Món quà đầu tiên dành tặng Mẹ

Chúa nhật - 09/07/2017 23:32

MÓN QUÀ ĐẦU TIÊN DÀNH TẶNG MẸ

(Chút cảm nhận về tác phẩm “GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN” vừa xuất bản)           
 

sachlichsu2


Sáng nay, đang lúc “trà đàm” giữa mấy anh em nơi căn phòng nhỏ của Tòa Giám Mục Qui Nhơn, chúng tôi được cha văn phòng đến trao tặng mỗi người hai tập sách mới tinh. Tập lớn, in khổ trung, giấy đẹp, hình bìa ghi : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN. Tập nhỏ, in màu, hình bìa có logo Năm Thánh giáo phận cùng với đề sách : CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018.

            Cầm trên hai cuốn sách mà lòng cảm thấy nao nao, cái “nao nao” khó tả, tự nhiên nó đến từ một miền sâu thăm tâm linh nào đó, như một sự nối kết huyền nhiệm của hiện thực hôm nay với cả một chiều dài thẳm thẳm của ký ức, của hoài niệm, của cội nguồn…!

            Tôi muốn dừng lại nơi cuốn sách mang tên : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, với một chút “cảm nhận” của một người con của “Mẹ giáo phận Qui Nhơn” mà hình bóng hình như đang thấp thoáng qua từng trang sách.

            Trước hết, mừng làm sao, cuốn sách đã kịp về với giáo phận đúng 20 ngày trước ngày Khai mạc Năm Thánh Giáo phận mừng 400 năm Loan Báo Tin Mừng (26/7/2017). Thật vậy, làm sao có thể tưởng niệm về cội nguồn 400 năm với cả một hành trình thăm thẳm như thế mà bên mình lại không có một “hành trang ký ức”, một “bửu bối hoài niệm” hay một thứ “cổ kính” mà ta muốn “tìm thấy bóng” như hai câu thơ trong bài thơ “Khóc Bằng Phi” của vua Tự Đức :

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,

Xếp tàn y lại để dành hơi…

            Nói như thế để cùng cảm nhận rằng : lịch sử quý làm sao, cần thiết làm sao. Nhất là lịch sử của đức tin, của công cuộc loan báo Tin Mừng mà mọi thế hệ Kitô hữu đều phát xuất từ đó, đều có mặt trong đó và đều có trách nhiệm viết tiếp những chặng đường còn lại mà trong Lời Giới Thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn ở đầu sách đã ghi :

“Trong tinh thần "ôn cố tri tân" chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng.”[1]

            Cách riêng, với tác phẩm GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN có thể nói được là kết tinh của bao tâm huyết qua nhiều thế hệ để rồi đọng lại với “mệnh lệnh của trái tim và trách nhiệm” mà ban Biên Soạn Lịch sử Giáo phận đón nhận từ ban Tổ Chức Năm Thánh, như được ghi trong phần “Thay Lời Tựa” của ban Biên Soạn :

“Qua chặng đường 4 thế kỷ, biết bao biến cố thăng trầm đã diễn ra, biết bao nhân vật đã xuất hiện, biết bao thành quả đã đạt được, cũng như biết bao bài học cần được rút tỉa cho hôm nay và mai sau. Qua dòng thời gian, những điều này đã được ghi chép lại trong các tài liệu dưới nhiều thể loại khác nhau…..

Nhân dịp chuẩn bị mừng Năm thánh kỷ niệm 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618-2018), Giáo phận đã thành lập Ban tổ chức Năm thánh, trong đó có tiểu ban biên soạn lịch sử Giáo phận, mà một trong những nhiệm vụ được giao là biên soạn một quyển sách hoàn bị hơn về lịch sử Giáo phận, để đáp ứng nhu cầu học hỏi của mọi thành phần dân Chúa về sự hình thành và phát triển của Giáo phận.”[2]

            Điều đó thật là hợp lý. Bởi chưng nói cho cùng, đối với những người có chung niềm tin Kitô thì mọi con đường, mọi diễn biến lịch sử đều quy về một lịch sử duy nhất đó chính là “Lịch Sử Cứu Độ” như xác quyết của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Gaudium et Spes :

“Ðược tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người : "thâu kết trong Chúa Kitô muôn loài trên trời dưới đất" (Eph 1,10).[3]

            Thật ra, nói về lịch sử, kể chuyện đời xưa luôn luôn là một chuyện khó. Cho đến nay, những đầu sách kinh điển viết về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nhất là lịch sử truyền giáo tại Đàng Trong, vẫn còn khan hiếm, nhất là những tác phẩm tương đối chuẩn mực, khả tín. Đó là chưa kể, trong cái “chợ trời sách vở” ngập tràn trên “vĩa hè xã hội”, sách báo Công Giáo gần như “ẩn mình khiêm tốn” hay vắng bóng xa xăm !

            Có một điều may mắn đến với Giáo phận Qui Nhơn, đó là, chính nơi cội nguồn Nước Mặn, “trường dạy quốc ngữ đầu tiên” được hình thành và trong quá trình “Hội nhập văn hóa và Truyền giáo” tại Việt Nam, không thể không nói đến Nhà in Làng Sông, một trung tâm văn hóa đã có tầm ảnh hưởng trên toàn cõi Đông Dương vào thế kỷ trước. Chính cuộc Hội Thảo cấp quốc gia với chủ đề : BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ tại thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình Định ngày 13/01/2016 đã khẳng định trong Lời Giới Thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc :

“Việc Bình Định xướng xuất và nhận lãnh trách nhiệm phối hợp với Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội Thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ là việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiển to lớn.”[4]

            Phải chăng đó cũng là một trong những lý do và động lực để Đức Cha Matthêô cùng với quý cha trong Giáo phận càng nỗ lực để biên soạn một cuốn sách về lịch sử Giáo phận sao cho chuẩn mực, khả tín, xứng đáng là nơi “kế thừa” cội nguồn Đàng Trong, nơi phát sinh chữ Quốc ngữ và là nơi xuất phát của các Giáo phận thuộc hai Giáo tỉnh Huế, Sài Gòn !

            Riêng đối với Đức Cha Matthêô, người chủ biên và chắp bút cho cuốn sách nầy, chắc chắn đây là món quà tâm đắc và trân quý nhất. Làm sao không trân quý cho được, khi một trong những lý dó khiến Đức Cha phải hủy bỏ cả chuyến viếng thăm mục vụ dài ngày tại Hoa Kỳ vào tháng 5 đã được thiết kế trước cả năm, lại chính là nổi ưu tư, lo lắng việc hoàn thiện cuốn sách trước ngày Khai mạc Năm Thánh !

            Trước ngưỡng cửa Năm Thánh đang trở về cùng với bao nôn nao của dân Chúa trong toàn Giáo phận, hy vọng cuốn sách GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN” sẽ như một chứng từ rõ nét về con đường 400 năm Loan Báo Tin Mừng trên quê hương Giáo phận. Đây phải chăng là “MÓN QUÀ ĐẦU TIÊN” mà đoàn con giáo phận Qui Nhơn xin dâng về cho “Mẹ Già Qui Nhơn” là các vị Cha Ông Tiên Tổ, 4 vị Thánh Nhân Giáo phận, 16 vị Tôi Tớ Chúa, và hàng vạn anh chị em tín hữu, Nữ tu, Thầy Giảng, hoặc đổ máu hy sinh, hay nhiệt thành thánh đức, và cả những anh chị em lương dân…đã góp phần xương máu để làm nên Mẹ Giáo phận Qui Nhơn hôm nay.

            Vâng, thưa “Mẹ Qui Nhơn kính yêu”, đây món quà đầu tiên chúng con dành tặng “Mẹ” !         
------------------------------------- 

[1] Ban Biên soạn Lịch sử Giáo phận, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb Antôn & Đuốc Sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017, tr.5

[2] SĐD tr. 7-8

[3] HĐGMVN, Ủy Ban Giáo lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II, nxb. Tôn giáo 2012, tr. 287

[4] Kỷ yếu Hội Thảo, BÌNH ĐỊNH VÀ CHỮ QUỐC NGỮ, nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 2016, tr.5

Tác giả bài viết: Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay17,811
  • Tháng hiện tại595,774
  • Tổng lượt truy cập28,247,661

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây