Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên - Năm B

Thứ tư - 24/01/2018 18:12
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B
(Đnl.18,15-20; 1Cr.7,32-35; Mc.1,21-28)
 
Bài đọc thứ nhất hôm nay nói đến vai trò của ông Môsê như một ngôn sứ lớn đã được Chúa gọi làm người chuyển đạt thánh ý của Người cho dân Israel. Ông được gọi là ngôn sứ, tức là người nói thay cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã phán với Môsê về vai trò ngôn sứ như sau: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”. Và sứ mạng của ông là dẫn dắt Dân Chúa ra khỏi đất Ai cập, vượt qua Biển Đỏ, đi qua sa mạc gian khổ để trở về quê hương thật của mình là đất Chúa đã hứa cho các tổ phụ.
Chúng ta, những tín hữu của Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, vượt qua 'Biển Đỏ,' hình ảnh của Bí tích Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận. Sau đó, chúng ta lên đường cùng với Giáo Hội, dưới sự lãnh đạo của Chúa Giêsu qua các vị chủ chăn, để cùng tiến về quê hương thật của chúng ta là Nước Trời. Trong cuộc hành trình đức tin đó, chúng ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời, chúng ta cũng gặp bao gian khổ, thử thách, những cám dỗ xa lìa giới răn của Chúa.
Chính Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế chia sẻ thân phận làm người như chúng ta, chấp nhận mọi khổ đau, chống đối, ghét bỏ, nhưng như là một đại ngôn sứ luôn “động lòng thương” với những khổ đau của nhân loại. Sứ mạng của Người là giảng dạy và chữa lành.
Hôm nay, sau khi chọn bốn môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu cùng với các ông vào hội đường Capharnaum tham dự nghi lễ ngày Sabat. Chắc chắn dân chúng đã từng nghe các luật sĩ giảng dạy nhưng chưa có ai giảng dạy như Chúa Giêsu, “Đấng có uy quyền” và “người ta kinh ngạc về giáo lý của Người”.
Đang khi đó thì một người bị thần ô uế ám đã lớn tiếng kêu lên : “Hỡi ông Giêsu Nagiarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là : Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Thần ô uế đã xưng đích danh Chúa Giêsu, nhưng không phải để tuyên xưng mà muốn đánh lạc hướng dân chúng. “Đấng Thánh” theo quan niệm người Do thái là người bách chiến bách thắng, khuất phục mọi chư dân về đầu hàng Israel. Ma qủi nói lên như thế với mục đích làm cho dân chúng nhớ tới một đấng cứu thế trần tục mà thôi, quên đi cõi tâm hồn mà chúng đang ngự trị an toàn, Chúa đến làm chúng bất an, hết đất dụng võ.
Người chỉ ra lệnh: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!”. Thần ô uế đã vâng lời. Với lời nói đó, Người chứng tỏ quyền lực đích thực của Triều Đại Thiên Chúa mà Người loan báo; Người cho thấy rằng tiếng nói của Người là tiếng Thiên Chúa đang dùng quyền lực của Người để giải thoát loài người và trả lại tự do cho họ. Chúa Giêsu không thỏa hiệp với sự dữ, nhưng là thắng vượt sự dữ. Qua cuộc chiến đấu và chiến thắng này, chúng ta cũng thoáng thấy Chúa Giêsu là ai.
Chúa Giêsu đến để loan báo Tin Mừng, loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã đến, quyền năng cứu độ đã đi vào hoạt động, một thế giới mới đã được khai mở. Trong Lời mang sức giải thoát mà Chúa Giêsu nói ra, chính Thiên Chúa hành động; Chúa Giêsu, vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, chính là Tin Mừng đang tiến hành.
Chúng ta biết ma quỷ vẫn luôn hoành hành. Để thắng được tà thần, chúng ta phải chiến đấu chống lại nó nhân danh Triều Đại Thiên Chúa: nó luôn phản ứng thô bạo, chống đối, la hét. Chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ và sống động vào Chúa Giêsu chăng? Chúng ta có xác tín rằng Người vượt lên trên tất cả các sức mạnh chống đối, và nếu kết hợp với Người, chúng ta có thể đánh bại sự dữ và các sức mạnh thù nghịch?
Cuộc chiến đấu được kể lại đây tượng trưng cho cuộc nổi loạn của các sức mạnh xấu xa trong chúng ta, vì chúng không muốn bị trục xuất; đây là biểu tượng của các khó khăn chúng ta gặp phải khi muốn loại bỏ các tật xấu. Chúng không muốn bỏ đi. Chúng ta thỏa hiệp và nhượng bộ hay là chúng ta biết tin tưởng vào lời của Chúa Giêsu, lời vẫn vang lên mỗi ngày trong lòng các cộng đoàn của chúng ta?
Khi được rửa tội và làm con Chúa, chúng ta tham dự vào tác vụ vua, ngôn sứ và tư tế của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi thi hành những tác vụ ấy ngay trong cuộc sống làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Nhưng để thi hành tác vụ, trước hết chúng ta phải gắn bó với Chúa bằng cách sám hối và hoàn toàn tin vào Con Một Người là Chúa Kitô. Chúng ta hãy đáp lời gọi của Chúa Kitô, để Người thanh tẩy chúng ta khỏi mọi ảnh hưởng và quyền lực của ma quỷ và tội lỗi, biến đổi chúng ta nên giống như Người mỗi ngày trong cuộc sống.
Việc Chúa Giêsu rao giảng và trục xuất thần ô uế phải được lập lại nơi mỗi người chúng ta, những người đón nhận Chúa và sứ mạng ngôn sứ của Người. Chúng ta đều là những người đang đón nhận lời giảng của Người. Nhưng nơi chúng ta, thần ô uế đang thắng thế, luôn xúi giục chúng ta bịt tai và đóng cửa tâm hồn lại trước Lời Chúa. Nó quyến rũ chúng ta đi theo con đường của nó. Vì thế Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đón nhận Tin Mừng và Người chứng tỏ uy quyền Thiên Chúa trong lời giảng của Người bằng cách xua đuổi ma quỷ ra khỏi tâm hồn chúng ta.
Qua Bài đọc thứ hai của thánh Phaolô hôm nay, chúng ta có cảm tưởng là lạc điệu với chủ đề Phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng nói về tác vụ ngôn sứ, còn đoạn thư 1 Côrintô lại nói về khác biệt giữa người lập gia đình và người sống độc thân trong vấn đề “lo việc nhà Chúa”! Thực ra ý tưởng và cách trình bày của thánh Phaolô không lạc đề chút nào. Dĩ nhiên ngài không có ý khuyên mọi người phải độc thân hết thảy để không bị chi phối mà chuyên lo việc Chúa. Nhưng ngài chỉ muốn nói lên sự khác biệt hoàn cảnh giữa người độc thân và người có gia đình, và ngài nhấn mạnh điều này, là dù độc thân hay có gia đình, chúng ta đều phải hiến dâng cho Thiên Chúa toàn diện con người mình “để được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”.
Với Chúa nhật hôm nay, chúng ta đã đồng hành cùng mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận được nửa hành trình Năm Thánh rồi. Chúng ta đã thực thi được những gì theo Lời Chúa dạy và giáo huấn của Năm Thánh? Tâm hồn chúng ta đã sinh hoa kết quả bao nhiêu do ơn thánh mang lại? Hay là cũng sẽ chẳng được gì như bao Năm Thánh đã trôi qua?
Cầu chúc dân Chúa trong Giáo phận tích cực gặt hái được nhiều ơn ích thiêng liêng với nửa Năm Thánh còn lại. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. FX. Trần Đăng Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay16,118
  • Tháng hiện tại617,623
  • Tổng lượt truy cập28,269,510

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây