Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Lược sử Giáo xứ Thác Đá Hạ

Phần đất giáo xứ Thác Đá Hạ gồm các thôn, xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định: thôn Định Bình của xã Hoài Đức; các thôn Giao Hội 1, Giao Hội 2, An Dưỡng 1, An Dưỡng 2 của xã Hoài Tân và các xã Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Sơn, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, thị trấn Tam Quan.

GIÁO XỨ THÁC ĐÁ HẠ

Ngày 11 tháng 8 năm 2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, sẽ về nhà thờ Thác Đá Hạ, thôn Định Bình, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, để chủ sự thánh lễ thành lập giáo xứ Thác Đá Hạ, thuộc giáo hạt Bồng Sơn, đồng thời bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Bá Thành làm linh mục chánh xứ. Thánh lễ sẽ bắt đầu lúc 9 giờ và cuối thánh lễ sẽ có phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn Toàn xá Năm Thánh.

popup

GIÁO XỨ THÁC ĐÁ HẠ

          I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

            Phần đất giáo xứ Thác Đá Hạ gồm các thôn, xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định: thôn Định Bình của xã Hoài Đức; các thôn Giao Hội 1, Giao Hội 2, An Dưỡng 1, An Dưỡng 2 của xã Hoài Tân và các xã Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Sơn, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, thị trấn Tam Quan. Từ phía Nam đầu cầu Bồng Sơn (cầu cũ) đi về phía hạ lưu sông Lại Giang khoảng hai cây số sẽ đến trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Thác Đá Hạ, thôn Định Bình, xã Hoài Đức.

            II. LƯỢC SỬ

Sau 129 năm kể từ ngày các thừa sai Dòng Tên đến lập trụ sở truyền giáo tại Nước Mặn vào năm 1618 (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), vùng truyền giáo tỉnh Bình Định được chia làm hai miền : Miền Nam Bình Định có 13 giáo điểm do các thừa sai Hội Truyền Giáo Paris phụ trách. Miền Bắc Bình Định có 14 giáo điểm do các thừa sai Dòng Phanxicô phụ trách.[1] Đến năm 1850, phía Bắc Bình Định có 29 giáo điểm, được chia thành 2 xứ : Bồng Sơn miền Biển có 14 giáo điểm, Gia Hựu là trụ sở. Bồng Sơn miền Núi có 15 giáo điểm : Đồng Hâu Đông, Đồng Hâu Tây, Đồng Đỗ, Ngãi Điền, Đồng Quả Đông, Đồng Quả Tây, Đồng Quả Nam, Đồng Quả Bắc, Đồng Quả Hạ, Truông Ổi, Đồng Dài, Đại Bình, Thác Đá, Bình Phú, Tây Phú, trong đó Thác Đá là trụ sở của xứ nầy.

Trên đường lẩn trốn của Đức cha Stêphanô Cuénot Thể trong lúc các chiếu chỉ bách hại gắt gao, năm 1856 Đức cha ở lại Thác Đá trọn tuần lễ. Cùng năm này, cha Jean Claude Roy (cố Từ) được Đức cha bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá. Theo lệnh Đức cha, năm 1861, cha Roy Từ  cùng với cha Herrengt (Cố Nhơn), cha sở Gia Hựu, đưa các chủng sinh đang ẩn trú tại Gia Hựu vào Sài Gòn.[2] Năm 1862, sau khi chiếu chỉ tha đạo được ban hành, cha Roy trở về nhiệm sở. Cha được bổ nhiệm làm Quyền Đại diện Đông Đàng Trong năm 1864-1870. Năm 1870, cha về Pháp.

Trước năm 1885, địa sở Thác Đá có 400 giáo dân, có Phước viện Mến Thánh Giá và Cô nhi viện, cả thảy 140 người. Lúc bấy giờ trung tâm của địa sở Thác Đá là Thác Đá Hạ hiện nay.[3]

            Trong đêm 03 đến ngày 04 tháng 08 năm 1885, cha Barrat François-Xavier (cố Chung), cha sở Thác Đá và cha Mão (phụ tá), các nữ tu, các em cô nhi và một số giáo dân bị Văn Thân thiêu sống tại nhà thờ Thác Đá Hạ. Tại các sở họ khác, cuộc thảm sát xảy ra vào ngày 04 và 05 tháng 08, tổng cộng trên 1.800 giáo dân bị sát hại. Số giáo dân sống sót rất ít.

            Sau năm 1887, cha Geffroy Bửu, cha sở Gia Hựu phụ trách chung cả vùng Bắc Bình Định, có cha phụ tá ở tại Thác Đá, Đồng Quả và Đồng Dài. Với sự cộng tác của cha Durand Lộc, cha Geffroy đã tổ chức qui tập hài cốt các tín hữu vùng Bắc Bình Định bị Văn Thân bách hại. Số hài cốt này được chôn cất tại bốn nhà mồ: Gia Hựu, Đồng Quả, Thác Đá và Nước Nhỉ. Hiện nay nhà mồ tại Thác Đá Thượng tương đối còn nguyên vẹn. Sự kiện nhà mồ được xây dựng tại Thác Đá Thượng cho thấy sau năm 1885, Thác Đá Thượng trở thành trung tâm sinh hoạt của địa sở. Cơ sở tại Thác Đá Thượng gồm nhà thờ và nhà vuông hướng mặt về phía Tây, hướng ra đường cái quan. Bên trong tường rào, nằm về phía bên phải từ đường cái đi vào, một đài kỷ niệm các kitô hữu Thác Đá bị bách hại năm 1885 giống như đài kỷ niệm ở Gia Hựu nhưng nhỏ hơn nhiều. Bên trái là nhà giáo lý, một thầy dòng Thánh Giuse dạy học ở đó khi không phải lo việc khẩn thiết khác. Thác Đá Thượng có một tầm quan trọng đặc biệt nhờ tọa lạc giữa hai ga xe lửa Bồng Sơn và Bình Chương, rất gần với bưu điện, chợ, bệnh xá, cơ quan hành chánh địa phương Pháp cũng như Việt, các ngả đường đều tụ về đây, đường bộ cũng như đường thủy, từ Đồng Quả, Gia Chiểu, An Lão, Đồng Dài, hoặc ngược dòng sông Lại Giang từ cửa An Dũ lên đến đường cái quan.[4]

Năm 1890, Đồng Quả được tách khỏi Thác Đá, thành lập địa sở Đồng Quả.

Năm 1898, cha Demeure phụ trách Thác Đá một thời gian ngắn. Cha Charles Vallet được bổ nhiệm đến Thác Đá làm việc cho đến năm 1903.

Từ năm 1889 đến năm 1900, các giáo điểm bị Văn Thân bách hại dần dần hồi sinh và số tín hữu mới gia tăng rất đông, do đó nhiều họ đạo được thành lập thuộc địa sở Thác Đá: Trung Yên, Trung Lương, Vạn, Mỹ Thọ, Tân Đức và Lò Gốm.

Năm 1899, Đồng Dài được tách khỏi Thác Đá, thành lập địa sở Đồng Dài.

Năm 1903, số giáo hữu Thác Đá tính được 3.882 người trong 28 họ đạo. Số giáo hữu gia tăng nhanh như thế nên các họ đạo: Vạn, Mỹ Thọ, Tân Đức, Hội Đức và Lò Gốm được tách ra từ Thác Đá để thành lập địa sở Hội Đức.

Năm 1905, cha Charles Saulçoy được bổ nhiệm đến Thác Đá cho đến năm 1917.

Năm 1914, họ đạo Gia Chiểu được tách khỏi địa sở Thác Đá, nhập vào địa sở Đồng Quả.

Trong thời điểm thiếu linh mục, các đời cha sở Thác Đá kiêm nhiệm địa sở Đồng Dài :

  1. Cha Giacôbê Chỉ  ( 8.1917- 7.1923) 
  2. Cha François Jamet (1923-1925)
  3. Cha Émile  Laborier (1925-1927)

          Năm 1936, cha Paul Valour (cố Lực) được bổ nhiệm  làm cha sở Thác Đá.

Năm 1937, cha Giuse Nguyễn Tý làm cha sở Thác Đá. Năm 1941, cha dời trụ sở về Đại Bình. Năm 1952, cha được bổ nhiệm làm tuyên úy dòng Mến Thánh Giá.

Theo thống kê tình hình Giáo phận năm 1941, địa sở Thác Đá có các họ đạo:[5]

STT

HỌ ĐẠO

SỐ GIÁO DÂN

GHI CHÚ

01

Thác Đá Thượng

148

Trụ sở chính

02

Thác Đá Hạ

90

Có nhà thờ

03

Đại Bình

180

Có nhà thờ

04

Trung Yên

88

Có nhà nguyện

05

Trung Lương

59

Có nhà nguyện

06

Lại Khánh

20

Có nhà nguyện

07

Lại Đước

14

Có nhà nguyện

08

Bồng Sơn

23

Có nhà nguyện

Từ năm 1952-1954, cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, cha sở Nước Nhỉ kiêm nhiệm Thác Đá. Cha Giuse Tô Đình Sơn đến làm việc tại Đại Bình trong thời gian ngắn.

Năm 1955, cha Giuse  Nguyễn Văn Ái được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá, ở tại Đại Bình. Năm 1957, cha xây dựng nhà thờ và nhà vuông Đại Bình khang trang, từ đây địa sở Thác Đá được gọi là địa sở Đại Bình.

Thời cha Giuse Nguyễn Văn Ái làm cha sở Đại Bình (1955-1972) có cha Antôn Hoàng Tiến Nam làm phụ tá, ở tại Thác Đá Thượng (1971- 1974).

Năm 1961, cha Giuse Lê Văn Ấn, người con của Thác Đá Hạ, chánh xứ Đà Nẵng (1956-1965), đã xây tại Thác Đá Hạ một đài kỷ niệm các kitô hữu Thác Đá bị Văn Thân bách hại năm 1885 ngay tại nền nhà thờ Thác Đá ngày xưa và một ngôi nhà thờ tại nền nhà thờ Thác Đá Hạ hôm nay.

Trong thời gian chiến tranh từ 1965 – 1975, phần lớn các cơ sở tôn giáo của các giáo họ trong giáo xứ bị bom đạn tàn phá, giáo dân di cư. Khi hòa bình vãn hồi, một số giáo dân trở về quê, tập trung sinh hoạt tại nhà thờ Đại Bình và nhà thờ Thác Đá Thượng.

 Sau chiến tranh, một số nhà thờ của các giáo họ chưa được phục hồi, nơi thì bình địa, nơi thì không còn vết tích vì hoàn cảnh chiến tranh và hoang phế quá lâu, nơi thì chỉ che tạm bợ để giáo dân có nơi hôm sớm đọc kinh cầu nguyện. Nhà thờ Thác Đá Hạ cùng chịu chung số phận với các nhà thờ khác trong vùng. Nhà thờ Thác Đá Hạ do cha Giuse Lê Văn Ấn xây, mái bị sập nát, mặt tiền gãy đổ, xiêu vẹo. Cha Giuse Võ Tuấn, chánh xứ Đại Bình (2000-2014), cho che tạm một phần nhỏ nhà thờ bằng tấm bạt nhựa với lèo tèo vài cây tre chống đỡ. Tháng 07 năm 2011, ngôi nhà thờ bị đổ nát này được khởi công xây dựng lại. Sau một thời gian thi công với sự chạy vạy, tổ chức và giám sát của cha Giuse Võ Tuấn, cùng sự cộng tác của bà con giáo dân và sự giúp đỡ của các ân nhân, nhà thờ, hang đá Đức Mẹ và một quần thể nhà xứ, nhà giáo lý đã hoàn thành. Ngày 16 tháng 10 năm 2013, nhà thờ được cung hiến theo luật phụng vụ thánh do Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn chủ sự. Nhà thờ mới được cung hiến với tước hiệu “CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM”, lễ bổn mạng được mừng vào ngày 24 tháng 11 hàng năm.

Ngày 12 tháng 07 năm 2014, cha Giuse Nguyễn Bá Thành được bổ nhiệm làm phó xứ Đại Bình, đặc trách giáo họ biệt lập Thác Đá Hạ, gồm các giáo họ Thác Đá Hạ, Tăng Long, Kim Bồng và Mỹ Thọ, trong địa bàn thôn Định Bình xã Hoài Đức, xã Hoài Mỹ, xã Hoài Hải, xã Hoài Thanh, xã Tam Quan Nam và xã Tam Quan Bắc.

Ngày 11 tháng 08 năm 2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn ban hành quyết định thành lập giáo xứ Thác Đá Hạ gồm 4 giáo họ của giáo họ biệt lập Thác Đá Hạ, cộng với 12 giáo họ của giáo xứ Đại Bình: Hoài Trung, Hội Đức, An Dưỡng, Ngọc An, Tấn Thạnh, Lương Thọ, Cự Tài, Tam Quan, Gia Hựu, Gò Xoài, Bàu Giêng và Thành Sơn đồng thời bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Bá Thành làm chánh xứ.

Như vậy, giáo xứ Thác Đá Hạ bao gồm 618 giáo dân được phân bổ trong 16 giáo họ với hiện tình như sau:

STT

GIÁO HỌ

ĐỊA  CHỈ

 

NHÀ THỜ, N. NGUYỆN

HIỆN TÌNH

GIÁO DÂN

X.DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

 GIÁO DÂN

1

Thác Đá Hạ

Định Bình, Hoài Đức

2013

mới

53

204

2

 Mỹ Thọ

Mỹ Thọ, Hoài Mỹ

chưa

bình địa

7

17

3

Tăng Long

Tăng Long 1, Tam Quan Nam

lâu

bình địa

9

25

4

Kim Bồng

Thiện Chánh 1,

Tam Quan Bắc

lâu

không còn

5

12

5

Hoài Trung

Hoài Trung, Hoài Xuân

lâu

mất vết tích

6

23

6

Hội Đức

Giao Hội, Hoài Tân

lâu

bình địa

49

192

7

An Dưỡng

An Dưỡng, Hoài Tân

 

còn tưởng

18

66

8

Ngọc An

Ngọc An, Hoài Thanh Tây

lâu

còn nền

4

13

9

Tấn Thạnh

Tấn Thạnh, Hoài Hảo

lâu

bình địa

8

18

10

Lương Thọ

Lương Thọ, Hoài Phú

 

không còn

7

13

11

Cự Tài

Cự Tài, Hoài Phú

lâu

bình địa

2

5

12

Tam Quan

Tt. Tam Quan

 

không còn

3

5

13

Gia Hựu

Qui Thuận, Hoài Châu Bắc

lâu

còn nền

8

18

14

Gò Xoài

Gia An, Hoài Châu Bắc

 

 

2

3

15

Bàu Giêng

An Hội, Hoài Sơn

 

 

2

2

16

Thành Sơn

Thành Sơn, Hoài Châu

 

 

1

2

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Mémorial de la Mission de Quinhon số 57, tháng 09 năm 1909, trang 149-153.
  2. Compte-rendu 1940-1941, trang 16-21.
  3. Sổ rửa tội giáo xứ Thác Đá, Gia Hựu, Đồng Quả, Đồng Dài.
  4. Thống kê hằng năm về tình hình trong giáo phận.
  5. Hạnh Đức cha Thể, Imprimerie de Làng Sông 1907.
 

[1] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission Cochinchine 1658-1823, II, Paris 2000, trang 189.

[2], Vị Tử Đạo người Bélieu JEAN THIÉBAUD, Paris 1988, trang 108.

[3] Compte-rendu et état de la mission de Septembre 1940 à Septembre 1941, Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 17

 

[4] Compte-rendu et état de la mission de Septembre 1940 à Septembre 1941, Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 19

[5] Compte-rendu et état de la mission de Septembre 1940 à Septembre 1941, Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 16

 

Tác giả bài viết: TGM Qui Nhơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây