Bài giảng lễ tạ ơn kỷ niệm 52 năm thành lập họ định cư Hoà Ninh 1955-2007

Chúa nhật - 11/06/2017 09:19

Kỷ niệm 52 năm thành lập họ định cư Hoà Ninh 1955-2007; 
40 năm xây dựng thánh đường và lên hàng giáo xứ 1967-2007

Trọng kính Cha Tổng Đại Diện, thay mặt Đức Cha giáo phận Qui nhơn; kính thưa cha hạt trưởng hạt Bình Định; kính thưa cha chánh xứ Hoà Ninh; kính thưa quí cha, quí Bề Trên các hội Dòng, quí thầy, quí tu sĩ nam nữ; kính thưa quí ban giáo chức, quí hội đoàn, quí quan khách và toàn thể cộng đồng dân Chúa,

«Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng con vui mừng sung sướng triền miên. Hôm nay nho chín đồi cao, gió nam trở về với đàn bồ câu. Hôm nay đáng ghi muôn đời, hôm nay Chúa thương dân người, hôm nay Chúa đem dân người lên núi Sion». Hôm nay Chúa thương đưa chung ta về Đền thánh Sion -Hoà Ninh-Quy Nhơn để hát lên khúc ca tri ân và cảm tạ.

Hôm nay đáng ghi muôn đời: vì là ngày kỷ niệm 52 năm họ đạọ định cư Hoà Ninh di tản từ Quảng Bình vào Nam và có mặt trên mảnh đất thân yêu Quy Nhơn nầy vào năm 1955, và hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 40 năm ngôi thánh đường nầy được đặt viên đá đầu tiên: 11/06/1967-11/06/2007 và họ đạo chính thức được nâng lên hàng giáo xứ. Trước đây mỗi lần về Hoà Ninh, Quy Nhơn chúng ta vẫn thường được nghe câu nói “công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Hoà Ninh”. Vì Hoà Ninh khởi đầu là vùng đất cát trắng, chỉ có cây xương rồng và cỏ dại. Linh mục F.X Phạm Sĩ Tăng, sau hiệp định Geneve 1954 đã dẫn một số giáo dân Hoà Ninh ở Quảng Bình xuôi vào Miền Nam, đã dừng chân ở vùng đất nầy và phủ xanh nơi đây bằng màu xanh của dừa. Và dừa tràn lan nhiều quá đến nổi không làm sao mà “gánh nước tưới dừa Hoà Ninh” cho xuể được. Những cây dừa trong vườn nhà thờ Hòa Ninh hôm nay là chứng tích còn sót lại của lich sử bao nhiêu năm Hoà Ninh hiện diện trên mảnh đất nầy. Dù trải qua bao giông tố, bão bùng, mưa nắng, Hoà Ninh vẫn hiên ngang kiên vững cho đến hôm nay và vẫn ngát xanh như những cành dừa tươi mát và vẫn ngọt ngào “như nước mắt quê hương”. Nói đến dừa, đến nước mắt quê hương là chúng ta nhớ đến lời ca: “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”.

Khởi đi chỉ là một họ đạo nhỏ di cư trực thuộc giáo xứ nhà thờ Chính Toà Quy Nhơn, Hoà Ninh đã thay da đổi thịt từng ngày dưới sự dìu dắt của linh mục F.X Phạm Sĩ Tăng, một người đầy tài năng và khôn ngoan… Được sự đồng ý của Đức Giám Mục giáo phận Quy Nhơn lúc bấy giờ là Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Ngài đã xin phép chính quyền để khai phá vùng đất nầy… Ban đầu, Ngài dựng một lán trại làm nhà nguyện tạm thời phía bên kia đường Nguyễn Huệ, đối diện với thánh đường hiện nay. Hai năm sau, năm 1957, một số giáo dân gốc địa phận Vinh di cư cũng tìm về nơi đây lập nghiệp, số giáo dân đông thêm, Ngài cất lại nhà thờ bằng táp-lô, mái tôn, xây dựng nhà xứ, lập trường tiểu học Thánh Mẫu, mời các nữ tu Dòng MTG Quy Nhơn phụ giúp. Ngày 05/07/1957 giáo phận Nha Trang được thành lập từ giáo phận mẹ Quy Nhơn và Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi được cử về làm Giám Quản Tông Toà giáo phận Quy Nhơn. Hoà Ninh ngày một phát triển và “đất lành chim đậu”, số giáo dân ngày một gia tăng. Ngày 24/11/1960 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, và vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12/1960, giáo phận tông toà Quy Nhơn được nâng lên hàng giáo phận chính toà. Hoà chung với niềm vui của Giáo Hội Việt Nam và giáo phận Quy Nhơn, giáo xứ Hoà Ninh đã tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn rất trọng thể. Số giáo dân Hoà Ninh lúc bấy giờ đã lên đến 823 người, và năm 1963 tăng lên 877 người. Ngày 18/01/1963 giáo phận Đà Nẵng được khai sinh. Đức Cha Phạm Ngọc Chi cai quản địa phận mới, còn giáo phận Quy Nhơn đựoc giao cho Đức Cha Đôminicô Hoàng văn Đoàn. Đây là thời kỳ cực thịnh của Hoà Ninh. Cha F.X Phạm Sĩ Tăng đã mở mang nhiều ngành nghề cho giáo dân sinh sống, khuyến khích ơn gọi chủng viện cũng như dòng tu. Ngày 11/06/1967 chính là ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường nầy. Ngày 27/07/1967 Đức Cha Hoàng Văn Đoàn đã chính thức nâng Hoà Ninh lên hàng giáo xứ với tổng số giáo dân là 926 người. Năm 1969 ngôi thánh đường hoàn tất và được khánh thành. Khu vực nhà thờ cũ được dùng để mở mang thêm các lớp tiểu học Thánh Mẫu Hoà Ninh và khu vực bên kia đường Nguyễn Huệ được chia ra từng ô định cư với những con đường mang tên Công Giáo: Đường Thánh Mẫu, Hiệp sỹ, Nguyễn Kim Thông, Nguyễn khắc Tự… Các hội đoàn phát triển mạnh mẽ như hội Bác Ái Vinh Sơn, hiệp hội Thánh Mẫu, và đặc biệt là Legio Mariae lớn mạnh thành Curia Hoà Ninh.

Ngày 20/05/1974 Đức Cha Đôminicô qua đời và Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các lên kế nhiệm. Số giáo dân Hoà Ninh tăng dần và đầu năm 1975 đã lên đến 1.108 người. Hoà Ninh chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới. Nhưng biến cố 1975 đã lột xác tất cả. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã xô đẩy giáo dân Hoà Ninh-Quy Nhơn lại một lần nữa xuôi vào Miền Nam: Nha trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Long Khánh, Sài Gòn. Cha sở F.X Phạm Sĩ Tăng đã cùng với một số giáo dân vào lập nghiệp tại Xuân Lộc và lưu trú tại đây cho đến ngày qua đời 13/09/1998. Ngài được an táng tại giáo xứ Tam Thái, ngã ba Ông Đồn, giáo phận Xuân Lộc với bao thương tiếc của con cái Hoà Ninh. Hình ảnh bình dị, vui vẻ, năng động và giọng nói độc đáo của Ngài vẫn sống mãi trong lòng chúng ta. Công ơn trời bể của ngài làm sao chúng ta quên đi được. Chúng ta hãy luôn nhớ nguyện cầu cho linh hồn cha F.X.

Hoà Ninh sau biến cố 1975 chỉ còn lại một số ít người. Để hồi sinh giáo xứ sau cơn thử thách, ngày 11 tháng 06 năm 1975, Đức Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các đã bổ nhiệm linh mục Anrê Hoàng Minh Tâm vừa dạy ở Đại Chủng Viện Qui Hải vừa trông coi giáo xứ Hoà Ninh. Số giáo dân chỉ còn lại quảng 200 người. Hoàn cảnh đầy khó khăn nhưng tất cả đều sống trong tin yêu và phó thác. Qua năm 1976, cha quản lý Giuse Phan Văn Hoa được chọn làm Giám Mục Phó. Với sự xác nhận của ngài, trường Thánh Mẫu và hội trường Legio của giáo xứ nằm ở phía bên kia đường Nguyễn Huệ được giao cho Nhà Nước tạm mượn xử dụng. Tượng Đức Mẹ đứng trên hành lang của trường đươc đưa về trước nhà thờ hiện nay.

`Ngày 6/10/1987 Đức Giám Mục Phó qua đời. Giáo xứ Hoà Ninh vẫn âm thầm lặng lẽ vượt qua muôn ngàn cam go thử thách. Với sự cộng tác hết sức đắc lực của Ban Giáo Chức: ông Câu Cao Chắt, ông Câu Trạng, ông Biện Giuse Trương Vy, ông Biện Phêrô Hoàng Văn Thử, ông Biện Nhị, ông Biện Phêrô Nguyễn Hữu Từ.. và sau nầy ông Biện Mừng, ông Biện Long, ông Biện Hiếu, ông Biện Tâm, ông Biện Quang,… giáo xứ đã dần dần hồi phục. Bờ thành nhà thờ, nhà xứ được xây dựng lại vững chắc. Tu chỉnh nội thất thánh đường, nâng cấp nhà xứ, và nhất là phục hồi sinh hoạt Đạo Binh Đức Mẹ, mục vụ cho bệnh nhân ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định và các sinh viên Công Giáo các trường kỷ thuật, cao đẳng và đại học Quy Nhơn… Sinh hoạt giáo xứ ngày một ổn định và thăng tiến.

Trong khi đó giáo xứ Qui Hiệp ở khu 6 lại thiếu người chăm sóc. Vì thế ngày 24/04/1993 Đức Cha Phaolô lại bổ nhiệm linh mục Anrê coi sóc thêm giáo xứ Qui Hiệp. Công việc của 2 địa sở tuy nhiều, nhưng nhờ sự hăng say của Ban Giáo Chức và nhất là sự cộng tác hết sức nhiệt thành của giáo dân mà nhà thờ Qui Hiệp đã hoàn tất được phần móng và lên trụ, trong hân hoan và phấn khởi. Rồi một niềm vui nữa lại đến với giáo xứ: ngày 28/11/1995, giáo xứ đã tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn dịp mừng ngân khánh linh mục Anrê với sự tham dự của Đức Cha Phaolô làm chủ tế và của cả Đức Cha Phêrô lúc bấy giờ là linh mục Tổng Đại Diện, cùng với đông đủ các linh mục anh em, cũng như anh chị em giáo dân xa gần. Trong bài giảng lễ hôm đó, Đức cha Phêrô đã ví linh mục như người phu quét đường. Ngài nói: «Linh mục như là một anh phu quét đường» và lấy cảm hứng nơi hai câu thơ của Trịnh công Sơn: «“Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”. Vì hằng ngày, dù mưa dầm, dù gió lạnh, người quét đường phải có mặt từ sáng tinh mơ để dọn đường cho người khách bộ hành qua lại. Linh mục cũng thế, luôn trong tư thế dọn đường cho con người đến với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa đến với con người». Và trong tư thế đó, linh mục lúc nào cũng phải sẵn sàng lên đường để dọn đường cho Đấng Cứu Thế như sứ vụ của Gioan Tiền Hô. Chính vì thế ngày 14/01/1997 linh mục Anrê lại được thuyên chuyển về làm chánh xứ giáo xứ Kiên Ngãi ở Tây Sơn; linh mục Têphanô Dương Thành Thăm từ Kiên Ngãi về làm chánh xứ Hoà Ninh, kiêm nhiệm giáo xứ Qui Hiệp. Trong khi đó, Đức Cha Phaolô cũng già yếu, đã được Toà Thánh cho nghỉ hưu ngày 19/06/1999. Ngày 12/08/1999 Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn được tấn phong Giám Mục và trở thành Giám Mục Chính Tòa giáo phận Quy Nhơn. Qua năm sau ngày 03/06/2000 Đức Cha Phaolô qua đời và được an táng dưới chân hang đá Đức Mẹ trong khuôn viên nhà Thờ Chính Toà Quy Nhơn.

Vừa nhận chức, Đức Cha Phêrô đã đôn đốc, thúc dục việc xây dựng, tái tạo, trùng tu các hạ tầng cơ sở cho giáo phận và cho các địa sở. Linh mục Têphanô cũng đã tân trang lại bộ mặt của giáo xứ Hoà Ninh, quét vôi lại bờ thành, thay mái tôn nhà thờ bằng tôn lạnh, đặt hệ thống quạt trong thánh đường. Ngài cũng cho xây dựng nhà sinh hoạt của giáo xứ với diện tích 200m2, tu sửa gác chuông, nhà xứ và đặc biệt xây dựng tượng đài thánh cả Giuse, đổ bê tông sân nhà thờ, nhà xứ. Giáo xứ có thêm nhóm cầu nguyện, ban phục vụ, ca đoàn, ban phụng tự. Hoà Ninh như đang hồi xuân. Với 268 giáo dân trong 3 giáo họ: Gioan, Phêrô và Phaolô, cùng với Ban Giáo Chức mới: ông Câu Hiếu, ông Biện Ngọc, ông Biện Lan, ông Biên Tâm, ông Biện Hùng, cũng như sự hỗ trợ của của các cựu giáo dân trong và ngoài nước, giáo xứ đang cố gắng tạo một động lực truyền giáo mạnh mẽ cho hôm nay và ngày mai. Và đặc biệt ngày nay, giáo xứ Hoà Ninh còn được giáo phận chọn làm trung tâm lưu xá cho gần 100 em nữ sinh viên tá túc với 3 dãy nhà, được xây cất trong khuôn viên nhà thờ và được giao cho các tu sĩ Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn coi sóc. Cơ sở nầy đã được Cha quản lý Gioan Võ Đình Đệ và cha phụ tá F.X Phan Văn Mạnh điều hành xây cất và được khánh thành ngày 20/08/2005. Đây quả là một tiềm năng cho sự phát triển trong tuơng lai của giáo xứ.

52 năm, rồi 40 năm kỷ niệm, những chặng đường, những ân lộc và tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp nối với thời gian. Mầu nhiệm “hạt cải bé nhỏ” vẫn là một hiện thực đối với chúng ta, và đối với Hoà ninh nầy. Cái lẽ thịnh suy là định luật tất yếu của cuộc sống nhưng có Chúa cùng đồng hành giáo xứ luôn tiến lên về phía trước. Chính niềm tin vào Thiên Chúa là sức mạnh duy nhất để vượt qua tất cả mọi gian lao thử thách. Cây có cội, nước có nguồn, kỷ niệm 52 năm hình thành giáo xứ, 40 năm xây dựng thánh đường, chúng ta phải hướng về nguồn cội để cảm tạ Thiên Chúa Tình Yêu đã rộng ban muôn vàn ân phúc cho giáo xứ, để tri ân 6 đời Giám Mục đã cưu mang nuôi nầng, để nhớ mãi công ơn của các mục tử đã tận tuỵ hướng dẫn, chăm sóc đoàn chiên, cùng với biết bao ân thân nhân, bao con tim, bao tấm lòng , bao công sức, bao mồ hôi và nước mắt đã đổ ra cho giáo xứ nầy. Tất cả đều là hồng ân. Chúng ta hãy vui mừng hân hoan cầu chúc linh mục quản xứ, ban giáo chức và toàn thể giáo xứ Hoà Ninh ngày một phát triển và thăng tiến. Giờ đây, cùng với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Maria, người nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, và là quan thầy của giáo xứ, chúng ta cùng cất cao lời tán tạ: «Linh hồn tôi tung hô Chúa... Thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Độ tôi…». Amen.

Hòa Ninh, 11/06/2007

Tác giả bài viết: Lm. Anrê Hoàng Minh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay22,621
  • Tháng hiện tại409,786
  • Tổng lượt truy cập28,725,155

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây