Lược sử Giáo xứ Đại An

Thứ sáu - 19/10/2018 08:57

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐẠI AN


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Đại An bao gồm địa bàn các thôn Xuân An, Chánh Lạc, Chánh Liêm, Chánh Lý thuộc xã Cát Tường; các xã Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng thuộc huyện Phù Cát; các thôn Hòa Tây, Hòa Đông, Bình An, Nhơn Thiện thuộc xã Nhơn Hạnh và xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Địa bàn mục vụ giáo xứ Đại An: phía Bắc giáp giáo họ biệt lập Hòa Mục, phía Nam giáp giáo xứ Nam Bình, phía Đông giáp giáo xứ Vĩnh Thạnh, phía Tây giáp giáo xứ Phù Cát.
Nhà thờ Đại An tọa lạc trên đường quốc lộ 19B, tại thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

 

 

https://farm5.staticflickr.com/4563/38533538841_b0fe4acba1_o.jpg


II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Giai đoạn hình thành
Đại An là vùng đất ở giữa những giáo điểm lâu đời như Mương Lỡ ở phía Bắc, Diêm Điền, Gò Thị, Xóm Nam ở phía Nam. Từ những giáo điểm đó, Tin Mừng được đưa đến Đại An. Giáo điểm Đại An đã được thành lập khoảng năm 1835-1836. Số giáo dân phát triển rất chậm dưới các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Số giáo dân duy trì suốt một thời gian dài chỉ khoảng trên dưới 50 người. Theo thống kê năm 1850, trong 17 họ đạo thuộc địa sở Tam Thuộc có các họ đạo thuộc giáo xứ Đại An ngày nay: Đại An có 71 giáo dân, Tân Hội 91 giáo dân, Thơ Lĩnh[1] 61 giáo dân. Năm 1859, thời điểm vua Tự Đức ban hành sắc chỉ cấm đạo gắt gao, số giáo dân họ đạo Đại An khoảng 100 người. Sau khi chiếu chỉ tha đạo được vua Tự Đức ban hành, số giáo dân cũng không tăng mấy.
Trong những năm cấm đạo gắt gao, Đức cha Cuénot Thể phải ẩn trú rày đây mai đó trong Giáo phận. Năm 1855, sau khi trốn lánh và dưỡng bệnh ở Gia Hựu, trên đường trở về Gò Thị, ngài ghé thăm Thác Đá, Đồng Hâu, Đồng Quả, chủng viện Mương Lỡ và Đại An.
Khi chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức được thi hành triệt để, cha Giuse Stêphanô Chung, quê họ đạo Thơ Lĩnh, gần Cảnh Hàn, bị bắt tại họ đạo Phú Cốc, chịu trảm quyết tại Gò Chàm vào ngày 23 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 12, khoảng đầu năm 1860.[2] Ông Tađêô Quí giáo dân họ đạo Tân Hội bị trảm quyết tại Gò Chàm vào ngày 02 tháng 3 năm Tự Đức thứ 15, khoảng tháng 5 năm 1862.[3] Cha Chung và ông Quí đã được Tòa thánh tôn lên hàng Tôi tớ Chúa tử đạo trong Sắc lệnh ban hành ngày 12 tháng 11 năm 1918.
Khoảng thời gian 1880 – 1885, số giáo dân gia tăng, năm 1885 Đại An có khoảng 350 người với một nhà nguyện đơn giản. Đầu tháng 08 năm 1885, hầu hết giáo dân Đại An bị Văn Thân thiêu sống trong nhà nguyện, chỉ có 20 người trốn thoát và 12 người chối đạo còn sống sót. Cảnh Hàn, Thạnh Hòa, Tân Hội, những họ đạo ven sông cùng chịu chung cuộc bách hại, tuy nhiên số giáo dân trốn thoát được nhiều hơn. [4]

2. Phát triển thành địa sở
Sau đại nạn Văn Thân, Đại An dần dần được hồi sinh theo các đời cha sở Đại An. Năm 1889, cha Damien Grangeon Mẫn, một thừa sai trẻ được bổ nhiệm làm việc tại Đại An. Năm 1890, một thừa sai trẻ khác cũng được bổ nhiệm đến Đại An là cha Louis Blais Lực, thay cho cha Grangeon Mẫn.[5]
Nhờ ơn Chúa và sự năng động của 2 linh mục này, Đại An được hồi sinh rất nhanh. Theo báo cáo hằng năm của Đức cha Van Camelbecke Hân về Giáo phận Đông Đàng Trong năm 1890, Đại An có 1.344 Kitô hữu,[6] trong đó có 767 tân tòng được cha Grangeon Mẫn rửa tội và 166 người được cha Louis Blais Lực rửa tội. Vì số người tân tòng ở rải rác trong địa bàn mục vụ, nên các họ đạo mới được thành lập: Mỹ Chí, Xuân Yên, Vạn Sơn, Chánh Lộc, đồng thời tái thành lập các họ đạo đã có trước: Kiều Đông, An Đước và một số họ đạo khác. Họ đạo Kiều Đông trước đó thuộc địa bàn mục vụ của các cha ở Gò Thị, nhưng được sáp nhập vào địa sở Đại An năm 1890 để thuận lợi cho việc mục vụ.
Năm 1893, chủng viện thứ hai trong Giáo phận được xây dựng tại Đại An, vì chủng viện Làng Sông không đủ chỗ cho số chủng sinh của Giáo phận. Năm 1894 công trình xây dựng được hoàn tất và đưa vào sinh hoạt dưới sự điều hành của cha Panis Ngãi. Cha Grangeon Mẫn từ Làng Sông về làm giáo sư ở chủng viện nầy. Sau khi chủng viện được thành lập, một vài cơ sở khác của nhà chung cũng lần lượt được thành lập tại khu đất liền kề chủng viện như: Trường thầy giảng (1897), nhà hưu dưỡng các linh mục Việt Nam (1909), phòng thuốc, phước viện Mến Thánh Giá.[7] Tất cả các cơ sở nầy có quy chế sinh hoạt riêng, không thuộc quyền cha sở Đại An. Tuy nhiên nó đã đem lại cho giáo dân Đại An giá trị tinh thần như cha Jean Gagnaire Định viết trong báo cáo năm 1903: "Họ không giàu của cải vật chất, vì họ sống ở một vùng đất khô cằn, đôi khi bị nắng cháy khô hạn, đôi khi bị tàn phá bởi những con suối chảy từ trên núi xuống. Giáo dân Đại An đã nhận được một nền giáo dục vững chắc và một đức tin sống động. Đại An có lợi thế lớn khi có Đại chủng viện trong địa bàn của mình".[8]
Từ năm 1903, Đức cha Damien Grangeon Mẫn quyết định trường Làng Sông là Tiểu chủng viện dành cho các chú, dưới sự điều hành của cha Gagnaire Định, với sự phụ giúp của hai thừa sai và một linh mục Việt Nam; còn chủng viện Đại An là Đại chủng viện dành cho các thầy, dưới quyền điều hành của cha Constant Jeanningros Vị, với sự trợ giúp của một thừa sai và một linh mục Việt Nam. Trường đào tạo các thầy giảng vẫn được gắn liền với Đại chủng viện Đại An.
Năm 1895, cha Blais Lực đã khởi công xây dựng nhà thờ Đại An. Nhìn thấy công trình sắp hoàn thành, cha vui mừng chắp bút: "Cuối cùng, tôi phải nói một lời về nhà thờ to lớn đang sắp hoàn thành ở Đại An. Giáo dân của tôi và tôi rất vui mừng khi có một ngôi đền thờ xứng đáng với Thiên Chúa được thờ phượng ở đó. Những cực nhọc, lo lắng, hy sinh mà chúng tôi bỏ ra đã được quên hết, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc chiêm ngưỡng nó. Ngày khánh thành nơi thánh mới nầy sẽ là ngày lễ cao quý đối với chúng tôi".[9] Ngày 09 tháng 03 năm 1896, Đức cha Van Camelbeke Hân chủ sự lễ khánh thành trọng thể, có sự hiện diện của các chú ở Tiểu chủng viện Làng Sông.
Năm 1897, riêng họ đạo Đại An đã có số giáo dân gần 500 người. Trong 7 năm làm việc tại Đại An, cha Blais Lực đã thành lập 9 họ đạo và lập lại nhiều nhà thờ, nhà nguyện ở trong vùng. Năm 1897, cha được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu.
Năm 1899, dưới thời cha Gagnaire Định làm cha sở, một số họ đạo: Kiều Đông, Gò Găng (Châu Thành), Tân Hòa, Phú Gia, Vạn Sơn, được tách khỏi Đại An để lập thành địa sở Kiều Đông. Năm 1900, cha Gagnaire xây dựng nhà xứ Đại An đủ lớn, tiện nghi, theo kiểu dáng như nhà thờ.
Năm 1903, cha Jean Souverbielle Đoán được bổ nhiệm làm cha sở Đại An. Theo báo cáo hằng năm, năm 1903 Đại An đã có 2.555 giáo dân, trong 16 họ đạo. Riêng năm này có 153 người lớn được rửa tội. Năm 1905 số tín hữu Đại An có 2.604 người. Năm 1921, một số họ đạo của Đại An được tách cho Phương Phi, nên năm 1922 Đại An chỉ còn 1.103 tín hữu.
Năm 1932, Đại Chủng viện Đại An được dời về Qui Nhơn.[10] Giàn gỗ nhà nguyện của Đại chủng viện được tháo dỡ đem về ráp lại ở Đại chủng viện Qui Nhơn.[11] Hai tháp cao của nhà nguyện do cha Panis Ngãi xây dựng năm 1896 còn để lại. Năm 1947, Việt Minh ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, hai tháp nầy bị phá hủy. Năm 1943, Nhà hưu dưỡng linh mục được dời về Làng Sông. Sau khi các cơ sở được dời đi, cả quần thể nầy được bán cho ông Cửu Bá ở Chánh Lộc.[12]
Năm 1942 địa sở Đại An có 1.040 giáo dân trong 6 họ đạo: Đại An, Cảnh Hàn, Xuân Yên, Thạnh Hòa, Tân Hội và Mỹ Chí. Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 06 tháng 02 năm 1961, địa sở Đại An được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[13] 
Năm 1965, vì lý do chiến tranh, cha Antôn Hoàng Liên Mầu cùng với giáo dân di cư đến thị trấn Phù Cát. Mặc dù ở trong địa bàn của giáo xứ Phù Cát nhưng cha Mầu vẫn là cha sở của giáo dân di cư nầy. Ngày 17 tháng 11 năm 1971, cha Mầu đột ngột qua đời.
Cha Simon Nguyễn Kim Ngọc được bổ nhiệm làm cha sở Đại An tại Trung tâm huấn luyện Phù Cát.[14] Cha đã đến nhận nhiệm sở vào ngày 12 tháng 12 năm 1971. Do chiến cuộc năm 1975, cha di cư sang Hoa Kỳ, một số giáo dân di cư nơi khác.

3. Giai đoạn thuộc quyền cha sở Phù Cát
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, một số ít giáo dân lần hồi trở về Đại An. Cuối năm 1977, tại Đại An có khoảng 339 người trong 64 gia đình; Thạnh Hòa và Tân Hội khoảng 83 người trong 15 gia đình; Xuân Yên khoảng 131 người trong 21 gia đình. Nhà thờ Đại An cũng như các nhà thờ giáo họ đều bị hoang phế. Mặt tiền nhà thờ Đại An loang lổ vết đạn, mái ngói lơ thơ còn vài nhóm bám víu vào mấy khúc rui mè, tường đã rêu phong. Giáo dân xót xa chứng kiến cảnh hoang tàn của một công trình vang bóng một thời.
Trong bối cảnh đó, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Công Sanh, cha sở Phù Cát, kiêm nhiệm mục vụ giáo xứ Đại An. Lúc bấy giờ Đại An như một giáo họ của giáo xứ Phù Cát. Giáo dân phải đi bộ hoặc đi xe đạp lên Phù Cát để lãnh nhận các bí tích. Do đó, việc giữ ngày Chúa nhật là một thách đố đối với nhiều người. Để có thể nuôi dưỡng đức tin, một số giáo dân thiện chí có thể nêu lên ở đây như bà Chín Cả, bà Mười Đồng, bà Năm Lạc, bà Sáu Tụng, bà Trâm, ông bà Đờn, ông bà Quyển, bà Ba Tiến... đem tượng Đức Mẹ đặt ở phần còn lại phía sau của nhà xứ, dù chỉ còn ba bức vách rêu phong. Nơi đây Mẹ đón nhận những lời kinh trong nước mắt của những đứa con.
 Năm 1984, nhà thờ bị chính quyền địa phương tháo dỡ, san bằng để làm trường học. Năm 1994, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các giao cha Sanh xây dựng lại nhà thờ trên nền nhà xứ cũ của Đại An với diện tích 20,5m x 11,7m. Thầy Anrê Đinh Duy Toàn, đang ở với gia đình tại Thạnh Hòa, là người trực tiếp tập kết vật tư và thi công. Nhà thờ nay vẫn đang được sử dụng. Ngoài ra, phía đông hang đá Đức Mẹ có ba gia đình cũng được thỏa thuận để họ dời đi nơi khác. Hang đá Đức Mẹ được trùng tu. Ngày nay chỉ còn phần trên, phần đế hang đá bị lấp, vì nơi đây là chỗ trũng, thấp hơn mặt đường.
Mặc dù đã có nhà thờ nhưng giáo dân vẫn phải lên Phù Cát dâng lễ Chúa Nhật, nhất là các em phải lên Phù Cát để học giáo lý rước lễ lần đầu và thêm sức. Để giải quyết vấn đề các em phải đi xa mà thiếu phương tiện, cha Sanh đã thuê mỗi hai tuần một chuyến xe để đưa các em lên Phù Cát học giáo lý và dâng lễ Chúa Nhật.
Ngày 18 tháng 06 năm 2005, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn ký Văn thư bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm làm cha sở Phù Cát. Tiếp nối công việc của cha tiền nhiệm, cha Khiêm củng cố ban chức việc, cử người dạy giáo lý cho các em, hằng tuần cha về Đại An dâng lễ.
Ngày 23 tháng 10 năm 2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn ký Văn thư bổ nhiệm cha Giuse Phan Văn Hay làm phó xứ Phù Cát. Từ đây giáo dân xứ Đại An được hai cha thay phiên lên xuống chăm sóc mục vụ. Để chuẩn bị cho ngày Đại An được tái thành lập xứ, cha Khiêm xây nhà xứ tạm đủ cho việc sinh hoạt.
Ngày 01 tháng 09 năm 2015, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Văn thư bổ nhiệm cha Giuse Phan Văn Hay, phó xứ Phù Cát, đặc trách giáo họ biệt lập Đại An gồm các giáo họ: Đại An, Xuân Yên, Cảnh Hàn, Thạnh Hòa và Tân Hội. Văn thư có hiệu lực từ ngày công bố 04 tháng 09 năm 2015.

4. Tái lập giáo xứ
Ngày 01 tháng 07 năm 2016, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Văn thư tái lập giáo xứ Đại An, cùng ngày Đức cha cũng ký Văn thư bổ nhiệm cha Giuse Phan Văn Hay làm cha sở Đại An. Hai Văn thư nầy có hiệu lực từ ngày công bố, 18 tháng 07 năm 2016.
Cuối năm 2017 giáo xứ Đại An có 241 gia đình, 885 tín hữu, được phân bố trong 4 giáo họ: Đại An 517, Cảnh Hàn 106, Thạnh Hòa 128, Xuân Yên 134.

5. Các linh mục chánh xứ và phó xứ
- Các cha xứ
1. Cha Damien Grangeon Mẫn  (1889-1890) [15]
2. Cha Louis Blais Lực  (1890-1897)
3. Cha Jean Gagnaire Định (1897-1902)
4. Cha Jean Souverbielle Đoán (1903-1905)
5. Cha Eugène Durand Lộc (1905-1906)
6. Cha Louis Guillot Nhứt (1906-1907)
7. Cha Justin Etcheberry Ân  (1908-1913)
8. Cha Antoine Sudre Thọ (1913-1923)
9. Cha Micae Thiên (1923-1930)
10. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Hộ (1930-1936)
11. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đức Quảng (1936-1938) 
12. Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước (1938-1941)
13. Cha Gioakim Bùi Vĩnh Mười (1941-1947) 
14. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội (1947-1948)
15. Cha Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên (1948-1955)
16. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1956-1957)
17. Cha Giuse Lê Văn Ly (1957-1958)
18. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1958-1959)
19. Cha Antôn Hoàng Liên Mầu (1959-1971)
20. Cha Simon Nguyễn Kim Ngọc (1971-1975).
21. Cha Phêrô Nguyễn Công Sanh, cha sở Phù Cát kiêm nhiệm (1975 - 2005)
22. Cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm, cha sở Phù Cát kiêm nhiệm  (2005 - 2015)
23. Cha Giuse Phan Văn Hay (2015 - ...)

- Các cha phó
1. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sanh (1892-1893).
2. Cha Auguste Geoffroy Kim (02.1895-11.1895), ở tại Kiều Đông.
3. Cha Giuse Phan Văn Đến (1896-1899), cha phó biệt lập ở tại Kiều Đông, phụ trách các họ đạo Châu Thành (Gò Găng), Tân Hòa, Kiều An, Xuân Kiều (Kiều Huyện), Phú Gia và Vạn Sơn.[16]
4. Cha Phêrô Phan Nho (1903-1907).
5. Cha  Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hậu (1912-1914).
6. Cha Simon Trần Văn Phiến (1918-1921).
7. Cha Giuse Trần Hoàng Thiện (2017 -...).

6. Linh mục, tu sĩ, chủng sinh xuất thân từ giáo xứ
1. Cha Giuse Chung, Cảnh Hàn, Tử đạo 1860
2. Cha Phaolô Phan Văn Thoàn, Cảnh Hàn †1921
3. Cha Stêphanô Phan Văn Bính, Cảnh Hàn †1959
4. Cha Antôn Huỳnh Ngọc Thạnh, Thạnh Hòa, †1941
5. Cha Micae Ngô Trung Lành, Tân Hội †1978
6. Cha Phêrô Huỳnh Quang Sinh, Tân Hội †1975
7. Cha Phaolô Huỳnh Biên, Tân Hội †1980
8. Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh, Thạnh Hòa          
9. Cha Antôn Trần Bạch Hổ, Đại An, Dòng Ngôi Lời
10. Cha Anrê Đinh Duy Toàn, Thạnh Hòa, Dòng Chúa Cứu Thế
11. Cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, Đại An         
12. Nữ tu Maria Dương Thị Xuân Thanh, Đại An, Dòng Trợ Thế Thánh Tâm
13. Thầy Phêrô Nguyễn Thanh Thảo, ĐCV Sao Biển Nha Trang

 


[1]  Thơ Lĩnh nay là Cảnh Hàn.

[2] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 53, 24 Mai 1909, tr. 87.

[3] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 53, 24 Mai 1909, tr. 86-87.

[4] Xem Compte-rendu et état de la Mission de Septembre 1941 à Septembre 1942, Imprimerie de Quinhon, Quinhon - (Annam) 1942, tr. 7-8.

[5] Cha Grangeon Mẫn về làm giáo sư ở Chủng viện Làng Sông.

[6] Lúc bấy giờ địa bàn mục vụ của Đại An bao gồm địa bàn của giáo xứ Phù Cát và giáo xứ Đại An ngày nay.

[7] Quần thể nầy tọa lạc phía Tây nhà thờ Đại An, cách nhà thờ về phía Tây khoảng 300 m.

[8] AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1903.

[9] AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1895.

[10] Xem AMEP, Rapport annuel de Quinhon 1932.

[11] Ngày nay vẫn còn tại cơ sở Đại chủng viện Qui Nhơn xưa do trường Đại học Qui Nhơn quản lý.

[12] Ông Cửu Bá tên thật là Gioakim Nguyễn Văn Lượng. Nguyên là thầy giảng, học trò của Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn. Ông lập gia đình với bà Maria Mađalêna Nguyễn Thị Bá. Ông qua đời năm 1948.

[13] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.

[14] Khu tạm cư của giáo dân Đại An tọa lạc trong khu vực Trung tâm Huấn luyện lính địa phương của tỉnh Bình Định.

[15] Sinh ngày 27.09.1857 tại Gelles (Pháp), thụ phong linh mục ngày 18.02.1883. Năm 1902 làm Giám  mục, Đại diện Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn).

[16] Các họ đạo nầy được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến 1900.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập83
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay11,070
  • Tháng hiện tại529,665
  • Tổng lượt truy cập28,845,034

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây