Alexandre de Rhodes S.J. Nhà truyền giáo

Chúa nhật - 01/10/2017 19:59


(Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2017)

 


Lm. Antôn Bùi Kim Phong


Vào ngày 26.07 vừa qua, giáo phận chúng ta đã cử hành trọng thể ngày khai mạc Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 400 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương chúng ta. Đây không chỉ là một cột mốc thời gian để ghi nhớ và tạ ơn, một dịp mừng để cử hành, nhưng còn là một khởi đầu mới để dấn thân. Và Năm Thánh Giáo Phận được chuẩn bị, được cử hành để chúng ta thực thi những điều đó. Nói như thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa dịp Năm Thánh kỷ niệm 350 lập hai Đại Diện Tông Toà (1659-2009), và 50 thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960-2010): “(Năm Thánh) là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa.”[1]

Học bài học lịch sử, là ký ức về chính căn tính của mình, là một trong những trách vụ hàng đầu của chúng ta hiện nay. Đọc lại lịch sử là một đòi buộc, vì phương pháp lịch sử vừa soi sáng quá khứ vừa hướng dẫn cho hiện tại. Thêm vào đó, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong thư gửi Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam dịp Năm Thánh 2010, có nói: “Năm Thánh cũng là một thời gian đặc biệt dành cho chúng ta để làm mới lại công việc loan báo Tin Mừng cho anh em đồng bào, và để chúng ta ngày càng trở nên một giáo hội của Hiệp Thông và Sứ Vụ”.[2] Vì thế, chúng ta cần học bài học lịch sử của quá khứ, để nêu lên những câu hỏi quan trọng cho hoạt động truyền giáo trong hiện tại, để đổi mới và hoạch định cho tương lai.

 Vẫn chưa có một bằng chứng đáng thuyết phục nào về công cuộc truyền giáo trên đất nước chúng ta trước thế kỷ XVI. Các học giả cũng chỉ đưa ra những giả định dựa trên những dữ kiện vụn vặt và những ký sử mù mờ. Có thể nói bằng chứng duy nhất được ghi trong sử sách Việt Nam về việc khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Việt Nam là trích từ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, một bộ sử được viết vào năm 1884, có ghi rằng công cuộc truyền giáo Công giáo đầu tiên được ghi nhận vào năm 1533 do một nhà truyền giáo tên I-Ni-Khu ở  làng Ninh cường và Trà Lũ, tỉnh Nam Định.[3] Từ năm 1550 đến 1615, có một số nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp muốn đến truyền giáo tại Việt Nam. Họ là những tu sĩ dòng Đaminh, Phanxicô, hay Augustino, và bắt đầu đến Việt Nam từ những cơ sở của dòng ở Goa, Malacca, Macao và Manila. Những công cuộc này rời rạc, và các nhà truyền giáo lưu lại Việt Nam trong thời gian ngắn. Họ không có một kế hoạch truyền giáo được tổ chức quy củ. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đã mở ra một gian đoạn mới cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng trên đất nước Việt Nam. Công cuộc truyền giáo của con cái thánh Inhaxiô bắt đầu tại Cửa Hàn vào năm 1615. Chỉ trong 45 năm, cho đến năm 1664, khi các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền Giáo Paris chính thức lãnh nhận sứ vụ tại Việt Nam, các ngài đã xây dựng được nền móng căn bản cho một giáo hội không ngừng tăng trưởng. Một trong những nhà truyền giáo dòng Tên nổi tiếng trong giai đoạn này là cha Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ).[4] Cha đến Đàng Trong lần đầu từ năm 1624-1626, rồi đến Đàng Ngoài từ năm 1627 đến 1630, và trở lại Đàng Trong từ năm 1640 đến 1645. Cha Đắc Lộ không phải là nhà truyền giáo đầu tiên, cũng không phải là tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến truyền giảng Tin Mừng cho đất nước Việt Nam, đang bị phân chia thành Đàng Ngoài và Đàng Trong (Tonkin và Cochinchina). Nhưng cha được xem là một trong những nhà truyền giáo tiên phong gầy dựng nên Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, tạo lập nên nền văn hoá Kitô giáo. Qua những đóng góp to lớn của cha cho công cuộc truyền giáo và cho văn hoá Việt Nam, cha có thể được coi như người diễn giải, từ thế kỷ XVII, của những gì mà ngày nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. 

Như chúng ta đã nói ở trên, đọc lại lịch sử là điều đòi buộc, nhưng nhìn về công cuộc truyền giáo của cha Đắc Lộ theo quan điểm sử học ý thức hệ, đặc biệt là ý thức hệ thù nghịch với Công Giáo, sẽ dẫn đến việc chối từ và loại bỏ mọi đóng góp của cha. Nhưng nhìn theo quan điểm ‘thiêng liêng’ hơn nhưng thiếu quan điểm sử học, là lối nhìn đánh giá kết quả truyền giáo qua con số những người tòng giáo và những công việc ‘kỳ diệu’, cũng không giúp nhiều cho chúng ta có được những minh hoạ trung thực. Một nghiên cứu dựa trên những bằng chứng sử học xác thực sẽ giúp cho chúng ta có được những đánh giá đúng đắn hơn về quan điểm và về con người. Bài viết này là một tóm tắt ngắn gọn của một nghiên cứu về cha Đắc lộ dựa trên những bài tường thuật hay ký sự của cha[5] và của những anh em trong Dòng, cùng thời và cùng truyền giáo tại Việt Nam (G. Baldinotti, C. Borri, A.F. Cardim, G. Marini…[6]), những thủ bản và những tuờng trình hàng năm của các nhà truyền giáo tại Văn khố Roma của Dòng Tên (Archivum Romanum Societatis Jesu(ARSI)), đặc biệt các tài liệu sưu tập trong thư mục Japonica Sinica (Jap-Sin), những thư từ và tài liệu tại Văn Khố của Bộ Truyền Giáo (Archivum S. Congregationis de Propaganda Fide), Văn Khố của Hội Truyền Giáo Paris (Archives des Mission-Étrangères de Paris, MEP), và những nguồn sách vở, báo chí khác.

I. Cha Đắc Lộ và các hành trình truyền giáo

1. Từ Avignon đến Roma, từ Roma đến Macao (1593-1623)

- Từ Avignon to Roma (1593-1618)

Cha Đắc Lộ sinh ra ở Avignon, ở đông nam nước Pháp, thuôc vùng Vaucluse, bên tả ngạn sông Rhône, là lãnh địa của Giáo Hoàng[7], vào ngày 15 tháng Ba năm 1593.[8] Cha Đắc Lộ học mẫu giáo tại trường các cha dòng Tên tại địa phương.[9] Cha quyết định theo đuổi ơn gọi truyền giáo và xin gia nhập dòng Tên ở Roma, và vào tập viện, lúc khoảng 19 tuổi, vào ngày 14 tháng Tư 1612,  tại tập viện thánh Andrea, ở đồi Quirinale, Roma.[10] Sau hai năm tập viện, cha Đắc Lộ ghi danh vào chương trình thần học tại Collegio Romano.[11] Trong khi theo học tại đây, cha Đắc Lộ yêu thích đặc biệt các môn khoa học[12], những kiến thức này sau này giúp cha rất nhiều trong công cuộc truyền giáo, đặc biệt trong việc tạo ảnh hưởng trong giới trí thức và triều đình.

Vào ngày khấn lần đầu, 16 tháng Tư năm 1614, cha Đắc Lộ nộp lá thư xin đi truyền giáo ở Á Châu cho cha bề trên tổng quyền Claude Acquaviva[13] và sau đó cha viết tiếp hai thư khác cho tân bề trên tổng quyền Mutio Vitelleschi (1563- 1645).[14] Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1618, sau khi cha Đắc Lộ vừa được thụ phong linh mục, cha bề trên Vitelleschi đã chấp thuận lời thỉnh cầu của cha. Vào tháng Mười năm 1618, cha rời Roma và bắt đầu đi Lisbon sau khi được triều yết Đức Thánh Cha Phaolô V.[15]  Cha đến Milano, vượt qua núi Alps về thăm và từ giã thân nhân ở Avignon.[16] Cha tiếp tục hành trình đến Tây Ban Nha, ghé Barcelona vào lễ Giáng Sinh năm 1618. Cuối cùng cha đến Lisbon vào khoảng cuối tháng Giêng năm 1619.[17]

- Từ Lisbon đến Goa (1619-1622)

Vào ngày 20 tháng Bảy năm 1619, cha Đắc Lộ lên tàu Santa Teresa ở cảng Lisbon, sau sáu tháng mười ngày tàu cập bến Goa. Vì cuộc bách đạo gắt gao lúc đó tại Nhật, nên cha không thể đi Nhật ngay qua ngã Macao. Cha phải đợi ở Goa hai năm rưỡi. Trong những ngày ở Goa, cha miệt mài ngày đêm học tiếng bản xứ.[18] Ở đó, cha học được ba bài học là các nhà truyền giáo rất tử tế và quảng đại với lương dân và dự tòng, nhưng bỏ bê họ sau khi họ được rửa tội. Họ dùng nhiều mánh lới để chiêu dụ người theo đạo.[19] Thêm vào đó, những cư dân theo đạo còn bị buộc phải từ bỏ những phong tục cổ truyền, lối ăn mặc địa phương, cho dù đồng bào của họ vẫn giữ những điều đó.[20] Cũng ở đây, cha học được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Cũng trong thời gian ở Goa, vào năm 1622, cha và các anh em cùng dòng nhận được tin vui việc cha Phanxicô Xaviê được phong chân phước, và tham dự cuộc rước trọng thể chuyển thi hài của ngài vào nhà khấn sinh dòng Tên.

- Từ Goa đến Macao (1622-1624)

Vào ngày 12 tháng Tư năm 1622, cha Đắc Lộ lên tàu đi Macao. Cha rất phấn khích về chuyến đi này từ khi nghe tin các nhà truyền giáo đã có thể an toàn vào đất Nhật trở lại. Chuyến tàu đến Malacca vào ngày 28 tháng Bảy năm đó. Cha bị buộc ở lại Malacca chín tháng. Ở đó cha hoạt động truyền giáo với anh em cùng dòng.  Trong vòng vài tháng họ đã rửa tội được 2.000 người.

Ngày 29 tháng Năm 1623, cha Đắc Lộ cập bến Macao, sau bốn năm rưỡi rời Âu Châu. Tại Macao, cha cư ngụ tại học viện Madre de Deus (Mẹ Chúa Trời) một năm chuyên chăm học tiếng Tàu và tiếng Nhật.[21] Cha cũng rất thích học về tôn giáo và phong tục Trung Hoa

2. Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam

Tình trạng địa lý-chính trị thời cha Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Việt Nam là rất phức tạp. Thế kỷ XVII là thế kỷ chiến tranh ở Âu Châu cũng là thế kỷ nội chiến và chia cắt ở Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc.[22] Đất nước vẫn có Vua thuộc nhà Lê, nhưng vua chỉ đóng vai trò hình thức. Quyền hành nằm trong tay hai nhà Trịnh Nguyễn luôn chiến tranh với nhau.[23] Phía bắc, được gọi là Ðàng Ngoài, Xứ Bắc, hay Tonkin[24], dưới sự cai trị của gia tộc chúa Trịnh.[25] Gia tộc chúa Nguyễn cai trị phía nam, được gọi là Ðàng Trong, Xứ Nam, hay Cochinchina.[26]  Sông Gianh là biên giới giữa hai miền.

Chiến tranh giữa hai miền kéo dài, từ năm 1627 đến 1672 đã có bảy cuộc chiến lớn giữa hai miền.[27] Tình trạng chính trị này đã tạo ra những ngăn trở cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Cho dù công cuộc truyền giáo được thiết lập song song ở cả hai miền do các tu sĩ cùng dòng trong nhiều năm, nhưng rất khó khăn và nguy hiểm cho họ khi tiếp xúc với nhau.

a. Hành trình truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong (1624-1626)

Giấc mơ truyền giáo ở Nhật Bản của cha Đắc Lộ đã không thể thành hiện thực. Cuộc bách hại các tín hữu cũng như các nhà truyền giáo tại Nhật ngày càng gắt gao. Các anh em dòng Tên thoát khỏi Nhật và tập trung về Macao đã quá đông. Các bề trên đã nghĩ tới việc đi tìm những cánh đồng mới ở Á Châu. Các cha dòng Tên đã bắt đầu cuộc truyền giáo khám phá và thử nghiệm ở Đàng Trong năm 1615 với  các cha Francesco Buzomi, Diego de Carvalho, và một trợ sĩ.

Năm 1624 cha Đắc Lộ và năm anh em cùng dòng được gửi đến Đàng Trong. Cha Đắc Lộ ở tại cư sở Dinh Chiêm. Dưới sự hướng dẫn của cha Francisco de Pina, cha Đắc Lộ bắt đầu chuyên chăm học tiếng Việt. Cha còn được sự giúp đỡ của một em bé ‘cực kỳ thông minh’. Trong những thư tường trình và ký sự sau này, cha đã thuật lại việc cha cộng tác với cha De Pina trong việc giúp cho bà Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi cuối của chúa Nguyễn Hoàng (1502-1613), người lập nên nhà Nguyễn. Bà này có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng tín hữu đầu tiên ở Đàng Trong. Năm 1625, cha De Pina, cha dòng thông thạo tiếng Việt nhất, bị chết đuối. Thêm vào đó, chúa Nguyễn ra lệnh trục xuất các thừa sai, và buộc họ về cư trú ở Hội An. Tuy nhiên các thừa sai tìm cách xin phép cho ở lại để lo tang lễ cho cha Pina. Một ‘vấn nạn to lớn hơn nhiều’ là lệnh của chúa Nguyễn cấm không cho các tín hữu mang ảnh tượng, tràng hạt trên cổ. Lúc đầu các tín hữu kiên quyết chống lại, nhưng các cha thừa sai khuyên họ nên cất đi.[28] Dù thời gian ngắn ngủi lưu lại Đàng Trong, nhưng cha Đắc Lộ đã cho thấy đường hướng cũng như phương thức mới cha sẽ tiến hành trong công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Truyền giảng Tin Mừng không đồng nghĩa với loại trừ phong tục tập quán của người bản xứ; Kitô hoá nền văn hoá mới là mục tiêu của các nhà truyền giáo chứ không phải là áp đặt một lối sống mới lạ lẫm với dân chúng. 

b. Truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630)

Đàng Ngoài vào thời này do chúa Trịnh cai trị, với vua Lê làm bù nhìn, và đang chiến tranh với Đàng Trong của chúa Nguyễn. Các nhà truyền giáo ở Đàng Ngoài gặp bất lợi là luôn bị nghi ngờ là gián điệp của Đàng Trong, nhưng cũng được lợi là Chúa Trịnh thích và đang ve vãn người Bồ Đào Nha. Nên các cha được an toàn dưới sự bảo trợ của người Bồ.

Sau cuộc thâm nhập vào Đàng Ngoài để tìm hiểu không mấy thành công của hai tu sĩ dòng Tên, cha Giuliano Baldinotti và thầy Giulio del Piano người Nhật, vào năm 1626, cha đại diện bề trên Andrea Palmerio quyết định gửi cha Đắc Lộ và cha Pedro Marques đến Đàng Ngoài.[29] Các cha đến Cửa Bạng, Thanh Hoá vào ngày lễ thánh Giuse 19 tháng Ba năm 1627, vì thế cha Đắc Lộ đặt tên là cửa thánh Giuse, và dâng công cuộc truyền giáo Đàng Ngoài cho Ngài bảo trợ.[30] Hai cha ở đó 15 ngày và rửa tội được 32 người.

Mục tiêu của các cha cũng như người Bồ nhắm tới là thủ đô Thăng Long. Tại An Vực các cha được tiếp kiến chúa Trịnh đang trên đường vào chiến trường, và nhà chúa dặn các cha ở lại bên bờ sông chờ gặp lại khi trở về sau cuộc chiến. Ở An Vực các cha xây ngôi nhà nguyện đầu tiên ở Đàng Ngoài vào năm 1627.[31] Ở An Vực, trong vòng hai tháng các cha đã rửa tội được 2.000 người, khiến các sư sãi Phật giáo và chức sắc Khổng giáo chống đối. Sau khi thất bại trong cuộc chiến và rút quân trở về, chúa Trịnh Tráng dừng lại ở An Vực, ở đó nhà chúa gặp lại các cha. Cha Đắc Lộ tặng chúa một cuốn sách thiên văn bằng tiếng Hán.[32] Nhà chúa cho phép các cha ở lại ‘vài năm’ và muốn gặp các cha thường xuyên. Các cha theo nhà chúa về Thăng Long và đến kinh thành vào ngày 2 tháng Bảy năm.[33]

Những tháng ngày ở Thăng Long (Kẻ Chợ) có thể được coi là giai đoạn thành công nhất của cha trong hành trình truyền giáo ở Việt Nam. Dân chúng đến nghe cha giảng đông đúc.[34] Dân chúng trở lại nhiều hơn ở Đàng Trong. Việc trở lại của hai bà Catarina, chị của chúa và con gái bà, đã mang lại cho công cuộc truyền giáo của cha những kết quả quan trọng.[35] Cha Đắc Lộ cố gắng truyền giảng cho mọi tầng lớp xã hội: hoàng tộc, giới trí thức, các chức sắc của các tôn giáo, và cho đám đông dân thường.[36] Trong vòng 3 năm hai tháng ở Đàng Ngoài, các cha đã rửa tội được 5.602 người. Có nhiều lý do đưa đến thành công ngoạn mục này: những người mới được rửa tội hăng say truyền giáo và đưa những người muốn tòng giáo đến với các thừa sai; các quan chức trở lại sống tử tế và hiền từ với dân chúng hơn; sự gần gũi của các thừa sai với dân chúng; sự hi sinh và bỏ mình của các cha là một tấm gương lôi kéo dân chúng. Thêm vào đó, nhà chúa tiếp tục đồng ý chấp nhận các thừa sai.[37]

Cha Đắc Lộ được những điều kiện thuận lợi này chỉ một năm. Sau đó, các cha phải bị ép buộc cư trú trong nhà, và cuối cùng là trục xuất. Nhưng dầu trong hoàn cảnh khó khăn, con số tín hữu tiếp tục gia tăng. Sự thành công của các thừa sai khiến nhiều người tức giận và sợ. Việc chống đối dẫn đến vu khống, và cuối cùng họ dùng đến quyền lực và luật pháp để bao vây và tiêu diệt tôn giáo mới này. Thái độ ủng hộ của nhà chúa dần dần chuyển sang nghi ngờ, và từ nghi ngờ sang ghen ghét. Kết quả là chúa Trịnh ra lệnh xử tử bất cứ ai đến gặp các thừa sai hay giữ đạo mà các ngài rao giảng.[38] Các thừa sai bị buộc phải cư trú trong nhà, và chỉ liên lạc được với giáo dân bằng thư từ.[39]

Sau mười tháng hoạt động lén lút như thế, các thừa sai bị buộc phải rời khỏi nước. Tháng Ba năm 1629, chúa Trịnh ra lệnh áp giải các cha vào Nam lên tàu để về Macao. Cuối tháng Ba năm đó[40] các cha đi dần vào Nam tiếp tục giảng dạy ở những nơi các cha dừng lại: An Vực, Nghệ An, Bố Chính, biên giới của hai miền. Các cha cũng làm cho những binh sĩ áp giải trở lại. Ở Nghệ An các cha rửa tội cho 600 người.[41] 

Năm 1629, Gaspar do Amaral và Paul Saito đến Nghệ An trên một chiếc tàu của người Bồ. Cha Đắc Lộ và Marques gặp các cha và cùng nhau truyền giảng ở đó. Sau sáu tháng, có chuyến tàu của người Bồ về Macao, chúa truyền cho các cha phải ra khỏi nước. Các cha lên tàu về Macao vào tháng Năm 1630.    

Trước khi rời Thăng Long, cha Đắc Lộ đã tổ chức được một nhóm cộng tác viên thành một hội gần như một cộng đoàn dòng tu. Đây là những giáo lý viên với ba lời tuyên thệ: không lập gia đình cho tới khi các thừa sai trở lại, để mọi của cải làm của chung, và vâng lời vị bề trên được chỉ định.[42] Các tín hữu ở Đàng Ngoài cũng gửi hai thỉnh nguyện thư cho Đức Giáo Hoàng Urbano VIII và cho cha bề trên tổng quyền dòng Tên vào tháng Năm năm 1630, để xin gửi thêm các thừa sai đến Đàng Ngoài.[43]

Cha Đắc Lộ và anh em cha rời Đàng Ngoài vào tháng Năm 1630. Cha rời xa Đàng Ngoài vĩnh viễn, không bao giờ quay lại. Cha ra đi trong nước mắt giã biệt giáo đoàn cha vừa thành lập trong hơn ba năm. Cha để lại gia sản 5.602 người tòng giáo[44] với một nhóm giáo lý viên nhiệt thành. Những môn đệ này đã tiếp tục cách tuyệt vời sứ vụ của các thừa sai: trong vòng một năm họ đã dạy và rửa tội cho 3.340 tân tòng và xây 20 nhà nguyện mới.[45]

c. Hành trình truyền giáo lần thứ hai ở Đàng Trong  (1640-1645)

Sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ về lại Macao. Trong 10 năm (1630-1640), cha được bề trên giao dạy thần học tại học viện Madre de Deus ở Macao. Ngài xem thời gian này như thời gian ‘lưu đày’. Trong khi đó công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1629 đến 1639 đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1629, chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) trục xuất tất cả các thừa sai. Năm 1639, chúa Nguyễn Phước Lan ra lệnh trục xuất 7 thừa sai dòng Tên ra khỏi Đàng Trong.[46] Sau gần 25 năm truyền giáo, giáo đoàn tại Đàng Trong có chừng 15.000 tín hữu và 20 nhà thờ.[47]

Theo lệnh của cha kinh lược mới Antonio Rubino, cha Đắc Lộ bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ hai tại Đàng Trong. Giai đoạn này gồm 4 hành trình từ năm 1640 đến 1645. Vào tháng Hai năm 1640 cha trở lại Cửa Hàn. Lúc này đang có cuộc bách hại chống lại Công giáo của các quan trong triều. Cha Đắc Lộ lén lút cư trú tại Hội An giữa những Kitô hữu Nhật Bản. Cha được tiếp kiến chúa Nguyễn Phước Lan, và tặng chúa nhiều phẩm vật giá trị nên được chúa cho phép ở lại trong vương quốc, ít là cho đến khi có tàu Bồ rời bến. Tận dụng cơ hội này, cha hăng say giảng dạy và ban các bí tích ngày đêm không mỏi mệt.  Cha ở nhà của bà Maria Mađalêna Minh Đức Vương Thái Phi và cử hành thánh lễ tại nhà nguyện của bà. Ở đó cha rửa tội được 95 người.[48] Cha rất hài lòng với công việc của mình ở đây.[49] Sau 34 ngày ở thủ đô, cha quay về Hội An và gặp cha Pedro Alberto đang làm việc cho người Nhật ở đó. Hai cha lẫn trốn cho đến khi tàu người Bồ rời bến rồi ra giảng đạo công khai. Viên quan ở Quảng Nam giận dữ vì sự kiên trì của các cha, đã ra lệnh cho các cha rời khỏi nước bằng mọi giá, dầu có phải ‘đi trên nước’. Cha Đắc Lộ và cha Alberto mua một chiếc thuyền nhỏ cùng với ba tín hữu liều lĩnh đi về Macao, và đến nơi an toàn vào ngày 20 tháng Chín năm 1640.

Hành trình thứ hai của cha Đắc Lộ là vào tháng 12 năm 1640 đến tháng Bảy 1641. Ba tháng sau khi rời Đàng Trong, cha trở lại từ Macao với cha Benedetto Mattos vào ngày 17 tháng Mười Hai và cập bến vào đêm Giáng Sinh năm 1640. Để tránh gây tức giận cho ‘Ông Nghè Bộ’, vị quan đầu tỉnh đã trục xuất cha mấy tháng trước, ngay đầu năm 1641 các cha đã đi Hội An và tiếp tục về phía Nam để gặp gỡ và cử hành bí tích tại những cộng đoàn ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú yên. Ở đâu cha cũng thấy các giáo lý viên hoạt động rất hữu hiệu.[50] Vào thứ sáu Tuần Thánh 23 tháng Ba năm 1641, cha đi thuyền vào Phú Yên và cử hành lễ Phục Sinh ở đó. Vị quan đầu tỉnh và bà vợ Công giáo là Mađalêna Ngọc Liên Công Chúa đón tiếp cha niềm nở và cho cha một nơi cư trú. Tại đây, trong vòng hai tháng, cha đã rửa tội cho 1.335 người. Trong khi đó cha Mattos đi các tỉnh phía bắc rửa tội được 572 người.[51] Trong khi cha làm việc ở đây thì ở Dinh Chiêm, Quảng Nam, Ông Nghè Bộ bách hại người theo đạo và ra lệnh công khai đốt những ảnh tượng.[52] Khi biết cha Đắc Lộ trở về Dinh Chiêm, Ông Nghè Bộ ra lệnh trục xuất cha lập tức. Ngày 2 tháng Bảy cha xuống thuyền qua Manila, rồi từ đó về Macao ngày 21 tháng Chín năm 1641

Vào cuối tháng Giêng năm 1642, cha Đắc Lộ đi cùng với một giáo lý viên người Việt trở lại Đàng Trong lần thứ ba. Họ đến Hội An và từ đó cha đi cùng với một người Bồ ra phủ chúa ở Kim Long để yết kiến chúa Nguyễn Phước Lan. Cha đã được yết kiến và tặng cho chúa nhiều tặng phẩm, chúa cho cha ở lại phủ chúa. Tại đây ban ngày cha giải thích toán học cho chúa, ban đêm cha đi thăm các người Công giáo và ban bí tích. Nhưng không lâu sau đó, chúa trả cha về cho người Bồ. Cha trở về Hội An và ở lại sống lén lút. Là linh mục duy nhất ở Đàng Trong vào thời điểm đó, cha đi lại thăm viếng và ban bí tích cho các cộng đoàn Kitô hữu khắp nơi.[53] 

Trong lần trở lại thứ ba này, cho dù ở lại lâu hơn, nhưng cha chỉ rửa tội chừng 1.000 người. Một cuộc bách hại mới xảy ra, đặc biệt tại Phú Yên. Đối phó với tình thế này cha nghĩ ở lại lâu hơn sẽ không có lợi, nên cha đi đến quyết định chính thức thành lập hội cho các giáo lý viên như cha đã làm ở Đàng Ngoài, và cho các giáo lý viên tuyên khấn trong thánh lễ.[54]  Trong số mười giáo lý viên đã khấn hứa có ba người đã được phúc tử đạo: Anrê Phú Yên, Inhaxiô Quảng Trị, và Vincentê Quảng Nghĩa. Trong ngày lập hội cho các giáo lý viên, cha xuống tàu người Bồ về Macao và ở lại đó năm tháng.

Lần lưu lại thứ tư cũng là lần chót của cha Đắc Lộ tại Đàng Trong từ tháng Giêng 1644 đến tháng Bảy năm 1645. Sau khi cập bến, cha cùng với các giáo lý viên mang quà cáp lên phủ chúa yết kiến. Nhà chúa hài lòng và mời cha xem thuyền của chúa. Tại thủ đô, cha trú ngụ tại nhà bà Minh Đức Vương Thái Phi và bí mật liên lạc, tiếp xúc với các tín hữu.  

Từ phủ chúa cha trở về Cửa Hàn rồi Hội An. Tại Hội An, vào tháng Bảy năm 1644, Ông Nghè Bộ trở về từ phủ chúa với lệnh xử tử giáo lý viên Inhaxiô. Lính đến nhà các thầy để bắt Inhaxiô, nhưng họ không gặp nên bắt giáo lý viên Anrê, mười chín tuổi và tống giam với một Anrê khác 73 tuổi. Cha Đắc Lộ và người Bồ đã xin chuộc được Anrê già, nhưng người trẻ đã bị từ chối. Trong cuộc xử án vào ngày 26 tháng Bảy 1644, Ông Nghè Bộ phải đương đầu với lòng tin trung kiên của Anrê, và ra lệnh xử tử. Cuộc xử được thi hành chiều hôm đó. Cha Đắc Lộ và nhiều thương nhân Bồ Đào Nha đã chứng kiến tận mắt cuộc xử tử này. Cha đã giữ thủ cấp của Anrê bên mình trong nhiều năm. Xác của thầy được đưa về Macao và được đón rước trọng thể, Anrê là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong đồng thời cũng là vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam.[55]

Sau cái chết của Anrê, cuộc bách hại càng gắt gao hơn. Ông Nghè Bộ ra lệnh trục xuất cha Đắc Lộ về Macao. Giả bộ như đã lên thuyền của người Bồ, cha trốn ở lại cùng với chín giáo lý viên trên thuyền của họ ở xa bờ. Trong hơn một tháng, cha trốn ban ngày và làm việc ban đêm. Cha bị bắt hai lần nhưng đều thoát được. Ba ngày trước lễ Chúa Thánh Thần vào ngày 1 tháng Sáu năm 1645, cha với tám giáo lý viên dong thuyền ra Quảng Bình, tỉnh cực bắc của Đàng Trong. Tất cả bị bắt và đưa về giam ở Kim Long vì bị tình nghi là gián điệp cho Đàng Ngoài. Cha Đắc lộ bị kết án xử trảm, sau giảm xuống còn trục xuất vĩnh viễn. Cha  bị đưa về Hội An và giam tại nhà một người Nhật để chờ tàu. Trong 22 ngày cha đã rửa tội 92 người.[56]

Ngày 3 tháng Bảy năm 1645, cha Đắc Lộ lên thuyền của thương nhân người Bồ và xa rời Việt Nam vĩnh viễn.[57] Khi cha đi rồi cuộc bách hại càng gia tăng dữ dội. Vào ngày 26 tháng Bảy 1645, chúa Nguyễn ra lệnh xử tử hai giáo lý viên Inhaxiô và Vincentê, và ra lệnh đánh đòn, cạo đầu, và chặt một ngón tay của những giáo lý viên khác và một trẻ nam.[58]

Trong suốt thời gian hiện diện trên đất Đàng Trong trong 4 hành trình từ năm 1640 đến 1645, cha Đắc Lộ đã rửa tội cho khoảng 3.400 người (không kể con số được các giáo lý viên rửa tội). Cha đã ở trên đất Việt gần 10 năm (1624-1626, 1627-1630, 1640-1645) và quả thực là một trong những người tiên phong tạo lập và gầy dựng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Cha thành công vượt bậc ở Việt Nam vì cha yêu mến người Việt hết lòng; và rồi cha chọn đúng cách khi mang Tin Mừng chẳng những vào đầu óc nhưng còn vào con tim của dân chúng. Cha chia trách nhiệm truyền giáo với giáo dân, tôn trọng văn hoá và tôn giáo bản địa, và có những phương thế đúng đắn khi làm việc với những tầng lớp khác nhau trong xã hội.

3. Trở về Roma: Macao, Djakarta, Isfahan, Roma (1645-1649)

Cha Đắc Lộ trở về Roma với bài sai rõ ràng của bề trên là về đó để “xin trợ giúp về thiêng liêng và vật chất” cho Giáo hội ở Việt Nam[59], cha đã chuẩn bị cho chuyến đi khi về Macao ngày 23 tháng Bảy đến 20 tháng Mười Hai 1645. Cha lên tàu Bồ Đào Nha trong đoàn tàu 8 chiếc đi Lisbon qua ngã Ấn Độ. Cùng đi với cha có một em bé người Trung Hoa, và với thủ cấp của Anrê luôn bên mình.[60]  Sau 25 ngày lênh đênh, cha đến Malacca, nơi cha ở trước đó 23 năm. Sau khi không tìm được tàu Hoà Lan để đi trực tiếp về Hoà Lan, cha lấy tàu đi Batavia. Chúa nhật ngày 29 tháng Bảy năm 1646, khi đang cử hành lễ Chúa Nhật ở Djakarta, cha bị chính quyền Hoà Lan bắt vì cử hành thánh lễ trên lãnh thổ thuộc quyền Hoà Lan, một quốc gia đã theo Tin Lành. Cha bị bắt nộp phạt và bỏ tù ba tháng. Sau 8 tháng ở Djakarta, cha lấy tàu đi Macassar. Cha ở Macassar 5 tháng rồi lên tàu Anh Quốc đi Surat. Cha ở Surat chờ 4 tháng rồi tàu đưa cha đến Ba Tư. Từ đó cha quyết định đi đường bộ vượt qua lãnh thổ Ba Tư, Media, Armenia rồi Anatolia để đến Smyrna. Sau một tháng đường bộ, cha đến Isfahan, thủ đô Ba Tư lúc đó, và cha chờ một tháng ở đây để theo đoàn lữ hành sa mạc đi Armenia. Từ Isfahan cha đi theo đoàn lữ hành trong hai tháng để đến Erevan, thủ đô của Armenia. Tại Erevan cha ngã bệnh nặng, phải ở lại đó 3 tháng. Từ Erevan cha vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ an toàn, vượt qua Ezurum, Tokat và đến Smyrna ngày 17 tháng Ba năm 1649. Sau Phục sinh năm 1649, một tàu buôn Genova đưa cha về Genova an toàn, ở đó cha gặp lại những bạn ngày xưa cùng ở nhà tập 31 năm trước. Cha đến Roma ngày 27 tháng Bảy năm 1649.[61] Hành trình của cha từ Macao đi Roma mất 3 năm rưỡi với biết bao gian khổ trên đường thủy, đường bộ, tù đày, đói khát, bệnh tật.

4. Hoạt động tại Roma (1649-1652)

Tại thủ đô của Giáo Hội, cha Đắc Lộ có ba trách vụ mà bề trên ở Macao giao cho để hoàn thành: gây ấn tượng với Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều về nhu cầu khẩn thiết gửi giám mục đến Đàng Ngoài và Đàng Trong; tìm kiếm nguồn trợ lực về vật chất cho công cuộc truyền giáo cũng như cho các thừa sai; xin bề trên tổng quyền gửi thêm các thừa sai của dòng đến vùng đất Á Châu đầy hứa hẹn.

Để hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất là thuyết phục Đức Giáo Hoàng, cha Đắc Lộ biết rằng điều đó sẽ tuỳ thuộc chính yếu vào vai trò quyết định của thánh bộ Truyền Bá Đức Tin (Sacra Congregatio de Propaganda Fide) mới được thành lập.[62] Công việc đầu tiên của cha ở Roma là xuất bản những tường trình về các hành trình truyền giáo và những thành công tại Việt Nam, và với sự giúp đỡ của nhà in đa ngôn ngữ của bộ Truyền Bá Đức Tin (Tipografia Poliglota de Propaganda Fide) để in tự điển và sách giáo lý bằng thứ chữ Việt mà các thừa sai vừa sáng chế ra. Cha muốn giới thiệu cho các hồng y một cách cụ thể và rõ ràng về cánh đồng đầy hứa hẹn này. Cha cũng kiến nghị lên các hồng y của Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng như lên Đức Thánh Cha Innocentê X (1644-1655) về những kế hoạch của mình.

Ngày 2 tháng Tám năm 1650, cha báo cáo cho các hồng y của thánh bộ trong phiên họp khoáng đại về con số 300.000 tín hữu ở Việt Nam, và nhu cầu cần có ít nhất 300 thừa sai từ Âu Châu.[63] Cha cũng kiến nghị xin Đức Thánh Cha gửi các giám mục đến Việt Nam để phong chức cho những ứng viên bản xứ (từ thế kỷ XVII đã thấy điều đó!!). Cũng chính cha đề nghị cử những giám mục đến với danh xưng in partibus infidelium (trong miền đất dân ngoại) để tránh sự can thiệp của chính quyền bảo hộ Bồ Đào Nha (padroado). Các hồng y nhận kiến nghị vào ngày 20 tháng Tám năm 1650[64] và quyết định đưa ra thảo luận với Đức Giáo Hoàng. Ngày 27 tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Innocentê X gửi lại sự vụ “Anamitica Ecclesia” (giáo hội tại An Nam) để bổ sung thêm về nhu cầu của công cuộc truyền giáo cũng như những ứng viên được đề nghị cho chức giám mục. Ngày 18 tháng Mười, các hồng y báo với thư ký để thông báo lại cho cha Đắc Lộ làm tiếp những gì được yêu cầu.[65]  

Trong cuộc họp ngày 1 tháng Tám năm 1651, các hồng y quyết định đề nghị với Đức Giáo Hoàng gửi đến Việt Nam một thượng phụ giáo chủ, hai tổng giám mục và 12 giám mục. Tất cả là hiệu tòa và dưới danh hiệu “ở phần đất dân ngoại” (in partibus infidelium). Và các hồng y đã sẵn sàng để giới thiệu những ứng viên dòng cũng như triều.[66] Đức Giáo Hoàng vẫn còn phân vân; ngay cả trong cuộc hội kiến với ngài vào ngày 5 tháng Ba năm 1652 cũng chưa có được quyết định dứt khoát.[67] Vào tháng Năm 1652, cha Đắc Lộ gửi tiếp một lá thư cho Đức Giáo Hoàng lập lại những điểm căn bản trong kiến nghị của cha cho Thánh Bộ, và nhấn mạnh rằng giáo hội ở Việt Nam đã chịu tử đạo, và ở đó có những ứng viên trong hàng ngũ các giáo lý viên đã được chuẩn bị để lãnh chức linh mục.[68]

Cuộc họp về vấn đề này, được nhóm lại vào ngày 30 tháng Bảy năm 1652 tại Dinh Quirinale với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, cho rằng cần phải gửi một linh mục triều đến Việt Nam để xem xét trước khi quyết định đề cử giám mục. Đức Giáo Hoàng và Đức cha tổng thư ký Thánh bộ Truyền Bá Đức tin muốn đề cử cha Đắc Lộ nhưng cha không nhận.[69] Ngày 19 tháng Tám năm 1652, với sự phê duyệt của Đức Hồng Y Tổng Trưởng thánh Bộ tạm thời Luigi de Ludovico, các hồng y đồng ý trao cho cha Đắc Lộ số tiền trợ giúp là 200 écus, đặt cha làm tổng quản (prefect) công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, và sai đi chiêu mộ các nhà truyền giáo.[70]

5. Hoạt động ở Pháp (1652-1654)

Sau khi gần như thất bại trong cuộc vận động ở Roma, cha Đắc Lộ không xao lãng hai nhiệm vụ còn lại là tìm nguồn tài chánh hỗ trợ, và tìm nguồn nhân lực cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Cha bắt đầu sang Pháp để thực hiện hai mục tiêu đó với sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng, và với bài sai đặc biệt của bề trên tổng quyền Goswin Nickel.[71]

 Rời Roma ngày 11 tháng Chín năm 1652, cha đi tàu xuống Napoli và từ đó đi Marseille. Từ Marseille cha ghé xuống Avignon thăm gia đình và rồi đến Lyon. Cha đến Paris ngày 28 tháng Giêng năm 1653. Ngày 31 tháng Giêng cha tiếp kiến vua Louis XIV. Cha cũng gặp gỡ và vận động với nhiều nhà quý tộc giàu có và nhiệt tâm tại Paris. Sau đó, cha Jean Bagot dòng Tên giới thiệu cha với nhóm các môn đệ của cha, một hội thân hữu đạo đức của các linh mục và sinh viên, thường được gọi dưới tên A.A. (Association des Amis, Hội bạn hữu), hay Bons Amis (Hội bạn hiền). Đa số trong họ là những người sáng lập hay những hội viên nền tảng của chủng viện truyền giáo và hội có tên là Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris - Missions Étrangères de Paris (M.E.P.). Cha Đắc Lộ thực sự là người đã gieo mầm những ý tưởng và viễn ảnh truyền giáo cho những người này, là những người sau này là những ứng viên giám mục đầu tiên cho Việt Nam, và là những người kế tục chăm lo cánh đồng truyền giáo và giáo hội Việt Nam do các cha dòng Tên khai phá.

Sau cuộc vận động thành công cả về tài chánh lẫn nhân sự, vào ngày 7 tháng Ba năm  1653 cha Đắc Lộ báo cáo về thánh bộ những ứng viên cho chức giám mục và số tiền nhận được để lập quỹ cho việc truyền giáo cũng như gửi các giám mục về Việt Nam.[72] Và thánh bộ Truyền Bá Đức Tin quyết định quỹ đó phải được chuyển về và lập tại Roma.[73]

Biết được chương trình đó, triều đình Bồ Đào Nha phản đối dữ dội. Cha bề trên phải bổ nhiệm cha Đắc Lộ, vị thừa sai không mệt mỏi lo cho Việt Nam, đi Ba Tư với một vài cha cùng dòng và phải đi lập tức. Họ xuống tàu ở Marseille và khởi hành vào 16 tháng Mười Một năm 1654. Và như thế vị thừa sai với sự nghiệp to lớn và vinh quang ở Á Châu, ở tuổi 61 phải vâng lời và đi về những ngày cuối đời tại Ba Tư.[74]

Trong hai năm (tháng Chín 1652- tháng Mười Một 1654), vị thừa sai già đã thể hiện một lòng nhiệt thành phi thường cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Trong một thời gian ngắn ngài đã làm dậy lên lòng nhiệt thành, đạo đức và tinh thần truyền giáo của nước Pháp. Cha luôn tràn đầy hi vọng và không mỏi mệt đi vận động, thương lượng, tiếp xúc, thư từ, chiêu mộ và lập danh sách trợ giúp của những ai mà cha nghĩ sẽ liên quan và giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Cha đã đi chiêu mộ các thừa sai, tìm nguồn ủng hộ về tài chánh, cũng như thương lượng về việc phong chức giám mục cho Việt Nam. Hai mươi nhà thừa sai mới chiêu mộ đã được sai đi; quỹ bảo trợ cho việc truyền giáo và cho các giám mục tương lai đã được lập; các ứng viên giám mục đã được duyệt xét, nhưng ước muốn trở lại cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam của cha đã bị từ chối. Cha vui lòng chấp nhận lệnh của bề trên như một chiến sĩ già trung thành, và không tìm gì khác ngoài việc để vinh danh Chúa được cả sáng hơn (ad Majorem Dei Gloriam).[75]

6. Truyền giáo ở Ba Tư và qua đời ở Isfahan (1655-1660)

Xuống tàu tại Marseille tháng Mười Một năm 1654, cha Đắc Lộ và các anh em phải đi mất một năm mới đến Isfahan, thủ đô Ba Tư thời đó vào tháng Mười Một năm 1655. Ở đó cha  Đắc Lộ làm bề trên cộng đoàn nhỏ của anh em dòng Tên. Cha bắt đầu học tiếng, và sau thời gian ngắn cha đã có thể giảng dạy được. Những người Hồi giáo chung quanh luôn giữ thái độ thù nghịch với các tôn giáo khác, nên hoạt động tông đồ của cha và các anh em không mang lại nhiều kết quả.[76]

Trong năm năm sống ở đây, cha Đắc Lộ  luôn nhớ về Việt Nam. Nhưng vào cuối đời ngài cũng được an ủi khi nghe tin cuộc vận động của cha thành không với việc bổ nhiệm hai giám mục Đại diện tông toà ở Việt Nam.[77]

Vị thừa sai vĩ đại cuối cùng cũng đã giã từ sứ vụ truyền giáo và giã từ thế giới mãi mãi, sau những ngày tháng lâm bệnh nặng, vào ngày 5 tháng Mười Một năm 1660, ở tuổi 67, sau 42 năm hiến thân trọn vẹn cho sứ vụ truyền giảng Tin Mừng. Cha chấm dứt cuộc đời giữa những người lương dân, và mộ phần bị quên lãng giữa nghĩa trang của những người Hồi Giáo.[78]

II. Những công trình cha Đắc Lộ đã làm cho giáo hội và cho văn hoá Việt Nam

1.  Việc Latinh hoá chữ viết Việt Nam, viết tự điển và văn phạm tiếng Việt

Một trong những gia sản lớn nhất mà cha Đắc Lộ để lại cho văn hoá Việt Nam là những cộng tác trong việc hình thành cách viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh đã được các cha thừa sai dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý tại Việt Nam sáng chế ra.

Cho đến thế kỷ XVII người Việt chưa có chữ viết của riêng mình. Dầu có tiếng Hán là tiếng chính thức của học thuật và hành chánh, nhưng người Việt vẫn mong có chữ viết riêng cho mình. Hệ thống chữ Nôm ra đời cũng vì ước muốn đó. Đây là một hệ thống chữ viết bình dân không chính thức và vận dụng lối viết của chữ Hán mà hình thành. Các thừa sai cũng học loại chữ này và viết nhiều sách, cả sách giáo lý.[79] Một vài thừa sai như Francesco Buzomi, Francesco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar d'Amaral và Antonio de Barbosa… bắt đầu khai triển một hệ thống ghi lại tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh, mẫu tự abc. Cách viết này trước tiên để giúp cho các thừa sai dễ học và dễ nhớ tiếng Việt, và để dùng với nhau. Những chữ viết theo mẫu tự này cũng cho giúp cho các thừa sai viết những tài liệu tôn giáo cho người tân tòng dễ học và dễ đọc. Cha Đắc Lộ tiếp nối công trình của những anh em mình, nhưng cha được xem là người hoàn thiện những nền tảng của lối viết này. Cũng chính cha Đắc Lộ là người cho in và xuất bản quyển sách đầu tiên với lối chữ viết này. Năm 1651 thánh bộ Truyền bá Đức tin xuất bản cuốn giáo lý của cha Đắc Lộ: Catechimus pro iis qui volunt suscipere baptismum in octo dies. Cuốn sách có 324 trang song ngữ La-Việt. Đây là cuốn sách đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ. Như cha có viết, bản thảo của quyển sách đã được lưu hành từ năm 1625 ở Việt Nam, và cha soạn với sự giúp đỡ của các giáo lý viên bản xứ. Cũng cùng năm đó cuốn tự điển Việt - Bồ - La Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum, và phần văn phạm kèm theo Linguae Anamiticae seu Tonchinensis brevis declaratio được xuất bản. Cha Đắc Lộ cho biết cha soạn cuốn tự điển này dựa trên hai cuốn tự điển, Diccionário português-anamita của António Barbosa và Diccionário anamita-português-latim của Gaspar do Amaral. Hai cuốn này nay không còn.[80] Cha  Đắc Lộ là người đã sáng tạo và giúp cho nhà in hình thành mẫu chữ để đúc khuôn sắp chữ, vì lúc đó cha là người duy nhất ở Roma biết loại chữ này. Loại chữ này được hoàn thiện qua thời gian, đặc biệt nhờ công của các giáo sĩ và những người Công giáo bản xứ, và được chính thức công nhận là chữ viết chính thức của tiếng Việt (Quốc Ngữ) vào cuối thế kỷ XIX. Chúng ta trân trọng đóng góp của mọi người trong công trình này, nhưng chúng ta cũng công nhận cha Đắc Lộ là người đề xướng mạnh mẽ nhất và là người có công lớn nhất trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ.

2.  Thành lập các giáo lý viên

Một trong những yếu tố then chốt trong thành công của các thừa sai dòng Tên tại Việt Nam là sự cộng tác của giáo dân, đặc biệt các giáo lý viên. Trong giai đoạn đầu ở Đàng Trong, Cha Buzomi đã thành lập tổ chức thầy giảng. Agosto là một trong 10 người được cha Buzomi rửa tội tại Cửa Hàn dịp lễ Phục sinh năm 1615, là thày giảng đầu tiên ở Việt Nam theo giúp cha Buzomi rất hữu hiệu.[81] Tuy nhiên, phải chờ tới khi Cha Đắc Lộ đến truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630), Hội thầy giảng mới hoàn thành và hoạt động mạnh, có nội qui đào tạo, có lời khấn công khai.

 Tổ chức giáo dân này có hai hình thức. Trước hết, họ là những vị lãnh đạo tại địa phương chuyên giúp các thừa sai trong việc truyền giáo và bác ái. Họ giúp tổ chức việc đọc kinh cầu nguyện khi các thừa sai không có mặt, hay tổ chức các chuyến thăm viếng của các cha. Nhóm thứ hai là những giáo lý viên tại địa phương hay đi các nơi, họ dấn thân trọn đời phục vụ giáo hội. Cha Đắc Lộ khởi xướng tổ chức các giáo lý viên này ở Đàng Ngoài và sau đó tại Đàng Trong.[82]

Cha chọn những ứng sinh cho tổ chức giáo lý viên này rất cẩn thận: phải là người tương đối còn trẻ, có đức tin sâu xa, đời sống gương mẫu, và một ước muốn mạnh mẽ phục vụ giáo hội[83], phải có sức khỏe về thể lý và có trí thức.[84] Cha xếp đặt cho những người nhiệt tình nhưng giới hạn về trí thức giữ những việc liên quan đến vật chất (bõ), còn những người giảng dạy giáo lý được gọi là thầy.  Một khi đã được chọn làm giáo lý viên, cha huấn luyện họ bằng cách cho họ đi với cha khi giảng dạy, sống chung trong một nhà. Chắc chắn cha cũng cho họ những hướng dẫn đặc biệt về giáo lý, việc chuẩn bị và cử hành bí tích rửa tội khi các thừa sai không có mặt. 

Dần dần tổ chức này trở nên gần như một hội dòng. Các giáo lý viên không còn sống như những cá nhân nhưng như một cộng đoàn tu sĩ.[85]  Hơn nữa, cha còn cho họ khấn trọng thể theo ba lời khuyên Phúc Âm: độc thân, vâng lời, khó nghèo. Cha tổ chức cho họ khấn trọng thể trong thánh lễ và hứa giữ độc thân, suốt đời phục vụ giáo hội, vâng lời các thừa sai và những người các ngài chỉ định, tại Đàng Ngoài năm 1630, trước khi cha từ giã[86]; tại Đàng trong vào tháng Bảy năm 1643.[87] 

Việc lập ra hai ‘hội dòng’ của các giáo lý viên đã cộng tác trong việc nuôi dưỡng một tinh thần cộng đoàn mạnh mẽ giữa những người công giáo Việt Nam. Đây là một sáng kiến mục vụ độc đáo của cha Đắc Lộ. Các giáo lý viên thực sự là những cánh tay nối dài của các thừa sai đặc biệt khi họ vắng mặt. Hơn nữa, việc lập nên hội các giáo lý viên còn mang lại cho giáo hội Việt Nam hai thành quả tuyệt diệu khác: ơn gọi linh mục và tử đạo. Tất cả các linh mục đầu tiên của Việt Nam được Đức Cha Đại diện Tông Toà phong chức năm 1668 và 1670 đều là những giáo lý viên. Chứng từ vinh quang khác là các giáo lý viên là những vị tử đạo tiên khởi của giáo hội Việt Nam: ba giáo lý viên tử đạo và bảy người bị chặt ngón tay ở Đàng Ngoài, vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú yên bị chém đầu ngày 26 tháng Bảy năm 1644. Hai người khác là Inhaxiô và Vincentê bị chém đầu năm 1645. Danh sách của những giáo lý viên tử đạo còn tiếp tục những năm sau đó. Vì thế “hội các giáo lý viên là cái nôi trong đó các vị tử đạo được sinh ra, nuôi dưỡng, và trưởng thành”.[88]

 Việc lập các giáo lý viên chứng tỏ cái nhìn và kế hoạch sáng tạo của cha Đắc Lộ. Điều đó cũng nói lên rằng cha tôn trọng con người và văn hoá Việt Nam. Cha tín nhiệm vào lòng tin và nhiệt thành của những người trẻ, và mời họ cộng tác. Vì thế, cha đã được những kết quả quá lòng mong ước.  

  3.  Sách giáo lý “Catechismus”

Sách giáo lý của cha Đắc Lộ Catechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum in octo dies diuisus – Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma bĕào đạo thánh đức Chúa blời, Ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus. Ab Alexandro de Rhodes è Societate IESU, ejusdemque Sacrae Congregationis Missio Apostolico[89] được xuất bản  năm 1651 tại Roma do nhà in Typis Sacrae Congregationis de Propaganda Fide.[90] Catechismus là tác phẩm thần học đầu tiên của Việt Nam. Nó có ý nghĩa cả trong lãnh vực ngôn ngữ-văn hoá lẫn thần học-giáo lý. Cuốn Catechismus được in song ngữ, có 319 trang. Mỗi trang có hai cột, cột bên phải là chữ Quốc ngữ và bên trái là phần dịch ra tiếng Latinh. Có lẽ nó được soạn khoảng năm 1636-1645.[91]

Dĩ nhiên là cha Đắc Lộ đã học và áp dụng những phương thức và nội dung của những cuốn giáo lý trước đó được các tác giả hay anh em cùng dòng soạn ra[92], nhưng cha không dùng tất cả phương thức cũng như nội dung cho người Việt.

Cuốn Catechismus- Phép Giảng Tám Ngày được trình bày không giống như cuốn giáo lý cho trẻ, cũng không phải cho người lớn bình thường. Một cách chính xác hơn, đó là một cuốn thủ bản chương trình huấn luyện cho các giáo lý viên, những người muốn thành người hướng dẫn về giáo lý rửa tội. Nó có những giới hạn về đối tượng được dạy cũng như thời gian (tám ngày). Sự thích ứng của cha Đắc Lộ cho người Việt trong sách giáo lý này được thấy rất rõ trong trật tự trình bày các tín điều, trong việc áp dụng những từ ngữ trong truyền thống tôn giáo địa phương[93], và hơn thế nữa, trong việc dùng ca dao tục ngữ trong bài giáo lý. Sau cùng, cuốn giáo lý của cha Đắc Lộ, không phải chỉ gồm những bài học về lý thuyết, Cha luôn nối kết lý thuyết với thực hành, bên cạnh những bài về giáo thuyết, luôn có những hướng dẫn về cách thực hành việc đạo đức và thờ phượng.

Tóm lại, cuốn giáo lý của cha Đắc Lộ là một thành công lớn của cha. Dầu nó không là cuốn giáo lý đồ sộ và tổng hợp như những cuốn giáo lý của những người đi trước cho Âu châu và cho Á châu, cũng không đưa ra những quan điểm thần học mới, nhưng nó nói lên tính chất độc đáo của cha Đắc Lộ trong việc hội nhập đức tin Kitô giáo và thực hiện trong đời sống cũng như cách nghĩ của thính giả người Việt.

4.  Cuộc vận động thành lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam dưới quyền của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin

Chúng ta đã lược qua hành trình và những nỗ lực của cha Đắc Lộ  ở Roma và ở Pháp để vận động cho có các thừa sai và giám mục cho Đàng Trong và Đàng Ngoài. Có nhiều lý do khiến cuộc vận động của cha ở Roma không mang lại kết quả như ý. Trước hết, vì Đức Giáo Hoàng Innocentê X phản đối dự án này, ngài không muốn gây thêm rắc rối phiền phức với triều đình Bồ Đào Nha. Kế đến, cho dù các hồng y ở thánh bộ Truyền Bá Đức Tin đồng ý với dự án, nhưng các ngài phải giải quyết vấn nạn hỗ trợ tài chánh cho các giám mục sẽ được gửi đi. Thêm vào đó, Đức Cha tân tổng thư ký của thánh bộ D. Massari chống đối dự án phong các giám mục in partibus. [94]

 Cho dù cuộc vận động của cha Đắc Lộ không mang lại kết quả như mong ước nhưng ít ra đã lôi kéo sự chú ý của thánh bộ và của Đức Giáo Hoàng đối với Việt Nam như là cánh đồng truyền giáo đầy hứa hẹn đang cần sự giúp đỡ. Dầu thất bại ở Roma, nhưng cha Đắc Lộ lại rất thành công trong việc vận động tài chánh, chiêu mộ các thừa sai và đề nghị những ứng viên giám mục. Bề trên ra lệnh cho cha rời Pháp đi Ba Tư không phải vì cha làm gì sai, nhưng là vì mối quan tâm chính trị phải đối đầu với triều đình Bồ Đào Nha.

Thường là những ý tưởng ban đầu không được áp dụng theo ý người nghĩ ra. Dẫu cho những dự án của cha Đắc Lộ gặp phải những trở ngại hầu như không thể vượt qua được, nhưng giấc mơ của cha không lụi tàn. Những ứng viên mà cha đề nghị đã trở thành những giám mục Đại diện Tông toà in partibus infidelium  đầu tiên của lịch sử truyền giáo hiện đại vào năm 1658. Những Hạt Đại diện Tông toà mới được thiết lập ngày 9 tháng Chín năm 1659, qua tông sắc Super Cathedram của Đức Giáo Hoàng Alexander VII, tại Đàng Ngoài, Đàng Trong, Trung Hoa, Tân-Pháp (Canada) ở Bắc Mỹ. Giấc mơ của cha Đắc Lộ thành hiện thực, dù cha không được chứng kiến tại chỗ, nhờ: (1) sự thay đổi tình hình chính trị của Toà Thánh; (2) quyết định can đảm của Đức Giáo Hoàng Alexander VII (Fabio Chigi, cựu đặc sứ của Đức Giáo Hoàng ở Pháp, có quen biết với nhóm Bạn Hiền); (3) Tổng thư ký mới của thánh bộ Truyền Bá Đức Tin Alberici, người theo sát và trung thành với dự án của vị tiền nhiệm là tổng thư ký đầu tiên F. Ingoli; (4) Sự kiên trì của nhóm Bạn Hiền và những dòng tu cũng như ân nhân ở Pháp; (5) Nhưng trước tiên phải tri ân sự cống hiến, xả thân trọn vẹn và không mệt mỏi của cha Đắc Lộ cho việc lập đại diện tông toà và cho hàng giáo sĩ bản xứ tại Việt Nam. Quả thực cha Đắc Lộ đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử giáo hội tại Việt Nam, nhưng cũng là một trong những vị thừa sai kiệt xuất của mọi thời đại trong lịch sử truyền giáo của giáo hội phổ quát.

III. Phương thức hội nhập văn hoá của cha Đắc Lộ

 Dĩ nhiên là cha Đắc Lộ không biết đến từ ngữ ‘hội nhập văn hoá’ và những ý nghĩa của nó trong thần học truyền giáo ngày nay. Cha không đưa ra bất kỳ lý thuyết nào cho việc hội nhập văn hoá, nhưng cha là một nhà truyền giáo nhận thức sâu sắc về sự khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Tây Phương của mình, và cần phải tự thích ứng và thích ứng sứ điệp Tin Mừng với văn hoá bản địa. Trong suốt hành trình truyền giáo của cha ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, cha cố gắng bỏ mình để làm quen với mọi khía cạnh cuộc sống của người Việt. Dựa vào đó cha sắp xếp và thực hành một phương pháp truyền giảng Tin Mừng cũng như dạy giáo lý cho cho riêng người Việt.

1. Những thích nghi văn hoá trong đời sống cá nhân và trong sứ vụ

Học ngôn ngữ địa phương là nỗ lực đầu tiên của cha Đắc Lộ để thâm nhập vào bất cứ nền văn hoá nào. Chắc chắn cha Đắc Lộ đã học phương thức quan trọng này từ chiến lược truyền giáo của các cha dòng Tên vào thời đó, và họ đã thành công trong nhiều nước. Cha xác định rằng thông thạo ngôn ngữ của người được rao giảng  là điều kiện đầu tiên và căn bản cho việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả.[95] Cha Đắc Lộ có kiến thức rất sâu xa về tiếng Việt. Cha học dùng những từ ngữ về mọi lãnh vực trong đời sống dân chúng, một điều mà không phải người Việt nào cũng làm được. Hơn thế nữa, cha còn tận dụng nhuần nhuyễn những lối nói bình dân để giải thích thần học, dùng ca dao tục ngữ để viết sách giáo lý. Những kết quả trong việc truyền giảng Tin Mừng là bằng chứng cho thấy hiệu lực của việc cha Đắc Lộ thông thạo tiếng Việt.

  Trong đời sống cá nhân, cha Đắc Lộ đã thích nghi hết sức có thể trong lối ăn mặc, thực phẩm, phong tục địa phương.[96] Nhưng cha không chỉ làm vậy bề ngoài. Trong sứ vụ, cha dấn thân sâu xa hơn trong văn hoá người Việt, và cố gắng biến đổi một số phong tục trong ánh sáng Tin Mừng. Cha nhấn mạnh đến việc các thừa sai cần thích nghi với phong tục địa phương nếu nó không nghịch lại với luân lý Kitô giáo. Cha Đắc Lộ phán đoán về những phong tục và hình thức văn hóa cần loại trừ dựa trên hai tiêu chuẩn: Chúa Giêsu có đòi hỏi điều đó hay không hay điều đó có nghịch với Tin Mừng của Ngài không?[97] Cha rất cẩn trọng không để cho các Kitô hữu bị tách biệt khỏi môi trường văn hóa của họ. Về nguyên tắc, cha chống đối việc đưa vào văn hoá Việt Nam những hình thức Kitô giáo, dù rất đáng khen, nhưng làm cho các Kitô hữu địa phương bị tách biệt khỏi những đồng bào mình.[98]

Theo quan sát của cha Đắc Lộ về phong tục tập quán văn hoá, cha chia làm ba loại khác nhau theo tính chất của nó: là thuần tuý tôn giáo, hay không liên can gì đến tôn giáo, hay đáng chê trách về luân lý.[99] Trong mỗi trường hợp cha có cách ứng xử thích hợp khác nhau. Đối với những phong tục mà cha cho là không thể chấp nhận được về luân lý, cha kiên quyết phản đối. Cha cố gắng ‘thanh luyện’ hay bỏ qua những yếu tố có thể gây hại trong những phong tục này.[100] Cha cũng cố gắng biến đổi hay đưa những yếu tố Kitô giáo vào những phong tục không liên can gì đến tôn giáo hay thần học.[101] Dù sao đi nữa, phương thức truyền giáo của cha Đắc Lộ cũng dựa trên sự tôn trọng đặc biệt nền văn hoá bản địa. Thích nghi với ngôn ngữ, những ý nghĩ, phong tục, lối ăn cách ở của địa phương là yếu tố nền tảng trong phương thức truyền giảng Tin Mừng cho người Việt và tạo lập tại Việt Nam một giáo hội thực sự là Kitô giáo và cũng thực sự mang tính chất địa phương của cha Đắc Lộ.

2. Cha Đắc Lộ và những tôn giáo truyền thống tại Việt Nam

Cha Đắc Lộ nói đến “Tam Giáo”, cả ở Trung Hoa và Việt Nam: Khổng giáo, Lão giáo , và Phật giáo. Cha cũng nói nhiều đến việc thờ Trời, thờ thần, thờ tổ tiên truyền thống của người Việt, theo cha đây là trọng tâm của tôn giáo đặc thù của người Việt. Trong khi cha nhật xét và phán đoán về các phong tục văn hóa với cái nhìn cảm thông và uyển chuyển, cha lại cho rằng các truyền thống tôn giáo của người Việt là một thách thức hay cản trở lớn lao cho các hoạt động truyền giáo, và như thế cha nhận xét và phán đoán với cái nhìn không khoan nhượng.[102] Lối phán đoán của cha Đắc Lộ và các thừa sai cùng thời về các tôn giáo đến từ cái nhìn thần học đầy thiên kiến. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng khi tiếp xúc với nhiều hình thức tôn giáo khác nhau này của người Việt cha đã đi trước thời đại trong phương thức thích nghi của cha. Trước hết, trong khi cố gắng hiểu về  các tôn giáo truyền thống, cha Đắc Lộ tập chú hơn vào việc tìm xem dân chúng thực hành tôn giáo của mình hằng ngày thế nào hơn là những văn bản lý thuyết truyền thống của các tôn giáo này. Có khi cha lại thiếu hiểu biết về lý thuyết của niềm tin nơi các tôn giáo này, nhưng cha lại hiểu sâu rộng về cách thể hiện niềm tin trong đời sống của người Việt trong thế kỷ XVII. Thứ hai, vì chân lý, cha phản bác mạnh mẽ những sai lầm của các tôn giáo này, nhưng cha chỉ làm vậy sau khi đã nghiên cứu trong tinh thần cảm thông tìm xem những điểm chung có thể mang các tôn giáo lại với nhau. Khi làm điều đó, cha Đắc Lộ xác định có những yếu tố của sự thật và thiện hảo trong các tôn giáo này.[103] Thứ ba, cha đánh giá cao những yếu tố tốt trong nghi thức và phong tục của những tôn giáo này, đặc biệt đối với những tôn giáo địa phương của người Việt, và cha khuyên giáo dân tôn trọng nó, hay cha ‘thanh luyện’ và sửa đổi chúng cho mang tính chất công giáo. Mọi hướng dẫn về đối thoại liên tôn hiện nay cũng vẫn coi phương thức này là nhiệm vụ ưu tiên.

3. Những thích nghi trong phụng vụ và phương pháp dạy giáo lý

- Phụng vụ

Như chúng ta đã đề cập, cha Đắc Lộ đã sửa đổi và Ki-tô-giáo-hoá những nghi thức và phong tục tôn giáo tốt để thành những nghi thức công giáo hay ít ra là những nghi thức hay phong tục được chấp nhận trong niềm tin công giáo. Cha cũng mang những yếu tố văn hoá của người Việt vào trong phụng vụ cũng như những nghi thức, đặc biệt là những sáng tạo trong kinh nguyện với hình thức văn hoá Việt Nam và bằng tiếng Việt.

Cha Đắc Lộ tôn trọng những phong tục và đưa những yếu tố văn hoá bản địa vào việc cử hành lễ Giáng Sinh,[104] lễ Lá và Tuần Thánh[105], lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền Thánh[106], trong lễ an táng, trong việc soạn lịch phụng vụ[107], trong việc dịch “Kinh Nguyện Công Giáo”[108], trong nghi thức cử hành bí tích rửa tội[109], giải tội.[110]

Một trong những ví dụ tuyệt vời nhất của việc hội nhập và thích nghi đó là việc cha, với sự trợ giúp của các tín hữu địa phương, đã kết hợp những suy niệm Mùa Thương Khó với những truyền thống ca hát dân gian và kịch trường (hát chèo) thành những bài hát suy niệm với tiết tấu nhịp điệu dân gian trong cử hành Tuần Thánh (ngắm đứng); và hơn ba thế kỷ những lối ‘hát ngắm’ này vẫn còn tồn tại trong nhiều nhà thờ ở Việt Nam ngày nay.[111]

- Phương pháp dạy giáo lý

Phương pháp giới thiệu đức tin Kitô giáo cho người Việt của cha Đắc Lộ được hình thành sau nhiều năm quan sát, làm việc, và nghiên cứu về văn hoá người Việt, Cha nhận ra rằng có nhiều phương pháp có thể áp dụng ở những nước khác nhưng không hiệu quả ở Việt Nam.[112] Theo cha, tâm thức tôn giáo của người Việt rất sâu xa. Dĩ nhiên đòi buộc phải chiến đấu chống lại những sai lầm của những người không Công giáo, nhưng đối với người Việt, cha Đắc Lộ khuyên nên phải cho người nghe thấm nhập những chân lý họ có thể lãnh hội được bằng ánh sáng của lý luận tự nhiên.[113]

Một thực hành khác, là kết quả của kinh nghiệm nhiều năm đi truyền giáo cho người Việt của cha, là thứ tự khi trình bày về những tín điều công giáo.[114] Theo thực hành này, cha trình bày sách giáo lý của cha trong tám ngày. Bốn ngày đầu trình bày những chân lý “có thể hiểu được bằng lý trí tự nhiên”, theo sau đó là phê bình những sai lầm của các tôn giáo của người Việt, bốn ngày sau trình bày những chân lý Công giáo, bắt đầu với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, không phải chờ đến khi gần được rửa tội mới trình bày như phương pháp của những thừa sai khác.[115] Ở đây chúng ta cần lập lại phương pháp của cha Đắc Lộ thích nghi những từ ngữ thần học với truyền thống tôn giáo địa phương. Với tài năng về ngôn ngữ Việt, cha đã khéo léo dịch những ý niệm thần học bằng tiếng Latinh sang tiếng Việt với những từ ngữ tương đương, cách đặc biệt trong sách giáo lý của cha. Cha tạo ra những từ thần học bằng tiếng Việt từ những ý niệm thánh kinh, và dùng ca dao tục ngữ cách khéo léo tài tình trong việc giải thích đức tin công giáo.

 Cha Đắc Lộ đã thực hiện việc thích nghi trong suốt cuộc sống sứ vụ của cha ở Việt Nam: trong đời sống cá nhân và sứ vụ, trong tiếp xúc với những phong tục tập quán văn hoá của người Việt. Việc thích nghi của cha như là phương pháp cho việc “Kitô giáo hoá” phong tục tập quán văn hóa người Việt, cùng lúc “Việt Nam hóa” nghi thức phụng vụ và giáo lý. Cha luôn tìm những cách diễn tả mới cho cảm nghiệm Kitô giáo trong việc tin và cử hành trong yêu thương và phục vụ cho chính mình và cho những Kitô hữu Việt Nam trong cách sống và suy nghĩ theo văn hoá của họ.

 

Kết luận

Năm 1618, cha Đắc Lộ, một tu sĩ dòng Tên trẻ gốc Avignon, bỏ Roma đi về cảng Lisbon để đi về một thế giới mịt mù vô minh ở Viễn Đông. Khi bỏ lại gia đình đàng sau để ra đi cha mới 25 tuổi. Với đức tin mạnh mẽ và lòng nhiệt thành không gì lay chuyển, cha đi về Á Châu chỉ với một mục tiêu duy nhất: đưa dân chúng Á Châu trở về với đức tin Công giáo. Cha không biết điều gì đang chờ đón mình ở thế giới mới này. Tuy nhiên cha xác định phải hoàn thành trách vụ mà cha được kêu mời. Cha đã trải qua 42 năm cuộc đời cho những hoạt động truyền giáo, đi lại, vận động cho công cuộc truyền giáo. Cha đi lại truyền giảng Tin Mừng cho cả hai miền Nam Bắc Việt Nam chỉ trong vòng mười năm (1624-1626, 1627-1630, 1640-1645) nhưng cha ở lại mãi mãi ở Việt Nam,  như cha viết: “Thân xác tôi rời Đàng Trong nhưng tâm hồn của tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng thế. Thực ra tôi ở lại trọn vẹn với cả hai, và tôi sẽ không bao giờ rời xa”.[116]

Khi cha rời Việt Nam vĩnh viễn vào tháng Bảy năm 1645, cha đã đưa nhiều người trở lại với đức tin công giáo (chừng 10.000 người), và cha còn tìm kiếm nữa, và cha quyết định mở ra những cánh cửa khác cho công cuộc truyền giáo. Chiếc áo dài Việt Nam cho các thư sinh mà cha mặc trên người trong mười năm truyền giáo ở Việt Nam không chỉ là cách thích nghi bên ngoài nhưng đích thực là chiếc áo của một người đã đồng hoá mình với truyền thống Việt, đi vào lòng người Việt, sống với họ, truyền giảng, chia sẻ những thống khổ với họ. Cha làm tất cả những gì có thể cho người Việt và những anh chị em Kitô hữu: góp phần trong việc sáng tác chữ Quốc Ngữ, soạn tự điển và văn phạm, viết sách dạy giáo lý, lập hội giáo lý viên, vv… Đối với cha tất cả những việc đó là phụ thuộc nhưng thiết yếu cho mục tiêu tông đồ của cha. Cốt tủy trong chương trình của cha là cố gắng thẩm thấu sứ điệp Tin Mừng trong bối cảnh Việt, và mang lại hiệu quả cho cha và cho các thừa sai khác bằng việc thích nghi trong môi trường văn hoá đặc thù. Đó là một chương trình đòi hỏi người dạy phải học ở người được dạy, một yếu tố thay đổi cho phép chính họ được thay đổi. Sứ vụ truyền giáo của cha là một sự thâm nhập thành công vào Việt Nam. Nó được nhìn như một nỗ lực rao giảng Tin Mừng và một hướng dẫn để thay đổi văn hoá Việt, nó đánh dấu một khởi đầu cho những nỗ lực truyền giáo đa dạng được tiếp nối trong nhiều thế kỷ kế tiếp.

Dĩ nhiên là những thành đạt của cha Đắc Lộ cho giáo hội và văn hoá tại Việt Nam không thể được đo lường dưới ánh sáng của những cuộc tranh luận về hội nhập văn hoá hiện thời. Bối cảnh lịch sử của thế kỷ XVII làm cho phương pháp của cha Đắc Lộ không những thích hợp hơn nhưng có lẽ còn là phương pháp duy nhất khả thi để có cơ hội thành công.  Vào thời điểm đó, Âu châu bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ. Không có một thế lực hàng hải nào đang tranh giành ảnh hưởng ở một nước như Việt Nam. Lợi thế (hay tai ương?) của sự bảo vệ về quân sự cho các thừa sai đang làm việc ở Việt Nam hầu như không là vấn đề lúc đó. Việt Nam mở cửa cho mọi người ngoại quốc đến triều cống, xem xét, hay tìm cơ hội giao thương. Nhưng điều đó không làm lu mờ tầm quan trọng của những thực tại lịch sử về đức tin và văn hoá tại Việt Nam. Là một nhà truyền giáo, cha Đắc Lộ đến một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt, và học cách mang sứ điệp Tin Mừng theo cách thế tương hợp với cách sống và cách nghĩ theo văn hoá của những thính giả xa lạ này. Những rào cản về văn hoá và những giới hạn về hoàn cảnh, như chúng ta đã thấy, khiến cho việc thích nghi không còn là một chọn lựa nhưng là đòi buộc cho những thừa sai dòng Tên đầu tiên trên đất Việt. Còn hơn thế nữa, còn có những lựa chọn về mức độ và loại thích nghi nào phải chọn. Đây là điểm mang lại thành công cho cha Đắc Lộ. Như cha đã viết, cha ý thức rõ những nguy cơ và liều lĩnh trong những phương cách thử nghiệm mà cha thực hiện. Điểm ưu việt trong phương thức về văn hoá của cha Đắc Lộ là tính chất thực nghiệm. Nó nói lên một nghiên cứu học hỏi liên tục và có hệ thống về môi trường con người nơi cha đang hoạt động, ước muốn loại trừ những giả định không hợp với những thể nghiệm do quan sát hay thực hành, sẵn sàng học nơi những bạn bè thân hữu địa phương và cả kẻ thù nữa, và những kỹ năng thực tiễn để tránh những rào cản không thể vượt qua, để tập chú vào những nỗ lực mở rộng ra trong xã hội. Điều cố định duy nhất trong phương pháp của cha Đắc Lộ là mục tiêu thiêng liêng của cha. Khi thực hiện mục tiêu đó, với sự kính trọng hết lòng đối với văn hoá bản địa, cha đã làm phong phú cả sứ điệp Tin Mừng lẫn văn hoá địa phương. Cha Đắc Lộ không dừng lại ở việc rao giảng và thi hành thừa tác vụ. Cha muốn xây dựng một giáo hội bản địa, không chỉ với hàng giáo sĩ địa phương nhưng  cả trong cách sống và mang sứ điệp Tin Mừng đến cho dân chúng. Cha hiểu rằng cộng đồng Công giáo Việt Nam được xây dựng nên từ hai nguồn gốc: nguồn gốc của Tin Mừng được các thừa sai mang đến, nguồn gốc văn hoá truyền thống của người Việt đậm chiều kích thiêng liêng. Đối với Châu Á, nguồn gốc sau lâu đời hơn nguồn gốc trước: chối từ hay bỏ qua nguồn gốc này sẽ đưa đến việc tự cô lập mình khỏi nguồn sống của dân tộc. Cha Đắc Lộ hiểu sâu sắc rằng hạt giống Tin Mừng được gieo trên cánh đồng đã được Đấng Quan Phòng chuẩn bị; miếng đất màu mỡ này là tâm hồn người Việt với những kho tàng quý giá của văn hoá (đã có tuổi thọ hàng thiên niên kỷ) và tôn giáo của họ (đã có từ trước Kitô giáo). Lấy đi những kho tàng hay giá trị này có nghĩa là biến Kitô giáo tại Việt Nam thành một thứ cây thiếu rễ bám vào đất, và hoa trái của nó sẽ luôn èo uột và teo héo. Cha Đắc Lộ công nhận rằng tác nhân chính của lịch sử giáo hội tại Việt Nam là các Kitô hữu Việt Nam.[117]

Mong cha Đắc Lộ đừng dùng lối suy tư tôn giáo và triết học tây phương của mình để bênh vực Kitô giáo là mong ước một điều mà không ai có thể làm được. Có lẽ cha nghĩ rằng cha có thể làm cho người Việt hiểu được những tư tưởng của mình. Cha Đắc Lộ, với tất cả sự khôn ngoan và sáng suốt của mình, cũng vẫn là một sản phẩm của thời đại mình. Cha Đắc Lộ trong cách thức và phương pháp luận của mình bị buộc phải ở trong phạm vi và giới hạn mà giáo hội Công giáo thời của cha xác định. Theo lịch sử, đó là thời đại không lâu sau thời Cải Cách, trào lưu Chống-Cải cách, và công đồng Trentô (1545-1563). Công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Việt Nam nói chung phải được nhìn trong những giới hạn và bối cảnh đó. Nên cha Đắc Lộ, người sống trong thời đại đó, bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra trong giáo hội vào thời đó là điều đương nhiên. Gia sản mà cha để lại cho chúng ta ngày nay là sự sáng suốt và can đảm của cha trong nỗ lực dũng cảm bắt cầu giữa Tin Mừng và văn hóa và hai giữa lối nghĩ riêng biệt nhau. Ước muốn của cha là tìm một cách diễn tả thế nào để Tin Mừng có thể trở nên có ý nghĩa, và như thế có thể hiểu được cho người Việt.

Nhiều sử gia đổ lỗi cho cha Đắc Lộ là dùng thế lực nước ngoài và thẩm quyền địa phương để dễ dàng cho việc truyền giáo. Trong những tường thuật cũng như tài liệu cha viết nói lên một thực tại hoàn toàn khác. Cha không hề dựa dẫm vào thế lực nào khác ngoài Chúa Kitô. Cha không theo phương pháp của thánh Phanxicô Xaviê và các cha dòng Tên đương thời là trước tiên cố gắng cảm hoá và hoán cải những người lãnh đạo và giai cấp quý tộc và rồi tự động những người thuộc quyền, thuộc cấp, gia nhân sẽ cải đạo. Đọc những tường thuật của cha chúng ta sẽ thấy đa số phần trăm của những hoạt động truyền giáo của cha là ở những thôn làng nhỏ với những người dân thường. Cha sống như một thừa sai nghèo và không ngại nói lên cảnh thiếu thốn của mình. Nhiều lần cha đã kể là cha thiếu tiền bạc phải nhờ sư trợ giúp của anh chị em tại địa phương.

Về mối liên hệ của cha Đắc Lộ với những tôn giáo khác, nhiều người đã trích dẫn những phê bình gay gắt của cha về những sai lầm của các tôn giáo để nói rằng cha có thái độ ghen ghét và thù địch với họ. Hiển nhiên là cha được giáo dục trong một nền thần học mang tính cách loại trừ về các tôn giáo của thế kỷ XVII, và cần phải chiến đấu chống lại những sai lầm của các tôn giáo khác là một điều đòi buộc cho mọi thừa sai. Nhưng cha Đắc Lộ đã đi trước thời đại trong việc mà thời nay chúng ta gọi là đối thoại liên tôn. Khác với những thừa sai khác, cha khuyên là không tấn công những sai lầm của các tôn giáo khi chưa nói  cho họ về những chân lý có thể hiểu được nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên.[118]  Cha muốn trước tiên tìm những giáo thuyết chung mà cả Kitô giáo và các tôn giáo đó đều có. Dĩ nhiên vì sự thật nên phải chỉ trích và phê bình những sai lầm của các tôn giáo khác là điều cần thiết, nhưng trước tiên cần nghiên cứu những điểm chung có thể mang hai tôn giáo xích lại gần nhau. Khi làm thế, cha Đắc Lộ xác định sự có mặt của những yếu tố chân lý và thiện hảo trong các tôn giáo khác. Cha thực hiện một cuộc đối thoại mang tính cách xây dựng về vấn đề tôn giáo và văn hoá, đặc biệt qua cách lấy con người làm trọng tâm, và với quan điểm thương cảm và chấp nhận nhau.

Như một nhà truyền giáo, cha Đắc Lộ đã dạy những bài học không chỉ phải truyền giáo thế nào, nhưng còn là chiến đấu làm sao cho giáo hội của người nghèo và thiểu số, tiếp xúc gặp gỡ với những tôn giáo khác với những nỗ lực đối thoại, và làm thế nào để thực hiện việc hội nhập  đức tin vào nền văn hoá.  Dĩ nhiên là trong thời đại hiện nay và như là một giáo hội trưởng thành, những điều đó cũng còn là những thách thức cho chính giáo hội Việt Nam chúng ta. Trong khi tìm kiếm phương thế mới cho việc truyền giảng Tin Mừng và hội nhập văn hóa đức tin Kitô giáo, các giám mục cũng như hàng giáo sĩ và mọi người Công giáo nên nhìn lại nguồn gốc văn hoá và tôn giáo thực của mình. Mọi người cần học bài học của quá khứ để đưa ra những câu hỏi quan trọng cho những hoạt động truyền giáo hiện tại và những định hướng cho tương lai. Vấn nạn về tôn giáo và văn hóa mà cha Đắc Lộ đối diện vào thế kỷ XVII cũng là vấn nạn mà mọi môn đệ của Chúa hiện nay phải đối diện. Hoàn cảnh đã thay đổi, những vấn đề và những quan tâm đã khác, nhưng nhu cầu cần có một phương thế hữu hiệu hơn để chia sẻ Tin Mừng thì vẫn như nhau. Nhìn về phương thức của cha Đắc Lộ, những thành công và những thất bại của cha, chúng ta có thể rút ra một số điểm có ích cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng cho nền văn hóa và hội nhập văn hoá cho sứ điệp Tin Mừng thời nay. Nhiệm vụ hội nhập văn hoá ở Việt Nam hiện nay thì phức tạp hơn ngày xưa rất nhiều. Nhiều dòng tư tưởng khác biệt, nhiều ảnh hưởng văn hoá khác biệt, ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại tạo nên bối cảnh cho xã hội hiện nay mà người xưa không hề biết, ngày xưa không hề có. Không thể có một phương thức chung thích hợp cho mọi xã hội. Trong mỗi hoàn cảnh, cần có một nghiên cứu cẩn thận để tìm ra những nền tảng. Không có những bảo đảm trước rằng phương thức được chọn sẽ hoạt động tốt và không có sai lầm. Luôn luôn có những rủi ro. Tuy nhiên, như cha Đắc Lộ và những thừa sai anh em cha ở Á Châu là những chứng nhân, cố gắng không làm gì mới và khác biệt để tránh sai lầm, là sai lầm. Giáo hội ở Việt nam không chỉ đơn thuần cố gắng bắt chước cha Đắc Lộ, thực tế là không thể làm thế, nhưng có thể góp nhặt từ cha không phải những gì để làm, nhưng là đường lối để đi theo.

 

[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, “Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010”, s.1, tại địa chỉ website: http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=891&CateID=83

[2] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Đức Cha Pierre Nguyn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tại địa chỉ website:  http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/pont-messages/2009/documents/hf_ben xvi_mes_20091117_vietnam_en.html

[3] Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển XXXIII, 6: “Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.  Lời chua - Tây Dương: Nhất thống chí nhà Thanh chép: Năm Vạn Lịch thứ 9 (1581) triều nhà Minh, Tây Dương có Lỵ Mã Đậu (Matteo Ricci) mới vượt biển đến vùng Hương Sơn thuộc Quảng Châu; đến năm thứ 29 (1601) Lỵ Mã Đậu bèn vào Yên Kinh, đồ đệ của ông ta theo đến rất đông, đều tôn sùng đạo thiên chúa, họ rất có tài về việc chế tạo và sáng tác. - Hoa Lang: Theo "Truyện ngoại quốc" trong Minh sử. thì Hoa Lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang. Sách kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép: cuối năm Gia Tĩnh (1522 - 1566) triều Minh, Mã Đậu họp tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông.  - Gia - tô: Theo sách Dã Lục , thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”.  Bộ sử này được viết từ năm 1859 đến 1884 do một nhóm 30 sử gia, dưới sự giám sát của Phan Thanh Giản, và của chính Vua Tự Đức. Quốc Sử Quán khi soạn thảo bộ sử này, có tra cứu những sách sử được viết trước và sách sử Trung Hoa, có ý thuật lại lịch sử đất nước Việt từ nguồn gốc dã sử của những truyền thuyết khoảng 2879 trước Công Nguyên cho đến năm 1789 sau Công nguyên. Sách sử này được viết theo quan điểm của thế kỷ XIX, và một phần để thanh minh cho tính cách hợp pháp của nền cai trị của triều Nguyễn. Nội dung gồm 52 quyển, được chia làm hai phần: Cương (những điều then chốt) theo sau bằng phần mục (những chi tiết, lời chua), đôi khi có ghi những bút tích xác nhận của Vua về quá khứ.  Hai bản dịch tiếng Việt thường dùng là bản dịch năm 1957 và 1960, và được in lại nhiều lần, chúng tôi trích dẫn bản in lại năm 1998, NXB Giáo Dục.

[4] Chúng tôi chỉ dùng tên phiên âm ‘Đắc Lộ’ trong bài viết, những trích dẫn vẫn giữ nguyên tên tác giả  Alexandre De Rhodes

[5] Alexandre de Rhodes,  Relazione de. Felici successi della Santa Fede Predicata da Padri della Compagnia di Giesu nel regno di Tunchino, alla santità di N.S. TT. Innocenzio decimo. Di Alessandro de Rhodes avignonese. Roma, 1650;  Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editum ab Alexandro de Rhodes è Societate Jesu, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651;  Cathechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum, in Octo dies divisus. Phep giang tam ngay cho ke muan chiu pbep rua toi, ma beao dao thanb duc Chua bloi. Ope Sacra Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus. Ab Alexandro de RHODES è Societate Jesu, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651;  Histoire du Royaume de Tunquin, et des grands progrez que la prédication del’Evangile y a faits en la conversion des infìdelles. Depuis l’année 1627, jusques à l’année 1646. Composée en latin par le R. P. Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jesus. Et traduit en françois par le R. P. Henry Albi, de la mesme Compagnie, Lyon, 1651; Tunchinensis historiae libri duo, quorum altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae predicationis progressus referuntur. Coeptae per Patres Societati lesu, ab Anno 1627, ad Annum 1646. Authore P. Alexandro de Rhodes. Avenionensi, ejusdem Societatis Presbytero; Eorum quae bic narrantur teste oculato, Lyon, 1652 ; Relation des progrez de la Foy au Royaume de la Cochinchine vers les derniers quartiers du Levant. Envoiée au R. P. Général de la Compagnie de Jésus. Par le P. Alexandre de Rhodes employé aux Missions de ce païs, Paris, 1652;  Relatione della morte di Andrea Catechista che primo de Christiani nel Regno di Cocincina è stato ucciso de gl’infedeli in odio della fede, alli 26, di Luglio 1644. Descritta dal Padre Alessandro de Rhodes della Compagnia di Giesù, Roma, 1652; La glorieuse mort d’André Catéchiste de la Cochinchine qui a le premier versé son sang pour la querelle de JESUS-CHRIST en cette nouvelle Eglise. Par le Père Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jesus, qui a toujours este présent à toute cette Histoire, Paris, 1653;  Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine & autres Royaumes de l’Orient. Avec son retour en Europe par la Perse & l’Arménie. Le tout divisé en trois parties, Paris, 1653;  Sommaire des divers voyages, et Missions apostoliques, du R. P. Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jésus, à la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, avec son retour de la Chine à Roma. Depuis l’année 1618, jusques à l’année 1653. Paris, 1653;  Histoire de la vie et de la glorieuse mort, de cinq Pères de la Compagnie de Jésus, qui ont souffert dans le Japon. Avec trois Seculiers, en l’Année 1643. Par le R. P. Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jésus. Paris, 1653;  Relation de la Mission des Pères de la Compagnie de Jesus. Establie dans le Royaume de Perse. Par le R. P. Alexandre de Rbodes. Dressée & mise au jour par un père de la mesme Compagnie (Père Jacques de Macbault), Paris, 1659.

[6] G.Baldinotti, “Relation du voyage fait au Royaume de Tunquin nouvellement découvert.” Trong Gaspar Paes, Histoire de ce qui s’est passé es Royaumes d’Éthiopie, en l’anné 1626 jusqu’au mois de mars 1627. Et de la Chine. En l’année 1625 jusques en fevrier de 1626. Avec une brève narration du voyage qui s’est fait au Royaume de Tunquim nouvellement découvert. Paris, 1629; C. Borri, Relatione della nvova Missione delli TT. della Compagnia Di Giesu, al Regno della Cocincina, Scrita dal Padre Christoforo Borri, Milanese della medesima Compagnia, Che fu vno de primi ch’entrorono in detto Regno. Alla Santità Di N. Sig. Vrbano TT.Ottavo, Roma 1631;G. F. de Marini,  Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunqnin et de Lao. Contenant une description exacte de leur Origine, Grandeur, Estendue, àe leurs Ricbesses, & de leurs Forces; des Mœurs, & du naturel de leurs Habitants; de la fertilité,   & des Rivières qui les arrosent de tous costez, & de plusieurs autres particularitez utiles  nécessaires pour l’Histoire, & la Géograpbie, Ensemble la Magnificence de la Cour des Roys de Tunquin, & des Cérémonies qu’on observe à leurs Enterrements. Bản dịch từ tiếng Ý của P. Mariny Romain. Paris, 1666; Joseph Tissanier, Relation du voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de ]ésus Depuis la France, jusqu’au Royaume de Tunquin. Avec ce qui s’est passé de plus mémorable dans cette Mission, durant les années 1658, 1659, & 1660, Paris, 1663

[7] Avignon chỉ rộng có 151.71 mẫu tây. Dù ở trong lãnh thổ của nước Pháp, nhưng nó từng là lãnh địa của Toà Thánh. Vua Philip le Bel (1268-1314), vua nước Pháp từ 1285 đến 1314 và đồng cai trị vương quốc Navarre từ 1284 đến 1305, cuộc chiến giữa ông và các Giáo Hoàng kết thúc bằng việc chuyển Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XI (1303-1304) và Giáo Triều về Avignon, bắt đầu một cuộc ‘Lưu Đày Babylon’ (1307-1377). Kế vị Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XI là Tổng Giám Mục Bordeaux, Clêmentê V (1305-1314), được tấn phong tại Lyon và từ năm 1309 cư ngụ tại Avignon. Cuộc lưu đày Avignon chấm dứt vào năm 1377 khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI quyết định trở về lại Roma. Avignon là lãnh địa của Toà Thánh từ năm 1348 cho đến khi nước Pháp dành lại chủ quyền vào năm 1791 trong thời Cách Mạng Pháp.

[8] Theo một số học giả thì ngày sinh của cha Đắc Lộ là ngày 15 tháng Ba năm 1591. Tuy nhiên, trong thư gửi bề trên cả Mutio Vitelleschi vào mùa Thu năm  1617 để xin được đi truyền giáo ở Á châu, cha Đắc Lộ có viết: “25. Jam coepi aetatis annum, quartumque Theologici cursus”, (Con đã vào tuổi 25, và đang học năm thứ tư chương trình thần học) (ARSI, Fondo gesuitico, n.732) chứng tỏ cha được sinh vào năm 1593. Trong sổ ghi danh tại tập viện thánh Andrea, Roma vào năm 1612 có ghi: “Alessandro Rhodes, francese d’anni 19 incirca” (Alessandro Rhdes, khoảng 19 tuổi) ám chỉ cha sinh năm 1593, (ARSI, Rom. 172, f. 158v). Xem Eduard Torralba, “La date de naissance du Père de Rhodes, 15 mars 1591, est-elle exacte?”, Bullentin de la Société des Études Indochinoises 35 (1960), tt. 683-689; P. Phan, Mission and Catechesis. Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, New York NY, 1998, t. 39, n. 5.

[9] Xem Augustine Canron, Les Jésuites à Avignon: Esquisse historique, Avignon 1875, tt. 40-41.

[10] ARSI, Rom. f. 172

[11] theo C. Larre –Phạm Đình Khiêm, Le Cathechisme du P. Alexandre de Rhodes, Saigon  1961, t. IX., cha Đắc Lộ hoàn tất chương trình triết học ở học viện dòng Tên ở Avignon . Việc ghi danh ở Collegio Romano xin xem ARSI Rom. 55, f. 13r: Cartalogi triennales 1616-1622.

[12] Cha Đắc Lộ học lại môn Luận Lý vào năm thứ ba thần học, ARSI, Catalogo Collegio Romano, Rom. 110, f. 60r; và môn Vật lý vào năm thứ tư thần học ở Collegio Ingelese, ARSI, Catalogus triennalis personarum collegii romani, Rom. 55, 13r. Sau khi cha bề trên tổng quyền chính thức chấp thuận lời thỉnh cầu đi truyền giáo tại Á Châu của cha, cha học thêm sáu tháng về Toán học, De Rhodes, Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rbodes en la Chine & autres Royaumes de l’Orient. Avec son retour en Europe par la Perse & l’Arménie. Le tout divisé en trois parties, Paris, 1653, t. 7.

[13] De Rhodes, Divers voyages, t. 5.

[14] Thư của cha Đắc Lộ gửi cha bề trên tổng quyền Mutio Vitelleschi trong 1617; ba bức thư của cha Đắc Lộ được lưu giữ tại ARSI, Fondo giesuitico, N. 732, 734, 735.

[15] De Rhodes, Sđd., t.7.

[16] Sđd., t. 8.

[17] Sđd., tt. 9-10.

[18] Sđd., t. 22.

[19] Sđd., t. 21.

[20] Sđd., t. 21.

[21] Sđd., t. 56.

[22] Người phương Tây thời đó gọi nước Việt Nam là An Nam, theo lối người Trung Quốc gọi tên quốc gia ở miền Nam. Trong suốt lịch sử hình thành của mình, nước Việt đã thay đổi nhiều tên do các vua chúa bản xứ hay những người đô hộ phương Bắc đặt cho:  Văn Lang (2879 BC –257 BC), Âu Lạc (257 BC – 207 BC), Nam Việt (207 BC – 111 BC), Giao Chỉ (111 BC – 203 AD), Giao Châu (203 – 544), Vạn Xuân (544 – 603), An Nam (603 – 939), Ðại Cồ Việt (969 – 1054), Ðại Việt (1054 –1400), Ðại Ngu (1400 –1407), An Nam (1407 –1427), Ðại Việt (1428 – 1802), Việt Nam (1802 –1820), Ðại Nam (1820 – 1945), Việt Nam (1945 - ). Trong nhiều tên luôn có chữ ‘Việt’ để chỉ dòng giống Việt tộc và chữ ‘Nam’ để chỉ vị trí ở miền Nam nước Trung Hoa. Trong thời Pháp đô hộ vào thế kỷ XIX và tiền bán thế kỷ XX, tên An Nam được người Tây phương dùng trong mọi tài liệu dân sự cũng như của Giáo hội.

[23] Alexandre de Rhodes, Divers  voyages, t. 83. .

[24] Các sách vở ghi lại với những khác biệt trong phát âm cũng như cách viết: Tunkin, Tunquin, Tunquim, Tunchin, Tunking, Tum King, Tonquim, Tonquin, Toncquin, Ton chin, Tong-King, vv. Tên Tonkin (Đàng Ngoài) là lối phiên âm của Đông Kinh do các nhà thám hiểm, nhà buôn, cũng như các nhà truyền giáo Tây phương, để chỉ vùng đất do chúa Trịnh cai trị.

[25] Theo bản đồ của cha Đắc Lộ trong quyển Divers  voyages.  Đàng Ngoài (Tonkin) được chia làm sáu tỉnh và thủ đô: Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá, Kẻ Nam, Kẻ Tây, Kẻ Ðông.

[26] Từ năm 1515, Tomas Pires đã gọi phần đất này là “Cochinchina” (Đàng Trong), vùng đất phía Nam của “Cauchi” (Giao Chỉ) hay “Cauchi China”, “Vương quốc nnằm giữa Chiêm Thành và Trung Hoa”, xem The Suma Oriental of Tome Pires, The Hakluyt Society, Lessing-Druckerej-Wiesbaden, 1967, t.144. Tên Cochinchina phát xuất từ tên nước xưa là Giao Chỉ (Kochi, Cauchi như người Mã lai hay người Nhật gọi, Coci, Cochim và Cochi như người Bồ Đào Nha gọi). Người Bồ thêm “China” vô chữ “Cochin” để phân biệt với vùng Cochin ở Ấn Độ. Và từ đó có những lối phát âm khác biệt nhau: Cochimchina, Chochimchina, Cocinchine, Caucicina, Cauchichina, Cauchj China, Cauchinchina, Coccincina, Concicina, Cachenchina, Cocamchina, Canchimchyna, Quachimchyna, Eochijichina, vv. Khi cha Đắc Lộ đến Đàng Trong năm 1624, biên giới đã qua khỏi Phú Yên. Dần dần Chúa Nguyễn xâm chiếm và sáp nhập thêm Nha Trang (1653), Bình Thuận (1663), Biên Hoà (1668), Sài Gòn (1671), và Hà Tiên (1708) cho đến tận cùng của mũi Cà Mau. Trong 50 năm hậu bán thế kỷ  XVII, nhà Nguyễn đã chiếm hai phần ba lãnh thổ Việt Nam ngày nay, và xoá bỏ vương quốc Chiêm Thành. Trong bài viết này chúng tôi dùng Đàng Trong để chỉ Cochinchina, phần đất phía nam của chúa Nguyễn, và Đàng Ngoài chỉ Tonkin, phần đất phía bắc của vua Lê và chúa Trịnh. Trong tường thuật cũng như bản đồ của cha Đắc Lộ có nó đến ‘sáu tỉnh’ của Đàng Trong (Divers voyages, II, t.63): Quambin (Quảng Bình), Thoanoa (Thuận Hoá), Ciàm (Chàm, Cachau, Quảng Nam), Quamnghia (Quảng Nghĩa), Quinhin hoặc Pulaucambi (Qui Nhơn) và Ranran (Phú Yên ). Trong thời Pháp thuộc vào thế kỷ XIX-XX, sau hoà ước Giáp Thân 1884, đất nước được chia là ba kỳ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung kỳ (An Nam), Nam kỳ (Cochinchina, Cochinchine). Vì thế, Cochinchina (Đàng Trong) thời cha Đắc Lộ khác biệt rất nhiều so với Cochinchina (Nam Kỳ) thời Pháp thuộc.  

[27] Cuộc chiến cuối cùng vào năm 1672 có hơn 100.000 binh sĩ tham gia. Sau nhiều tháng chiến đấu vô vọng, quân Đàng Ngoài rút lui về phòng tuyến của mình. Đây là cuộc chiến cuối cùng trong thế kỷ XVII. Do cuộc chiến mang lại mất mát và tổn hao quá nhiều cho cả hai bên, hai bên đã ký hoà ước năm 1672, nhưng sự đối đầu thù nghịch vẫn còn tồn tại hơn một thế kỷ sau cho đến khi vua Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước vào năm 1802.

[28] De Rhodes, Divers voyages, p. 78.

[29] Theo như lá thư của cha F. Buzomi gửi cho bề trên tổng quyền, ARSI, Jap-Sin 68, f. 28-29: Sự hiện diện của cha Đắc Lộ tại Đàng Trong lúc đó có thể gây khó cho các cha dòng Tên, vì chúa Nguyễn có vẻ khó chịu vì sự nhiệt tình có phần thái quá của cha. Còn về cha Pedro Marques, bề trên được bổ nhiệm của các thừa sai tại Đàng Trong, thì các cha không thuận vì gốc gác nửa Bồ nửa Nhật của cha. Có lẽ vì vậy cha viết hơi cay đắng trong tường trình của mình: “Tôi không còn phải là người không thể thiếu được ở Đàng Trong nữa”.  

[30] De Rhodes, Divers voyages, p. 91ff. Vào ngày 21 tháng Ba năm 1678, theo lời thỉnh cầu của Đức Cha F. Pallu, Thánh Bộ Truyền Giáo đã đồng ý chọn thánh Giuse làm bổn mạng cho công cuộc truyền giáo và hai Đại diện Tông Toà mới lập (xem A. Launay, Documents historiques relatifs à la société des Missions étrangères I, Paris 1927, p.67.

[31] De Rhodes, Histoire du Royaume, tt.138-139.

[32] Đó là quyển sách về thiên văn của Matteo Ricci, xuất bản ở Bắc Kinh 1607, có tên Càn Khôn Thể Nghĩa. Soạn chung với Li Chi Tảo, bàn về thiên văn dựa trên giáo trình của Christoph Klau (Clavius).

[33] De Rhodes, Histoire du Royaume, tt. 150-157.

[34] Sđd., p. 174

[35] Sđd., p. 174.

[36] Sđd., tt. 165-71.

[37] Vào tháng Bảy năm 1627, Chúa Trịnh viết một lá thư cho cha bề trên tại Macao Andre Palmerio, nói lên sự hài lòng với sự hiện diện và giảng dạy của hai nhà thừa sai, cùng với những quà tặng nhà chúa muốn tiếp tục quan hệ với cha. Bức thư hiện được lưu giữ tại thư viện Vatican, Fonds Barberini, vol. 158 (mss. Orienti).

[38] Sđd., tt.210-11.

[39] Sđd., p. 217.

[40] Sđd., p. 225; Antonio Francisco CardimFrancesco Barreto, Relation de ce qui s’est passé depuis quelques années, jusques à l’an 1644 au Japon, à la Cochinchine, au Malabar, en l’Isle de Ceilan, & en plusiers autres Isles & Royaume de l’Orient compris sous le nom des Provinces du Japon & du Malabar, de la Compagnie de Jésus. Divisée en deux Parties selon ces deux Provinces, Paris 1646, p. 83.

[41] Sđd., tt. 221-235.

[42] Sđd., tt. 255-256.

[43] Sđd., tt. 259-261. Thư gửi Đức Giáo Hoàng Urbano VIII viết bằng tiếng Hán, được cha Đắc Lộ dịch sang tiếng Latinh, đang được lưu giữ tại Văn khố Bộ Truyền Giáo (Archivum de Propaganda Fide), Miscellanee diverse, vol.16, ff. 208-209. Thư cho cha bề trên tổng quyền Mutio Vitelleschi viết bằng tiếng Hán, cha Đắc Lộ dịch sang tiếng Latinh và được lưu giữ tại Văn Khố Roma của Dòng Tên (ARSI), Jap-Sin 80, ff. 13-14r.

[44] Cardim, Sđd., p. 85.

[45] De Rhodes, Histoire du Royaume, tt.263-264.

[46] Bảy tu sĩ dòng Tên là: Francesco Buzomi, António Dias, Joseph, Francesco Barreto, Roman Niti, António de Fontes, và Gaspar Luis.

[47] P. Phan, sđd. p. 59, n. 78: Đây là con số được thầy B. Roboredo ghi lại trong tường thuật “Relação das perseguições da Missam de Cochinchina desde Dezembro de 1640 ate Abril de 1641” ARSI, Jap-Sin 70, f. 1r. Còn theo cha Đắc Lộ, con số là 12.000 (Divers voyages, 117). Cha Cardim thì tường thuật là từ năm 1629 con số đã là 15.000 tín hữu ở Đàng Trong (Cardim, sđd. t. 96). Cha Marini cho rằng con số Kitô hữu vào năm 1639 đã là 50.000 (xem Giovanni Filippo de Marini, Delle Missioni de’Padri della Compagnia di Giesu nella Provincia del Giappone, Roma 1663, p. 360). Con số 15.000 tín hữu và 20 nhà thờ Đàng Trong vào năm 1639 sau 25 năm truyền giáo thật là khác biệt so với con số 108.000 giáo dân và 235 nhà thờ ở Đàng Ngoài sau 14 năm truyền giáo! Tuy nhiên nên lưu ý là trong khoảng thời gian từ năm 1627 đến 1639, Macao gửi đến Đàng Trong chỉ hai thừa sai, trong khi gửi ra Đàng Ngoài 15 vị. Xem Fortuné de Montezon and Édouard Estéve, Voyages et Travaux des Missionnaires de la Compagnie de Jésus. Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris 1858, tt. 386-91.

[48] De Rhodes, Divers voyages, tt. 120-22.

[49] Thư của cha Đắc Lộ cho bề trên tổng quyền 16 tháng Bảy 1640, ARSI, Jap-Sin 80, ff. 79-80r.

[50] Sđd., t.137; Thư cho bề trên tổng quyền ARSI, Jap-Sin 80, ff. 79-80r

[51] Cardim, sđd., tt. 112-113.

[52] De Rhodes, Divers voyages, tt. 126-127.

[53] Sđd., t. 155.

[54] Sđd., tt. 160-161.

[55] Sđd., tt. 194-200. Chiếc sọ của Anrê hiện được giữ tại nhà Tổng Quyền dòng Tên tại Roma. Xác của thầy được các cha dòng Tên đưa về tôn kính ở Macao cùng với các vị tử đạo Việt Nam và Trung Hoa khác, nhưng nhà thờ sau đó bị hoả hoạn, tro cốt của các ngài được gom lại trong một hộp và đưa về Bồ Đào Nha. Cha Đắc Lộ đã viết hai tường trình về cuộc tử đạo của Anrê, bản ngắn hơn bằng tiếng Bồ viết cho hồ sơ phong thánh của giáo phận Macao vào năm 1644-1645: Relaçao fa glorioso il de di Martirio Andre Cathequista Protomartir de Cochinchina l'alanceado, e degolado, em Cacbao nos 26 de Julho 1644 tendo de Idade dezanove annos, in  Real Academia de la Historia Madrid, Jesuitas, Legajo 21 bis, fasc. 17, f. 228 - 234v; bản dài hơn được xuất bản ở Roma: Relatione della morte di Andrea Catechista che primo de Christiani nel Regno di Cocincina è stato ucciso de gl’infedeli in odio della fede, alli 26, di Luglio 1644. Descritta dal Padre Alessandro de Rhodes della Compagnia di Giesù. Roma, 1652, và được dịch sang tiếng Pháp: La glorieuse mort d’André Catéchiste de la Cochinchine qui a le premier versé son sang pour la querelle de JESUS-CHRIST en cette nouvelle Eglise. Par le Père Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jesus, qui a toujours este présent à toute cette Histoire. Paris, 1653. Tiến trình phong thánh cho Anrê được tiến hành ngay sau cái chết tử đạo (1644), nhưng gặp ngăn trở vì nhiều lý do làm cho hồ sơ bị lãng quên, cho đến ngày 5 tháng Ba Năm Thánh 2000, sau 356 năm, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong thầy lên bậc chân phước. Xem Congregatio de Causis Sanctorum, Prot. N. 1022, Beatificationis seu Declarationis Martyrii Servi Dei Andreae Viri laici et Catechistae Proto-Martyris de Vietnam (ca. 1625-1644), Positio super Martyrio, 2 vol., Roma 1998 ; Archives of General Postulation of Society of Jesus, dossiers “Andrea Catechista”.  

[56] Sđd., tt. 264-268.

[57] De Rhodes, Divers voyages, t. 270.

[58] Sđd., tt. 271-275.

[59] Sđd., III p., p. 1-2. Trong bản tiếng Pháp năm 1653 của “Divers voyages”, phần I và II được đánh số từ 1 đến 271, phần III được đánh số trở lại từ 1 đến 82.

[60] Tên của đứa trẻ này là Techeng Mano Weihsin (Emmanuel de Siqueira), 13 tuổi. Sau đó, năm 1664 vào dòng Tên và được thụ phong Linh Mục năm 1664. Xem A. Rouleau, “The first Chinese priest of the Society of Jesus, Emmanuel de Siqueira, Cheng Mano Weihsin, 1633-1673”, AHSI 28 (1959), p.350.

[61] Sđd., p. 77

[62] Vào ngày 22 tháng 6 năm 1622, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XV (1621-23) với sắc lệnh Inscrutabili divinae Providentiae lập nên Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (Congregatio de Propaganda Fide). Trách nhiệm của bộ là tổ chức và điều khiển những hoạt động truyền giáo của giáo hội trên những nước không Công giáo, cũng như đảm nhiệm việc quản trị ở những nơi không có đấng bản quyền của giáo hội cai trị.

[63] Văn Khố của Bộ Truyền Giáo (Archivum S.Congregationis de Propaganda Fide, ASCPF), Fonds Scritture originali Riferite nelle Congregazioni Generali (SRCG), vol. 193, ff. 462-467.

[64] Hồng Y Luigi Ludovisi đã tường trình cho các đồng sự các đề nghị mà cha de Rhodes được mời sửa lại vào ngày 18 tháng Tám 1650. Xem Archive of Propaganda Fide, SRCG, vol. 193, ff. 468-469.

[65] Xem H. Chapoullie, Aux origines d'une église: Rome et les missions d'Indochine au XVIIe siècle, Bloud et Gay, Paris 1943, Tome I, t. 103, n.1.

[66] ASCPF, SRCG, vol. 193, f. 477.

[67] ASCPF, Acta 1652, f. 25.

[68] ASCPF, SRCG, vol. 193, f. 485; Acta 1652, f. 50-50v.

[69] See H. Chapoullie, sđd, T. I, t.106, n. 1: thư của cha Đắc Lộ viết cho Đức Cha Tổng thư ký Thánh Bộ Truyền bá Đức tin Massari, thư không đề ngày (có lẽ được viết năm 1652 trước khi cha sang Pháp), được lưu giữ tại Archives de Société des Missions Étrangères, vol. 200, tt. 13-14.

[70] ASCPF, SRCG, vol. 193, f. 483.

[71] Những thư từ qua lại giữa cha Đắc Lộ trong thời gian cha ở Pháp với cha bề trên tổng quyền Goswin Nickel, cha bề trên giám tỉnh Pháp François Annat, và cha Jean Bagot được lưu giữ tại ARSI, Franc. 6 II.

[72] ASCPF, SRCG, vol 193, f. 499. See H. Chappoulie, sđd. p. 108-109.

[73] ASCPF, Acta 1653, f. 47: “debet fieri hic Roma casu quo Sanctissimus D. N. annuat”. 30 July 1654, ASCPF, Acta 1654, f. 61; 28.9.1654, Acta 1654, ff. 102-103.

[74] Thư cha Đắc Lộ cho bề trên tổng quyền, 15.12.1654, ARSI, Gal. 103.

[75] De Rhodes, Divers voyages, III p., p. 82.

[76] Xem De Rhodes, Relation de la mission des Pères de la Compagnie de Jésus, établie dans le royaume de Perse, par le R.P. Alexandre de Rhodes, dressé et mise au jour par un père de la même compagnie, Paris 1659.

[77] Thư cha Đắc Lộ gửi cha de Meur, ngày 3 tháng Sáu 1659, Archives de Société des Missions-Étrangères, vol. 349, tt. 85-87.

[78]  Năm 1959, 299 năm sau cái chết của cha, Jean Rispaud, một cựu sĩ quan Pháp tại Việt Nam đã tìm thấy ngôi mộ bị bỏ quên của vị thừa sai nhờ tấm bia mộ bằng đá có khắc chữ tiếng Latinh. Rispaud hâm mộ cuộc đời của cha Đắc Lộ nên cất công đến tận Isfahan để tìm ra ngôi mộ của cha. Ông thuật lại câu chuyện trong bài viết “Les misssionaires françaises au Tonkin”, Franc-Asie 158-159 (1959).

[79] Xem João Rois, Tường trình hàng năm 1620, ARSI, Jap-Sin 72, f. 6r; Gaspar Luis, Tường trình hàng nămARSI, Jap-Sin 17. f.24r. Quyển giáo lý này không còn. Cha Girolamo Maiorica, người Ý, cha viết 48 quyển sách bằng chữ Nôm, xem  Francisco Rangel, Tường trình hàng năm 1659, ARSI, Jap-Sin 64, f. 366v.

[80] De Rhodes, Dictionarium Anamiticum Lusitianum et Latinum, ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editum. Roma 1651, ad lectorem.

[81] DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria della Compagnia di Gesù, sđd.,  Quyển 3, Vol.17, Torino 1825, trang 127, 267.

[82] De Rhodes, Divers voyages, tt. 102-103.

[83] Sđd., p. 156t

[84] De Rhodes, Histoire du Royaume, t. 238.

[85] Sđd., p. 257.

[86] De Rhodes, Divers voyages, p. 103.

[87] Sđd., tt. 160-161.

[88] P. Phan, sđd., p.105.

[89] Với danh hiệu Sacrae Congregationis Missio Apostolico, cha Đắc Lộ muốn nói lên ngài dưới quyền tài phán của thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chứ không thuộc quyền bảo hộ của Bồ Đào Nha.

[90] Một số nghiên cứu về Catechismus: xem C. Larre, “Le Catéchisme du Père Alexandre de Rhodes”, trong A. Marillier ed., Le catéchisme d’Alexandre de Rhodes, Phép Giảng Tám Ngày, Saigon, 1961, tt. xxxiv-vi; A. Marillier, “Le catéchisme d’Alexandre de Rhodes”, Bulentin de la Société des Missions-Étrangères de Paris (1961), tt. 327-349; P. Phan, Mission and Catechesis. Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, New York NY  1998, tt. 107-202; 211-315.

[91] Trong Histoire du Royaume du Tonkin (1651) cha Đắc Lộ không nhắc tới cuốn Catechismus. Nhưng trong Divers Voyages et Missions (1653), cha nhắc tới hai lần.

[92] De Rhodes, Histoire du Royaume, p. 175.

[93] Sđd., pp 175-176,  P. Phan, sđd., tt.126-127.

[94] Xem L. Campeau, “Les initiatives de la S. Congrégation en faveur de la Nouvelle-France”, S. C. de Propaganda Fide memoria rerum, I/2 (1972), p. 727-795.

[95] De Rhodes, Divers voyages, t.73.

[96] De Rhodes, Histoire du Royaume, tt. 48; 50; Divers voyages, tt. 45-53; 65-67; 124; 189-194.

[97] Sđd., p. 21.

[98] P. Phan, sđd., p. 81.

[99] De Rhodes, Histoire du Royaume, tt. 93-109; 112-116; Divers voyages, tt. 86-90.

[100] Sđd., tt. 37; 105; 201.

[101] De Rhodes, Divers voyages, tt. 86-87.

[102] Xem những quan điểm của cha Đắc Lộ về các tôn giáo tại Histoire du Royaume, tt. 61-92; Divers voyages, tt. 86-89; Catechismus, tt. 102-124; P. Phan, sđd., tt. 82-96; Alain Forest, Les missionaires français au Tonkin et au Siam (XVIIème-XVIIIème Siècles), 3 vols, trong Recherches Asiatiques, Paris 1998, III, tt. 221-240.

[103] “Phương thức mà tôi thích dùng là nói cho họ về sự bất tử của linh hồn và cuộc sống đời sau. Từ đó tôi tiếp tục chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự quan phòng”, Divers voyages, p. 96.

[104] De Rhodes, Histoire du Royaume, p. 200.

[105] Sđd., p. 203.

[106] Sđd., tt. 201-202.

[107] Sđd., p. 249.

[108] Sđd., tt. 139, 145-46, 236; Catechismus, p. 133. Dĩ nhiên là  cha Đắc Lộ dịch những kinh này chung với các thừa sai khác, hay cha dùng bản dịch đã được các cha rành tiếng Việt hơn đã dịch trước.

[109] P. Phan, sđd, t. 98, n. 107, “bản dịch công thức rửa tội của cha Đắc Lộ đã gây tranh luận giữa các cha dòng Tên cả ở Macao và Việt Nam từ giữa những năm 1640 đến 1645. Vào năm 1645, một cuộc hội thảo được mở ra tại Macao để bàn thảo về vấn đề này, do cha João Cabral và Alvare de Semedo, hai phó bề trên tỉnh dòng Nhật Bản và Trung Hoa. Trong cuộc hội thảo này, công thức rửa tội tiếng Việt được đề xuất để chấp thuận là: Tao rửa mầy nhân danh Cha, và Con, và Spirito santo, không có chữ “nhất” sau chữ “nhân” như công thức của cha Đắc Lộ. Cuối cuộc hội thảo 31 trên 35 cha, một nửa trong số họ là giáo sư thần học và một vài vị biết tiếng Việt, đồng ý với công thức này và bác bỏ công thức của cha Đắc Lộ. Trong số những người ủng hộ công thức của cha Đắc Lộ là hai vị phó bề trên tỉnh và một vài cha đã truyền giáo tại Việt Nam như: António Barbosa, Gaspar do Amaral, Giovanni Filippo de Marini, B. Cittadelli, A. Ferreira, F. Rangel, P. Alberto, and F. Montefusculi. Xin xem “Manoscritto em que se prova, que a forma dg Bauptismo pronunciada em ligoa Annamica be verdadeira”, trong ARSI, Jap-Sin 80, ff. 35-38v; “Circa formam Baptismi Annamico Idiomate”, trong ARSI, Jap-Sin 80, ff. 76-80v (viết ở Macao năm 1648); thư của cha Marini viết vào khoảng năm 1652 cho cha J, L. Confalonieri, Trợ lý bề trên tỉnh dòng Italy, về công thức rửa tội của cha Đắc Lộ, in ARSI, Jap-Sin 80, f. 96; thư của cha Marini viết ở Đàng Ngoài năm 1655 cho cha F. de Tavora, Trợ lý bề trên tỉnh dòng Portugal, cũng về chủ đề này  ARSI, Jap-Sin 80, ff. 88-89v. Xem Ð Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659 (Saigon: Ra Khơi, 1972), tt. 68-76. De Rhodes, Histoire du Royaume, tt. 194-195, 273; Divers voyages, tt. 105-107.

[110] De Rhodes, Histoire du Royaume, t. 247.

[111] Sđd. tt. 202-204.

[112] De Rhodes, Histoire du Royaume, p. 175.

[113] Sđd., tt. 175-176.

[114] Sđd., tt. 129-130

[115] See P. Phan, sđd., tt. 131-135.

[116] De Rhodes, Divers voyages, 269.

[117] “Đời sống trong sạch và lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng ở giáo đoàn này còn là chứng cứ rõ ràng có tay Chúa hơn là các phép lạ. Tôi nói thật, không gì làm cho tôi xúc động bằng thấy trong đất nước này có bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu thiên thần và ơn phép rửa đã tạo nên nơi mọi người một tinh thần đã phát sinh nơi các tông đồ và các vị tử đạo thời Giáo hội sơ khai. Họ có một đức tin vững chắc đến nỗi không ai có thể nhổ ra khỏi lòng họ được”, De Rhodes, Divers voyages, 100.

[118] De Rhodes, Histoire du Royaume, t.175.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Bùi Kim Phong

 Tags: Lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay12,553
  • Tháng hiện tại614,058
  • Tổng lượt truy cập28,265,945

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây