Bài giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm B

Thứ năm - 15/03/2018 07:02
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B
Gr 31, 31-34; Dt 5,7-9; Ga 12, 20-33
 
“Cái gì cũng có cái giá của nó.”Không chỉ đúng trong những mua bán đổi chác hằng ngày mà có thể nói, đây còn là một kinh nghiệm xương máu về mọi phương diện mà ai rồi cũng phải trải nghiệm. Thành công hay thất bại, được yêu mến hay bị ghét bỏ đều không phải “bất chiến tự nhiên thành”. Trái lại đó thường là kết quả từ những đầu tư to lớn về công sức, tài năng, thời gian và biết bao nhiêu thứ khác nữa!
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Dù Ngài “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. Cái giá phải trả chưa dừng lại đó! “Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Pl 2,5-8). Vâng, đây là cái giá phải trả cho Tình Yêu vô biên và ‘nhưng không’ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Con Thiên Chúa chấp nhận cái chết và để cho thấy cái chết sắp tới của mình trở nên nguồn ơn phong phú đem lại muôn vàn hoa trái, Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn nhỏ mà giới nhà nông hiểu dễ dàng: dụ ngôn hạt lúa mì với hai ý đối chọi nhau "trơ trọi một mình" và "sinh được nhiều hạt".
Để có thể sinh nhiều bông hạt, hạt lúa mì nhất thiết phải chết đi: đó là quy luật của sự sống. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy: cái chết của Người là quá trình bắt buộc để Người tiến vào vinh quang, là điều kiện để Hội Thánh được sinh ra gấp bội.
Với các môn đệ Chúa cũng sẽ như vậy thôi: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”.
Léon-Dufour quảng giải thêm rằng: "Cuộc sống có thể được coi như là "của tôi”, và tôi có thể dập tắt đi hay giữ nó lại như thể sự tồn tại hay tàn lụi của nó là tuỳ ở tôi, cái báu vật duy  nhất cần phải bảo vệ bằng mọi giá ấy, cái tàn sản chỉ tuỳ thuộc vào tôi ấy. Nếu thế cuộc sống sẽ như giòng nước đang chảy xiên sẽ vuột khỏi tay tôi, khi tôi cố giữ nó lại mà không chế ngự được dòng chảy của nó. Ngược lại nếu tôi không cố bám víu vào cuộc sống này, nếu tôi chấp nhận mở ra với AI đó, cũng là chết đi cho những gì khiến tôi co cụm lại, thì này đây sự "chết" ấy không có gì khác là một sự “xuất thần”, và một khi cuộc sống tôi mở ra như thế sẽ giữ lại được như lời Chúa nói, cho sự sống đời đời". Như ta biết theo thánh Gioan,  sự sống đời đời là sự hiệp thông với chính Thiên Chúa vậy" (lecture de l'evangile se lon Jean", quyển 11, Seuil, trang 464).
Sở dĩ Thánh Phanxicô Átsidi đã trải nghiệm cái giá này và được ngài thốt lên trong Kinh Hòa Bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời.” là vì ngài đã bước theo sát Thầy Chí Thánh để trở thành hạt lúa mục nát đi theo lời Thầy dạy: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
Tuy nhiên, dù xác tín vào hiệu quả phong phú nhờ sự hy sinh của mình, không tránh cho Chúa Giêsu khỏi phải lo âu trước cái chết. Trong thư Do Thái 5,7 nói rõ: “khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết”. Vào những thời điểm khác, ba tác giả sách Tin Mừng kia đều cho chúng ta thấy Đức Giêsu bị “thử thách” muốn sử dụng thần tính của mình để khỏi phải chấp nhận thân phận con người: Đó là cơn cám dỗ lúc đầu đời công khai của Chúa. Tại hoang địa (Mt 4, 11)… đó là cơn cám dỗ lúc Chúa hấp hối ở vườn cây dầu (Mc 14, 32). Ý nghĩ về số phận hạt lúa chết đi để sống lại, đã làm Đức Giêsu thổn thức khôn nguôi đến nỗi ngài thưa với Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Nhưng trước mỗi cơn thử thách, Đức Giêsu đều kiên quyết thoát khỏi để luôn trung thành với Chúa Cha trọn tình con thảo vì “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; (9) và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”(Dt 5, 8-9)
Ai lại không lo âu sợ hãi trước nỗi khổ đau. Nhưng để đáp lại Tình Yêu và hồng ân ‘nhưng không’ ấy của Thiên Chúa, mỗi chúng ta cũng được mời gọi học bài học của hạt lúa được gieo vào lòng đất “chịu chết đi” để sinh ra nhiều hạt lúa khác, cũng là bài học “dám coi thường mạng sống mình” vì Chúa và vì anh em mà chính Đức Giê-su đã thực hiện và mời chúng ta sống theo!   
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi tính vị kỷ khô cằn mà nhiều lúc con đã tưởng là “sống” cuộc đời mình cách phong nhiêu. Xin dạy chúng con biết hiến mạng sống như Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay14,722
  • Tháng hiện tại616,227
  • Tổng lượt truy cập28,268,114

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây