Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Phương châm và phương pháp hoạt động truyền giáo của các tiền nhân

Trong tinh thần “ôn cố tri tân” chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng.

TĨNH TÂM LINH MỤC THÁNG 8/ 2017


“ĐÂU LÀ NHỮNG BÀI HỌC CỤ THỂ VÀ QUÍ GIÁ VỀ ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ, CHỨNG NHÂN, MÀ CHÚNG TA HÔM NAY CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC NƠI THẾ HỆ CHA ÔNG KHAI SINH GIÁO PHẬN”.[1]

DẪN NHẬP

Giáo phận Qui Nhơn ngày nay có tiền thân là Giáo phận Đàng Trong, bao gồm cả phần đất miền Trung và miền Nam Việt Nam, sang tận Campuchia. Trải qua bốn thế kỷ (1618-2018), lịch sử đã ghi lại biết bao thăng trầm, nhất là những cơn bách hại khủng khiếp, nhưng nhờ ơn Chúa giúp và ý chí can trường của các vị tử đạo, Dân Chúa đã vượt qua gian nan thử thách một cách anh dũng để tiếp tục can đảm sống đức tin cho đến hôm nay.[2]

Lịch sử truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn trải dài 400 năm, bắt đầu từ năm 1615 đối với Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, hay từ năm 1618 đối với Giáo phận Qui Nhơn hiện nay. Qua chặng đường 4 thế kỷ, biết bao biến cố thăng trầm đã diễn ra, biết bao nhân vật đã xuất hiện, biết bao thành quả đã đạt được, cũng như biết bao bài học cần được rút tỉa cho hôm nay và mai sau.[3]

Trong tinh thần “ôn cố tri tân” chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng. Ngày nay người Kitô hữu chúng ta vẫn không thiếu những chướng ngại to lớn đang ngăn trở đức tin của mình, đáng sợ nhất là não trạng tôn sùng vật chất, chạy theo lợi nhuận, đang là nguy cơ làm cho đức tin người tín hữu bị lung lay hầu như tận gốc.[4]

Trong Bài chia sẻ này, chúng tôi chỉ tập chú vào PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO của các bậc tiền nhân để làm bài học trong sứ vụ mục vụ của mình.

I. PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

Với số 36 thừa sai ra vào làm việc trên một miền đất xa lạ từ năm 1615 đến năm 1659, có khi chỉ có một thừa sai, có khi cả 10 năm không có bóng dáng một thừa sai nào. Tuy nhiên, với phương châm “Ad majorem Dei gloriam - Cho vinh danh Thiên Chúa hơn” của Dòng Tên và do biết ứng xử, vận dụng nếp sống văn hóa của người Việt, các thừa sai đã gặt hái được nhiều kết quả.

1. AD MAJOREM DEI GLORIAM

Các thừa sai Dòng Tên có nhiều quốc tịch khác nhau nhưng chỉ có một chí hướng, một mục tiêu “Ad majorem Dei gloriam”. Với châm ngôn ấy, các ngài đã xắn tay áo, lao vào việc chinh phục và phục vụ các linh hồn.

2. ỨNG XỬ, VẬN DỤNG NẾP SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT

Ngày nay người ta hay nói đến việc hội nhập văn hóa như một phương thế để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, nhất là các dân tộc ngoài lục địa châu Âu. Tuy nhiên, đây chính là điều các thừa sai ngày xưa đã thực hiện tại nước Việt và nhờ đó công cuộc truyền giáo đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp và lâu bền.

2.1. Vận dụng tinh thần trọng tình để tạo nền cho công tác tông đồ giáo dân

Một khi có người đón nhận Tin Mừng, các thừa sai vừa giúp họ nắm bắt thấu đáo chân lý đức tin, vừa truyền đạt cho họ kinh nghiệm về Chúa. Sau khi họ đã có xác tín đức tin Kitô giáo và có kinh nghiệm về Chúa, họ được tin tưởng, được quý mến, được qui tụ để làm những cánh tay nối dài của các thừa sai trong công cuộc loan báo Tin Mừng, đặc biệt là các thày giảng. Các thừa sai đã kể cho chúng ta biết bao kết quả thu lượm được nhờ việc tin tưởng, đào tạo giáo dân đạo đức, khơi động họ thể hiện tinh thần huynh đệ, trọng tình qua công tác tông đồ giáo dân. Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) xác nhận: “Một phần lớn thành quả thu lượm được ở xứ này là nhờ họ”.[5]

Hội Các thầy giảng

Tháng 07 năm 1625, dưới quyền chủ tọa của cha kinh lý Gabriel de Matos, các thừa sai có cuộc nhóm họp, để quyết định về vấn đề các thầy giảng. Hội thầy giảng đã được các cha Dòng Tên thành lập tại Mexico cả thế kỷ trước và đã đóng vai trò trọng yếu trong việc truyền giáo cho người bản xứ. Thánh Phanxicô Xavie cũng đã dùng các thầy giảng bản xứ trong công cuộc truyền giáo tại Ấn Độ và Nhật Bản. Sự cộng tác của các thầy giảng, tức là các giáo lý viên bản xứ, đã trở thành như một phương thức mà hầu như tất cả các thừa sai Dòng Tên nào cũng phải theo.

Thực tế cho thấy Hội thầy giảng trở thành những người cộng tác rất đắc lực và cần thiết, đã đem lại nhiều thành quả lớn lao, và vị trí của các thầy nhiều lúc không thể thay thế. Các thầy được ví như tay chân của các thừa sai, thay mặt các thừa sai đi đến những nơi mà các thừa sai chưa thể đến được. Các thầy còn là tai mắt của các thừa sai, chỉ cho các ngài biết những gì phải tránh, giúp các ngài tìm hiểu tiếng nói và phong tục. Các thầy hiểu rõ tâm tính của người dân, những quan niệm sống và cả những mê tín dị đoan của họ, nhờ đó các thầy có thể trình bày giáo lý hợp với trình độ của họ, với những hình ảnh thực tế rút ra từ cuộc sống của người dân.[6]

Quả vậy, các thầy giảng là những tông đồ giáo dân góp phần thành công không nhỏ trong công cuộc truyền giáo, trong số này có những người được diễm phúc tử đạo và một trong những người này là Anrê Phú Yên – Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội Việt Nam.

2.2. Ứng xử, thích nghi với hoàn cảnh và môi trường xã hội

Có nhiều thuận lợi để loan báo Tin Mừng cho người Việt nhưng không thiếu những thách đố. Các thừa sai bị trục xuất nhiều lần vì những lý do khác nhau. Các ngài phải trốn lánh và kiên trì vào ra, lui tới vùng truyền giáo như những điệp khúc. Các ngài rất hy sinh. Hy sinh bánh mì người Âu châu để ăn cơm với người Việt, ở nhà tranh vách đất như người dân Việt. Một thừa sai có thể phụ trách cả một giáo đoàn rộng lớn, không mấy lúc được nghỉ ngơi, nhiều đêm thức trắng liên tiếp dạy giáo lý, giải tội, yên ủi giáo dân. Tất cả một đời hy sinh vô bờ bến. Các ngài rất chịu khó đồng hóa với người Việt để tìm hiểu văn hóa, phong tục, tính tình, hòa mình với nếp sống Việt, thích ứng đạo lý với trình độ tinh thần và tình trạng xã hội của người Việt.

Ngay từ lúc đầu, các thừa sai đã tận dụng tinh thần trọng trưởng và lòng hiếu khách của người dân Việt, nên giới trí thức và giới quan quyền cũng như người dân cần cù đều được các thừa sai tiếp cận, làm quen, tạo thân thiện, qua đó Tin Mừng được loan báo. Các cha đã để lại nhiều cảm tình cho những người các cha tiếp xúc từ giới quan chức, trí thức, sư sãi, thầy thuốc, dân dã và đã đem lại cho Chúa nhiều người mà sử liệu chỉ ghi lại tên thánh bổn mạng như Antôn, Tôma, Bênêđictô...[7]

3. SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ ĐỂ CHUYỂN TẢI SỨ ĐIỆP TIN MỪNG

Bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận và truyền giáo cho người Việt. Tại Đàng Trong lúc bấy giờ, chữ Hán vẫn được dùng trong những văn bản chính thức của nhà Nguyễn, tuy nhiên bên cạnh đó còn có chữ Nôm do người Việt tạo ra dựa theo cách viết của chữ Hán, nhưng được đọc theo âm tiếng Việt và với nghĩa đặc biệt của tiếng Việt, do đó nó trở thành chữ viết của người Việt. Để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng, các thừa sai vừa dùng chữ Hán, vừa vận dụng chữ Nôm.

Tuy nhiên chữ Nôm vẫn còn khá phức tạp và khó học chẳng những đối với các thừa sai Âu châu mà còn đối với đa số dân chúng người Việt. Vì vậy các thừa sai nghĩ đến cách Latinh hóa tiếng Việt, theo cách các thừa sai đã làm khi còn ở bên Nhật. Thế là các ngài đã dựa vào cách phát âm của người Việt rồi dùng những mẫu tự Latinh để tạo ra chữ viết mới, sau này được cả nước đón nhận và biến thành chữ Quốc ngữ cho đến ngày nay. Trong việc sáng tạo chữ viết mới này có sự cộng tác của những tín hữu người Việt, nhất là những người có học thức. Trước khi cha Đắc Lộ có công định hình cho chữ Quốc ngữ, thì ba thừa sai tại Nước Mặn là các cha Buzomi, Pina và Borri phải được coi như những người tiên phong trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ.

II. NHỮNG BÀI HỌC CỤ THỂ VÀ QUÍ GIÁ VỀ ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ, CHỨNG NHÂN, MÀ CHÚNG TA HÔM NAY CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC NƠI THẾ HỆ CHA ÔNG KHAI SINH GIÁO PHẬN

  1. Hai cánh tay: Hội Đồng giáo xứ và Giáo lý viên

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, hơn để tự bảo toàn. Việc cải tổ các cơ cấu, đòi hỏi bởi việc chuyển hướng mục vụ, chỉ có thể được hiểu theo nghĩa này: là thành phần của một cố gắng làm cho chúng trở thành có tính quy truyền giáo hơn, làm cho việc mục vụ bình thường trong mọi trường hợp được mở rộng và cởi mở hơn, tạo nên trong những người làm mục vụ một thái độ liên tục “đi ra”, và như thế thúc đẩy một đáp ứng tích cực từ tất cả những người mà Chúa Giêsu ban cho tình bằng hữu của Người.”[8]

Cộng đồng rao giảng Tin Mừng, qua việc tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô trong những người khác. Vì thế, các nhà truyền giáo có “mùi của con chiên” và chiên nghe tiếng họ. Sau đó, cộng đồng truyền giáo phải “đồng hành”, đồng hành với nhân loại trong tất cả mọi tiến trình của nó, bất kể khó khăn và kéo dài đến đâu đi nữa. Truyền giáo cần rất nhiều kiên nhẫn, cùng coi thường những giới hạn thời gian.[9]

Nhưng chúng ta phải thú nhận rằng lời kêu gọi xét lại và canh tân giáo xứ chưa đủ để đem chúng đến gần hơn với dân chúng, làm cho chúng thành nơi hiệp thông sống động và tham gia, cùng quy hướng chúng hoàn toàn vào việc truyền giáo.

Hội Đồng giáo xứ và Giáo lý viên là những cánh tay đắc lực giúp cho các mục tử chu toàn sứ vụ truyền giáo của mình, đến những nơi mà vì điều kiện hoàn cảnh linh mục không thể đến được. Hãy quan tâm huấn luyện và nâng đỡ tinh thần cho họ.

  1. Những mối tương quan trong các cộng đoàn

Các cơ chế khác của Hội Thánh, các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hình thức hiệp hội khác, là sự phong phú của Hội Thánh mà Chúa Thánh Thần đánh thức để rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi môi trường và lĩnh vực.[10] Thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng và mục tử đặt chúng ta trong một điều kiện ngoại thường, sống với nhiều mối tương quan khác nhau. Con người chúng ta cũng như cách thế đón nhận và yêu mến người khác là lối diễn tả của con người làm cho anh chị em khác có được kinh nghiệm về đức ái mục tử của Chúa Giêsu. Nhiều người chờ đợi nơi các linh mục sự tiếp đón và yêu mến họ bằng con tim của Chúa Giêsu, với cả sự tế nhị, lắng nghe, tự do và trung tín. Họ sẽ cảm thấy đau khổ và nghịch lý khi gặp thấy nơi linh mục ít quan tâm, thiếu tôn trọng và không mấy sẵn sàng tiếp đón họ.[11]

Mục Tử Tốt Lành trước hết phải quan tâm đến mỗi người vì phẩm giá của họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Không đối xử phân biệt với bất cứ một ai và đừng để mình bị lệ thuộc vào những điều kiện xã hội hay lợi lộc vật chất. Trong khi đón tiếp mọi hạng người, người mục tử biết mình đang dành thời giờ cho sứ mạng để đừng quá hẹp hòi cũng như quá lãng phí. Khiêm tốn làm những gì có thể được, không nhằm danh lợi và luôn nhớ rằng mình còn có trách nhiệm đối với cả cộng đoàn nữa.[12]

Có những thái độ và những việc làm có thể tạo nên những tương quan tốt đẹp: chẳng hạn như chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của việc nhìn nhận nhau với cả những ưu khuyết điểm của mỗi người; quảng đại tiếp đón người khác với cả nhu cầu của họ trong con tim và trong cuộc đời chúng ta; truyền thông rộng mở và tin tưởng đối với người khác mà vẫn giữ được thế giá của mình; sẵn sàng cộng tác bằng cách chia sẻ những mục tiêu và tôn trọng lãnh vực của mỗi người; xây dựng tình tương thân tương ái.[13] Chúng ta được mời gọi để trao ban chính con người chúng ta, như những mục tử tốt lành ở giữa đoàn chiên (x. Ga 10,11-13) để làm cho các mối tương quan huynh đệ tăng trưởng hơn trong các cộng đoàn.

Đồng thời, linh mục cũng có bổn phận cổ võ các đặc sủng và ơn gọi trong cộng đoàn, quan tâm đến các đoàn thể, hiệp hội, phong trào, những người khuyết tật, yếu đau, các gia đình... Nhìn nhận nơi người tín hữu giáo dân một sự cộng tác tích cực theo khả năng chuyên môn của họ, chứ không chỉ sai bảo họ từng công việc.[14]

  1. Rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ thời đại

Chúng ta không được cắt xén sự toàn vẹn của sứ điệp Tin Mừng cho phù hợp với nhu cầu của thời đại. Chúng ta nên nhớ rằng “cách diễn tả chân lý có thể có nhiều hình thức, và việc đổi mới các hình thức diễn tả là điều cần thiết để truyền thụ sứ điệp Tin Mừng cho con người ngày nay theo ý nghĩa không thay đổi của nó”.[15]

Như vậy chúng ta thấy rằng việc dấn thân của một người rao giảng Tin Mừng nằm trong những giới hạn của ngôn ngữ và hoàn cảnh. Người ấy luôn luôn tìm cách truyền thụ chân lý của Tin Mừng cách hiệu quả hơn trong một bối cảnh cụ thể, mà không từ bỏ chân lý, sự tốt lành và ánh sáng mà người ấy có thể mang lại, cho dù sự hoàn hảo là điều không thể được. Một quả tim truyền giáo ý thức được những hạn giới này và biến mình thành “người yếu đuối với những kẻ yếu đuối [...], mọi sự cho mọi người” (1Cr 9:22). Người ấy không bao giờ tự đóng lòng mình, không bao giờ rút lui về chỗ an toàn của mình, không bao giờ chọn cách tự vệ cứng rắn. Người ấy ý thức rằng mình phải lớn lên trong sự hiểu biết về Tin Mừng và trong sự phân biệt những con đường của Chúa Thánh Thần, và như thế, người ấy luôn luôn làm những điều gì tốt mình có thể làm, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn đường.[16] Do đó, để không làm giảm bớt giá trị của lý tưởng của Tin Mừng, chúng ta phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn, những giai đoạn có thể tăng trưởng của con người được xây dựng từ từ hết ngày này qua ngày khác.[17]

TẠM KẾT

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị: Một Hội Thánh “đi ra”. Hội Thánh “đi ra” là một Hội Thánh với những cánh cửa mở rộng. Đi ra để đến với những người khác, để đến tận ngoại vi của nhân loại.[18] Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. Nếu có một điều gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng và làm cho lương tâm chúng ta áy náy, đó là một thực tại rằng nhiều người trong anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bằng hữu với Đức Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin chào đón họ, không có chân trời ý nghĩa và sự sống. Hơn là sợ những sai lầm, tôi hy vọng rằng chúng ta được thúc đẩy bởi việc sợ nhốt mình trong các cơ cấu là những gì cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo, trong các luật lệ là những gì biến chúng ta thành những quan tòa không biết mủi lòng, với những thói quen là những gì làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi bên ngoài, có vô số người đói khát, và Chúa Giêsu liên tục nhắc cho chúng ta rằng: “Các con hãy cho họ ăn” (Mc 6:37).[19]

Ngày nay, Giáo Hội đang cần những người sống chứng tá Niềm vui Tin Mừng thực sự, lẽ nào chúng ta lại làm ngơ không nhắc lại điều mà các bậc tiền nhân chúng ta đã thực hiện 400 năm qua, để góp phần đem lại sức sống và đem lại bộ mặt mới cho Giáo Hội. Tạ ơn Chúa đã cho lời chứng sống động của các bậc tiền nhân chúng ta 400 năm qua không hề xưa cũ. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa Tin Mừng tình yêu, để chúng ta can đảm tiếp bước theo các ngài.

Lạy Chúa Giêsu - Đấng là niềm vui bất biến. Khi xưa Chúa đã dùng Thánh Thần mà thúc đẩy các bậc tiền nhân chúng con, để các ngài đem Tin Mừng của Chúa cho nhân thế, và giúp các ngài tìm ra phương thế mới phục vụ Niềm vui Tin Mừng. Xin Chúa giúp chúng con cảm nhận được Niềm vui Tin Mừng, để chúng con sống niềm vui ấy trong từng ngày sống của chúng con. Xin Chúa là động lực thúc đẩy chúng con đem Tin Mừng cho những người chúng con gặp gỡ, nhờ đó Niềm vui Tin Mừng của Chúa được lan tỏa khắp nơi, để chúng con giới thiệu một Thiên Chúa là nguồn vui đích thực cho nhân loại hôm nay, một nhân loại đang phải đối diện với những đau thương tàn khốc của chiến tranh, của hận thù chia rẽ, một nhân loại đã đánh mất Niềm vui Tin Mừng.

 

[1] Bài viết dựa theo GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN.

[2] Nguyễn Soạn, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, Lời giới thiệu.

[3] Ban Biên Soạn, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, Thay lời tựa.

[4] Nguyễn Soạn, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, Lời giới thiệu.

[5] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, tr. 78.

[6] Xem LM. NGUYỄN HỒNG, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển I: Các thừa sai Dòng Tên 1615-1663, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội 2009, tr. 76-77.

[7] Xem DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria della Compagnia di Gesù, sđd., vol. 18, terza parte, libro quarto, tr. 69-72, 198, 200.

[8] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 27.

[9] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 25.

[10] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 29.

[11] Nguyễn Văn Dụ, Quy Luật sống của linh mục giáo phận, số 28.

[12] Nguyễn Văn Dụ, Quy Luật sống của linh mục giáo phận, số 33.

[13] Nguyễn Văn Dụ, Quy Luật sống của linh mục giáo phận, số 28.

[14] Nguyễn Văn Dụ, Quy Luật sống của linh mục giáo phận, số 33.

[15] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 41.

[16] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45.

[17] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 44.

[18] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 46.

[19] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 49.

Tác giả bài viết: Lm. FX Hà Văn Mân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây