Lược sử Giáo xứ Qui Hòa

Thứ tư - 20/06/2018 05:10

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ QUI HÒA

Bổn mạng: Thánh Phanxicô Atxidi

           

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Qui Hòa thuộc về phía Nam thành phố Qui-nhơn, phía Bắc giáp giáo xứ Ghềnh Ráng, phía Nam giáp giáo xứ Gò Duối, phía Đông giáp biển, phía Tây là dãy núi, giáp giáo xứ Phú Thạnh. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Qui Hòa, khu vực II, phường Ghềnh Ráng, thành phố Qui Nhơn.
 


 II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
 1. Giai đoạn hình thành
Qui Hòa là vùng đất cực Nam của thành phố Qui Nhơn. Trong địa bạ thời vua Gia Long năm 1815, Qui Hòa được ghi là khách hộ ấp[1] thuộc xã Thời Tú, huyện Tuy Viễn, diện tích điền thổ 115 mẫu, 01 sào, 04 thước 3,2 tấc.
Tháng 04 năm 1904, cha Louis Célestin Vallet Ngân được đưa về làm việc tại Qui Nhơn vừa với tư cách quản lý nhà chung, vừa chăm sóc mục vụ cho các tín hữu. Dù nhiều công việc, cha Vallet đã gầy dựng và phát triển giáo điểm tại một làng nhỏ quen gọi là Xóm Cát hay Gò Cát thuộc thôn Qui Hòa. Trong phúc trình năm 1905 của Đức cha Grangeon Mẫn gởi về Hội Thừa sai Paris, giáo điểm nầy được ghi là “Qui-hòa”. Năm 1905, Qui Nhơn được thành lập địa sở và cha Vallet được bổ nhiệm làm cha sở đầu tiên. Lúc ấy giáo điểm Qui Hòa trở thành một họ đạo của địa sở Qui Nhơn.[2] Cha Vallet tiếp tục chăm sóc mục vụ họ đạo này cho đến khi được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu (1908).
Năm 1929, theo thống kê của Sở Y tế Qui Nhơn, tỉnh Bình Định có khoảng 1.200 bệnh nhân phong, nếu tính cả miền Trung có khoảng 12.000 bệnh nhân. Trước nhu cầu phục vụ cho bệnh nhân phong, Bác sĩ Le Moine, giám đốc bệnh viện Qui Nhơn đưa ra đề án lập một nông trại hay một làng phong nhằm qui tụ các bệnh nhân. Đề án được Đức cha Damien Grangeon Mẫn, Đại diện Tông tòa Giáo phận Qui Nhơn ủng hộ. Bác sỹ Le Moine cùng với cha Paul Maheu Mỹ thuộc Hội Thừa sai Paris thực hiện đề án tại Qui Hòa với tên gọi trại phong Qui Hòa. Bác sĩ Le Moine phụ trách chuyên môn, còn cha Maheu làm Giám đốc đầu tiên của trại phong. Bác sĩ Le Moine tường thuật việc cha Maheu đến Qui Hòa như sau: "Một buổi sáng đẹp trời, một chiếc thuyền cập bãi Bến Cát, chở theo một cái giường gỗ, một cái bàn, mấy cái ghế, một máy dĩa phono, rất nhiều sách, một nhà tu hành gầy gò có bộ râu dài, cặp mắt sáng quắc, đó là linh mục Paul Maheu, hiến dâng đời mình cho người cùi".
[3]
Lúc đầu, với công sức của cha Maheu, trại phong được xây dựng bằng mái tranh vách đất gồm: Nhà thờ, nhà  xứ, nhà bệnh nhân và nhà phát thuốc. Cơ sở đầu tiên này đã đón nhận 140 bệnh nhân. Lúc ban đầu, ngoài cha Maheu và bác sĩ Le Moine, có các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn đến giúp tại trại phong này cho đến khi các nữ tu Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ đến thay thế vào tháng 10 năm 1932.

Đức cha Tardieu nhận thấy nhu cầu cần những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và có khả năng kinh tế giúp cho trại phong. Đức cha nghĩ đến các nữ tu Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, một Dòng đã có 9 trại phong lớn trên thế giới. Trước hết, nhờ Đức cha Colomban Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam liên lạc các chi nhánh Dòng tại Alsace, rồi tại Roma, và sau cùng tại Canada; nhưng mọi nơi đều chung câu trả lời: không có nhân sự!

Cuối năm 1930, Đức cha Tardieu đích thân gỏ cửa Nhà Dòng ở Roma.[4] Ngày 18 tháng 12 năm sau, ngài nhận được phúc thư của Mẹ Marie de Sainte Michelle, Bề trên Tổng quyền Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ hứa sẽ gửi các nữ tu tới Qui Nhơn.
Sau một thời gian dốc tâm sức cho các bệnh nhân, cha Maheu ngã bệnh và phải đưa về Pháp chữa trị. Cha qua đời ngày 27 tháng 02 năm 1931. Năm1930-1931 cha Pierre Alexandre Trí điều hành trại phong. Năm1931-1943 cha Gabriel Marie Nicolas Cận tiếp nối cha Alexandre Trí.

Các linh mục đến làm việc mục vụ tại trại Phong với cương vị Tuyên úy, đồng thời cũng kiêm nhiệm luôn việc coi sóc các tín hữu tại làng Qui Hòa.

Ngày 24 tháng 10 năm 1932, năm nữ tu Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh dòng Thánh Tâm Paris đã đặt chân đến Qui Hòa. Các nữ tu đã chọn Thánh Phanxicô làm bổn mạng cho trại phong Qui Hòa. Ngày 07 tháng 01 năm 1933, Đức cha Colomban Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh, đến thăm trại phong.

 Trong trận bão lớn ngày 01 tháng 11 năm 1933, một cơn sóng thần ập đến đã làm sập đổ tất cả nhà cửa trại phong và nhà cửa của dân chúng trong làng. Bệnh nhân lúc này đã lên tới 350 người. Nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, đặc biệt những nỗ lực của các nữ tu Phan sinh ở đây, trại phong và ngôi làng được xây dựng lại. Khu Trại phong được tái thiết kiên cố hơn. Nhà thờ mới được dời vào trung tâm của trại phong, với chiều dài 36m, chiều rộng 16m, có tháp cao 22m. Ngày 08 tháng 12 năm 1936, Đức cha Tardieu đến chủ lễ khánh thành.

Từ năm 1940-1943, cha Antôn Phùng Văn Linh phụ tá cha Nicolas tại trại phong. Ngày 04 tháng 10 năm 1943, cha Louis Gustave Hutinet Nhì đến Qui Hòa thay thế cha Nicolas. Ngày 09 tháng 03 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và chiếm đóng toàn cõi Đông Dương. Ngày 23 tháng 08 năm 1945, Việt Minh khởi nghĩa chiếm Qui Nhơn. Đến ngày 31 tháng 08 năm 1945, toàn tỉnh Bình Định thuộc quyền của Việt Minh. Vào ngày 22 tháng 11 năm 1945, tất cả người ngoại quốc phải rời khỏi vùng thuộc quyền của Việt Minh. Do đó, cha Hutinet và các nữ tu Phan sinh phải rời khỏi Qui Hòa.

Để tiếp tục điều hành trại phong cả mục vụ lẫn xã hội, vào những năm 1945-1954, có các cha: Phaolô Huỳnh Biên (24.10.1945 – 01.4.1947), Giuse Võ Ngọc Nhã (1947 – 1950), Phaolô Nguyễn xuân Bàn (24.3.1953 – 14.11.1956). Thời gian này có các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn đến giúp trại phong.

Ngày 06 tháng 07 năm 1955, 5 nữ tu Phan sinh trở lại Qui Hòa, gồm 2 nữ tu ngoại quốc : Ozithe và Charles Antoine và 3 nữ tu Việt Nam: Anna Trần thị Mộ, Martha Nguyễn thị Nghi và Anna Phùng thị Khóa.

Nữ tu Charles Antoine, người Pháp, là một kiến trúc sư của Dòng đã cùng các Nữ tu Phan sinh góp nhiều sáng kiến để tổ chức đời sống cho bệnh nhân: Xây nhà thương, phòng cho bệnh nhân nặng; xây dựng khoảng 250 căn nhà ở xinh xắn, lát gạch, lợp ngói, mỗi nhà một vẻ, với vườn hoa trước thềm. Trại phong lúc này trở thành một khu phố nhỏ, có đường ngang dọc ngăn nắp, nhà cửa khang trang. Trong trại phong có chợ, có xích lô, xe đạp, có một trường học cấp một, hội trường, sân bóng giải trí. Ngoài ra, còn có các cơ xưởng ngành nghề như: Rèn, mộc, hàn xì, hồ, đúc gạch bông, mài granitô. Các ngành thủ công như : Dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ. Ngoài ra, còn có xưởng làm nước mắm, sản xuất dầu dừa, làm xà phòng, vừa giúp thêm thu nhập cho anh chị em bệnh nhân, vừa giúp họ phát huy khả năng, gây niềm tự tin và vui sống trong xã hội.

Ngày 12 tháng 06 năm 1957 cha Camille Rohmer Triết đến thay cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn. Ngoài việc tuyên úy cho trại Phong, cha Rohmer tiếp cận và giới thiệu Chúa cho dân làng. Tại Xóm Cát, Bãi Xếp, Bãi Rạng, Túy Phong, khoảng 90 người xin gia nhập Hội Thánh.

Một số hạng mục của nhà thờ cần được tu sửa cho phù hợp, chẳng hạn tháp chuông được xây lại, hoàn tất năm 1968; cung thánh nhà thờ lát gạch granitô thay vì gạch bông, công trình hoàn thành dịp Giáng Sinh 1973. Bệnh nhân lúc bấy giờ khoảng trên dưới một ngàn người.

Năm 1967 cha Micae Ngô trung Lành đến nghỉ dưỡng tại Qui Hòa. Mãi tới 27 tháng 03 năm 1972, ngài thay thế cha Rohmer, làm mục vụ cho đến ngày 12 tháng 02 năm 1973. Từ ngày 12 tháng 02 năm 1973, cha Pierre Jeanningros Vị được bổ nhiệm chăm sóc mục vụ tại Qui Hòa cho tới ngày 23 tháng 01 năm 1975.

Lúc mới thành lập, Qui Hòa được cha sở Qui Nhơn chăm sóc mục vụ. Từ khi trại phong được thành lập, Qui Hòa là một sở biệt lập có linh mục ở thuờng xuyên, và có tên trong các thống kê hằng năm của Giáo phận như các giáo xứ khác.

Từ ngày thành lập cho đến cuối năm 1974, 2.475 bệnh nhân đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đa số được lãnh nhận Bí tích vào giờ hấp hối.

Ngày 27 tháng 03 năm 1975, cha Micae Lành lại tiếp tục đảm trách việc mục vụ tại Qui Hòa. Lúc này con số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cũng như ở gia đình đã lên tới 5.247 người.

Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục, y tế và từ thiện xã hội. Ngày 05 tháng 06 năm 1976, các nữ tu Phan sinh trao bệnh viện phong cho Bộ Y tế điều hành. Các nữ tu chỉ phục vụ như công nhân viên theo lãnh vực chuyên môn. Trong lúc bệnh viện phong được trao cho Bộ Y tế, nhà xứ Qui Hòa tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện cũng được Bộ quản lý. Các cha đến làm việc mục vụ chỉ sử dụng một ngôi nhà nhỏ kề bên nhà xứ.

Từ ngày 10 tháng 06 năm 1976 đến ngày 01 tháng 01 năm 1984, cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh đảm nhận việc mục vụ tại Qui Hòa. Cha ở đây khoảng một năm. Sau đó, hoàn cảnh không cho phép, cha phải về ở Tòa Giám mục, chỉ đến làm việc mục vụ ban ngày. Trong những lúc cha đau yếu, cha Anrê Hoàng Minh Tâm, chánh xứ Hòa Ninh đến lo mục vụ cho Qui Hòa.

Từ ngày 14 tháng 01 năm 1984, cha Gioakim Nguyễn Thanh Liêm đang ở tại Qui Đức, đảm trách mục vụ tại Qui-hòa.

Ngày 05 tháng 06 năm 1988, cha Phaolô Lê Văn Nhơn, phó xứ Chính tòa Qui Nhơn, được bổ nhiệm làm mục vụ tại Qui Hòa và Xuân Quang. Trong suốt 11 năm trường (1988 đến 1999), cha đã hi sinh, vượt mọi khó khăn mưa gió và đường xa cách trở, để đáp ứng mọi nhu cầu thiêng liêng của tín hữu. Thời điểm này số tín hữu khoảng trên 800 người.

Ngày 03 tháng 10 năm 1999, cha Phaolô Trịnh Duy Ri được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm mục vụ ở Qui Hòa. Cha ở tại Qui Hòa, trực tiếp củng cố các ban ngành đoàn thể, nhờ đó mọi sinh hoạt ngày càng sinh động hơn. Cha tái thiết bị hệ thống âm thanh trong nhà thờ, giúp đem lại bầu khí sốt sắng và trang nghiêm. Năm 2002, Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Qui Hòa. Thánh lễ Tạ ơn được cử hành long trọng và sốt sắng do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế và có đông linh mục đồng tế cùng giáo dân các giáo xứ chung quanh đến tham dự.

2. Giáo xứ Qui Hòa
Năm 2003 số giáo dân Qui Hòa có 864 người, trong số đó một nửa là bệnh nhân. Cha Phaolô Trịnh Duy Ri chuẩn bị du học ở Úc, Đức Giám mục bổ nhiệm cha Gioakim Trần Minh Dũng làm chánh xứ Qui Hòa. So với những bổ nhiệm các linh mục trước đây với tư cách tuyên úy, đây là bổ nhiệm một linh mục chính thức với tư cách cha sở giáo xứ. Ngày 23 tháng 02 năm 2003 thánh lễ bàn giao tại nhà thờ Qui Hòa do Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ tế.

Vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, với sự cộng tác của Nhà Dòng về kinh phí, cha Dũng đã khởi công trùng tu nhà thờ, chỉnh trang khuôn viên nhà thờ và hang đá. Công trình đã hoàn tất tốt đẹp vào đầu tháng 12 năm 2003. Giáo xứ còn thiếu cơ sở sinh hoạt, học giáo lý, tập hát, hội họp, do đó giáo xứ phải mượn các phòng khách của nhà dòng để giải quyết nhu cầu sinh hoạt.

Ngày 01 tháng 5 năm 2003, giáo xứ có một người con là thầy Phêrô Võ Hồng Sinh được Chúa chọn làm linh mục.

Ngày 20 tháng 06 năm 2005, cha Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm được bổ nhiệm làm chánh xứ Qui Hoà thay cha Gioakim Trần Minh Dũng được bổ nhiệm làm chánh xứ Vườn Vông.

Ngày 08 tháng 01 năm 2009, Nhà nước giao lại nhà xứ Qui Hòa cho giáo xứ. Ngày 20 tháng 03 năm 2009, cha Điểm tu sửa nhà xứ sau một thời gian dài nhà nước trưng dụng, đồng thời cha ổn định tường rào cổng ngõ khuôn viên nhà xứ.

Trong chuyến viếng thăm Giáo phận Qui Nhơn lần thứ hai, sáng ngày 01 tháng 11 năm 2013, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi hướng dẫn đến thăm giáo xứ Qui Hòa, cộng đoàn các nữ tu Phan sinh và các bệnh nhân phong tại nhà an dưỡng của bệnh viện.

Ngày 15 tháng 04 năm 2014, Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khuôn viên nhà xứ Qui Hòa. Cha Điểm tiến hành xây dựng nhà giáo lý trong khuôn viên nầy.

Ngày 28 tháng 07 năm 2016, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, bổ nhiệm cha Phaolô Trương Đình Tu làm cha sở Qui Hòa, thay thế cha Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm được bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức.

Cuối năm 2017 giáo xứ Qui Hòa có 315 gia đình, 944 tín hữu, được phân bố trong 3 giáo họ: giáo họ Phanxicô 384, giáo họ Giuse 315, giáo họ Vô Nhiễm 245.

3. Các linh mục đã làm việc mục vụ tại Qui Hòa
1. Cha Paul Maheu Mỹ (1929 – 1930).
2. Cha Pierre Alexandre Trí (1930 – 1931).
3. Cha Gabriel Marie J.B. Nicolas Cận (1931 – 1943).
4, Cha Antôn Phùng Văn Linh (1940 – 1943).
5. Cha Louis Gustave Hutinet Nhì (1943 – 1945).
6. Cha Phaolô Huỳnh Biên (1945 – 1947; 1950 – 1953).
7. Cha Giuse Võ Ngọc Nhã (1947 – 1950).
8. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1953 – 1956).
9. Cha Camille Rohmer Triết (1957 – 1976).
10. Cha Micae Ngô Trung Lành (1968; 1972–1973; 1975–1976).
11. Cha Pierre Jeanningros Vị (1973 – 1975).
12. Cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh (1976 – 1984).
13. Cha Gioakim Nguyễn Thanh Liêm (1984 - 1988).
14. Cha Phaolô Lê Văn Nhơn (1988 - 1999).
15. Cha Phaolô Trịnh Duy Ri (1999 - 2003).
16. Cha Gioakim Trần Minh Dũng, cha sở (2003 – 2005).
17. Cha Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm, cha sở (2005 - 2016).
18. Cha Phaolô Trương Đình Tu, cha sở (2016 -...).

4. Linh mục, tu sĩ xuất thân từ giáo xứ
1. Cha Phêrô Võ Hồng Sinh.
2. Tu huynh Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, Dòng Ngôi Lời.
3. Nữ tu Têrêxa Lê Thị Như Ý, Dòng Tận hiến Đức Mẹ Lên Trời


[1] Làng do người nơi khác đến lập.

[2] Xem AMEP, Notice biographique de Vallet; Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1905.

[3]AMEP, Notice biographique, Maheu Paul, numéro 2170, pays Vietnam.

[4] 12 Via Giusti, Roma.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm154
  • Hôm nay11,912
  • Tháng hiện tại421,801
  • Tổng lượt truy cập28,737,170

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây