Hội Phaolồ Châu - Giáo phận Qui Nhơn

Thứ sáu - 20/10/2017 20:44
x



 

Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ


MỞ ĐẦU

Tên "Hội Phaolồ Châu" chắc hẵn đã quá quen với nhiều người, đặc biệt là các chủng sinh và giáo sĩ giáo phận Qui Nhơn. Trong bầu khí hân hoan mừng năm thánh của toàn giáo phận, với tinh thần "ôn cố tri tân", thật thích hợp để chúng ta nhìn lại sự ra đời và phát triển của Hội Phaolồ Châu.

Hiện tại chủng viện Qui Nhơn có lưu giữ một số sổ sách và giấy tờ liên quan đến Hội Phaolồ Châu, chẳng hạn như 11 sổ ghi chép, có vài cuốn có từ năm 1921, tức là ngay từ năm mới lập Hội, một số giấy chứng nhận hội hữu qua nhiều giai đoạn khác nhau và vài Bản thông tin địa phận Qui Nhơn. Trong số đó, đặc biệt có văn thư thành lập Hội đề ngày 29.6.1921 và một số thư khác của Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn liên quan đến Hội Phaolồ Châu. Ngoài ra, còn có cuốn "Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian", mới được phát hành vào dịp khai mạc năm thánh giáo phận 26.7.2017. Sách được Ban Biên soạn Lịch sử Giáo phận Qui Nhơn do Giám Mục Giáo phận chủ biên, soạn thảo rất công phu và có khoa học, trong đó cũng có đề cập đến những sự kiện liên quan đến Hội Phaolồ Châu.

Với nguồn tài liệu giới hạn vừa nói, để thấy phần nào ý nghĩa lịch sử và vai trò quan trọng của Hội Phaolồ Châu, có lẽ trước hết chúng ta cần biết sơ lược về bối cảnh thành lập Hội Phaolồ Châu. Tiếp đến là tìm hiểu nội dung chính yếu của văn bản thành lập, điều lệ cũng như quyền lợi và bổn phận của những người liên quan. Sau nữa, theo dòng lịch sử giáo phận, chúng ta có thể thấy rằng Hội Phaolồ Châu từ ngày thành lập đến nay đã có những thay đổi nhất định theo thời cuộc, nhưng cũng có những giá trị không gì có thể làm thay đổi và có giá trị muôn đời.

1. BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA HỘI PHAOLỒ CHÂU

Nói đến Hội Phaolồ Châu là nói đến việc trợ giúp cho công việc đào tạo linh mục, trong đó có những cơ sở đào tạo, đặc biệt là các chủng viện. Nhìn lại một thoáng lịch sử bối cảnh ra đời của Hội Phaolồ Châu phần nào giúp chúng ta thấy ý nghĩa lớn lao của việc lập Hội có liên hệ với sự hình thành các chủng viện trong giáo phận nhất là sau Công nghị Gò Thị năm 1841 và công cuộc đào tạo linh mục của giáo phận từ đầu cho đến nay.

Vào thời Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể (1840-1861), một trong những việc được quan tâm hàng đầu trong công cuộc truyền giáo đó là đào tạo nhân sự mà đặc biệt là hàng linh mục và thầy giảng. Quả thật, ưu tư hàng đầu của Đức Cha Thể là đào tạo các linh mục bản xứ, bắt đầu bằng việc đào tạo các chủng sinh bản quốc. Đức Cha là người đã gởi nhiều chủng sinh nhất sang chủng viện Penang để học hành. Trong khoảng gần 10 năm, từ 1839 đến 1848, ngài đã gởi đi học tất cả là 122 chủng sinh[1].

Chính với ưu tư mục vụ đó mà sau Công nghị Gò Thị (ngày 5, 6 và ngày 10 tháng 8 năm 1841), Đức Cha đã thiết lập ba chủng viện, một tại Tùng Sơn, tỉnh Quảng Nam, một tại Mương Lỡ[2] và một tại Làng Sông, tỉnh Bình Định[3].

Trong thời gian giáo phận rơi vào cảnh bị bách hại nặng nề, nhất là thời vua Tự Đức và Văn Thân, nhưng việc đào tạo hàng linh mục vẫn được duy trì. Trong cuộc bách hại thời vua Tự Đức với chiếu chỉ cấm đạo năm 1854, sau khi trốn lánh và dưỡng bệnh ở Gia Hựu, năm 1855 trên đường về Gò Thị, Đức Cha đã ghé thăm chủng viện Mương Lỡ. Rồi từ khi về Gò Thị, mặc dù vẫn trốn tránh, nhưng ngài vẫn lo dạy các thầy thần học và phong chức linh mục cho họ, chẳng hạn các cha Lợi, Khương, Trinh, Trang, Bửu, Sự, Truyền và Vịnh[4].

Chỉ ba năm sau chiếu chỉ cấm đạo lần thứ nhất (1854), vua Tự Đức còn ban hành thêm một chiếu chỉ cấm đạo khác vào ngày 07.06.1857. Không dừng lại ở đó, ngày 05.08.1861, Tự Đức lại ban hành chiếu chỉ "phân sáp" đưa cuộc bách hại lên đến mức độ cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo[5]. Chính trong lúc giáo phận bị cuộc bách hại khốc liệt này (1861), Đức Cha Stêphanô Thể buộc lòng phải cho giải thể chủng viện Tùng Sơn và Mương Lỡ. Tuy giải thể, nhưng các chủng sinh đang ở chủng viện Mương Lỡ được ngài cho tập trung về ở chủng viện Làng Sông. Bản thân Ngài đã được phúc tử đạo vào ngày 14.11.1861 tại nhà giam ở Thành Bình Định[6].

Sau chiếu chỉ "phân sáp" gần một năm, cùng với hòa ước Nhâm Tuất 1862, Tự Đức ra một chiếu chỉ "ân xá", nhưng bấy giờ các cơ sở vật chất của giáo phận hầu như bị hoang tàn, các tín hữu đói khổ, nhiều linh mục và thầy giảng phải chết vì bị giết hoặc vì thiếu thốn. Giáo phận phải bắt đầu tái thiết trở lại gần như từ con số không. Tuy vậy, giáo phận tạm được hưởng một thời gian bình an nên số chủng sinh gia nhập chủng viện ngày càng thêm đông[7].

Vì số chủng sinh ngày càng nhiều, cơ sở chủng viện Làng Sông không đủ chỗ, vì vậy năm 1877, Đức Cha Eugène Charbonnier Trí (1864-1878) quyết định lập một Đại chủng viện tại Nước Nhỉ để huấn luyện cho các chủng sinh nào học xong chương trình tại Tiểu chủng viện Làng Sông. Cha Van Camelbeke Hân lo trông coi việc xây dựng và cha Louis Galibert được đặt làm Bề trên của chủng viện mới này[8].

Dù bị thiên tai, đại dịch và hạn hán khủng khiếp nhất là trong hai năm 1878-1879, nhưng trong giáo phận có những cuộc trở lại đạo rất đông dưới thời Đức Cha cha Louis Galibert Lợi (1879-1883), và do đó nhu cầu truyền giáo của giáo phận cần có thêm nhiều linh mục. Trước nhu cầu đó, vào năm 1880 chủng viện Làng Sông được nới rộng thêm để có thể đón nhận từ 100 đến 120 chủng sinh[9].

Sau thời gian tạm bình an, trong thời Đức Cha François Xavier Van Camelbeke Hân (1884-1901), giáo phận lại rơi vào cuộc tàn sát khủng khiếp do nhóm Văn Thân gây nên (1885) trong đó chủng viện Nước Nhỉ và chủng viện Làng Sông đều bị Văn Thân phá hủy[10].

Sau cuộc tàn sát Văn Thân, chủng viện Nước Nhỉ không thể khôi phục lại được các cơ sở vật chất và duy trì việc sinh hoạt nên đã bị giải tán, còn chủng viện Làng Sông thì dần được tái thiết[11], nhất là từ 1891 công trình xây dựng lại chủng viện Làng Sông được tiến hành, trong đó ngôi nhà nguyện được xây bằng gạch ngói kiên cố[12].

Như vậy sau cuộc tàn sát Văn Thân, giáo phận không còn chủng viện Nước Nhỉ mà chỉ còn chủng viện Làng Sông. Và do số chủng sinh ngày càng đông, chủng viện Làng Sông lại không đủ chỗ, nên năm 1893 Đức Cha Camelbeke Hân đã cho xây một chủng viện thứ hai tại Đại An. Việc chọn Đại An như thế có lẽ vì lúc ấy tại đây sinh hoạt đạo dễ dàng và sốt sắng, số giáo dân lại khá đông, khoảng 1.344 người[13]. Đến năm 1894 chủng viện Đại An được xây xong và được đưa vào sử dụng. Tính trong năm 1896, tại hai chủng viện Đại An và Làng Sông có 11 thầy thần học và 106 tiểu chủng sinh[14].

Như vậy vào thời kỳ này giáo phận có hai chủng viện, một ở Làng Sông và một ở Đại An. Nên biết, trước đó cho đến thời Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn (1902-1930), chủng viện Làng Sông là chủng viện "hai trong một", nghĩa là vừa là trường Latinh, tức Tiểu chủng viện, vừa là trường lý đoán, tức Đại chủng viện. Từ năm 1903, Đức cha Đamianô Mẫn quyết định rằng trường Làng Sông là trường nhỏ hay Tiểu chủng viện dành cho các chú; còn trường Đại An là trường lớn hay Đại chủng viện dành cho các thầy. Trường đào tạo các thầy giảng vẫn được gắn liền với chủng viện Đại An[15].

Các thầy Đại chủng viện Đại An sau khi mãn triết được đưa đi giúp xứ 2 năm với nhiệm vụ như các thầy giảng. Tuy nhiên nhu cầu truyền giáo trong giáo phận rất lớn mà số linh mục trong giáo phận quá ít cho nên việc chiêu sinh đào tạo linh mục ngày càng cấp thiết, con số chủng sinh thay đổi lúc nhiều lúc ít nhưng chủng viện vẫn luôn duy trì sinh hoạt cách này hay cách khác nhờ nhưng nguồn trợ giúp khác nhau[16].

Dần dần số chủng sinh của 2 chủng viện Đại An và Làng Sông ngày càng ổn định hơn. Tính đến gần cuối thời Đức Cha Đamianô Mẫn thì Đại chủng viện (Đại An) có 22 thầy (trong số đó có 3 thầy học ở Penang), Tiểu chủng viện Làng sông có 93 chú[17]. Tuy nhiên lúc đó đời sống vật chất và sinh hoạt của hai chủng viện lại gặp nhiều khó khăn. Do mùa màng thất thường, đồng tiền mất giá, nguồn tài trợ từ ngoại quốc theo đó cũng giảm sút nhiều nên ảnh hưởng lớn đến việc duy trì sinh hoạt cho hai chủng viện này[18].

Trong hoàn cảnh đó, mong muốn việc đào tạo linh mục được duy trì liên tục và phát triển lâu dài, vào năm 1921 Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn, vị Giám Mục thứ 14 cai quản giáo phận Qui Nhơn, đã ra văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu nhằm mời gọi mọi người trong giáo phận tham gia đóng góp tiền của, góp phần ổn định công việc đào tạo các linh mục bản xứ. Theo sự quan phòng của Chúa, kể từ khi thành lập đến nay đã trải qua hơn 96 năm (1921-2017), Hội Phaolồ Châu vẫn được mọi thành phần dân Chúa tiếp tục tham gia và vẫn tồn tại cho đến hiện tại.

2. VĂN BẢN THÀNH LẬP HỘI PHAOLỒ CHÂU

Bản văn gốc viết tay của văn thư thành lập Hội hiện không tìm thấy, nhưng có bản in xưa cũ được tìm thấy trong cuốn sổ ghi chép ngay từ đầu hội viên Phaolồ Châu tức là từ năm 1921 và ngoài ra có một bản viết tay năm 1925 được gắn trong sổ ghi chép trong đó có chữ ký và con dấu nổi của Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn[19]. Ngoài văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu được ghi năm 1921 thì một số năm sau đó có những văn thư khác của Đức Cha nhằm để nhắc lại một số quy định căn bản của Hội hoặc có những giải thích thêm.

 Nội dung văn thư thành lập có hai phần chính. Phần đầu phân tích lý do và lời mời gọi gia nhập Hội, còn phần hai là nêu những quy định kèm theo giải thích chi tiết việc phải làm của những người liên quan với Hội mới thành lập.

2.1 Tên gọi và lý do lập Hội Phaolồ Châu

Ngay từ đầu văn thư Đức Cha đã khẳng định rõ ràng quyết tâm «nhứt định lập Hội, đặt tên là Hội Đứng Đáng Kính Phaolồ Châu, có ý cho địa phận đặng nhờ phần ích, và mở dịp cho anh em đặng thêm việc phước đức»[20].

Trong những lý do dẫn đến việc lập Hội Phaolồ Châu, ngoài lý do khó khăn do mùa màng, đồng tiền mất giá, tiền hỗ trợ ngoại quốc gởi về giảm sút và nhiều việc khác phải chi tiêu trong địa phận, văn thư còn nói rõ là vì việc hai trường Làng Sông và Đại An là việc quan trọng, cần kiếp và lâu dài; cần có sự hiệp lực đóng góp tiền của để lo việc hai trường. Hơn nữa tham gia Hội cũng chính là góp phần cho việc truyền giáo và là việc bác ái cùng nhiều lợi ích thiêng liêng.

Thật vậy, theo văn thư thành lập, trong các việc của địa phận thì «nhứt là việc hai trường, vì vốn chẳng có việc gì rất thiết yếu, rất cần kíp cho bằng việc nhà trường, vì hễ nhà trường có thạnh mới có đông thầy cả; có đông thầy cả mới dễ việc coi sóc linh hồn bổn đạo, cùng đem kẻ ngoại trở về đàng chính»[21]; «anh em càng phải lo chính phận mình, cùng đem lòng thương xót cho những kẻ đồng làng, đồng xứ, đồng nước với mình…. hãy lấy đồng tiền mà liệu cho có kẻ lo thay, là hãy cúng thí vào việc nhà trường. Nhờ đồng tiền anh em mà nuôi cùng tập luyện được nhiều học trò, sau này sẽ lên bực đứng làm thầy mà giúp việc địa phận, lo cho bổn đạo, lại mở mang đạo thánh, làm sáng danh Cha cả, mà anh em sẽ đặng thông công trong những việc các thầy cả ấy sẽ làm, lại đặng nhiều ích trọng thiêng liêng khác nữa»[22].

Lời mời gọi tham gia Hội thật tha thiết: «Vậy ớ anh em giáo hữu, Ta nay già yếu gần mồ… nhưng mà cũng chẳng biết liệu ngõ nào, một chạy đến cùng anh em là con cái rất yêu dấu. Ta hết lòng trông cậy anh em ai nấy sẽ vào Hội Ta mới lập đây. Hội nầy chủ ý là cho đặng cậy nhờ anh em mà lo kham việc hai trường Đại-an, Làng-sông, ngõ cho việc hai trường chẳng những chẳng bê trễ, mà lại tấn phát, cùng bền vững muôn đời»[23].

2.2 Một số quy định của Hội

Phần thứ hai của văn thư, được xem như là phần văn bản chính thức có tính pháp lý của việc lập Hội Phaolồ Châu với vài điểm chính như: bổn mạng, ý lập Hội, việc phải giữ đối với người tham gia Hội, những ơn ích thiêng liêng. Nói cách khác đó là những quy định phải giữ về bổn phận và quyền lợi của những người liên quan và có trách nhiệm trong Hội Phaolồ Châu[24].

- Bổn mạng: «Đứng đáng kính Phaolồ Châu làm Bổn mạng Hội». Trong khi chờ lên bậc chân phước của Phaolồ Châu thì Đức Cha Đamianô Mẫn đã chọn «lễ ông thánh Vêrô và ông thánh Phaolồ Tông đồ làm lễ bổn mạng Hội, thế đỡ một ít lâu».

- Ý lập Hội: «Cho có tiền bạc để phụ trợ hai trường Đại-an và Làng-sông».

- Những việc kẻ vào Hội phải làm phải giữ: là việc ghi danh và việc đóng góp. Theo đó việc ghi danh vào sổ lưu ở giáo xứ và cuối năm nộp về cho vị hữu trách, phải ghi đủ tên thánh, họ tên, giáo họ, giáo xứ, ngày tháng năm vào Hội… Nếu ai không muốn ghi danh thì sẽ ghi là "ẩn danh". Ngoài việc ghi danh, thì còn tùy theo việc đóng góp để ghi "đẳng bực": Hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, hạng tư và hạng hội hữu hàng năm (những người đóng góp lâu dài hàng năm), và theo đó người có trách nhiệm sẽ dâng các thánh lễ tương ứng với các "đẳng bực" này khi họ qua đời.

- Những ơn ích thiêng liêng, gồm có lễ Misa (cầu nguyện cho Hội hữu còn sống và đã qua đời), lễ mồ (cầu cho hội hữu đã qua đời), ân tứ (đại xá và ân xá). Đây chính là lợi ích thiêng liêng của hội viên Phaolồ Châu được quyền hưởng khi còn sống và khi đã qua đời.

Bổn phận dâng các thánh lễ cũng được ấn định rõ ràng. Đặc biệt là các cha mới chịu chức, nội tháng đầu phải dâng một lễ cho các hội hữu còn sống hay đã qua đời; chủng viện sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho hội hữu còn sống hay đã qua đời vào thứ bảy đầu tháng; ngay sau lễ các đẳng, chủng viện dâng lễ cầu cho hội hữu đã qua đời; khi nghe được báo tin hội hữu nào qua đời, chủng viện sẽ dâng các thánh lễ tùy theo bậc khi vào Hội Phaolồ Châu.

Sau cùng, một yếu tố không thể thiếu của văn thư có tính pháp lý đó là tên và chữ ký của người của có thẩm quyền ban hành, nơi chốn và thời gian ban hành: «Ta làm thơ này tại Làng-sông, ngày lễ ông thánh Vêrô và ông thánh Phaolồ Tông đồ, năm 1921. Đamianus, V.A»[25].

Qua văn thư này ta thấy bản chất pháp lý của Hội Phaolồ Châu đó là một loại thiện quỹ không tự trị theo giáo luật 1917 điều 1544 và 1546 vào thời đó và cũng tương ứng với khoản luật 1303 và 1304 của bộ giáo luật 1983 hiện hành.

Như vậy, với tính chất là một văn bản mang tính pháp lý, Đức Cha Mẫn đã đưa ra những quy định theo đúng giáo luật thời bấy giờ về việc lập thiện quỹ. Theo giáo luật cũ cũng như hiện hành, Hội Phaolồ Châu là một thiện quỹ không tự trị, tức là các tài sản vật chất được ban tặng cho một pháp nhân công bằng bất cứ cách nào (pháp nhân công trong trường hợp này là chủng viện Làng Sông, Đại An và hiện nay là chủng viện Qui Nhơn), với nghĩa vụ dùng các hoa lợi hàng năm để cử hành Thánh Lễ và để thực hiện các công việc khác của Giáo Hội đã được xác định, cụ thể là hỗ trợ giúp đào tạo chủng sinh giáo phận. Những điều này vẫn có giá trị và phù hợp giáo luật hiện hành liên quan đến các thiện quỹ theo giáo luật 1983 tại các điều 1303 và 1304.

3. HỘI PHAOLỒ CHÂU QUA DÒNG THỜI GIAN

3.1 Giải thích thêm ý nghĩa mục đích và lý do lập Hội

Sau khi đã ra văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu ngày 29.6.1921, thì trong vài năm sau tiếp theo Đức Cha Mẫn cũng tiếp tục có những văn thư để khích lệ và giải thích cặn kẻ hơn.

Trong thư đề ngày 24.8.1922, tức là hơn một năm sau ngày thành lập Hội, ngoài việc nhắc các cha phải đọc văn thư này và nói rõ vì ý nào mà Hội Phaolồ Châu đã được lập ra, Đức Cha Grangeon Mẫn giải thích thêm rằng: «Các cha cũng đã nghe tại Sàigòn và Huế, mỗi học trò phải chịu đa thiểu tùy sức mà giúp nhà trường mỗi năm; trong địa phận Ta đây chẳng bắt học trò chịu, kẻo kẻ có, người không, thì thành khó lòng; nhà trường chịu sở tổn hết cho mỗi học trò, từ mới vào cho đến khi ra làm việc, sự ấy thật nặng cho Nhà chung lắm. vậy các cha cũng nên cắt nghĩa điều ấy mà giục người ta vào Hội, đặng giúp đỡ bớt cho Nhà chung»[26].

Mặt khác, cũng trong lá thư vừa nói, Đức Cha viết rằng «về sự vào bậc đời đời cho kẻ đã qua đời, thì xin các cha hãy cắt nghĩa cho người ta biết rõ việc ấy là việc trả hiếu cho Ông Bà Cha Mẹ rất hiệu nghiệm và bền vững muôn đời».

Trong lá thư gởi các tín hữu viết tại Làng Sông, đề ngày 26.7.1924, cho thấy Đức Cha hết sức quan tâm với đến Hội Phaolồ Châu và việc đào tạo linh mục. Với một tình cảm dạt dào, Ngài viết rằng «Anh em là con cái rất yêu dấu đã tận tình hiếu thảo mà nghe lời cha già kêu xin nên Hội này được thạnh luôn ba năm nay […] Ớ anh em yêu dấu, ta hết lòng vui mầng trong R. Thánh Trái Tim Chúa vì thấy anh em tận tình vâng lời Ta mà giúp ta trong việc trọng hệ, là lo cho có nhiều Thầy Cả bổn quốc giúp địa phận Tòa Thánh đã nấy phú cho Ta. Ta sa nước mắt và mà nói cùng anh em: ớ anh em rất yêu, ta cám ơn anh em vì anh em tỏ tình hiếu thảo mà an ủi ta trong tuổi già sức mỏn»[27].

Đúng 4 năm sau ngày thành lập Hội, trong thư đề ngày 1.9.1925 (hiện được gắn trong sổ ghi đóng góp và chi tiêu của Hội), với tựa đề "Ad Perpetuam Rei Memoriam", Đức Cha Đamianô Mẫn đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa của việc «vào Hội bực đời đời c'est lập hương hỏa»[28].

Cha Võ Ngọc Nhã khi đang là giám đốc chủng viện Làng Sông cũng xác định rõ thêm về mục đích của Hội là «giúp địa phận nuôi dưỡng, giáo dục học sinh cho đến khi làm linh mục và lựa người cho đi du học để có bằng cấp cao về dạy hai trường. Một trật cũng giúp cho bổn đạo có nơi bảo đảm để như lập hương hỏa cho mình vĩnh viễn ngày sau phần nào khỏi phải liệt vào hạng những linh hồn mồ côi cô độc không ai thương giúp, mặc dầu còn con cháu ruộng đất để lại trên thế gian»[29].

Nên biết, tài sản của Hội Phaolồ Châu có được là nhờ những ân nhân cúng ruộng đất hoặc tiền bạc. Tiền của Hội cũng để mua thêm ruộng đất gọi là ruộng Phaolồ Châu nhằm để phân biệt với ruộng Nhà chung, tức ruộng đất của địa phận. Kể từ khi thành lập số người vào Hội càng nhiều. Số tiền đóng góp cho mỗi người khi gia nhập Hội cũng tăng qua từng thời kỳ vì sự thay đổi thời giá[30]. Để sinh lợi, ruộng Phaolồ Châu được cho thuê mướn, còn tiền mặt thì một phần cho những người thân tín vay để lấy lãi, và một phần đầu tư vào bất động sản, như mua nhà hay xây nhà cho thuê. Nhưng rồi do thời cuộc số ruộng của Phaolồ Châu bị mất hay không thu lúa được, một số ruộng bị bán đi để lấy tiền sử dụng, còn bất động sản, tiền bạc đầu tư hay cho vay mượn cũng bị thất thoát[31].

Tuy nhiên, điều đặc biệt dễ nhận thấy là trong tất cả văn thư nói trên, Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn luôn nhắc lại các quy định về các lợi ích thiêng liêng hội hữu được hưởng và các bổn phận dâng các thánh lễ của người hữu trách. Lợi ích thiêng liêng và các bổn phận ấy vẫn được những người hữu trách của Hội ghi nhớ và tuân giữ nghiêm túc từ lúc thành lập cho đến nay. Như vậy dù tài sản của Hội ngày nay không như xưa, nhất là từ sau năm 1975, nhưng bổn phận của những người có trách nhiệm và các ơn ích thiêng liêng của những hội viên được bảo đảm duy trì liên tục theo quy định của Hội.

3.2 Tên gọi và Bổn mạng của Hội

Tên gọi lúc ban đầu theo văn thư thành lập (1921) là "Hội Đứng Đáng Kính Phaolồ Châu". Trong sổ ghi chép ban đầu có ghi "Hội Đứng Đáng Kính Paulus Châu" và người ghi danh vào Hội thì được gọi là "Hội hữu". Trong sổ sách ghi số tiền đóng góp theo từng giáo xứ thì ghi là "Oeuvre de Vén. Paul Châu martyr". Sau này các sổ sách ghi danh đều gọi «Hội Đấng Đáng Kính Phaolồ Châu Địa Phận Qui Nhơn». Từ năm 2000 đến nay, có một sổ dùng ghi danh những người vào Hội là «Sổ Lễ Phaolồ Châu Giáo phận Qui Nhơn». Trong thực hiện nay thường gọi chung ngắn gọn là «Hội Phaolồ Châu».

Trong văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu như đã nói trên, Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn đã chọn cha Phaolồ Châu làm bổn mạng của Hội vì lúc bấy giờ Cha Phaolồ Châu có tên trong danh sách Các Tôi Tớ Chúa chờ ngày phong Chân Phước. Đức Cha Đamianô hy vọng chỉ ít năm sau đó cha Châu sẽ được phong chân phước thì mới ấn định ngày bổn mạng chính thức, trong khi chờ đợi thì tạm thời lấy ngày lễ hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolồ làm bổn mạng của Hội.

Về sau, không biết thay đổi vào thời điểm nào mà ngày bổn mạng Hội Phaolồ Châu được ghi nhận là lễ các thánh tử đạo Việt Nam, 18 tháng 2 dương lịch[32]. Có lẽ lấy ngày này vì Cha Phaolồ Châu là vị tử đạo có tên trong danh sách Các Tôi Tớ Chúa chờ ngày được  phong chân phước, cho nên mới chọn ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam luôn cho tiện. 

Trong khoảng những năm 1960 trở đi thì trong các "Bằng nhập Hội" ghi lễ bổn mạng của Hội có khi là ngày 18 tháng 2 và cũng có khi là ngày 1 tháng 9. Về ngày 1 tháng 9, thì thấy trong thư đề ngày 22.8.1922 Đức Cha Đamianô có lưu ý về kỳ hạn để nộp tiền là «từ 1 Septembre đến 1 Janvier». Một chỗ khác là lá thư viết tay hiện vẫn còn lưu giữ đề ngày «1er Septembre 1925» kèm theo chữ ký của Ngài, đóng dấu nổi. Có lẽ căn cứ trên lá thư này nên mới đổi ngày bổn mạng Hội là 1 tháng 9. Theo đó, hiện tại là trong bằng hội hữu Phaolồ Châu ghi bổn mạng của Hội là ngày 1 tháng 9 hàng năm.

Một điểm lưu ý nữa là trong một số "Bằng Nhập Hội" có khi ghi là "Theo qui định Bản Hội ra ngày 30 tháng 5 năm 1953" và sau những năm sau 1975 thì lại ghi "Theo qui định do Tòa Thánh chuẩn ưng ngày 30.5.1953". Hiện nay chưa tìm thấy bản văn nào liên quan đến quy định của Hội Phaolồ Châu được ký vào năm 1953.

Từ lúc thành lập đến nay, dù có những sự thay đổi và khác biệt như đã nói trên, nhưng tên Hội Phaolồ Châu vẫn giữ như lúc ban đầu mới thành lập. Phaolồ Châu là tên một linh mục quê ở Gò Thị. Lúc còn là chủng sinh ngài được gởi đi học tại chủng viện Penang trong thời gian 7 năm và sau đó được Đức Cha Cuénot Thể truyền chức linh mục vào năm 1856 tại Gia Hựu. Khi chủng viện Mương Lỡ được thành lập thì cha Phaolồ Châu được Đức Cha Cuénot Thể bổ nhiệm làm giám đốc trông coi chủng viện này cho đến khi chủng viện buộc giải tán vì bị bách hại (1861). Sau đó không lâu, Cha Châu được chỉ định làm Giám đốc Tiểu Chủng Viện Làng Sông thay cho cha Tư đã bị bắt giam trên đường đi Gò Thị. Cũng trong năm giáo phận bị bách hại khốc liệt do chiếu phân sáp của Tự Đức năm 1861, Cha Châu bị bắt và theo án chỉ triều đình, cha Châu cùng một số tín hữu bị trảm quyết tại Gò Chàm, Bình Định vào tháng 3 năm thứ 15 triều Tự Đức tức là vào tháng 5 năm 1862[33].

Tên của Cha Phaolồ Châu được kể đầu trong danh sách 20 vị Tôi Tớ Chúa chờ ngày được phong Chân Phước trong sắc lệnh ký ngày 13.11.1918 của Thánh Bộ Nghi Lễ lúc bấy giờ[34].

3.3 Việc ghi danh

Ngay từ khi mới thành lập Hội Phaolồ Châu đã có những vị khởi đầu đóng góp tiền của cho Hội. Hiện nay tại phòng khách Tiểu chủng viện Làng Sông, còn giữ một bảng đá cẩm thạch có ghi danh vị thành lập Hội và những hội hữu Phaolồ Châu bậc thượng hạng của vài năm đầu kể từ lúc thành lập Hội.

Việc ghi danh vào sổ lúc đầu được thực hiện theo từng giáo xứ, giáo họ và cuối năm cha sở sẽ nộp duplicata cùng với số tiền thu được. Về sau thì việc ghi danh được thực hiện trực tiếp nơi vị đặc trách Hội cùng là linh mục giám đốc chủng viện. Ngày nay giáo dân có thể đến ghi danh trực tiếp hay thông qua các cha sở. Nhờ các phương tiện thông tin liên lạc dễ dàng hơn trước kia rất nhiều nên việc ghi danh và đóng góp vào Hội hết sức mau chóng và thuận tiện, nhiều khi thông qua những giáo dân, nữ tu hay bất cứ ai ở nơi này nơi kia chứ không nhất thiết qua cha sở.

Trong những năm đầu chỉ có ghi danh vào sổ, không tìm thấy giấy xác nhận nào. Có lẽ lúc bấy giờ ghi danh theo giáo họ, giáo xứ và cũng chưa nhiều nên không cần cấp giấy. Trong những năm 1941 đến 1951 có những giấy xác nhận đơn sơ và đóng con dấu tròn của Tiểu chủng viện Làng Sông (Petit Seminaire - Quinhon- Annam). Khoảng chừng sau năm 1951 thì giấy xác nhận tham gia Hội Phaolồ Châu đóng con dấu tròn Giám đốc Tiểu chủng viện Qui Nhơn (Tiểu Chủng Viện - Quinhon - Việt-nam). Đến những năm 1960 đến 1976, thì giấy xác nhận có loại con dấu hình thoi với nội dung là Hội Phao-lồ Châu - Tiểu Chủng Viện Làng Sông - Qui Nhơn. Đến những năm 1980 thì dùng con dấu Đại chủng viện Qui Nhơn - Giám Đốc- Giáo Phận Qui Nhơn và con dấu này được sử dụng cho đến nay.

Hình thức của các giấy chứng nhận cũng thay đổi qua nhiều thời kỳ. Trong những năm 1940 thấy có sử dụng một mảnh giấy nhỏ đơn sơ, có chữ ký, con dấu. Về sau từ những năm 1960 sử dụng loại giấy bìa cứng tốt hơn, in hai màu, có hoa văn và hàng chữ «Phúc cho ai thương người vì sẽ được Chúa thương lại!!!». Sau năm 1975 thì trở lại sử dụng loại giấy rơm, màu ngà ngà, nội dung được đánh máy chữ, không có in sẵn. Rồi từ khoảng năm 2000 bắt đầu dùng loại giấy bìa cứng, in lụa và dần dần được in màu, bốn góc có hình nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, nhà thờ Tuy Hòa, nhà thờ lớn Quảng Ngãi và Tiểu Chủng viện Qui Nhơn. Bản mới nhất đang sử dụng được in màu trên giấy bìa cứng tốt, bốn góc có hình Tòa Giám Mục, nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, Chủng viện Làng Sông, Tiểu Chủng viện Qui Nhơn.

Tựa đề của giấy chứng nhận lúc đầu ghi là "Hội Hữu Phaolồ Châu", về sau ghi là "Bằng Nhập Hội". Sau 1975 một thời gian thì ghi là "Giấy chứng Nhận xin Lễ Phaolồ Châu" hoặc "Bằng xin lễ Phaolô Châu". Sự thay đổi tên gọi sau năm 1975 như vậy có lẽ là để tránh cho chính quyền hiểu lầm rằng Hội Phaolồ Châu là một tổ chức mang tính chính trị hay một hình thức của Hội đoàn mà gây khó dễ. Lần thay đổi mới nhất (2016) và được sử dụng đến nay là giấy ghi danh được ghi là "Bằng Hội Hữu Phaolô Châu" và sử dụng con dấu tròn "Đại Chủng Viện Qui Nhơn - Giám Đốc- Giáo Phận Qui Nhơn".

Tuy nhiên điều quan trọng không phải là những hình thức mà là chính những người đóng góp và được ghi danh vào Hội. Từ ngày thành lập đến nay có rất đông người đã gia nhập Hội, có đủ mọi thành phần dân Chúa: Giám mục, linh mục, nữ tu, chủng sinh, giáo dân. Trong số đó có những người ngoại đạo ghi danh cho những người thân của mình lúc trước là các tín hữu công giáo. Nhiều cha trong giáo phận Qui Nhơn cũng đã vào Hội Phaolồ Châu cho chính mình và những người thân. Ngày nay cũng có nhiều người ngoài giáo phận Qui Nhơn, những người không phải gốc giáo phận, trong nước hay ngoại quốc cũng đóng góp và ghi danh vào Hội.

THAY LỜI KẾT

Dù trải qua nhiều biến động theo dòng lịch sử thăng trầm của giáo phận, Hội Phaolồ Châu vẫn tồn tại và phát triển là nhờ ơn Chúa và những ân nhân từ xưa đến nay. Đó là những người nay đã khuất và những người còn đang sống, những người được ghi danh rõ ràng và cả những người ẩn danh, những giáo sĩ trong Giáo Hội và những người giáo dân bình thường, những người trong giáo phận và những người ngoài giáo phận, những người không còn thuộc về giáo phận Mẹ và những người có gốc gác từ giáo phận Mẹ Qui Nhơn… Tất cả đã góp phần làm cho Hội Phaolồ Châu từ ngày thành lập cho đến nay đã hơn 96 năm (1921-2017) vẫn có thể liên tục chu toàn mục đích quan trọng và cao cả của Hội ngay từ khởi đầu: đó là góp phần đào tạo nhiều linh mục cho giáo phận.

Trong văn thư thành lập Hội, Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn đã xác quyết rằng cha Phaolồ Châu là «linh mục bổn quốc, đã xá sanh thủ nghĩa, mà làm gương rất lành rất sáng; lại hồi người bị bắt vì đạo thì đang coi nhà trường nhỏ tại Làng-sông»[35] nên Ngài đã lấy tên Phaolồ Châu mà đặt cho Hội khi thành lập vào năm 1921. Tên Hội Phaolồ Châu không thay đổi và Hội ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững. Đó có thể coi là một chứng từ sống động về sự trung tín và tình yêu mến Chúa và Giáo Hội, về lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm nơi cha Phaolồ Châu.

Qua văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu cũng như những văn thư của những năm sau đó của Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn, chúng ta thấy nơi ngài có một tâm hồn nhiệt thành tông đồ, một trí óc khôn ngoan, sáng suốt với một sự nhạy bén với hoàn cảnh hiện tại và lường trước tương lai của giáo phận, cách riêng trong việc đào tạo hàng linh mục bản xứ cho giáo phận Qui Nhơn[36]. Đồng thời cũng với những việc làm và công sức mà Đức Cha đã hy sinh cống hiến cho giáo phận, chúng ta còn thấy được nơi Ngài có con tim yêu Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến giáo phận và đoàn chiên một cách nồng nàn và tha thiết[37].

Tiếp nối tinh thần và hưởng ứng lời mời gọi tha thiết của vị lập Hội Phaolồ Châu, trải qua thời gian dài, nhiều Giám mục, cha sở và các linh mục trong giáo phận Qui Nhơn đã tự mình đóng góp tiền bạc cũng như tích cực mời gọi giáo dân ý thức đóng góp tiền của cho Hội Phaolồ Châu[38]. Phải ghi nhận rằng những năm gần đây, nhất là kể từ ngày cử hành năm Đức tin cho Hội Phaolồ Châu 30.5.2013, cùng với thư của Đức Giám mục Giáo phận gởi Hội Phaolồ Châu[39], ngày càng có nhiều linh mục cùng đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo phận Qui Nhơn đã vào Hội Phaolồ Châu không những cho chính mình mà còn cho cha mẹ và những người thân của mình.

Hội Phaolồ Châu là một hình thức thiện quỹ (piae fundationes) không tự trị để theo đuổi những mục tiêu đạo đức. Xét dưới khía cạnh pháp lý, thiện quỹ Phaolồ Châu là một hình thức khế ước song phương, một bên ký thác tài sản cho giáo phận (chủng viện) nhằm thực hiện một mục tiêu đạo đức nào đó. Về phần mình, giáo phận chấp nhận điều kiện đó và cam kết thi hành. Giáo phận (chủng viện) Qui Nhơn đã, đang và sẽ tiếp tục thi hành những cam kết đó.

Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là về mặt pháp lý cho bằng là về phương diện đạo đức thiêng liêng. Trong thời gian dài từ ngày thành lập cho đến nay, mọi thành phần dân Chúa, nhất là những người giáo dân bình thường, đã không ngừng vào Hội vừa để hưởng những ơn ích thiêng liêng khi còn sống cũng như khi qua đời, vừa góp phần vào giúp việc đào tạo linh mục và cánh đồng truyền giáo của giáo phận. Qua đó phần nào cho thấy nơi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận có một đức tin mạnh mẽ, lòng trông cậy vững vàng và tình mến sắc son đối với Chúa và Giáo Hội.

Những văn thư và những cuốn sổ ghi chép ngày xưa của Hội Phaolồ Châu từ thuở đầu lập Hội giờ đây bìa đã long, gáy đã sờn, những dòng chữ chép tay bằng ngòi bút chấm mực có nhiều chỗ đã phai nhạt và cũng có nhiều trang phải lần giở nhẹ nhàng không dám lật nhanh vì sợ bị rách. Một số địa danh giáo xứ, giáo họ xưa kia được ghi trong sổ sách của Phaolồ Châu, giờ đây trong thực tế, một số vẫn còn đó và một số bị mai một mà không biết khi nào có thể phục hồi được[40]. Dù vậy qua từng trang ghi chép ấy vẫn toát lên một sự linh thiêng nào đó. Thật vậy, vẫn còn đó những tấm lòng quảng đại của những người con của Mẹ giáo phận Qui Nhơn sống hết lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, vì công cuộc truyền giáo và việc đào tạo linh mục; vẫn còn đó những tâm hồn đạo đức của biết bao hội hữu Phaolồ Châu qua từng thế hệ. Tất cả những tấm lòng ấy vẫn mãi long lanh và rực sáng muôn đời như "Đứng Đáng Kính Phaolồ Châu", người Tôi Tớ trung tín của Chúa.

 

[1] Xem Ban Biên Soạn Lịch Sử Giáo Phận Qui Nhơn, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, Houston, 2017, sđd., tr. 202.

[2] Mương Lỡ là giáo họ Hòa Mục thuộc giáo xứ Phù Cát ngày nay.

[3] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 201-202 (trích lại R.P Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, tr. 43).

[4] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 217.

[5] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 218-219.

[6] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 220,

[7] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 227.

[8] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 229.

[9] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 230-231.

[10] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 240 và 244. Theo đó, chúng ta biết trong cuộc tàn sát do Văn Thân gây nên, thì ngày 1.8.1885 cha Auguste Maccé Sĩ đang làm giám đốc chủng viện Nước Nhỉ đã tổ chức cho giáo dân chạy trốn nhưng không thoát nên trở lại chủng viện, qua ngày 2.8.1885 chủng viện Nước Nhỉ bị bao vây, hôm sau cha đã bị giết và bị bêu đầu. Ngày 4.8.1885 Đức Cha Camelbeke Hân và các chủng sinh chủng viện Làng Sông chạy trốn xuống Qui Nhơn và ngay sau đó Văn Thân đã đến đốt phá nhà Đức Cha và chủng viện Làng Sông, đồng thời họ cũng thiêu hủy hài cốt của các vị tử đạo đang cất giữ tại đó.

[11] Xem Giáo Phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, tr. 246.

[12]Xem Giáo Phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, tr. 248-249. Năm 1891 tái thiết chủng viện Làng Sông với bốn khu nhà lớn, nhà các cha và những nhà phụ thuộc, tất cả đều lợp tranh, riêng nhà nguyện được xây kiên cố bằng gạch. Năm 1892, sau khi nhà nguyện được xây dựng xong, có trồng 14 cây sao hai bên đường từ cấp sân nhà nguyện ra đến cổng, cộng thêm 2 cây trước mặt ngôi nhà phía Tây và 2 cây trước mặt ngôi nhà phía Đông. Tất cả những cây sao này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

[13] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 247.

[14] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 248.

[15] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 252 và xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1903.

[16] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 253..

[17] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 274. Hiện nay tại chủng viện Qui Nhơn còn lưu giữ vài cuốn sổ ghi danh các chủng sinh. Theo đó từ năm 1929 đến năm 1936 số chủng sinh là 180; từ 1936 đến 1951 số chủng sinh là 164. Trong 2 sổ này còn có ghi chi tiết điểm các môn học và những nhận xét ngắn gọn hàng năm của từng chủng sinh.

[18] Nên biết, dưới thời Đức Cha Đức cha Augustin Tardieu Phú (1930-1942), Ngài không ở Làng Sông nhưng dời về Qui Nhơn. Tháng 3.1931 Đức Cha cho xây Đại chủng viện Qui Nhơn, còn gọi là trường lớn hay trường lý đoán, tại vùng ven thành phố Qui Nhơn, để thay Đại chủng viện Đại An. Năm 1932 các thầy từ Đại chủng viện Đại An đến ở Đại chủng viện mới tại Qui Nhơn và bắt đầu sinh hoạt từ ngày 01.09.1932. Theo thống kê, sau khi tách một phần đất lập giáo phận Kontum (18.4.1932), chủng viện Làng Sông có 100 chủng sinh và Đại chủng viện Qui Nhơn có 40 thầy. Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 253 và xem AMEP, Rapport annuel de Quinhon 1931 và 1932. Để biết thêm sự biến động trong sinh hoạt của hai chủng viện Đại An và Làng Sông, và sau này là Đại chủng viện Qui Nhơn và Tiểu chủng viện Qui Nhơn ngày nay, đặc biệt từ 1932 đến 1946 và từ 1952 đến nay, có thể xem Giáo Phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 282, 285, 297-307…

[19] Xem hình ảnh các văn thư này ở phần phụ trương của bài viết này.

[20] Đamianô Grangeon Mẫn, Văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu, ngày 29.6.1921, tr. 1.

[21] Đamianô Grangeon Mẫn, ibid., tr. 1.

[22] Đamianô Grangeon Mẫn, ibid., tr. 2.

[23] Đamianô Grangeon Mẫn, ibid., tr. 2.

[24] Đamianô Grangeon Mẫn, ibid., tr. 3-6.

[25] Đamianô Grangeon Mn, ibid.,  tr. 7.

[26] Đamianô Grangeon Mẫn, Thư đề ngày 24.8.1922, tr. 2.

[27] Đamianô Grangeon Mẫn, Thư đề ngày 26.7.1924, tr. 2

[28] Đamianô Grangeon Mẫn, Thư viết tay đề ngày 1.9.1925, tr. 2.

[29] Võ Ngọc Nhã, «Hội Phaolồ Châu», trong Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr.17.

[30] Chẳng hạn vào năm những năm mới thành lập, thì mức đóng góp nhập Hội theo các ba hạng chính là bực thượng hạng là 300 đồng (piastre), bực nhất là 100 piastres và bực nhì là 50 piastres (Văn thư của Đức Cha Mẫn năm 1925). Tính vật giá năm 1921, thì một đồng (piastre) mua được hai vuông lúa, mỗi vuông lúa là 20 kg. Vậy vào Hội Phaolồ Châu bực thượng hạng 300 Piastres bấy giờ, tương đương với 600 vuông lúa tức là 12 tấn. Đến 1959, tức là 38 năm sau thì số tiền nhập Hội theo ba hạng tưng ứng với số tiền lần lượt là: 1.000 đồng, 2.000 đồng và 3.000 đồng (xem Võ Ngọc Nhã, «Hội Phaolồ Châu», trong Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr.18).

[31] Cha Võ Ngọc Nhã, đặc trách Hội Phaolồ Châu, đã tạm tổng kết sau 38 năm (1921-1959) Hội có "một số ruộng đất trên hai trăm mẫu, gần hết ở Đông Mỹ, Phú Yên. Một số bạc mặt đã cất nhà cho mướn tại Qui Nhơn mỗi tháng thu về trên 3.000$…" Ngoài ra Cha Nhã còn nhắc "Trong số có một ít người đã vay tiền vốn của Hội, mà từ lâu không thấy trả lời, hoặc trả vốn, xin để ý đến kẻo thiệt hại cả đôi bên, kẻ còn sống và kẻ đã qua đời!". Võ Ngọc Nhã, Hội Phaolồ Châu, trong Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr.21.

[32] Cha Võ Ngọc Nhã có ghi ngày này trong Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr.17. Nên biết, sau này ngày lễ Các Thánh tử Đạo Tại Việt Nam hiện nay là được ấn định là 24 tháng 11 hàng năm.

[33] Xem Chân dung linh mục Việt Nam: Cha Phaolô Châu trên website của giáo phận và đã được đăng trên webssite của HĐGM Việt Nam: http://hdgmvietnam.org/chan-dung-linh-muc-viet-nam-linh-muc-phaolo-chau/1281.43.13.aspx

[34] Xem Thánh Bộ Nghi Lễ (Sacra Congregatio Rituum, là tiền thân của hai Bộ: Bộ phụng tự và Phong Thánh hiện nay), Sắc lệnh Coreana et Cocincinen, Beatificationis seu Declarationis Martyrii Servorum Dei Simeonis Berneux Episcopi Capsensis Vicarii Apostolici Corenae et Pauli Châu Eorumque Sociorum (Sắc lệnh Cao Ly và Đàng Trong về việc tôn phong chân phước hay là công nhận việc tử đạo của các đầy tớ Chúa Simeon Berneux, giám mục Capsensis, Đại diện Tông tòa tại Cao Ly, và Phaolồ Châu cùng các bạn) do Đức Hồng y Vico, Tổng Trưởng Bộ Nghi Lễ ký ngày 13.11.1918. Có thể đọc nguyên văn của Sắc lệnh này trong Acta Apostolicae Sedes (AAS), vol (X) năm 1918, trang 509-513. Xem thêm Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 258-259; Mémorial Mission de Qui Nhon, No. 148, 20 Mars 1919, tr. 20-25.

[35] Đamianô Grangeon Mẫn, Văn thư thành lập Hội Phaolồ Châu, ngày 29.6.1921, tr. 3.

[36] Nên biết, trong thời Đức Cha Mẫn (1902-1930), ngày 03.12.1924, Tòa Thánh đổi tên các Giáo phận Tông tòa tại Việt Nam theo tên địa hạt hành chánh nơi đặt Tòa Giám mục. Vào thời đó Tòa Giám mục của Giáo phận Đông Đàng Trong là ở Làng Sông, nhưng Giáo phận lại lấy tên là Giáo phận Qui Nhơn như ngày nay. Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 264.

[37] Ngoài việc lập Hội Phaolồ Châu, Đức Cha Mẫn khi cai quản giáo phận đã có công tiếp tục đẩy mạnh công cuộc truyền giáo tây nguyên, chú trọng đào tạo linh mục và thầy giảng, thành lập nhiều địa sở mới, phân định rõ ràng ranh giới giáo phận, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, văn hóa và truyền thông, thúc đẩy việc học và thi giáo lý, đặc biệt Đức Cha đã có công cải tổ Dòng Mến Thánh Giá, thành lập Dòng Giuse và trại phong Qui Hòa. Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd., tr. 251-274.

[38] Ví dụ, năm 1958, theo thống kê ghi lại trong Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr.21, cha Võ Ngọc Nhã, giám đốc chủng viện Làng Sông, đặc trách Hội, nhận xét rằng có «3 cha đã vào Hội, mà hai cha vào cho cha mẹ mình, mặc dầu các cha làm lễ cho cha mẹ, nhưng vẫn lo phòng về sau».

[39] Xem Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Thư Đức Giám mục Giáo phận gởi Hội Phaolô Châu và cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn nhân ngày cử hành năm Đức tin cho Hội Phaolô Châu”, ngày 30.5.2013, trong Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 181, tháng 5 năm 2013, tr. 388-390.

[40] Chẳng hạn như: Hoa Vông, Quán Cau, Phú Điền, Suối Môn, Cây Me, Đá Trắng, Lạc Chỉ, Đồng Cam, Đồng Thổ và Sông Cái, Thầy Đông, Đồng Cháy, Lê Uyên, Cây Gia, Suối Bạc, Đầm, Thăng Bình, Mộ, Diêm Vân, Xóm Chuối, Xuân Yên, Thạnh Hòa, Mỹ Chí, Chánh Lộc, Chánh Đạt, Mỹ Bình, Phương Phi, Phương Thới, Gia Phước, Đông Lương, Vạn Sơn, An Đước, Vạn Định, Vạn An, An Hội, Lộc Thái, Mỹ Trang, Đồng Gí, Đồng Hâu, Phú Ninh, Hội Đức, Trung Yên, Tân Đức, An Dưỡng, Tấn Thạnh, Tài Lương, Phú Triêm, Tăng Long, Mỹ Thọ, Lại Được, Truông Ổi, Truông Lương, Lại Khánh, Xoài, Phú Sanh, Bàu Giêng, Hy Văn, Hy Thế, Cẩn Hậu, Cự Tài, Hung-Ngãi-Vạn-Lý, Hào Thịnh, Giêng Trường, An Thành, Đạm Thủy, Phú Vang, Lương Nông, Trà Niên, Thiết Tràng, Đõng Lương, La Châu, Long Bàn, Yên Sơn, Hải Châu,…

 


 

 

Thư Đức Cha Đamianô Grangeon viết ngày 1.9.1925

Một trang ghi chép của Hội Phaol Châu từ năm 1921

 

x

 

Giấy chứng nhận Hội Phaol Châu năm 1941

 

x


Giấy chứng nhận Hội Phaol Châu năm 1960

 

x


Giấy chứng nhận Hội Phaol Châu năm 1976
 

x


Giấy chứng nhận Hội Phaol Châu năm 1996

 

x


Giấy chứng nhận Hội Phaol Châu năm 2001



 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

 Tags: phaolồ Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay20,045
  • Tháng hiện tại384,166
  • Tổng lượt truy cập28,699,535

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây