Lược sử Giáo xứ Tân Dinh

Thứ tư - 16/05/2018 17:00

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ TÂN DINH

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tân Dinh hiện nay gồm phần đất các thôn Diêm Vân, Quảng Vân (trừ xóm Tân Vân Nam và Tân Vân Bắc), Phổ Trạch (trừ xóm Lôi Trạch và Chính Trạch) của xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước và khu vực IV, phường Nhơn Bình, thành phố Qui Nhơn.
Địa bàn mục vụ của giáo xứ gồm các giáo họ Tân Dinh, Câu Gioan, Phổ Trạch, Nại và Đông Định. Nhà thờ Tân Dinh thuộc thôn Quảng Vân là trung tâm sinh hoạt của giáo xứ.

 

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Ngày xưa, giáo xứ có tên gọi là Làng Sông, vì có con sông Dinh, nhánh của sông Tọc, một nhánh lớn của sông Hà Thanh đổ về Đầm Thị Nại.
Trong danh sách nhà thờ nhà nguyện năm 1747 phần đất giáo xứ Tân Dinh ngày nay có ghi: Làng Sông 70 tín hữu, Bến Đò 30.[1] Theo bản thống kê của Thánh Giám mục Stêphanô Thể gởi về Hội Thừa sai Paris và Bộ Truyền Giáo năm 1850, vùng đất giáo xứ Tân Dinh ngày nay có Làng Sông: 265 tín hữu.[2]

2. Địa sở Làng Sông - Tân Dinh
Làng Sông ngày xưa là một địa sở kỳ cựu có đông tín hữu. Phần đất địa sở Làng Sông còn có Toà Giám mục, Sở quản lý, Tiểu Chủng viện, nhà in, nghĩa trang các Linh mục và phước viện Mến Thánh Giá. Lúc ban đầu, việc mục vụ cho giáo dân được các cha ở Giáo phủ và Chủng viện phụ trách.
Từ năm 1878 đến 1902, cộng đoàn tín hữu Làng Sông do cha Triết chăm sóc. Lúc bấy giờ địa bàn của địa sở rất rộng, bao gồm phần đất dọc hai bên sông Hà Thanh, lên tới Vân Canh ngày nay. Trong thời gian cha Triết làm cha sở, cha phó Tađêô Tín ở tại Sông Cát (1890-1900) đã có công tái lập họ đạo Cây Da, thành lập 2 họ đạo Đất Vỡ và Thăng Bình.[3]
Năm 1902 cha Gioakim Cảnh quê Phú Hoà về làm cha sở Làng Sông thay cha Triết. Về sự kiện này, có tài liệu đã ghi tên địa sở là Tân Dinh. Nhưng cũng trong năm 1902, cha Gioakim Quả về thay cha Cảnh. Cha Quả đã mua ruộng ở Câu Gioan và Đồng Chợ cho nhà chung và địa sở. Năm 1904, cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn về làm cha sở thay cha Quả. Theo báo cáo hằng năm của các Giám mục năm 1905 vùng đất nầy vẫn gọi là địa sở Làng Sông.[4]

3. Địa sở Tân Dinh
Năm 1907 cha Ẩn cất nhà thờ Tân Dinh bằng mái tranh vách đất. Trong thống kê tình hình các địa sở năm 1909-1910 thì tên gọi địa sở Tân Dinh đã chính thức thay cho tên gọi Làng Sông. Lúc bấy giờ Tân Dinh có 15 họ đạo và 2.084 tín hữu[5]. Cha Ẩn tiếp tục lập các họ đạo, xây nhà thờ Trường Úc, nhà thờ Tân Quán năm 1911, cuối cùng cha qua đời tại Tân Dinh ngày 11 tháng 03 năm 1923, thọ 81 tuổi.
Như vậy, tên gọi Tân Dinh có lẽ đã bắt đầu xuất hiện từ một vài năm đầu của thế kỷ XX, nhưng được phổ cập từ thời cha Ẩn. Lúc này địa sở đã có cơ sở riêng nằm trên gò đất bồi của sông Dinh, nên còn được gọi là Gò Dinh, từ đó đổi tên thành Tân Dinh.
Năm 1923 cha Giuse Nguyễn Khắc Miễn về làm cha sở Tân Dinh suốt 20 năm (1923-1943). Cha xây dựng lại nhà thờ Tân Dinh từ mái tranh vách đất (1907) thành mái ngói vách gạch.
Năm 1927, các họ đạo phía Tây Tân Dinh: Cây Da, Sông Cát, Thăng Bình, Đất Vỡ, Phú Trung, Tân Vinh (Mộ), Đại Hội, Phú Tài [6] được tách khỏi địa sở Tân Dinh để thành lập địa sở Cây Da. [7]
Năm 1946, trong thời cha Stêphanô Phan Văn Bính làm cha sở (1943-1955), Nha Trang bị Pháp tái chiếm, các sư huynh Lasan và các thầy dòng Phanxicô di tản ra Bình Định, cha Bính cho các sư huynh Lasan ở chung với cha tại Tân Dinh, còn các thầy dòng Phanxicô thì ở Tân Quán. Đến tháng 10 năm 1946 các tu sĩ của hai dòng mới trở về Nha Trang.
Năm 1952-1954, cha Bính bị đi tù vì không đủ tiền nộp thuế nông nghiệp. Khi được tự do, cha Bính về lại Tân Dinh. Năm 1955 cha về nghỉ hưu tại Dưỡng đường Làng Sông và qua đời ngày 27 tháng 02 năm 1959, an táng tại nghĩa địa Làng Sông.
Năm 1956, cha Augustinô Nguyễn Thanh Long được đưa về Tân Dinh thay cha Bính. Cha tiến hành xây tu sửa nhiều nhà thờ bị hư hỏng trong chiến tranh: Diêm Điền, Tân Quán, Nại, Đông Định, Tân Dinh, xây nhà xứ Tân Dinh, dời nhà thờ Phổ Trạch vào Chợ Mới và xây mới hoàn toàn tại vị trí hiện nay. Tháng 09 năm 1957 cha Stêphanô Cao Tấn Truyện tạm thay cha Augustinô Long đi nghỉ bệnh vài tháng,
Năm 1959, cha Gioan Baotixita Đinh Đức Hậu được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh. Cha xây trường tiểu học Tân Dinh năm 1961.
Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 06 tháng 02 năm 1961, địa sở Tân Dinh được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[8] 
Cuối năm 1961, cha Ambrôsiô Đỗ Bích Ngô được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh thay cha Gioan Baotixita Hậu đi nghỉ bệnh. Cha Ngô lập họ đạo Huỳnh Mai[9] và xây nhà thờ này, nay không còn nữa.
Năm 1962 cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu làm cha sở Tân Dinh thay cha Ambrôsiô đi làm giáo sư Tiểu Chủng Viện. Nhà xứ cha Augustinô Long đã xây trước kia nay được cha Phêrô Lưu nâng cấp lên một tầng.
Cuối năm 1964 vì chiến tranh giáo dân phải di tản xuống Qui Nhơn, nhưng cha Phêrô Lưu vẫn ở lại với số giáo dân không di tản. Ngài đã qua đời đột ngột tại đây ngày 02 tháng 06 năm 1968, được đưa về an táng ở Qui Nhơn và sau này đã cải táng về nghĩa địa Làng Sông. Trong thời gian chưa có cha sở mới, cha Phêrô Nguyễn Cao Hiên, linh hướng Chủng viện Qui Nhơn, đến dâng lễ các ngày Chúa nhật.
Năm 1970, cha Augustinô Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh, nhưng cha ở tại Công Chánh. Cuối năm 1972 cha về ở tại Chủng viện Làng Sông.
Năm 1973-1974, cha Long nghỉ hưu ở Qui Nhơn, giáo xứ Tân Dinh không có cha sở. Trong thời gian nầy, thỉnh thoảng cha Long về Tân Dinh dâng lễ. Cuối năm 1974, cha Long về nghỉ hưu ở Tân Dinh, đến tháng 05 năm 1975 cha nghỉ hưu tại Làng Sông và qua đời ở đó.
Cuối tháng 05 năm 1975, cha Phêrô Hoàng Kym được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh kiêm nhiệm Công Chánh, linh hướng và giáo sư Đại Chủng viện phân khu Làng Sông.
Hoà bình vãn hồi, có cha sở thường trú, giáo dân lần lượt trở về. Để đủ điều kiện sinh hoạt, cha sở lo tu bổ nhà thờ Tân Dinh: nới rộng cung thánh, xây phòng thánh mới, xây tường chung quanh nhà thờ, nới rộng đường vào nhà thờ. Các nhà thờ họ nhánh được tu bổ: Diêm Điền, Nại, Phổ Trạch. Nhà thờ Đông Định bị bình địa vì bom đạn, được tái thiết vào năm 1976 và được nối dài thêm vào năm 1982. Nhà thờ Câu Gioan bị sập vì quá mục nát, được tái thiết kiên cố vào năm 1994. Năm 1995 nhà thờ Tân Quán xuống cấp quá nặng, cha xây mới phần chính, còn mặt tiền vẫn giữ nguyên, nhà xứ và các công trình phụ được trùng tu, hoàn thành vào năm 1996.
Ngày 23 tháng 10 năm 1997, cha Phêrô Hoàng Kym nhận sở Qui Đức, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Gioakim Huỳnh Công Tân từ Toà Giám mục về nhận cha sở Tân Dinh.
Tiếp nối công trình của cha Phêrô Hoàng Kym, trong khi nhà thờ các giáo họ gần như tạm đủ điều kiện để sinh hoạt, cha lo cho nhà thờ chính Tân Dinh. Dù nhà thờ này trước đó đã bao lần được tu bổ, nhưng vì sự hao mòn qua thời gian, chiến tranh, mưa dột, nên xuống cấp trầm trọng hết cách sửa chữa, lại nữa nhà thờ không đủ sức chứa số giáo dân của giáo xứ. Năm 2001, được sự đồng ý của Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn và có giấy phép sở xây dựng, cha Gioakim Tân đã hoàn thành tốt đẹp ngôi nhà thờ mới dài 45m rộng 19m cao 13m với tháp chuông cao 25m. Ngài cũng dỡ bỏ nhà xứ cũ bị xuống cấp vì chiến tranh, lấy mặt bằng xây tượng đài Đức Mẹ, nâng cấp nhà sinh hoạt giáo xứ thành nhà xứ mới và các công trình phụ. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 20 tháng 04 năm 2004 do Đức cha Phêrô chủ tế.
Sau khi ổn định nhà thờ Tân Dinh, cha Tân tiếp tục xây dựng lại nhà thờ các giáo họ : Đông Định (2005), Diêm Điền (2007), Nại (2010).
Ngày 10 tháng 06 năm 2014, cha Phêrô Võ Thanh Nhàn được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh thay cha Tân. Cha Nhàn đang chuẩn bị xây dựng nhà thờ giáo họ Phổ Trạch, vì nhà thờ đã hư hại nặng, không thể sinh hoạt.

4. Các cha chánh xứ và phó xứ
- Các cha xứ
1. Cha Triết  (1878-1902)
2. Cha Gioakim Cảnh (1902)
3. Cha Gioakim Quả (1902-1904)
4. Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn (1904-1923)
  . Cha Simon Trần Văn Phiến, quyền cha sở  (1923)
5. Cha Giuse Nguyễn Khắc Miễn (1923-1943)
6. Cha Stêphanô Phan Văn Bính (1943-1955)
7. Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long (1956-1959)
8. Cha Gioan Baotixita Đinh Đức Hậu (1959-1961)
9. Cha Ambrôsiô Đỗ Bích Ngô (1961-1962)
10. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1962-1968)
11. Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long (1970-1972)
12. Cha Phêrô Hoàng Kym (1975-1997)
13. Cha Gioakim Huỳnh Công Tân (1997-2014)
14. Cha Phêrô Võ Thanh Nhàn (2014-...)

- Các cha phó:
1. Cha Gioakim Đạt (1881-1887) .
2. Cha Tađêô Tín (1890-1900).
3. Cha Antôn Bản (1900-1902).
4. Cha Marinô Tú (1906-1911)
5. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sanh (1902-1907)
6. Cha Giuse Phan Văn Đến (1907-1913)
7. Cha Gioan Baotixita Phan  (1910-1914)
8. Cha Gioakim Nguyễn Lịch (1912-1914)
9. Cha Phêrô Tánh (1914)
10. Cha Phêrô Chánh (Ninh) (3/1915- 8/1916)
11. Cha Phanxicô Xaviê Tuyên (1917)
12. Cha Phêrô Lê Châu (1917-1919)
13. Cha Phêrô Đặng Quyền Huy (1921)
14. Cha Simon Trần Văn Phiến (1922)
15. Cha Grêgôriô Chọn (1923-1924)
16. Cha Phaolô Trần Kim Cần (1925)
17. Cha Gioakim Phan Công Sử (1925-1926)
18. Cha Simon Tôn (1927-1930)
19. Cha Stêphanô Cao Tấn Truyện (1929-1933)
20. Cha Phanxicô Xaviê Phan Đức Ban (1939)
21. Cha Phêrô Lê Đức Châu (1941-1943)
22. Cha Antôn Dẫn (1942)
23. Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh (2003-2005)
24. Cha Gioakim Nguyễn Đức Vinh (2011-2015)
25. Cha Antôn Pađua Nguyễn Xuân Thuyên (2015-...)

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ

STT

GIÁO HỌ, GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ,
N. NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

BỔN MẠNG

NGÀY
BM

XÂY
DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

 GIÁO DÂN

1

TÂN DINH

Quảng Vân,Phước Thuận,Tuy Phước

2001

mới

148

477

Mẹ Thiên Chúa

01.01

2

Câu Gioan

Quảng Vân,Phước Thuận,Tuy Phước

 sửa 1994

60%

63

214

Đức Bà Đi Viếng

31.05

3

Phổ Trạch

Phổ Trạch,Phước Thuận,Tuy Phước

1956

chuẩn bị xây

51

168

T. Gioakim và Anna

26.07

4

Nại

Diêm Vân,Phước Thuận,Tuy Phước

2010

mới

31

97

Sinh nhật Đức Mẹ

08.09

5

Đông Định

Khu vực 4,  Nhơn Bình, Qui Nhơn

2005

mới

103

340

Đức Mẹ Sầu Bi

15.09

                                                          TỔNG CỘNG: 396 gia đình, 1.296 giáo dân
           
IV. LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
Linh mục
            1. Cha Thanh, Tân Dinh, khi chia Giáo phận Đông Đàng Trong và Bắc Đàng Trong, cha thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong; chết trôi tại Thác Đá, Bình Định.
            2. Cha Gioakim Quả, Nại, († 1904).
            3. Cha Phêrô Phan Nho, Tân Dinh, († 1935).
            4. Cha Phục, Tân Dinh, († 06.1900).
            5. Cha Bonaventura Nguyễn Văn An,  Nại, († 2000).
            6. Phêrô Nguyễn Công Sanh, Nại.
            7. Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức, Tân Dinh.
            8. Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh, Tân Dinh.
            9. Philipphê Phạm Cảnh Hiển, Nại.
            10. Giuse Nguyễn Văn Thành, Tân Dinh.
            11. Simon Trần Văn Đức, Nại.
            12. Gioakim Nguyễn Đức Vinh, Phổ Trạch.
Tu sĩ
            1. Nữ tu Anê Reine Nguyễn Thị Sự, MTG Qui Nhơn, († 1977).
            2. Nữ tu Anna Marguerite Nguyễn Thị Nghiệm, MTG Qui Nhơn, († 1986).
            3. Nữ tu Macta Anastasia Nguyễn Thị Phú, MTG Qui Nhơn,  († 2005).
            4. Nữ tu Anê Martina Khắp, MTG Qui Nhơn,  († 1981).
            5. Nữ tu Macta Gioan Bernard Nguyễn Thị Liên, MTG Qui Nhơn.
            6. Nữ tu Maria Mađalêna Nguyễn Thị Ơn, MTG Qui Nhơn.
            7. Nữ tu Agata Cù Thị Bằng, MTG Qui Nhơn.
            8. Nữ tu Luxia Nguyễn Thị Tâm, MTG Qui Nhơn.
            9. Nữ tu Maria Phạm Thị Phương Dung, MTG Qui Nhơn.
            10. Nữ tu Anê Trần Thị Mến, MTG Qui Nhơn.
            11. Nữ tu Phanxica Nguyễn thị Thanh Trưng, Dòng Thánh Phaolô.
Chủng sinh
             1. Thầy Phêrô NguyễnThanh Tú.
             2. Thầy Simon Nguyễn Nguyện.
             3. Thầy Phaolô Đặng Duy Hậu.

 

 

[1] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, sđd., tr. 189.

[2] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 58, 31 Octobre 1909, tr.152.

[3] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 143, 10 Septembre 1918, tr. 125-127.

[4] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1905 - Mgr. Grangeon,.

[5] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 69,11 Novembre 1910, tr. 90.

[6] Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois d'Août 1927, tr. 86.

[7] Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois d'Août 1927, tr. 86.

[8] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.

[9] Thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay21,339
  • Tháng hiện tại520,561
  • Tổng lượt truy cập28,835,930

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây