Bài giảng Chúa nhật 5 Thường Niên - Năm B

Thứ tư - 31/01/2018 22:20
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
(G 7,1-4. 6-7; 1Cr 9,16-19. 22-23; Mc 1,29-39)
 
Các bài đọc phụng lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thấy được liên hệ giữa công việc và niềm vui. Nói đến công việc phải làm là nói đến gánh nặng và trách nhiệm. Khối lượng lớn của công việc dễ làm con người mệt mỏi, trách nhiệm công việc phải thực hiện thường xuyên có thể làm người ta chán ngán nếu công việc không đem lại lợi nhuận tương ứng. Công việc nào thực sự đem lại niềm vui? Tìm thấy sức lực ở đâu để có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc và chu toàn trách nhiệm với niềm vui?
1. Công việc đem lại niềm vui
Đối với mọi người và cách riêng với người Kitô hữu, công việc nào đem lại niềm vui? Mỗi người có thể có nhiều cách trả lời cho câu hỏi này. Công việc đem lại niềm vui có thể là công việc phù hợp với chuyên môn, sở trường của người đó. Công việc đó đem lại thu nhập cao và ổn định, hoặc công việc thuộc loại "ngồi mát ăn bát vàng", "ăn trên ngồi trước", "làm ít ăn nhiều", "dễ làm, lương ngon", công việc đem lại danh tiếng, mau thăng chức trong xã hội hay ngay cả trong Giáo Hội.
Những bài đọc lời Chúa hôm nay giúp chúng ta là những người Kitô hữu biết phân định công việc nào đem lại niềm vui thực sự. Trong bài đọc I, trích sách ông Gióp, cho thấy ông là người công chính nhưng thực tế ông phải chịu nhiều đau khổ. Ông than thân trách phận, than với Chúa về những công việc và đau khổ ông đang chịu. Ông Gióp ví cuộc sống con người với khổ dịch, với những ngày dài của kẻ làm thuê và của người nô lệ. Người làm thuê mong cho xong công việc để lãnh tiền công. Người nô lệ chờ đợi xong việc trong ngày để nghỉ ngơi. Tâm trạng của cả hai đều nặng nề và mệt mỏi. Nếu có chút niềm vui thì cũng chóng qua vì đồng lương ít ỏi và thời giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi rồi lại phải tiếp tục công việc ngày này qua ngày khác. Ông Gióp có cái nhìn bi quan về công việc khi cho rằng con người làm việc rất cực nhọc như nô dịch, khổ dịch. Cuộc đời con người với những công việc phải làm như thế thì thật buồn thảm, bất hạnh, chẳng có niềm vui. Gióp than vãn với Chúa: «Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là một hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ». Nhưng dù vậy, Gióp vẫn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, dù ông không hiểu được những điều đang xảy ra.
Đoạn Tin Mừng theo thánh sử Maccô hôm nay như lời giải đáp cho bài đọc I. Bài Tin Mừng này là đoạn tiếp nối Tin Mừng Chúa Nhật trước, trong đó Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường Caphacnaum và chữa lành một người bị quỷ ám. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu có một ngày làm việc bận rộn từ sáng sóm cho đến tối mịt. Ngài cầu nguyện, giảng dạy, đi từ nơi này qua nơi khác, chữa lành cho nhiều người đến với ngài. Công việc của Ngài đem lại niềm vui cho người khác. Ngài làm việc nhưng không than van vì công việc đó đem lại ý nghĩa cho con người đang đau khổ và chính ngài tự nguyện thực thi công việc đầy ý nghĩa đó. «Cha ta làm việc không ngừng, ta cũng làm việc không ngừng» (Ga 5,17). Thu nhập từ công việc của Chúa Giêsu không được tính bằng tiền bạc vật chất hay hứa hẹn đem lại lợi nhuận ổn định và địa vị cao sang. Chúa làm việc không vì lợi nhuận trần thế nhưng vì Chúa Cha và vì Nước Trời. Điều đó đem lại niềm vui và sự hăng say cho đời hoạt động của Chúa Giêsu.
Tin Mừng không nói Chúa Giêsu đã vui ra sao khi làm việc suốt ngày như thế. Nhưng chắc chắn Ngài vui khi nhìn thấy niềm vui mà Ngài đã đem lại cho người khác. Niềm vui của Chúa Giêsu chắc hẵn lớn lao và sâu lắng vì mục đích nhằm đến không phải là của ăn trần thế nhưng là ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho con người. Chúa Giêsu làm việc vất vả không cho bản thân, để có thu nhập cao mà làm việc để cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần xác người ta mà còn lo rao giảng để đem lại ơn cứu độ giúp linh hồn người ta nữa. Chúng ta nên nhớ rằng có lần khi 72 môn đệ trở về sau khi được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, các ông hết sức vui mừng vì những kết quả đã đạt được, Chúa Giêsu chia sẻ niềm vui của họ đồng thời Ngài nhắc họ về niềm vui đích thật của họ chính là tên của họ được ghi trên trời. Niềm vui đích thật đến từ việc họ đã được Chúa Cha tuyển chọn để mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời (Lc 10,20) để rồi chia sẻ những mạc khải ấy cho mọi người.
Chia sẻ mầu nhiệm Nước Trời cho người khác là cách nói khác của việc truyền giáo, của chia sẻ niềm vui. Chúa Giêsu là mẫu gương đầu tiên về thực thi sứ mạng truyền giáo. Khi Simon và các bạn kéo nhau đi tìm Ngài và gặp lại Ngài, Chúa Giêsu không muốn trở lại Caphácnaum, vì sợ rằng ở đó dân chúng sẽ tôn vinh Ngài theo kiểu như vua chúa thế gian và điều nầy làm phương hại đến ý nghĩa sứ mạng của Ngài. Hơn nữa Ngài muốn rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi khác nữa chứ không dừng lại một nơi nào dù nơi đó xem ra có vẻ thành công. Ngài nói “vì Thầy đến cốt để làm việc đó”.
Rao giảng Tin Mừng là công việc đem lại niềm vui, niềm vui cho người rao giảng và cho cả người đón nhận. Bài đọc hai trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô cho thấy truyền giáo là bổn phận phải thi hành đồng thời thi hành với tinh thần khiêm nhường và vô vị lợi. Đối với thánh Phaolô đó là phần phúc lớn lao.
Thánh Phaolô đã hăng hái chu toàn những công việc nặng nhọc Chúa giao, mà chính yếu là rao giảng Tin mừng. Thánh Phaolô đã nói «Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng» (1 Cr,9,16). Thánh Phaolô đã hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc mình làm nên đã tự nguyện hăng hái làm việc. Niềm vui và phần thưởng của Ngài là biết mình đã chu toàn sứ vụ truyền giáo; ngài đi rao giảng không phải với mục đích kiếm tiền hay để được danh tiếng, vinh dự cho mình. Ngài chỉ phục vụ mà thôi Tin mừng mà thôi: «Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi» (1 Cr 9,17-18).
2. Sức lực để thực thi công việc với niềm vui và hăng say
Trong bài đọc I, ông Gióp thì than rằng làm việc là một gánh nặng khổ dịch, quá đau khổ trong khi bài Tin mừng cũng như bài đọc 2 diễn tả Chúa Giêsu và thánh Phaolô làm việc cách hăng say và vui vẻ. Nhờ đâu mà Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã làm việc như vậy?
Bản văn Tin mừng cho thấy đời sống nội tâm sâu sắc của Chúa Giêsu: «Sáng hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Đức Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng mà cầu nguyện». Cách nói “nơi hoang vắng” rất ý nghĩa trong Kinh Thánh. Đó là nơi mà con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa, như Môsê, ngôn sứ Êlia… Đó cũng là nơi mà Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài suốt bốn mươi đêm ngày trước khi khởi sự sứ vụ công khai của mình. Đó cũng là nơi Ngài cầu nguyện trong tĩnh lặng trong khi đó các môn đệ lại đang ngon giấc… Chính sự kết hợp với Chúa cha, vì yêu mến Cha đã đem lại sức lực cho ngày làm việc từ sáng sớm đến tối mịt của Chúa Giêsu. Lương thực của Ngài là thi hành ý muốn của Cha (Ga 4,34).
Thánh Phaolô ý thức rằng «Tôi mà tự ý làm việc thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công» và hơn nữa thánh nhận quả quyết «Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng» (1 Cr 9,23). Vì Tin mừng là cách din tả khác của tình yêu dành cho Chúa, vì Chúa và vì tha nhân. Thánh Augustinô nói rằng với tình yêu người ta sẽ làm việc mà không thấy cực nhọc (ubi amatur, non laboratur). Chú ý rằng, ở đây muốn nói rằng không phải là làm việc không biết mệt mỏi nhưng là dù mệt mỏi mà vẫn trung thành và làm với niềm vui vì làm với tình yêu Chúa và tha nhân.
 3. Ý nghĩa và niềm vui của công việc
Cuộc sống hiện đại với những công việc bận rộn và cực nhọc. Người ta chạy đua với thời gian để tăng thu nhập và hoàn thành công việc nhiều khi không có giờ nghỉ ngơi. Lời Chúa hôm nay giúp người Kitô hữu biết dừng lại để định hướng và tìm thấy ý nghĩa cũng như niềm vui trong công việc của mình.
Chúng ta làm việc không ngừng không phải chỉ vì để có thu nhập cao cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đoàn của mình, mà còn để chia sẻ giúp ích cho những người khác vì yêu thương và quan tâm đến người khác.
Sự quan tâm và yêu thương người khác còn được thể hiện không phải chỉ qua việc chia sẻ vật chất và công việc trần thế mà còn bằng cách dành thời giờ và sức lực, sự cầu nguyện và lối sống phù hợp với đức tin để tích cực giới thiệu Chúa cho người khác qua mỗi ngày sống.
Niềm vui có được từ công việc với sự nóng vội khao khát có thu nhập cao cho bản thân sẽ chóng qua và dễ rơi vào mệt mỏi, lo âu đối phó vì sợ mất thu nhập trong tương lai. Niềm vui sẽ trọn vẹn, lâu dài và sâu lắng khi sống làm việc theo gương Chúa Giêsu tức là vì yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến tha nhân, vì Tin mừng.
Cuộc đời hoạt động và đời sống nội tâm của Chúa Giêsu cho ta một kết luận với sự xác tín rằng: đời sống cầu nguyện và lao động cần đi đôi và hài hòa với nhau mới thực sự sinh ra những "lợi nhuận" cao và tốt đẹp đời này lẫn đời sau cho con người, cho bản thân và tha nhân.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây