Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B

Chúa nhật - 03/12/2017 09:10

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B

(Mc 13, 33-37)

Lm. Grêgôriô Văn Ngọc Anh

Năm Phụng vụ của Hội Thánh khởi đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là thời gian để các Ki-tô hữu chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh – Con Thiên Chúa đến trần gian lần thứ nhất, vừa là, qua việc cử hành nầy, chúng ta hướng lòng trông đợi Ngài quang lâm, ngự đến vào ngày tận thế (x. AC. 39).

Như thế, mùa Phụng vụ không theo vận kỳ của thời tiết quay tròn, nhưng hướng tới một đích điểm, đó là ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai trong vinh quang để thiết lập “trời mới đất mới” (x.Kh.21,1).

Vậy thì lời Chúa của Chúa nhật I Mùa Vọng, khởi đầu một Năm Phụng vụ mới dạy ta phải có định hướng nào, cách sống làm sao của một người Kitô hữu đúng nghĩa..

Nếu triết học Hiện sinh cho rằng con người sống là sống với dự phóng, không ngưng nghỉ dự phóng, và dự phóng làm nên đời sống con người, thì theo đó, người Kitô hữu là những con người đích thật sống với dự phóng vượt không gian và thời gian, không phải với những dự phóng “trong cõi trăm năm”, “vó câu qua cửa”, nhưng với những dự phóng mang lại sự sống trọn vẹn và dồi dào, như Chúa Giêsu đã từng hứa ban (x. Ga 10,10;Rm 11,17). Dự phóng nầy không do kết quả của suy tư, nhưng là ân ban mặc khải của Thiên Chúa để biết rằng vào lúc cùng tận thời gian, thì “thời ấy đến” (Mc 13,33) [ “chủ nhà đến“ “ông chủ đến” (x. Mc 13,33-36), “Chúa anh em sẽ đến” (Mt 24,42), “Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)]. Và người Kitô hữu biết rõ dự phóng của mình như Thánh Phaolô nhắc nhở đầu bài đọc II: “Anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào…vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia… đêm sắp tàn, ngày gần đến.”(x. Rm13,11.12).

Được mời gọi tham dự vào dự phóng của Thiên Chúa, con người có được đường đi thẳng tắp, không cần phải dò dẫm tìm đường, và có đích điểm tiến tới để khỏi phải loay hoay định hướng. Đích điểm đó đã được Thiên Chúa mặc khải xa xưa trong thời Cựu ước (bài đọc I): “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha” (Is 63,10b), “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con” (Is 63,7). Trong đoạn Kinh Thánh trích đọc hôm nay đã được đóng khung trong 02 câu đầu và cuối có cùng một xác quyết: Thiên Chúa là Cha của loài người chúng ta. Như vậy, dự phóng của mỗi người chúng ta thật rõ ràng là đi đến cùng Cha chúng ta. Thiên Chúa là Cha, trước hết vì Ngài là Đấng Sáng Tạo, là Đấng tác sinh mọi hiện hữu,  là Đấng hoàn toàn khác biệt với suy tưởng của loài người (Is 55,8; Mt 16,23), và đồng thời là Đấng “từ bi, nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,14; Gn 4,2).

Khởi đầu thư Thứ nhất gởi tín hữu Corintô (cũng là khởi đầu của bài đọc II), Thánh Phaolô  nhắc nhở các tín hữu về dự định từ muôn đời của Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta, đó “ân sủng và bình an” của Ngài. “Ân sủng” là thuộc tính của Thiên Chúa, là Tình yêu của Ngài, là “ân ban nhưng không”, là chính hiện thân của Thiên Chúa. Thì ra “Ân sủng và bình an” là cách nói về dự phóng của Thiên Chúa để cho con người hiệp thông yêu thương với Ngài, và nhờ đó hiệp thông với nhau. Nhưng có được mối liên hệ thân thiết và phong phú với Thiên Chúa là Cha, chính là nhờ Đức Kitô Giêsu, Con của Người. “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1 Cr 1,5). Vì lẽ đó, lời chào chúc:  “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” (x. 1Cr  1,3) không phải là một công thức xã giao, cũng không phải là một lời nguyện ước, nhưng là một xác quyết về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đoàn đang nhân danh Ngài, đang hiệp thông với nhau trong Đức Kitô Giêsu, một cộng đoàn đang được mời gọi không ngừng tin tưởng vào sự trung tín của Thiên Chúa đối với dự phóng của Ngài, nhờ đó mới có thể kín múc sức mạnh thần linh để không lạc xa đường lối nhưng “vững chắc đến cùng” (x. Bđ II, 1 Cr 1,8).

Chính vì thân phận yếu đuối mỏng dòn và dễ mù quáng, người Kitô hữu cần định hướng mình như một chiếc la bàn luôn quay về hướng Bắc. Người Kitô hữu như là chiếc la bàn luôn hướng về thời Vị Lai (L’Avenir), hướng về ngày Chúa quang lâm (Adventus= venue, avènement). Sở dĩ Thánh Phaolô viết thư gởi các Kitô hữu Corintô bởi vì họ đã mất phương hướng ở một số phương diện nào đó. Đối với Thánh Phaolô thì đặc tính đầu tiên của người Kitô hữu là mong đợi: “...mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” (x. 1 Cr 1,7). Người Kitô hữu mong đợi Đức Kitô tiêu diệt kẻ thù cuối cùng là sự chết (x.1 Cr 15,26); toàn thể nhân loại sẽ được giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi và sự chết. Các Kitô hữu là đoàn dân mang trong mình niềm hy vọng nầy, một dự phóng được thực hiện bởi Đức Kitô là Đầu và Hội Thánh là thân mình của Ngài. Hóa ra Thiên Chúa và con cái của Ngài có cùng một dự phóng.

Vì lẽ đó mùa Vọng là thời gian để các Kitô hữu sống giây phút hiện tại của việc hân hoan sửa soạn mừng đón Chúa đã đến, đang hiện diện, nhưng đồng thời cũng hân hoan mong đợi ngày Ngài (lại) đến, như muốn được diễn tả rõ hơn trong Phụng vụ của Chúa nhật III Mùa Vọng. Với định hướng đó, thì thái độ cần có là “coi chừng”, là “tỉnh thức”, “canh thức”: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13,33). Chắc chắn không phải là chờ đợi “chủ nhà đến” như hành khách ngồi đợi ở nhà ga, nhưng là thái độ tích cực đối với những yến vàng yến bạc được Thiên Chúa trao phó cho mỗi người. Không phải chờ đợi một điều gì, nhưng đúng hơn là chờ đợi một Đấng là Chủ và là Cha cho chúng ta được dự phần xây dựng ngôi nhà của Ngài, “mà nhà Thiên Chúa là chính chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững đến cùng lòng tin tưởng và thái độ hiên ngang về niềm hy vọng của chúng ta” (x. Dt 3,6).

Ngày nay, người ta hay dùng từ “tầm nhìn”: một kế hoạch nào đó có tầm nhìn đến 50-70 năm hay cả 100 năm sau. Có những vĩ nhân có viễn kiến, tầm nhìn xa mang lại thịnh vượng cho đất nước mình, như Nhật hoàng Minh Trị Mutsuhito, người được xem là có công lớn nhất đưa Nhật Bản thành một quốc gia hiện đại. Có những chủ thuyết, những nhà cầm quyền với tầm nhìn sai lầm, gieo tai họa không chỉ cho đất nước mình và còn toàn thế giới, như Marxism-Léninism, Pon-pôt…

Đức Giêsu Kitô là một vĩ nhân của nhân loại, cống hiến cho con người một tầm nhìn, một dự phóng. Và vì Ngài không chỉ là con người có thể mắc sai lầm, nhưng là Thiên-Chúa-Làm-Người, vì thế viễn kiến, dự phóng của Ngài là mặc khải trao ban cho nhân loại chúng ta.

Thánh Phaolô đã chia sẻ niềm hạnh phúc đó với các tín hữu Corintô cũng là với các Kitô hữu chúng ta hôm nay: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1,4; Bđ II).

Tác giả bài viết: Lm. Gregorio Văn Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập198
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay22,724
  • Tháng hiện tại410,860
  • Tổng lượt truy cập28,726,229

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây