Cha Phêrô Châu

Thứ tư - 09/04/2014 10:38
CHA PHÊRÔ LÊ CHÂU
(1844-1948)
    
Trong số các tín hữu bị Văn Thân thiêu sống tại nhà thờ Bàu Giêng, có một người mẹ, lúc đang trên đường bị Văn Thân bắt  dẫn đến vườn nhà thờ, bà đã tìm cách trao đứa con trai sáu tháng tuổi của mình cho một người lương dân quen biết.
    
Sau năm 1887, người lương dân nầy đã đưa cậu bé lên ba đến Gia Hựu, gặp Cố Bửu (François Geffroy) kể lại sự tình và giao cậu bé cho Cố Bửu. Cậu bé ấy tên là Phêrô Lê Chỉ sinh năm 1884 tại giáo họ Bàu Giêng, địa sở Gia Hựu, cha là ông Lê Tây Sơn, mẹ là bà Đề.

Cậu Phêrô Lê Chỉ được Cố Bửu giao cho ông Trùm Quyên nuôi dưỡng. Ông Trùm Quyên tên thật là Inhaxiô Trịnh Xuyến. Khi Văn Thân bách hại ở Gia Hựu, Cố Bửu và ông Trùm đi công cán ở Huế. Người vợ hiền và hai người con gái của ông Trùm là cô Trịnh Thị Quyên và cô Trịnh Thị Quyện đã bị Văn Thân bách hại. Ông tục huyền và sinh được 05 người con, trong đó có 02 người con trai là cha Matthêu Trịnh Hòa Đại và cha Phêrô Trịnh Hoài Ân. Ông Trùm nhận cậu Phêrô Lê Chỉ làm con nuôi nhưng không đổi họ mà chỉ đổi tên là Phêrô Lê Châu nhằm nhắc nhớ rằng Châu là hạt ngọc kết tinh từ nước mắt và máu đào của cha mẹ họ Lê đã bị sát tả ở Bàu Giêng. Lại nữa, ông trùm dạy các con của mình không gọi cậu Phêrô Lê Châu bằng anh nhưng gọi bằng cậu là để tôn trọng ‘hạt châu ngọc’ ấy.

Cậu Phêrô Lê Châu lớn lên trong gia đình ông Trùm Quyên và được Cố Bửu cho đi tu. Sau thời gian tu học, thầy Phêrô Lê Châu được Đức cha Damien Grangeon Mẫn truyền chức Linh mục vào ngày 26 tháng 6 năm 1913. Sau khi thụ phong Linh mục, cha đã được bổ nhiệm làm việc tại các giáo xứ: Mằng Lăng (1913-1914); Tân Dinh (1914-15); Kiều Đông (1916-1917); Cây Da-Diêu Trì (1917-1919); Đồng Tre (1919-1923); Châu Me (1923-1948). Đầu năm 1948, cha lâm bệnh. Cha về an dưỡng tại Gia Hựu. Sau mấy tháng uống thuốc điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Cha qua đời vào tháng 06 năm 1948 tại nhà xứ Gia Hựu và được an táng tại khuôn viên nhà Mồ Tử đạo Gia Hựu, bên phải mộ Cố Bửu (từ tiền đàng nhà thờ nhìn ra).

Cha Phêrô Lê Châu được thừa hưởng rất nhiều ruộng đất của dòng họ Lê ở Bàu Giêng đã bị Văn Thân bách hại. Số ruộng đất nầy được ông Trùm Quyên thay mặt cha Châu quản lý. Khi ông Trùm già yếu, việc quản lý nầy được giao cho người con rễ út của ông Trùm là ông Phêrô Trương Lương, thân sinh của cha Phaolô Trương Đắc Cần. Huê lợi hằng năm từ số ruộng đất nầy được giao cho cha Châu chi dùng.

Có thể nói cha Châu là một ‘đại gia’ nhưng cha sống rất giản dị, bần bạch. Cha dành những của cải mình có cho người nghèo đau yếu không có thuốc thang, cho nhu cầu của đoàn chiên, nhất là cho anh em linh mục và cho các chủng sinh.

Thời gian cha ở Châu Me, cha là điểm qui tụ thường xuyên của anh em linh mục và các chủng sinh. Khi cha Phêrô Trịnh Hoài Ân làm cha phó biệt lập tại Kỳ Tân (1933-1939), cha Châu đã thương giúp từ lương thực gạo mắm hằng ngày cho đến việc xây dựng lại nhà thờ Kỳ Tân đã bị bão đánh sập hôm 11/11/1933. Trong bài tổng kết tình hình địa phận hằng năm, Đức cha Augustin Tardieu Phú cho rằng đó là một nét son của cha sở Châu Me đối với cha phụ tá của mình và đối với những tân tòng ở Kỳ Tân  .

Trong tháng nghỉ, các chú nhà trường thường về ở với cha. Cha tổ chức cho các chú giải trí, đánh bóng chuyền, đá banh, đi dạo và được ăn ngon. Gánh đậu hũ bên góc nhà vuông luôn luôn có sẵn, chú nào thấy hết, “ông ơi hết đậu rồi”, liền có gánh đậu khác thay thế. Trong bữa cơm, các cha cũng như các chú được cha Châu mời đồng bàn với nhau rất thân tình như trong gia đình tam, tứ đại đồng đường thường dân chơn chất. Bầu khí huynh đệ thơm lây, Cha Phêrô Nguyễn Ninh, cha sở Trà Câu (1938-1943), thường đến sum họp ở Châu Me, thỉnh thoảng cha cũng xin góp phần với cha sở Châu Me về khoản chi phí cho bầu khí huynh đệ nầy. Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn và cha Phaolô Trương Đắc Cần khi còn là các chú nhà trường, hai chú thường ở Châu Me trong các kỳ nghỉ. Hai cha thường nhắc đến những kỷ niệm sâu đậm về cha Châu, như  có lần cơm trưa xong với chút men rượu chát, các cha còn nói chuyện, hai chú lên võng của cha Châu đu đưa và ngủ say lúc nào không biết. Khi các cha đi nghỉ trưa, cha Châu nhìn thấy hai chú đã ngủ say, cha Châu nói nhỏ với các cha “chúng nó cần giấc ngủ, để cho chúng nó ngủ”, ngài ra ngoài hiên ngồi hóng gió trưa. Khi thức dậy hai chú được một cha khác kể lại sự việc. Hiền lành thay ! được thương yêu như thế thật khó quên.




 

Tác giả bài viết: Giáo phận Qui nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại609,215
  • Tổng lượt truy cập28,261,102

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây