lời Chúa đến với những mãnh đất chưa được Lời Chúa gieo vào, để rồi hạt giống lời Chúa của chúng ta sinh hoa kết trái, hạt được 30, hạt được 60, hạt được 100.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Xuân Thuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay21,863
  • Tháng hiện tại599,826
  • Tổng lượt truy cập28,251,713

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây