Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Lễ Thánh Gia Thất

Lễ Thánh Gia Thất là một ngày lễ rất gần gũi với các gia đình. Đặc biệt trong ba năm với chủ đề chung về “Mục vụ Gia đình” của Giáo Hội Việt Nam, từ 2016 – 2019. Hôm nay là lễ Bổn mạng của các gia đình, cách riêng các gia đình trẻ Công giáo. (Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp)
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ THÁNH GIA THẤT
( CN, 31.12.2017 – Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3, 2-21; Lc 2,22-40 )
          Lễ Thánh Gia Thất là một ngày lễ rất gần gũi với các gia đình. Đặc biệt trong ba năm với chủ đề chung về “Mục vụ Gia đình” của Giáo Hội Việt Nam, từ 2016 – 2019. Hôm nay là lễ Bổn mạng của các gia đình, cách riêng các gia đình trẻ Công giáo. Mỗi thành viên trong gia đình đều có thể thấy hình ảnh của mình trong Gia đình thánh này, và đều được tác động từ hình mẫu cao đẹp của Chúa Hài nhi Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
          Theo trình tự của 3 Bài đọc trong Lễ Thánh Gia Thất, chúng ta có thể thấy được một lộ trình đi vào cuộc sống của mỗi gia đình Công giáo.
          Bài đọc 1 ( Hc 3, 3-7 ) là cửa ngõ: Tình yêu hôn nhân đã sinh hoa kết trái qua những người con. Con cái là niềm vui, là hy vọng, và là tương lai của cha mẹ. Hạnh phúc của cha mẹ là có những người con hiếu thảo. Chính vì thế, những người con đóng vai trò quyết định cho hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ đã bỏ cả một đời, với bao công khó và lao nhọc, để tạo mọi cơ hội cho các con nên người.
Kinh Thánh, ngay từ đầu, đã cho thấy hình ảnh một gia đình, là công trình mà Thiên Chúa đã tạo dựng một cách yêu thương và trân trọng. Khi giao ước đầu tiên được ký kết trọng thể giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel trên núi Sinai, giới luật đầu tiên về con người chính là Điều răn thứ tư: Phải thảo kính cha mẹ. Thiên Chúa đề cao những người con hiếu thảo, hứa cho họ những điều tốt đẹp nhất, và dành cho họ một chỗ vinh dự trong tình yêu của Người.
Bên cạnh nhiều tấm gương hiếu thảo, vẫn có không ít những hành vi phản cảm của những người đối xử tệ bạc với cha mẹ của mình. Trong một xã hội đang bị ảnh hưởng mãnh liệt bởi phong trào tục hóa. Con người hôm nay đang bị cám dỗ sống theo cảm quan của riêng mình. Một trong các lý do con cái biện minh cho sự vô cảm của mình là cho rằng cha mẹ đã lạc hậu, bảo thủ. Cho dù ông bà cha mẹ có thể không theo kịp những trào lưu hiện đại, nhưng “áo không mặc qua khỏi đầu”, thế hệ của ông bà cha mẹ vẫn được sống và thấm nhuần nền tảng của một con người: Sự trưởng thành về nhân bản. Mà nếu cuộc sống của một con người không được xây dựng trên nền móng này, thì những tòa nhà kiến thức, tài năng hoặc thành công…sẽ có ngày sụp đổ tan tành. Chúa Giêsu đã làm gương về lòng hiếu thảo qua biến cố vào năm Chúa Giêsu được 12 tuổi. Trong dịp cả nhà lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã ở lại, còn cha mẹ ra về và không tìm thấy con. Khi gặp lại, Chúa Giêsu đã phân trần với cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nhưng sau đó, Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về nhà, và hằng vâng phục các ngài. ( Lc 2, 41-52 ). Có thể Thánh Giuse và Mẹ Maria chưa hiểu hết được chương trình của Thiên Chúa qua Người Con, nhưng các Ngài vẫn là chỗ tựa nương cho Chúa Giêsu trong việc hoàn tất một tiến trình làm người: Nền tảng của cuộc sống nhân bản, và nhiều câu chuyện Chúa Giêsu kể khi giảng dạy cho dân chúng, đã là những gì Chúa được học biết và được nghe, qua câu hát, giọng ru, và chuyện kể của cha mẹ trong thời thơ ấu. Khi sống hiếu thảo và vâng phục cha mẹ, người con không bao giờ sợ thất bại trong tiến trình làm người.
Bài đọc 2 ( Cl 3, 2-21 ) đưa chúng ta vào hẳn trong một gia đình, để thấy nơi đây: Hôn nhân gia đình là tổng hợp của một hình ảnh đẹp nhất trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Cũng chính nơi đây, Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được tỏ hiện rõ nét, với đầy đủ dáng vẻ của sự hiệp thông và hiệp nhất, của lòng thương xót vô biên, của sự khiêm cung nương tựa vào ý định nhiệm mầu và quyền năng của Thiên Chúa. Hãy đọc đi đọc lại đoạn thánh thư này, để suy gẫm và sống từng ngày trong đời sống hôn nhân và gia đình, nơi người chồng và người vợ, hai hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa trong trần gian. Tình yêu và sự thủy chung trong Hôn nhân Kitô giáo luôn là một ước mơ của nhân loại. Trong ngày khởi đầu cho một cuộc hôn nhân, tất cả mọi người đều cầu chúc cho đôi tân hôn được hạnh phúc suốt đời. Tình yêu và sự chung thủy này xuất phát từ Thiên Chúa. Nó sẽ không tồn tại trong một gia đình Công giáo, mà lại thiếu đời sống thiêng liêng, vắng bóng những tâm tình và hành vi đạo đức: Siêng năng cầu nguyện, Giờ kinh gia đình, Đọc, nghe và suy niệm Lời Chúa, Siêng năng tham dự Thánh Lễ, xưng tội , rước lễ…. Với sự khủng khoảng ngày càng gia tăng về sự đổ vỡ trong  hôn nhân, ngay cả hôn nhân Kitô giáo, nguyên nhân chủ yếu vẫn là không còn nương tựa vào Chúa. Sự đổ vỡ hôn nhân trong đạo Công giáo tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Trên thế giới thì đáng báo động. Theo một bản tin thời sự, trong các gia đình người Việt tại Mỹ, thay đổi quan niệm về sự chung thủy trong hôn nhân đã bắt đầu, không phải chỉ nơi hai người phối ngẫu, mà ngay nơi con cái là những người còn trẻ : Chị Nga Nguyễn, 51 tuổi, ở Santa Ana, quận Cam, bang California, đã ly dị chồng là một kỹ sư của hãng Boeing được 10 năm. Cả ba đứa con của chị Nga đều ủng hộ bố mẹ chúng ly hôn. Benjamin, con út của chị Nga, đã nói: “Mẹ này, hai bố mẹ giống như kiểu một người thích để đèn sáng còn một người thích tắt đèn. Tại sao cứ gây nhau hoài? Mỗi người có thể sống ở hai ngôi nhà khác nhau và làm bất cứ điều gì mà bố mẹ muốn cơ mà”. Chị Nga cho rằng câu nói của cậu con trai 18 tuổi phản ánh cách suy nghĩ chung của trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Bài Tin Mừng (Lc 2, 22-40) lại càng đưa chúng ta vào chốn sâu thẳm của gia đình, nơi mà trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái thật quan trọng, cũng là lúc gia đình gặp phải những khó khăn thử thách, khi xây dựng và gìn giữ niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Cha và Mẹ Chúa Giêsu đã dâng Con của mình cho Thiên Chúa, cũng như các cha mẹ ẵm con đến Nhà thờ xin rửa tội cho em bé của mình. Dâng con cho Chúa, không phải sau đó phó mặc cho Chúa định liệu, rồi tiếp tục “đem con bỏ chợ” ở nhà trường hoặc Nhà thờ, nhưng phải tiếp tục cộng tác với Chúa, với Giáo Hội, và xã hội, trong việc quan tâm giáo dục con cái theo Kitô giáo, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Nếu có dịp quan sát các em thiếu nhi trong các các lớp giáo lý, ví dụ cụ thể qua cuốn vở làm bài của các em, chúng ta sẽ dễ phát hiện những hụt hổng không đáng có, nếu các em được quan tâm: chữ viết của các em rất xấu, nhiều sai sót về chính tả và văn phạm, cách trình bày luộm thuộm, chưa kể những sai sót về kiến thức giáo lý…Khi được hỏi, nhiều cha mẹ đã nại vào cuộc sống tất bật về kinh tế, có khi do sự hạn chế về năng lực và trình độ, và những nguyên nhân khác rất thực tế và đáng cảm thông. Chỉ khổ một nỗi, nếu phụ huynh không đảm nhận được việc này, thì không ai có thể thay thế được. Chúng ta có thể thực hiện bổn phận này bằng nhiều cách khác nhau, với sự góp sức của Giáo Hội và nhà trường, dĩ nhiên với điều kiện là chịu khó tham vấn, tích cực cộng tác và thực hiện. Tất cả phải bắt đầu ngay từ thời thơ ấu của con cái. Cha mẹ có thể không đủ sức giúp con cái trong việc đào tạo tri thức, hoặc những kỹ năng hiện đại, nhưng điều luôn có thể làm được, là giúp con cái về mặt trưởng thành nhân bản, bằng tấm gương tốt và cuộc sống đạo đức thánh thiện.
Ở một lộ trình có vẻ còn xa, có khi rất xa, khi con cái đã lớn và bước vào đời sống hôn nhân. Các lớp giáo lý hôn nhân không thể tự nó làm cho con người trở thành những người chồng người vợ tốt, hay những người cha người mẹ đạo đức thánh thiện, nếu những người đó đã không sẵn là những những người trưởng  thành về nhân bản và đạo đức. Hành trang này đã được gom góp và tích lũy ngay từ thuở còn thơ, trong một gia đình thánh.
Những ước mơ này Thánh Gia Thất đã làm được, các gia đình Công giáo hôm nay cũng làm được, với ý thức và quyết tâm cao, nhờ Chúa Hài Đồng Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse./.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây