Cha Phêrô Huề

Thứ tư - 09/04/2014 10:35
CHA PHÊRÔ HUỀ
(1852-1911)
    
Cha Phêrô Huề sinh năm 1852 tại Phú Điền, Hoa Vông, Phú Yên. Ngày nay thôn Phú Điền thuộc xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. 
    
Năm 16 tuổi, chú Huề nhập Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Mãn Chủng Viện Làng Sông, chú Huề đi học ở Chủng Viện Pinăng. Sau bảy năm học ở Pinăng, thầy Huề về giúp Chủng Viện Làng Sông, sau đó về học thần học tại Đại Chủng Viện Nước Nhỉ và lần lượt chịu các chức.
    
Năm 1885, thầy Huề được Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân truyền chức linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, phong trào Văn Thân bách hại tín hữu, cha Huề phải tạm ẩn trốn tại cửa Thị Nại, Qui Nhơn cùng với một số giáo dân ở các vùng Nhà Đá, Kiều Đông, Đại An, Nam Bình, Gò Thị và Làng Sông.
    
Trong khi số tín hữu ẩn trốn tại Qui Nhơn được an toàn thì số tín hữu ở Phú Yên ẩn trốn và phòng thủ tại Cây Da – Trà Kê, một vùng núi hiểm trở, bị Văn Thân cô lập và phá được phòng tuyến. Cha Chatelet (cố Thuông) và một số giáo dân tại Cây Da bị Văn Thân giết hại. Số giáo dân còn sống sót phản công, tái tổ chức phòng vệ và liên lạc được với Qui Nhơn. Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân giao cho cha Auger (cố Đoài) và cha Huề tổ chức vào Cây Da ứng cứu số giáo dân nầy. Sau ba ngày lặn lội, cắt rừng, băng suối trong mưa lạnh, ngày 05 tháng 10 năm 1885, đoàn ứng cứu đã tiếp cận được giáo dân ở Cây Da và đưa họ về Qui Nhơn.
    
Năm 1887, Cha Huề được Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân giao trọng trách đưa giáo dân Cây Da về lại quê nhà và lo việc tái thiết cho họ. Trong khi tái thiết, ổn định đời sống cho giáo dân tại Trà Kê – Cây Da, tháng 02 năm 1893, cha thiết lập giáo điểm Củng Sơn, ngày nay là thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa.
    
Sau khi lập giáo điểm Củng Sơn, cha Huề được bổ nhiệm về Phú Điền xây dựng lại nơi chôn nhau cắt rốn của ngài đã bị tan tác trong phong trào Văn Thân. Sau đó, lần lượt cha được bổ nhiệm làm việc tại Ninh Hòa, Vạn Giã (1894-1895); Bàu Gốc (1895-1904); Kim Châu (1904); Tịnh Sơn (1904-1911).
    
Dũng cảm, nhiệt tình, chịu thương chịu khó vì đoàn chiên là những yếu tố đã làm tiêu hao bao sức lực của cha. Tuy nhiên “để chiên được sống và sống dồi dào” làm sao người mục tử không khỏi hụt hơi, mòn sức. Trong  chín năm cha làm việc tại Bàu Gốc, cha tạo mãi ruộng đất làm cơ sở để lập các giáo họ : Thiết Tràng (1898), Vạn Lý (1901); nguyên trong năm1902, sáu giáo họ được thành lập: Hoa Thịnh, Mỹ Trang, Diên Trường, Phú Vang, Vĩnh Phú và Trà Niên. Đang say sưa công việc truyền giáo tại Bàu Gốc, cha lâm bệnh nặng. Cơn bệnh buộc cha phải ngồi luôn ngày luôn đêm suốt ba bốn tháng trường. Các thầy thuốc tây, thuốc nam cho rằng cha lâm bệnh bất trị, không  thoát khỏi cái chết. Khả năng con người có hạn và suy nghĩ có hạn. Thiên Chúa quan phòng biết việc Ngài làm nơi cha Phêrô.
    
Sau cơn bệnh hiểm nghèo, cha Phêrô được Chúa cho phục hồi sức khỏe. Cha được bổ nhiệm về Kim Châu được vài tháng, sau đó được bổ nhiệm về Tịnh Sơn, vùng núi cao hiểm trở của Phú Yên đã từng ôm gói những dấu chân truyền giáo của cha. 
    
Sau bảy năm trường dốc tâm sức cho cánh đồng truyền giáo Tịnh Sơn, cha Phêrô thấy mình đuối sức và xin được an dưỡng . Cha về an dưỡng tại Đại An. Lúc nầy, dưới mắt người trần, cha Phêrô không lâm bệnh trầm trọng lắm nhưng Thiên Chúa đã đưa cha về nhà Chúa yên nghỉ muôn đời vào ngày 28 tháng 10 năm 1911, lúc tuổi đời vừa chạm ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”, vừa qua ngưỡng Ngân khánh linh mục.

Thánh lễ an táng được cử hành tại Đại An. Hôm ấy có 16 cha, các thầy và các chủng sinh  trường Đại An  đưa tiễn cha đến nghĩa địa Đại An. Năm 1998, cha được cải táng về nghĩa địa Làng Sông.

Tác giả bài viết: Giáo phận Qui Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay15,148
  • Tháng hiện tại616,653
  • Tổng lượt truy cập28,268,540

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây