Lược sử Giáo xứ Cù Lâm

Thứ tư - 24/01/2018 08:11
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ CÙ LÂM


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
        Địa bàn hành chánh giáo xứ Cù Lâm bao gồm xã Nhơn Tân huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Địa bàn mục vụ của giáo xứ gồm giáo họ Cù Lâm và giáo họ Cầu Máng.
        Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Cù Lâm, thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhà thờ Cù Lâm cách ngã tư quán Cây Ba – Quốc lộ 19  khoảng 2,5 km theo hương lộ về hướng Tây.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
        Cù Lâm, một tên gọi đã có từ lâu đời. Theo địa bạ triều Nguyễn, Cù Lâm thuộc tổng Thời Đôn huyện Tuy Viễn, tên gọi cũ là Long Hà Kiên Uy Nhất. [1] Theo Huình-Tịnh Paulus Của, Cù là "loài rồng không sừng; tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chỗ nó dậy thành sông".[2] Như vậy, tên gọi Cù Lâm cũng như tên cũ của nó đã nói lên đây là một vùng đất triển vọng cho cư dân nông nghiệp. Vùng đất nầy thuộc thung lũng dãy núi An Tượng, nguồn của sông An Tượng. [3]  Sông tiếp nhận nhiều nguồn nước từ các khe suối, quanh co uốn khúc trong các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, rồi hợp lưu với sông Kôn tại Cửa Tiền thành Bình Định. Cầu Tân An trên Quốc lộ I thuộc xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn là cầu bắc qua sông Cửa Tiền, nước lúc nào cũng trong xanh. [4]
        Địa giới Cù Lâm theo địa bạ triều Nguyễn (1840), Đông giáp thôn Đông Lâm, lấy thủy đạo làm giới; Tây giáp ba thôn Tráng Long, An Trường, Nhơn Ngãi; Nam giáp núi; Bắc giáp ba thôn Tráng Long, Phụ Ngọc, Nhơn Ngãi. Diện tích điền thổ 223 mẫu 6 sào 14 thước, trong đó thổ cư 5 mẫu 7 sào 7 thước và một nghĩa địa.
        Cù Lâm, vùng đất triển vọng đã được hạt giống Tin Mừng nẩy mầm từ trước năm 1850. Theo báo cáo của Đức cha Stêphanô Thể gởi Hội Thừa Sai Paris năm 1850 thì Cù Lâm là một trong 18 giáo điểm thuộc hạt (paraecia) Phù Ly. Lúc bấy giờ Cù Lâm có 28 tín hữu.[5]
        Trong thung lũng An Trường có một địa điểm được biết dưới tên là Đất Đạo nằm trong vùng đèo Đá Chẹt, ngày nay nằm trong lòng hồ Núi Một. Lúc bấy giờ, đây là một vùng xa xôi hẻo lánh, ông trùm Anrê Nguyễn Kim Thông đã trưng khẩn, khai hoang để làm nơi trú ẩn dự phòng cho các tín hữu khi bị triều đình nhà Nguyễn ban hành các chiếu chỉ cấm đạo gắt gao, kể từ năm 1833. Có thể nhóm tín hữu đầu tiên ở giáo điểm Cù Lâm là những tín hữu tiên phong mở đường khai khẩn đất hoang cho kế hoạch dự phòng nầy.
        Hạt giống đức tin ở Cù Lâm vừa mới nẩy mầm đã phải đón nhận những thử thách qua cuộc bách hại của phong trào Văn Thân. Tháng 8 năm 1885, nhà thờ và nhà giáo dân bị Văn Thân đốt phá bình địa, có khoảng 25 giáo dân bị chôn sống tập thể. Ngày nay còn 4 ngôi mộ, 3 mộ dài kế bên nền nhà thờ cũ và một mộ giếng cách khoảng hơn 100m về hướng Tây. Hai mộ dài song song nền nhà thờ và mộ giếng, trước đây được giáo dân Cù Lâm tảo mộ hằng năm vào ngày mồng ba Tết. Còn một mộ dài có chiều ngang rộng hơn hai mộ kia do dòng tộc ông Trần Hương tu tảo vào ngày 25 tháng Chạp, mộ nầy có hai nữ tu và những người thuộc gia tộc ông Trần Hương bị giết.
        Tương truyền bà vợ Mai Xuân Thưởng[6] nhận một cậu bé làm con nuôi, nhờ đó cậu được sống sót. Cậu bé ấy sau nầy là ông câu Phêrô Trần Hương. Ông lập gia đình, sinh ra con cháu họ Trần đông đúc ở Cù Lâm ngày nay.
        Sau Văn Thân, ông Phêrô Trần Hương không quên gốc gác của mình, nên đã trưng đất, lập lại nhà thờ Cù Lâm tại vị trí hiện nay, cách nhà thờ cũ 300m về hướng Nam. Nhà thờ được làm bằng vách đất, lợp tranh. Có nhà vuông, nhà khói (để nấu ăn). Địa danh Xóm Mới, Phúc Mới, Xóm Đạo có từ đó đến nay. Đất vườn xung quanh nhà thờ đa số là đất nhà chung, do ông Trần Hương đứng tên trích lục. Ông có uy tín cả đạo và đời, trong giáo họ ông được gọi là ông Câu, trong làng xóm ông được gọi là ông Cả. Người con kế nghiệp ông cả đạo và đời là ông Trần Kinh, còn gọi là ông câu Phán.
       Trước 1889, giáo họ Cù Lâm thuộc địa bàn mục vụ của các cha ở Kỳ Bương. Khi giáo xứ Kim Châu được thành lập (1889), Cù Lâm là một giáo họ thuộc giáo xứ Kim Châu.
        Năm 1931, giáo xứ Trường Cửu được thành lập gồm các giáo họ: Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Cù Lâm, Trung Ái và Nghiễm Hòa. Từ đây, Cù Lâm là một giáo họ của giáo xứ Trường Cửu.
         Năm 1933, cơn bão lớn đã làm hư hại nhà thờ Cù Lâm.
        Năm 1935, cha Gioan Baotixita Hậu, cha sở Trường Cửu, đã làm lại nhà thờ Cù Lâm hình dáng nhà lá mái, mái lợp ngói vảy, vách đất tô vôi bên ngoài. Nhà vuông cũng được làm lại với kết cấu như nhà thờ.
        Năm 1940, giáo họ Cù Lâm có 157 giáo dân.[7] 
       Thời gian chiến tranh từ năm 1965 đến 1975, số giáo dân và sinh hoạt không ổn định, một số di cư, một số còn ở lại, một số đi đi về về. Kể từ năm 1973, số giáo dân còn lại, ban đêm phải tạm trú ven quốc lộ 19, ban ngày về lại làm ăn. Mọi sinh hoạt mục vụ bị gián đoạn. Nhà thờ gần như bỏ hoang.
Sau khi hòa bình vãn hồi, một số giáo dân hồi cư ngay trong năm 1975 khoảng 18 gia đình, nâng số giáo dân trong năm 1975 là 43 gia đình với khoảng 230 giáo dân.
       Ngày 26.7.1992, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã bổ nhiệm cha Phaolô Trương Đình Tu làm cha sở Trường Cửu, thay cha Thọ về nghỉ hưu.
       Sau bao nhiêu năm mái tranh vách đất chịu đựng với gió mưa, nhà thờ Cù Lâm đã rệu rã. Ngày 02.02.1998, cha Tu đặt viên đã đầu tiên xây dựng nhà thờ mới với tổng diện tích 450m² ngay trên nền nhà thờ cũ nhưng rộng hơn nhà thờ cũ. Mặt tiền nhà thờ cũ quay về hướng Tây theo trục giao thông chính ngày xưa nằm ở hướng Tây. Mặt tiền nhà thờ mới quay về hướng Đông, hướng ra trục hương lộ từ quán Cây Ba, quốc lộ 19 vào An Trường, hồ Núi Một. Hương lộ nầy được mở thời Tổng thống Ngô Đình Diệm khai khẩn dinh điền An Trường. Ông Trần Ban, con ông Câu Hương đã thương lượng mua đất để nối đường từ nhà thờ giáp với hương lộ như hiện nay. Ngày 23.8.2002, nhà thờ được khánh thành. Đây là một công trình mỹ thuật và công phu. Bàn thờ và nội thất nhà thờ được làm bằng gỗ, chạm trổ, sơn son thếp vàng. Từ đây, cộng đoàn tín hữu Cù Lâm có thánh lễ hằng ngày.
       Ngày 22 tháng 3 năm 2010, cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Trường Cửu. Cha Tâm tiếp nối công việc mục vụ của cha sở tiền nhiệm. Cha ổn định tường rào cổng ngõ khuôn viên nhà thờ Cù Lâm, xây tượng đài Thánh Giuse, xây nhà xứ Cù Lâm.
Thành lập giáo xứ
          Ngày 30.08.2012, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi thành lập giáo xứ Cù Lâm gồm các giáo họ Cù Lâm và Cầu Máng được tách ra từ giáo xứ Trường Cửu.
Các cha sở giáo xứ Cù Lâm
          Cùng ngày 30.08.2012, cha Giuse Nguyễn Văn Thành được bổ nhiệm làm cha sở Cù Lâm.
          Trước thánh lễ công bố quyết định thành lập và bổ nhiệm cha sở Cù Lâm, Đức Cha Matthêô đã chủ sự nghi thức làm phép nhà xứ Cù Lâm do cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm xây dựng vừa mới hoàn thành.
          Ngày 19.3.2014, cha Giuse Nguyễn Văn Thành khởi công xây dựng nhà giáo lý. Ngày 30.8.2014, nhà giáo lý được khánh thành.
 

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2016)

          STT
GIÁO HỌ GIÁO KHU
ĐỊA CHỈ
NHÀ THỜ,
N. NGUYỆN
TÌNH HÌNH GIÁO DÂN
BỔN MẠNG
NGÀY
BM
XÂY
DỰNG
HIỆN TRẠNG
GIA ĐÌNH
 GIÁO DÂN
1
CÙ LÂM
Nam Tượng 3, Nhơn Tân,
An Nhơn
2002
mới
185
646
Thánh Giuse
19.3
 
Gk.
Mẹ lên trời
 
 
 
 
42
150
Đức Mẹ hồn xác lên trời
15.08
 
Gk.
Phêrô -Phaolô
 
 
 
40
135
T. Phêrô và Phaolô
29.06
 
Gk.
Thánh Tâm
 
 
 
37
127
Thánh Tâm CGS
tháng 6
 
Gk.Mân Côi
 
 
 
37
128
Mẹ Mân Côi
07.10
2
Cầu Máng
Thọ Tân Bắc, Nhơn Tân,
An Nhơn
1956
không còn
29
106
Thánh
Gioan Tẩy Giả
24.06

                                                                        TỔNG CỘNG: 214 gia đình, 752 giáo dân


IV. LINH MỤC, TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
STT
HỌ TÊN
GIÁO HỌ
GHI CHÚ
1
Cha Phêrô Nguyễn Tuần
Cù Lâm
† 1952 tại Bình Chính
2
Cha Phêrô Trần Đức Thích
Cù Lâm
† 1958 tại Kontum
3
Thầy Cyrille Trần Đức Thành
Cù Lâm
Dòng Thánh Giuse † 2002
4
Thầy M. Matthêô Trần Văn Lâm
Cù Lâm
Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn
5
Nữ tu Anna Phạm Thị Kim Oanh
Cù Lâm
Nữ Tỳ CGS Tình Thương
6
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ly Khiết
Cù Lâm
Nữ Tỳ CGS Tình Thương
7
Nữ tu Anna Nguyễn Thị Ly Kha
Cù Lâm
Phaolô Đà Nẵng
 
 
[1] NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Bình Định II, tp. HCM 1996, trang 578-583.
[2] HUÌNH-TỊNH PAULUS CỦA, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Imp. Rey, Sài Gòn 1895, mục từ Cù.
[3] Ngọn núi giống như con voi nằm (An Tượng), đầu hướng về Đông. Ngày nay còn gọi là An Trường.
[4] Khúc sông Kôn chảy qua Cửa Tiền thành Bình Định gọi là sông Cửa Tiền.
[5] Mémorial Mission de Qui Nhơn, số 58, tháng 10/1909, trang 152.
[6] Thủ lãnh phong trào Cần Vương ở Bình Định.
Mémorial Mission de Qui Nhơn, de Septembre-Octobre 1940, trang 5.[7]
 
 

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay12,085
  • Tháng hiện tại613,590
  • Tổng lượt truy cập28,265,477

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây