Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Bài giảng thánh lễ thành lập giáo họ biệt lập Sông Cát

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật là thích hợp để cộng đoàn Sông Cát trong ngày trở thành giáo họ biệt lập cùng chuyển biến, cùng bắt đầu, cùng lên đường với một khí thế mới, một quyết tâm mới: biến cộng đoàn chúng ta thành một cộng đoàn truyền giáo, một cộng đoàn sẵn sàng và can đảm “đi ra” khỏi lũy tre làng của mình, khỏi ốc đảo của mình để loan báo Chúa cho anh chị em chung quanh.

TÌNH YÊU CHÍNH LÀ CỦA CẢI CAO QUÝ NHẤT

(Bài giảng lễ thứ Sáu, 10/11/2017 : Rm 15,14-21 ; Lc 16,1-8)

(Ngày thiết lập giáo họ biệt lập Sông Cát và bổ nhiệm linh mục quản nhiệm)

 

Sứ điệp Phụng Vụ ngày thứ Sáu tuần 31 Thường niên chu kỳ Năm lẽ đã cung cấp cho cộng đoàn chúng ta hai trích đoạn Lời Chúa với một gợi ý thật thâm thúy về cách ứng xử mục vụ của đời sống cộng đoàn chúng ta hôm nay.

Trước hết, trích đoạn thư Rôma trong bài đọc 1, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sứ vụ loan truyền Tin Mừng cho lương dân như là một ơn gọi đặc biệt dành riêng cho Ngài :

“Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa….

Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Ki-tô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu.” (Rm 15,15-16.20-21).

Đây không là một ơn gọi, một sứ mệnh của các cộng đoàn chúng ta hôm nay đó sao ? Với cái địa bàn mục giáo họ Sông Cát bao gồm (…) một vùng đất rộng lớn đó, chúng ta biết còn rất nhiều người như Thánh Phaolô nói : “những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ không nghe nói về Người, sẽ hiểu” !

Vâng, ra đi truyền giáo đó chính là mệnh lệnh mà từ 2000 năm trước Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), “hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4); đó cũng là mệnh lệnh của công cuộc Tân Phúc Âm hóa trong thời đại hôm nay được ĐTC Phanxicô gởi gắm trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng : “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật là thích hợp để cộng đoàn Sông Cát trong ngày trở thành giáo họ biệt lập cùng chuyển biến, cùng bắt đầu, cùng lên đường với một khí thế mới, một quyết tâm mới: biến cộng đoàn chúng ta thành một cộng đoàn truyền giáo, một cộng đoàn sẵn sàng và can đảm “đi ra” khỏi lũy tre làng của mình, khỏi ốc đảo của mình để loan báo Chúa cho anh chị em chung quanh.

Nhưng có lẽ, anh chị em sẽ đặt lại vấn đề : Truyền giáo thế nào đây, loan báo Chúa làm sao đây, khi nhà thờ chúng con thì ọp ẹp, nhà xứ chúng con thì chưa có, cơ sở vật chất chúng con nghèo nàn thiếu thốn mọi bề. Người ta nói “có thực mới vực được đạo mà !”.

Đúng, đó là chính cái lý luận của anh chàng quản lý bất lương mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng Luca vừa công bố : “Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi….”. Và dĩ nhiên, cách mà anh ta chọn đó là “khai gian hồ sơ nợ của chủ” để thủ lợi cho mình.

Chắc chắn, khi đưa ra dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu không nhằm tán dương hành vi gian xảo, “lanh mưu” của tên quản lý; bởi vì kết thúc dụ ngôn ngôn đó Chúa đã lưu ý các môn sinh của Ngài :

"Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu…” (Lc 16,9)

"Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được." (Lc 16,13).

Điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây, cũng là điều mà Lời Chúa muốn gọi mời chúng ta sống và thực hiện hôm nay đó chính là : khôn ngoan tận dụng những cái có trong tầm tay để mua lấy giá trị phần rỗi đời đời, cũng như người quản lý bất lương, tận dụng những mánh khóe để mua lấy tương lai của đời nầy.

Chúng ta đừng quên, cũng trong một loạt những huấn dụ trước đó (trong chương 12 của Luca) qua hình ảnh con chim sẻ và cây huệ để nhấn mạnh về thái độ tin tưởng, phó thác, Chúa Giêsu đã lệnh cho các môn sinh:

"Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.” (Lc 12,33-34).

Và hơn thế nữa, ngài đã ra lệnh trực tiếp cho các Tông Đồ trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo…” (Lc 9,2-3). Phải chăng, phương thế mà chính Chúa Giêsu đề nghị đó là : khó nghèo, khiêm nhu, phó thác.

Nhưng có lẽ anh chị em giáo dân Sông Cát và cả cha quản nhiệm Luy chắc vẫn còn hồ nghi cái phương thế “khó nghèo, tin yêu, phó thác…” mà Chúa Giêsu đề nghị như “phương án tối ưu” cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Để anh chị em bớt hồ nghi, tôi xin đan cử câu chuyện nhậm xứ cách đây 200 năm (tháng 12/2017) của Thánh linh mục Gioan Maria Vianey khi ngài về nhậm xứ Ars:

Họ Ars là một họ đạo nghèo nàn, xa xôi tận miền nam nước Pháp. Khi được một em bé chăn chiên chỉ đường về họ đạo, thánh nhân đã quỳ gối cầu nguyện ngay đầu đường dẫn vào xứ đạo. Khi đến nơi, ngài vào thẳng nhà thờ và chìm lặng trong kinh nguyện. Ars lại là một xứ đạo khô khan nguội lạnh, sơ sài giáo lý, có nhiều biểu hiện đồi trụy về luân lý…Trước hiện trạng nầy, cha Vianney quyết chọn phương thế : cầu nguyện, hy sinh hãm mình, dạy giáo lý, giải tội và thăm viếng các gia đình. Trong khi mọi người yên giấc, cha lò mò xách đèn đến nhà thờ cầu nguyện thâu đêm. Suốt 27 năm làm cha sở, ngày nào ngài cũng dạy giáo lý. Còn việc giải tội, có ngày ngài ngồi tòa suốt 18 tiếng đồng hồ…Và cả họ đạo Ars đã được hồi sinh ; không chỉ cho riêng mình xứ Ars mà trở nên trung tâm lôi cuốn nhiều người, nhiều giáo xứ hoán cải và trở nên đạo đức, thánh thiện…

Khi nhắc đến điều nầy, chắc có lẽ nhiều người sẽ lý luận rằng : “xưa rồi diễm ơi !” Đó là chuyện của 200 năm trước với ông thánh già khụ dốt nát Vianney. Ngày hôm nay là thế giới tin học, di động, chat, facebook…mấy chuyện cầu nguyện như Gioan Maria Vianney không ăn đâu ! Không, tôi vẫn xác tín đó chính là phương thế tối ưu để sống đạo, phát triển, xây dựng và truyền giáo. Khi chúng ta thiếu lửa tình yêu của cầu nguyện, mọi cơ sở có to lớn tới đâu, mọi sinh hoạt có rầm rộ, hoành tráng đến mấy…thì như thánh Phaolô nói : “không có đức mến thì cũng chẳng ích gì” (1 Cr 13,1-3).

Riêng với cha Luy, tôi xin được mượn lời của chính cha Tổng Đại Diện khi bổ nhiệm cha Vianney về xứ Ars, ngài nói : “Đây là một họ đạo nhỏ bé nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu đến cho họ”.

Sông Cát hôm nay cũng có một chút gì đó giống với xứ Ars ngày xưa. Nhỏ bé, nghèo nàn…Xin cha cũng hãy mang đến một nhu cầu mà tôi nghĩ cần thiết nhất, và cũng hữu hiệu nhất đó chính là “Tình Yêu Chúa”. Bởi vì tôi trộm nghĩ rằng : tiền bạc, vật chất, kinh tế và các phương tiện trần tục khác, giáo dân Sông Cát có thể tự tìm kiếm và xoay xở; nhưng “tình yêu Chúa” thì chỉ có thể có được và tìm được nơi chính vị mục tử của mình. Bởi vì, chỉ có các linh mục mới có Thánh lễ Tạ ơn, chỉ có linh mục mới có các bí tích, chỉ có các linh mục mới có ơn tha thứ của bí tích Giải tội, chỉ có các linh mục mới tặng ban ơn thánh để làm phong phú đời sống hôn nhân gia đình qua bí tích Hôn Phối, chỉ có các linh mục mới soi lòng mở trí để giáo dân tìm được chân lý qua việc giảng dạy giáo lý…; và tất cả, đó chính là “Tình Yêu Chúa”. Tôi xin lặp lại: “Cha hãy mang tình yêu đến cho họ”.


[1] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, trang 212

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây