Yêu nhau mấy núi cũng trèo: Hành trình của Đức cha Lambert

Thứ bảy - 03/02/2018 01:24


 
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.

Chắc hẳn rằng câu này chỉ là biến thể của câu ca dao nguyên thủy:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội,
mấy đèo cũng qua.

Văn hóa dân gian không mặn mà lắm với những chữ nghĩa hán tự “tam tứ núi, ngũ lục sông, thất bát đèo mà sử dụng một từ dân dã có nội hàm nặng gấp nhiều lần những con số đếm kia: “mấy”! Ai lại đến với nhau mà đếm suối đếm sông chứ? Từ “mấy” đã vượt qua hết những con số một hai ba bốn và nói lên sự bất chấp của những người yêu nhau, vượt qua tất cả chướng ngại để đến với nhau, và điều này thật thích hợp để nói về hành trình gian khổ mà Đức cha Lambert de la Motte phải vượt qua để đến với vùng đất mà ở đó là những người mình yêu: miền truyền giáo Đàng Trong, tiền thân Giáo phận Qui Nhơn. Được tấn phong giám mục ngày 29 tháng Bảy 1658 nhưng mãi đến ngày 27 tháng Mười Một 1660, ngài mới có thể rời cảng Marseille để bắt đầu chuyến đi. Cuộc hành trình gọi là gian khổ vì phải đi đường vòng, để tránh bị bắt gặp ở những vùng đất thuộc quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha, sử dụng cả đường thủy đường bộ, vượt qua cả sa mạc, và đến được Juthia, thủ đô của Xiêm, vào ngày 22 tháng Tám 1662, sau hơn hai năm kể từ khi rời khỏi đất Pháp, qua biết bao nhiêu núi, suối, đèo và cả … sa mạc!

Nhân “Ngày cử hành Năm thánh tưởng nhớ các tiền nhân giáo phận”, xin được trích dịch và giới thiệu cuộc hành trình gian nan này của Đức cha Lambert de la Motte, trong cuốn “La Cochinchine religieuse”, Ernest Leroux, Paris, 1885, tr. 257-265, của cha Louis-Eugène Louvet, một tác phẩm được trích dẫn rất nhiều trong các bài nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Tác giả là thừa sai Hội MEP, sinh ngày 17 tháng Năm 1838 tại Rouen, chịu chức linh ngày 19 tháng Mười Hai 1863. Năm 1870 làm giáo sư Tu từ tại Chủng viện La Chapelle-Saint-Mesmin. Ngày 14 tháng Tám 1872, ngài nhập Chủng viện MEP và ngày 29 tháng Giêng 1873 đi Tây Đàng Trong. Sau thời gian ngắn làm việc tại Lái Thiêu và Thủ Dầu Một, ngài đi Hồng Kông dưỡng bệnh vì không chịu được khí hậu. Năm 1882, Đức cha Colombert bổ nhiệm ngài làm cha sở Tân Định. Năm 1896, ngài bị liệt và qua đời ngày 2 tháng Tám 1900, được chôn cất tại lăng Cha Cả. Trong những lần lưu trú dưỡng bệnh tại nhà Béthanie ở Hồng Kông, ngài đã viết cuốn Le Purgatoire d'après les révélations des Saints và hai tác phẩm quan trọng khác là La Cochinchine religieuseLes Missions catholiques au XIXe siècle (được giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp). Ngài cũng nghiên cứu và viết về cuộc đời của Đức cha Puginier trong tác phẩm Vie de Mgr Puginier, évêque de Mauricastre, vicaire apostolique du Tonkin occidental .

--------------------------------------------------------

 

Chuyến đi của Đức cha de Béryth

Tất cả đã sẵn sàng, ngày 18 tháng Bảy 1660, Đức cha de Béryth cùng với một thừa sai tháp tùng là cha de Bourges, người sau này là giám mục hiệu tòa Auren và là đại diện tông tòa Tây Đàng Ngoài, đã khởi hành đi Trung Hoa mà không chào tạm biệt gia đình cũng như vô số bạn bè mà họ chắc chẳng bao giờ gặp lại, và như thế họ đã làm gương cho tất cả những người làm việc tông đồ khác về sự từ bỏ và hy sinh cả những khuynh hướng dễ dãi của tâm hồn.

Đến Lyon, ngài lâm bệnh nặng đến nỗi phải lãnh của ăn đàng. Nhưng Thiên Chúa chỉ muốn thử thách đức tin của ngài thôi nên ngài đã phục hồi sức lực cách kỳ diệu ngay lúc mọi người đã tỏ ra thất vọng về ngày cùng tháng tận của ngài và như thế ngài đã đến được Marseille mà vẫn mạnh khỏe.

Ngày 27 tháng Mười Một năm ấy, ngài lên tàu ở Marseille cùng với các thừa sai de Bourges và Deydier, người đến từ Toulon. Sau này, vị thừa sai này trở thành giám mục hiệu tòa Ascalon, là đại diện tông tòa đầu tiên của Đông Đàng Ngoài rồi sau đó được nhường cho các tu sĩ Dòng Đa Minh tỉnh dòng Manille.

Ba thừa sai đi về phía đảo Malte nơi họ được giám mục, hàng giáo sĩ, và đại hiệp sĩ Dòng Malte đón tiếp; họ xuống tàu ở Alexandrette ngày 11 tháng Giêng 1661.

Từ đây, bắt đầu những khó khăn thực sự của cuộc hành trình. Từ Alexandrette, Đức cha de Béryth đi Alep nơi ngài được ông lãnh sự Pháp kiếm cách cho ngài nhập với đoàn buôn đi Bagdad, ngang qua các sa mạc của Kurdistan.

Đức cha de Béryth và các bạn đồng hành đã phải chịu gian khổ rất nhiều khi băng qua sa mạc. Khởi hành từ Alep ngày 3 tháng Hai mà họ chỉ đến được Bagdad vào ngày 4 tháng Ba. Các thừa sai dừng lại vài ngày ở Bagdad để nghỉ ngơi lấy lại sức trong tu viện của các cha Dòng Capucinô, được tiếp đóng với tất cả lòng bác ái chân tình. Ngày 16 tháng Ba, vị giám mục lên tàu xuôi dòng Tigre cho đến Bassora, trên vịnh Persique, để từ đó đi Surate. Đến Bassora ngày đầu tháng Tư và không tìm thấy tàu thuyền nào để đi Surate như kỳ vọng vì mùa mưa gió đến sớm, ngài trở lại Ispahan và chờ đợi hàng mấy tháng liên trong vô vọng; cuối cùng, vị lãnh sự Anh, dù là người Tin Lành, cũng đã nghĩa tình cho ngài được cơ hội đi đến Surate, nơi ngài đến vào tháng Mười năm ấy. Từ Surate, Đức cha đi bằng đường bộ qua bán đảo Ấn Độ, đến Masulipatam, trong vịnh Bengale rồi đi tàu đến Ténassérim, trên bờ biển Xiêm. Từ đây, ngài cùng với các thừa sai đi đường bộ, ngang qua những khu rừng đầy cọp và voi để đến Juthia, là kinh đô của nước Xiêm. Cuối cùng ngài cũng đã đến nơi vào ngày 22 tháng Tám năm 1662, hai năm và một tháng sau khi khởi hành từ Paris. Ngài đã đi bằng đường bộ, đường biển, hơn hai ngàn dặm để đến được nơi đây.

Đức cha de Béryth thấy ở Xiêm có những người Bồ Đào Nha và Hòa Lan, họ đến đây để buôn bán và sống trong những thương điếm hay các khu trại tách biệt, dưới sự điều hành của các sĩ quan của đất nước mình. Vì chưa tìm thấy người Pháp nên đức cha đã đến ở khu trại của người Bồ Đào Nha, họ tiếp đón ngài trước hết bằng sự kính trọng vì tư cách và phẩm tước của ngài. Sau vài ngày nghỉ ngơi, vị đại diện tông tòa bắt đầu tĩnh tâm với các thừa sai của mình, để chuẩn bị làm tròn nhiệm vụ mà vị đại diện Đức Giêsu Kitô đã trao phó cho họ.

Trong cuộc tĩnh tâm này kéo dài 40 ngày, có những bức thư đến từ Goa truyền cho những người Bồ Đào Nha phải khéo léo bắt ngay vị đại diện và các thừa sai và dẫn họ về Lisbonne. Từ đây bắt đầu một loạt những điều sỉ nhục và cư xử tồi tệ mà triều đình Bồ Đào Nha đã làm cho những người anh em của mình và sau những điều tệ hại khác dành cho các miền truyền giáo phương Đông cũng như các cuộc bách hại của các vua chúa lương dân đã đưa đến kết quả là một cuộc ly giáo đáng tiếc trong thế kỷ này mà Giáo hội Ấn Độ vẫn còn phải gánh chịu.

Lòng tự phụ của người Bồ Đào Nha

Cần phải nói thêm về những cuộc tranh cãi đáng buồn này để hiểu diễn tiến của câu chuyện. Lòng tự phụ của người Bồ Đào Nha dựa vào đây để dành quyền bảo trợ độc quyền đối với các miền truyền giáo ở Ấn Độ và Trung Hoa: không thể chối cãi rằng vào thế kỷ XVI ngai vàng Bồ Đào Nha đã phục vụ đắc lực các miền truyền giáo tại phương Đông. Trong hơn một thế kỷ, Bồ Đào Nha là thế lực duy nhất của châu Âu đã thống trị toàn miền Đông Ấn và họ đã lợi dụng tình trạng này vì lợi ích đức tin Công giáo. Giáo Hội nhìn nhận công lao này và đã tưởng thưởng bằng cách ban cho họ nhiều đặc ân. Một sắc chỉ nổi tiếng của Đức Thánh Cha Alexandre VI đã vạch một đường phân ranh tưởng tượng đi từ địa cực này đến địa cực khác phân chia thành hai phần tất cả những miền đất đã được khám phá hay sẽ được khám phá, ban cho triều đình Bồ Đào Nha những miền ở phía Đông ranh giới này và cho triều đình Tây Ban Nha phần phía Tây. Đức Léon X, trong một văn kiện mới, đã công bố rằng tất cả những giáo hội nằm trong những miền đất đã được vua Bồ Đào Nha chinh phục hay sở hữu hoặc sẽ được chinh phục hay sở hữu một ngày nào đó thì nằm dưới quyền bảo trợ của vua này. Vào năm 1534, Đức Phaolô III đã lập trụ sở Goa thành tòa giám mục thay cho tòa tổng giám mục Funchal. Giáo phận này trải dài từ mũi Hảo Vọng đến Trung Hoa. Năm 1557, vị kế nhiệm của ngài là Đức Phaolô IV đã phân chia miền đất mênh mông này thành 3 giáo phận: giáo phận Goa thành tổng giáo phận Ấn Độ, các giáo phận phụ thuộc là Cochin và Malacca.
Năm 1575, Đức Grégoire XIII thành lập giáo phận Macao, bao gồm Trung Hoa và Nhật Bản.

Năm 1606, Đức Phaolô V chia giáo phận Cochin thành hai, và lập tòa giám mục Méliapour, trực thuộc giáo phận Goa. Cuối cùng, vào năm 1690, 30 năm sau khi gởi các vị đại diện tông tòa đầu tiên (của hội MEP), Đức Alexandre VIII nhường bước trước sự nài xin của ngài đại sứ Bồ Đào Nha nên đã chia giáo phận Macao thành ba giáo phận, lập nên hai giáo phận Nam Kinh và Bắc Kinh. Ba tòa giám mục này phát xuất từ Goa, nên tổng giám mục Goa nhận tước vị là Giáo trưởng (primat) miền Đông Ấn.

Căn cứ vào các sắc chỉ này, tất cả các giáo phận này đều dưới quyền bảo trợ của các vua Bồ Đào Nha. Các vua Bồ có quyền bổ nhiệm các chức vị, lo gởi đầy đủ các nhà truyền giáo trong những miền đất mênh mông này, chu cấp tiền ăn ở cho các thừa sai, trợ cấp cho các Giáo hội một số lợi tức thích hợp, tóm lại, là chu toàn tất cả những bổn phận gắn liền với quyền bảo trợ các miền truyền giáo, vì họ (các vua Bồ) cũng được hưởng lợi từ đó. Tuy nhiên, các vua Bồ không hoàn toàn hiểu như vậy: họ không ngừng có những tham vọng mới và bắt đầu lờ đi cái phần tốn kém của bản hợp đồng. Đó là điều luôn xảy ra trong tương quan giữa quyền bính dân sự và Giáo hội. Và sự việc cứ nhằng nhì như vậy bao lâu nước Bồ Đào Nha là ông chủ duy nhất của miền Ấn Độ. Nhưng đến khi các công ty Anh quốc và Hòa Lan đã giật đi gần hết các miền bị chinh phục này của người Bồ, khi nhiệt tình tông đồ của hàng giáo sĩ Bồ đã đến lúc nguội lạnh, thì các giám mục chẳng còn thấy người thợ truyền giáo nào trong những miền đất mênh mông này, và thế là đức giáo hoàng lo lắng cho biết bao nhiêu người thờ ngẫu tượng nên đã kêu gọi sự dấn thân của các nhà truyền giáo khác, để gởi họ đến rao giảng Tin Mừng trong những vùng bị bỏ mặc này.

Các vua Bồ kiến nghị nhân danh quyền bảo trợ của họ. Họ hạ cố đến sự kiện các nhà truyền giáo của các quốc gia khác đến để khai phá cánh đồng mênh mông bị bỏ hoang vì sự chểnh mảng của hàng giáo sĩ Bồ, nhưng với điều kiện là các nhà truyền giáo phải lên tàu ở Lisbonne và đi qua Goa để nhận quyền truyền giáo từ Giáo trưởng Ấn Độ. Một cách nào đó, đây là đòi buộc các thừa sai của những quốc gia khác phải nhập tịch Bồ. Tuy nhiên, dù cho yêu sách này thật vô lý, Đức Thánh Cha Clément VIII do chiều ý thái quá đã đáp ứng các đòi hỏi của triều đình Bồ Đào Nha, và cấm tất cả các thừa sai làm việc trong miền Đông Ấn không được đến đấy bằng con đường nào khác ngoài Lisbonne và Goa.

Nhưng hàng giáo sĩ Goa, ở mọi cấp bậc phẩm trật, đã hết nhiệt tình ban đầu. Những cánh đồng hoang bao la này mà họ đã không còn can đảm tranh giành lại với ngẫu tượng nhưng họ lại xem chúng như di sản của mình và thấy phật lòng khi các thợ làm việc tông đồ khác đến quơ lưỡi hái gặt mùa vụ của họ, dù những người ấy làm theo lệnh của Đấng đại diện Đức Giêsu Kitô. Họ thích nhìn xem cánh đồng này không được canh tác hơn là giao nó cho những người được Bộ Truyền Giáo gởi đến mà họ gọi cách sĩ nhục là “bọn người của Bộ Truyền Giáo” (propagandistes). Thế là các thừa sai ngoại quốc phải hứng chịu bao nhiêu là phiền hà sách nhiễu, không chừa bất kỳ sự sỉ nhục nào, ở Lisbonne và nhất là ở Goa; người ta tự ý tước quyền của họ, cấm họ mà không cần lý do, đưa ra Tòa điều tra (inquisition); Tổng giám mục de Mire và giám mục de Chrysopolis, được Đức Thánh Cha gởi sang Trung Hoa với tư cách là những kinh lược tông tòa, cũng bị ném vào tù; Đặc sứ Đức Giáo Hoàng là Hồng Y de Tournon cũng chết cùng khốn trong ngục tối ở Macao; các thừa sai khác bị lôi ra khỏi các địa sở và đưa về Âu Châu bằng vũ lực. Nếu ta không biết được điều này qua một kinh nghiệm lâu dài và đau đớn rằng các quyền lực chính trị có thể làm được bất kỳ điều gì một khi họ rắp tâm cai quản cả Giáo Hội thì ta sẽ không bao giờ tin rằng một nhà cầm quyền tự xưng là Công giáo, cũng như các vua chúa nhận lấy tước hiệu là người rất trung thành với Giáo Hội trong các công văn của mình mà lại đi đến những điều thái quá như vậy; nhưng sự thật là thế. Hủy hoại các miền truyền giáo, hủy hoại các linh hồn, và Tin Mừng không được loan báo bởi bất kỳ ai nếu không phải là người Bồ Đào Nha.

Khi lập các đại diện tông tòa người Pháp, các ngài đã gặp phải sự chống đối ở Roma, và người thất bại khi muốn làm hỏng công cuộc này cách gián tiếp hay trực tiếp chính là ông đại sứ Bồ Đào Nha. Để vỗ về triều đình này, Đức Thánh Cha thay vì bổ nhiệm các giám mục hiệu tòa như dự định trước đó, ngài đã gởi đến phương Đông những vị đại diện tông tòa, thi hành nhiệm vụ nhân danh Đức Giáo Hoàng. Phải chấp nhận tính toán này vì quyền của Giáo Hoàng là hiển nhiên. Dù ông vua Bồ với quyền bảo trợ có tỏ ra hư đốn thế nào thì ông cũng hề dám có ý nghĩ đi nói với Đức Alexandre VII là ngài hãy đích thân mang Tin Mừng đến cho miền Ấn Độ; Hiển nhiên, điều ngài không thể đích thân làm thì ngài sai các người đại diện của mình làm, ngài ủy thác cho họ quyền của ngài trên những dân tộc này, như vậy là hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của vị thủ lĩnh của Giáo Hội hoàn vũ là cung cấp những phương tiện cứu rỗi cho các dân tộc chìm đắm trong tối tăm của việc thờ ngẫu tượng. Người ta không thể tranh cãi hợp lý lẽ với ngài về quyền này. Và điều người ta không thể tranh cãi được thì người ta tìm cách ngăn chặn bằng vũ lực. Trong suốt cuộc hành trình, Đức cha de Béryth đã biết có lệnh bắt ngài ngay khi ngài đặt chân trên đất của vua Bồ Đào Nha và gởi ngài về Lisbonne. Chính đây là điều buộc ngài phải đi lòng vòng quanh co dai dẳng và mệt mỏi. Đến Xiêm, ngài tin rằng mình đã được an toàn trên đất của vua ngoại giáo, nơi triều đình Bồ Đào Nha không thể thi hành quyền pháp chế, nhưng ngay lập tức ngài nhận ra rằng quyền con người không mấy quan trọng trước sự thù hằn chính trị. Vị đại diện tông tòa và các thừa sai nhanh chóng nhận ra rằng tâm ý của những người Bồ Đào Nha mà các ngài đang cư ngụ nơi họ đã thay đổi hoàn toàn trong khi các ngài tĩnh tâm. Người ta nhìn các ngài với sự ngờ vực, hàng ngàn tiếng đồn thổi xúc phạm lưu truyền trong khu trại: người ta nghi ngờ rằng vị đại diện tông tòa có thật là giám mục không và các thừa sai có phải là linh mục không; người ta nói rằng những bức thư nhận được từ Roma và Lisbonne đã không nói gì đến những người cho mình là những kẻ được Tòa Thánh sai đi này. Ai chứng minh được là họ không liên quan gì đến những kẻ lừa đảo, sử dụng những tước vị này nọ để che giấu ý đồ xấu xa? Sự việc đi đến chỗ một vị đại diện của Goa, lúc này đang ở Xiêm, cùng với hai ủy nhiệm viên của quốc gia mình, đã buộc vị giám mục đưa ra giấy chứng nhận quyền bính của mình. Đức cha đã từ chối, với sự khiêm tốn nhưng đầy kiên quyết; Ngài viện rằng Đức Thánh Cha đã cấm ngài không được trình giấy cho người Bồ Đào Nha, nên ngài không thể làm điều đó mà không xúc phạm đến quyền của Tòa Thánh mà ngài có vinh dự được đại diện ở xứ này, ngài không thể phục tùng trát lệnh của họ vì không phải là thần dân của vua Bồ cũng chẳng phải dưới quyền pháp chế của Tổng giám mục Goa; Tuy nhiên, để cho yên ổn, ngài đã trình chứng thư bổ nhiệm chỉ cho mình vị đại diện với tư cách là bạn hữu. Ngài chỉ làm điều này vào ngày hôm sau và đến lúc đó thì vị đại diện đã thấy thỏa mãn. Sau đó, người ta không thể nghi ngờ Đức cha de Béryth được Tòa Thánh sai đi, nhưng đã quật lại rằng các sắc lệnh này là vô giá trị và lén lút vì không có xác nhận exequatur của triều đình Lisbonne; và vị đại diện tông tòa kinh ngạc nhận ra rằng tính mạng của mình và các thừa sai rất nguy hiểm khi ở trong trại của người Bồ Đào Nha.

Ông trưởng khu trại Hòa Lan bí mật báo cho ngài biết rằng ông sẽ bảo vệ ngài, và rằng người ta quyết định tìm hết cách bắt ngài, đồng thời vị sĩ quan Tin lành này cũng đề nghi cho ngài một chỗ trốn tránh trong khu trại của mình. Vị giám mục đã chấp nhận lời đề nghị rộng rãi của ông cùng với các thừa sai của mình, và khi trốn thoát được những người Công giáo bất xứng này, ngài đã đến ẩn náu tại khu trại của người Hòa Lan với các thừa sai của mình.

Những tiếp cận đầu tiên với người Annam

Một khi đã ổn định, Đức cha de Béryth bắt đầu học tiếng Annam để hoàn thành sứ vụ của mình sớm hết sức có thể. Một giáo dân của xứ này đang ở Xiêm là người dạy ngài những bài học đầu tiên và đồng thời cũng báo cho ngài biết là cách thành phố này một dặm đường có một khu trại gồm ba ngàn người Đàng Trong cả lương dân lẫn Công giáo, họ đến đây để buôn bán hoặc là tù nhân bị đưa về Xiêm sau những cuộc chiến giữa vương quốc này với Annam. Vui mừng khi biết rằng ở đấy có những con chiên được trao phó cho mình, vị giám mục vội vã đến thăm. Ông trưởng trại cũng là giáo dân và tất cả các giáo dân tội nghiệp khác mà có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy một vị giám mục trong đời, họ đã phủ phục dưới chân ngài lòng đầy vui mừng và tôn kính; các lương dân cũng tỏ ra vồn vã và quý trọng vị giám mục. Ngài đã cử hành lễ Giáng Sinh (năm 1662) nơi họ và giảng qua thông ngôn. Chẳng bao lâu sau, một số lớn lương dân xin học đạo, những người bội giáo trong cuộc bách hại đã xin trở lại, những người bê trễ không xưng tội trong nhiều năm đã lãnh nhận bí tích; toàn thể cộng đoàn kitô hữu này đã có được một cuộc sống mới. Khởi đầu của Đức cha de Béryth như vậy đấy, giữa những người Đàng Trong mà ngài là vị chủ chăn đầu tiên.

Sứ vụ thứ yếu dành cho những người Đàng Trong này rõ ràng đã không thể lấy đầy lòng nhiệt thành của ngài; chính vì thế mà ngay sau khi đã tương đối biết đủ ngôn ngữ của xứ này, ngài đã lên đường đi thăm viếng đoàn chiên mà Đức Thánh Cha đã giao phó cho mình. Vào khoảng tháng Bảy 1663, ngài đã lên đường đi Trung Hoa, trên con tàu dong buồm về Quảng Đông. Nhưng một cơn bão mạnh đã ném ngài lên bờ biển Cao Miên, con thuyền bị vỡ tan. Không thể tiếp tục hành trình, giám mục de Béryth đã quay trở về Xiêm bằng đường bộ, đi ngang qua phần đất mà hiện nay là vùng thuộc địa (Pháp). Ngài đã về đến thủ đô vào khoảng giữa tháng Chín, và sau khi cám ơn vị sĩ quan người Hòa Lan với tất cả tấm chân tình, ngài đã đến định cư ở khu trại người Đàng Trong cùng với các thừa sai của mình.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại609,766
  • Tổng lượt truy cập28,261,653

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây