Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Chị em làng Bêtania và tiếp cận với đời sống thiêng liêng

Nhưng nếu xét kỹ đoạn văn, ta thấy rằng Chúa Giêsu đã không khiển trách Mátta vì muốn cô em Maria giúp đỡ mình. Nếu Mátta thật tình xin Maria giúp đỡ mình thì chắc Chúa Giêsu đã không phản đối đâu. Tuy nhiên, Mátta đã xin Chúa Giêsu khiển trách Maria thay cho mình. Hai chương sau đó trong Tin Mừng Luca, khi một người kia xin Chúa Giêsu bảo người anh chia gia tài cho mình thì Chúa Giêsu nói ...



Michelle Arnold

 

Một trong những hành động lạ thường nhất của Chúa Giêsu xảy ra vào một ngày kia, khi ngài rời khỏi làng Bêtania – tên làng vừa có nghĩa là “ngôi nhà của những quả vả” hoặc “ngôi nhà của nỗi phiền muộn” – trên đường đi Giêrusalem. Ngài đã nguyền rủa cây vả khi nó không sinh trái dù lúc ấy chưa phải mùa vả. Ngay sau đó, ngài đến đền thờ và đuổi cổ những người đổi tiền ra khỏi đấy. Người ta nói rằng để đáp trả thì thượng tế và các kinh sư đã bắt đầu âm mưu giết Chúa Giêsu (Mc 11,12–18).

Bêtania được biết đến như là căn nhà của các bạn hữu Chúa Giêsu, các chị em Mátta, Maria, và Lazarô. Chúng ta gặp Mátta và Maria lần đầu tiên ở Bêtania sau khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-42). Trong chương này của Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu bảo các môn đệ dọn đường bằng cách đi trước đến các làng mạc mà ngài định ghé đến. Nếu được tiếp đón, các môn đệ ăn uống ở đấy và chúc bình an cho người trong nhà. Nếu không, các môn đệ cứ phủi bụi chân và “nguyền rủa” người trong nhà. Chúa còn dặn thêm: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).

Với bối cảnh như thế, chúng ta có thể phỏng đoán cách hợp lý là các môn đệ đã được tiếp đón niềm nở tại Bêtania và đó là nguyên do chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu tới nhà của Mátta, Maria và Lazarô.

Căn nhà Bêtania cũng có thể đang gặp ưu phiền. Gia đình đó có thể gia cảnh nghèo khó, và Lazarô có thể đang bệnh, vì sau đó trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn một người bệnh tật và nghèo khó tên là Lazarô ước được những mảnh vụn rơi xuống từ bàn ăn của ông phú hộ (Lc 16,19-21). Tuy nhiên, gia đình Bêtania này đã mở rộng cửa tiếp đón Chúa Giêsu và dâng hết những gì ngài cần.

Khiển trách hay an ủi?

Có sự căng thẳng khi Mátta gánh vác trách nhiệm phục vụ trong khi Maria ngồi lắng nghe bên chân Chúa Giêsu, “Thầy ơi, thầy không thấy em con để mặc mình con phục vụ sao? Bảo em ấy giúp con với”, Chúa Giêsu trả lời “Mátta, Mátta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện nhưng chỉ có một điều cần thiết. Và Maria đã chọn phần tốt nhất mà không ai có thể lấy đi được” (Lc 10,38-42).

Mátta chắc phải vướng buồn vì nhiều kitô hữu cho rằng Chúa Giêsu nói công việc của bà ở hàng thứ yếu so với sự lựa chọn tốt nhất của Maria là ngồi bên chân ngài và chiêm niệm. Các tác giả linh đạo đã tốn nhiều giấy mực để nói về sự khác nhau giữa đời sống hoạt động và chiêm niệm được biểu trưng qua Mátta và Maria.

Nhưng nếu xét kỹ đoạn văn, ta thấy rằng Chúa Giêsu đã không khiển trách Mátta vì muốn cô em Maria giúp đỡ mình.  Nếu Mátta thật tình xin Maria giúp đỡ mình thì chắc Chúa Giêsu đã không phản đối đâu. Tuy nhiên, Mátta đã xin Chúa Giêsu khiển trách Maria thay cho mình. Hai chương sau đó trong Tin Mừng Luca, khi một người kia xin Chúa Giêsu bảo người anh chia gia tài cho mình thì Chúa Giêsu nói: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12,13-14).

Bài học mà ta có thể góp nhặt được từ Mátta và Maria là Thiên Chúa không muốn chúng ta dùng ngài như chiếc búa bổ trên người khác. Nếu ta cần sự giúp đỡ từ một ai đó hay đang có tranh chấp thì cần phải cố gắng tự hòa giải. Thiên Chúa sẽ ban ân sủng để giúp đỡ chúng ta làm bổn phận, như khi ngài khuyên Mátta hãy quẳng gánh lo đi hoặc khuyên người anh em mất quyền thừa kế hãy quên đi lòng tham của cải (Lc 12,15). Nhưng ngài vẫn mong mỏi chúng ta làm với hết khả năng mình.

Mátta hoạt động, Maria chiêm niệm

Gioan có câu chuyện riêng của mình để kể về các chị em làng Bêtania. Chúa Giêsu và các môn đệ nhận được tin nhắn từ Mátta và Maria rằng Lazarô sắp chết. Thay vì đi Bêtania ngay lập tức, Chúa Giêsu nán lại đến hai ngày. Gioan nói rằng Chúa Giêsu đợi đến khi Lazarô chết thì mới đi Bêtania để cho ông sống lại như là một dấu hiệu để nói với các môn đệ (Ga 11,1-15).

Khi các chị em nghe tin Chúa Giêsu đến, Mátta chạy ra gặp ngài. Trái lại, Maria vẫn ở tại nhà mình (Ga 11,20). Tại sao? Theo truyền thống Do Thái, sau khi người thân chết, gia đình ở tại nhà để nhận sự an ủi và chia buồn (Ga 11,19). Mátta, bà chị hoạt động, đã chạy ra để đón Chúa Giêsu trong khi bà em chiêm niệm Maria ở tại nhà. Bà không ra ngoài gặp Chúa Giêsu cho đến khi Mátta trở về và nói rằng Chúa Giêsu muốn gặp bà (Ga 11,28).

Cả Mátta và Maria đều nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nêu thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,21; 11,32). Điều khác biệt là Maria bật khóc, buồn phiền cho dù có sự hiện diện của Chúa Giêsu (Ga 11,33). Trái lại, Mátta nói: “Con biết bất cứ điều gì thầy xin Chúa Cha thì sẽ được” (Ga 11,22), một cách tế nhị để nói rằng: “Thầy ơi, hãy trả em con lại. Con biết Chúa Cha sẽ ban cho Thầy bất cứ điều gì Thầy xin!”.

Ta có thể học từ Mátta và Maria rằng cả hai tiếp cận hoạt động và chiêm niệm với đời sống thiêng liêng đều có những thế mạnh và cám dỗ của riêng mình. Những người thiên về đời sống hoạt động có khuynh hướng bạo dạn, muốn tín thác rằng ngài biết những nhu cầu và sẽ đáp ứng mọi ước vọng của mình. Họ dễ bị xao xuyến, ôm đồm quá nhiều và không ở yên đủ để lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói với họ.

Trái lại, những người chiêm niệm thì dễ dàng “lánh ra xa và nghỉ ngơi” bên Chúa (Mc 6,31). Nhưng đôi lúc họ ở lại bên Chúa đến nỗi trở nên bất động, không di chuyển khi cần thiết phải làm như vậy. Họ cũng có thể dễ dàng rơi vào thất vọng trước thảm họa.

Đề cập cuối cùng của Luca về Bêtania là ở chương cuối cùng, khi Chúa Giêsu phục sinh chuẩn bị lên trời. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ ra khỏi thành Giêrusalem về Bêtania. Vậy thì, trong ngôi làng có tên là “ngôi nhà của nỗi phiền muộn”, Chúa Giêsu chúc lành cho các môn đệ và được “đưa về trời” (Lc 24,50-53). Căn nhà phiền muộn biến thành nơi chốn của niềm vui vĩ đại (Lc 24,52), và các môn đệ rời Bêtania đầy sức mạnh để chuẩn bị cho nhiệm vụ đang còn trước mắt.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây