Chúa nhật 22 Thường Niên

Thứ tư - 30/08/2017 19:19

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - NĂM A

(2 Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)

 

Trong xã hội hôm nay, con người ta thường chạy theo các trào lưu. Ai cũng thích chọn cho mình một mẫu người làm thần tượng. Đối với các bạn trẻ, thần tượng của họ là những minh tinh màn bạc, ca sĩ, diễn viên, vận động viên, hay một người uy quyền nào đó... Thoạt đầu, điều này xem ra cũng có lý vì chúng ta đang sống trong thế giới vật chất và hưởng thụ, nhưng ngẫm nghĩ lại có vẻ phi lý. Phi lý ở chỗ, những ngôi sao ca nhạc, bóng đá, điện ảnh,... chỉ nổi lên một thời rồi lại chìm vào dĩ vãng để nhường chỗ cho thế hệ kế cận. Và rồi, cứ như thế chúng ta không có một thần tượng nào lâu dài vì chẳng ai có thể tồn tại mãi dưới ánh mặt trời này. Bên cạnh những thần tượng ấy, chúng ta còn dõi theo các ông thần tài khác là tiền, là quyền, là danh vọng,...

Còn thần tượng Giêsu là ai và là gì trong cuộc đời của mỗi người chúng ta?

Đây là câu hỏi mà biết bao người tìm kiếm mỗi ngày, nhưng để đưa ra câu trả lời không dễ dàng chút nào.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Có lẽ trong chúng ta, ít người dám chọn cho mình thần tượng Giêsu. Vì sao như vậy?

Vì trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã nói: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mt 16,21). Và rồi, Chúa còn nói thêm: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Chính Chúa Giêsu đã tiên phong đi trước trên con đường tiến về Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ, phải vác thập giá, bị giết và ngày thứ ba thì sống lại.

Như thế, muốn theo con đường của Đức Kitô, người Kitô hữu phải họa lại con đường thập giá mà Ngài đã đi qua. Đó không phải là con đường của vinh hoa phú quý, của quyền lực, nhưng là con đường của nước mắt, của đau khổ, nhưng càng tiến sâu lại càng vinh quang.

Trong thân phận con người, có thể nói, cuộc đời của Đức Giêsu luôn gắn liền với thập giá. Khi xuống thế làm người, "Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế..." (Pl 2,6-11). Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian, đi vào cuộc sống của nhân loại bằng chính sự khổ đau và thập giá. Từ lúc thai nhi trong dạ mẹ phải đi lánh nạn, khi chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời tại Bêlem thì Hài Nhi Giêsu lại bị người ta hắt hủi, xua đuổi chỉ vì sự nghèo hèn của Thánh Gia; đến giây phút chào đời, Hài Nhi Giêsu phải sinh ra trong cảnh lầm than - một sự trống vắng của tình người: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Trẻ Giêsu đã chấp nhận cuộc sống lam lũ, khổ cực ở làng quê Nazareth nghèo hèn, cùng đồng lao cộng khổ trong xưởng mộc nghèo nàn ở vùng quê hẻo lánh xa xôi ít người biết đến, bên cạnh Cha Giuse và Mẹ Maria.

Tiếp đến, trong suốt ba năm rao giảng công khai, Đức Giêsu phải bôn ba đó đây, đến gõ cửa từng chiên lạc nhà Israel, cảm thông với số phận của những con người nghèo. Bạn của Ngài là những người cùi, những người tật nguyền, hạng điếm, kẻ thu thuế tội lỗi (Lc 19,1-10), tên trộm cướp (Lc 23,43),... Học trò của Ngài đa phần là những người chẳng có gì nổi bật xuất chúng, bao nhiêu năm theo Thầy học đạo, cùng ăn cùng uống cùng sống và cùng “chấm chung một đĩa với Thầy” (Mt 26,23) vậy mà khi Thầy bước vào cuộc Thương Khó, kẻ thì nộp, người thì chối, kẻ khác lại trốn chạy... Tất cả mọi đau khổ, gánh nặng và tội lỗi của nhân loại, Đức Giêsu đưa lên cây thập tự gắn liền dòng chữ “INRI”. Chính qua cây thập tự, Ngài mang lại niềm vui và sự bình an cho nhân loại. Chính Thập giá của Đức Kitô sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và cái chết.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Đời người ai cũng có thập giá. Đời người ai cũng trải qua ít nhất một lần đau khổ. Mỗi người một thập giá và mỗi ngày là mỗi thập giá. Thập giá đó có thể là chính bản thân, thập giá đó có thể là bạn bè, anh chị em của mình... Thập giá đó có thể là những nỗi bận tâm của trách nhiệm làm cha làm mẹ; thập giá đó có thể là những cơn đau của thể xác vì bị bệnh tật hành hạ bao năm, hay sự lo lắng về tinh thần; thập giá đó có thể là đời sống chung ngột ngạt; và thập giá cũng có thể là những công việc bổn phận hằng ngày... Điều quan trọng không phải là chúng ta chối bỏ thập giá của chính mình nhưng là phải vác lấy. Thánh Rosa Lima đã nói: “Ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”.

Thập giá chính là nguồn cảm hứng cho người môn đệ bước theo chân Thầy Giêsu Chí Thánh, là sự hy sinh cho người mình yêu, như lời thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Thập giá là niềm kiêu hãnh của người Kitô hữu, là chỗ dựa cho người què, là niềm an ủi cho người nghèo, là sự điêu tàn của lòng kiêu ngạo, là chiến thắng trên ma quỷ, là trường học cho người bắt đầu phục vụ Thiên Chúa, là người dẫn đường đưa chúng ta đi trong cơn bão táp của cuộc sống hiện tại, là bến cảng mở ra cho những ai trong cơn nguy khốn, là lời khuyên răn cho những người công chính, là chốn nghỉ ngơi cho những người đau khổ, là phương thuốc cho người yếu đau”.

Chính ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất đã cảm nghiệm được đau khổ và thập giá “sau khi ông bị tư tế Pátkhua, tổng quản đốc Nhà ĐỨC CHÚA đánh đòn và cùm gông” (Gr 20,1) và ông thốt lên rằng:

Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con,

và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.

Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.

Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,

phải kêu lên: "Bạo tàn ! Phá huỷ !"

Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày”. (Gr 20,7-8).

Thánh Phaolô Tông Đồ có lẽ là người cảm nghiệm sâu xa nhất về con đường thập giá của Đức Kitô khi ngài để cho Thần Khí dẫn dắt. Cảm nghiệm được vinh quang của Chúa, thánh nhân đã khuyên nhủ cộng đoàn của mình: “Hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).

Vì thế, muốn theo chân Chúa, chúng ta không thể đi con đường nào khác con đường của Chúa - con đường thập giá. Khi chúng ta đón nhận thập giá đời mình theo ý Chúa, thì Chúa sẽ thực hiện ý của Ngài trên chúng ta. Do đó, mỗi khi gặp gian truân, thử thách, chúng ta luôn tín thác vào Chúa và chạy đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ, ủi an và bổ sức.

Lạy Chúa, đứng trước thập giá, chúng con thường sợ khó và sợ khổ. Xin Chúa cho mỗi người chúng con cũng biết kết hiệp với Chúa mỗi ngày, để chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa, như lời của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho giáo đoàn Rôma trong bài đọc thứ hai: “Xin Chúa cải biến con người chúng con bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trần Thanh Nhân

 Tags: Giảng lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay18,953
  • Tháng hiện tại428,842
  • Tổng lượt truy cập28,744,211

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây