Suy niệm tuần thánh và tam nhật vượt qua

Thứ tư - 28/03/2018 05:24
I. RA ĐI VỚI CÀNH THIÊN TUẾ
(Chúa Nhật Lễ Lá Khai mạc Tuần Thánh Năm B 2018)
 
          Phụng vụ hôm nay được cử hành với 2 phần mở đầu mà nội dung ý nghĩa và hình thức diễn đạt xem ra hoàn toàn đối nghịch nhau :
- Nghi thức tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành mang bầu khí tươi vui, rạng rỡ, với tiếng hát chúc tụng, lời hoan hô tưng bừng náo nhiệt.
- Trong khi đó, phần Phụng Vụ Lời Chúa lại kéo cộng đoàn trở về với không khí ảm đạm, u buồn : cả 3 Bài đọc đều nói về cuộc thương khó, sự chết.
* Bài đọc 1 : Trích đoạn sách ngôn sứ Isaia trình bày chân dung “Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa” cho dầu phải chịu nhục hình vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
* Bài đọc 2 : Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philipphê đã dạy rằng : Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính với sự tự hạ thẳm sâu đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người.
* Riêng đáp vịnh ca với thánh vịnh 21, cũng là những lời cầu nguyện trong đau thương ngút ngàn của người công chính : “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đơn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan…”
* Cuối cùng : Trình thuật Thương khó theo Thánh Mát-cô quảng diễn “bi kịch Thương Khó” rất nhân văn và gần gũi thông qua những gương mặt “rất người” và đối nghich nhau : như Phêrô-Giuđa, Philatô-Simon Kyrênê, nhóm quan chức Do Thái giáo-những người phụ nữ đạo đức…; và nhất là Mát-cô đã đưa chiều kích “khổ nạn” lên một ý nghĩa cao cả, nhiệm mầu ở giữa một rừng những báng bổ, xúc phạm và vô tín vô tâm qua lời tuyên tín của viên sĩ quan ngoại giáo : “Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa” !
          Hội Thánh tin tưởng và tuyên xưng điều gì khi sắp xếp một tiến trình phụng vụ xem ra mâu thuẫn như thế ? Để hiểu rõ, không gì bằng, chúng ta thử nghe lại lời kinh Tổng nguyện trong Thánh lễ hôm nay ; bởi vì khi Hội Thánh cầu nguyện cũng là lúc Hội Thánh diễn tả đức tin của chính mình (Lex orandi lex credendi).
“…Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.” (Lời nguyện nhập lễ).
          Trong lời kinh Tổng nguyện nầy, chúng ta để ý thấy 2 cặp từ chủ yếu : THƯƠNG KHÓ và PHỤC SINH.
          Thì ra, phần đầu lễ nghi Phụng vụ hôm nay, chính là vinh quang phục sinh. Thật vậy, chúng ta được chính Đức Kitô dẫn đầu để tiến vào vương quốc Nước Trời, tiến vào cuộc chiến thắng vinh quang của ơn cứu độ, của tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa. Theo Đức Kitô mà dẫn tới thất bại, tới đường cùng, tới thất vọng…thì theo làm gì cho mệt, cho lãng phí !
          Nếu cây “Cọ dừa” hay “Thiên Tuế” là biểu tượng của sự chiến thắng, đoạt giải (người chiến thắng được gọi là người mang thiên tuế = To carry the palm), thì quả thật, như Tin Mừng Gioan đã mô tả đầy ý nghĩa : “Họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò…” (Ga 12,13), “sự kiện rước lá đón Chúa vào Giêrusalem” là báo trước cái giờ vinh quang mà Đức Kitô đã bao lần xác quyết : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài phải chết cách nào. (Ga 12, 23.31-33). Chúng ta cũng đừng quên, sau nầy trong tác phẩm Khải Huyền, Thánh Gioan cũng nhắc đến “cành vạn tuế và đoàn người chứng nhân chiến thắng” : “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9).
          Tuy nhiên, con đường chiến thắng vinh quang đó, con đường phục sinh lẫy lừng đó không phải là chuyện “dễ ợt” theo cái kiểu “bất chiến tự nhiên thành”, mà phải là một cuộc dấn thân “trầy vi tróc vảy”, một cuộc chiến đấu một mất một còn, một chọn lựa không phải một “rừng mơ ngọt ngào của Tào Tháo”, mà là một “hoang mạc đầy dẫy gai chông, cạm bẫy, thách đố, đắng cay và cả cái chết đau thương… Tin Mừng Mát-cô đã cho ta thấy ý nghĩa nầy khi đặt vào miệng Đức Kitô những lời nguyện tha thiết trong nỗi đau tột cùng của Thánh vịnh 21 khi Ngài trải qua những giay phút hấp hối trên thánh giá : “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,34)…”. Và Đức Kitô đã chọn lựa, đã dấn thân và hoàn tất con đường đó khi Ngài “kêu lớn tiếng rồi gục đầu tắt thở” (Mc 15,37); đó chính là tiếng thân thưa với Chúa Cha mà Tin Mừng Luca đã tường thuật : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) !
          Và như vậy, Tuần Thánh được mở ra hôm nay với cuộc “vào thành” của Đức Kitô, sẽ tuần tự diễn ra cả một tiến trình Vượt Qua của Đức Kitô mà toàn thể Dân Chúa được gọi mời tham gia và đón nhận vào chính cuộc hành trình đức tin của mình.
Bởi vì không thể là Kitô hữu nếu không “cử hành Ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc đời mình”; nghĩa là cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Bánh Thánh Thể và Chén máu Giao ước và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh chị em (Lễ Tiệc Ly) !
Cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không “đi qua chiều Thứ Sáu Tuần Thánh”; nghĩa là không can đảm chấp nhận “chén đắng” của hy sinh, bỏ mình, và những thập giá xuyên qua suốt cuộc đời, thập giá của bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau…trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, cùng bao nhiêu gánh nặng đau thương nhức nhối khác…(Thứ Sáu Khổ nạn);
Cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không sống “niềm tin Phục Sinh”; nghĩa là khi chúng ta không mang một trái tim mới, một thần khí mới, một ngọn lửa mới, đó là niềm vui Phục Sinh, đó là Đức Kitô phục sinh, đó là sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng, đó là sự “tái sinh vào vương quốc sự sống” (Vọng Phục sinh), đó là “bỏ lại đằng sau nấm mồ của tăm tối, nô lệ để bước đi trong ánh bình minh của tin yêu hy vọng” (Chúa Nhật Phục Sinh).
          Để minh họa cho ý nghĩa hôm nay, chúng ta có thể đọc lại lời chứng sống động nầy:
  Trong trại tù Auschwitz, một trại tù nỗi tiếng của Đức Quốc Xã giam giữ những người Do thái, người ta đã tìm được một lời cầu nguyện rất cảm động như sau :
“Lạy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những người thiện chí, mà hãy nhớ cả những kẻ ác tâm. Đừng chỉ nhớ những nỗi khổ đã đổ dồn xuống chúng con, mà cũng hãy nhớ đến những hoa trái mà các đau khổ ấy đã sinh ra cho chúng con: tình bạn chân thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, tính quảng đại và con tim nhân ái. Khi những người hành hạ chúng con phải ra trước toà Chúa phán xét, xin cho tất cả những hoa trái ấy thành những lời xin ơn tha thứ cho họ.”
Cũng ước mong sao trong những ngày Tuần Thánh nầy, trên khuôn mặt và trong trái tim của mỗi người chúng ta vẫn còn phảng phất một chút gì đó nỗi xót thương ngậm ngùi của Đức Mẹ, nỗi xót xa thống hối của Phêrô, nỗi thương đau giúp đỡ của Simêon, nỗi đồng cảm hiệp thông của những người phụ nữ Salem, niềm xác tín sâu xa chân tình của viên sĩ quan ngoại giáo…
Ước gì hôm nay khi ra về với “cành thiên tuế” trên tay, chúng ta thật sự là một “người chiến thắng” cùng với Đức Kitô, Đấng mà chúng ta không phải chỉ “đi bên cạnh để tung hô ngoài môi mép” như đoàn dân Salem thuở nào, nhưng là “rước thật Mình và Máu Chúa vào lòng” để từng ngày “sống cho Đấng đã chết và sống lại” vì ta. Amen.
 
II. KHI TÌNH YÊU PHAI NHẠT
(Thứ Tư Tuần Thánh- Ghềnh ráng)
 
Dẫn nhập đầu lễ :
Chúng ta đang ở trong những ngày cử hành Phụng Vụ Tuần Thánh, tuần lễ đặc biệt nhất của phụng tự Kitô giáo mà chủ yếu là “tưởng-niệm-tái-diễn” (Anamnèse) những biến cố sau cùng của Chúa Giêsu trên trần gian.
Sứ điệp Phụng vụ Thứ Tư Tuần Thánh hôm nay qua “chân dung tự hạ của người Tôi Tớ đau khổ” trong sách sứ ngôn I-sa-i-a và “sự kiện Bữa Tiệc Ly” theo Tin mừng Matthêô đã khắc họa hình ảnh Đức Ki-tô đi vào cuộc Thương Khó với thái độ vâng phục trong tình yêu đối với Chúa Cha.
Tuy nhiên, qua hình ảnh và cung cách ứng xử của “phản đồ Giu-đa”, chúng ta lại thấy trách nhiệm của loài người chúng ta trong cái chết của Con Một Thiên Chúa.
(Hôm nay cũng là ngày tĩnh tâm-dọn mình của cộng đoàn giáo xứ để sẵn sàng đi vào cử hành sốt sắng Tam Nhật Vượt Qua. Chúng ta cầu nguyện cho nhau thành tâm hoán cải theo Lời Chúa dạy cùng với những gợi ý của Phụng Vụ Tuần Thánh)
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
 
Chia sẻ Lời Chúa :
          Qua trình thuật Thương Khó mà chúng ta đã nghe trong Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá, nhiều gương mặt liên quan trong “vụ án Giêsu” đã được các sách Tin Mừng “đưa lên sân khấu” cùng với những hành vi để lại dấu ấn đặc biệt :
- Phêrô với 3 lần chối Thầy cùng với những “giọt nước mắt sám hối”.
- Giuđa với cái hôn và 30 đồng bạc phản bội trôi theo những bước chân trong đêm tối thất vọng dẫn tới cái chết treo cổ tự tử.
- Ông Simon Kyrênê kề vai các đỡ thánh giá cách bất đắc dĩ.
- Đám dân Do Thái trở mặt cùng với đám tư tế, biệt phái giả hình, kiêu căng thù oán.
- Philatô, Hêrôđê sử dụng quyền lực chính trị để mưu đồ địa vị cá nhân.
- Đức Mẹ và một số phụ nữ đi theo và đứng gần thập giá.
- Những tên trộm bị đóng đinh với Chúa, bọn lính thi hành án và những con tim hoán cải tìm được đức tin vào “Kẻ bị đóng đinh”…
          Riêng hôm nay, Lời Chúa đề nghị chúng ta dừng lại với nhân vật Giuđa, như Tin Mừng Matthêô vừa được công bố mà bối cảnh là “cuộc mặc cả về cái giá nộp Thầy” : “Các ông cho tôi bao nhiêu để nộp Người cho các ông” (Mt 26,15), và “thái độ trâng tráo ngay giữa bàn tiệc ly” : “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy” (Mt 26,23).
 
1. Nhạt phai tình yêu nên Chúa không là ưu tiên một :
Có một điều không thể nghi ngờ : Chúa Giêsu đã chọn lựa Giuđa, một sự “chọn lựa hết sức nghiêm túc” : Thức suốt đêm cầu nguyện đến sáng chọn được 12 người (Lc 6,12-16); “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thày đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Cùng với sự chọn lựa đặc biệt đó là tình yêu thương sâu nặng : “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1); “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa….Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Ga 15,15).
Nhưng Giuđa thì chưa chắc. Có thể lúc đầu, anh ta đã đáp lại tiếng gọi của Chúa như bao Tông Đồ khác. Nhưng thời gian, việc “chọn Chúa” hết mình, tuyệt đối…đã không “đi tới cùng”.
Quả thật, như một nhận xét : "Nếu yêu hai người cùng một lúc hãy chọn người thứ hai. Vì nếu bạn thực sự yêu người thứ nhất, bạn đã không yêu thêm người thứ hai." Nếu anh ta đã chọn đã yêu Chúa Giêsu như một “ý trung nhân tuyệt đối”, như một “người yêu không thể thay thế”… thì làm gì có chuyện “đi đêm với nhóm tư tế” để nộp Chúa với cái giá được mặc cả như một “vật dư thừa” ?
Cho nên, chúng ta có thể cắt nghĩa lý do phản bội của Giuđa, tự trong sâu thẳm, đó là đã phai nhạt tình yêu dành cho Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay cũng đã nhấn mạnh chiều kích “phai nhạt tình yêu” nầy khi chọn trích đoạn Tin Mừng Mt 24,12 như chủ đề trọng tâm : “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh” (Mt 24:12); và ngài đã cắt nghĩa :
“Trong mô tả về địa ngục của mình, Dante Alighieri hình dung ma quỷ ngồi trên một chiếc ngai làm bằng băng đá, trong sự cô lập lạnh lùng và không có tình yêu. Chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình lòng mến có thể băng giá trong tâm hồn chúng ta như thế nào. Những dấu hiệu nào cho thấy rằng lòng mến của chúng ta đang bắt đầu nguội lạnh?”
Trong kinh nghiệm đời thường, chúng ta thấy nhan nhản lý do “nhạt phai, nguội lạnh” nầy trong bao nhiêu mối quan hệ :
- Bạn bè phản bội nhau khi tình bạn đã nhạt phai.
- Vợ chồng phản bội nhau khi tình yêu đôi lứa đã phai nhạt.
- Linh mục, tu sĩ dứt ao ra đi, phản bội lại lý tưởng tu trì, khi tình yêu dành cho Chúa và Giáo Hội đã nhạt phai.
- Người Kitô hữu phản bội lại những giá trị Phúc Âm, luật Chúa, luật Hội Thánh, khi đã nhạt phai đức tin, đức cậy, đức mến…Không còn “mến Chúa yêu người”…
Xét về tội phản bội, thì Phêrô cũng chẳng kém gì Giuđa. Nhưng có một điều, trong trái tim của Phêrô vẫn chưa phai nhạt tình yêu dành cho Chúa Giêsu; cho nên sau khi chối Chúa, vẫn lê lếch “theo Ngài xa xa” (Lc 22,54), để sau đó kịp nhận ra “ánh nhìn yêu thương của Chúa” (Lc 22,61), Phêrô đã “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62); và tình Thầy-trò nối lại vững bền, son sắt qua câu trả lời trên bờ hồ Tibêria sau ngày Chúa sống lại…! “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17).
Trong khi đó, tình yêu trong trái tim của Giuđa đã tắt hẳn. Điều nầy đã được tác giả Tin Mừng thứ tư cắt nghĩa cách sống động khi mô tả những bước chân của Giuđa “bỏ bàn Tiệc Ly ấm cúng” để bước ra đi trong bóng tối : “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30).
2. Những lực xói mòn :
          Nhưng những yếu tố nào đã khiến tình yêu của Giuđa dành cho Chúa Giêsu phai nhạt đi đến độ sẵn sàng phản bội, bán đứng Thầy ?
          Có nhiều lý giải. Riêng Đức Giám Mục Bùi Tuần, trong một bài giảng với tựa đề “Giuđa bán Chúa”, đã nghiêng về lý do : Giuđa chọn lựa tham vọng của riêng mình (tham vọng giải phóng It-ra-en theo con đường trần tục), muốn Chúa Giêsu đi vào trong “quỷ đạo tham vọng” đó. Nhưng Chúa đã chọn con đường khác. Giuđa thất vọng, đành vớt vát với “kế hoạch phiêu lưu cuối cùng : bán tháo 30 $...” để hy vọng Chúa tự thoát thân cách ngoạn mục (Giống như cơn cám dỗ trong hoang mạc : “Ông hãy nhảy xuống đi…”. Nhưng rồi cũng “trắng tay” vì Chúa chấp nhận “chén đắng”, nên quá sỹ diện, chỉ còn con đường treo cổ ! (Xem Giu-đa bán Chúa)[1]
          Chúng ta cũng không loại trừ yếu tố “của cải vật chất, sự giàu sang trần tục”. Tin mừng đã từng cho thấy, khi nghe Chúa đề nghị “…hãy về bán hết của cải đem cho người nghèo…Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19,21-22). Chính Thánh Phaolô cũng đã từng cảnh báo “hiểm họa tiền của” đối với đồ đệ Timôthê : “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6,10).
Phải chăng, Giuđa cũng đã để lòng “nặng nề vật chất”, sự giàu sang và của cải trần tục che chắn con đường “khó nghèo” của Tám Mối phúc thật”, che khuất luôn “giá trị tuyệt đối là chính Chúa Giêsu ? Chính Thánh Gioan đã không ngần ngại nêu bật lý do nầy trong Tin Mừng của Ngài trong “sự cố” cô Maria ở Bêtania đập bể bình dầu cam tùng xức chân Chúa. “Sao không bán dầu thơm đó lấy 300 quan tiền mà cho người nghèo”. Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung…” (Ga 12, 1-8).
Từ đó chúng ta có thể nghiệm ra rằng : Giu-đa là đại biểu của muôn thế hệ nhân loại đã chọn tiền bạc, sự giàu sang thế tục, uy quyền của vật chất để đứng lên chối từ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài, để loại trừ Chúa Giêsu và những giá trị của Tin Mừng khỏi trái tim và cuộc sống.
Nếu Giuđa đã để cái tôi, tham vọng và bao nhiêu cám dỗ trần tục lấn át đến độ phai nhạt tình yêu đối với Thầy Giêsu, hoặc như Tin Mừng Matthêô : “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh” Mt (24:12), thì chúng ta, hãy xét xem, những nẻo đường trần tục nào đã dẫn chúng ta đến tình trạng sống đạo không tốt, giữ đạo không trọn, quay lưng lại với Lời Chúa, với các bí tích, với các việc đạo đức truyền thống, với đời sống hiệp thông cộng đoàn, với lửa nhiệt tình tông đồ… ?
Qua sứ điệp Lời Chúa vừa khơi gợi, nhất là qua “sự cố Giuđa”, chúng ta có thể nhớ lại một lời của sách Khải huyền để xem lại cuộc đời mình, trái tim mình, linh hồn mình : “Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống...” (Kh 2,4-5).
Trước khi bước vào “Tam Nhật Thánh”, nhất là trước khi tất cả chúng ta cùng vỡ òa trong niềm vui và ánh sáng của ngày Chúa Phục Sinh, tôi xin được chuyển đến anh chị em chính lời nguyện chúc của ĐTC Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay 2018 :
“Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh trong vinh quang xua tan bóng tối trong con tim và tâm trí chúng ta”, và cho phép tất cả chúng ta hồi tưởng lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và kín múc lương thực từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho lòng chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.”. Amen.
 
III. LỄ TIỆC LY LUÔN VỪA MỚI BẮT ĐẦU
 (lễ Tiệc Ly - Thứ Năm Tuần Thánh 2018)
 
          Thánh lễ chiều nay được gọi là Lễ Tiệc Ly khai mạc một thời gian Phụng Vụ rất đặc biệt gọi là “TAM NHẬT VƯỢT QUA” diễn ra từ chiều hôm nay và kết thúc vào chiều Chúa Nhật Phục Sinh. (Nếu tính ngày theo kiểu thường tình thì phải gọi “TỨ NHẬT VƯỢT QUA” mới đúng, vì diễn ra trong 4 ngày : thứ 5,6,7,CN. Nhưng thời gian phụng vụ lại tính theo ngày của người Do Thái : từ chiều tới chiều…).
          Riêng Phụng vụ Lễ Tiệc nầy là Thánh lễ mẹ của mọi Thánh lễ trong năm, vì quy chiếu đến Thánh lễ đầu tiên, tức Bí tích Thánh Thể, được Chúa Giêsu thiết lập trong bữa ăn Vượt Qua với các Tông Đồ vào chiều thứ năm trước khi Ngài chịu chết và sống lại.
          Phụng Vụ Lễ Tiệc Ly hôm nay, bao gồm những điểm nhấn quan trọng sau đây :
 
1/. Lễ Tiệc Ly (BTTT) : là “Giờ” Chúa Kitô thực hiện “lễ Vượt Qua dự báo” của Cựu ước với hình ảnh “Con chiên bị sát tế”.
Để hiểu nội dung ý nghĩa nầy, chúng ta nên biết rằng : Dấu chỉ đặc trưng của “bữa ăn Vượt Qua” nguyên thủy nầy chính là “Con chiên bị sát tế” và “máu chiên ghi trên khung cửa nhà” (Bđ 1)[2]. Cũng như bao người Do Thái khác, Đức Kitô hằng năm đã cử hành Lễ Vượt Qua nầy; và chính trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng – Giờ đã đến- (mà hôm nay Phụng Vụ đang tái diễn), Đức Kitô đã biến mình thành “con chiên vượt qua bị sát tế” khi biến bánh thành thịt và rượu thành máu. Lễ Vượt qua của giao ước cũ (Cựu Ước) mang giá trị tiên báo nay đã được hoàn tất và hiện thực qua Tiệc Thánh Thể của Giao ước Mới như chúng ta nghe Thánh Phaolô nhắc lại trong Bài đọc 2, và nhất là, được Phụng vụ Giáo Hội “tái lặp lại” nơi trung tâm điểm của Thánh lễ, để biến bánh rượu nên Mình Máu Chúa. “Máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…” ([3])
 
2/. Lễ Tiệc Ly (BTTT) : dấu chỉ của yêu thương-phục vụ :
Và chúng ta cũng biết rằng : sau khi cử hành Lễ Vượt Qua, dân Ít-ra-en đã cùng với Mô-sê lên đường, vượt qua kiếp đời nô lệ để tìm về đất hứa của tự do trong đời sống của một dân tộc được Chúa tuyển chọn. Trong khi đó, sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dấn thân vào con đường khổ nạn-chết trên thánh giá và phục sinh để mang ơn cứu độ cho đoàn Dân Mới được cứu chuộc : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).
          Còn chúng ta thì sao ? Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô nơi BĐ 2 đã nhắc nhở: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa chịu chết”. (1 Cr 11,26). “Loan truyền Chúa chịu chết” phải chăng là làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chết cho tội lỗi của chính mình, chấp nhận những thương đau khổ lụy xảy đến giữa đời thường với tất cả tình yêu và trung tín, can đảm biến cuộc sống trở nên “tấm bánh được bẻ ra” qua sự dấn thân sẻ chia và phục vụ mọi người trong tinh thần vị tha, bác ái…
          Và đó lại chính là điều mà Tin Mừng Thánh Gioan được trích đọc trong Lễ Tiệc Ly hôm nay nhắm đến và được Phụng vụ hôm nay thể hiện với “Nghi Thức Rửa Chân”. Vâng, Thánh Thể chính là sự hạ mình thẳm sâu của Đấng là Thầy, là Chúa mà sẵn sàng cúi xuống, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở thành tôi tớ “rửa chân cho anh em”…
 
3/. Lễ Tiệc Ly (BTTT) và huyền nhiệm chức Linh Mục :
Nếu nghi thức “Rửa Chân” được đan xen vào Lễ Tiệc Ly hôm nay đã cho thấy tất cả chiều kích yêu thương-phục vụ của mầu nhiệm Thánh Thể, thì đồng thời cũng nói lên mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và Chức Linh Mục thừa tác : “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Đã là linh mục thì không thể xa lìa Thánh Thể ; và đã cử hành Thánh Thể thì không thể lìa xa Đức Kitô. Cho nên, chúng ta không chỉ quy tụ chung quanh linh mục để cử hành Thánh Thể cho riêng mình mà còn phải hiệp thông và cầu nguyện cho chính các Ngài được luôn trở nên “những mục tử như lòng Chúa mong ước”, những mục tử sẵn sàng “hy sinh mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11).
 
4/. Lễ Tiệc ly (BTTT) dẫn ta vào con đường Vượt Qua của Đức Kitô :
Phụng vụ Lễ Tiệc Ly chiều hôm nay còn có vài dấu chỉ và một nghi thức đặc biệt : Sau tiếng chuông trống rộn ràng của bài ca Vinh Danh hôm nay, Phụng Vụ sẽ dẫn cộng đoàn chúng ta đi vào trong cái im lặng thánh thiêng; (không có tiêng chuông nào được cất lên cho tới kinh Vinh Danh của đêm Canh Thức Vượt Qua). Sau đó, cuối Thánh lễ, chúng ta được gọi mời cùng chiêm ngắm “cuộc hành trình vượt qua của Đức Kitô” bên Thánh Thể của Ngài nơi “phòng Tiệc Ly”, nơi “Vườn dầu với cơn hấp hối khi đón nhận chén đắng khủng khiếp” và trên “con đường khổ nạn dẫn tới đồi Sọ”. Chắc chắn những phút giây lặng thầm bên Nhà Tạm sau Thánh lễ sẽ là những thời khắc thật quý hóa và sâu lắng để chúng ta cùng với Dân Chúa khắp nơi suy niệm và cầu nguyện về sự Thương Khó, về tình yêu thẳm sâu, về những phản bội của loài người qua những gương mặt như Giuđa, Phêrô, về những thái độ và tâm tình yêu mến của Mẹ Maria, ông Simon, bà Vêrônica…
          Như vậy, khi tham dự Lễ Tiệc Ly hôm nay, mỗi người chúng ta được một lần nữa đón nhận chính Thánh Thể là “quà tặng tuyệt vời nhất”([4]) để nhờ đó mỗi ngày biến đời mình kết hợp với toàn thể dân Chúa làm nên “Lễ Tạ Ơn” trọn hảo như đúng tên gọi của bí tích Thánh Thể : EUCHARISTIA : LỄ TẠ ƠN ; và một lần nữa được gọi mời sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến, Giờ phục vụ khiêm hạ, Giờ cứu độ vinh quang…, cái “Giờ” mà diễn tả theo ngôn ngữ Tin Mừng Gioan, đó là “giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đó cũng chính là ý nghĩa của cái “giờ” hay Thánh lễ  được thi sĩ Hạt Nắng diễn tả nơi bài thơ “Dâng Hiến” :
Thánh lễ cuộc đời giữa dối gian,
hy sinh trao tặng vẫn nồng nàn.
Yêu thương đoàn kết trong gian khó,
đau khổ sẻ chia lúc bần hàn.
Tấm Bánh tinh tuyền trao hiệp nhất,
Rượu ngon hảo hạng tặng bình an.
Thần lương huyền nhiệm tình dâng hiến,
phục vụ khiêm nhường nghĩa chứa chan.
 
          Và có lẽ cụ thể nhất, đó chính là cái “Giờ” hy sinh cuộc sống mình của Trung tá cảnh sát đặc nhiệm Cal Arnaud Beltrame để thế chỗ cho một người phụ nữ bị bắt làm con tin trong vụ khủng bố mới nhất tại Pháp chiều 23.3.2018 vừa qua.
Như vậy, mỗi người chúng ta, sau mệnh lệnh “ITE MISSA EST” (Lễ đã xong, nào hãy lên đường), có trách nhiệm làm chứng và sống cái “Giờ” của Chúa Kitô và “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại” bằng chính cuộc đời mình trên mọi nẻo đường trần thế. Nói cách khác, đối với cuộc sống đức tin của mỗi người Kitô hữu, Lễ Tiệc Ly luôn “vừa mới bắt đầu” ! Amen.
 
IV. ĐỜI MÃI ÂM VANG LỜI VINH TỤNG THẬP GIÁ
(Thứ Sáu Tuần Thánh 2018)
 
          Anh chị em,
          Hôm nay, Hội Thánh khắp muôn nơi cử hành long trọng cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Vì cuộc khổ nạn của Chúa gắn liền với cây thập giá, cho nên trọng tâm và điểm nhấn của Phụng Vụ hôm nay chính là Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa Kitô.
          Nếu trong đời thường, thập giá là biểu tượng của ô nhục, thất bại, đớn hèn…thì sau biến cố trên đồi Gon-gô-tha với cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu người Na-da-rét, thì thập giá đã trở nên Thánh Giá, sự đau khổ không còn là bất hạnh và sự chết đã mở đường về phía của sự sống.
  Chính để làm bật nổi nội dung giáo lý nền tảng đó, mà Phụng Vụ hôm nay luôn luôn chọn bài Tường thuật của Thánh Gioan về sự Thương khó của Chúa. Bởi vì chính trong bài tường thuật độc đáo của ngài, cuộc Thương khó của Chúa Giêsu không mang dấu vết của ảm đạm, buồn đau, mà “như tiến trình khải hoàn của Đức Giêsu về với Chúa Cha.”
          Để nêu bật ý nghĩa nầy, chúng ta có thể thấy thánh Gioan đem vào trong Tin Mừng của ngài những chi tiết mang dấu chỉ và ý nghĩa thần học về cuộc hiển thắng của Chúa Ktô thật rõ nét :
- Thần tính của Chúa Giêsu được biểu hiện ngay khi quân dữ tới bắt Ngài : khi Ngài vừa nói : “chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.
- Cuộc dấn thân đi vào cuộc khổ nạn chính là thực thi thánh ý Chúa Cha : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,11), là tự do hiến tặng : "Mạng sống Ta không ai lấy được, nhưng chính Ta tự ý ban tặng "[5] (Ga 10,18).
- Đức Giêsu bị đóng đinh với tư cách là Vua. Philatô nhận ra điều đó khi xét xử Người (19,13) và tấm bảng treo trên thập giá : công bố điều đó bằng nhiều thứ tiếng (19,19-20)
- Việc treo Đức Giêsu trên thập giá cũng là cuộc Người ngự lên trong vinh quang Thiên Chúa : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài phải chết cách nào. (Ga 12, 23.31-33) để từ đó Người ban Thánh Thần cho nhân loại (19,30). Thánh giá trở thành ngai tòa vinh quang, từ đó Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội.
- Ý nghĩa cái chết của Đức Kitô chính là hoàn tất lời tiên báo nơi “chiên vượt qua” của Do Thái Giáo. Người là chiên vượt qua của Giao ước mới. Hơn nữa, Người là Thiên Chúa bị đâm thâu như Zacharia đã báo trước (12,l0 và tiếp theo). Đức Giêsu là Đền Thờ đích thực trong đó Thiên Chúa ngự trị, Đền thờ mà Êdêkien (47,1-12) đã nhìn thấy từ bên phải vọt ra dòng nước tượng trưng cho Thánh Linh. Trong Giáo Hội, Nước và Máu biểu tượng cho hai bí tích Rửa tội và Mình Thánh Cha…
          Mầu nhiệm Khổ nạn, mầu nhiệm thập giá đã được Dân Chúa cử hành, đào sâu, quảng diễn và sống theo suốt chiều dài lịch sử, như chúng ta thấy và cảm nhận qua Phụng Vụ (Tuần Thánh, Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Thánh Tâm, Thánh Thể…), giáo lý, các việc đạo đức bình dân (Gẫm đàng Thánh Giá, Cuỗi Mân Côi : Năm Sự Thương, gẫm 15 sự Thương Khó…) kinh nguyện (A Rất Thánh Giá, Kinh Hồng Ân…), thi ca nhạc họa…
Và, hôm nay, bước đi trên nẻo đường thập giá đó, tiếp tục hiện thực hóa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô giữa đời thường :
- Thập giá trong gia đình : hy sinh thầm lặng mỗi ngày của cha, mẹ, vợ chồng. Chấp nhận đắng cay, vất vả, thiếu thốn, bệnh hoạn… nhưng vẫn mĩm cười, thanh thản trung thành với những giá trị của Tin Mừng, những bổn phận của người tín hữu, những cam kết của bí tích hôn nhân…
- Thập giá ngoài xã hội : Đó chính là sự quảng đại để thứ tha cho dù phải bị khinh miệt hay gánh chịu mọi thua lỗ ; là chấp nhận những bản án bất công và trù dập chỉ vì dám đứng lên bênh vực công lý và lẽ phải ; là sự anh hùng của các bạn trẻ chấp nhận sống ngược dòng với trào lưu “yêu cuồng sống vội” để giữ mình trong sạch ; là sự can đảm của các anh chị em công nhân viên chức luôn giữ phẩm chất liêm chính, công bằng và trách nhiệm…trong một xã hội vô cảm và lọc lừa, dối gian và tham nhủng…
- Thập giá trong Hội Thánh : Đó chính là những trái tim dâng hiến quảng đại và những đôi tay phục vụ của biết bao tu sĩ nam nữ, của các linh mục, Giám Mục, những con người chấp nhận bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô để phục vụ Thiên Chúa và lo cho phần rỗi của anh chị em mình ; đó chính là những bước chân nhiệt thành trung tín với những giờ dạy giáo lý, với những công việc phụng vụ trong những ngày mưa lạnh giá rét hay trong những ngày tất bật ngược xui giữa đời thường… của bao anh chị em chức việc, giáo lý viên, ca đoàn, ban giúp lễ, đạo binh Đức Mẹ, của các anh chị em Mến Thánh Giá tại thế…
          Vâng, kể từ cây Thánh Giá của Chúa Giêsu được dựng lên trên đồi Canvê, thì khắp nơi, mọi thời, đã có biết bao nhiêu con người can đảm chọn lựa những thánh giá cho riêng cuộc đời mình, một sự chọn lựa đã trở nên con đường tối hảo để nên thánh, để được ơn cứu rỗi, như sự khẳng định của thánh nữ Rôsa Lima : "Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời", hay như qui tắc nền tảng trong linh đạo của ĐGM Lambert de la Motte khi sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam : "Chúa Giêsu-Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta".
  Riêng với chúng ta giờ nầy, hôm nay, cử hành cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, hôn Thánh giá Chúa…chúng ta một lần nữa tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh như lời thư Do Thái trong BĐ 2 : “Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” ; và không dừng lại ở một lời tuyên xưng trong một cử hành cho dù long trọng, mà còn phải hằng ngày trong cuộc sống đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài "Hy tế của Đấng Cứu Độ", để cùng với Đức Kitô "bị treo lên hầu kéo mọi người lên"
Cho nên, không chỉ hôm nay, trong cử hành “Cuộc Khổ Nạn của Chúa”, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa rõ ràng và sâu xa của lời vinh tụng “VINH QUANG CHÚNG TA LÀ THÁNH GIÁ ĐỨC KITÔ…” (Gl 6,14); mà ý nghĩa nầy, “lời vinh tụng” nầy sẽ vang vọng trong mọi phút giây và trên mọi nẻo đường cuộc sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Amen.
 
V. PHẢI GIỮ CUỘC HẸN CHỜ GẶP GỠ
(Đêm Canh thức Phục Sinh 2018)
 
          Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ,
          Chúng ta vừa trải qua 2 phần Phụng Vụ quan trọng đầu tiên của Cử Hành Đêm Canh Thức : Chào mừng ánh sáng Phục Sinh qua nghi thức Thắp Nến và lắng nghe các Bài đọc qua Phụng Vụ Lời Chúa.
          Trong Nghi Thức “Thắp nến Phục Sinh”,
          Chúng ta được dẫn vào một “niềm vui vĩ đại” : đó chính là Tin mừng Phục Sinh. Đây chính là tin vui vĩ đại nhất mà với đêm nay, một lần nữa Hội Thánh muốn công bố cho toàn thể nhân loại.[6] Và cùng với Tin Mừng vĩ đại nầy, Cây Nến Phục Sinh được thắp sáng là biểu tượng của chính Đức Kitô Phục sinh, Ngài đang hiện diện đầy quyền năng trong thế giới.
Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, nếu được nghe đầy đủ, chúng ta sẽ được nghe đến 9 bài đọc : 7 bài trong Cựu Ước và 2 bài trong Tân ước, cùng với lời nguyện đi theo sau mỗi bài. Ý nghĩa tổng quát của phần Phụng Vụ nầy được chính Vị Chủ tế nêu bật trong lời hiệu triệu khai mạc : “Chúng ta hãy ngẫm xem trong thời Cựu ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao, và trong thời đại cuối cùng nầy, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào”.[7]
          Thật vậy, Lời Chúa được công bố đêm nay đã hướng chúng ta nhìn về cả con đường dài của lịch sử cứu rỗi mà Thiên Chúa đã cố công thực hiện; và đó là một “câu chuyện tình quá ư là vĩ đại”, một “thiên tình sử” không chỉ là tuyệt hảo và tối ư cần thiết, cho riêng chúng ta mà còn cho toàn thể nhân loại.
- Không tuyệt vời sao, khi chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và cho dù loài người có quỵ ngã thảm thương thì Thiên Chúa cũng không quay lưng bỏ mặc (Bđ 1).
- Không tuyệt vời sao, khi chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi vào dòng tộc đức tin của Tổ phụ Abraham, bởi vì từ dòng tộc nầy, Đấng cứu độ chúng ta là Con Một Thiên Chúa sẽ nhập thể vào đời mang lấy kiếp phận con người và trở nên của lễ cứu độ mà cuộc sát tế đứa con Isaac của cụ tổ Abraham là hình ảnh tiên trưng rõ nét. (Bđ 2).
- Không tuyệt vời sao, khi nhân loại chúng ta chỉ là một đám dân nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ nhưng Thiên Chúa đã giải thoát và tuyển chọn thành dân riêng để dẫn đưa về đất hứa của tự do mà cuộc giải thoát dân Ít-ra-en đã như một tiền đề chuẩn bị và tiên báo để rồi hiện thực qua chính bí tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận và kính nhớ hôm nay ! (Bđ 3)
- Không tuyệt vời sao, khi Thiên Chúa không ngừng thanh tẩy chúng ta, biến đổi trái tim chai đá và ban thần khí mới cho cõi lòng chúng ta, nhất là khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức. (Bđ 4).
- Không tuyệt vời sao, khi chúng ta được tuyển chọn để được hiệp nhất với Con Một Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại để chúng ta cũng chết cho tội lỗi và sống lại trong cuộc đời mới thuộc về Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta tin tưởng hoán cải trở về với Thiên Chúa tình yêu. (Bài Thánh Thư).
- Và có lẽ tuyệt vời nhất, đó chính là chính Đức Kitô Phục Sinh, một lần nữa đang hẹn gặp với mỗi người chúng ta, từ tin vui của các sứ thần nơi “ngôi mộ trống” như Tin Mừng Mát-cô tường thuật  : “Người đã sống lại, không còn ở nơi đây…hãy đi nói với các môn đệ…Người đến trước và hẹn gặp các ông tại Galilê…!” (Mc 16,6-7)
          Vâng, Phục Sinh là như thế, là câu chuyện về “Ngôi Mộ trống” của những người phụ nữ tầm thường, vô danh (như Maria-Mađalêna…) mặc dầu đã 2000 năm rồi nhưng chưa bao giờ trở thành cổ tích mà cứ mới hoài, trẻ mãi. Bởi chưng, cũng chính từ câu chuyện đó, từ lời chứng giản đơn về “ngôi mộ trống” đó mà toàn bộ những gì liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đến vị ngôn sứ Giêsu đã sáng lên và đong đầy ý nghĩa.
Thật vậy, khởi đi từ bình minh của “Ngày thứ nhất trong tuần”, với bước chân vội vã ngỡ ngàng, ra đi từ “mồ trống” của những người phụ nữ …, hay sau đó, trên vạn nẻo đường thế giới, với những “cánh thuyền ra chỗ nước sâu” của các tay “chài lưới người” xuất thân từ biển hồ Galilê, Tin Mừng Phục Sinh đã lan rộng khắp chân trời thế giới. Rồi cùng với Tin vui độc nhất và đặc biệt nầy, danh hiệu Giêsu-Kitô cùng với lời rao giảng, các phép lạ và toàn bộ cuộc đời Ngài, cả những ý nghĩa tiên trưng chôn vùi trong bao ngàn năm Cựu ước…tất cả đã rực sáng lên để trở nên một Tin Mừng cả thể, dứt khoát, làm đảo lộn tất cả thân phận con người và hướng đi của vũ trụ - Tin mừng Phục Sinh. Phụng vụ đêm nay đã chọn Cây Nến Phục Sinh như là biểu tượng đẹp nhất và cũng rõ nét nhất cùng với những lời cắt nghĩa uy hùng của bài ca Exultet để thuyết minh cho chân lý nền tảng nầy : “Vậy xin Cha cho cây nến nầy. Chúng con đã thắp lên để tôn vinh Danh Thánh. Được cháy mãi không ngừng. Hầu xua đuổi bóng tối đêm nay….Ước chi ngọn lửa còn cháy mãi. Lúc xuất hiện Sao Mai : Một vì sao không bao giờ lặn, là Đức Kitô, con yêu quý của Cha, Đấng từ cõi chết sống lại, đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”         
          Đêm Canh Thức Vượt Qua hôm nay, với các diễn trình Phụng Vụ và Lời Chúa, đã gọi mời chúng ta lên đường tiếp tục chuyện kể của bà Maria bằng chính ngôn ngữ và lời chứng của chính mình, như lời của bài ca Tiếp Liên : Bà Maria ơi trên đường bà đã thấy gì, xin kể cho chúng tôi nghe !”.
Câu chuyện của bà Maria cũng là của mỗi chúng ta phải chăng đó chính là : Hãy ra đi loan báo và làm chứng Tin Mừng Chúa Sống lại !
          Thật vậy, nếu cái chết của Thầy Giêsu đã kết thúc trên Đồi Sọ và mọi sự đằng sau Ngôi Mộ trống cũng chỉ được các bạn hữu Ngài, môn sinh Ngài nhắc lại một cách bâng quơ như một kỷ niệm để thoa dịu vết thương lòng trong thoáng chốc, như một chuyện cổ tích để mua vui cho đám trẻ con, mà không mang theo một thao thức nào, một nhiệt tình nào, một phấn khích và tràn trào niềm vui để loan báo, để làm chứng, để thuyết  phục, thì có lẽ “chuyện kể về Ngôi Mộ Trống” ngày nào của mấy người phụ nữ vô danh tầm thường cách đây 2000 năm, cũng đã bị lãng quên tự bao giờ ; và như thế, chắc chắn trong thế giới nầy, trong lịch sử loài người hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ có cuộc cử hành long trọng đêm nay, chả có cái đạo Kitô, chả có Ngày Chúa Nhật, chả có Hội Thánh Công Giáo, và chúng ta sẽ không bao giờ là Kitô hữu…
          Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna” :
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức kitô thật đã phục sinh
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).
Và để có được những lời chứng Phục Sinh đầy thuyết phục cho thế giới và con người, anh chị em chúng ta,mỗi người theo cách thế và điều kiện của mình, đều phải có một cuộc “hẹn” gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh, như cuộc “hẹn gặp” của Ngài với các môn sinh tại Galilê thuở trước.
          Và trong cuộc “hẹn gặp” đó, trên tay của mỗi người chúng ta cũng cần có một ngọn nến cùng với lời nhắc bảo của bài ca Exultet : Ước chi ngọn lửa còn cháy mãi. Vâng, chúng ta hãy giữ mãi “ánh lửa phục sinh” trên mọi nẻo đường cuộc sống. Amen.
 
VI. PHẢI CÓ BUỔI HỪNG ĐÔNG CỦA “NGÀY THỨ NHẤT”
(CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2018)
 
Dẫn nhập trước khi Rảy nước Thánh (Thay nghi thức sám hối)
 
Hôm nay các tờ lịch trên phần đông của thế giới đều đồng thanh gọi tên : NGÀY CHÚA NHẬT (Lord’ Day, Dominica, Domenica, Domingo, Dimanche…), Ngày mà cách đây 2000 năm trước, khi Kitô giáo chưa xuất hiện trong thế giới nầy thì người ta vẫn gọi tên là “Ngày Thứ Nhất”  hay “Ngày Mặt Trời” (Sunday). Tuy nhiên, kể từ cái buổi sáng Tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi các phụ nữ thân quen của Thầy Giêsu đến thăm mộ Thầy chỉ thấy “Mồ Trống”, các thiên thần báo tin Thầy đã sống lại…; rồi các “ngày thứ nhất tiếp sau”, Đức Kitô phục sinh đã hiện đến gặp các môn sinh KHI THÌ NƠI CĂN PHÒNG NHỎ TiỆC Ly, khi thì trên đường về Emmaus, có lúc sáng tinh mơ trên bờ biển hồ Tibêriat…
Cứ như thế, cuộc gặp gỡ của các kitô hữu ban đầu diển ra đều đặn vào “ngày thứ nhất trong tuần” và họ đã gọi ngày của cuộc họp mặt đặc biệt đó là “Ngày của Chúa”. Kể từ đó Ngày của Chúa, Chúa Nhật đã đi vào nhịp sống của loài người….
          Đại lễ Phục Sinh hàng năm đó chính là sống lại cái biến cố vĩ đại làm nên “Ngày Chúa Nhật”, biến cố phát sinh lời chứng về câu chuyện “Mồ Trống”, biến cố Đức Kitô sống lại từ trong cõi chết để khai đường mở lối cho nhân loại tiến vào cuộc sống vĩnh hằng.
          Ngày hôm nay cũng còn là dịp để bao nhiêu thế hệ kitô hữu, nhất là các anh chị em Tân Tòng vui mừng vì hồng ân Thánh Tẩy nhận được trong Đêm Hồng Phúc Vọng Phục Sinh khi chính thức trở nên Con cái Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy.
          Để sống lại mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô và xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh nầy, cộng đoàn chúng ta sốt sắng nhận lãnh nước Thánh được rãy trên mình như dấu chỉ của hồng ân thanh tẩy.
 
Bài giảng Lời Chúa :
 
Người Châu Phi có câu ngạn ngữ : "Khi ta nhớ đến một người nào, thì người ấy sống lại, hiện diện ở giữa ta". Đối với niềm tin Kitô giáo, việc tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại chính là hành vi nền tảng. "Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy". Và một khi Cộng đoàn Dân Chúa họp nhau tưởng niệm Chúa Ki-tô thì Ngài có mặt ở đó. Đó chính là điểm khác biệt căn cốt giữa phụng vụ của Giáo Hội và việc thờ phượng của các tôn giáo khác : chúng ta qui tụ, cầu nguyện, tôn thờ, lắng nghe, được sai đi và làm chứng…với một Đấng đang sống, đang hiện diện (Cf. PV số 7). Tuy nhiên, để sống “sự hiện diện đặc biệt nầy”, để cảm nghiệm thực sự một “Đức Kitô phục sinh đang có mặt”, cộng đoàn Dân Chúa phải trở về để gặp gỡ, để được khơi gợi và soi chiếu từ những “Lời Chứng” sống động về Đấng Phục sinh, từ những chứng nhân đã gặp gỡ, đã sống, đã lãnh nhận sứ mệnh, đã đồng hành với chính Đấng Phục sinh ngay từ “thuở ban đầu”. Vì thế, niềm tin phục sinh, tin mừng Phục sinh trước hết là “một lời chứng”, của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên”[8]
 
1.  Tin Mừng Phục sinh : “một lời chứng” và một “sự hiện diện”:
  1.  BĐ 1: Sách CVTĐ, qua kinh nghiệm bản thân và của chính cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, thánh Phêrô đã mạnh mẽ làm chứng :
“Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người trên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”
  1.  Cùng với Phêrô, mọi Tông đố khác, các bài giáo lý đầu tiên của Kitô giáo do các Ngài thực hiện, niềm tin nguyên thủy mà các Ngài muốn chuyển tải cho thế giới, giản đơn, chỉ là “Đức Kitô đã chết và đã sống lại”.
“Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấytận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…” (1 Ga 1,1-2)
  1. Phaolô, một tông đồ trở lại cũng đã dõng dạc :
“Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy ; điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh vịnh 2 : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. (Cv 13,32-33)
          Tuy nhiên, nếu những lời khẳng định trên chỉ thuần túy là do óc tưởng tượng của con người, hay do một âm mưu tinh quái đạo diễn, thì hỏi thử liệu 2000 năm nay, sự thật về sự kiện Phục Sinh có khả năng trụ vững không giữa dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử con người ? Thế mà chân lý ấy vẫn không ngừng được thuyết phục, sự thật huyền nhiệm ấy cứ mãi mãi là điểm tựa, là hứng khởi, là hy vọng, là niềm tin của bao thế hệ con người. Điều đó, chỉ có thể cắt nghĩa được : bên sau Lời chứng ấy, bên trong Tin Mừng ấy, ở giữa câu chuyện phục sinh ấy, mồ trống ấy, có một Đấng Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Vâng, Kitô giáo chính là Đức Giêsu-Kitô đang hiện diện, Kitô giáo chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và một Đấng Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ đã trở thành cốt yếu của đức tin, của việc tôn thờ, của định hướng sống ; và như thế, cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là :
 
2. Gặp gỡ và làm chứng về Đức Kitô phục sinh :
- Sống mầu nhiệm Phục Sinh, trước tiên, là làm sống lại “cuộc hẹn” với Đấng Phục sinh. Mỗi người luôn và cần phải nhận ra “một điểm hẹn luôn mới mẻ, sống động” với Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc đời mình. Mỗi một Thánh lễ, mỗi lần xưng tội, mỗi một nghĩa cử tha thứ, yêu thương, mỗi một lần tham gia phục vụ cộng đoàn…không là một điểm hẹn với Ngài sao ?  
- Sống và làm chứng mầu nhiệm Phục Sinh đó là đọc, suy niệm và cầu nguyện với Đức Kitoo trong Tin Mừng, qua các bí tích, qua những người nghèo khổ bệnh tật…không phải với một “kỷ niệm trong sách vở, trong kho tàng…” mà là “với một Đấng đang sống”, như cuộc gặp gỡ của cô Maria : “Tôi đã thấy nấm mồ của Đức Kitô, thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện, thấy y phục và khăn liệm xếp rời, thấy Đức Giêsu hy vọng của tôi…”.
- Đó cũng là cuộc gặp gỡ mang chiều kích “hướng thượng”, hoán cải, xoay trục về phía Đấng Phục Sinh như cách cảm nhận và khuyến dụ của chứng nhân Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê của Bđ 2 hôm nay : “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới…”
          Vâng, nếu mỗi một cuộc đời, không ít thì nhiều, đã kinh qua những “đêm dài khổ nạn” của “Ngày Thứ Sáu”, của thập giá thương đau, của bệnh hoạn chết chóc…, thì càng phải có được “một hừng đông của Ngày Thứ Nhất trong tuần” của Phục Sinh, của sự sống, của niềm vui và hy vọng.
          Vì thế, mừng đại lễ Phục sinh hôm nay, là một lần nữa chúng ta tuyên xưng và gặp gỡ :
- một Đức Kitô Phục Sinh là Đường :
Vì Ngài là đường,
Nên lối Em-mau từ đây thôi hoang vắng,
Tấm lưới trống thâu đêm giờ cá đã ắp đầy.
Và trên muôn vạn nẻo đường thế giới hôm nay,
Ngài chính là Mục tử,
Đang dẫn chiên lên đường về đồng xanh suối ngọt !...[9]
- một Đức Kitô Phục Sinh là Sự Thật :
Vì Ngài là sự thật,
Nên “mộ trống tang thương” đã bừng lên ánh sáng rạng ngời,
Và mặc “chỗ nước sâu”,
Thuyền Phêrô vẫn nhịp nhàng chèo ra phía trước.
Và từ đó, nẻo trần gian với bao chiều xuôi ngược,
Chỉ “Sự thật Ngài” mới hoàn toàn giải thoát chúng sinh[10] ![11]
- một Đức Kitô Phục Sinh là Sự Sống :
Vì Thầy là sự sống,
Nên tử thần đã bị đập tan ngày trên đồi thập giá,
Và con đường về “Mộ trống” đã rực sáng phục sinh.
Hạt lúa gieo mục nát, giờ đã chuyển mình,
Hơi thở Thần Linh đã làm dậy men Tin Mừng cho thế giới.[12]
 
Vâng, chỉ với niềm vui và sức mạnh Phục Sinh, chỉ với Thánh Thần của Đấng Phục Sinh mới cho chúng ta đủ dũng khí và chất “men” để chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến với nền văn minh sự chết. Amen.
 
[1] GB. Bùi Tuần. Ông Giuđa bán Chúa. Trang mạng Chứng nhân Đức Kitô. Đường dẫn :
http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/dc.buituan/ogbc.htm
[2] Bài đọc 1 : Xh 12,1-8.11-14
[3] Lời truyền phép trong KNTT, theo Sách lễ Rôma. (Xem thêm : Bài đọc 2 : 1 Cr 11,23-26)
[4] Đức Cố GH G.P.II trong Thông điệp về Thánh Thể : “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...”.
[5] E. Charpentier trong "Để đọc Tân ước " (Cerf, trg 99).
 
[6] Bài ca công bố Tin Mừng Phục Sinh : EXULTET.
[7] SĐD, Phần thứ Hai, Phụng Vụ Lời Chúa, trang 289
[8] Thế Lữ, bài thơ “Lời than thở cùng nàng mỹ thuật”, trong tập “Mấy vần thơ”, 1935
[9] Sơn Ca Linh. Bài thơ “Phải chăng cũng một chữ “Vì” (1). Thầy là Đường : Ga 14,6.
[10] Ga 8,32
[11] Sơn Ca Linh. Bài thơ “Phải chăng cũng một chữ “Vì” (2). Thầy là Sự Thật : Ga 14,6.
[12] Sơn Ca Linh. Bài thơ “Phải chăng cũng một chữ “Vì” (3). Thầy là Sự Sống : Ga 14,6.

Tuần Thánh 2018

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại609,185
  • Tổng lượt truy cập28,261,072

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây