Maria đã chọn phần tốt nhất

Thứ hai - 30/10/2017 01:29
x
 

I. LÝ DO PHÁT XUẤT ĐỀ TÀI:

Trong bầu khí Năm Thánh của giáo phận, đây là "thời điểm vàng" cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tri ân, cảm tạ và lắng nghe bài học lịch sử mà cha ông đã viết nên bằng nước mắt, mồ hôi và máu đào. Tri ân cảm tạ để nhìn tới tương lai, cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng giáo phận theo thánh ý của Chúa. Với ý hướng này, bài thuyết trình hôm nay chọn Lời của Chúa Giêsu nói với Matta "Maria đã chọn phần tốt nhất" để làm chủ đề, làm linh hồn cho những câu chuyện về những người đã viết nên lịch sử đức tin của giáo phận.

Các nhà chú giải Thánh Kinh thường cho rằng hai chị em Matta và Maria là biểu trưng cho hai cách bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa và cũng là hai cách thế làm việc tông đồ: làm tông đồ bằng hoạt động và làm tông đồ bằng cầu nguyện. Làm việc tông đồ đó là nghĩa cử của tình yêu. Tuy nhiên việc Chúa Giêsu xác định "Maria đã chọn phần tốt nhất" cho chúng ta thấy nghĩa cử của Maria lúc bấy giờ là một nghĩa cử đẹp lòng Chúa. Nói cách khác, Maria đã chọn điều tốt Chúa muốn.

Quả vậy, việc Chúa Giêsu ghé vào gia đình Bêtania lúc này được thánh sử Luca đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang đi lên Giêrusalem. Thuật ngữ "Người nhất quyết lên Giêrusalem" được thánh sử Luca dùng  để giới thiệu ý nghĩa đặc biệt việc Chúa Giêsu hoàn tất cuộc Vượt Qua.  Đối với Chúa Giêsu, mục đích tối hậu của hành trình lên Giêrusalem là để thực hiện nghĩa yêu cho đến tận cùng, để hoàn thành sứ mạng cứu thế qua việc hiến dâng chính thân mình trên thánh giá. Như thế Lời Chúa nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất" cho thấy mục đích tối hậu việc Chúa Giêsu ghé vào gia đình Bêtania lúc này không phải để tìm chén cơm cho đỡ lòng mà là để nhắn nhủ, để gởi gắm sứ mạng cứu thế. Đã hai lần các môn đệ, trong đó có các tông đồ, những người thân cận nhất với Chúa Giêsu được Chúa loan báo về cuộc khổ nạn, nhưng các ngài bị chi phối bởi quyền, danh, lợi nên chẳng hiểu. Nay Maria, một thiếu nữ mồ côi, không có cửa để xin được ngồi bên tả hay bên hữu của Thầy, không có quyền lực, không có của cải, không có tài năng để cậy dựa, nói chung thuộc hạng ước mơ sở hữu "chiếc Nokia đời ơ kìa màn hình trắng đen" cũng không thể có, thì được Chúa Giêsu chọn để thủ thỉ tâm sự, để trối lại "công việc tốt nhất" cần phải được thực hiện cho đến ngày tận thế. Maria, một thiếu nữ mồ côi, đại diện cho hàng hàng lớp lớp người ngồi bên chân Chúa lắng nghe, cảm thấu và dấn thân chia sẻ sứ mạng với Đấng Cứu Độ.

II. NHỮNG CON NGƯỜI TIÊU BIỂU NỐI GÓT MARIA, CHỌN ĐIỀU TỐT CHÚA MUỐN ĐỂ VIẾT NÊN TRANG SỬ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Sau đây chúng ta thử đọc lại một số câu chuyện được sưu tập rải rác đó đây trong các tài liệu liên quan đến nhũng người tiêu biểu nối gót Maria lắng nghe, cảm thấu và dấn thân chia sẻ sứ mạng với Đấng Cứu Độ, những người hy sinh đời mình vì phần rỗi các linh hồn trong dòng lịch sử giáo phận Qui Nhơn chúng ta.

Các thừa sai

Trước hết và trên hết phải kể đến các thừa sai đã tham gia vào công việc loan báo Tin Mừng trong dòng lịch sử giáo phận.

Nhập cảnh truyền giáo nơi "tận cùng thế giới", một vùng đất lạ nước lạ cái, lạ từ tiếng nói, lạ từ cái ăn cái mặc, lạ từ cách chữa bệnh, lạ từ nhiều thứ trái cây mà ở xứ lạnh châu Âu không hề có, lạ từ chút nước mắm trong bữa cơm hằng ngày, lạ vì những phong tục tập quán, là từ cách ăn mặc, lạ vì "Dân ở đây không dùng sữa, họ cho là trọng tội nếu vắt sữa bò, vì theo tự nhiên thì sữa dành để nó nuôi con, nên không được lấy thứ lương thực dành cho con của nó mà làm thực phẩm cho mình." [1] Các thừa sai là những người đã tự nguyện từ bỏ bánh mì, sữa và rượu nho, những thực phẩm quen thuộc hằng ngày để chọn cơm, một thứ gạo cho vào nồi nấu bằng nước lã tinh tuyền, không bỏ thêm bơ, muối, đường hay dầu mỡ. [2] Thậm chí "ai được cơn sốt cho tạm nghỉ thì vào rừng kiếm măng, hái rau, bứt lá, rễ cây, bất cứ thứ gì miễn là ăn được…nhiều khi sáng ngày thức dậy, liệu còn đủ gạo để ăn trong ngày hay không… Giữa muôn ngàn thử thách ấy, chúng tôi vẫn sung sướng khi nghĩ rằng chúng tôi có mặt ở nơi đây là do thánh ý của Chúa nhân lành".[3] Các thừa sai đã chọn lựa cuộc sống như thế là một cuộc tái hiện Mầu nhiệm Nhập thể, nhập thể để đồng hành, nhập thể để dẫn đường, dẫn về với Đấng Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.      Như Maria, các thừa sai đã chọn phần tốt nhất.

Chuyện ở Nước Mặn

Sau 04 năm ở Nước Mặn, da chân của cha Borri đã chai cứng vì phải thường xuyên đi chân trần như người dân, không giầy, không dép. Cha tâm sự :" Phần riêng tôi, tôi đã quen lắm, đến nỗi khi trở về Macao, tôi không chịu được giầy, tôi có cảm tưởng đeo khối nặng trĩu và lúng túng có cái gì ở chân".[4]

Tại Nước Mặn, viên quan cai quản Nước Mặn cá độ với  cha Borri về việc cha Borri tuyến bố có nguyệt thực xảy ra vào lúc 11 giờ đêm ngày 09.12.1620. Nếu có nguyết thực thì cha thắng, nếu không thì cha thua độ, ai thua thì phải mất cho người được một chiếc áo dài bằng lụa. Cha Borri chấp nhận cá độ theo đề nghị của viên quan, tuy nhiên nếu cha thua, cha sẽ biếu ông chiếc áo dài, còn nếu cha thắng thì thay vì áo dài, ông phải đến tại nhà các cha tám ngày liên tục để nghe giáo lý. Hôm ấy nguyết thực đã xảy ra. Để giữ lời hứa, viên quan không những xin làm Kitô hữu với tất cả gia quyến mà còn nhiều người khác trong khu vực, cả những người thông thái và trí thức nhất trong tỉnh với những người có thế giá khác nữa.[5] Một cuộc cá độ, một sự chọn lựa vì phần rỗi các linh hồn.

Cũng tại Nước Mặn, sau khi ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn, người bảo trợ của các thừa sai đã qua đời, các thừa sai lâm cảnh túng thiếu vì không còn tiền trợ cấp,  túng thiếu đến nỗi "nếu có ai trong chúng tôi bị bệnh, chúng tôi không dám mời thầy thuốc tới 'giác' vì không có tiền để trả. Dù rằng chúng tôi đang sống giữa những người hay giúp đỡ những kẻ lâm cảnh khốn khổ, nhất là giúp thực phẩm như chúng tôi đã nói ở trước, tuy nhiên chúng tôi không xin giúp đỡ, vì nếu xin giúp đỡ như thế, chúng tôi sẽ đánh mất việc chinh phục các linh hồn. Có thể họ sẽ nói rằng chúng tôi đến xứ này không phải để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, mà là tìm kiếm nhu cầu cần thiết cho thân xác của mình qua sự giúp đỡ của quan phủ".[6] Để giải quyết vấn đề, các thừa sai phải chia nhau đi xin những người đồng hương quen biết của mình. Cha Buzomi đi Cửa Hàn để xin các thương nhân Bồ. Cha Pina đi Hội An để xin những thương nhân Nhật Bản.[7] Chấp nhận thiếu thốn để chinh phục các linh hồn, một chọn lựa can đảm, chọn điều tốt Chúa muốn.

  Chuyện cha Đắc Lộ

  Cha Đắc Lộ tâm sự: "Tôi cũng như các cha, chúng tôi không muốn nhận cái gì của dân mà chỉ cốt tìm linh hồn của họ. Thật vậy, chúng tôi không vòi vĩnh gì ở họ, ngay cả khi họ muốn biếu, chúng tôi cũng từ chối, dù họ không hài lòng. Nếu chúng tôi muốn, thì họ sẵn lòng cho chúng tôi những gì họ có. Tuy nhiên họ cũng hiểu được, vì đó là một bằng chứng hùng hồn họ dùng để thuyết phục lương dân. Họ thường nói: Tại sao các cha muốn lừa dối chúng ta, các ngài đến từ nơi rất xa xôi, cam chịu nhiều khổ cực, không nhận gì của chúng ta. Ở quê hương các ngài, các ngài là những người có tài đức, có của cải, các ngài sẽ được gì nếu lạm dụng chúng ta ? Như thế phải tin rằng Thiên Chúa đã thúc đẩy các ngài và điều các ngài giảng là có thật. Với cách lý luận như vậy, họ chinh phục được khá nhiều lương dân".[8]

  Sau 14 năm vắng bóng ở Đàng Trong, tháng 02 năm 1640, cha Đắc Lộ nhập cảnh Đàng Trong trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai đang được thi hành triệt để. Chỉ vì các linh hồn, cha dốc hết số tiền mang theo để mua quà tiến chúa Thượng. Số tiền ấy được Bề trên chu cấp để trang trải đời sống trong một năm, chứ không phải để mua quà biếu. Thật là liều mạng. Nhờ cái "liều" ấy cha có được cái "lều" tạm trú hợp pháp ở Đàng Trong cho đến khi thương thuyền Bồ Đào Nha nhổ neo về Ma Cao. Tuy cha được hoạt động hợp pháp trong một thời gian ngắn ngủi nhưng dân Chúa được yên ủi biết bao.[9]

Năm 1642 cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên lần thứ hai, Anrê Phú Yên, cậu thiếu niên được cha Đắc Lộ rửa tội năm trước, xin theo cha giúp việc truyền giáo. Lúc đầu cha Đắc Lộ từ chối vì Anrê còn trẻ, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên sự kiên trì nài nỉ của Anrê và của người mẹ đạo đức, đến không để van xin cho con út quý yêu của mình được theo cha để "nâng khăn sửa túi" cho cha hay để được ngồi "chỗ dưới một người và trên mọi người", mà đến để van xin được đồng hành yêu mến và làm chứng cho Chúa Giêsu. Thiện chí đó đã khiến cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất “máu thịt” kia, để nhường chỗ cho cái lôgíc tình yêu quan phòng của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Như Maria, cha Đắc Lộ đã chọn phần tốt nhất. Hoan hô cha Đắc Lộ ! Bài giáo lý bao đồng cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy : Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Lòng tín thác ấy đã được tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.

Chuyện thầy Anrê Phú Yên

Ngày 25 tháng 7 năm 1644, theo lệnh Tống Thị, Nghè Bộ cho lính đến Cư sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”. [10]

Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy Anrê như chiên hiền lành không chống cự. Sau đó toán lính xúc phạm đến các ảnh thánh, thầy khuyên can họ: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi sắp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang đi”. Thầy Anrê được cởi trói để làm điều thầy nói, sau đó thầy đưa tay cho lính trói thầy trở lại. Đã làm những điều ấy nhưng lính chưa thỏa mãn, lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy Anrê dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn.

          Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan cùng với ơn thánh, thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy mau chóng như thế; có thể vì thầy đã nghĩ rằng: Thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sự sống còn của nhóm thầy giảng và lớn hơn nữa là sự sống còn của một giáo đoàn còn non yếu. Trong khi nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh...mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm, đến giáo đoàn. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, của giáo đoàn. Tuy nhiên sự hiện của cha có tính cách bấp bênh, vì theo lệnh chúa Nguyễn, hết hạn “tạm trú” cha phải lên tàu với các thương nhân về lại Áo Môn.[11] Lại nữa, lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một ‘chiến lợi phẩm’, điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông báo động nguy hiểm cho thầy Inhaxiô, thầy Inhaxiô có thể trốn thoát. Lời tiên tri của Cai-Pha “thà một người chết cho cả dân được nhờ” (Ga 11,50) xưa đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, nay được ứng nghiệm nơi thầy Anrê.

Quả vậy, trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì Cha Đắc Lộ và các thầy giảng sắp vào Dinh Trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ. Vừa lúc ấy, ý Chúa nhiệm mầu sai khiến ông Horace Massa, một thương gia người Ý chạy đến cấp báo cho cha Đắc Lộ biết sự việc xảy ra tại Hội An. Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng trở về tìm nơi ẩn núp. Còn thầy Anrê đã chọn hy sinh, quên mình làm hướng đi và thầy đã trung thành đến hơi thở cuối cùng với lựa chọn của mình. Như Maria, Anrê Phú Yên đã chọn phần tốt nhất.

  Chuyện Đức cha Lambert de la Motte và các thừa sai MEP đầu tiên lên đường đến Đàng Trong [12]

Qua ký sự cuộc hành trình của Đức cha Lambert đi nhận sứ mạng do cha Jacques de Bourges ghi lại từ ngày rời Paris, 18.07.1660 đến ngày 22.08.1662, đoàn đến Ayuthia, Thái Lan, hai năm, một tháng, bốn ngày, một hành trình có khi dùng ghe thuyền, có khi đi bộ, đi ngựa, lạc đà, có khi đi trên biển, có khi trên sa mạc, có khi băng rừng, lội suối, vượt sông, một hành trình thiếu sống thừa chết , chúng ta thấy tấm lòng vì phần rỗi các linh hồn của vị Giám mục tiên khởi của giáo phận chúng ta . Ở đây xin trích một vài đoạn đường:

Hành trình từ Antioche tới Alepo: "Chúng đã mệt mỏi, chúng tôi dừng lại trên một nơi cao. Mặc dù trời cực kỳ lạnh, chúng tôi không chịu cho tên dẫn đường nhóm lửa lên, vì đó là cách báo cho quân trộm cướp và bọn đồng lõa khám phá ra chúng tôi. Suốt đêm chúng tôi cứ phải thay phiên nhau phập phồng canh chừng. Ở nơi đó, chúng tôi đã nếm thử qua cái cảnh quán trọ của xứ sở này: bữa cơm tối chẳng thành vấn đề với chúng tôi, cũng chẳng có lấy một giọt nước thấm mát sau suốt một ngày một đêm mệt nhọc. Chúng tôi tiếp tục đi khi ánh trăng vừa đủ soi đường chân ngựa".

Hành trình từ Tenasserim[13] đến Thái Lan: "Chúng tôi gần như luôn luôn phải cuốc bộ. Thường xuyên, chúng tôi cắm lều giữa chốn nước lầy: người đời có thể chẳng tin nổi vào cuộc "chiến tranh tàn khốc" mà chúng tôi phải chịu do bọn muỗi mòng gây ra đâu. Ở cái vùng đất nóng nực mà ẩm thấp này, bọn chúng cứ kéo qua kéo lại hằng hà vô số. Chúng tôi bị tấn công liên hồi và không sao ngờ trước được. Bọn chúng lúc nào cũng hút được máu chúng tôi. Cái tổ chức xếp đặt của chúng tôi chẳng có thể nào đủ mà bảo đảm cho chúng tôi được bình yên hoàn toàn...

Chúng tôi còn phải khổ phải sở vì bọn thú dữ nữa: ngày thì chúng gây kinh hồn khiếp vía, đêm thì chúng lại gây trận gây giặc ra. Để tự bảo vệ lấy, đêm nào chúng tôi cũng phải xây thành đắp đồn, cứ lấy các xe bò kéo ra mà quây vòng tròn hay vòng tam giác, rồi để bò kéo và hành lý vào giữa đó. Thường thì chúng tôi còn phải kiên thủ thêm thành lũy bằng vài hàng rào gai nữa. Chúng tôi chẳng muốn phải nghe tiếng thú dữ lượn vòng quanh chúng tôi: sư tử, lợn lòi, tê giác và nhất là bọn cọp độc ác. Các con cọp là bọn liều mình gây chiến ác liệt với các con bò kéo xe đến nỗi đám bò đáng thương hại ấy cứ khiếp vía cả lên mỗi lần có cọp đến. Chúng tôi phải nổ súng và phải đốt lửa suốt đêm mà xua đuổi bọn chúng. Mỗi người trong chúng tôi phải thay phiên nhau mà canh gác. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ngủ nghê say sưa trong các "quan tài" nhỏ xíu đem theo mình chẳng cựa quậy được nhiều vì không đủ chỗ. Dần dà rồi chúng tôi quen đi với những nhọc nhằn và những bất tiện là những thứ gắn liền theo công việc của chúng tôi". Như Maria, Đức cha Lambert đã chọn phần tốt nhất.         

          Chuyện cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do (1823-1872) [14]

Sau 9 năm dùi mài kinh sử ở Pinăng,[15] nơi đào tạo linh mục bản địa của vùng truyền giáo Đông Á theo linh đạo của Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai, một kết quả quan trọng của Công đồng Juthia năm 1664, Thầy Do, quê Đồng Hâu, trở về địa phận, Đức cha Cuênot Thể giao cho thầy nhiệm vụ tìm một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc ở Tây Nguyên qua ngả An Sơn.[16]

Sau khi đón nhận ý muốn của Đức cha Cuênot Thể, thầy Do dự định làm chủ lái buôn để xâm nhập, mở đường truyền giáo.[17] Tuy nhiên, sau khi tịnh tâm chịu chức Phó tế trước khi lên đường, thầy Sáu thay đổi kế hoạch, thầy chọn làm đầy tớ thay vì làm chủ lái buôn như dự định. Trong vai người đầy tớ  theo giúp ông Quyền, một chủ lái buôn, rày đây mai đó nơi các buôn làng dân tộc trong sứ mệnh được giao phó, thầy đã biết được đường đi nước bước, phong tục, tiếng nói của các bộ lạc. Sau khi đã “sơ bộ” tìm được đường đi nước bước, thầy Sáu Do dẫn đoàn lên đường. Trên đường tiến vào cánh đồng truyền giáo, một biến cố định đoạt cả công cuộc truyền giáo miền Tây Nguyên ngoài dự tính đang chờ đón đoàn tại Kon-Phar. [18] Khi lên đường, Đức cha luôn căn dặn đoàn truyền giáo phải xa lánh vùng ông Khiêm (Bok Kiơm), một lãnh tụ đại diện Triều đình Huế trên vùng này vì đoàn nhập cảnh vùng Dân tộc mà không có "visa". Tuy nhiên việc đã lỡ. Số là đường di chuyển của đoàn đã cách xa nơi ông Khiêm ở hơn ba ngày đàng, chẳng may người đầy tớ của ông Khiêm trốn nhà, đến ở tại Kon-Phar, ông đi tìm người đầy tớ của ông nhưng lại gặp những người đầy tớ của Cha trên trời.

Thấy các vị thừa sai bối rối, ông Khiêm đoan chắc lòng thành của mình, xin kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do. Ông Khiêm chỉ vào 2 vị thừa sai và nói: “Còn hai ông, tôi xin gọi là bố”. Sau khi hiểu nhau, ông dẫn đoàn lên nhà rông và kết nghĩa với thầy Sáu  Do với tất cả nghi thức theo phong tục của người Bahnar. Nhờ tình bạn kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do, ông Khiêm đã đưa đoàn đến Kơlang [19], giới thiệu với ông Bliu, già làng bạn của ông. Thỉnh thoảng ông Khiêm đến thăm đoàn truyền giáo đang đóng "đại bản doanh" ở Kơlang. Ông thấy bữa ăn của đoàn bên cạnh nồi cơm với mớ lá rừng. Hai ngày sau khi ông ra về, các đầy tớ của ông đã đem đến cho đoàn một phần tư con trâu, một con heo và vài con gà . [20]

Chính nhờ tình anh em kết nghĩa giữa thầy Sáu Do và các già làng: ông Khiêm, ông Bliu... với tính hiếu hoà, khôn ngoan, thận trọng, sáng kiến và năng động của thầy, dần dần đoàn truyền giáo đã đến được "miền đất ước vọng". Chính trong vai trò người đầy tớ, Thầy Do đã trở thành người tiên phong dẫn đoàn tiến vào cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Như Maria, Sáu Do đã chọn phần tốt nhất.

          Cha Phaxicô Xavie Hương [21]

Cha Phaxcicô Xavie Hương được sinh ra tại Tân Dinh năm 1856; cha mẹ là ông câu Hương, bà câu Hương. Khi đã khôn lớn thì đi giúp cố Tuyền (Vialleton) mới qua học tiếng tại họ Diêm Điền, khỏi ba tháng cố lên Mọi để chú Hương ở lại giúp Đức cha Trí , Đức cha cho vô trường Làng Sông năm 1873. Học latinh năm năm, rồi ra trường mới lập ở Nước Nhỉ học Rhetorica và Philosophia hai năm.

          Qua năm 1880 đi làm thầy giảng giúp cha Bảo ở Mằng Lăng, khỏi một năm trở về Làng Sông gặp cố Tuyền; cha con lại gặp nhau thì rất đổi vui mừng. Bởi thầy bằng lòng theo lên Mọi giúp cố, thì cố chính Hân (sau là Đức cha ) sai đi. Thầy giúp cố Tuyền, dạy kinh thiên, dạy quốc ngữ Mọi cho trẻ Mọi, dạy quốc ngữ Việt Nam và quốc ngữ Mọi cho trẻ Việt Nam; khi rảnh thì học xắp sách đoán với cố.

Năm 1887, thầy trở về, bề trên sai ra Gia Hựu rồi đổi vô Dinh Thủy, sau lại đổi về Làng Sông giúp cha Triết, người đã lập họ mới là Lộc Hạ, đoạn về Làng Sông học sách đoán 2 năm, vì cũng đã học được một phần khi còn ở trên Mọi. Lúc làm thầy 4 thầy 5 (1891-1893) cũng có ra giúp cố Lộc ở Nam Bình, dạy sở mới ở làng Hữu Pháp.  Chịu chức thầy cả ngày 14 Octobre 1894.

Có thể nói, trước khi thụ phong linh mục, thầy Hương là một thầy giúp xứ có "nét đẹp quên tuổi" vì là "sản phẩm hàng hiệu" yêu thương các linh hồn: 01 năm giúp ở Mằng Lăng, 06 năm ở Kontum, 02 năm ở Gia Hựu, Dinh Thủy, Làng Sông, 02 năm ở Nam Bình.

          Những giáo dân cặm cụi, nhiệt tình góp sức cho cánh đồng truyền giáo [22]

          Thuở ấy đàng lên Komtum rất đổi gây go hiểm trở, từ Bến Thuộc  (Đồng Phó) đi hết tám ngày mới tới Komtum; đàng xá chẳng có, khi thì lối rừng cao núi dốc, khi lại băng qua những đồng hoang cỏ rậm, chẳng biết đâu là đâu, người đi sau gần không thấy kẻ đi trước, phải có kẻ quen thuộc đem đàng chỉ ngõ mới khỏi lạc; lại thêm những Mọi hoang hay đón đàng cướp của giết người. Hễ chiều tối đến thì cứ nghỉ giữa rừng hoang, màn trời chiếu đất, lựa những chỗ có khe có suối mà dừng bước. Tới đó kẻ đi quơ củi người lo nấu cơm, kẻ đốn cây chặt lá làm chòi để nghỉ tạm ban đêm, đêm nào cũng như đêm nấy, chỉ có một đêm ấm áp ở làng mọi quen mà thôi.

          Đã vậy lại khi qua đèo An Khê còn bị một cơn rất hiểm nghèo, không ơn trên gìn giữ, âu là đã xong đời. Khi ấy đèo rất động, cọp thường ra chộ những kẻ đi đàng; người ta phải đợi cho có năm ba mươi mới dám đi, ở Bến Thuộc ra đi cả thảy là 30 người, biện Bố là người giàu có, đạo đức xứ ấy và cũng là người can đãm dạn dĩ, cưỡi ngựa đi trước cố Tuyền, thầy Hương cũng ngồi ngựa; có 15 phu gánh đồ và 12 đứa mồ côi Gò Thị theo lên giúp việc. Tới đèo đã tảng sáng, lên được chừng 300 thước thì thấy một bọn người ta chừng 40, ngựa chở 10 con, lao xao lố xố, cầm đòn gánh, tay đập miệng la đà thất thanh; hỏi thì người la thưa rằng: “Ngài ra đón đàng trước kia, đập đuổi hết sức ngài mới chịu trở vô rừng”. Hai bọn giáp nhau thấy đông người thì cứ đánh liều mà đi. Đi được một đỗi rủi tên phu bị đứt gánh đổ đồ phải đứng lại mà cột sửa, biện Bố cũng cầm ngựa đứng lại mà coi giúp, ngựa thầy Hương đứng kề sau còn người ta đã qua hết rồi, kêu biểu đứng lại mà đợi thì chặn gần dừng bước, còn bộn đi trước không nghe thì cứ việc đi. Khỏi vài phút thầy phát dùng mình run sợ liền thúc ngựa tới, ngựa vừa qua tới trước đầu ngựa biện Bố, thầy nghe một cái sạc ở mé rừng, ngó lại thì thấy một con cọp to lớn gớm ghê đương hả miệng hằm hằm nhảy tới, thầy kinh hãi sửng sốt nhìn trân không kịp la lớn, thì cọp đã nhảy chờm tới lên cắn cổ biện Bố kéo xuống ngựa và tha vào rừng. Chừng ấy thầy mới la lên, ai nấy đứng lại hoảng hốt kinh hoàng; tức thì người ta chạy xuống báo thủ ngữ [23] đem dân kiếm xác, kiếm được thì cọp đã xơi mất hết một đuồi, thảm thương thay!

          Biện Bố, 15 phu gánh đồ và 12 đứa mồ côi Gò Thị, những tín hữu tiêu biểu cho đoàn người thầm lặng cặm cụi hy sinh không vì để "vua biết mặt, chúa biết tên" mà là để làm nên lịch sử loan báo Tin Mừng của giáo phận Qui Nhơn.

Chuyện cha Garin (Cố Châu) [24]

Cha Marie André Garin sinh ngày 28 tháng 05 năm 1854 tại Pháp, thụ phong linh mục ngày 16.3.1878. Cha bị Văn Thân thiêu sống cùng với nhiều giáo dân tại nhà thờ Phường Chuối [25] vào ngày 18 tháng 7 năm 1885. Năm 1878, cha được bổ nhiệm phụ trách mục vụ vùng Bắc Quảng Ngãi, cư sở tại Cù Và. Khi  sốt rét viếng thăm cha, cha viết: " Tôi đến đây không để được sống lâu nhưng để làm việc cho Chúa và chết ở đây khi Chúa muốn". Cư sở vật chất đặt tại Cù Và, tuy nhiên cha rày đây mai đó trong các giáo họ, cha chọn lòng dân làm nơi cư trú của cha. Nhờ vậy, sau 2 năm làm mục vụ, cha đã thiết lập giáo họ Văn Bân [26] và 40 giáo điểm truyền giáo, lập nhà thương tại Phú Hòa, xây dựng và tái thiết rất nhiều nhà thờ tại Quảng Ngãi, thành lập hai nông trại cho các em cô nhi. Nối gót Maria, cha đã chọn phần tốt nhất.

Chuyện thầy Phaolô Thắm [27]

Thầy Phao-lồ Thắm sinh tại họ Bến-đá, địa phận Gia-hựu, tĩnh Bình-định, độ năm 1865 ; đến sau cha mẹ chết hết, thì về ở với bà cô tại họ Đồng-hâu. Năm 1881 vào trường Làng-sông, rồi năm 1885 qua nhà trường Pinăng. Ở Pinăng ba năm rưỡi, học cách vật đoạn, trở về địa phận.

Trước hết thầy đi giúp địa phận Gò Thị, rồi giúp địa phận Đồng Quả, Tân Dinh. Cũng có ở trường Làng Sông dạy chữ nhu cho các chú; sau hết giúp địa phận Cù Và.

Tính nết hiền lành vui vẻ, nhơn đức, kỷ lưỡng, mà kỷ quá hóa chậm. Lúc học tại Pinăng, có một Cha thấy chậm thì diễu rằng : “Ngày tận thế, khi mọi người sống lại tựu trường phán xét, Thắm ta lo sửa cho xong bộ tịch, thì thiên hạ đã đi mất đất rồi.”

Bề học hành vừa đủ. Bề trên kêu về học sách đoán, song thầy phần thì sợ yếu đuối phần xác, phần thì bởi lòng khiêm nhượng, nghĩ mình chẳng xứng đáng, nên xin chuẩn cho khỏi.

Nhưng mà ở bực kẻ giảng, thầy cũng đã trọn niềm bổn phận. Hằng giữ lòng đạo đức sốt sắng luôn, kinh nguyện rất cần cán, có lòng trìu mến Đức Mẹ cách riêng.

Thầy lấy việc cứu linh hồn người ta làm trọng nhứt. Thầy ở địa phận Đồng-hâu lâu năm, giúp nhiều việc lắm, bây giờ người ta hãy còn nhớ ơn thương mến.

Chuyện cha Phêrô Niên[28]  

Hai tích làm chứng cha Niên có lòng sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta thế nào.

Khi cha Niên còn làm thầy giảng ở Quảng Nam, có một nhà bỏ đạo, người muốn cho nó trở lại hết sức, nên hằng cầu nguyện cho nó, song luống công, mới định tới nhà nó mà an ủi; trước khi ra đi, người vào nhà thờ lần một chuỗi, kêu xin Đức Mẹ đoái thương con chiên xiêu lạc, lần hột xong ra đi tới ngõ, thấy ngõ đóng, người kêu mở ngõ mà chẳng thấy ai ra, thấy ít con chó ra sủa và muốn cắn mà thôi; người đứng một chặp thấy vắng vẻ, thì trở về lần một chuỗi nữa, đoạn đi tới, kêu mở ngõ, thì có kẻ ra mở, song vô nhà thì chẳng thấy ai ra mặt chào hỏi; người đứng xớ rớ ngó nhìn ba cây cột trong nhà, rồi trở ra về, mà cũng chưa ngã lòng; qua bữa sau người lần một chuỗi nữa và đi như trước, phen nầy tới nhà thì chủ ra rước chào tử tế; người liền an ủi cả nhà trở về đàng chính cùng giữ đạo tử tế lắm.

Còn một tích nữa là năm ngoái đây, người còn khá mạnh, mỗi ngày vô nhà thờ chầu Mình Chúa, đoạn đi dạo một khúc đàng giải trí; người đi ngang qua cái miễu trước nhà thờ, thấy một mụ già hằng ngày lo nhang đèn cho ma quỉ, bèn thương xót linh hồn nó; người dỗ nó biểu trở lại đạo; mẹ ấy ban đầu không muốn nghe; lần lần mỗi ngày đều nghe cha dỗ và nói cách nọ thế kia làm chứng quỉ thần là dối trá, thì hơi mềm lòng, song cứ hẹn rày mai chưa chịu trở lại; chẳng may mẹ ấy phát bịnh đau nặng, Cha Niên nghe bèn tới an ủi riết thì mẹ ấy trở lại, và nói rằng mình đã chịu phép rửa tội từ thưở nhỏ rồi vì khi đó đau nặng gần chết, có bà kia có đạo đã rửa tội, song khi khỏi chết thì không giữ đạo, mà bà ấy cũng hằng an ủi biểu trở lại. Cha Niên nghe vậy lòng mừng, song bối rối chẳng biết tính sao, bèn về nói lại cùng cố Lành.[29] Cố bàn phải rửa tội hồ nghi, rồi sẽ cho xưng tội; vậy cha Niên ráng chịu khó dạy dỗ, rồi cố lành làm phép rửa tội hồ nghi, còn cha thì giải tội và cho chịu các phép bí tích khác, đoạn mẹ ấy chết lành.

Chuyện một thiếu niên ở Đồng Quả [30]

Năm (1885) là chính lúc giết đạo, có ông hương ngoại đi dạo ruộng gặp một trò chừng 14, 15 tuổi, ở trong núi đi ra, hình vóc ốm o, mặt mày tươi tắn, tay cầm tràng hột, nên biết là đứa có đạo, thì kêu lại mà hỏi rằng : “con ở đâu, đi đâu đây?”

Nó rằng : “tôi ở họ Đồng-quả ; đi trốn trong rừng già kia đã lâu, nay tôi về nhà thờ mà chịu chết.”  - “Con gặp ông, thì sống được, ông đem về nhà ông nuôi tử tế, không cho ai biết, miễn là con bỏ cái chuỗi ấy đi, mà xưng mình là cháu ông, ở Phù Ly ra thăm. Làng nầy xa Đồng-quả, không ai biết mặt con, đâu mà sợ.” – “Úy ! cái chuỗi nầy la bổn mạng tôi : tôi có cầm trong tay, mới yên trong dạ, không lẽ mà bỏ được. Lại tôi cũng không muốn sống làm chi, một quyết theo cha mẹ bà con tôi về Thiên đàng mà thôi.”

Người đem về nhà cho ăn uống, rồi dỗ ngon dỗ ngọt, cả đêm tới sáng, mà nó cứ nằng nằng xin về chịu chết, thì người rằng : “thôi, con không muốn ở đây, thì con trở vô trốn trong rừng đó, ông liệu đem đồ ăn hằng ngày, cho đến khi bình yên, con sẽ trở về.” – “Cám ơn hai ông bà có lòng tốt, nuôi tôi hôm qua nay, và muốn cứu phần xác tôi cho khỏi chết. Song Chúa tôi sanh dưỡng tôi từ bé đến giờ, muốn cho tôi về cũng Chúa. Xin để cho tôi về, tôi sẽ xin Chúa tôi xuống phước trả ơn cho hai ông bà.”

Nó từ giã đoạn, xăm xúi ra đi, miệng đọc lâm dâm, tay cầm tràng chuỗi, bộ tịch vui vẻ, chơn bước phấn chấn, khác nào kẻ đi đám vui tiệc sướng vậy. Còn hai ông bà thì rất đỗi thương tiếc, lấy nước mắt ròng ròng mà đưa nó đi cho đến khi khuất mặt, vì biết nay mai nẫu sẽ bắt mà giết. Cách ít bữa nghe nó bị chôn sống, thiệt là rất thảm !

Từ đó hai ông bà cứ ngẫm nghĩ trong lòng rằng : thật có đống phước đâu trên trời, kẻ có đạo thấy, nên ham chết quá ! Rất đỗi là thằng nhỏ chừng đó, mà cũng thiệt ham ! Vì vậy nên cả nhà đã trở lại đạo, và thuật chuyện nầy. Âu là nhờ lời thằng nhỏ cầu xin, như lời nó hứa.

Chuyện "Con Dần", 13 tuổi, một thiếu nữ "bất khẳng" [31]

           Đây là câu chuyện của cha François-Marie Geffroy (Cố Bửu) kể về “ Con Dần”, cô gái 13 tuổi bị bắt cùng cả gia đình vì đức tin thật là cảm động. Trong khi nhiều người kể cả ông bố của mình chối đạo thì cô bé Bình Cang đó đã giữ vững đức tin đến cùng. Sau hai năm bị tù, mẹ và chị cả chịu hết xiết đã chối đạo, rồi đến lượt thân phụ cũng quyết định bước qua thánh giá. Cô bé đau đớn lắm nhưng không thể ngăn cản được. Phần mình, em quyết theo Chúa đến cùng. Qua ba đời quan: Đỗ Phước Thịnh, Phạm Hành, và Quan án Tường  được cha Geffroy gọi là “ ce trọ trẹ de Huế était un véritable tigre" -  (ông quan trọ trẹ người Huế nầy quả là một con hổ). Quan đã buộc người cha bước qua Thánh giá mà cô con gái bé nhỏ lại bất khẳng [32] , Quan Án Trường cho đánh đập tàn nhẫn đến nỗi cô bé ngất đi và được đem về nhà giam mình đầy máu me. Hai ngày sau, dù các vết thương còn tươi rói nhưng em Dần lại bị đưa đến công đường hành hạ tiếp. Cô bé lại bất tỉnh nhân sự và bị lôi ra bỏ ở bờ rào vì tưởng chết. Nhưng Sáu Sự, người Phú Yên, cũng một người bất khẳng, đã ẳm cố bé vào và cho nằm sấp bất động. Đau đớn nhưng cô bé không hề rên la. Sáu Sự cố gắng đem ra sân gạt dòi bọ trên các vết thương, tắm rửa và 15 ngày sau, cô bé đã chết trong nổi đau đớn tột cùng. Sự việc nầy xảy ra vào năm 1860, Tự Đức năm thứ 12.  Ông Trùm Nên ở Chợ Mới kể cho cha Geffroy rằng có một ngày ông hỏi em, khi bị đánh, con có đau lắm không. Em nói rằng “ Con cảm thấy đau lắm, nhưng con cố gắng không nghĩ đến chuyện đó nữa. Khi người ta bắt đầu đánh con, thì con cũng bắt đầu đọc kinh bắt đạo và đọc đi đọc lại cho đến hết kinh, con chỉ ngừng đọc khi người ta không còn đánh con nữa”.

          Kinh bắt đạo là kinh gì? Ở cuối câu chuyện, Cố Bửu cho biết Kinh nầy được cố Bửu dịch từ sách thiên bằng chữ nôm, in bằng mộc bản tại Gia Hựu năm 1864, bốn năm sau cái chết của em Dần. Như vậy kinh nầy trước đó đã được phổ biến rộng rãi, được giáo dân yêu chuộng để cầu nguyện. Kinh nầy được in với tự đề Kinh dốc lòng giữ đạo cho trọn  và kèm theo lời dặn "Hễ khi bắt đạo thì hằng ngày ban hôm phải đọc kinh sau nầy": Lạy Chúa tôi, là Đứng đã dựng trời đất muôn vật, và sinh ra tôi ở đời nầy mà thờ phượng Chúa, nên chính việc tôi phải làm, là tin cậy yêu mến giữ đạo Chúa cho trọn. Mà bởi tội lỗi tôi, nên Chúa đã lấy lòng thương xót mà cho Ngôi Hai xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà cứu lấy tôi, cho khỏi sa địa ngục vô cùng: mà rày tôi chẳng muốn chịu sự khó, mà báo nghĩa Chúa đã thương tôi ngần ấy sao? Ấy vậy từ nầy về sau, dầu tôi phải chịu bắt trói, gông cùm, tù rạc, lưu giam; dầu phải đày đọa, bỏ cha mẹ vợ con của cải; dầu phải gia hình kìm khảo, chết dữ đằn độc ác thế nào vì đạo Chúa, thì tôi sẵn lòng mà chịu những sự ấy, và tin thật mỗi hình khổ mà kẻ dữ làm khổ cho tôi bây giờ, sánh chẳng bằng một chút hình khổ xưa Chúa đã chịu vì tôi. Vã lại sự dữ tôi phải chịu bây giờ, thì chóng qua chóng hết, mà phần thưởng Chúa dành cho tôi trên nước Thiên đàng, thì vô cùng vô tận. Vậy tôi xin Chúa ban ơn sức mạnh vững vàng cho tôi, đặng bền lòng từ nầy về sau thà chịu mọi hình khổ, dầu rất dữ thế nào cho đến chết, chẳng thà bỏ đạo Chúa tôi, cho đặng sống tạm đời nầy mà ngày sau phải chịu hình phạt vô cùng trong địa ngục. Amen.

          III. TẠM KẾT

     1. Câu chuyện chị em Matta và Maria trong Tin mừng Luca là một gợi ý cho tầm ngắm hoạt động mục vụ của chúng ta. Dĩ nhiên giữa những điều tốt trong mục vụ, chọn điều tốt Chúa muốn là việc không "dễ như thò tay vào túi” đứng nhìn trời mây. Quả vậy, để chọn thi hành điều tốt Chúa muốn trong mục vụ, dũng khí thôi chưa đủ, lòng nhiệt huyết, yêu thương các linh hồn thôi chưa đủ mà còn rất cần cái yếu tố hiểu và yêu mến ý Chúa để chọn được điều tốt Chúa muốn. Đó là sứ điệp những câu chuyện của những con người "làm nên lịch sử " giáo phận Qui Nhơn mà chúng ta vừa đọc ở trên đã minh chứng.

     2. Quyển sách giáo lý đầu tiên ở Việt Nam được các thừa sai tại Cư sở Nước Mặn soạn thảo bằng tiếng Nôm với sự cộng tác với một thanh niên Việt Nam là phần đầu sách giáo lý của Đức Hồng y Bellaminô (Thánh Robertô Bellaminô). Trong sách giáo lý này có những kinh thông thường như kinh lạy cha, kinh kính mừng, kinh tin kính… những kinh nguyện rất được giáo dân hâm mộ. Kể từ ấy, trong dòng lịch sử truyền giáo của giáo phận, các thừa sai biên dịch các kinh nguyện từ chữ latinh sang chữ quốc ngữ, phổ biến cho giáo dân để đọc hằng ngày hoặc trong các ngày lễ, mùa phụng vụ. Sách Mục Lục của giáo phận Qui Nhơn là một sách Kinh được tổng hợp các kinh được phổ biến từ thời Thánh Giám mục Stêphanô Cuênot Thể.

     Sỡ dĩ vấn đề kinh nguyện giáo dân được đề cập ở đây vì những kinh này đã là một nguồn lực nuôi dưỡng, nâng đỡ đời sống đức tin của dân Chúa trong dòng lịch sử  giáo phận suốt 400 năm qua. Câu chuyện cha Phêrô Niên, chuyện "Con Dần" và " thiếu niên ở Đồng Quả" là những câu chuyện tiêu biểu minh chứng giá trị lòng đạo đức bình dân được thể hiện qua những kinh nguyện "bình dân" hằng ngày, giá trị ấy được Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng tái xác định: “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”.

     Giá trị sức mạnh nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của lòng đạo bình dân được Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng minh định trong các số từ 123-126:

          - Số 123: Lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào. Từng có thời bị coi thường, lòng đạo bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công Đồng. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tạo một động lực quyết định trong lãnh vực này. Trong Tông Huấn, “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được” và “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”. Đức Giáo Hoàng nói rằng lòng đạo bình dân

          - Số 124: Lòng đạo bình dân là ơn Chúa Thánh Thần. Nó là một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”; nó mang theo mình ơn gọi làm người truyền giáo, chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!

          - Số 125: Để hiểu thực tại này, chúng ta cần tiếp cận nó bằng cái nhìn của người Mục Tử Nhân Hậu, không xét đoán nhưng tìm cách yêu thương. Chỉ với bản tính đồng cảm phát sinh từ tình yêu, chúng ta mới có thể đánh giá cao đời sống hướng thần (theological) hiện tại trong lòng đạo của các dân tộc Kitô giáo, đặc biệt giữa những người nghèo. Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta (xem Rm 5:5).

          - Số 126: Lòng đạo bình dân như là kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh phúc âm hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ: nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần. Trái lại, chúng ta được kêu gọi cổ vũ và tăng cường lòng đạo bình dân để đi sâu vào tiến trình không bao giờ kết thúc của hội nhập văn hoá. Các biểu hiện của lòng đạo bình dân dạy chúng ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (“cơ sở thần học”) mà chúng ta phải chú ý, đặt biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng về cuộc tân phúc âm hoá.

Với những chỉ dẫn của Tông Huấn và những chứng từ trong dòng lịch sử của giáo phận vừa nêu trên, lòng đạo đức bình dân, một hình thái biểu lộ đức tin cần được cổ võ và được đặt vào hàng ưu tiên trong việc mục vụ để củng cố đức tin dân Chúa, đặc biệt trong Năm Thánh hồng phúc này. Lòng đạo đức bình dân không phải là một phương thức cầu nguyện, một hình thái biểu lộ đức tin dành cho dân dã thuộc giới bình dân, nhưng là một phương thức cầu nguyện, bày tỏ đức tin dành cho mọi tín hữu, dù tín hữu đó là nhà khoa học hay là nông dân hai lúa, là Đức Giáo hoàng hay người giáo dân bình thường. Làm sao để thực hiện hướng dẫn của Tông Huấn: "chúng ta cần tiếp cận nó bằng cái nhìn của người Mục Tử Nhân Hậu, không xét đoán nhưng tìm cách yêu thương" ? Trong việc đào tạo "người mục tử nhận hậu" cho tương lai, thiết nghĩ các chủng sinh, "những đầu tàu tương lai", cần được trải nghiệm, cảm nếm vị ngọt và sức sống dồi dào của lòng đạo đức bình dân hầu dễ dàng hội nhập, đồng hành với giáo dân trong hình thái biểu lộ đức tin phổ thông này.   

                  

 

[1] CRISTOPHORO BORRI, Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631, Thăng Long,  Hoa Kỳ 1989, trang 20.  (Xem thêm cùng tác phẩm, trang 12-42).

[2] Xem CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 37.

[3] P. DOURISBOURE, Dân Làng Hồ, nxb. Đà Nẵng  2008, trang 52-53.

[4] CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 37.

[5] CRISTOFORO BORRI,  sđd., trang 102-103.

[6] CRISTOFORO BORRI, sđd, trang 86.

[7] CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 88

[8] ALEXANDRE DE RHODES,  Hành trình và Truyền giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. HCM, 1994, trang 78-79.

[9] Xem ALEXANDRE DE RHODES,  sđd, trang  91.

[10] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Người Chứng thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959,  trang 125.

[11] Lúc bấy giờ toàn bộ thừa sai đã bị chúa Nguyễn trục xuất khỏi Đàng Trong. Cha Đắc Lộ từ Áo Môn theo đoàn thương gia đến Đàng Trong. Cha tận dụng ảnh hưởng của các thương nhân người Bồ đối với chúa Nguyễn để được tá túc tạm thời.

[12] Xem. Đào Quang Toản, Ký sự cuộc hành trình của Đức cha Beryte, Toulouse,1995, lưu hành nội bộ.

[13] Tenasserim, một đảo nhỏ thuộc Miến Điện ngày nay.

[14]  Xem  - P.BAN  và  S.THIỆT, Mở Đạo Kontum, Imprimerie de Qui Nhơn 1933; 

               - P. DOURISBOURE, Dân Làng Hồ, nxb. Đà Nẵng  2008.

[15] 7 năm học và 2 năm phụ giáo.

[16] Lúc bấy giờ An Sơn thuộc vùng đất Tây Sơn Thượng của ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nay là vùng đất huyện An Khê, tỉnh Gia Lai.

[17] P. DOURISBOURE, sđd, trang 15-16.

[18]  Một làng thuộc huyện K'Bang, Gia Lai ngày nay.

[19] Một làng thuộc huyện K'Bang, giáp ranh với xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, Gia lai ngày nay. Kon-pha  (phía mặt trời mọc), Kơlang (phía mặt trời lặn).

[20] Xem P. DOURISBOURE, sđd, trang 28-55.

[21]  Mémorial Mission de Qui Nhon,  Novembre 1929,  trang 74-76.

[22]  Mémorial Mission de Qui Nhơn,  Nov. 1929, trang 74-75.

[23]  Quan trấn giữ biên giới.

[24]  Xem ADRIEN LAUNAY, Nos Missionnaires Précédes, Paris 1886, trang 243-257.

[25] Phường Chuối là một giáo họ có  trước năm 1747, tiền thân của giáo họ Vạn Lộc thuộc giáo xứ Tân Lộc nay đã mai một. Năm 1885, Phường Chuối là một giáo họ sầm uất của giáo xứ Cù Và.

[26]  Ngày nay Văn Bân  thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, giáo xứ Bàu Gốc.

[27] Mémorial Mission de Qui Nhơn, No. 94, 31 Decembre 1912, trang 132-133

[28] Mémorial Mission de Qui Nhơn, No.102, Sept. –Oct. 1913, trang 86-87

[29] Cha J. Bapt. Solvignon Lành, cha sở Kim Châu (1910 - 1920). Chuyện xảy ra tại Kim Châu, lúc cha Niên đang an dưỡng tại gia đình.

[30] Mémorial  Mission de Qui Nhơn,  Janvier 1919, trang 5.

[31] Mémorial Mission de Qui Nhơn, Novembre 1918, trang 155-162.

[32]  Không chịu thua, không chịu chối đạo.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây