Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Năm Thánh với Giáo phận Qui Nhơn

Để hiểu được phần nào ý nghĩa của Năm thánh mà toàn thể Giáo phận Qui Nhơn đang cử hành và đang sống, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đôi nét về nguồn gốc, ý nghĩa và việc cử hành Năm thánh trong Giáo Hội nói chung, sau đó chúng ta cũng hãy nhìn lại những gì đã diễn ra tại Giáo phận Qui Nhơn nói riêng trong một số Năm thánh. (Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi)

x


(Khóa thường huấn linh mục ngày 12-15/9/2017)

 


Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Sau thời gian 4 năm chuẩn bị xa và 6 năm chuẩn bị gần, ngày 26 tháng 07 năm 2017 vừa qua, trong khung cảnh phụng vụ lễ trọng kính Chân phước Anrê Phú Yên, Người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam và đồng thời cũng là vị tử đạo tiên khởi của Giáo phận Qui Nhơn, Đại lễ khai mạc Năm thánh đã được long trọng cử hành tại chủng viện Làng Sông với sự tham dự của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.

Năm thánh là thời gian hồng phúc đã được cử hành trong Giáo Hội hoàn vũ từ năm 1300, nhưng đây là lần đầu tiên Giáo phận Qui Nhơn cử hành Năm thánh của Giáo phận để mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng, kể từ lúc cha Francesco Buzomi và các thừa sai Dòng Tên đến lập cư sở tại Nước Mặn vào tháng 07 năm 1618, theo lời mời của quan tuần phủ khám lý Qui Nhơn lúc bấy giờ là ông Trần Đức Hòa.

Để hiểu được phần nào ý nghĩa của Năm thánh mà toàn thể Giáo phận Qui Nhơn đang cử hành và đang sống, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đôi nét về nguồn gốc, ý nghĩa và việc cử hành Năm thánh trong Giáo Hội nói chung, sau đó chúng ta cũng hãy nhìn lại những gì đã diễn ra tại Giáo phận Qui Nhơn nói riêng trong một số Năm thánh.

1. SƠ LƯỢC VỀ NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ VIỆC CỬ HÀNH NĂM THÁNH

Nguồn gốc, ý nghĩa và các cách thức cử hành Năm thánh là những đề tài đã được nghiên cứu và khai triển rất nhiều qua các văn kiện của Giáo Hội cũng như các sách báo, dựa vào nguồn Thánh Kinh và truyền thống của Giáo Hội. Ở đây chỉ trình bày những nét sơ lược.

1.1. Nguồn gốc

Năm thánh trong truyền thống Giáo Hội công giáo bắt nguồn từ thời Cựu Ước. Theo nguyên ngữ Latinh, Năm thánh (Annus Sanctus) còn được gọi là Annus Jubilaei, Năm Toàn xá. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng cách gọi này bắt nguồn từ chữ Jôbel trong tiếng Hipri, có nghĩa là "thổi tù và báo hiệu năm toàn xá". Năm thánh hay Năm toàn xá được dân Israel tổ chức căn cứ vào đoạn sách Lv 25,10-13: "Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng" (x. Xh 23,10-11; Lv 25,1-28; Ðnl 15,1-6). Theo khoản luật này, cứ sau 7 tuần năm, tức sau 49 năm, thì toàn dân Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể.

Việc cử hành Năm thánh mặc dù đã bắt nguồn từ truyền thống Cựu Ước, nhưng phải đợi đến thời Tân Ước nó mới mang một chiều kích trọn vẹn hơn, bởi vì chính việc Ðức Giêsu đến trong thế gian đã thực sự đem lại thời hồng phúc, thời cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Quả thế, tại hội đường Nadaret, Đức Giêsu đã tuyên bố: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa" (Lc 4, 18-19).

1.2. Ý nghĩa

Trong truyền thống Cựu Ước, mỗi tuần được kết thúc bằng ngày sabát (ngày thứ 7), mỗi tuần năm được kết thúc bằng năm sabát (năm thứ 7), sau 7 tuần năm (năm thứ 50) là Năm toàn xá. Như vậy, Năm thánh mang những ý nghĩa thần học của ngày sabát (x. Xh 20,8-11; Đnl 5,12-15), của năm sabát (x. Lv 25,1-7) và được nhấn mạnh thêm với ý nghĩa của Năm toàn xá (x. Lv 25,8-55). Trước hết, với lệnh truyền: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv 25, 23), Thiên Chúa muốn cho dân nhìn nhận rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa có quyền làm chủ tất cả đất đai được giao cho con người canh tác. Vì thế, con người cần có thái độ tri ân cảm tạ và hoàn toàn phó thác cho Ngài: "Đất sẽ sinh hoa trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó. Có lẽ các ngươi sẽ nói: 'Năm thứ bảy chúng tôi sẽ ăn gì, nếu chúng tôi không gieo vãi và không thu hoa lợi?' Ta sẽ truyền cho phúc lành của Ta đến với các ngươi vào năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm" (Lv 25, 19-21).

Việc sở hữu đất đai có thể dẫn đưa con người đến những ham muốn bất chính và đối xử bất công đối với đồng loại. Vì thế, Năm thánh là cơ hội thuận tiện giúp mọi người thực thi công bình bác ái đối với nhau để được hạnh phúc. Nhưng trên hết, Năm thánh cũng là Năm toàn xá, nhấn mạnh chiều kích tha thứ, hòa giải. Đây là thời gian toàn dân hoán cải để được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi và mọi hình phạt do tội gây ra. Được hòa giải với Thiên Chúa nhờ sự tha thứ của Ngài thì mỗi người cũng phải trả lại đất đai cho chủ cũ, xoá hết nợ nần, giải phóng người nô lệ và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Như thế, theo truyền thống đã có từ thời Cựu Ước, "Năm thánh là năm Hội Thánh công giáo cử hành để kêu gọi các tín hữu tích cực sống đức tin qua việc hoán cải, hòa giải, sám hối, đền tội, để được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi và ban ân sủng".[1] Để được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa trong Năm thánh, các Kitô hữu phải nhận thức rằng Năm thánh là dịp trọng đại để canh tân đời sống, bằng việc giao hòa và củng cố đức tin đối với Thiên Chúa, thăng tiến công bình, thực thi bác ái, hòa giải, hiệp nhất, nối kết tình huynh đệ với nhau, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

1.3. Việc cử hành

Trong truyền thống Giáo Hội công giáo, Năm thánh là năm Đức Giáo Hoàng dành riêng để ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu đến viếng các đền thờ ở Rôma và cầu nguyện theo những điều kiện đã qui định. Năm thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội được Đức Bônifaciô VIII thành lập vào năm 1300. Đây là dịp khích lệ việc thực thi tha thứ và bác ái, hầu chống lại những thù ghét và bạo lực đang diễn ra trong lòng Giáo Hội. Ban đầu ngài có ý định cứ 100 năm mới cử hành một lần, nhưng sau đó kỳ hạn này đã được thay đổi. Năm 1343, Đức Clêmentê VI ra sắc lệnh cử hành 50 năm một lần. Năm 1389, Đức Urbanô VI rút ngắn chu kỳ còn 33 năm, tương ứng với tuổi của Chúa Giêsu trên trần gian. Năm 1470, Đức Phaolô II quy định cử hành 25 năm một lần. Đó cũng là kỳ hạn của Năm thánh được tuân giữ cho đến ngày nay. Từ năm 1500 các tín hữu có thể lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm thánh ngay tại đất nước mình, với một số điều kiện đã qui định.

Ngoài những Năm thánh thông thường được cử hành theo định kỳ, còn có những Năm thánh ngoại thường không theo chu kỳ, để kỷ niệm một biến cố hay sự kiện trọng đại nào đó. Chẳng hạn năm 1933 Đức Piô XI cho cử hành Năm thánh ngoại thường để kính nhớ Đức Kitô chết, sống lại và lên trời được 19 thế kỷ; ngày 08.12.2015, Đức Phanxicô mở Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót nhân kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II. Ngoài những Năm thánh thông thường và ngoại thường của Giáo Hội hoàn vũ, còn có những Năm thánh riêng của các Giáo Hội địa phương tại một nước, một Giáo phận hoặc một dòng tu.

Điều đặc biệt trong truyền thống cử hành Năm thánh là nghi thức mở cửa thánh. Đó là một trong những cửa chính dẫn vào đền thờ và chỉ được mở ra vào dịp Năm Thánh. Ở Rôma, có 4 đền thờ được mở cửa thánh: Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, Đền thờ Đức Bà Cả và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

Một thực hành khác của Năm thánh là những cuộc hành hương. "Những cuộc hành hương nhắc nhớ chúng ta ở trần gian nhưng đang tiến bước về trời. Theo truyền thống, đây là một thời gian rất thích hợp để canh tân việc cầu nguyện. Đối với các khách hành hương đang tìm kiếm cho mình những nguồn mạch sống động, các đền thánh là những nơi đặc biệt để họ, 'với tính cách là Hội Thánh', sống những thể thức cầu nguyện của Kitô giáo".[2]

Hành hương vốn là một cuộc lữ hành. Lữ là đến nơi khác, hành là đi. Lữ hành là đi đến nơi khác. Cuộc lữ hành là hành trình con người tìm kiếm Thiên Chúa ngay trong cuộc sống trên trần gian, mà đích điểm là chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống. Cuộc lữ hành còn được hiểu như là một cuộc hành hương.[3]

Hành là đi, hương là nhang. Hành hương là đi tới một nơi được coi là linh thiêng để thắp nhang kính bái và cầu nguyện. Hành hương là hành trình của các tín hữu rời khỏi nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn.

Ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu đã có thói quen hành hương về đất thánh Israel, sau đó là Rôma, nơi hai thánh Phêrô, Phaolô và nhiều tín hữu đã chịu tử đạo. Từ thế kỷ IV, người ta bắt đầu tổ chức hành hương trên qui mô lớn. Đến thế kỷ VIII, người ta hành hương thay cho việc đền tội công khai. Trước hay trong cuộc hành hương, các tín hữu thường được mời gọi chuẩn bị tâm hồn bằng các nghi thức hay các bí tích, để đón nhận hoa trái thiêng liêng trong nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa.

Việc hành hương tới các đền thánh là một cách thể hiện tình hiệp thông của Hội Thánh lữ hành trong tinh thần cầu nguyện. Những cuộc hành hương nhắc nhở các tín hữu rằng đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời.[4]

2. GIÁO PHẬN QUI NHƠN VỚI CÁC NĂM THÁNH

Giáo phận Qui Nhơn hiện nay bắt nguồn từ công cuộc loan báo Tin Mừng của các thừa sai Dòng Tên tại Nước Mặn vào năm 1618. Từ đó đến nay Giáo phận Qui Nhơn đồng hành cùng Giáo Hội hoàn vũ và đã trải qua nhiều Năm thánh. Sau đây chúng ta cùng nhau lược qua những Năm thánh đã để lại những dấu ấn trong quá trình hình thành và phát triển của Giáo phận.

2.1. Năm thánh 1625

Năm thánh được tổ chức dưới triều Ðức Urbanô VIII (1623-1644), trong tình trạng biến loạn lúc bấy giờ tại châu Âu do cuộc chiến tranh 30 năm giữa Công giáo và Tin lành.

Trong thời gian Năm thánh 1625, tại Nước Mặn có cha Francesco Buzomi, cha Gaspar Luís (Bồ), cha Girolamo Majorica (Ý), thầy Domingos Mendes K’ieou (Ma Cao), thầy Romão Nishi (Nhật). Lúc bấy giờ, ngoài trụ sở chính ở Nước Mặn, các thừa sai còn thiết lập được những giáo điểm trên đường giao thông từ Quảng Ngãi đến Qui Nhơn, như Chợ Mới, Vom (Quảng Ngãi ngày nay), Bến Đá (Bình Định ngày nay). Trong Năm thánh này có 602 người tại Nước Mặn lãnh nhận Bí tích rửa tội.[5] Trong số những người được rửa tội năm 1625 tại Nước Mặn, có cụ tiến sĩ thường gọi là ông Nghè Chiêu (Chiểu, Chiếu ?) với tên thánh Inhaxiô.[6]

2.2. Năm thánh 1650

Năm thánh được tổ chức dưới triều Đức Innôcentê X (1644-1655) sau khi cuộc chiến 30 năm tàn phá châu Âu đã kết thúc. Lúc bấy giờ cha Alexandre de Rhodes đã bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong năm 1645 và đã đến Rôma năm 1649. Trong thời gian này cha tìm cách vận động xin Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục cho nước Đại Việt để cai quản các giáo đoàn đã lớn mạnh và cũng để đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Ngày 02.08.1650, cha đã trình lên Tòa Thánh thỉnh nguyện thư thứ nhất. Tiếp đến cha còn trình 2 thỉnh nguyện thư khác nữa. Từ đó dẫn đến việc Tòa Thánh quyết định thành lập 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên vào năm 1659, đó là Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài.[7]

2.3. Năm thánh 1675

Năm thánh được cử hành dưới triều Đức Clêmentê X (1670-1676). Tại Giáo phận Đàng Trong, Năm thánh 1675 được đánh dấu bằng một nỗi buồn và một niềm vui. Nỗi buồn là cái chết đột ngột của cha Giuse Trang vào đầu năm 1675. Cha Giuse Trang phụ trách khu vực Nước Mặn đã qua đời, vì bị bệnh sốt rét ngã nước sau những ngày hoạt động ở vùng rừng núi Phú Yên, khi mới vừa tròn 36 tuổi. Cái chết của ngài là một mất mát lớn đối với Giáo phận, vì ngài là một nhà truyền giáo nhiệt thành, khôn ngoan hiếm có và làm việc không biết mệt mỏi.

Tuy nhiên, nỗi buồn về sự mất mát ấy đã được Chúa thương bù đắp bằng một niềm vui lớn lao, khi Ngài mở lòng chúa Hiền để ông chính thức mời Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong, đến thăm Đàng Trong. Vào cuối tháng 07 năm 1675 Đức cha rời Xiêm để đi thăm Giáo phận trên chiếc tàu của phủ chúa Nguyễn. Đây là cuộc viếng thăm lần thứ hai của Đức cha, nhưng lần này với tư cách là thượng khách của chúa Hiền, nên Đức cha không phải vào xứ Nam cách lén lút như lần trước. Ngài đi thẳng đến cửa Hội An và cho mời các linh mục, các thầy giảng và những người khôn ngoan đến để bàn về những phương thế tốt nhất để phát triển Giáo phận.

Sau khi thăm phủ chúa, Đức cha ở lại hai tuần tại thủ phủ, các tín hữu tuôn đến với ngài rất đông để nghe ngài giảng dạy và xin chịu các bí tích. Sau đó ngài quyết định rời thủ phủ để đi thăm tín hữu tại những nơi khác. Trong chuyến viếng thăm này Đức cha đã đến Quảng Ngãi và truyền chức linh mục cho một người thứ tư của Đàng Trong, đó là cha Luy Đoan. Đây là lễ truyền chức linh mục đầu tiên trên đất Đàng Trong. Tiếp đến Đức cha đã chủ sự thánh lễ và nhận lời khấn của các chị em thuộc Hội dòng Chị Em Mến Thánh Giá mà ngài đã thành lập tại An Chỉ trong chuyến viếng thăm mục vụ lần trước vào năm 1671.

Theo nhận định của các thừa sai thì cuộc viếng thăm lần thứ hai này của Đức cha Lambert là những ngày vàng son trong lịch sử truyền giáo của Giáo phận Đàng Trong. Theo sự nhận định của chính Đức cha thì đây là một hành trình đầy phúc lành.[8]

2.4. Năm thánh 1700

Năm thánh được khai mạc dưới triều Ðức Innôcentê XII (1691-1700), nhưng vì ngài qua đời nên được Ðức Clêmentê XI (1700-1721) kế vị bế mạc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Năm thánh có vị Giáo hoàng qua đời.

Tại Giáo phận Đàng Trong, Năm thánh 1700 được đánh dấu bằng những hy sinh, đau khổ và chịu chết vì đức tin của cộng đồng dân Chúa, do cuộc bách hại của chúa Minh. Lễ Tro năm 1700, các tín hữu đến các nhà thờ rất đông để dự lễ và chịu xức tro, khiến chúa Minh ban hành lệnh cấm đạo nghiêm nhặt. Trước hết ông sai quân đi khắp xứ để bắt tất cả các linh mục, nhưng Đức cha Pérez và 4 linh mục lẩn trốn được. Trong thời gian bị giam giữ, có 4 cha đã chết. Cùng với các linh mục, hàng trăm giáo dân nam nữ bị bắt giam, trong số đó 15 người đàn ông và 3 người đàn bà đã bị bỏ chết đói trong tù.

Đức cha Pérez đã trốn xuống một chiếc thuyền và ở đó gần một tháng. Trong thời gian này ngài tìm thấy một cái hang khá vắng vẻ, ngài dựng một bàn thờ ở đó rồi truyền chức linh mục cho một phó tế người Việt có tên thánh là Matthêô từ Xiêm trở về từ hai năm trước. Sau đó ngài sai tân linh mục đi làm việc tại Quảng Ngãi. Còn Đức cha thì trốn đến với các tín hữu nghèo đang ở vùng núi ven biển, giữa Qui Ninh (Qui Nhơn) và Quảng Ngãi, cho đến tháng 08 năm 1702.[9]

2.5. Năm thánh 1750

Năm thánh được cử hành dưới triều Ðức Bênêđictô XIV (1740-1758), ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa ăn năn thống hối, đền tội, và giá trị hành hương nằm ở chỗ chiến thắng tội lỗi. Thánh Lêônađô da Porto Maurizio đã cho dựng lên tại hí trường Colosseo ở Rôma một cây thánh giá thật lớn ở giữa với 14 nhà nguyện để làm 14 chặng đường thánh giá.

Tại Giáo phận Đàng Trong, Năm thánh 1750 cũng được phủ bóng thánh giá do sắc chỉ cấm đạo rất gắt gao của Vũ vương, được ban hành ngày 06.05.1750, và cuộc bách hại kéo dài suốt 15 năm. Lệnh cấm đạo được ban hành khắp nơi trong toàn vương quốc và được thực hiện một cách hết sức khéo léo đến độ tất cả các thừa sai trong toàn Giáo phận đều bị bắt, từ Đức cha Lefèbvre Đại diện Tông tòa, đến Đức cha phó Bennetat, và 4 thừa sai Pháp, 9 thừa sai Dòng Tên, 9 thừa sai Dòng Phanxicô và 2 thừa sai của Thánh bộ, chỉ trừ cha Johann Koffler Dòng Tên đang giữ chức ngự y trong vương phủ. Tất cả các thừa sai bị bắt đều bị trục xuất về Ma Cao.

Trong Giáo phận chỉ còn lại 3 linh mục: một Việt, một Hoa, một lai Ấn Độ, và 200 thầy giảng để chăm sóc mục vụ cho đoàn chiên. Ba vị linh mục này đã âm thầm hoạt động bất chấp khó khăn thử thách, khi thì dưới dạng người bán hàng rong, khi thì như người chài lưới, thầy thuốc, nay thăm chỗ này, mai thăm chỗ kia, không dám ở lại lâu tại một nơi nào để khỏi bị lộ. Sau khi xua đuổi các vị thừa sai, Vũ vương quay sang bách hại các tín hữu. Hàng ngàn giáo dân đã bị tù đày, bị đánh đập, hay bị tước đoạt hết tài sản. Hơn 200 nhà thờ đã bị triệt hạ, của cải các họ đạo bị tịch thu.[10]

2.6. Năm thánh 1850

Năm thánh được cử hành dưới triều Ðức Piô IX (1846-1878), nhưng vì những biến cố chính trị đang xảy ra tại Ý nên không thể tổ chức trọng thể.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh Năm thánh này, theo lời thỉnh cầu của Đức cha Cuénot, ngày 27 tháng 08 Đức Piô IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici cắt phần đất phía Bắc Giáo phận Đông Đàng Trong, tức là hai phần ba tỉnh Quảng Bình và trọn hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, để lập thành Giáo phận Bắc Đàng Trong và giao cho Đức cha François Pellerin Phan cai quản. Phần còn lại của Giáo phận Đông Đàng Trong gồm 6 tỉnh từ Quảng Nam vào Bình Thuận và miền Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Đức cha Cuénot gửi Thánh bộ Truyền giáo về tình hình Giáo phận năm 1850 sau khi chia tách Giáo phận Bắc Đàng Trong, các tín hữu công giáo tính được 28.020 người. Nếu tính riêng 3 tỉnh thuộc Giáo phận Qui Nhơn ngày nay, thì số tín hữu lúc bấy giờ là 21.296, được phân bố như sau: tại Quảng Ngãi có 2 địa sở với 5.040 tín hữu, tại Bình Định có 4 địa sở với 10.255 tín hữu, tại Phú Yên có 2 địa sở với 6.001 tín hữu.

Cũng trong năm 1850 cả nước phải nạn đại dịch hoành hành dữ dội, số người chết lên đến gần triệu người. Các quan đều ẩn trốn trong nhà, đóng cửa kín vì sợ lây dịch, không còn ráo riết bắt đạo. Người công giáo được đi lại tự do và có thể tụ tập cử hành phụng vụ. Người ngoại giáo hoảng hốt nài xin họ đến giúp chôn kẻ chết. Trong hoàn cảnh ấy và với tinh thần của Năm thánh, các linh mục kể cả các thừa sai nước ngoài công khai xuất hiện bên cạnh giáo dân, giúp mọi người ân cần sốt sắng, thi đua nhau làm việc lành phúc đức để hưởng ơn toàn xá, như thăm viếng kẻ liệt, nhận nuôi trẻ mồ côi, chôn xác kẻ chết cả giáo lẫn lương. Giáo phận thâu đạt những kết quả trông thấy: nhiều người xin nhập đạo, nhiều người bỏ đạo xin trở lại. Tất cả giáo dân đều biết lợi dụng Năm toàn xá để trở nên đạo đức hơn, mạnh tin hơn, như chuẩn bị đón nhận một cuộc bách hại chưa từng có trong lịch sử, với sắc dụ cấm đạo do vua Tự Đức ban hành ngày 07.03.1851.[11]

2.7. Năm thánh 1900

Năm thánh được tổ chức dưới triều Ðức Lêô XIII (1878-1903). Tại Giáo phận Đông Đàng Trong, Năm thánh được đánh dấu bằng một sự kiện vui mừng: ngày 27.05.1900, Đức Giáo hoàng đã tôn phong 64 Chân phước tử đạo của Giáo Hội tại Việt Nam, trong số đó có linh mục François Isidore Gagelin Kính, tử đạo ngày 17.10.1833. Đây là vị Chân phước đầu tiên của Giáo phận Đông Đàng Trong thời ấy và của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Để tôn vinh Ngài, năm 1920 một ngôi trường Pháp-Việt mang tên Ngài đã được xây dựng tại Kim Châu do các sư huynh La San điều khiển, sau đó được chuyển về Qui Nhơn năm 1931.[12]

2.8. Năm thánh 1933

Đây là Năm thánh ngoại thường dưới triều Đức Piô XI (1922-1939), được gọi là Năm thánh Cứu độ, kỷ niệm 1900 năm cuộc khổ nạn của Đức Kitô để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Vì lẽ đó, điều đặc biệt của Năm thánh này là việc mở Cửa thánh được ấn định vào Chúa nhật Lễ Lá chứ không phải đêm vọng Giáng sinh, và việc đóng Cửa thánh vào thứ hai Tuần thánh năm sau.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng phủ bóng trên Giáo phận Qui Nhơn trong Năm thánh này. Ngày 01.11.1933, một trận bão khủng khiếp đã tràn vào tàn phá Giáo phận: trong tổng số 120 nhà thờ hay nhà nguyện trong vùng bị bão có 80 nhà bị hư hại, khoảng 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Tại Làng Sông, nhà nguyện chủng viện và nhà in bị sập. Trại phong Qui Hòa đều bị phá hủy; tu viện Dòng Mến Thánh Giá tại Gò Thị bị sập đè chết 8 chị em dưới đống gạch vụn, 2 chị em bị thương nặng sau đó cũng chết, khoảng 10 chị em khác bị thương sau đó được chữa lành; tu viện Dòng Thánh Giuse tại Kim Châu mặc dù mới được xây dựng cũng bị đánh sập phần lớn, khiến 8 người phải thiệt mạng và một số bị thương.

Đối với người dân, những thiệt hại về vật chất không thể kể xiết. Dân chúng lâm vào cảnh đói nghèo đến độ trong những năm sau bão, nhiều gia đình tín hữu tại các tỉnh phía Bắc của Giáo phận, nhất là tỉnh Bình Định, đã phải bỏ quê hương đi tìm đất sống ngoài Giáo phận.[13]

2.9. Năm thánh 1975

Ðược mở ra dưới triều Ðức Phaolô VI (1963-1978), Năm thánh này mang ý nghĩa Canh tân và Hoà giải, như được trình bày trong tông huấn Gaudete in Domino của ngài. Điểm nổi bật của Năm thánh 1975 là cử hành trước tại các Giáo Hội địa phương từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 10.06.1973 và kết thúc vào lễ Giáng Sinh 1974, để từ ngày này tập trung cử hành tại Rôma.

Trong thời gian Năm thánh được cử hành tại các Giáo Hội địa phương, Giáo phận Qui Nhơn đã chịu một cái tang lớn là sự qua đời của Đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn ngày 20.05.1974. Nhưng chỉ sau đó 2 tháng, Giáo phận đã có vị chủ chăn mới là Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, được Tòa Thánh bổ nhiệm ngày 29 tháng 07. Ngài được tấn phong Giám mục ngày 11 tháng 08 tại Sài Gòn và về Qui Nhơn nhậm chức ngày 15 tháng 08.

Năm 1975, khi Năm thánh được tổ chức tại Rôma thì tại Việt Nam lịch sử đã bước sang trang mới, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Qui Nhơn nói riêng, vì những biến cố quân sự và chính trị đã dẫn đến sự thay đổi đời sống xã hội và tôn giáo. Trong hoàn cảnh mới này, Giáo phận mất đi một lượng giáo dân đáng kể và số linh mục bị giảm sút nặng nề, nhiều giáo xứ bị xóa sổ, nhiều cơ sở bị tàn phá, Giáo phận Qui Nhơn phải đương đầu với những thách đố lớn lao, nhưng đồng thời cũng là thời điểm để thực hiện sự canh tân và hòa giải giữa lòng dân tộc, như chủ đề của Năm thánh đã đề ra.[14]

2.10. Năm thánh 1983

Đây là Năm thánh ngoại thường do Ðức Gioan Phaolô II mở ra để kỷ niệm 1950 năm cuộc khổ nạn của Ðức Kitô.

Cuộc khổ nạn của Đức Kitô cũng diễn ra trong Giáo phận Qui Nhơn trong khung cảnh Năm thánh này, vì ngày 15.08.1983 chính quyền trung ương ra lệnh giải thể các Đại chủng viện tại tất cả các Giáo phận. Theo lệnh này, các trung tâm Đại chủng viện tại Qui Nhơn và Làng Sông đã bị giải thể sau 8 năm tu học. Các thầy phải về với gia đình, nhưng vì phần lớn gia đình các thầy đang sinh sống ở ngoài Giáo phận do cuộc di tản trước đó, nên một số đã đổi hướng, một số xin nhập vào các Giáo phận gia đình họ đang sinh sống, một số ít chờ ngày trở về Giáo phận. Chỉ còn 5 thầy được giữ lại để phục vụ tại Tòa Giám mục, chủng viện và nhà thờ Chính tòa, và một ít thầy tại trung tâm Mằng Lăng. Giáo phận gặp khó khăn vì mất đi rất nhiều nhân sự cho tương lai.[15]

2.11. Năm thánh 2000

Một biến cố vui mừng và trọng đại trong Năm Thánh 2000 đối với Giáo Hội tại Việt Nam nói chung và đối với Giáo phận Qui Nhơn nói riêng, là cuộc tôn vinh thầy giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo phận và của cả Giáo Hội Việt Nam, lên hàng Chân phước. Đây là kết quả của một tiến trình mở án phong thánh kéo dài suốt 356 năm.

Ngày 05.03.2000 tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã long trọng công bố thầy giảng Anrê Phú Yên là Chân phước tử đạo cùng với 43 vị Chân phước tử đạo khác thuộc 5 nhóm quốc gia khác nhau. Trong bài giảng lễ, Đức Gioan Phaolô II đã nói: "Cuộc sống của Anrê Phú Yên đã cho chúng ta thấy quyết tâm của một con người không chấp nhận chối bỏ niềm tin, dù phải đối đầu với bạo lực! Giới trẻ có thể rút ra sức mạnh và sự can trường từ tấm gương của con người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em mình. Chớ gì tất cả các môn đệ của Đức Kitô tìm thấy nơi vị Chân phước trẻ này sức mạnh và sự nâng đỡ trong cơn thử thách!" [16]

2.12. Năm thánh Giáo Hội Việt Nam

Trong thập niên đầu ngàn năm thứ ba, Giáo Hội Việt Nam có Năm thánh Truyền Giáo ghi dấu 470 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2003). Năm thánh bắt đầu từ lễ Giáng Sinh 25.12.2003 đến Lễ Hiển Linh 02.01.2005.

Cũng trong thời gian này, nhân kỷ niệm 333 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong và 75 năm Tòa Thánh ban Sắc chuẩn y việc Đức Giám mục Giáo phận cải tổ Dòng Mến Thánh Giá cũ để thành lập Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện nay, Hội dòng đã xin Đức Giám mục Giáo phận mở Năm thánh cho Hội dòng từ ngày 02.03.2003 đến ngày 02.03.2004. Sau một năm cử hành và sống Năm thánh, ngày 02.03.2004 thánh lễ bế mạc được tổ chức long trọng tại nhà thờ giáo xứ Gò Thị do Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự, với sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung và Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc của Giáo phận Kontum, với 127 linh mục trong và ngoài Giáo phận, nhiều tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Đặc biệt có sự hiện diện của phái đoàn các chị em Mến Thánh Giá Lào, Thái Lan và Liên dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.[17]

2.13. Năm thánh Giáo Hội Việt Nam

Năm 2010, nhân kỷ niệm kỷ niệm 350 thiết lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009) và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam (1960-2010), Đức Bênêđictô XVI đã chấp thuận đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho phép Giáo Hội tại Việt Nam mở Năm thánh đặc biệt từ lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24.11.2009, đến lễ Hiển Linh, 06.01.2011. Đây là thời điểm thuận lợi và hồng phúc giúp cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam "nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa". Năm thánh cũng là cơ hội thuận lợi để mọi người "học hỏi về Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ". Cuối cùng, Năm thánh "phải là động lực thúc đẩy các tín hữu hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người dân Việt".[18]

Tại Giáo phận Qui Nhơn, Đức Giám mục cũng ban hành văn thư hướng dẫn cử hành Năm thánh, qui định một số việc phải thực hiện và chương trình cử hành trên qui mô Giáo phận, giáo hạt và giáo xứ. Trong khung cảnh Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam, ngày 31.12.2009 Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, chánh xứ Chính tòa Qui Nhơn kiêm hạt trưởng Bình Định, làm Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn. Sáng ngày 04.02.2010 thánh lễ tấn phong Giám mục đã được long trọng cử hành tại lễ đài trước mặt tiền chủng viện Qui Nhơn. Đức cha Matthêô là vị Giám mục đầu tiên được tấn phong trong Năm thánh Giáo Hội Việt Nam.[19]

2.14. Năm thánh Lòng Thương Xót

Ngày 08.12.2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II, Đức Phanxicô khai mạc Năm thánh Lòng Thương Xót. Đây là Năm thánh ngoại thường mà ngài đã thông báo trong Tông chiếu Misericordiae Vultus ngày 11.04.2015, Chúa nhật kính Lòng thương xót của Thiên Chúa. Năm thánh sẽ bế mạc với phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, ngày 20.11.2016. Đức Thánh Cha quyết định: trong Năm thánh Lòng Thương Xót ơn toàn xá sẽ được ban cho các tín hữu, để họ thực sự cảm nghiệm Lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và giải thoát họ khỏi mọi hậu quả của tội lỗi. Vì thế, cũng trong ngày 08 tháng 12, Đức Giám mục Giáo phận đã ký văn thư hướng dẫn hưởng ơn toàn xá trong Năm thánh Lòng Thương Xót tại Giáo phận và phổ biến cho mọi thành phần dân Chúa, kèm theo lịch cử hành Năm thánh trong toàn Giáo phận.

Theo như Tông chiếu qui định, tại các Giáo phận trên toàn thế giới, nghi thức mở Cửa Năm thánh Lòng Thương Xót sẽ được cử hành vào Chúa nhật III Mùa Vọng, 13.12.2015. Tại Giáo phận Qui Nhơn, nghi thức mở cửa này được Đức Giám mục Giáo phận long trọng cử hành tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn vào chiều Chúa nhật III Mùa Vọng cùng với linh mục đoàn Giáo phận, các tu sĩ, chủng sinh và đông đảo giáo dân, và cửa tiền nhà thờ Chính tòa trở thành Cửa Năm thánh Lòng Thương Xót cho toàn thể Giáo phận. Khẩu hiệu của Năm thánh là "Thương xót như Chúa Cha".

Trong suốt Năm thánh này, các sự kiện nổi bật là những cuộc cử hành lễ trạm tại bảy Giáo hạt. Đây là những cuộc lễ tập trung đông đảo tín hữu đến hành hương tại những nhà thờ được chỉ định để lãnh nhận ơn toàn xá. Điểm đặc biệt của việc cử hành Năm thánh này là những cuộc cử hành Bí tích hòa giải trọng thể và có đông đảo giáo dân tham dự trước khi bước vào thánh lễ. Nhờ việc rao giảng về Lòng thương xót của Thiên Chúa, nhiều người ở trong tình trạng tội lỗi lâu năm đã đến lãnh nhận Bí tích hòa giải và thay đổi cuộc sống. Thánh lễ bế mạc Năm thánh Lòng Thương Xót được cử hành trọng thể tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn vào ngày Chúa nhật, 13.11.2016, do Đức Giám mục chủ sự, với sự tham dự đông đảo của mọi thành phần dân Chúa.[20]

2.15. Năm thánh Giáo phận Qui Nhơn

Ngay từ năm 2008, Giáo phận Qui Nhơn đã phát động chương trình 10 năm chuẩn bị mừng Năm thánh mừng kỷ niệm 400 loan báo Tin Mừng tại Giáo phận (1618-2018), gồm 4 năm chuẩn bị xa và 6 năm chuẩn bị gần. Khi thời gian chuẩn bị sắp kết thúc, ngày 26.07.2016, Đức Giám mục Giáo phận đã đệ trình lên Tòa Ân Giải Tối Cao đơn xin tổ chức Năm thánh từ ngày 26.07.2017 đến 26.07.2018. Mục đích của việc tổ chức Năm thánh là để cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban xuống trên Giáo phận, để bày tỏ tâm tình tri ân đối với các bậc tiền nhân đã góp phần gieo trồng, duy trì và phát triển đức tin trong Giáo phận, đồng thời để mọi thành phần dân Chúa được hưởng ơn toàn xá để trở nên thánh thiện hơn, nhờ đó đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng trong Giáo phận.

Ngày 11.05.2017, Tòa Ân Giải Tối Cao đã thừa lệnh Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành văn thư và sắc lệnh chấp thuận cho Giáo phận Qui Nhơn được cử hành Năm thánh kèm theo ơn toàn xá theo như đơn xin.

Thánh lễ khai mạc Năm thánh đã được cử hành rất trọng thể tại chủng viện Làng Sông, do Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục Huế, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Đà Nẵng, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Kontum, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang, Đức cha Matthêô và hơn 150 linh mục trong và ngoài Giáo phận, với sự tham dự của đông đảo tu sĩ chủng sinh và khoảng 12.000 anh chị em giáo dân. Thật là cảm động khi nhìn thấy một số đông giáo dân chưa từng có đã về tham dự thánh lễ cách sốt sắng, trật tự, mặc dù có rất nhiều thiếu sót và bất cập trong khâu tổ chức.

Từ đó trong khắp Giáo phận sẽ lần lượt có những cuộc cử hành Năm thánh theo lịch trình đã định. Để giúp cộng đồng dân Chúa hiểu biết thêm về Giáo phận, tham dự tích cực các cử hành Năm thánh và sống Năm thánh, Giáo phận đã biên soạn và phổ biến quyển Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Cẩm nang Năm thánh Giáo phận 2017-2018, Văn thư hướng dẫn hưởng ơn toàn xá, Văn thư hướng dẫn cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận sống Năm thánh, Tài liệu hướng dẫn hành hương Năm thánh và một số tài liệu khác.

Ơn toàn xá, với những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng) được ban cho các tín hữu đi hành hương đến những nơi được chỉ định để tham dự các cử hành Năm thánh hoặc cầu nguyện theo những ý chỉ được nêu lên trong văn thư của Tòa Ân Giải Tối Cao, hoặc khi tham dự các cử hành do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự cách long trọng bất cứ ở đâu trong Giáo phận, nhằm lợi ích của các tín hữu và kết thúc bằng phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn toàn xá. Năm thánh dự định sẽ bế mạc với thánh lễ tạ ơn được cử hành trọng thể tại chủng viện Qui Nhơn vào ngày 26.07.2018.

THAY LỜI KẾT

Trong thời gian gần đây, có nhiều Năm thánh được tổ chức trên qui mô Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam. Xen kẽ với những Năm thánh còn có những Năm đặc biệt, như Năm thánh Phaolô (2008-2009) kỷ niệm ngày sinh của thánh Phaolô cách đây 2000 năm, Năm linh mục (2009-2010) kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioan Baotixita Maria Vianney, Năm đức tin (2012-2013) kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Năm đời sống thánh hiến (2014-2016) kỷ niệm 50 năm Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) và Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae Caritatis). Ơn toàn xá cũng được ban trong các Năm đặc biệt này. Điều này đem lại cho cộng đồng dân Chúa nhiều cơ hội để trở nên thánh thiện hơn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ tạo nên sự coi thường, nhàm chán và dửng dưng nơi một số người, do không được hướng dẫn và thiếu tổ chức.

Vì thế, để Năm thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng tại giáo phận Qui Nhơn đem lại những hiệu quả tốt và thiết thực nơi cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận, các linh mục phải rút kinh nghiệm từ những Năm thánh và Năm đặc biệt gần đây, phải chuyên cần nghiên cứu các bài học lịch sử của Giáo phận suốt 400 năm qua và phải hết sức nhiệt tình hướng dẫn các tín hữu sống Năm thánh theo chương trình của Giáo phận, để ngày bế mạc Năm thánh không phải là điểm kết thúc, nhưng là một sự bắt đầu mới cho một chương trình loan báo Tin Mừng trong Giáo phận với nhiệt tình mới và hữu hiệu hơn.

 

[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2016, tr. 603.

[2] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch chính thức của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2691.

[3] Xem HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Sđd., tr. 553-554.

[4] Xem Sđd., tr. 374.

[5] Xem BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nhà xuất bản Antôn & Đuốc Sáng, Hoa Kỳ 2017, tr. 62-63.

[6] Xem Sđd., tr. 90.

[7] Xem Sđd., tr. 79-80.

[8] Xem Sđd., tr. 133-136.

[9] Xem Sđd., tr. 154-155.

[10] Xem Sđd., tr. 167-168.

[11] Xem Sđd., tr. 210-214.

[12] Xem Sđd., tr. 250, 260, 277.

[13] Xem Sđd., tr. 285-286.

[14] Xem Sđd., tr. 345.

[15] Xem Sđd., tr. 352.

[16] Xem Sđd., tr. 359-361.

[17] Xem Sđd., tr. 364.

[18] Xem "Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa công bố Năm thánh 2010" và "Phụ lục Thư công bố Năm thánh 2010 về việc hưởng ơn toàn xá trong Năm thánh", trong Bản thông tin Giáo phận Qui Nhơn, số 138, tháng 10 năm 2009, tr. 757-764.

[19] Xem BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Sđd., tr. 376-377.

[20] Xem Sđd., tr. 400-404.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây