Các chặng đàng thánh giá

Thứ bảy - 08/07/2017 20:21



Các chặng đàng thánh giá

TỪ NGỮ

Đàng thánh giá theo tiếng La-tinh là Via Crucis (đàng / đường thánh giá) hay Via Dolorosa (đàng / đường khổ nạn) thường gồm 14 các ảnh tượng hay phù điêu được đặt để trong một không gian nào đó và làm thành 14 chặng. Theo truyền thống, mười bốn chặng này ghi lại các biến cố quan trọng nhất trong hành trình của Chúa Kitô từ lúc ngài bị kết án trước quan tòa Philatô cho đến khi được mai táng trong mồ.

Trong khi hạn từ “đường thánh”(Via Sacra) được đề cập hồi thế kỷ XII thì hạn từ “chặng” (station) lần đầu tiên được sử dụng bởi một người Anh tên là William Wey vào thế kỷ XV nhằm ám chỉ một nơi thánh mà những người hành hương dừng lại để suy niệm (William Wey đã đi viếng Đất Thánh trong những năm 1458– 1462).

Hạn từ ‘Chặng đàng thánh giá’ có nguồn gốc từ chính phương pháp biểu lộ lòng sùng kính này, tức là các tín hữu - cá nhân hay từng nhóm - sẽ di chuyển như một cuộc hành hương nhỏ và thiêng liêng từ chặng này qua chặng kia rồi đứng lại [hay quy tụ] tại một trong 14 nơi (chặng) khác nhau để cầu nguyện hay suy gẫm về những biến cố trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Nhiều bản văn đã được soạn thảo để các tín hữu dùng khi đi viếng đàng thánh giá, nhưng bản kinh của thánh Anphongsô Ligouri (năm 1787) vẫn là phổ biến nhất. Khi di chuyển từ chặng này qua chặng kia, người ta có thói quen hát một đoạn thánh ca thời Trung cổ trong bài Stabat Mater.

LỊCH SỬ - HÌNH THỨC 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Từ ban đầu, các chặng đàng thánh giá thường được đặt tại các hành lang tu viện hay ngoài trời (dọc theo những con đường tiến đến nhà thờ hay đền thánh). Các chặng đàng thánh giá cũng thường được thiết lập tại một khu vực mà các tín hữu có thể dễ dàng thực thi lòng sùng kính nhằm tôn vinh cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô.

Lòng sùng kính này bắt nguồn từ các tín hữu thời sơ khai khi họ đi kính viếng và theo chân Chúa Giêsu trong hành trình Ngài chịu khổ hình và chịu chết ở Giêrusalem vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Truyền thống cho rằng, Đức Mẹ vẫn hằng ngày viếng thăm những nơi diễn ra cuộc thương khó của con mình.

Những đoàn hành hương đạo đức đến Giêrusalem trở nên đông đảo hơn, nhất là trong Tuần Thánh, sau khi hoàng đế Constantinô cho xây ngôi nhà thờ Anastasis vào năm 335 ngay trên địa điểm tương truyền là ngôi mộ Chúa Giêsu, cũng như khi xuất hiện thánh đường Martyrium trên đồi Canvê. Thánh Giêrônimô (342-420) xác nhận rằng đám đông các tín hữu đến từ những quốc gia khác nhau vẫn hành hương đến kính viếng những nơi thánh và bước theo đường thánh giá Chúa Giêsu. Sự sùng mộ này cũng được làm chứng bởi những khách hành hương nổi tiếng hồi thế kỷ IV trong những trình thuật của họ, đặc biệt là cuốn Hành trình của Burdigalense (Itineraium Burdigalense) và Hành trình của Egeriae (Itineraium Egeriae).

Về phương diện thực hành, các tín hữu dừng tại mỗi “địa điểm thánh” để suy niệm, thinh lặng và cầu nguyện về hành trình khổ nạn của Chúa Giêsu từ vườn Giệtsimani (Mc 14, 32) cho đến Núi Sọ, nơi Chúa bị đóng đinh giữa hai tên trộm (Lc 23, 33; Mc 15, 22) và tới khu vườn, nơi Người được chôn cất trong hầm mộ khoét trong khối đá (Ga 19, 40-42). Chính những người hành hương này khi trở về nhà vẫn tiếp tục thực hành lòng sùng kính đó. Khi việc đi hành hương tới Thánh Địa bị ngăn trở do người Hồi giáo chiếm cứ Palestine, phong trào hành hương chuyển qua hướng thiêng liêng, nghĩa là họ hành hương tại địa phương với những di vật được đem từ các nơi thánh ở Giêrusalem về và tại những “nơi thánh” được xây dựng ở châu Âu mô phỏng theo những gì họ đã chứng kiến nơi Đất Thánh.

Dù việc mô phỏng các nơi thánh ở Giêrusalem đã diễn ra ngay từ thế kỷ V, nhưng đến thế kỷ XV, người ta thấy nở rộ hơn nhiều việc sao chép như thế tại khoảng 30 địa điểm khác nhau nằm trong các trung tâm tâm linh ở Âu châu. Chẳng hạn, chân phước Alvarez (1420) đã cho xây một loạt các nhà nguyện nhỏ tại tu viện Đaminh vùng Cordova với những chặng đàng tách biệt; cùng thời gian đó, chân phước Eustochia thuộc dòng Clara cũng cho lập các chặng đàng thánh giá tương tự tại tu viện vùng Messina; rất nhiều những chặng đàng thánh giá khác mọc lên tại G#rlitz do công của G. Emmerich vào khoảng năm 1465 và tại Nuremburg, do công của Ketzel (năm 1468). Peter Sterckx cũng bắt chước làm như vậy tại Louvain năm 1505 và tại St. Getreu vùng Bamberg (1507). Còn ở Nuremburg, tác phẩm được điêu khắc bởi Adam Krafft, cũng như một vài tác phẩm khác, bao gồm trong đó tác phẩm “7 chặng” nổi tiếng như là “7 lần ngã xuống” bởi vì mô tả trong từng chặng, Chúa Kitô bị ngã sấp xuống đất do sức nặng của thập giá (3 chặng ngã xuống đất [là nơi thứ III, VI, IX] như chúng ta biết trong chặng đàng thánh giá truyền thống cho tới nay và 4 lần ngã khác trùng với thời điểm Chúa Giêsu gặp gỡ Đức Mẹ, ông Simon, bà Veronica, và các phụ nữ thành Giêrusalem). Một chặng đàng thánh giá nổi tiếng khác được lập nên năm 1515 bởi Romanet Bofin tại Romans vùng Dauphine, theo mẫu của tác phẩm ở Fribourg và một chặng tương tự mọc lên ở Varallo năm 1491 do công của các thầy dòng Phanxicô.

Như thế, cho đến thế kỷ XVI, đã có rất nhiều chặng đàng thánh giá được thiết lập tại Âu châu. Nhưng chủ yếu các chặng đàng thánh giá hiện diện bên ngoài nhà thờ hơn là bên trong vì muốn tạo cho người tham dự cảm giác di chuyển như thể họ đang thực sự đi theo dấu chân của Chúa Giêsu ở Giêrusalem.

Đến thế kỷ XVII, dầu đã có nhiều chặng đàng thánh giá, nhưng không phải mọi nhà thờ và mọi nơi đều có.

Lòng sùng kính đi đàng thánh giá lan truyền mạnh mẽ vào thời Trung cổ cùng với các vị thánh đặt nền cho thực hành này như: Bênađô (+ 1153), Phanxicô Assisi (+ 1226) và Bonaventura (+ 1274), nhưng nhất là từ năm 1342, khi các tu sĩ dòng Phanxicô được trao nhiệm vụ coi sóc các địa điểm linh thiêng nơi Đất Thánh.

Việc lan truyền lòng sùng kính và làm các chặng đàng thánh giá nở rộ hơn nữa có liên quan chủ yếu đến ân xá kèm theo cho những ai đi kính viếng đàng thánh giá tại Đất Thánh và tại nhà thờ của dòng Phanxicô vốn là những người được ĐGH Clêmentê VI giao cho nhiệm vụ canh giữ Đất Thánh từ năm 1342. Ferraris đã đề cập đến những địa điểm (chặng) gắn liền với việc ban ân xá như nơi Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ; nơi Chúa Giêsu yên ủi con thành Giêrusalem; nơi quân lính lột áo Chúa; nơi Chúa bị đóng đinh vào thập giá; tại tư dinh Philatôvà tại mộ thánh.

Ảnh tượng mô tả những sự việc trong các chặng đàng thánh giá chỉ phổ biến trong các nhà thờ mãi tới năm 1686, theo thỉnh nguyện của dòng Phanxicô. ĐGH Innôcentê XI đã cho phép các tu sĩ Phanxicô dựng đàng thánh giá trong các nhà thờ của họ. ĐGH cũng tuyên bố rằng tất cả những ân xá ban cho người đi viếng các nơi thánh thiêng ở Thánh Địa cũng được áp dụng cho tu sĩ Phanxicô hay giáo dân liên hệ với dòng này, khi họ viếng các chặng đàng thánh giá đặt trong thánh đường. Năm 1726, ĐGH Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. Đến năm 1731, Đức Clêmentê XII nới rộng việc dựng các chặng đàng thánh giá cho mọi nhà thờ miễn là được dựng nên bởi các anh em Phanxicô [và với sự đồng thuận của ĐGM địa phương] đồng thời ấn định con số 14 chặng đàng thánh giá.

Ít lâu sau, vào năm 1742, Đức Bênêđictô XIV mong muốn tất cả các linh mục hãy làm phong phú thánh điện bằng việc dựng chặng đàng thánh giá trong mọi nhà thờ nhưng chưa bao giờ bắt buộc mỗi nhà thờ - nhà nguyện phải có chặng đàng thánh giá.

Năm 1857, các Giám mục Anh quốc nhận được phép của Tòa Thánh để làm các đàng thánh giá với ân xá kèm theo bất cứ ở đâu không có các tu sĩ Phanxicô. Năm 1862, quyền này được ban cho tất cả các giám mục trên thế giới.

Từ nguyên thủy, con số các chặng thánh giá được tuân giữ tại Giêrusalem ít hơn 14 và số lượng các chặng thay đổi theo vùng cũng như theo thời gian, có thể là 11, 12, 19, 25, 37 hay 43 chặng riêng rẽ; thậm chí ngay tại một nơi, con số cũng không chính xác như nhau. Truyền thống 14 chặng có lẽ phát xuất từ một nơi nổi tiếng, tức là tại Louvain (năm 1505), rồi tại Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ XVII, đặc biệt trong các cộng đoàn dòng Phanxicô. Các tu sĩ dòng thánh Phanxicô được coi là có công phổ biến thực hành này, chẳng hạn như thánh Leônardô (+ 1751) đã dựng đến hơn 572 đàng thánh giá (Via Crucis) trong những năm 1731-1751. Hình thức 14 chặng đàng thánh giá được chọn lựa và thiết lập một cách vững chắc và chính thức vào thế kỷ XVIII bởi Đức Clêmentê XII (năm 1731).

Mười bốn chặng đường thánh giá theo truyền thống là:

I. Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu

II. Đức Chúa Giêsu vác thánh giá.

III. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

IV. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác thánh giá

V. Ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu

VI. Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt

VII. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

VIII. Đức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con cái thành Giêrusalem

IX. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

X. Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu

XI. Quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu

XII. Đức Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá

XIII. Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

XIV. Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá

Vì trong 14 chặng đàng truyền thống chỉ có 8 chặng là có nền tảng Kinh Thánh (chặng thứ III, IV, VI, VII, IX, XIII không được mô tả rõ rệt trong các sách Tin Mừng), cho nên, ĐGH Gioan Phaolô II đã đưa ra một phiên bản mới [vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991] với tên gọi là “Chặng đàng Thánh giá theo Kinh Thánh”. Hình thức này cũng gồm 14 chặng như sau:

I. Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani

II. Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt

III. Chúa Giêsu bị công nghị kết án

IV. Chúa Giêsu bị Phêrô chối

V. Chúa Giêsu bị Philatô luận tội

VI. Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mão gai

VII. Chúa Giêsu vác thập giá

VIII. Chúa Giêsu được Simon vác giúp thánh giá

IX. Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem

X. Chúa Giêsu bị đóng đinh

XI. Chúa Giêsu hứa một chỗ trong nước trời cho người trộm lành

XII. Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan

XIII. Chúa Giêsu chết trên thập giá

XIV. Chúa Giêsu được mai táng trong mồ.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chấp thuận phiên bản này để dùng suy niệm và cử hành nghi thức nơi công cộng.

Gần đây, người ta bổ sung thêm một chặng thứ XV gọi là Via Lucis (Đường Ánh sáng) nhằm tập trung suy niệm cuộc phục sinh của Chúa Kitô.

BẮT BUỘC PHẢI CÓ CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ?

Lòng sùng kính đi đàng thánh giá thuộc về lãnh vực đạo đức bình dân chứ không phải nghi thức phụng vụ chính thức, cho nên việc thiết lập các chặng đàng thánh giá bên trong hay liên kết với một nhà thờ hoặc nhà nguyện không nhất thiết phải có. Bằng chứng là các chặng đàng thánh giá không được đề cập đến trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma hay Nghi thức Cung hiến Thánh đường.

Tuy nhiên lòng sùng kính có bề dày lịch sử lâu đời này lại rất cần thiết, được ưa thích và quen thuộc đối với hầu hết các tín hữu, đặc biệt, luôn được thực hành trong mùa Chay và thứ Sáu Tuần Thánh. Hơn nữa, việc gắn kết người tín hữu với lòng sùng kính này có thể lôi kéo và đánh động họ sống theo lời mời của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo; Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 9, 23; 14, 27).

Như vậy, việc đạo đức đi đàng thánh giá vừa là một hình thức cầu nguyện vừa là cách huấn giáo về những khổ nạn Chúa Giêsu phải chịu. Do đó, hết sức bao nhiêu có thể, mọi nhà thờ và nhà nguyện nên có các chặng đàng thánh giá.

THỰC HÀNH

Phương diện kiến trúc - nghệ thuật thánh

Theo truyền thống, các chặng đàng thánh giá được sắp xếp trên các bức tường vòng quanh lòng nhà thờ, hoặc có thể được sắp xếp: trong không gian quy tụ; hay vòng quanh nơi hội họp; hay thậm chí ở bên ngoài nhà thờ dọc theo một con đường hay khu vườn để nhấn mạnh kiểu thức hành trình của chặng đàng thánh giá (x. Uỷ ban về Nghệ thuật Thánh, Dựng xây từ những Viên đá Sống động, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006, số 140).

Không nên đặt các chặng đàng thánh giá tụ về một chỗ gần sát nhau bởi vì cách thức này loại bỏ sự vận hành di chuyển đầy ý nghĩa và cần thiết từ nơi (chặng) này qua nơi (chặng) kia khi đi suy ngắm đàng thánh giá vốn là một phần của lòng sùng kính này, đồng thời là một chiều kích quan trọng của đàng thánh giá.

Người ta phải dễ dàng nhận ra và xác định rõ ràng mỗi chặng nhờ các ảnh tượng thánh cụ thể hơn là dùng một biểu tượng trừu tượng ở đây.

Theo truyền thống, có tất cả 14 chặng như những được hướng dẫn và xác định bởi Đức Clêmentê XII (1730-1740). Tuy nhiên, có hai vấn đề cần đặt ra: thứ nhất, có những chặng không có nguồn gốc Kinh Thánh rõ rệt (chẳng hạn bà Veronica trao khăn cho Chúa Giêsu lọt mặt hay 3 lần Chúa ngã xuống đất); thứ hai, sự phân rẽ thể thống nhất của mầu nhiệm vượt qua khi 14 chặng không gồm biến cố phục sinh của Chúa Kitô mà trong phụng vụ chính thức của Giáo hội biến cố này đã được đưa vào ngay cả ngày thứ Sáu Thánh. Vì vậy, trong Năm Thánh 1975, Đức Phaolô VI đã phê chuẩn một bộ các chặng đàng thánh giá mới dựa sát trên Tin Mừng hơn. Theo đó, các chặng này bắt đầu từ Bữa Tiệc Ly và kết thúc là biến cố Chúa Kitô phục sinh. Do đó, có thể dựng 15 chặng đàng thánh giá thay vì 14 và chặng thứ XV mang nội dung Chúa sống lại từ cõi chết.

Định hướng thực hành lòng sùng kính (x. Hướng dẫn về Lòng đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 131-135)

Trong một số trường hợp, không nhất thiết phải đi hết 14 chặng đàng thánh giá; cũng như có thể thay thế một vài chặng của hình thức truyền thống bằng các chặng khác trong đó gợi lại một số đoạn của bài thường thuật trong Tin Mừng về con đường khổ nạn Chúa đã đi qua.

Bên cạnh hình thức truyền thống, có thể áp dụng những hình thức khác của đàng thánh giá đã được Tòa Thánh chấp nhận hoặc từng được ĐGH công khai sử dụng.

Ở phần kết thúc đi đàng thánh giá, nên nhắc đến việc Chúa sống lại hầu giúp các tín hữu cởi mở tâm hồn đón chờ sự phục sinh của Chúa với tất cả niềm tin và hy vọng.

Nên lưu tâm đến những chỉ dẫn của ĐGM khi chọn sử dụng bản văn suy niệm và nên ưu tiên phiên bản nào có trích lời Kinh Thánh được chọn lọc kỹ càng và viết ra bằng ngôn ngữ trang trọng nhưng đơn giản.

Buổi cử hành đi đàng thánh giá nên gồm những yếu tố như: bài đọc, thinh lặng, hát thánh ca, di chuyển từ chặng này đến chặng kia và dừng lại để suy niệm.

LÀM PHÉP CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Trước đây việc làm phép chặng đàng thánh giá được nói một cách chung chung. Sau Công đồng Vatican II, văn kiện Inter Oecumenici dành việc làm phép này cho ĐGM địa phương hoặc nhân vật được ngài uỷ thác. Sách Các Phép (ban hành ngày 31-05-1984) có phần nghi thức làm phép chặng đàng thánh giá trong đó ghi rõ vị quản đốc nhà thờ hay linh mục được ngài đề cử có thể làm phép chặng đàng thánh giá (De Benedictionibus,số 1400-1416).

Đối với các chặng đàng thánh giá mới nằm trong ngôi nhà thờ mới xây dựng và sắp được cung hiến hay làm phép thì đương nhiên sẽ được coi là làm phép sau hành vi cung hiến hay làm phép thánh đường, y như trường hợp của giếng rửa tội, thánh giá, các ảnh tượng, đàn phong cầm, chuông…ở nơi đó. Do vậy, không cần phải làm phép các chặng đàng thánh giá cách riêng biệt nữa (Xc. Sách Lễ nghi Giám mục, số 864 và 954).

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể (SSS)

______________

Tài liệu tham khảo

Alston, George Cyprian. “Way of the Cross.” The Catholic Encyclopedia. Vol. 15. New York: Robert Appleton Company, 1912. 18 Feb. 2017 <http://www.newadvent.org/cathen/15569a.htm>.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Hướng dẫn về Lòng đạo đức Bình dân và Phụng vụ. Bản dịch của Uỷ ban Văn Hoá – HĐGMVN.

Smolarski, Dennis. Q &A: Season, Sacraments and Sacramentals. Chicago: LTP, 2003.

Phạm, Đình Ái, SSS. Nhà Ta là Nhà Cầu Nguyện. Nxb Phương Đông, 2014.

 

 

Tác giả bài viết: Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể (SSS)

Nguồn tin: http://www.cgvdt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay14,857
  • Tháng hiện tại616,362
  • Tổng lượt truy cập28,268,249

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây