Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Du hành và biến đổi trong Luca – Tông đồ công vụ

Tác giả và độc giả của Tin Mừng Luca và sách Tông đồ công vụ sống trong đế quốc Roma. Để duy trì hòa bình và thương mại, người Roma đã xây dựng hệ thống đường sá và tuần tra trên biển. Tuy nhiên, việc đi lại vẫn còn khó khăn và nhiều khi nguy hiểm. Người cổ xưa chỉ thấy an toàn ngay tại quê hương cũng như trong gia đình mình, và như vậy bước chân ra đi là cả một thách thức. Du hành có nghĩa là mất đi những gì quen thuộc và đi vào miền đất mới xa lạ.

x



Du hành và biến đổi trong Luca – Tông đồ công vụ

Steven C. Muir

Tác giả và độc giả của Tin Mừng Luca và sách Tông đồ công vụ sống trong đế quốc Roma. Để duy trì hòa bình và thương mại, người Roma đã xây dựng hệ thống đường sá và tuần tra trên biển. Tuy nhiên, việc đi lại vẫn còn khó khăn và nhiều khi nguy hiểm. Người cổ xưa chỉ thấy an toàn ngay tại quê hương cũng như trong gia đình mình, và như vậy bước chân ra đi là cả một thách thức. Du hành có nghĩa là mất đi những gì quen thuộc và đi vào miền đất mới xa lạ. Thánh Luca sử dụng những vấn đề gắn kết với chuyến đi để nói lên sự mở mang và khám phá – một cơ hội để học hỏi.

Hai dụ ngôn liên quan đến chuyến đi chỉ có trong Tin Mừng Luca. Dụ ngôn thứ nhất là người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 29-37), một câu chuyện mà vấn đề “ai là người thân cận của tôi?” nổi lên trong câu trả lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói về một khách đường xa rơi vào tay bọn cướp. Cướp bóc là điều thường xuyên xảy ra trong xứ Palestine thời đế quốc Roma ở thế kỷ thứ I, khi có rất nhiều người giai cấp thấp sống ở mức nghèo khổ. Người ta gia nhập băng cướp không chỉ như một phương tiện thu nhập mà còn để phản đối hệ thống thuế khóa áp bức của người Roma. Những người du hành thường đi thành nhóm để bảo vệ nhau (xem Lc 2,44; 8,1-3; 10,1). Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu kể về chuyến đi của một lữ khách độc hành (người Do Thái), cách xa hệ thống bảo vệ xã hội của gia đình và bạn bè. Những người được xem như là công chính trong xã hội Do Thái (thầy tư tế, thầy Lêvi) không biết người này chỉ vì họ không quen biết người ấy (vì không thuộc gia đình hoặc cùng quê quán với các vị này). Song thật đáng ngạc nhiên là ngay cả một khách lạ xa lắc xa lơ (người Samaritanô) lại tỏ lòng bác ái cực kỳ đối với người bộ hành, và như vậy chúng ta biết rằng một người khách lạ với lòng bác ái yêu thương có thể là “người láng giềng” gần gũi nhất đối với một ai đó.

Dụ ngôn thứ hai là Người con hoang đàng. Trong Lc 15, 11-32 chúng ta nghe kể về một chàng trai trẻ tham lam đòi chia phần gia tài cho mình và rồi tiêu xài phung phí. Anh nhẵn túi khi ở miền rất xa, cách ly với hệ thống hỗ trợ của mình. Túng thiếu và cô đơn, anh ân hận về quyết định của mình và mò trở về nhà. Dù anh đã từ bỏ quyền của mình trong gia đình, người cha vẫn tha thứ và phục hồi đầy đủ tư cách thành viên gia đình cho anh.  Như vậy gia đình không phải là vấn đề thích thì ở không thích thì đi mà là sự lựa chọn và dấn thân.

Hai dụ ngôn trình bày những cơ hội để học biết và có thêm kinh nghiệm mới khi du hành. Trong sách Công vụ, Luca nhắc các độc giả rằng tên đầu tiên của nhóm kitô hữu là “Đạo” (nghĩa là “con đường”, Cv 9,2; 22,4; 24,14; 24,22 ).  Đặc biệt, chúng ta thấy rằng chính “trên con đường” về Emmaus mà hai mộn đệ Chúa Giêsu gặp gỡ người khách lạ bí ẩn mà họ nhận ra đó chính là Chúa Giêsu phục sinh (Lc 24, 13-35, đặc biệt Lc 24,32). Tương tự, hành trình trên đường của Saulô từ Giêrusalem đến Damascus là nơi ngài gặp gỡ Đức Kitô phục sinh (Cv 9). Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời Phaolô, người đã từ bỏ sự đối đầu với “Đạo” và trở thành phát ngôn viên chính thức cho “Đạo”. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là vậy!

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây