Đức Giám mục Giáo phận kinh lý và ban bí tích thêm sức tại Giáo xứ Qui Hiệp

Thứ bảy - 09/12/2017 08:39

CUỘC KINH LÝ TẠI GIÁO XỨ QUI HIỆP

CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN

 

Hòa trong niềm vui mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cuộc kinh lý của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn trong Năm thánh đã diễn ra tại giáo xứ Qui Hiệp, lúc 16h30 chiều ngày 08.12.2017.

Sau nghi thức đón tiếp và viếng Chúa, chương trình kinh lý bắt đầu ngay tại nhà thờ. Cha Phaolô Trịnh Duy Ri, chánh xứ Qui Hiệp đã giới thiệu chuyến kinh lý mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận cho cộng đoàn giáo xứ. Tiếp đến cha chánh xứ giới thiệu các thành phần cộng đoàn giáo xứ đang hiện diện cho Đức cha. Đáp lại, Đức cha gởi lời chào thân ái đến cha chánh xứ Phaolô, quí tu sĩ, quí hội đoàn, cùng toàn thể quí ông bà anh chị em giáo xứ Qui Hiệp. Đức Cha cũng chúc mừng giáo xứ nhân ngày lễ trọng mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của giáo xứ, cùng với 59 em được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức do Đức cha Giáo phận trao ban trong dịp trọng đại này.

TRAO ĐỔI GIỮA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ CỘNG ĐOÀN

Mở đầu cho cuộc gặp gỡ, Đức cha đã nói về bổn phận phải đi kinh lý của mình theo tinh thần giáo luật và vài mục đích chính của việc kinh lý lần nầy đó là: để tạo sự gần gũi giữa vị chủ chăn với đoàn chiên, đồng thời để biết rõ những sinh hoạt, những tâm tư và nguyện vọng của cộng đoàn dân Chúa. Ngoài ra, cuộc kinh lý còn có mục đích là để Đức Giám mục Giáo phận biết hiện tình của giáo xứ, các giáo họ, các cơ sở vật chất, và những vấn đề còn tồn đọng trong giáo xứ cần phải giải quyết.

Không chỉ về phần chủ chăn, đây là dịp đặc biệt để cho người giáo dân trong giáo xứ Qui Hiệp hiểu biết và quan tâm hơn đối với lịch sử giáo xứ và Giáo phận của mình, rồi từ đó góp phần mình làm thăng tiến cộng đoàn. Đức cha đã nói mặc dù ngài đến giáo xứ Qui Hiệp để dâng Thánh lễ nhiều lần, nhưng hôm nay là một dịp hết sức trọng đại vì chuyến viếng thăm mục vụ trùng với ngày lễ kính trọng thể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng của giáo xứ, và trong khung cảnh Năm thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng của Giáo phận. Trong tâm tình đó, Đức Giám mục và Cha Tổng Đại diện đã cầu chúc bình an cho tất cả mọi người đang hiện diện để cùng lắng nghe, hiệp thông, theo dõi các trình bày lịch sử của cha chánh xứ cũng như của cộng đoàn. Sau đó, Đức Giám mục cũng trực tiếp giải đáp những thắc mắc hay những đề xuất mà Cha chánh xứ cùng toàn thể giáo dân đưa ra trong cuộc gặp gỡ này!

Sau khi một chức việc trình bày sơ lược lịch sử của giáo xứ và cha chánh xứ tường trình hiện tình của giáo xứ, đã có cuộc trao đổi giữa vị chủ chăn của Giáo phận với mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ. Cuộc trao đổi diễn ra hết sức cởi mở, chân thành và tốt đẹp. Vấn đề đầu tiên được nêu lên liên quan đến từ ngữ dùng trong phụng vụ. Trong một số bài đọc cử hành phụng vụ lời Chúa, tại sao có lúc lại nói là tiếng Hipri và người Hipri; tiếng Aram và người Do Thái? Về thắc mắc này, Đức Cha đã giải đáp một cách cụ thể và rõ ràng đi từ lịch sử cứu độ đưa đến ví dụ thực tế trong thời đại hôm nay. Tiếng Hipri là ngôn ngữ cổ của người Do thái được dùng để viết phần lớn các sách Cựu Ước, còn tiếng Aram là ngôn ngữ thông dụng vào thời Chúa Giêsu.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến hôn nhân Công giáo. Trường hợp những đôi vợ chồng bên lương hay những đôi vợ chồng rối mà muốn theo đạo để được hợp thức hóa cho việc xưng tội chịu lễ… có cần phải làm lại lễ hôn phối không? Có nhiều đôi hôn nhân công giáo đã ly dị và tái hôn với người khác, khi về già họ lại đến cha sở để xin được xưng tội chịu lễ vậy có được hay không?

Về trường hợp đôi vợ chồng bên lương, Đức cha đã trả lời: nếu một trong hai người theo đạo thì không cần phải làm lại nghi thức hôn nhân vì Giáo Hội cũng công nhận hôn nhân tự nhiên theo giấy tờ dân sự của họ. Còn nếu cả hai cùng theo đạo, thì sau khi chịu Bí tích Rửa tội, hôn nhân tự nhiên của họ cũng ngay lập tức trở thành Bí tích. Về trường hợp một người là công giáo và người kia là bên lương, nếu đã sống với nhau thì hôn nhân đó không thành sự cho nên cần được hợp thức hóa lại: hoặc là bên lương cùng theo đạo, hoặc là xin phép chuẩn hôn nhân khác đạo. Nếu người bên lương muốn theo đạo thì cần phải cử hành Bí tích hôn phối. Nếu bên lương không theo đạo mà xin chuẩn hôn nhân khác đạo thì cử hành hôn nhân khác đạo ngoài Thánh lễ. Hôn nhân ấy không phải là bí tích, vì một trong hai người không được rửa tội, nhưng hai người cũng không thể bỏ nhau được!

Về trường hợp hai vợ chồng là người công giáo, sau khi đã chung sống rồi bỏ nhau đi ở với người khác thì không được xưng tội chịu lễ. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng không hề bỏ rơi họ. Họ vẫn được quyền tham dự các sinh hoạt của giáo xứ, đi lễ, đọc kinh… nhưng không được xưng tội và rước lễ! Nếu về già hoặc bị bệnh và không còn có thể ăn ở với nhau như vợ chồng, thì họ cần phải làm đơn trình lên Cha chánh xứ. Nếu giải quyết được gương xấu này thì họ có thể được xưng tội chịu lễ cách công khai, còn không thì họ phải xưng tội chịu lễ cách kín đáo!

Cũng liên quan đến hôn nhân, trường hợp đôi gia đình kia có đạo nhưng con cái sinh ra lại không được rửa tội. Sau đó, con cái lại được gả cho người lương. Như vậy, người công giáo đi dự hôn lễ có bị lỗi không? Còn trường hợp vợ có đạo và chồng bên lương, sau khi sinh con lại không cho rửa tội và gả cho người lương, vậy có được đi dự tiệc cưới không?

Về hai vấn đề này, Đức cha cũng đã trả lời cách ngắn gọn. Nếu vợ chồng đều có đạo mà con cái sinh ra không được rửa tội, thì chính cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc này. Còn đứa con của họ, vì không được rửa tội, nên vẫn là bên lương. Do đó nếu nó cưới vợ hay lấy chồng lương, thì người công giáo vẫn có thể dự tiệc cưới của họ như trường hợp các đôi vợ chồng lương dân khác. Trong trường hợp hôn nhân khác đạo, nếu vợ có đạo bị phía chồng bên lương cản trở nặng trong việc rửa tội cho con cái, hoặc ngược lại, thì phía có đạo cần trình bày rõ ràng với Cha sở. Và nếu đứa con không được rửa tội này lập gia đình với người lương khác, thì cũng giống như trường hợp trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA CHA TỔNG ĐẠI DIỆN

Thay mặt Đức Giám mục, Cha Tổng Đại diện khen Cha chánh xứ đã lo chuẩn bị chu đáo hết tất cả mọi sự, “chuẩn không cần chỉnh”. Cha Tổng Đại diện cũng đã nhận định về giáo xứ qua bốn điểm nổi bật về: (1) Lịch sử, (2) Địa bàn sinh hoạt, (3) Nhân sự, và (4) Các mục tử đã chăm sóc giáo xứ.

Thứ nhất, về mặt lịch sử, nhiều giáo xứ đã có bề dày lịch sử cả 100 năm, 200 năm… nhưng giáo xứ Qui Hiệp mới có 50 năm. Đây là một điểm thuận lợi vì giáo xứ còn trẻ, đầy sức sống, không bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực do truyền thống để lại. 50 năm cũng là dịp đặc biệt để cộng đoàn giáo xứ nhìn lại những ơn lành Chúa đã ban xuống trên tất cả mỗi người. Từ đó, mỗi người thêm lòng yêu mến và xây dựng giáo xứ ngày một tốt đẹp hơn. Thứ hai, giáo xứ có một địa bàn khá đẹp, nằm trung tâm khu dân cư, do đó rất dễ dàng cho việc thờ phượng Chúa. Thứ ba, nhân sự của giáo xứ cũng rất dồi dào. Có sự qui tụ nhiều giáo dân trong 19 giáo xứ của giáo phận như: Gia Hựu, Hội Đức, Bồng Sơn, Đồng Quả, Đồng Dài, Gia Chiểu, Đại Bình, Nước Nhỉ, Nhà Đá, Đại An… Như vậy, giáo xứ mang tên Qui Hiệp là rất đúng. Thứ tư và cũng là điểm cuối cùng rất đặc biệt, đó là hầu hết các cha xứ của giáo xứ Qui Hiệp đều là những linh mục xuất sắc của Giáo phận.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến những điểm đặc biệt khác như: Giáo xứ có hội các bà cầu nguyện hằng ngày, Thánh lễ ngày thường có khá đông giáo dân tham dự, Chúa nhật có 3 Thánh lễ, hằng ngày trong tuần đều có giải tội… Như thế, phụng vụ và cầu nguyện là việc rất quan trọng trong đời sống của mỗi người tín hữu. Cũng vậy, sự tham gia tích cực của các hội đoàn trong giáo xứ, kể cả cộng đoàn các Sơ phục vụ, hội Legio Mariae, nhóm sinh viên công giáo Bình Minh… cần duy trì và phát huy hơn nữa. Xin chia vui với giáo xứ nhân ngày bổn mạng mừng lễ kính trọng thể Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và với 59 em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức hôm nay!

KIỂM TRA SỔ SÁCH

Sau cuộc gặp gỡ với cộng đoàn giáo dân, Đức Giám mục đã ra nhà xứ để kiểm tra sổ sách của giáo xứ. Đây cũng là một phần không thể thiếu của cuộc kinh lý. Cha xứ đã trình lên Đức cha những sổ sách đạo đời liên quan đến giáo xứ như: Sổ rửa tội, sổ xưng tội rước lễ lần đầu, sổ thêm sức, sổ hôn phối, sổ tình trạng các linh hồn hay còn gọi là sổ tình trạng các gia đình, sổ ý lễ, và một số giấy tờ khác của giáo xứ.

Kiểm tra sổ sách xong, Đức Giám mục tiếp tục cử hành Thánh lễ và ban Bí tích thêm sức cho 59 em trong giáo xứ. Chuyến kinh lý mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận đã kết thúc, nhưng những dư âm và ảnh hưởng tích cực để lại cho cộng đoàn tín hữu Qui Hiệp không nhỏ. Cuộc kinh lý lần này được thực hiện trong khung cảnh Năm thánh của Giáo phận có thể nói là một sự kiện lịch sử đáng nhớ của giáo xứ Qui Hiệp. Mong rằng ơn Chúa vẫn luôn tiếp tục đổ xuống trên cộng đoàn giáo dân giáo xứ Qui Hiệp thân yêu!


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Giuse Huỳnh Thanh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay13,425
  • Tháng hiện tại400,590
  • Tổng lượt truy cập28,715,959

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây