Lược sử Giáo xứ Qui Đức

Thứ hai - 11/06/2018 20:18

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ QUI ĐỨC


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Qui Đức bao gồm trọn phường Đống Đa, một phần phường Nhơn Bình và phường Nhơn Phú, thành phố Qui Nhơn. Phía Bắc giáp giáo họ biệt lập Sông Cát và giáo xứ Tân Dinh, phía Nam giáp giáo xứ Chính tòa, giáo xứ Xuân Quang và giáo xứ Đồng Tiến, phía Đông giáp Đầm Thị Nại, phía Tây giáp giáo xứ Phú Thạnh và giáo xứ Ngọc Thạnh.
Nhà thờ Qui Đức tọa lạc tại 946 Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Qui Nhơn.
 


II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Nguồn gốc
Vùng đất mà ngày nay có nhà thờ Qui Đức mang tục danh là Gò Rộng. Tên gọi Gò Rộng có thể vì trước kia là gò đất rộng rãi to lớn để chôn xác chết, trong nghi thức chôn cất, khi đặt quan tài xuống huyệt để lấp, người ta gọi là nghi thức hạ rộng hay hạ huyệt. Cũng có những người cao tuổi đã được sinh ra và lớn lên tại vùng đất nầy cho biết trước khi có tên Gò Rộng, vùng đất nầy còn có tên là Gò Rồng. Tên gọi nầy vừa nói lên vùng đất nầy có nhiều cây xương rồng (cây gai bàn chải), vừa nói ngọn núi Hưng Thạnh (Núi Một), phía sau nhà thờ, giống như con rồng.
Ngày xưa vùng đất này thuộc làng Hưng Thạnh, nay là phường Đống Đa của thành phố Qui Nhơn. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, ông Pasquier, ký ngày 30 tháng 04 năm 1930, thị xã Qui Nhơn được chia làm 5 khu: Khu I và khu II là đất của làng Chánh Thành, khu III và khu IV là đất của làng Cẩm Thượng, khu V là đất của làng Hưng Thạnh. Địa bạ làng Hưng Thạnh thời vua Gia Long bị thất lạc. Năm 1839, vua Minh Mạng cho lập lại địa bạ làng Hưng Thạnh có 56 mẫu, 08 sào, 12 thước 4 tấc.[1] Tại vùng đất này hiện nay có cụm tháp Đôi, còn gọi là tháp Hưng Thạnh, một tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Theo các nhà khảo cổ, tháp Hưng Thạnh là một tổng hòa giữa nghệ thuật Chămpa và nghệ thuật Khmer thời Angkor Vat.
Vào khoảng năm 1918 đến năm 1920, vùng đất Gò Rộng nầy chỉ là một cái gò cát lớn đầy cây bàn chải, chim chim, duối dẻ, có nhiều mồ mả. Lúc bấy giờ nhà nước đương cục muốn qui hoạch vùng Giã Qui Nhơn thuộc khu I và khu II để làm những cơ sở cho chính quyền. Dân cư tại vùng này phải dời đến nơi khác, trong số đó có một số gia đình giáo dân, họ lần lượt đến ở tại vùng đất bến xe cũ[2] rồi dời đi lần nữa và định cư tại Gò Rộng.
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo dân ở đây, cha sở Qui Nhơn, cha Sanctuaire Khánh cũng như cha Labiausse Sáng phái cha Tôma Thiềng là cha phó đến giúp mục vụ tại Gò Rộng. Trong bối cảnh đó, một nhà nguyện mái tranh vách đất được hình thành và họ đạo Gò Rộng thuộc địa sở Qui Nhơn được khai sinh. Ngày càng đông dân, hơn nữa trận bão Giáp Tý (1924) làm sập nhà nguyện đầu tiên này, nên một nhà nguyện mới được xây lại bằng gạch và xi măng.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, lệnh toàn quốc kháng chiến được ban ra, sau đó là lệnh tiêu thổ kháng chiến vào tháng 03 năm 1947, một lần nữa, cư dân thị xã Qui nhơn được đặt trong tình trạng tản cư và tiêu thổ. Trong thời điểm lệnh tiêu thổ kháng chiến, dân chúng tản cư về các vùng quê, Gò Rộng thưa người cảnh vắng.
Năm 1954 dân chúng từ các vùng quê tràn về Qui Nhơn kiếm công ăn việc làm, Gò Rộng lại trở nên sầm uất và các sinh hoạt tôn giáo được tái lập. Năm 1958, cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, cha sở Qui Nhơn, đã mua đất ruộng nơi đây để tạo mặt bằng, chia lô cho dân ở, có đóng lệ phí tượng trưng.
Năm 1964, các vùng quê mất an ninh, số đông giáo dân từ các giáo xứ Tân Dinh, Gò Thị, Nam Bình, Kim Châu, Đại An, Nhà Đá, Hội Đức, Đồng Quả, Gia Hựu di cư đến Gò Rộng.
Cùng với đoàn di cư, đầu tháng giêng năm 1964, Nhà mẹ Dòng Đồng Công từ Mỹ Chánh đến tạm cư tại nhà ông Hưng ở Qui Đức. Tháng 10 năm 1965, Dòng đã mua đất và xây cơ sở trên khu đất nầy. Năm 1966, Nhà mẹ chuyển về Nhà Đá, cơ sở dòng ở Qui Đức dùng làm cộng đoàn của dòng. Khi Giáo phận thiếu linh mục đến làm mục vụ tại Qui Đức, có các cha dòng ở Qui Đức giúp: Cha Phanxicô Minh Đăng, cha Augustinô Đặng Ngọc Hưởng, cha Hilariô Đỗ Tri Tâm.
Con số giáo dân di cư từ các giáo xứ tụ về có dư 4.000 người. Nhà thờ cũ không đủ chỗ cho giáo dân. Hơn nữa, cuối năm 1969, một cuộc hỏa hoạn đã thiêu rụi các dãy trại tạm cư. Cha Giuse Nguyễn Sồ đã cho tái qui hoạch vùng định cư này và một nhà thờ mới được xây dựng nằm giữa các dãy trại.
2. Thành lập giáo xứ
Ngày 24 tháng 06 năm 1970,[3] Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn chủ tế lễ khánh thành nhà thờ. Nhân dịp này, giáo họ Gò Rộng được tách khỏi giáo xứ Qui Nhơn để thành lập giáo xứ và được Đức cha Đôminicô đặt tên là giáo xứ Qui Đức.
Khi thành lập giáo xứ Qui Đức, cha Luy Cao Đức Thuận được bổ nhiệm làm cha sở. Để cộng tác với cha, cha Đôminicô Nguyễn Thế Hoạt được bổ nhiệm làm cha phó.
Ngày 05 tháng 08 năm 1970, cha Luy Thuận thành lập Hội đồng giáo xứ, sau đó các đoàn thể Công giáo tiến hành cũng được thành lập. Cũng năm nầy cha lập một trường tiểu học tại Qui Đức, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách. Niên khóa 1972-1973, cha mở trường trung học Qui Đức, gồm hai lớp 6 và 7, do cha làm Giám đốc. Cha còn xây dựng nhà hướng nghiệp và nhà sinh hoạt của giáo xứ.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình, nguyên là giáo sư Tiểu chủng viện Qui Nhơn, được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức. Năm 1976, cha Gioakim Nguyễn Thanh Liêm, gốc Giáo phận Qui Nhơn từ Cần Thơ về Qui Đức ở với cha Phaolô với tư cách nghỉ dưỡng.
Tháng 04 năm 1994, cha Inhaxiô Huỳnh Đắc Nhì được bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức thay cha Bình nghỉ hưu. Từ lâu, cụm dân cư phía sau và phía Đông nhà thờ sử dụng sân trước nhà thờ làm đường đi. Cha Inhaxiô vận động, ổn định tường rào cổng ngõ sân trước nhà thờ. Đang khi dốc tâm sức phục vụ giáo xứ, cha bị đột quị và qua đời ngày 06 tháng 01 năm 1997. Trong thời gian không có cha sở, các cha phó giáo xứ Chính tòa Qui Nhơn đến dâng lễ hằng ngày và làm việc mục vụ.
Ngày 23 tháng 10 năm 1997, cha Phêrô Hoàng Kym được bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức. Năm 1998, tại vị trí nhà hướng nghiệp của giáo xứ trước đây cho dân ở, được trả lại vào năm 1995, cha xây mới 120 m2 để làm phòng thánh và phòng lưu trữ dụng cụ phụng tự.  Năm 2000, giáo x mua lại nhà sinh hoạt của giáo xứ bị chiếm dụng sau năm 1975. Cha tiếp tục sửa lại nhà hướng nghiệp và lên một lầu để làm phòng học giáo lý và các sinh hoạt khác của giáo xứ. Năm 2004, cha xây dựng nhà xứ mới như hiện nay. Nhà xứ cũ được sửa lại để làm phòng học giáo lý. Cha còn tu sửa một số hạng mục của nhà thờ, chỉnh trang cung thánh, đặt bàn thờ đá hoa cương.
Năm 2016, cha Phêrô Hoàng Kym về Làng Sông nghỉ hưu, nên ngày 29 tháng 07 năm 2016, cha Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức và cha Simon Nguyễn Thanh Tú được bổ nhiệm làm cha phó.
Sau 46 năm nhà thờ được sử dụng, một số hạng mục của nhà thờ đã xuống cấp, cha Phanxicô Xaviê vận động giáo dân đóng góp, nhà thờ đã được tu sửa và hoàn thành trước lễ Giáng Sinh năm 2017.
Cuối năm 2017 giáo xứ Qui Đức có 1.112 gia đình, 4.559 tín hữu, được phân bố trong 5 giáo khu và 1 giáo họ: giáo khu Kitô Vua 893, giáo khu Mẹ Thiên Chúa 915, giáo khu Thánh Gia 343, giáo khu Mân Côi 1.351, giáo khu Mông Triệu 604, giáo họ Phú Huề 453.

3. Các cha sở và cha phó
* Các cha sở
1. Cha Luy Cao Đức Thuận (1970-1974).
2. Cha Phêrô Khổng Văn Giám (1974 - 1975).
3. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình (1975-1994).
4. Cha Inhaxiô Huỳnh Đắc Nhì (1994-1997).
5. Cha Phêrô Hoàng Kym (1997-2016).
6. Cha Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm (2016-…).
* Các cha phó
1. Cha Đôminicô Nguyễn Thế Hoạt (1970-1975).
2. Cha Simon Nguyễn Thanh Tú (2016-...).
3. Cha Philipphê Phan Quốc Dũng (2017-...).

4. Linh mục, tu sĩ xuất thân từ giáo xứ
  1. Cha Phêrô Huỳnh Bá Khá, G.p Xuân Lộc
  2. Cha Gioakim Lê Công Thành     
  3. Cha Phêrô Hồ Hà Tiến Nam, Dòng Ngôi Lời
  4. Cha Phêrô Huỳnh Văn Thống, Dòng Tận Hiến
  5. Cha Đaminh Huỳnh Văn Đức
  6. Cha Gioakim Nguyễn Minh Yên 
  7. Nữ tu  Catarina Huỳnh Thị Thanh Hà, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
  8. Nữ tu  Maria Nguyễn Thị Thanh Hảo, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
 

[1] Xem NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU,  Nghiên cứ Địa bạ triều Nguyễn, Bình Định, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1996, tập II, tr. 812.
[2] Vùng công viên vòng xuyến ngã tư Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Ỷ Lan ngày nay.
[3] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 64, tháng 6 năm 1970, tr. 23.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay19,641
  • Tháng hiện tại516,897
  • Tổng lượt truy cập28,832,266

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây