Bài giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên - Năm B

Thứ năm - 08/02/2018 07:00
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Lv 13, 1-2, 44-46; 1 Cor 10,31-11.1; Mc 1,40-45
“Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40).
            Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Sinh ra trong cuộc đời; là con người ai ai cũng phải chấp nhận những khổ đau của kiếp nhân sinh. Thi sĩ hương quê Lê Hiếu cảm tác những đau khổ về phận người “Trước khi chào đời cất tiếng oa oa. Già nua tuổi tác thấy đời hiu quạnh. Bệnh tật hao gầy trông đời thấu khổ. Tử thần rình rập chồng chất âu lo”.v.v. Nhận thấy đời là bể khổ, nên Đức Phật đã tìm cách để diệt khổ. Nhưng cuộc đời dễ có mấy ai có thể xuất thế để diệt khổ được như ngài. Người phong cùi được nói đến trong bài đọc I, trích từ sách Lêvi của thời Cựu ước cũng như trong trình thuật Tin mừng của Thánh Máccô hôm nay là tiêu biểu cho nỗi khổ đau bất hạnh mà trong tứ diệu đế cũng đề cập đến. Có thể nói bằng từ ngữ để gọi cho nỗi đau của người phong cùi hôm nay bằng một cụm từ trong ngoặc kép “còn sống mà như đã chết”. Anh người phong cùi còn đang sống mà như đã chết! 
Thật vậy, anh phong cùi đã chết bởi những định chế cấm kỵ và quy định của thời bấy giờ thật khắc nghiệt; chết với bệnh tật thể xác mà mình đã mang; chết với nỗi đau khốn cùng của cơn bệnh hiểm nghèo. Người phong cùi trong thời Chúa Giêsu cũng như trước đó phải theo luật định đã đau cùng đớn khổ vì bị cách ly với gia đình, với quần thể xã hội mà anh đang sống. Người phong cùi không chỉ đau về mặt thể xác với bệnh tật dày vò, mà còn đớn cùng khổ đau về phương diện tâm lý xã hội, về mặt tinh thần tâm can và thậm chí cả đời sống tâm linh tôn giáo nữa. Nỗi đau ấy là nỗi đau của đoạn trường xa lìa chia cách; nỗi đau của bản thân và từ trong gia đình; của sự ngăn ngừa kiểm chứng bệnh tật. Cụ thể sách Lêvi trong bài đọc I hôm nay cho thấy: Người phong cùi lấy thân che áo; lấy đầu che mũ; lấy tóc che mặt; lấy áo che miệng và đi đến đâu thì phải la to rung chuông báo hiệu cho mọi người biết là mình ô uế; để rồi tránh xa kẻo bị lây nhiễm vì sự ô uế bệnh tật của mình. (x. Lv13,45 - 46).
Thật là một đau khổ mà người phong cùi phải ngậm đắng nuốt cay. Nuốt cả những bất hạnh của chính mình trong bệnh tật và biệt giam trong cảnh khốn cùng trong tương quan với tha nhân. Người phong cùi được coi là xác chết biết đi hay gọi “còn sống mà như đã chết”. Cái chết của sống cùng sống với; cái chết trong chiều kích xã hội; cái chết trong yếu tố chính cấu thành yếu tính của con người. Và thậm chí chết đi cả về mặt tâm linh tôn giáo của thời bấy giờ; bởi bệnh tật được xem như là tội lỗi và là điều mà Thiên Chúa chúc dữ.
Cảm thương và xót xa cho con người đã bị cô độc giữa rừng người; Chạnh lòng xót thương với những hoàn cảnh bi đát khốn cùng của căn bệnh phong dày vò. Cảm thông với nổi tủi thân bất hạnh mà con người được sinh ra để sống cùng, sống với mà xã hội như hất hủi, tẩy chay loại trừ và ruồng bỏ. Cảm thông với căn bệnh không một bác sĩ chữa trị cũng như không một bệnh viện nào có thể chữa lành được và nhất là cảm thấu được lòng ước muốn kêu xin đầy tin tưởng và lạc quan của người phong cùi “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn Thầy có thể chữa tôi nên sạch”.
Người phong cùi đã được Thầy thuốc Giêsu chữa lành và đi trình diện với các tư tế là hình ảnh “đã chết mà nay được sống”. Được sống bởi anh đã được chữa lành. Được sống để anh đi trình diện với các tư tế theo luật Môsen đã truyền; được sống bởi anh biết vượt qua mọi rào cản trở ngại tứ bề để đến và gặp được Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống. Được sống bởi lòng tín thác cậy trông vào Đấng đã đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất và được sống bởi anh biết quẳng gánh âu lo vào trong chính Đấng giàu lòng thương xót như Đấng đã từng mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề; hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi và bổ sức cho (Mt 11, 28).
Thật vây, Đức Kitô đến! Ngài đã mang vương quốc Tình Yêu và Sự sống của Thiên Chúa vào trong trần gian này. Người đến với sứ mạng thi ân giáng phúc và rộng mở tay ban. Các sách Tin mừng đều đề cập: Người chữa lành những kẻ ốm đau tật nguyền… Người có uy quyền trên tất cả, trên bệnh tật, trên sự dữ và ngay cả trên tử thần. Người nhập thể và nhập thế; Người không cất khỏi những khổ lụy của trần gian, của đời là bể khổ. Nhưng Người cất lấy và mang lấy tất cả những ách nặng nề và khổ lụy của kiếp nhân nhân sinh trên Thập Giá Tình Yêu và trong vinh quang Phục Sinh khi Người từ trong cõi chết sống lại.
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Ngày hôm nay bệnh phong cùi không còn là một chứng bệnh nan y như cách đây trên 2000 năm. Với thời đại khoa học thông tin phát triển; nghành y có thể khống chế được chứng bệnh hiểm nghèo này. Điều đáng sợ của căn bệnh phong cùi trong thời đại mà chúng ta đang sống là làm cùi dần cùi mòn về thiên nhiên, về vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo dựng và ân ban cho con người. Bệnh phong cùi có thể lây lan và làm chết dần chết mòn nhiều nơi, nhiều người về nhân bản; về đạo đức, về cách cư xử lẫn nhau trong tương giao giữa người với người. Nói một cách cụ thể, chung quanh chúng ta, trong xóm làng, trong xứ đạo, trong họ hàng bà con thân tộc, có lẽ không có ai mắc phải chứng bệnh phong cùi thể xác để chúng ta phải tránh xa. Nhưng nói một cách nào đó dù vô tình hay hữu ý chúng ta đã có những thái độ đối xử với nhau như người mắc bệnh phong cùi cách đây trên 2000 năm. Khi chúng ta cố tình xa tránh, xua đuổi, ruồng bỏ, hất hủi, tẩy chay, gây khó chịu cho một người nào đó; cho dù người ấy là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người hàng xóm láng giềng hay bất cứ ai khác, thì chúng ta đang đối xử với họ chẳng khác gì người ta đã đối xử với những người phong cùi xấu số ngày xưa. Tất cả những thái độ đối xử như thế đều không phải là cách đối xử giống như Đức Kitô. Đối xử như Đức Kitô mà Thánh Phaolô bắt chước Người, để rồi thánh nhân khuyên dạy cho hậu lai chúng ta như ngài đã khuyên trong giáo đoàn Côrintô trong bài đọc thứ II mà hôm nay chúng ta được nghe: “Dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người khác vấp phạm. Hãy tìm điều lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi. Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô”. (1 Cor 10, 31-11,1)
Người mắc bệnh phong hủi trong câu chuyện Phúc Âm chúng ta vừa nghe đã “đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40) và Chúa Giêsu đã chữa cho anh ta được lành sạch. Chớ gì mỗi một người trong chúng ta cũng biết học theo như anh người phong cùi ấy, để ý thức về tình trạng của chính mình và luôn biết chạy đến cùng Chúa Giêsu để khẩn cầu Người chữa lành cho mình.
Tôi xin mượn câu Thánh Vịnh 31,11 vừa được xướng lên trong đáp ca để cầu chúc cho anh chị em đang hiện diện và đang hết lòng tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa nơi đây: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo” (Tv 31,11). Ước gì được như vậy. Amen.                                      

Tác giả bài viết: Lm. Grêgôriô Lê Văn Hiếu

 Tags: Giảng lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay11,349
  • Tháng hiện tại421,238
  • Tổng lượt truy cập28,736,607

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây