Lược sử Giáo xứ Sông Cầu

Thứ ba - 19/12/2017 22:34

GIÁO XỨ SÔNG CẦU

Bổn mạng : Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

https://farm5.staticflickr.com/4642/38293480545_bf3c92def2_o.jpg


https://farm5.staticflickr.com/4598/38293483175_a516603366_o.jpg

https://farm5.staticflickr.com/4642/38293485125_dea37c4b55_o.jpg

https://farm5.staticflickr.com/4727/38293486525_72d89e9de1_o.jpg
 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Phần đất giáo xứ Sông Cầu hiện nay (2017) gồm 5 xã và 4 phường thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Các xã đó là: Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2 và Xuân Lâm; và 4 phường đó là: Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, và Xuân Đài.

Phía Bắc giáp giáo xứ Gò Duối, phía Nam giáp giáo xứ Mằng Lăng, phía Tây Bắc giáp giáo xứ Đa Lộc, phía Tây Nam giáp giáo xứ Đồng Tre, phía Đông giáp Biển Đông. Nhà thờ Sông Cầu tọa lạc tại 186 Phạm Văn Đồng, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu. Từ Nam ra Bắc cách đỉnh dốc Găng chừng 02 km, từ Bắc vô Nam cách cầu Thị Thạc khoảng 300 m. Nhà thờ, tháp chuông và nhà xứ Sông Cầu với những nét tân thời nhưng không thể quên được tuổi thọ lâu dài của giáo xứ.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Theo thống kê của Hội Thừa Sai Paris năm 1747 thì phần đất thuộc giáo xứ Sông Cầu hiện nay có Vũng Lắm được 60 Kitô hữu. Vũng Lắm có nhiều tên gọi khác như Vũng Lấm, Ao Xóm Lưới,[1] Lâm Úc, [2]  Vịnh Lâm.[3]  Vũng Lắm là một vũng nhỏ trong vịnh Xuân Đài, nằm sát quốc lộ IA thuộc ”. Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, cũng là lúc triều đại nhà Minh ở Trung Quốc suy vong, nhà Thanh nắm quyền. Số người không phục quyền nhà Thanh đã di cư sang đất Việt, đáng kể nhất là cuộc di cư năm 1679 do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu. Số người di cư nầy thường được gọi là người Minh Hương, được chúa Nguyễn cho định cư nhiều nơi ở Đàng Trong. Tại Vũng Lắm cũng có một nhóm nhỏ định cư, gọi là làng Minh Hương. Năm Minh Mạng thứ XIII (1832) phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ do Edmund Roberts dẫn đầu trên chiếc tàu Peacock đã cập bến Vũng Lắm và đàm phán với phái bộ Việt Trong cửa Vịnh Lâm dân cư dựa theo núi ở bên bờ biển, khách buôn tụ tập, nhà cửa tốt đẹp hơn cả trong hạt. Thuở trước có đặt Trấn Thủ, nay giảm bỏ, đặt sở Thương Chánh Nơi đây đã từng là một thương cảng sinh hoạt sầm uất như Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi: “phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.Nam do quan Viên Ngoại Nguyễn Tri Phương dẫn đầu. Khi người Pháp đến Phú Yên, còn chứng kiến sự phồn thịnh nầy nên năm 1887 đã đặt Toà Công Sứ tại đây. Năm 1888 Tỉnh Đường Phú Yên được dời từ An Thổ [4] ra Vũng Lắm để gần với Toà Sứ. Năm 1889 Pháp dời Toà Sứ ra Sông Cầu, Tỉnh đường Phú Yên trở lại An Thổ và sau đó ra Sông Cầu. Vũng Lắm đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, nhường lại vị trí ưu tiên cho Sông Cầu.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Tin Mừng được rao giảng, được đón nhận và triển nở. Từ đầu thế kỷ 18, vùng đất giáo xứ Sông Cầu ngày nay thuộc vùng truyền giáo Bắc Phú Yên do các thừa sai Hội Thừa Sai Balê đặt cư sở tại Mằng Lăng đảm nhận. Trong báo cáo của Đức cha Stêphanô Thể gởi Hội Thừa Sai Balê năm 1850, vùng Bắc Phú Yên có 21 họ đạo trong đó có Triều Phước (Triều Sơn) 195 tín hữu, thuộc Sông Cầu ngày nay.[5] Trong 21 họ đạo nầy không thấy Vũng Lắm như đã có trong thống kê năm 1747, có lẽ Triều Phước đứng tên thay thế vì Triều Phước cách Vũng Lắm không xa, chỉ gần 01km. Trong báo cáo năm 1850 có những nơi chưa có thể xác định được vị trí địa lý vì địa danh trong báo cáo ngày nay đã thay đổi.

Năm 1889 Tòa Công Sứ Pháp và sau đó Tỉnh đường Phú Yên đặt tại Sông Cầu, tuy nhiên vùng đồng bằng và Đầm Cù Mông phía Bắc Sông Cầu thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo và đánh bắt cá bằng những phương tiện đơn sơ đã thu hút nhiều người định cư ở đây hơn ở Sông Cầu. Lại nữa khi người Pháp mở đồng muối tại Tuyết Diêm, xã Xuân Lộc, nhiều người đến đây lập nghiệp. Trong bối cảnh sinh hoạt xã hội đó, nhà thờ Gò Duối [6] thuộc xã Xuân Lộc được thành lập.[7] Năm 1894 –1895 Thầy Sô và Thầy Tài là hai Thầy giúp xứ Mằng Lăng đã có công gầy dựng các giáo điểm Sông Cầu, Gò Duối...[8]. Là vùng cực Bắc của Phú Yên giáp ranh giới của Bình Định, lúc đầu có thể nhờ các cha ở Bình Định như Ngọc Thạnh hoặc Tân Dinh chăm sóc mục vụ, sau đó là các cha phó Mằng Lăng phụ trách.

Năm 1895 có cha Antôn Bản, cha phó Mằng Lăng đến ở tại Gò Duối. Tháng 08 năm 1897 cha Phanxicô Xaviê Hương đến Gò Duối thay thế cha Bản. Tháng 08 năm 1898 cha Phêrô Cao quê ở Mỹ Trang, Nước Nhĩ, vừa mới thụ phong linh mục đến thay cha Hương. Cha Cao ở tại Gò Duối 12 năm đến tháng 03 năm 1910, ngài vẫn là cha phó Mằng Lăng nhưng được đổi về ở tại Thầy Đông. Cha Antôn Phùng Vị Linh, phó Mằng Lăng đến ở Gò Duối.

Năm 1903, lúc chưa hoàn thành nhà thờ Mằng Lăng, vì nhu cầu tôn giáo của các quan viên chức Tòa Sứ và Tỉnh đường, cha Wendling, cha sở Mằng Lăng khởi công xây dựng nhà thờ Sông Cầu.[9] Nhà thờ nầy được làm phép ngày 08.03.1904, trong buổi lễ có sự hiện diện của các cha: Guéno, Seiller, Dubulle, Wendling, Jean, Labiausse, Cao, Dụng, các quan chức và một số người Âu Châu.[10]

Theo cuốn Liber Baptizorum xưa nhất còn giữ tại Sông Cầu: Ngày 03.5.1905 in Ecclesia Gò Duối, cha Cao rửa tội cho em F. Xavie Miên. Ngày 6.6.1905 in Ecclesia Sông Cầu rửa tội cho em Madalena.[11] Ngày 09.11.1905 in Ecclesia Lệ Uyên [12] rửa tội cho em Maria Cờ. Ngày 19.2.1906 in Ecclesia Trùm Tường rửa tội cho em Matta Em. Ngày 25.2.1906 in Ecclesia Tuỳ Lực bù các phép cho em Phêrô Sẵng. Ngày 07.3.1906 in Ecclesia Thạch Khê rửa tội cho em Phanxicô Xavie Được. Như vậy, từ thời cha Cao, cha phó Mằng Lăng ở tại Gò Duối (1898-1910), phía bắc Mằng Lăng đã có 6 nhà thờ: [13] Gò Duối, Sông Cầu, Lệ Uyên, Trùm Tường, Thạch Khê và Tuỳ Lực, trong đó Gò Duối là nơi có linh mục ở thường xuyên.

 Ngày 08.04.1907 Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn đến Gò Duối, cùng đi với ngài có các cha: Hamon, Dubulle và Porcher. Cha Wendling ở Gò Duối đón phái đoàn. Sáng ngày 09.04.1907 Đức cha ban Bí tích Thêm Sức. Ngày 10.04 ngài đi Sông Cầu thăm Viên Công Sứ, chiều tối cùng ngày đến Mằng Lăng, đến Chúa Nhật ngày 14.04, Đức cha làm phép chuông và nhà thờ Mằng Lăng.

 Ngày 20.02.1914 Đức cha Jeaningros Vị ban Bí Tích Thêm Sức tại Gò Duối, ngày 22.02.1914 tại Sông Cầu. Năm 1918 sau khi ban bí tích Thêm Sức ở Gò Duối, Đức cha cũng ban Bí tích Thêm Sức tại Sông Cầu.

 Như thế Sông Cầu dần dần trở thành vị trí ưu tiên như ta thấy sáng ngày 16.08.1922 cha Philip Khiêm, cha phó Mằng Lăng được chuyển đến Sông Cầu, một tháng sau ngài xây nhà vuông [14] có hè rộng tứ phía, nhà vuông nầy tồn tại cho đến năm 2002, sau nhiều lần tu bổ qua các đời cha sở kế tiếp nhưng cây gỗ bị mối mọt, mái ngói dột nát, cha Phaolô Trương Đắc Cần, cha sở Sông Cầu (1975-2005), cho san bằng và xây lại khang trang một trệt một lầu với diện tích sử dụng hơn 360 mét vuông, khánh thành ngày 23.01.2003.

Tháng 09/1923 cha Tôma Nguyễn Đức Luận, phó xứ Mằng Lăng đến Sông Cầu thay cha Khiêm. Trận bão vào lúc 5giờ sáng ngày 23.10.1924 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng từ Mằng Lăng đến phía Bắc Sông Cầu, gió cuốn sập nhà thờ Sông Cầu, nhà thờ Lệ Uyên, triều cường còn cuốn theo 09 người ở Lệ Uyên ra biển cả.[15]

CÁC CHA SỞ SÔNG CẦU

Trước tháng 7 năm 1927, Sông Cầu là một giáo họ thuộc giáo xứ Mằng Lăng.

Từ tháng 07.1927, Sông Cầu được kể tên là một giáo xứ trong thống kê hằng năm của giáo phận.

1. Cha Phaolô Trần Huấn (1927 – 1939)

Tháng 07.1927 cha Luận về ở Mằng Lăng. Theo sự bổ nhiệm của Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn, cha Phaolô Trần Huấn từ Tịnh Sơn về làm cha sở tiên khởi của giáo xứ Sông Cầu. Từ thời điểm nầy, Sông Cầu chính thức là một trong 07 giáo xứ của Hạt Phú Yên: Mằng Lăng 1.276 tín hữu, Sông Cầu 197, Đồng Tre 351, Trà Kê 496, Tịnh Sơn 354, Hoa Châu 238, Hoa Vông 636.[16] Vào năm 1933 cha Huấn sửa lại nhà vuông, xây nhà thờ mới. Ngài ở tại Sông Cầu cho đến lúc về với Chúa năm 1939, an táng tại Sông Cầu. Năm 1992, cha Phaolô Trương Đắc Cần cải táng về nhà An Bình giáo xứ Tuy Hòa. Ngày 10.6.2013, hài cốt của cha Phaolô Trần Huấn đã được đưa về nghĩa trang của các Linh mục tại Làng Sông, Bình Định.

Sông Cầu được tiếp tục chăm sóc mục vụ với sự hiện diện của các cha sở:

2. Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên (1939-1944)

3. Phêrô Trần Anh Tước (1944-1946)

4. Gioakim Phan Công Sử (1946-1949)

5. Phêrô Nguyễn Đức Mân (1949-1954)

6. Phêrô Nguyễn Kỳ Hội (1954-1955)

Cha Hội xây lại nhà thờ Sông Cầu, vì trong chiến tranh Nhật-Pháp tại Đông Dương, nhà thờ bị bom đánh sập, cha Gioakim Phan Công Sử chỉ tạm tu sửa.

7. Phêrô Lê Vĩnh Phước  (1955-1960)

Lúc đầu cha ở Sông Cầu. Sau vì lý do sức khoẻ, cha đến ở tại Gò Duối 1960-1966. Trước khi cha Phước đến Gò Duối, năm 1958, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thành lập Trung tâm Truyền giáo tại Gò Duối, còn được gọi là Bình Thạnh do cha Phaolô Trần Duy Hòa phụ trách (1958-1959).[17]

 - Khi cha Phước về Gò Duối, có cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung tạm ở tại Sông Cầu trước khi ngài chính thức đến trung tâm truyền giáo Đông Mỹ.[18]

8. Phêrô Phan Anh Thụ (1962-1967)

Khi cha Phước về ở tại Gò Duối, cha vẫn là cha sở Sông Cầu cho đến năm 1962, cha Phêrô Phan Anh Thụ được bổ nhiệm làm cha sở Sông Cầu.

Sau cuộc chính biến xảy ra vào tháng 11.1963, một số tân tòng và dự tòng gặp khó khăn trong việc sống đạo. Cha khéo léo an ủi và giúp họ vượt qua thử thách. Từ 17.10.1962 đến 21.6.1964, cha rửa tội được 75 người ở thôn Vịnh Hòa và thôn Phú Mỹ thuộc xã Xuân Thịnh. Khởi đầu cho số người tân tòng này là ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Điểu, người thôn Vịnh Hòa. Từ năm 1962, ông mộ mến đạo, ông về làng Vịnh Hòa rủ bà con theo đạo, dù lúc này ông chưa được rửa tội.

Để giúp giải quyết việc khó khăn sống đạo của bà con tân tòng tại Vịnh Hòa, sau thời gian chuẩn bị phương tiện, ngày 12.9.1964, cha Thụ cho những người đàn ông của nhóm tân tòng này lên đường vào Cam Ranh bằng đường thủy trên hai chiếc ghe đánh cá. Sau khi tìm được nơi ổn định, vợ con những người này được đưa đi bằng đường bộ. Sau khi tìm hiểu vùng biển Cam Ranh, họ chọn vùng đất bãi biển Xuân Ninh, thuộc giáo xứ Xuân Ninh, Cam Ranh để định cư. Năm 1969, họ góp công sức làm nhà nguyện bằng gỗ, mái tole với tên gọi “nhà nguyện Sông Cầu”. Nay là nhà nguyện Antôn, theo tên gọi của giáo họ thuộc giáo xứ Xuân Ninh.

9. Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1967-1970)

Cha Phaolô Bàn là cha sở Mằng Lăng, do chiến tranh, cha không ở Măng Lăng. Có khi cha ở Tuy Hòa hoặc ở Phú Tân, trung tâm huyện lỵ Tuy An cách Mằng Lăng 07 km. Trong thời gian nầy cha kiêm nhiệm quản xứ  Sông Cầu, ở tại Sông Cầu [19].

10. Phêrô Nguyễn Hữu Sanh (1970-1973)

Có thầy Phêrô Võ Tá Khánh giúp xứ, thầy thụ phong Linh mục cuối năm 1975.

11. Giuse Khổng Năng Bao (1973-1975)

Cha Bao có năng khiếu thánh nhạc, cha vừa tập hát vừa huấn luyện ca đoàn Sông Cầu. Một thời ca đoàn Sông Cầu có tiếng hát hay.

12. Phaolô Trương Đắc Cần (1975-2005)

Cuối năm 1975, cha Phaolô được bổ nhiệm làm cha sở Sông Cầu. Lúc bấy giờ số giáo dân còn lại khoảng trên dưới 400 người, phần lớn họ trở về quê sinh sống. Nhiều nhà thờ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu số người tòng giáo trong những năm 1958-1963 như Phú Dương, Tuý Phong, Phương lưu, Hảo Danh, Hảo Nghĩa, Triều Sơn, hầu hết bị sụp đổ trong thời gian chiến tranh. Sau năm 1975 chỉ còn 02 nhà thờ: Sông Cầu và Gò Duối.[20] Trong hoàn cảnh mới, nhiều tín hữu sa sút lòng tin, lơ là trong sinh hoạt tôn giáo, phức tạp trong đời sống hôn nhân và gia đình, cha đã âm thầm cổ võ, hun đốt lòng tin, thôi thúc các tín hữu thực thi bác ái và quan tâm giáo dục con cái, hợp thức hoá các đôi hôn phối dở dang, tái lập cuộc sống đạo trong gia đình.

Để thêm thu nhập và giải trí trong tuổi già, cha đã nghiên cứu nuôi ong lấy mật. Đời sống đơn bạch nhưng không xa cách của cha, làm cho mọi người không phân biệt lương giáo quí trọng cha.

Khả năng của cha dần dần thể hiện tại nhiệm sở như xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà thờ nhà xứ, quan tâm đến các họ lẻ, họ ở xa. Có lẽ bài học của loài ong tha mật mà cha đã nghiên cứu qua nhiều năm đã tác động nơi cha: Từng bước từng bước, nhẹ nhàng tha từng viên đá, từng hòn gạch để xây dựng nhà Chúa với tâm tình sâu sắc của thánh vịnh gia: “Tôi quyết chẳng về nhà, chẳng lên giường nằm ngủ, chẳng bao giờ chợp mắt khép mi, khi chưa tìm được một nơi cho Chúa ngự, một đền thờ cho Đấng Toàn Năng”. [21]

Năm 1992, nhà thờ bằng kèo tre mái tole do cha Hội làm đã quá ộp ẹp, cha quyết định xây nhà thờ mới. Cha Phaolô khởi công xây dựng nhà thờ năm 1991. Sau một thời gian thi công, nhà thờ đã được hoàn thành nhưng cha đã chuẩn bị cho ngày khánh thành rất lâu. Cha chọn ngày 08.02.1995 để cử hành Thánh lễ tạ ơn, khánh thành nhà thờ. Từ chiều hôm trước, cha tổ chức cuộc trại giao lưu giới trẻ từ các giáo xứ trong hạt Phú Yên. Trong Thánh lễ khánh thành có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các giáo phận Qui Nhơn, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách giáo phận Đà Nẵng, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung giáo phận Kontum. [22]

Chạy đua với thời gian, năm 1996, cha xây nhà giáo lý, năm 1995 xây nhà cho các nữ tu đến giúp xứ, năm 1996 xây nhà thờ Gò Duối và năm 1998 xây nhà xứ Gò Duối, năm 2002 xây nhà xứ Sông cầu. Nói ra thì nhiều nhưng tất cả theo lời ngài đều nhờ công ơn của Đức cha già quá cố Phaolô Huỳnh Đông Các, và Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã khích lệ, động viên, sẵn sàng giúp đỡ để cha hoàn thành được các công trình sánh vai đồng hành cùng bước tiến chung của xã hội.

Đầu năm 1993, thầy Phaxicô Xaviê Trần Đăng Đức đến giúp xứ Sông Cầu, thụ phong linh mục vào ngày 12.05.1999, làm phó xứ Sông Cầu nhưng ở tại Gò Duối đến ngày 01.07.2003 được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi giáo xứ Sơn Nguyên. Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú về Gò Duối thay thế cha Phaxicô Xaviê Đức.

Tháng 09/1999, thầy Anrê Đoàn Văn Điểm về giúp xứ  Sông Cầu và thụ phong linh mục ngày 25/04/2002.

13. Phêrô Lê Nho Phú (2005 – 2016)

Khi về nhận xứ Sông Cầu, cơ sở vật chất tương đối ổn định, cha Phú chú tâm vào việc củng cố đức tin cho dân Chúa. Cha đẩy mạnh việc học giáo lý, đào tạo giáo lý viên và các chức việc, thường xuyên tiếp cận, thăm viếng, nắm bắt tình hình sống đạo trong các giáo họ, an ủi, làm việc bác ái, giúp cho nhiều người được trở lại. Tính từ thời điểm 2005, số giáo dân của giáo xứ Sông Cầu là 401 người trong 110 gia đình, [23] cuối năm 2016 là 625 người trong 189 gia đình.

Để đánh dấu chặng đường giáo xứ Sông Cầu 80 năm và để thúc đẩy nhịp sống đạo của dân Chúa Sông Cầu, ngày 15.06.2007 cha Phú đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn Chúa. Đầu tháng 11. 2007, vì muốn có thánh bảo trợ và vì nhu cầu mục vụ truyền giáo, cha đã xin Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chuẩn nhận ngày lễ Bổn Mạng cho các giáo họ: Phú Dương, Thạch Khê, Lệ Uyên, Phương Lưu và Triều Sơn. Cha cũng đã xây dựng đài Thánh Gia trước sân nhà thờ về phía nam vào năm 2008 nhằm củng cố nếp sống đạo cho các gia đình.

Trước ngày 27. 5. 2009, địa bàn Giáo xứ Sông Cầu gồm trọn huyện Sông Cầu, 10 xã và 01 thị trấn. Địa bàn giáo xứ rộng lớn, giáo dân thưa thớt. Nhu cầu tách xứ được đặt ra, lúc bấy giờ cha Augustinô Nguyễn Văn Phú, phó xứ, đang ở tại nhà thờ Gò Duối, cùng với cha Phêrô Lê Nho Phú nỗ lực xây dựng cộng đoàn ở giáo họ Gò Duối về nhiều phương diện để có đủ điều kiện thành lập giáo xứ Gò Duối.

Ngày 27.5.2009, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn thành lập giáo xứ Gò Duối gồm các giáo họ được tách từ Giáo xứ Sông Cầu: Gò Duối, Túy Phong, Tùy Lực, Thạch Khê và Trùm Tường. Cùng ngày, Đức cha Phêrô bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Xuân Hòa làm cha sở Gò Duối. Địa bàn mục vụ giáo xứ Gò Duối gồm các xã thuộc huyện Sông Cầu: Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Hòa. Địa bàn mục vụ còn lại của giáo xứ Sông Cầu: thị trấn Sông Cầu và 05 xã: Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, Xuân Lâm của huyện Sông Cầu.

Ngày 27.8.2009, chính phủ đã ban hành nghị quyết số 42/NQ-CP về việc thành lập thị xã Sông Cầu. Nghị quyết này đã được công bố vào ngày 22.9.2009. Từ đây, địa bàn mục vụ thuộc giáo xứ Sông Cầu gồm 04 phường: Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Yên và các xã: Xuân Lâm, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.

Đồng thời với việc củng cố và phát triển đức tin cho dân Chúa, ranh giới phần đất phía Bắc khuôn viên nhà thờ và nhà xứ đã được ổn định sau một thời gian dài cha Phú và các chức việc đã kiên trì thương thảo với các hộ dân.

          Từ năm 1982, một cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện diện tại giáo xứ và ở tại khuôn viên nhà thờ. Để thuận lợi hơn cho sinh hoạt của cộng đoàn, ngày 10.10.2011, các nữ tu bắt đầu ở nhà mới do Hội Dòng xây dựng, tọa lạc tại 16 Trần Hưng Đạo, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, cách Nhà thờ Sông Cầu về phía Tây Bắc chừng 100m.

Tiếp sức mục vụ với cha Phú, có các thầy giúp xứ và cha phó:

        - Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú (phó xứ ở tại Gò Duối từ 2003 – 2009)

        - Thầy Giuse Trần Hoàng Thiện (26. 8. 2011 đến 06. 8. 2012).

        - Thầy Phaolô Nguyễn Duy Thanh (09. 9. 2012 đến 05. 8. 2013).

        - Cha  Matthia Võ Nhân Thọ (5/2013 – 8/2015)

14. Antôn Pađua Nguyễn Huy Điệp ( 2016 - ...)

Ngày 23.06.2017, Thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng giáo xứ Sông Cầu cũng là dịp tạ ơn vì công việc chỉnh trang khuôn viên nhà thờ như công viên Đức Mẹ La Vang, nơi học giáo lý của các em, tường rào phía Bắc được hoàn thành.

Cha Điệp tiếp tục tìm kiếm sáng kiến mục vụ nhằm giúp thăng tiến đức tin cho giáo dân. Tiếp sức mục vụ với cha, có cha  Phanxicô Xaviê Hà Văn Mân.

            III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2016)

STT

GIÁO HỌ, GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ, N. NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

THÁNH HIỆU

XÂY

DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

GIÁO DÂN

1

SÔNG CẦU

P. Xuân Phú, Tx. Sông Cầu

1992

80%

121

383

TT Chúa Giêsu

2

Lệ Uyên

Xuân Phương, Sông Cầu

 

còn nền

28

86

Thánh Giuse

3

Triều Sơn

P.Xuân Đài,

Sông Cầu

 

trưng dụng

11

25

S.Nhật Gioan Tẩy Giả

4

Phương Lưu

Xuân Thọ 1,

Sông Cầu

 

trưng dụng

20

65

Đức Mẹ Vô Nhiễm

5

Hảo Danh

Xuân Thọ 2,

Sông Cầu

 

trưng dụng

4

8

 

6

Phú Dương

Xuân Thịnh,

Sông Cầu

 

trưng dụng

17

75

Thánh Giuse thợ

7

Hảo Nghĩa

Xuân Thọ 2,

Sông Cầu

 

còn nền

7

17

 

  
    IV. CÁC NỮ TU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN GIÚP VIỆC MỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ
(có chữ T là trưởng cộng đoàn):

1. Antônia Nguyễn Thị Bảo (T)          : 1982 - 2004
2. Clara Mai Thị Mỹ Xoa                    : 1982 - 1994
3. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Vàng       : 1994 - 2000
4. Anna Trương Thị Huyền                : 2000 - 2002
5. Anê Nguyễn Thị Thu Trang           : 2002 - 2004
6. Maria Lê Thị Hạc (T)                     : 2004 - 2007
7. M. Mad. Nguyễn Lê Phương Hà      : 2004 - 2005
8. Anna Hồ Thị Lành                         : 2006 - 2009
9. Anna Nguyễn Thị Túy Phượng (T)   : 2007 - 2011
10. Anna Nguyễn Thị Lệ Thủy            : 2010 - 2011
11. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Vàng(T) : 2011 - 2015
12. Matta Huỳnh Thị Huệ                  : 2011 - 2015

13. Têrêsa Đinh Thị Mỹ Hạnh            : 2014 - 2017
14. Catarina Thái Thị Hay (T)            : 2015 - 2017
15. Maria Nguyễn Thị Thanh Huệ       : 2015 - 20...
16. Maria Phan Thị Tuyết Nhung (T)   : 2017 - 20...
17. Têrêxa Võ Thị Huyền Ân              : 2017 - ...
 
[1] Dân gian
[2] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên
[3] Đại Nam Nhất Thống Chí
[4] Thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An
[5] M. 31/10/1909. no.58
[6] Còn gọi là Bình Thạnh
[7] Năm 1985 xã Xuân Lộc được tách thành 03 xã: Xuân Lộc, Xuân Bình và Xuân Hải. Nhà thờ Gò Duối thuộc thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình.
[8] M. 06/1927. p.58
[9] M. no 11/1924. p.169
[10] M. 1927, p.32
[11] Không ghi tên người ban phép rửa
[12] Trong sổ được viết Lệ Huyên
[13] Giáo xứ Sông Cầu và giáo xứ Gò Duối ngày nay
[14] M. 04/1927. p.36
[15] M. 5/1927. p.52
[16] M.11/1927. P.124
[17] Thông tin Địa Phận số 06/1958, trang 08
[18] Thông tin Địa Phận số 17/1960, trang 03
[19] Thông tin Địa Phận số 51/1967, trang 28
[20] Nhà thờ Gò Duối lúc bấy giờ bị huyện trưng dụng, giao cho Điện lực Sông Cầu sử dụng. Sau thời gian thương thảo, huyện giao lại cho bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo. Hằng tuần cha Phaolô từ Sông Cầu đến Gò Duối dâng lễ Chúa Nhật.
[21] Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn, số 93, trang 13.
[22] Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn, số 93, trang 11.
[23] Không tính phần đất của giáo xứ Gò Duối ngày nay.

Tác giả bài viết: Ban biên tập lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay24,976
  • Tháng hiện tại548,272
  • Tổng lượt truy cập28,863,641

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây