Giảng Lễ Chúa Nhật 02 Thường Niên B

Thứ bảy - 13/01/2018 02:31
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN  NĂM B (Ga 1,35-42)
 
Chúa nhật hôm nay có thể được gọi là chúa nhật của ơn gọi.
Bài đọc 1 trong sách Samuen được viết vào thế kỷ 9 hay 8 trước CG. Thiên Chúa gọi Samuen, lúc Samuen còn là cậu bé phụ giúp đền thờ với tư tế Hêli. Đêm ấy, cậu Samuen đang ngủ trong đền thờ, gần Khám Giao ước của Thiên Chúa thì có tiếng gọi đích danh tên cậu: "Samuen! Samuen!" Cậu thưa ngay: "Này con đây" và chạy đến cùng thầy cả Hê li. Nhưng cả 3 lần, thầy Hê li không có gọi. Lần thứ tư, Samuen thưa lớn tiếng: "Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe".Và Thiên Chúa đã nói chuyện cùng Samuen. Từ đó về sau, Samuen càng lớn lên trong ơn gọi, có Thiên Chúa luôn ở cùng cậu và cậu không để rơi mất một lời nào của Ngài. Samuen được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ ngay từ nhỏ, đã trở thành một ngôn sứ vĩ đại vì nhờ biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa (1Sm 3).
Mở đầu công việc rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đã kêu gọi và tuyển chọn một số người và cho đi theo Ngài.
Bài Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay nói đến ơn gọi của 3 môn đệ đầu tiên.
Khi Gioan tẩy giả đang rao giảng và làm phép rửa tại sông Giordan, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông chỉ tay vào Chúa Giêsu để giới thiệu cho 2 môn đệ của ông là Anrê và Gioan. "Đây là Chiên Thiên Chúa", kiểu nói đó có nghĩa Đức Giêsu là Đấng Mesia. Sau khi nghe lời đó, Anrê và Gioan liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại và hỏi các ông: "các anh tìm gì thế". Họ đáp: "thưa Thầy, Thầy ở đâu?". Người bảo họ: "Hãy đến mà xem" và họ đã đến xem chỗ ở của Ngài và ở lại đàm đạo với Ngài ngày hôm đó. Thế là từ môn đệ của ông Gioan tẩy giả, 2 ông đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Chỗ Ngài ở, hiển nhiên không phải là đền đài nguy nga, như Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: "con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu" (Lc 9,58).  Họ đã đến là vì Chúa Giêsu, vì "được" Ngài lôi cuốn. Chúa Giêsu đã lôi cuốn họ và sự lôi cuốn ấy đã có sức biến đổi hẳn con người của họ. Sau đó, Anrê lại giới thiệu em mình là Simon với Chúa Giêsu, Chúa đã nhận Simon làm môn đệ và còn đổi tên ông là Phêrô (nghĩa là đá).
Chúa Giêsu đã không muốn thực hiện sứ mạng của Ngài một cách lẻ loi. Sứ mạng ấy được thực hiện bởi chính Ngài và được nối tiếp bởi những người đã chứng kiến những việc Ngài làm. Sứ mạng ấy là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người và trong mọi thời đại. Qua các thời đại, Thiên Chúa thường gọi một số người để làm các công việc đặc biệt mà Người giao phó. Thời Cựu ước, Thiên Chúa  đã gọi Abraham, Môsê, Đavít, các ngôn sứ...Trong thời Tân ước, Chúa Giêsu đã gọi 12 tông đồ. Đó là ơn gọi đặc biệt. Chúa chọn và gọi người Chúa muốn, gọi và chọn ai là việc nhiệm mầu của Chúa. Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người, tùy theo mỗi người có quãng đại đáp lại tiếng Chúa gọi hay không (Mt 19,16) và có cố gắng sống xứng đáng và trung thành với Ơn Gọi của mình hay không. Tin Mừng có kể lại việc Chúa Giêsu đã "cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha. Hôm sau, Ngài kêu gọi và chọn 12 tông đồ" (Lc 6, 12-16). Các tông đồ đa số làm nghề chài lưới, có người làm nghề thu thuế, ông Giuđa Itcariot là kẻ phản bội; sau này Mathia được chọn thay thế (Cv 1,15-26). Chúa cũng đã chọn Phaolô làm tông đồ ngay chính lúc ông đang trên dường đi bách hại đạo Chúa (Cv 9,1...).
Trải qua dòng lịch sử của Hội Thánh, Thiên Chúa cũng đã chọn một số người để chuyên làm việc tông đồ cho Chúa qua các trách nhiệm khác nhau như: giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ... Mỗi trường hợp là do sự nhiệm mầu của tình yêu Chúa, chẳng ai dám tự phụ mình là xứng đáng. Nhưng không chỉ có các giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ mới được làm tông đồ cho Chúa, mà mọi tín hữu đều có ơn gọi riêng của mình để làm tông đồ cho Chúa cách này hay cách khác. Lệnh sai đi của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho các tông đồ nhưng cho mọi kitô hữu mọi nơi và thuộc mọi thời đại. Ơn gọi và sứ mạng của mọi kitô hữu là sai đi loan báo Tin Mừng. "Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" ( Ga 20.21). Có những tông đồ giáo dân rất nổi danh trong lịch sử Giáo Hội như: thánh Toma More (1478- 1535) luật sư, nhà ngoại giao lỗi lạc nước Anh. Chân phước Federic Ozanam (1813-1838) học giả người Pháp, lập hội Bác ái thánh Vinh Sơn, chuyên giúp đỡ những người nghèo trên thế giới. Ông Frank Duff (Ái nhĩ Lan, 1889- 1980) lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ, chuyên thăm viếng những người bệnh tật đau yếu. Bà Chiara Lubich (Ý,1020-2008), lập Hội Focolore để cổ võ tinh thần hòa hợp thuộc mọi  sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo khác nhau... Trong Hội Thánh cũng có những Hội đoàn hoạt động tông đồ cho mọi lứa tuổi, như Hội Legio, Liên Minh Thánh Tâm, Bà mẹ Công Giáo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Lòng Thương Xót Chúa, Hướng Đạo Sinh Công Giáo, Cursillo, Hội Phao lô Châu... Tất cả các Hội Đoàn đều có mục đích giúp thánh hóa bản thân và rao giảng Tin Mừng tình  thương của Chúa cách này hay cách khác, nơi chính gia đình của mình, nơi làm việc, trường học, trong mọi môi trường sống hằng ngày của mỗi người.
Trong Văn Thư hướng dẫn ơn toàn xá Năm Thánh của Giáo Phận Qui Nhơn (26/7/2017-26/7/2018) Đức cha Matthêu Nguyễn văn Khôi, giám mục Giáo Phận, đã viết trong phần tổng kết đã nhắc lại: "qua 400 năm truyền giáo, trang sử Giáo Phận Qui Nhơn ghi đậm dấu ấn bằng máu đào và mồ hôi nước mắt của các bậc tiền nhân là các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ, thầy giảng và những tông đồ giáo dân nhiệt thành.
Tiêu biểu cho các tiền nhân này có chân phước Anrê Phú Yên (1625-1644) thầy giảng, người chứng thứ nhất của Hội Thánh Việt Nam. Thánh Phanxicô Isidore Galelin Kính (1799-1833), linh mục đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên; thánh Anrê Nguyễn kim Thông (1790-1855), trùm cả, một người được quan chuộng dân yêu, một đời tận tụy với đất nước, tổ chức khai khẩn đất hoang, phát triển dân sinh, thánh Stêphanô Cuénot Thể (1802-1861) vị giám mục truyền giáo và nhiều vị tử đạo cùng thời với ngài đã được Giáo Hội đưa vào danh sách các tôi tớ Chúa chờ ngày được tôn phong chân phước. Ngoài ra còn có các linh mục, thầy giảng, nữ tu và một số rất đông giáo dân đã bị sát hại vì đức tin.
Bên cạnh các vị tử đạo đã tô thắm trang sử giáo phận bằng máu đào...các thừa sai Dòng Tên đã có công sáng tạo chữ quốc ngữ, góp phần rất lớn vào việc rao giảng Tin Mừng cũng như cho nền văn hóa dân tộc, linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), một kẻ sĩ, một kho tàng văn hóa, một tình thương dân tộc, một linh mục kết hợp nhuần nhuyễn nhân, trí, dũng Á  Đông...linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Do (1823-1872), người tiên phong mở đường đem Tin Mừng đến cho anh em dân tộc vùng Tây Nguyên".
Như lời Đấng Đáng Kính hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói trong sách ĐHV: Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong một việc nhỏ "Hãy theo Thầy!"và tiếng "Vâng" của con cũng tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng (ĐHV 72)
Hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin Chúa cho mọi người tín hữu chúng ta luôn thức ý thức ơn gọi và sứ mạng tông đồ được Chúa kêu gọi và sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ và yêu thương của Chúa cho mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, những người bên cạnh chúng ta: cha mẹ. anh chị em, bà con lối xóm, bạn bè...bằng cuộc sống chứng tá yêu thương của Tin Mừng Chúa, bằng lời nói bác ái của Tin Mừng. Xin cho chúng ta biết luôn "lắng nghe tiếng Chúa gọi", trở nên những tông đồ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo bao la trong thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Hội Thánh có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân nhiệt thành trong Hội Thánh tại Việt Nam và Giáo phận Qui Nhơn của chúng ta. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Phanxicô Hoàng Minh Đức.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại609,869
  • Tổng lượt truy cập28,261,756

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây