Lược sử Giáo xứ Tân Quán

Thứ ba - 23/01/2018 03:03

GIÁO XỨ TÂN QUÁN

      

 

 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tân Quán, phía Bắc giáp giáo xứ Gò Thị, phía Đông giáp đầm Thị Nại, phía Nam giáp giáo xứ Tân Dinh, phía Tây giáp giáo xứ Công Chánh. Địa bàn giáo xứ gồm xóm Tân Vân Nam và Tân Vân Bắc của thôn Quảng Vân, xóm Lôi Trạch và Chính Trạch của thôn Phổ Trạch, và thôn Tân Thuận, thôn Lộc Hạ, thôn Liêm Thuận, thôn Nhân Ân thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Tân Quán, thôn Quảng Vân.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Trong tiến trình mở cõi về phương Nam, tháng 7 năm Tân Mão (1471), phủ Hoài Nhơn được thành lập gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.[1] Sau khi phủ Hoài Nhơn được thành lập, việc đưa dân vào khẩn hoang lập làng ở vùng đất mới được vua Lê Thánh Tôn ban sắc chỉ vào ngày 22 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1474): "Các tù tội lưu; lưu châu gần sung vệ Thăng Hoa, lưu châu ngoài sung vệ Tư Nghĩa, lưu châu xa thì sung vệ ở Hoài Nhơn, kẻ nào được tha tội chết cũng sung quân ở vệ Hoài Nhơn”.[2] Trong suốt tiến trình Nam tiến, những di dân thời kỳ đầu do lệnh vua bắt buộc, về sau có những cuộc di dân tự phát vì nhiều lý do, chẳng hạn sự gia tăng dân số, đất đai ngày càng thu hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân, những cuộc xung đột giữa Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn làm cho ruộng vườn bị bỏ hoang, cộng với những thiên tai gây mất mùa đói nghèo ở phía Bắc như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư liên tục thống kê trong các năm: 1561, 1570, 1572, 1585, 1586, 1589, 1594, 1608.[3] Gạo, muối, cá là nhu cầu chính yếu của đời sống nông nghiệp. Tên gọi Diêm Điền đủ nói lên sự đáp ứng cho nhu cầu chính yếu đó.

Hiện nay địa bàn giáo xứ Tân Quán có núi Xương Cá, hòn núi đá nổi lên giữa cánh đồng lúa mênh mông ở xóm Lộc An, thôn Lộc Hạ. Để giải thích tên gọi của hòn núi, dân gian có truyền thuyết về chuyện “ông khổng lồ ăn cá bỏ xương hóa thành núi”. Câu chuyện cũng cho thấy ngày xưa vùng đất này là biển nước có nhiều tôm cá, vùng đất thuận lợi cho việc sinh sống. Như thế đây là vùng đất được tụ cư từ rất lâu đời.

Địa bàn giáo xứ Tân Quán đã được các thừa sai đến loan báo Tin Mừng từ thưở đầu của công cuộc loan báo Tin Mừng trong giáo phận.

Trong thư của cha De Courtaulin, Bề trên giáo phận Tông tòa Đàng Trong, đề ngày 10.12.1674, gởi cho Đức cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi của giáo phận Đàng Trong, có nói đến Diêm Điền, một giáo điểm đã có nhà thờ, có phước viện Mến Thánh Giá, có đông giáo dân cốt cán, đạo đức.[4] Như vậy chỉ sau 03 năm kể từ ngày Đức cha Lambert de la Motte thành lập dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ, Quảng Ngãi (12.1671), Diêm Điền đã có một phước viện Mến Thánh Giá, có một nhà thờ. Sự kiện này cho thấy đức tin của giáo dân Diêm Điền đã trưởng thành, sau khi họ đã đón nhận Tin Mừng từ thời các Thừa sai dòng Tên ở cư sở Nước Mặn (1618-1665).

Trong các chuyến thăm mục vụ của Cha Gioan Baotixita Ausiès, thừa sai phụ trách vùng truyền giáo Phú Yên và Bình Định từ năm 1683-1709, Diêm Điền là một trong các giáo điểm được cha đặt chân đến.[5]

Trong danh sách nhà thờ nhà nguyện năm 1747 do các thừa sai Paris phụ trách, phần đất giáo xứ Tân Quán ngày nay có Diêm Điền, cư sở cũ của các thừa sai, với 200 tín hữu.[6]

Theo bản thống kê của Thánh Giám mục Stêphanô Thể gởi về Hội Thừa Sai Paris và Bộ Truyền Giáo năm 1850, vùng đất giáo xứ Tân Quán ngày nay có: Xóm Quán (Tân Quán) 244 tín hữu, Diêm Điền 193 tín hữu.[7]

Trên đường sứ vụ từ Ma Cao đi Cam Bốt, ngày 07.3.1778 cha Giacôbê Liot, thừa sai Paris, cập bến cảng Qui Nhơn. Cha lên đất liền để thăm các giáo điểm theo lời mời của Bà cô anh em Nhà Tây Sơn ở Nước Mặn. Cha đến thăm Diêm Điền. Tại nhà thờ có khoảng trăm người đã tụ họp để chào đón cha. Giáo dân quá vui mừng đến nỗi nước mắt chảy ràn rụa. Cha cử hành hai thánh lễ với cộng đoàn giáo dân Diêm Điền.[8]

Trong những năm bách hại đạo, một số tín hữu của giáo phận chịu chết vì đạo. Ngày 13.11.1918, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV ký Sắc lệnh công bố các Tôi tớ Chúa chịu tử đạo, trong đó có các vị sau đây sinh trưởng tại Diêm Điền và Tân Quán:

- Gioakim Phan Văn Bảo

Quê Tân Quán, đi học ở chúng viện Penang, sau về theo giúp việc cho cha Giuse- Stêphanô Trần Văn Chung. Bị bắt với cha Chung và chịu trảm quyết tại Gò Chàm ngày 09.12.1860 cùng với cha Chung.

- Gioakim Nguyễn Văn Khoa (Quả)

Quê Tân Quán, người quản lý của Đức cha Stêphanô Thể. Chịu trảm quyết tại Gò Chàm ngày 21.3.1862.

- Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu

Quê Tân Quán có chồng ở Gò Bồi. Người che dấu Đức cha Stêphanô Thể và cùng bị bắt với Đức cha. Chịu trảm quyết tại Gò Chàm ngày 21.3.1862.

- Nữ tu Anê Soạn

Quê Diêm Điền, em ruột của cha Hiền, cùng dòng tộc với ông Gioakim Quả. Quê ngoại ở Phú Cốc, Phú Yên. Bà là Nữ tu dòng Mến Thánh Giá phục vụ tại Láng Mun, Phan Rang. Tử đạo năm 1862, tại Phan Rí.

Năm 1885, cha Nhứt, quê Diêm Diền, phụ tá cha Geffroy Bửu ở Gia Hựu, bị Văn Thân giết hại cùng với số đông giáo dân Gia Hựu và Hội Đức tại cánh đồng Phú Trăng vào khoảng 04 giờ chiều ngày 05 tháng 8 năm 1885.[9]

Trên đường dẫn giáo dân từ Gò Thị xuống Qui Nhơn để lánh nạn Văn Thân, cha Gioan Martin Bạch bị bệnh đột ngột, qua đời tại Diêm Điền hôm ngày 04.8.1885, giáo dân đưa xác cha về an táng tại Qui Nhơn, sau này được cải táng về nghĩa trang Làng Sông.

Năm 1891, cha Maria Honoré Tissier, đến học tiếng Việt tại Diêm Điền.

Năm 1901, cha Phêrô Maria Le Darre, đến học tiếng Việt tại Tân Quán.

Năm 1911, cha Phanxicô Xavie Huỳnh Công Ẩn cha sở Tân Dinh xây dựng nhà thờ Tân Quán.

Năm 1923 – 1943 cha Giuse Miễn làm cha sở Tân Dinh, cha có các cha phó: Cha Grêgôriô Chọn quê Hà Dừa (1923), cha Phaolô Cần quê Cây Vông (1925), cha Gioakim Sử quê Tân Quán (1925), cha Simon Tôn quê Dinh Thủy (1927), cha Stêphanô Truyện quê Trung Tín (1927-1933), cha Phanxicô Xaviê Ban quê Trà Kiệu (1939), cha Phêrô Châu quê Trà Kiệu (1941-1943), cha Antôn Dẫn quê Đất Sét (1942). Các cha phó này thường ở Tân Quán.

Thời cha Stêphanô Phan Văn Bính làm cha sở Tân Dinh (1943-1955), có các thầy dòng Lasan và dòng Phanxicô từ Nha Trang đến lánh cư tại Tân Dinh, cha Bính đã cho các thầy dòng Lasan ở chung với ngài tại Tân Dinh và  các thầy dòng Phanxicô ở Tân Quán.

Thời cha Augustinô Nguyễn Thanh Long làm cha sở Tân Dinh (1956-1959), cha đã tu sửa nhà thờ Diêm Điền và Tân Quán.

Từ năm 1958-1963, cha Gioakim Phan Công Sử vừa nghỉ dưỡng vừa làm mục vụ tại Tân Quán, quê nhà của ngài.

Thời cha Phêrô Hoàng Kym làm cha sở Tân Dinh (1975-1997), cha đã tu bổ nhà thờ Diêm Điền.

Năm 2006, cha Gioakim Huỳnh Công Tân, cha sở Tân Dinh, đã xây mới nhà thờ và nhà xứ Diêm Điền, được làm phép ngày 07.08.2006.

Năm 2011, mừng kỷ niệm 100 năm nhà thờ Tân Quán được cha Phanxicô Xavie Huỳnh Công Ẩn xây dựng. Dịp này nhà thờ và nhà xứ Tân Quán được tu sửa.

Thành lập giáo xứ

Ngày 01.9.2012, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, ký Quyết định thành lập giáo xứ Tân Quán. Quyết định được công bố vào ngày 05.09.2012. Giáo xứ Tân Quán đương nhiên được hưởng tư cách pháp nhân chiếu theo luật kể từ ngày công bố.

Các cha sở giáo xứ Tân Quán:

1. Cha Giuse Nguyễn Đức Minh (2012-…)

Cùng ngày 05.09.2012, cha Giuse Nguyễn Đức Minh được bổ nhiệm làm cha sở Tân Quán.

Nhà thờ Tân Quán nguyên là nhà thờ của một giáo họ nên không thể đủ dung nạp số giáo dân của giáo xứ. Ngày 20.02.2014, cha Minh đã khởi công nới rộng nhà thờ và xây dựng tháp chuông. Sau bốn tháng thi công, ngày 27.6.2014, Đức cha Matthêô đã về Tân Quán, chủ sự Thánh lễ cung hiến nhà thờ cho Thiên Chúa.

 

III. CÁC LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ

Các linh mục

1. Cha Hiền, Diêm Điền † trước 1861

2. Cha Vịnh, Diêm Điền † 1881

3. Cha Nhứt, Diêm Điền † 1885

4. Cha Phêrô Từ, Diêm Điền † 11.5.1928

5. Cha Phanxicô Xaviê Vỹ, Diêm Điền † 20.3.1941

6. Cha Giuse Dụng, Tân Quán  † 1937

7. Cha Giuse Tô Đình Tiên, Tân Quán † 1994

8. Cha Giuse Tô Đình Sơn, Tân Quán † 30.9.1994

9. Cha Martinô Nguyễn Hộ, Tân Quán † 1986

10. Cha Gioakim Phan Công Sử, Tân Quán † 17.9.1971

11. Cha Phaolô Ngô Hành, Tân Quán, dòng Ngôi Lời † 24.6.2015

12. Cha Giuse Võ Văn Hiền, Diêm Điền 

13. Cha Bênêđictô Ngô Minh Phước, Tân Quán

14. Cha Laurensô Maria Phan Ngọc Bích, Tân Quán, dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc     

15. Cha Phêrô Phạm Tiến Phi, Tân Quán  

16. Cha Giuse Trần Hoàng Thiện, Tân Quán    

17. Cha Giacôbê Trì Văn Pháp, Tân Quán            

Các tu sĩ

1. Nữ tu Anna Paula Đỗ Thị Y, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, 2008

2. Nữ tu Luxia Bénédictine Tô Thị Ánh Huy, MTG Qui Nhơn

3. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Nghiệp, MTG Qui Nhơn

4. Nữ tu Maria Hồng Quyên, Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang

5. Nữ tu Anê Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nữ Tỳ CGS Tình Thương

6. Nữ tu Anê Phạm Thị Tuyết Oanh, MTG Qui Nhơn

7. Nữ tu Têrêxa Lê Thị Ngọc Bích,  MTG Qui Nhơn  

* Có hai tu sinh dòng Thánh Giuse quê Tân Quán, qua đời và được an táng tại nghĩa địa Nhà Đá:         

-  Phêrô Nhã       (1915-1931)

- Tôma Cang      (1913-1928)

Ngày 18.9.2017, cả hai được cải táng về Công viên Phục Sinh của nhà dòng tại Nha Trang.

Các chủng sinh:

1. Thầy Phêrô Võ Văn Trung

2. Thầy Phêrô Nguyễn Hồng Sơn

3. Thầy Phêrô Phạm Danh

IV. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2016)

STT

GIÁO HỌ GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ,

NHÀ  NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

BỔN MẠNG

NGÀY

BM

X.DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

GIÁO DÂN

1

TÂN QUÁN

Quảng Vân, Phước Thuận, Tuy Phước

Sửa 1996

đại tu 2014

114

368

Lễ Thánh Tâm

tháng 6

2

Diêm Điền

Tân Thuận, Phước Thuận, Tuy Phước

1956

Xây 2007

68

238

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

7.10

 

                                                                            TỔNG CỘNG:  182 gia đình, 606 giáo dân

 

[1] Tuy Viễn gồm nay là các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Khê và Thành phố Qui Nhơn.

[2] ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Bản Kỷ, Quyển XIII, nxb. Khoa học Xã Hội , Hà Nội 1993, trang 480.

[3] Xem LI TANA, Xứ Đàng Trong, bản dịch của Nguyễn Nghị, tái bản lần 3, nxb. Trẻ, Tp. HCM 2016, trang 36-59.

[4] ADRIEN LAUNAY, Histoire De La Cochinchine, I , Paris 2000, trang 170-171.

[5] ADRIEN LAUNAY, Sđd., I , Paris 2000, trang 349.

[6] Sống trong xã hội con Rồng Cháu Tiên, Đỗ Quang Chính S.J., tr.302

[7] Mémorial Mission de Qui Nhơn, No.58,10.1909, trang152.

[8] ADRIEN LAUNAY, sđd., III, trang 16. 

[9] Cánh đồng Phú Trăng thuộc thôn Đệ Đức III, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Cánh đồng nầy toạ lạc giữa trụ cây số Km 1141 cách Hà Nội 969 km, cách thành phố HCM 750 km và trụ cây số km 1142 cách thị trấn Bồng Sơn 03 km, cách Quảng Ngãi 85 km.

Tác giả bài viết: Ban biên tập lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay22,168
  • Tháng hiện tại504,120
  • Tổng lượt truy cập28,819,489

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây