Lược sử Giáo xứ Kim Châu

Thứ hai - 04/12/2017 18:03

GIÁO XỨ KIM CHÂU

Bổn mạng :  Đức Mẹ Mân Côi

https://farm5.staticflickr.com/4536/27054175839_3632e07c62_o.jpg

https://farm5.staticflickr.com/4529/27054177839_1d657a42a2_o.jpg

      
          
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Phần đất giáo xứ Kim Châu bao gồm một số phường xã thuộc thị xã An Nhơn: phường Bình Định, một phần phường Nhơn Hưng, xã Nhơn Khánh.

Nhà thờ Kim Châu tọa lạc tại 02 Lâm Văn Thạnh, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

          II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Người dân Kim Châu đã đón nhận Tin Mừng từ thời nào không được xác định rõ. Theo Liber Status Animarum, năm 1916, có bà Luxia Lưu, mẹ Ông câu Lưu [1] sinh và rửa tội năm 1834; Bà Ysave Vạn, chị cha Phêrô Niên sinh và rửa tội năm 1836...

Trong thống kê năm 1850 chưa có Kim Châu.[2]

Trong tiểu sử cha Jules Vialleton (Cố Tuyền) có ghi: Sau khi thụ phong linh mục, ngày 19.6.1872 cha lên đường đến địa phận Đông Đàng Trong, trước hết tới Bến Đá, liền sau đó đến Đồng Quả rồi đến Kim Châu và Kỳ Bương cho đến năm 1875 đi truyền giáo ở Kon-Tum. Trước 1885, chưa có Linh mục thường trú tại Kim Châu, Chúa Nhật các tín hữu phải đi dâng lễ ở Kỳ Bương.

Tháng 8 năm 1885 giáo hữu Kim Châu chạy xuống Qui Nhơn lánh nạn phong trào Văn Thân, sau đó vào Gia Định, đến năm 1887 hồi cư. Sau khi hồi cư, giáo họ Kim Châu được thành lập, với một nhà nguyện khiêm tốn, nhà tranh vách đất, nay là nền vườn phía trên vườn nhà bà Thầy Chánh.[3] Dần dần vùng Kim Châu có nhiều tín hữu, có linh mục ở tại Kim Châu, Kim Châu trở thành sở chính, Kỳ Bương thành một họ nhánh của Kim Châu.

    Quá trình lịch sử theo các đời cha sở. [4]

1- Cha Biện:

Cha sở tiên khởi Kim Châu, cha Biện gốc Gò Thị được phong chức đời Đức cha Charbonnier Trí, được Đức cha Hân bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu, sau đổi đi Trung Sơn (Trung Tín, Quảng Ngãi) và qua đời ở Trung Tín năm 1899.

2- Cha Simon Chính (1894 – 1897) :

Cha Simon Chính, nguyên là cha phó Gò Thị, năm 1894 được bổ nhiệm đến Kim Châu thay cha Biện. Kim Châu bấy giờ có 04 giáo họ: Kim Châu, Vườn Vông, Cù Lâm và Trung Ái. Trong hai năm rưỡi, cha Chính đã lập thêm những họ đạo: Đông Viên, Đông Lâm, Mỹ Ngọc, Trường Cửu, Hòa Tân, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Thủ Thiện.[5] Lập họ đạo mới, dĩ nhiên là phải cất nhà thờ hay nhà nguyện, sắp đặt và lập nếp sống đạo. Song vì sức khỏe yếu, sở đạo rộng, Đức cha Grangeon Mẫn bổ nhiệm cha Louis  Blais (cố Lực) từ Đại An về làm cha sở Kim Châu, cha Chính ở lại giúp cha Blais cho đến năm 1898 thì đổi về dạy học tại trường giáo tập Đại An.

3- Cha Louis Julien Marie Blais Lực (1897 - 1907):

Cha Blais Lực có các cha phó - không kể cha Simon Chính - là: Cha Antôn Cẩm người Hà Dừa 1898, cha Jules Vincent Labiausse phó xứ ở tại Kim Châu từ tháng 02 đến tháng 07 năm 1898, biệt lập ở Kỳ Bương từ tháng 07 năm 1898 đến tháng 07/1899. Từ tháng hai năm 1903 đến tháng 10 năm 1904 Đức cha Grangeon bổ nhiệm cha Lalanne làm cha phó biệt lập ở Kỳ Bương, cha Phêrô Huề (1904), cha Micae Thiên từ năm 1907.. cha Cẩm và cha Thiên biệt lập ở Nhơn Nghĩa (An Thái).

Khi cha Blais đến nhận sở Kim Châu, trong giáo xứ đã có nhiều giáo họ. Cha Blais đã lập trường học, trường này sinh hoạt rất sầm uất. Năm 1900, cha xây dựng nhà thờ Kim Châu, với sự trợ giúp của thày Bốn Chiếm. [6] Qua dòng thời gian, nhà thờ đã có tu sửa tuy nhiên phần lớn kết cấu nhà thờ như ta còn thấy ngày nay. Nhà thờ Kim Châu được thiết kế bằng nhiều gỗ quí, các cửa chính, cửa sổ, các cột, và khung trần đều được chạm trổ rất nghệ thuật và hết sức tinh vi, trên cửa chính nhà thờ có khắc dòng chữ "REGINAE ROSARII": Cha Blais Lực dâng hiến nhà thờ cho Nữ Vương Mân Côi nên chọn Lễ Mẹ Mân Côi (07.10) làm Bổn Mạng. Ngoài ra cha Blais còn lập thêm nhiều giáo họ mới như : Hòa Cư, Chánh Thạnh, Dương Lăng, Phò An, Quang- Quang và mấy họ đạo khác trong vùng Kỳ Bương. Năm 1900, Kim Châu (kể cả Kỳ Bương) có 4.891 tín hữu, trong 35 giáo họ.

Thời cha Blais làm cha sở Kim Châu, cha Auguste Jeoffroy Kim học tiếng Việt Nam và tập sự mục vụ ở Kim Châu, đồng thời có cha Phêrô Niên quê ở Kim Châu, đang làm cha sở Đồng Dài, vì sức khỏe yếu, được về dưỡng bệnh ở gia đình tại Kim Châu từ năm 1906. Trong biến cố Văn Thân 1885, cha Niên đã phải chịu nhiều vất vả, trốn lánh, đối phó. Thời Tự Đức, cha đã từng bị bắt vì đạo Chúa, bị thích chữ vào má: "Bình Định tả đạo". Cha qua đời ngày 18.10.1913, được an táng trong nhà thờ Kim Châu.[7] Cha Blais đau tì vị, bác sỹ khuyên về Pháp để điều trị, cha rời giáo xứ tháng 9 năm 1907 và đã qua đời tại Pháp 29.7.1908. Khi cha Blais đi Pháp, thì Đức cha Grangeon Mẫn bổ nhiệm cha Philipphê Khiêm [8] tạm chăm sóc mục vụ giáo xứ Kim Châu cho đến năm 1908 cha Louis Vallet được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu.

4- Cha Louis Vallet Ngân (1908 - 1910):

Cha Vallet làm bàn thờ bằng gỗ, chạm trổ lộng lẫy, mở nhà phát thuốc tại nhà thờ. Theo đề nghị của cha Vallet năm 1908, Kỳ Bương được tách khỏi Kim Châu, cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ quê Tùng Sơn, Quảng Nam được bổ nhiệm làm cha sở Kỳ Bương. Giáo dân Kỳ Bương lúc bấy giờ là 1.250 người.

5- Cha J. Bapt. Solvignon Lành (1910 - 1920):

Cha Solvignon từ Lệ Sơn về làm cha sở Kim Châu thay cha Vallet. Cha Solvignon rất năng động trong công viêc mục vụ, lên tận Đồng Phó làm lễ Chúa Nhật. Năm 1912 cha quyết định xây một nhà thương gần nhà thờ Kim Châu và giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolô de Chartres. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1912. Nhà thương chính thức mở cửa năm 1914. Nữ tu Casimir Aimée và Melthide cùng với một nữ tu Việt Nam là các nữ tu Dòng Thánh Phaolô đầu tiên làm việc tại nhà thương nầy.

Năm 1917, cha Solvignon nhận lệnh tổng động viên phục vụ tại bệnh viện quân y Sàigon. Trong khi đó cha Antoine Sudre Thọ từ Đại An đến tạm thay cho tới khi cha Solvignon giải ngũ. Năm 1918 được giải ngũ, cha Solvignon về lại Kim Châu. Thời cha Solvignon làm cha sở Kim Châu có hai cha thừa sai học tiếng Việt Nam và thực tập mục vụ ở Kim Châu, là cha Priou Tài ở Chánh Thạnh và cha Berard Hào ở Kim Châu.

6 - Cha Jules Labiausse Sáng (1920 –1927):  

Năm 1920 cha Jules Labiausse Sáng được bổ nhiệm cha sở Kim Châu thay cha Solvignon đi làm cha sở Gò Thị. Cha Labiausse đã sáng lập nhiều giáo họ.

Ngày 1 tháng 8 năm 1923 cha rửa tội 21 tân tòng tại Nghiễm Hòa, một họ đạo mới được thành lập. Năm 1925 cha xây nhà thờ Thạnh Danh, và lập giáo họ Huỳnh Kim. Trong bảy năm cha Labiausse Sáng làm cha sở Kim Châu đã có 7 cha phó: Cha Phanxicô Xaviê Tuyên 1922, cha Simon Phiến 1922, cha Thiện quê Gò Thị phó biệt lập tại Nhơn nghĩa (An Thái), cha Phêrô Phước 1923 cũng ở Nhơn Nghĩa, cha Bênêđictô Hiến 1925, cha Phaolô Thì 1925, phó biệt lập tại Nhơn Nghĩa, cha J.B. Trung 1927.

Trong thời gian 1920 - 1927 có 4 cha tuyên úy cho trường Lasan Gagelin kể từ 1923: Cha Qua, cha Cậy, cha Yến và cha Từ. Nếu tính đến năm 1932 thì còn có cha Liên, rồi cha Phaolô Chánh; cha Chánh vừa làm tuyên úy trường Gagelin vừa làm cha phó Kim Châu.

Khi cha Solvignon làm cha sở Kim Châu, cha được đặc trách tìm mua mặt bằng thích hợp để có thể mở một trường học tại Kim Châu. Thời bấy giờ ở gần nhà thờ Kim Châu có nền tế Xã-Tắc đã lâu không còn dùng vào việc tế tự. Triều Đình Quyết định cấp hẳn khu đất nền Xã-Tắc với điều kiện là phải mở tại đây một trường học Pháp - Việt.

 Ngày 08.09.1920, trường Gagelin đã được thành lập và giao cho dòng Lasan đảm trách. Sư huynh Dunstan Lucien được nhà dòng bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên. Ngày 28.01.1921 công việc xây dựng trường được khởi công dưới sự điều hành của Sư huynh Alarin Pierre. Công trình được làm phần tạm để kịp khai giảng niên khóa 1921-1922. Ngày 15.8.1921, cha Gagnair, Bề trên,  đại diện giám mục địa phận đã chủ sự nghi thức làm phép viên đá đầu tiên của khu nhà chính. Năm 1923, công trình trường mới được hoàn thành, Đức cha Grangeon, Giám mục địa phận đã chủ tọa buổi lễ làm phép nhà trường.

Năm 1932 dưới thời Đức cha Grangeon Mẫn, Dòng Lasan nhượng lại cơ sở cho Dòng Thánh Giuse. Cơ sở nầy là một ngôi nhà 3 tầng dài 40 mét tọa lạc gần nhà thờ Kim Châu. Sau khi có cơ sở nầy, cha Sion Khâm [9], Đấng sáng lập đồng thời cũng là Bề Trên, chuyển Nhà Mẹ Hội Thầy giảng lúc nầy đã trở thành Dòng Thánh Giuse được Tòa Thánh phê nhận ngày 30.5.1931, từ Nhà Đá về Kim Châu[10]. Ngày 6 tháng 1 năm 1955 Đức cha Marcel Piquet Lợi, Đại diện Tông Tòa Qui Nhơn, đã ký Quyết định dời Nhà Mẹ Dòng Thánh Giuse từ Kim Châu về Nha Trang [11], cơ sở nhà mẹ Dòng Thánh Giuse Kim Châu trở thành Trường Trung Học Tư Thục Thánh Giuse kể từ niên khóa 1955 - 1956.

7- Cha Émile Laborier Hảo (1927-1929):

Năm 1927 cha Labiausse Sáng được bổ nhiệm làm Phó Đại Diện (Provicaire) thay cha Gagnaire. Cha Laborier Hảo được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu. Cha Laborier Hảo làm cha sở 2 năm. Năm 1929 được bổ nhiệm làm cha sở An Ngãi, Quảng Nam.

8- Cha Gallioz Thiết (1929 - 1930):

Cha Gallioz Thiết đến thay cha Laborier Hảo năm 1929. Cha chỉ ở Kim Châu một năm rồi đi Hội An 1930. Cha Gioakim Nguyễn Thủ  làm cha phó thời các cha Laborier và cha Gallioz làm cha sở Kim Châu.

9- Cha Escalère Dõng (1930 - 1936):

          Năm 1930 cha Lucien Escalère được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu. Năm 1931, một phần đất của giáo xứ Kim Châu được tách khỏi Kim Châu, lập thành giáo xứ Trường Cửu với các giáo họ: Trường Cửu, Cù Lâm, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Đồng Sim, Trung Ái, và Nghiễm Hòa. Cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì là cha sở tiên khởi của Trường Cửu. Cha Phaolô Bường quê Gò Mít (Nhà Đá) làm cha phó Kim Châu giúp cha Gallioz (1929) và sau giúp cha Escalère.

          Năm 1934, một cô nhi viện được mở tại khu đất nhà thương Kim Châu.

10- Cha Phaolô Bường (1937 –1941):

          Khi cha Escalère đi làm tuyên úy hải quân Pháp thì cha Bường làm cha sở Kim Châu. Năm 1932 trường Gagelin dời xuống Qui Nhơn, nhường cơ sở cho Dòng Thánh Giuse. Cha Thomas Thiềng làm tuyên úy Dòng Thánh Giuse cho đến năm 1941, vì đau yếu, cha nghỉ dưỡng ở nhà hưu Đại An. Cha J.B. Hậu (major- quê Tầm Hưng) thay cha Thiềng, song vẫn còn kiêm nhiệm cha phó Kim Châu. Cha Hậu đã qua đời ngày 6 tháng 10 năm 1945 tại Làng Sông.

11- Cha Bênêđictô Nguyễn Đình Hiến (1941 – 1943):

          Cha Bênêđictô Nguyễn Đình Hiến đến thay cha Bường làm cha sở Kim Châu kiêm Hạt Trưởng (Decanus). Thời cha Bường và cha Hiến làm cha sở có cha Biên làm cha phó Kim Châu. Năm 1942, cha Biên đi làm cha sở Trường Cửu, cha Gioan Suất làm cha phó Kim Châu.

12- Cha Giuse Nguyễn Khắc Miễn (1943 – 1945):

Năm 1943 cha Miễn đến làm cha sở Kim Châu thay cha Hiến đi Hà Dừa. Tháng 8 năm 1945 cha Miễn nghỉ hưu.

13- Cha Simon Huỳnh Sánh              1945 – 1946

Từ cuối tháng 10 năm 1945, Việt Minh nắm quyền Khu V : Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, các thừa sai và các nữ tu người ngoại quốc lên đường ra khỏi Khu V. Nhà thương và Cô nhi viện Kim Châu được giao cho các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn phụ trách. Nữ tu Françoise Phan Thị Xá, dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, làm giám đốc

14- Cha Antôn Nguyễn Anh Thuận   1946 – 1947

15- Cha Anrê Phan Ngọc Lễ             1947 – 1950

16- Cha Giuse Nguyễn Văn Ái          1950 – 1955

Trong thời gian cha Ái làm cha sở Kim Châu có cha Thomas Tới làm tuyên úy nhà thương Kim Châu (cho đến năm 1945 đi làm cha sở Gò Thị ). Cha Bề Trên Huy làm tuyên úy các thầy Dòng Thánh Giuse thay cha J.B. Hậu đã qua đời.

17- Cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển (1955–1964) :

          Năm 1955, cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển làm cha sở Kim Châu. Trong 9 năm làm cha sở Kim Châu, cha Quyển xây dựng nhiều nhà thờ giáo họ: Thạnh Danh 1956, Chánh Thạnh 1961, Phò An 1962, Dương Lăng 1962, Đập Đá 1962; đặc biệt nới rộng thêm nhà thờ Kim Châu bằng cách phá bỏ hè hai bên. Gặp thời thuận lợi, ngài đẩy mạnh phong trào truyền giáo, cử người đi dạy giáo lý tân tòng nhiều nơi trong giáo xứ, và đã rửa tội hàng trăm người ở Thạnh Danh vào năm 1961 và ở Nhạn Tháp vào năm 1963, tất cả gồm 44 gia đình.

Dưới thời cha Nguyễn Văn Quyển, năm 1958 Vườn Vông được tách khỏi giáo xứ Kim Châu, thành lập sở mới, cha Phêrô Nguyễn Thanh Quý làm cha sở Vườn Vông. Theo Quyết nghị của Hội đồng địa phận họp tại Tòa Giám mục vào ngày 6 tháng 2 năm 1961 và sau khi tham vấn ý kiến của các cha trong tuần cấm phòng chung, Kim Châu là một trong các giáo xứ được tuyên bố là giáo xứ chính thức theo giáo luật hiện hành.  [12]

Năm 1959, một nhà hộ sinh được các nữ tu mở tại khu đất nhà thương Kim Châu. Nữ tu Gertrude Huỳnh Thị Vỹ, dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn làm giám đốc. Ngày 02.12.1978, toàn bộ cụm cơ sở Nhà thương, Cô nhi viện và nhà Hộ sinh được chính quyền trưng dụng, giao cho Sở Lao động Thương binh tỉnh Nghĩa Bình. Nay cơ sở này được làm Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Định.

18- Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu (1964 –1975):

Cha Nguyễn Hoàng Nhu nguyên là cha sở Đồng Quả, được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu. Thời cha Nguyễn Hoàng Nhu, Legio Mariae Kim Châu khá mạnh, thành lập Curia với 10 Praesidia, thuộc Comitium Qui Nhơn. Năm 1964 cha Nguyễn Hoàng Nhu xây dựng nhà thờ giáo họ Bình Định với thánh hiệu " Nữ Vương Hòa Bình". [13] Cha Đôminicô Châu Phận về dưỡng bệnh tại nhà thờ nầy từ đầu năm 1967 đến cuối năm 1970, Cha Nguyễn Hoàng Nhu đã xây nhà xứ Kim Châu, một trệt một lầu, hiện vẫn còn sử dụng. Cha cũng đã lập trường Tiểu học phía trước nhà thờ Kim Châu, giao cho các Sư huynh Giuse phụ trách. Nhà xứ và trường Tiểu học đã được khánh thành vào năm 1968, năm kỷ niệm Ngân Khánh Linh mục của cha. Năm 1970 cha Nguyễn Hoàng Nhu xây lại nhà thờ Thạnh Danh tại thửa đất như ta thấy ngày nay. Ngoài ra cha cũng xây những trường Tiểu học hoặc Mẫu giáo ở các giáo họ: Bình Định, Huỳnh Kim và Chánh Thạnh. Năm 1973, Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn bổ nhiệm cha Stêphanô Dương Thành Thăm làm phó xứ. Trong thời gian chiến tranh, nhiều nhà thờ bị tàn phá, nhiều giáo họ bị xóa tên như Hòa Tân, Tuyên Huề, Quang Quang, Quang Châu. Tháng 3 năm 1975, cha cùng một số giáo dân di tản vào Sài Gòn. Sau đó cha dưỡng bệnh tại Dòng Đồng Công Thủ Đức. Chúa gọi cha về vào ngày 01 tháng 5 năm 1984, được an táng tại nghĩa trang Dòng Đồng Công Thủ Đức.

19- Cha Giacôbê Đặng Công Anh (1975 –2001):

Cha Giacôbê Đặng Công Anh về nhận sở Kim Châu vào ngày 25 tháng 4 năm 1975 trong khung cảnh nhà thờ, nhà xứ hoang tàn đổ nát, giáo dân thưa thớt vì đi lánh nạn chiến tranh chưa hồi cư. Trong hoàn cảnh ấy, cha Đặng Công Anh nỗ lực củng cố đời sống đức tin của các tín hữu, chấn chỉnh lại Ban giáo chức, Ca đoàn, Ban giúp lễ, sắp xếp giờ Kinh, giờ Thánh lễ cho phù hợp với sinh hoạt của giáo dân. Để tập cho giáo dân trưởng thành trong Đức Tin, cha chia cho các giáo họ trong giáo xứ thay phiên nhau đảm trách phục vụ Thánh Lễ Chúa Nhật. củng cố lại các giới: Thiếu nhi, giới trẻ, các Bà Mẹ,... thành lập và đào tạo các giáo lý viên. Trong 26 năm làm cha sở, cha đã tu bổ, sửa chữa lại hầu hết các nhà thờ đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá: Kim Châu, Dương Lăng, Chánh Thạnh, Hòa Cư, Phò An, Bình Định, Đập Đá đều được tu sửa, đổi mới cả bên trong lẫn bên ngoài; xây mới nhà thờ Huỳnh Kim 1996, xây Hang Đá Đức Mẹ tại nhà thờ Kim Châu 1995, hang đá Đức Mẹ tại Hòa Cư 2000; xây nhà vuông Chánh Thạnh 1999, đại tu bổ nhà thờ và xây dựng nhà vuông Phò An 2001. Đặc biệt, ngài đã tu sửa nhà thờ Kim Châu qua nhiều đợt và hoàn tất vào năm 2000 để mừng một trăm năm nhà thờ Kim Châu trong dịp đại năm thánh 2000. Trong chính ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 2000, Bổn mạng giáo xứ, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo Phận chủ tế với số đông Linh mục trong và ngoài giáo phận về đồng tế, với hàng ngàn giáo dân, ân nhân thập phương tham dự. Trong dịp nầy Đức Giám mục giáo phận tuyên bố Nhà thờ Kim Châu là Trạm hành hương Năm Thánh 2000.

Ngày 15 tháng 10 năm 2001 Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã có văn thư bổ nhiệm cha Giacôbê Đặng Công Anh làm cha sở Qui Hiệp và đồng thời bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí, cha sở Sông Cạn về làm cha sở Kim Châu.

20- Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí (2001 - 2014):

Ngày 27 tháng 10 năm 2001 cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí được bổ nhiệm làm cha sở  Kim Châu.

Về tiếp nhận giáo xứ mới, cha Gioakim đã không chậm trễ triển khai chương trình hoạt động mới của mình : Một mặt ngài tu sửa nhà xứ, kiến thiết hoa viên nhà xứ cũng như nhà thờ, mặt khác ngài mở rộng địa bàn sinh hoạt tôn giáo bằng việc tăng thêm thánh lễ ngày Chúa Nhật và ngày trong tuần tại nhà thờ các giáo họ : Chánh Thạnh, Phò An, Huỳnh Kim. Hàng tuần có một thánh lễ ngày thường tại các giáo họ, riêng tại nhà thờ Huỳnh Kim còn có thánh lễ Chúa Nhật.

Năm 2005, cha cho đại trùng tu nhà thờ giáo họ Hòa Cư.

Năm 2007, cha trùng tu nhà thờ giáo họ Chánh Thạnh, khánh thành ngày 22.10.2007.

Ngày 02.04.2008, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Bá Trung làm cha phó Kim Châu, biệt lập ở Huỳnh Kim.

            Ngày 23.09.2009, Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn thành lập giáo xứ Huỳnh Kim và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Bá Trung làm cha sở. Địa bàn giáo xứ Huỳnh Kim được tách từ giáo xứ Kim Châu gồm: thôn Huỳnh Kim, Phú Sơn, Tân Hòa của xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, thôn Phong Tấn, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Trung Thành của xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Tháng 2.2009, cha Gioakim khởi công xây dựng nhà thờ và nhà xứ  giáo họ Đập Đá. Vì thửa đất nhỏ hẹp nên công trình được cha cho thiết kế tầng trệt và tầng lầu. Vào lúc 09 giờ 00 ngày 01.5.2010, lễ thánh Giuse Thợ, thánh lễ cung hiến nhà thờ được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự. Đức cha Matthêô, Giám mục phó giáo phận, giảng lễ.

Sau khi cơ sở vật chất được ổn định, giáo họ Đập Đá được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn giao cho Tỉnh dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam đảm nhiệm như một giáo họ biệt lập.

Trong khi cặm cụi thi hành sứ vụ của mình tại Kim Châu, cha Gioakim đột ngột qua đời tại nhà xứ vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 24.3.2014.

Sau khi cha Gioakim qua đời, việc mục vụ tại giáo xứ được Đức Giám mục giáo phận ủy nhiệm cho cha Germain Phùng Nhẫn, dòng Ngôi Lời, đang ở tại cộng đoàn của dòng tại Kim Châu.

21- Cha Gioakim Huỳnh Công Tân (2014 - …)

          Vì nhà xứ Kim Châu đã được xây dựng từ năm 1970, một số hạng mục đã hư hỏng. Tháng 4.2014, Tòa Giám mục đã cho tu sửa, chủ yếu phần mái, sơn tường và một số cửa.

          Ngày 10.6.2014, cha Gioakim Huỳnh Công Tân được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu. Cha đã nâng đất phần đất thấp liền kề nhà xứ và xây dưng khối nhà giáo lý trên phần đất này. Ngày 09 tháng 09 năm 2015, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, ký quyết định tách các giáo họ Chánh Thạnh, Phò An, Dương Lăng và Thạnh Danh thuộc giáo xứ Kim Châu để thành lập giáo xứ Chánh Thạnh.

          Sau khi thụ phong linh mục (19.3.2015), cha Gioakim Nguyễn Minh Yên được bổ nhiệm làm phó xứ Kim Châu. Trước đó, cha Yên là thầy giúp xứ Kim Châu.

          III- HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2016):

          Trước đây giáo họ Kim Châu gồm địa bàn khu vực  Kim Châu, Phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Nay giáo họ Kim Châu được chia thành các giáo họ: Vô Nhiễm, Giuse, Thăm Viếng và Fatima, cả bốn giáo họ sinh hoạt chung tại nhà thờ Kim Châu.

          1. Họ Vô Nhiễm : 340 người trong 69 gia đình. Bổn mạng Mẹ Vô Nhiễm.

          2. Họ Giuse : 257 người trong 59 gia đình. Bổn mạng Thánh Giuse 19.3

          3. Họ Thăm Viếng: 182 người trong 46 gia đình. Bổn mạng Đức Mẹ Đi Viếng.

          4. Họ Fatima : 244 người trong 66 gia đình. Bổn mạng Mẹ Fatima.

        5. Họ Hoà Cư: Thôn Hoà Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Được thành lập vào năm 1905 thời cha Blais Lực. Nhà nguyện đầu tiên được xây dựng vào năm 1915 dưới thời cha Solvignon Lành. Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu tôn tạo bằng gạch ngói vào năm 1966. Cha Giacôbê Đặng Công Anh tu sửa năm 1997. Hang đá Đức Mẹ được xây năm 2000. Năm 2005, cha Trí đại trùng tu nhà thờ và mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo họ.  Số giáo dân là 184 người trong 52 gia đình. Bổn mạng Trái Tim Chúa Giêsu.

        6. Họ Bình Định: Còn gọi là họ Tân Thành, xưa thuộc thôn Hưng Định, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, nay thuộc phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Được thành lập dưới thời cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển. Nhà thờ được cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu xây dựng năm 1964. Được cha Giacôbê Đặng Công Anh tu sửa năm 1998. Số giáo dân là 213 người trong 63 gia đình. Bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

       7. Họ Khánh Lễ Thôn Khánh Lễ, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Giáo họ được thành lập năm 1925, thời cha Solvignon Lành. Nhà thờ được xây dựng năm 1962, hiện nay đã bị đổ nát. Số giáo dân là 79 người trong 15 gia đình.

Tổng số giáo dân trong giáo xứ hiện nay (2016) là 1461 người trong 370 gia đình.

          IV. LINH MỤC, TU SỸ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ:

      1- Các linh mục :

. Cha Niên (1841 - 1913 )

. Cha Toma Đoán (1893 - 1940)

. Cha Đôminicô Châu Phận (1904 - 1967)

. Cha Đạo Minh Hà Long Ẩn (1912 - 1977) Dòng Thánh Giuse

. Cha Gerard Trần Lộc  Dòng SVD

. Cha Inhaxiô Hồ Kim Thanh  Dòng SVD

. Cha Simon Hồ Đức Minh  Dòng SVD

. Cha Gioakim Võ Thành Khánh  Dòng SVD

. Cha J.B. Hoàng Đình Ưng  Dòng SVD

      2- Các Nữ tu :

. Hội Dòng MTG Qui Nhơn:

 - Nữ tu Valentine (Elisabeth Điệp) (1910 - 1993)

 - Nữ tu Marina (Teresia Lượng) (1943 - 1997)

 - Nữ tu Odile Matta Nguyễn Thị Trút (+)

 - Nữ tu Laurent Trung

 - Nữ tu Anê Nguyễn Thị Hoa Sen

 - Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Tuyết Lan

. Dòng Phan xi cô Thừa Sai:

 - Nữ tu Anna Nguyễn Thị Mau (1933 - 1966)

 - Nữ tu Isave Huỳnh Thị Khẩn

 - Nữ tu Anna Nguyễn thị Tạo

 - Nữ tu Anna Lê thị Minh Nguyệt

. Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm:

- Nữ Tu Maria Bùi thị Diện

. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres:

 - Nữ tu Eliore (Martha Danh) (1899-1934)

 - Nữ tu Yvonne ( Lucia Chánh) (1904 -1960)

 - Nữ tu Cécile (Martha Võ Thị Chín 1906 - 1989)

 - Nữ tu Isave Nguyễn thị Hơn

 - Nữ tu Anna Nguyễn thị Hoa Siêm

 - Nữ tu Anna Nguyễn Trần Linh Chiêu

 - Nữ tu Maria Thái Hà Liên

 - Nữ tu Lucia Trần Thị Tuyết Lan

. Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang: Nữ tu Đinh thị Xứ

. Dòng Đức Bà Truyền Giáo: - Nữ tu Maria Lê thị Hoa

. Dòng Carmel – Thánh Giuse: Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Nhi

 


[1] Vườn Vông

[2] Mémorial de Qui Nhơn, số 58, 31.10.1909, trang 151-152.

[3] Cháu Ông trùm Tần

[4] Dựa theo Mémorial Mission de Qui Nhơn và Notices Biographiques des Missionnaires

[5] Mm.10/1919,p. 141-142

[6] Thân sinh của Cha Chương Quảng Ngãi

[7] Sau nhiều lần tu sửa nhà thờ, hiện nay vị trí mộ bị thất lạc, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều giáo dân trong xứ còn     nhớ vị trí.

[8] quê Gò Găng

[9] Jean Sion M.E.P.

[10] tháng 7 năm 1932

[11] Lúc ấy Nha Trang còn thuộc giáo phận Qui Nhơn

[12] Thông tin Địa phận Qui Nhơn số 22, tháng 5&6, năm 1961, trang 13.

[13] nay là nhà thờ giáo họ Tân Thành, phường Bình Định, thị xã An Nhơn.

Tác giả bài viết: Ban biên tập lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay21,244
  • Tháng hiện tại518,500
  • Tổng lượt truy cập28,833,869

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây