Đức Giám mục kinh lý Giáo xứ Qui Đức

Thứ hai - 11/06/2018 20:13

CUỘC KINH LÝ TẠI GIÁO XỨ QUI ĐỨC
CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Hòa trong niềm vui mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Bổn mạng giáo xứ, Đức Giám mục Giáo phận đã có chuyến kinh lý mục vụ tại giáo xứ vào lúc 14g00 ngày 08.06.2018.
Đúng 14g00, khi xe Đức Cha vừa ngừng tại cổng giáo xứ, thì toàn thể giáo xứ đã hân hoan chào đón Đức Cha, Cha Tổng đại diện bằng những tràng pháo tay, chuông nhà thờ vang lên, nhạc đoàn hòa tấu chào mừng. Đức Cha hôn kính thánh giá và được rước vào nhà thờ quỳ trước Thánh Thể Chúa. Sau đó cha chính xứ kêu gọi cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cha.
Tiếp đến cha phó Philipphê Phan Quốc Dũng giới thiệu Đức Cha, Cha Tổng đại diện cho cộng đoàn và lần lượt giới thiệu các thành phần trong cộng đoàn giáo xứ cho Đức Cha.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, như thường lệ, Đức Cha đã nói về bổn phận phải đi kinh lý của ngài theo tinh thần giáo luật và mục đích của việc kinh lý nầy.
Tiếp theo, cha phó Philipphê Phan Quốc đã trình bày lịch sử giáo xứ và ông chủ tịch hội đồng giáo xứ trình bày hiện tình sinh hoạt của giáo xứ.
Sau khi nghe phần trình bày lịch sử và hiện tình giáo xứ, Đức Cha đã mời gọi mọi người cùng đóng góp ý kiến để xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển hơn.
Những câu hỏi được đặt ra là:

  1. Đi lễ Chúa nhật mà ở bên ngoài nhà thờ, ngồi chỗ này chỗ kia, để hút thuốc, bấm điện thoại, như vậy có phải là tham dự thánh lễ hay không?

Đức Cha trả lời rằng: Thánh lễ là cử hành phụng vụ trong đó mọi người tham gia đầy đủ, ý thức, tích cực với vị chủ tế. Đây là hành vi mang tính cộng đồng, trong đó có sự tham gia của mỗi người. Giáo Hội buộc giữ lễ ngày Chúa nhật là phải tham dự thánh lễ đầy đủ, tích cực, ý thức. Cho nên khi chúng ta đi tham dự thánh lễ, mặc dù vào khuôn viên nhà thờ mà ngủ, điện thoại nhắn tin, hoặc đọc sách báo… thì cũng như là không tham dự thánh lễ. Nếu nhà thờ còn rộng mà cố tình ngồi bên ngoài, không nghe gì cả, không thấy gì cả, thì cũng xem như là không tham dự thánh lễ. Trừ trường hợp cực chẳng đã, một thánh lễ quá đông người, không có màn hình, thiếu âm thanh, khiến ta không xem thấy, không nghe rõ thì chúng ta hiệp thông tâm tình, đây là chuyện ngoài ý muốn chúng ta. Nếu tham dự thánh lễ theo kiểu đạo gốc (ngồi gốc cây), hay đạo dòng (đi lòng 'dòng') mà không vào nhà thờ, và chúng ta tự trấn an mình đã đến nhà thờ rồi, thì vẫn có tội bỏ lễ Chúa nhật, hay tội dự lễ Chúa nhật không nên. Giống như đi ăn tiệc thì phải vào bàn ăn, chúng ta đến tham dự thánh lễ thì phải vào nhà thờ để dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể.

  1. Những người ly thân, ly dị, họ xét theo lương tâm, thấy không có tội nên đi lễ và rước lễ như vậy có được hay không?

Đức Cha trả lời: Ở đây chúng ta phải xét theo từng trường hợp. Theo luật của Chúa thì hai người đã kết hôn trước mặt Chúa thì hôn phối đó là bất khả phân ly. Nhưng trong gia đình mỗi người chồng, người vợ là những con người yếu đuối, thường mắc lỗi lầm, nên cần giúp nhau sửa đổi, và tha thứ cho nhau. Trong thực tế của nhiều gia đình đổ vỡ, thì phải xét lỗi thuộc về ai. Nếu người vợ bị đánh đập và nhiều lần khuyên can mà không được thì đến trình cha sở để xin hòa giải, nhưng nếu không được nữa thì, xin ly thân, nhưng nếu vẫn tiếp tục bị chồng đánh đập thì người vợ có quyền đến trình với cha sở và xin được ly dị, với ý hướng là để luật pháp bảo vệ mình, chứ không có ý phá vỡ dây hôn phối. Khi đó, người vợ là nạn nhân, nên vẫn xưng tội rước lễ bình thường.

  1. Trong Thánh lễ mọi người đều hướng về bàn thờ, trong khi đó người đánh nhịp cộng đoàn đứng múa tay múa chân, gây ra sự lo ra chia trí cho mọi người, như vậy thì có nên hay không?

Đức Cha trả lời: Trong Thánh lễ phần quan trọng nhất là phần kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu từ kinh tiền tụng đến kinh lạy Cha. Khi đó chỉ có kinh Thánh, Thánh, Thánh, thường được hát theo bộ lễ seraphim, nên cũng không nhất thiết phải đánh nhịp. Đánh nhịp là để giữ nhịp cho cộng đoàn hát nhịp nhàng, hát đều nhau những bài hát mới, chưa phối hợp được với nhau. Nhưng những bài hát này thường hát vào đầu lễ, dâng lễ, hiệp lễ và kết lễ. Người đánh nhịp chọn chỗ đứng cho phù hợp. Nhưng nếu đánh nhịp mà gây sự lo ra chia trí thì cũng nên giảm bớt.

  1. Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, người lính đã đâm vào cạnh sườn Người, bên phải hay bên trái, vì con thấy có tượng bên phải có tượng bên trái?

Đức Cha trả lời: Câu hỏi này cũng đã được một người ở giáo xứ Ghềnh Ráng hỏi, Đức Cha nói rằng Kinh Thánh cũng không có nói rõ bên phải hoặc bên trái cạnh sườn Chúa Giêsu. Nếu người lính thuận tay phải thì anh ta đâm vào cạnh sườn bên trái của Chúa. Còn nếu thuận tay trái thì anh sẽ đâm vào bên phải Chúa. Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma có bức tượng một người lính cầm lưỡi đòng. Hỏi ra thì được biết đó là tượng thánh Longinô, người lính đã đâm cạnh sườn Chúa và đã ăn năn sám hối, trở thành thánh. Về phương diện thần học thì dựa vào câu Kinh Thánh: "Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra". Tuy nhiên, không có gì chứng mình cách xác thực dấu đòng nằm ở phía nào. Các họa sĩ và điêu khắc gia đã sáng tác đề tài này theo sở thích và quan điểm riêng của họ. Còn để nói chính xác thì Đức Cha cũng không thể nói được.

  1. Ăn chay có được uống nước trà, cà phê hay không?

Đức Cha trả lời: Thực ra việc ăn chay nhắm đến tinh thần nhiều hơn. Những người Hồi giáo ăn chay một cách triệt để, suốt tháng Ramadan họ không ăn không uống gì cả từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Còn người công giáo chúng ta nói tiếng là mùa chay nhưng chỉ ăn chay có 2 ngày là thứ tư lễ tro và thứ 6 tuần thánh, như vậy những ngày khác các tín hữu không sống tinh thần mùa chay hay sao? Cho nên Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến tinh thần chay tịnh. Mùa chay có ba việc phải làm là từ bỏ tội lỗi, làm việc từ thiện bác ái và cầu nguyện.
Việc ăn chay cũng tùy từng người. Xưa nay chúng ta giữ chay là sáng nhịn đói, trưa ăn no, tối ăn lót lòng sét chén. Nhưng một người đi lao động nặng nhọc thì họ không thể nhịn đói mà lao động được, hay một người thân hình vạm vỡ thì họ cũng không thể nhịn được, cho nên họ cũng có thể ăn bớt lại bằng một nửa hay một phần ba những bữa ăn bình thường. Hay người đau yếu bệnh tật họ không thể ăn nổi, mà bảo họ ăn sét chén thì cũng quá mức. Cho nên việc chay tịnh tùy thuộc vào thể trạng và hoàn cảnh của mỗi người.
Còn về vấn đề uống nước, thực ra thì uống trà hay cà phê cũng không phải là phá chay, phá chay là làm cho mình no không còn cảm giác đói khát nữa. Nhưng nếu kiêng những thứ đó để nói lên sự hãm mình thì tốt. Ăn chay là bớt phần ăn để giúp đỡ cho người nghèo khổ, như là kết quả ăn chay của chúng ta. Điều quan trọng là trước mặt Chúa chúng ta phải thành thật trong sáng.

  1. Một người nam không có đạo, người nữ có đạo, ăn ở với nhau không có phép hôn phối, sinh được hai người con không được rửa tội. Bây giờ người nữ muốn được chuẩn hôn nhân khác đạo để giữ đạo, mà hai người con không muốn theo đạo của mẹ, thì giải quyết như thế nào?

Đức Cha trả lời: Việc hai người lấy nhau như vậy đã là tội rồi, nhưng người mẹ công giáo nên tìm cách cho con được rửa tội vì đứa bé thuộc về người mẹ, đừng vì tội của mình mà làm cho đứa con mất đi phần rỗi linh hồn của nó. Nếu không giúp cho nó ngay từ nhỏ, khi nó trưởng thành thì việc theo đạo hay không theo đạo của nó đã tuột khỏi quyền của mình rồi. Cho nên tốt hơn hết là hai người xin chuẩn hôn nhân khác đạo để có thể đi nhà thờ tham dự thánh lễ, rồi mới hướng dẫn con cái của mình được. Phép chuẩn hôn nhân khác đạo buộc phải rửa tội cho những đứa con sinh ra từ đó, còn đối với những đứa con đã sinh ra trước thì không buộc, nhưng vẫn khuyên người phía công giáo phải tìm mọi cách để con cái của mình được rửa tội và giữ đạo.

  1. Luật buộc kiêng việc xác 3 ngày lễ trọng: Lễ Phục sinh, lễ Giáng Sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng công việc thì không thể nghỉ được, nên xin Đức cha cho ý kiến để chúng con được thấy thoải mái?

Đức Cha trả lời: Luật buộc kiêng việc xác các ngày Chúa nhật và lễ trọng được Giáo Hội đặt ra nhằm mục đích giúp mọi người được giải thoát khỏi sự ràng buộc của công việc, để dễ dàng tham dự Thánh lễ thờ phượng Chúa. Trong lịch sử, luật này trước hết nhắm đến những người lao động khổ cực vất vả dưới tay những ông chủ, buộc những ông chủ công giáo phải cho công nhân nghỉ để đến nhà thờ, tránh trường hợp bóc lột lao động. Tiếp đến Giáo hội mời gọi người công giáo kiêng việc xác ngày Chúa nhật để thánh hóa những công việc của một tuần như ngày xưa Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Nghĩa là ngày cuối cùng đó mình dâng tất cả những công việc của mình lên Chúa và để cảm ơn Chúa.
Luật  này vẫn còn chứ không phải là không, nhưng vì thời thế công ăn việc làm mà người ta quên đi mất việc này. Nếu ham muốn làm giàu thì có lỗi, còn nếu vì khổ cực không làm thì không có ăn, thì không buộc.
Còn riêng ba ngày lễ quan trọng này, chẳng lẽ trong một năm mà không dành được ba ngày này để tạ ơn Thiên Chúa hay sao. Nếu cố tình làm việc xác thì sẽ có lỗi trước mặt Chúa. Còn nếu đó là những công việc bó buộc không thể tự mình bỏ được, thì cũng đành chịu thôi, luật cũng không buộc.

  1.  Đi dự đám cưới chưa làm phép hôn phối có tội hay không?

Đức Cha trả lời: Tùy trường hợp, hoàn cảnh khác nhau: Khi cha mẹ tìm mọi cách ngăn cản, trình với cha sở khuyên can mà con cái vẫn cố chấp vẫn cứ làm, thì cha mẹ cũng không thể bỏ con cái được, nếu không thì người bên lương sẽ đánh giá đạo công giáo sao kỳ vậy. Khi đó trước mặt Chúa họ cũng không có lỗi gì, mà chính đứa con chịu trách nhiệm.
Còn những người được mời tham dự thì sao: nếu đồng lõa với chuyện xấu thì có lỗi, nhưng là anh em trong gia đình được mời đến để nấu nướng phụ giúp chẳng lẽ không làm, trong trường hợp này thì họ cũng không có lỗi. Những người bạn bè tìm mọi cách khuyên can mà không được, thì vì ơn nghĩa hay trả lễ thì có thể gởi bì thư. Còn nếu mình bất cần luật Hội Thánh, vẫn tham dự bình thường thì có lỗi.

  1. Từ ngày cha sở cũ đi, ba cha mới về thì con thấy giáo xứ cũng chưa có gì phải nói là trọn vẹn hết, về ca đoàn, chức việc, các hội đoàn… xin Đức Cha hướng dẫn để giáo xứ ngày càng tiến lên?

Đức Cha trả lời: Như thế nào mới là trọn vẹn, điều này cũng khó nói, dĩ nhiên chúng ta đang trong tiến trình hoàn thiện, ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, ngày mai hơn ngày hôm nay. Nếu chỉ là vấn đề bề ngoài thì không có gì là quan trọng hết, về cơ cấu tổ chức các đoàn thể là để giúp mình sống đạo cho tốt. Vai trò của những người có trách nhiệm là để giúp cộng đoàn chứ không phải là để nổi bật trong cộng đoàn. Do đó mình biết mình là chưa hoàn thiện, cơ cấu tổ chức cũng chưa hoàn thiện nên mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Thấy giáo xứ vẫn đang đi lên mà, đâu phải là đi xuống. Quan trọng là anh chị em có cộng tác góp phần tích cực của mình qua việc tham gia vào các hội đoàn hay không, có ý thức vai trò của mình trong giáo xứ hay không.
10. Cần nhận khuyết điểm của giáo xứ, trước đây chưa sửa nhà thờ, mời người ta vào thì người ta nói chật, khi sửa xong thì mời cũng không vào? Giáo xứ lớn mà chưa có Ban Trợ táng?
Đức Cha trả lời: Đi lễ là vào nhà thờ, ít nhất là có thể thấy và nghe được, chứ không phải vào khuôn viên nhà thờ là đã tham dự thánh lễ. Đây là vấn đề giáo dục ý thức, nếu làm cách ý thức thì mới có giá trị, làm do bị ép buộc thì chẳng có giá trị gì. Nên cần phải khuyên bảo từ từ. Thỉnh thoảng khi một cha dâng lễ, một cha đi mời người ta vào, lâu ngày người ta cũng ngại chứ. Vấn đề là vận động người ta ý thức vào trong nhà thờ để thờ phượng Chúa.
Một giáo xứ lớn mà không có ban trợ táng thì ai lo cho công việc tang chế, đây là một hành vi bác ái rất đặc biệt đòi hỏi rất nhiều hy sinh, nếu ta làm điều đó là cũng là để cho những người bên lương thấy tinh thần bác ái hy sinh của cộng đoàn lớn như thế nào.

Vẫn còn có rất nhiều cánh tay giơ lên để được trình bày ý kiến với Đức Cha, tuy nhiên thời gian cũng đã gần kết thúc để chuẩn bị cho Thánh lễ Bổn mạng. Đức Cha đã dành phần nhận định cho cha Tổng Đại diện.
Mở đầu phần nhận định, cha Tổng nói rằng Giáo xứ Qui Đức là đơn vị thứ 28 được Đức Cha kinh lý mục vụ. Riêng Giáo hạt Qui Nhơn thì Qui Đức là đơn vị thứ 6.
Sau khi nghe lịch sử và hiện tình mục vụ và những ý kiến của anh chị em qua cuộc tọa đàm với Đức Cha, cha rút ra những nhận định sau:

  1. Chúng ta cần định hình bản sắc của giáo xứ chúng ta, vì mỗi giáo xứ có một đặc tính riêng, hoàn cảnh riêng, có những giáo xứ có lịch sử cả trăm năm, hai trăm năm, có giáo xứ thuộc nhà quê, có giáo xứ do các cuộc di cư. Riêng giáo xứ Qui Đức thì có độc đáo này là tập trung đến 9 giáo xứ quan trọng của giáo phận như: Tân Dinh, Gò Thị, Nam Bình, Kim Châu, Đại An, Nhà Đá, Hội Đức, Đồng Quả, Gia Hựu. Một giáo xứ mà tập trung 9 thành phần tinh hoa của giáo phận thì không phải là chuyện thường. Đây là điểm son đặc biệt của giáo xứ Qui Đức. Như vậy chúng ta có thể nói được Qui Đức là giáo phận Qui Nhơn thu nhỏ. Nếu người ta đến Qui Đức thì chúng ta phải làm sao cho người ta thấy được đây chính là Qui Nhơn. Mà Qui Nhơn là gì?

  • Qui Nhơn là kinh nguyện sốt sắng: chúng ta có sách mục lục giáo phận Qui Nhơn, hiếm có giáo phận nào có. Những kinh này rất đặc biệt mà anh chị em là những giáo xứ cựu trào thì chắc chắn thuộc những kinh nguyện này rồi.

  • Qui Nhơn là tinh thần sâu lắng: tinh thần bên trong, Qui Nhơn chúng ta không có hoành tráng bên ngoài, không có hình thức rườm rà, nhưng chuộng nội dung tinh thần.

  • Qui Nhơn là tinh thần chia sẻ: các cha qua các thế hệ rất thương giáo dân và giáo dân cũng rất thương quí cha.

Cho nên chữ Qui Đức là qui về đức tin, bản sắc của chúng ta phải dựa trên nền tảng này.

  1. Chúng ta phải tận dụng những lợi thế mục vụ, là giáo xứ đông giáo dân nhất, một giáo họ cũng hơn gấp mấy lần giáo xứ khác. Nhân sự đông là một lợi thế vì có nhiều nhân sự, nhiều nhân tài, nhiều nghề nghiệp, nhiều kỹ năng và cũng nhiều tài chánh. Muốn sửa nhà thờ cha sở chỉ cần hô một tiếng, chỉ trong mấy tháng là làm xong liền, không có giáo xứ nào có điều kiện đó hết. Rồi chúng ta ở trong địa bàn thành phố nhiều công ăn việc làm, gần trường học, gần nhà thương…tất cả đều thuận lợi nên chúng ta cần tận dụng điều này để xây dựng giáo xứ mạnh mẽ.

  2. Củng cố nội lực của giáo xứ: từ những điểm đặc biệt đó để xây dựng đức tin. Qua những câu hỏi nãy giờ phản ánh những trăn trở: đi lễ ngoài nhà thờ, hôn nhân rối rắm… cần xây dựng nội lực trên nền tảng nào:

  • Xây dựng đức tin trên nền tảng hiệp nhất, làm sao bốn nghìn năm trăm giáo dân cùng với cha sở, hai cha phó, những người giúp việc mục vụ phải là một, không chia rẽ, không đố kỵ. Giáo xứ có 15 hội đoàn, trong đó có 4 hội đoàn giới trẻ, làm sao để qui tụ lại và phát triển, lập thêm các hội đoàn, thêm Legio Mariae, thêm đội trợ táng, thêm ban trật tự,… thì giáo xứ sẽ trở nên một giáo xứ mạnh mẽ, đẹp nhất của giáo phận.

  • Xây dựng tinh thần chia sẻ: Chúa mời gọi chúng ta sống tinh thần sẻ chia mỗi ngày, biết hướng đến những giáo xứ nghèo, những cộng đoàn vùng sâu vùng xa.

Nhân ngày bổn mạng, chúng ta bày tỏ những trăn trở để hướng về tương lai. Xin Thánh Tâm Chúa hiệp thông tất cả mọi thành phần trong giáo xứ, động viên mỗi người nỗ lực kiện toàn đức tin, xây dựng lòng tin mạnh mẽ trên nền tảng Chúa Giêsu Thánh Tâm.
Kết thúc phần gặp gỡ trao đổi, cộng đoàn giáo xứ hát bài ca tạ ơn Chúa. Sau đó, Đức Cha chủ tế Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng giáo xứ.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Cha cho cộng đoàn biết Bổn mạng của giáo xứ phải là một vị thánh, từ Đức Mẹ trở xuống, để cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, chứ không phải là chính Chúa. Cho nên giáo xứ phải chọn thánh Bổn mạng và trình lên Đức Cha để được chuẩn nhận. Còn lễ Thánh Tâm sẽ là lễ mừng Tước hiệu nhà thờ giáo xứ.
 Đức Cha ban phép lành với ơn toàn xá cho thể cộng đoàn tín hữu tham dự. Sau đó, là bữa tiệc chung vui mừng bổn mạng tại hội trường giáo xứ.
Sau bữa tiệc, Đức Cha đến nhà xứ tiến hành kiểm tra sổ sách của giáo xứ.
Chuyến kinh lý của Đức Giám mục Giáo phận đã để lại nhiều niềm vui và ấn tượng sâu sắc đối với cộng đoàn giáo xứ. Hy vọng với cuộc kinh lý giáo xứ sẽ có những bước phát triển mới.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: BTT

 Tags: Qui đức, kinh lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay24,976
  • Tháng hiện tại546,568
  • Tổng lượt truy cập28,861,937

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây