Giáo phận Qui Nhơn

http://gpquinhon.org/q


Ẩn dụ ý niệm hôn nhân là một cuộc hành trình trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ

So sánh ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt cho thấy tư duy ngôn ngữ của người Việt và cộng đồng Anh ngữ mang tính phổ quát, trong đó những tri thức nền đều xuất phát từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của con người trong thế giới khách quan.

Kết quả hình ảnh cho mariage voyage



So sánh ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt cho thấy tư duy ngôn ngữ của người Việt và cộng đồng Anh ngữ mang tính phổ quát, trong đó những tri thức nền đều xuất phát từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của con người trong thế giới khách quan; thể hiện trên các bình diện: điểm xuất phát, đích đến, người đồng hành, phương tiện, tốc độ, phương hướng, hành trang và các trở ngại trên lộ trình.

ẨN DỤ Ý NIỆM HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH

(MARRIAGE IS A JOURNEY) TRONG KHO TÀNG

THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ

(DỰA TRÊN CỨ LIỆU TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT)

ThS. Nguyễn Thị Kim Anh

Đại học Vinh

                             

1. Dẫn nhập

1.1. Mặc dù được xem là một trường phái khá non trẻ và vẫn còn có những quan niệm và hướng tiếp cận nghiên cứu chưa thống nhất nhưng hiện nay Ngôn ngữ học tri nhận là một trong những những khuynh hướng thu hút được sự quan tâm nhất của giới Ngôn ngữ học. Đối tượng cụ thể của Ngôn ngữ học tri nhận là ngôn ngữ với tư cách là một trong những khả năng tri nhận của con người. Ngôn ngữ học tri nhận, một mặt xem xét lại những vấn đề ngôn ngữ của Ngôn ngữ học truyền thống (chẳng hạn như các vấn đề phạm trù ý niệm, vấn đề ẩn dụ, hoán dụ…) và, mặt khác, đặt ra những vấn đề mới chưa từng được nói đến trong ngôn ngữ học truyền thống (ví dụ như tính điển dạng, mô hình lí tưởng, khung tri nhận, hình – nền, ẩn dụ ý niệm – tri nhận, ...). Nghiên cứu lí thuyết, lí luận của Ngôn ngữ học tri nhận sẽ giúp ta có nhiều khám phá mới trong nghiên cứu ngôn ngữ của loài người nói chung và ngôn ngữ của một dân tộc nói riêng.

1.2. Theo cách nhìn của Văn hoá học, ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải và lưu giữ những di sản của văn hoá dân tộc. Trong kho tàng ngôn ngữ, tục ngữ, thành ngữ được xem là tinh hoa được đúc kết qua nhiều thế hệ và nó phản ánh những đặc điểm văn hoá của mỗi dân tộc. Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian. Đó là những câu nói ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện kinh nghiệm của dân gian về mọi mặt. Thành ngữ là những cụm từ cố định mang nghĩa biểu trưng. Nghĩa biểu trưng của thành ngữ là phản ánh cách chọn lựa hình ảnh, thói quen liên tưởng tri nhận của từng cộng đồng dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu các tục ngữ, thành ngữ sẽ góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của mỗi dân tộc.

1.3. Cho đến nay việc nghiên cứu tục ngữ, thành ngữ, đặc biệt trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, từ bình diện ngôn ngữ học tri nhận nhìn chung vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có bộ phận tục ngữ, thành ngữ biểu thị quan hệ hôn nhân. Các tục ngữ, thành ngữ biểu thị quan hệ hôn nhân trong hai ngôn ngữ này không những phản ánh đặc điểm tri nhận của con người về mối quan hệ hôn nhân mà còn là mảng ngôn ngữ lưu giữ những nét đặc trưng văn hoá truyền thống tiêu biểu của từng dân tộc. Do đó việc nghiên cứu ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH (MARRIAGE IS A JOURNEY) trong tục ngữ, thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt là rất cần thiết, có ý nghĩa nhiều mặt. Bài viết hi vọng cung cấp thêm nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy ngoại ngữ, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá, đóng góp vào việc bảo tồn văn hoá dân tộc.

2. Ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH (MARRIAGE IS A JOURNEY)

2.1. Ý niệm và ẩn dụ ý niệm

Lý Toàn Thắng cho rằng “Ý niệm trước hết không phải và không chỉ là kết quả của quá trình tư duy, quá trình phản ánh thế giới khách quan vào đầu óc con người; mà nó là sản phẩm của hoạt động tri nhận, nó là cái chứa đựng tri thức hay sự hiểu biết của con người về thế giới trên cơ sở kinh nghiệm từ đời này qua đời khác; ý niệm vừa mang tính nhân loại phổ quát vừa mang tính đặc thù dân tộc” [6, 182].

Trần Văn Cơ [9, 90] nhấn mạnh rằng ý niệm là “cái chứa đựng” sự hiểu biết của con người về thế giới được hình thành trong ý thức, trong quá trình tri nhận và hiện thân trong ngôn ngữ. Tác giả cũng có đồng quan điểm khi khẳng định rằng trong ý niệm có cái phổ quát (khái niệm) và cái đặc thù (văn hoá được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau).

Trong quan niệm truyền thống, ẩn dụ là một phương cách biểu thị các tư tưởng bằng ngôn ngữ. Tuy nhiên, Lakoff [5] khẳng định rằng ẩn dụ không chỉ dựa trên sự giống nhau. Nó ẩn chứa trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là ca dao, tục ngữ, thành ngữ – hồn cốt của mỗi dân tộc. Ẩn dụ không chỉ là vấn đề từ ngữ mà là vấn đề ý tưởng, cho phép con người thể hiện suy nghĩ về bản thân và thế giới, hay nói cách khác, “hệ thống ý niệm của con người được cấu trúc và xác định theo ẩn dụ”.

Theo Lakoff và Johnson [5] các diễn đạt ẩn dụ không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, rời rạc mà theo những nhóm lớn hơn, gọi là ẩn dụ ý niệm; đặc trưng bởi phép chiếu giữa hai miền – từ miền nguồn sang miền đích và được khái quát hoá bằng công thức “ĐÍCH LÀ NGUỒN”. Ẩn dụ ý niệm là cơ chế giúp chúng ta hiểu và diễn đạt một ý niệm trừu tượng thông qua một ý niệm khác cụ thể hơn dựa trên cơ sở những trải nghiệm về thế giới khách quan. Ví dụ: Hôn nhân là một phạm trù trừu tượng, do vậy con người khó có thể định nghĩa một cách chính xác và hoàn hảo về hôn nhân. Cũng chính vì thế hôn nhân thường được ẩn dụ hoá thông qua các biểu đạt của các phạm trù cụ thể hơn như: Cuộc hành trình, Nút buộc, Ngôi nhà, Thức ăn, Cây cối…

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Lakoff và Johnson [5, 30] cho rằng “ẩn dụ toả khắp đời sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà cả trong tư tưởng và hành động. Xét về cách chúng ta suy nghĩ và hành động, hệ thống khái niệm thông thường của chúng ta về bản chất mang tính ẩn dụ”.

2.2. Ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt

2.2.1. Các ẩn dụ ý niệm về hôn nhân

Lakoff và Johnson [5] cho rằng ẩn dụ ý niệm hàm ý hiểu một đối tượng này qua lăng kính của một đối tượng khác; nghĩa là miền NGUỒN có chức năng cung cấp tri thức mới và chuyển (gán) tri thức mới đó cho miền ĐÍCH. Hay nói một cách khác, một ý niệm trừu tượng được hiểu thông qua một ý niệm ít trừu tượng hơn. Chúng ta hãy xét các ví dụ sau đây để xem ẩn dụ ý niệm về hôn nhân hoạt động như thế nào.

(i)      HÔN NHÂN LÀ THỨC ĂN (MARRIAGE IS FOOD)

-     But their marriage turned sour and they divorced in January 2005.

-     Vợ chồng nó cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

(ii)     HÔN NHÂN LÀ NGÔI NHÀ (MARRIAGE IS A HOUSE)

-     Two golden hearts under the same roof.

-     Một mái lều tranh hai trái tim vàng.

(iii)   HÔN NHÂN LÀ NÚT THẮT (MARRIAGE IS BINDING)

-     Sarah Anton and Nick Dempsey will be tying the knot after seven years of engagement.            

-     Ván đã đóng thuyền.

(iv)  HÔN NHÂN LÀ DO TRỜI ĐỊNH (MARRIAGE IS MADE IN HEAVEN)

-     Marriage is made in heaven.

-     Ai nói chi chồng chớ nghe.

Ông Tơ bà Nguyệt đã xe cả rồi.

(v)    HÔN NHÂN LÀ ĐẦU TƯ (MARRIAGE IS AN INVESTMENT)

-     Marriage bankruptcy can be intensely painful and hurting.

-     Ăn đời ở kiếp với nhau.

(vi)    HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH (MARRIAGE IS A JOURNEY)

-     Our marriage is on the rock.

-     Vợ chồng “lên thác xuống ghềnh”có nhau.

Trong hai vế của ẩn dụ ý niệm, vế thứ hai là NGUỒN (THỨC ĂN, NGÔI NHÀ, NÚT THẮT, TRỜI ĐỊNH, ĐẦU TƯ, CUỘC HÀNH TRÌNH) bởi chính từ đây nêu ra các tri thức mới để chuyển (gán) cho miền ĐÍCH (HÔN NHÂN).

Chẳng hạn ẩn dụ HÔN NHÂN LÀ THỨC ĂN cho phép hiểu rằng, miền NGUỒN – THỨC ĂN với những đặc tính như ngon, mặn, chua, cay, đắng, sôi, cháy, v.v có thể gán cho miền ĐÍCH – HÔN NHÂN. Do đó ý niệm HÔN NHÂN cũng có những nét thuộc tính ấy.        

Nguồn

Đích

Ngon/ ngọt

Cơm lành canh ngọt

Mặn

Mặn tình cát luỹ

Nhạt

Nhạt tình tao khang

Chua/ cay

Lắm nỗi chua cay

Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ khai thác ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH thông qua tư liệu thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

2.2.2. Ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt

Ẩn dụ HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH có hai đặc trưng không gian: không gian NGUỒN và không gian ĐÍCH. Không gian ĐÍCH: HÔN NHÂN (trừu tượng hơn) được diễn đạt thông qua không gian NGUỒN: CUỘC HÀNH TRÌNH (cụ thể hơn). Nói cách khác, điều kiện tạo ra ẩn dụ HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH không phải là các từ ngữ hay các cụm từ mà là sơ đồ ánh xạ chuyển tiếp giữa hai miền ý niệm, ý niệm NGUỒN (HÀNH TRÌNH) đến ý niệm ĐÍCH (HÔN NHÂN).

Theo Từ điển tiếng Việt, “cuộc hành trình” là một chuyến đi dài và xa. Cấu trúc cơ bản của nó bao gồm: một điểm xuất phát, đích đến, lộ trình và các trở ngại gặp phải. Lược đồ này xuất phát từ trải nghiệm cá thể: khi di chuyển đến một địa điểm nào đó, chúng ta phải tuân theo lộ trình từ điểm xuất phát đến đích theo một hướng đi nhất định. Người đi (bạn đồng hành) phải đi qua những điểm trung gian trên lộ trình. Trong cuộc hành trình, người đi có thể bị chệch đường hay gặp phải chướng ngại vật, những sự tình phức tạp. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng miền nguồn “hành trình” có thể có những thuộc tính như: mục đích, người đi, điểm xuất phát, điểm đến, đường đi, phương tiện, cách thức đi lại, tiến trình, tiến độ… Những thuộc tính này được gán cho ý niệm đích là “hôn nhân”. Do đó ý niệm “hôn nhân” cũng có được những nét thuộc tính của “cuộc hành trình”.

-      Vợ chồng là bạn đồng hành cùng tham gia trên một hành trình.

-      Tiến trình cuộc hôn nhân là quãng đường của cuộc hành trình.

-      Đám cưới là điểm bắt đầu của cuộc hành trình.

-      Những vấn đề gặp phải trong hôn nhân là trở ngại trên đường đi.

-      Cố gắng giải quyết các vấn đề trong hôn nhân là cố gắng vượt qua các trở ngại.

-      Những bất đồng không thể giải quyết trong hôn nhân là các ngõ cụt.

-      Các lựa chọn trong cuộc sống hôn nhân là những ngã ba đường.

-      Quyết định li hôn là ngã rẽ trong cuộc hành trình.

-      Mục đích của hôn nhân là đích đến của cuộc hành trình.

Trên các tư liệu thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, mô hình ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH biểu hiện cách tri nhận của hai cộng đồng ngôn ngữ về hôn nhân dựa trên ý niệm về các yếu tố trong một cuộc hành trình cụ thể.

2.2.3. Các biểu đạt của ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt

Trên cơ sở lí thuyết về ngôn ngữ học tri nhận, sau khi khảo sát kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi phân loại các biểu đạt ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên các bình diện sau:

2.2.3.1. Điểm xuất phát

 Hôn nhân được mô tả là sự khởi đầu của cuộc hành trình. Hành trình đó bắt đầu khi, theo văn hoá phương Tây, chú rể và cô dâu nói “con đồng ý” (I do) trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Còn trong văn hoá phương Đông, hay cụ thể là văn hoá Việt, khởi nguồn của hành trình là khi cô dâu, chú rể tổ chức lễ cưới dưới sự chứng giám của ông bà tổ tiên và bà con hai họ. Ví dụ:

(1) Will you come travel with me? Shall we stick by each other as long as we live?

(2) Lấy vợ không cheo, tiền gieo xuống suối.

2.2.3.2. Điểm đến

Điểm đến của cuộc hành trình hôn nhân thường là đầu bạc răng long, chân đèo, cuối sông, cuối đường, cuối phố, cuối trời, cuối đời… Thế nên sống với nhau đến trọn đời là đích đến của hành trình hôn nhân.Ví dụ:

(3)  I, ____, take you, ____, to be my lawfully wedded (husband/wife), to have and to hold, from this day forward, for better, for worse, for richer, for poorer, in sickness and in health, until death do us part.

(4) Vợ chồng sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long.

2.2.3.3. Bạn đồng hành

Vợ và chồng là bạn đồng hành cùng mục đích trên hành trình hôn nhân. Ví dụ:

(5) With every step you take the journey of your life. And your adventure begins as husband and wife.

(6)    Vợ chồng như đũa có đôi.

Trong hôn nhân, vợ và chồng là một đôi cùng đi với nhau trong suốt hành trình hôn nhân.

2.2.3.4. Phương tiện

Phương thức di chuyển trong một chuyến đi tương ứng với quan hệ vợ chồng trong đời sống hôn nhân. Đôi khi phương thức di chuyển chịu tác động của ngoại cảnh như: hỏng xe, thời tiết xấu, đường ghồ ghề... Mối quan hệ vợ chồng bị chi phối bởi đời sống vật chất, đời sống tinh thần của hai vợ chồng và ảnh hưởng của các mối quan hệ khác như: mẹ chồng – nàng dâu, anh em – bà con, hàng xóm – láng giềng…

(7) The love between the couple is the wheel that keeps the vehicle of marriage moving.

(8) Thuyền theo lái, gái theo chồng.

2.2.3.5. Tốc độ

Tốc độ trong cuộc hành trình tương ứng với sự tiến triển (tình cảm và vật chất) trong cuộc sống hôn nhân.

(9) You’d better slow down and think about what you want to do with your marriage.

(10) Cưới vợ thì cưới liền tay

Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.

2.2.3.6. Phương hướng

 Phương hướng của cuộc hành trình tương ứng với định hướng giúp người vợ và người chồng biết tình trạng hôn nhân của họ, từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp.

(11) How far we have come!

(12) Chồng hoà vợ thuận.

Trong cuộc hành trình, nếu những người tham gia không xác định được phương hướng, họ sẽ bị lạc đường. Trong hôn nhân cũng vậy. Hai vợ chồng phải cùng nhìn về một hướng; nếu không họ rất dễ đối diện với tình cảnh “khủng hoảng” hay “mất phương hướng” trong đời sống hôn nhân.

2.2.3.7. Hành trang

Trong một chuyến đi, người ta cần chuẩn bị hành trang để thích nghi với từng chặng đường. Với hành trình hôn nhân, cả hai vợ chồng đều phải tự chuẩn bị hành trang để thích nghi với cuộc sống mới làm con (dâu, rể), làm vợ/chồng.

(13) Marriage is like a ship sailing across the ocean. For the journey to be successful there needs to be a captain, a compass, a source of power, and an anchor.

(14) Khi lấy Hoan, cô biết rằng nhập gia thì phải tuỳ tục.

2.2.3.8. Lên thác xuống ghềnh

Trong cuộc hành trình có những khi lên thác xuống ghềnh. Đời sống hôn nhân cũng có những lúc gặp khó khăn trở ngại.

(15) We are on a long bumpy road.

(16) Thương nhau bất luận giàu nghèo

 Dù cho lên ải xuống đèo cũng cam.

2.2.3.9. Ở giữa ngã ba đường

Đôi khi trong cuộc hành trình, chúng ta băn khoăn không biết được nên đi theo hướng nào. Ngã ba đường trong hành trình hôn nhân chính là lúc vợ, chồng đứng trước những lựa chọn đầy băn khoăn, do dự.

    (17) They are struggling at a crossroads.

    (18) Giữa đường đứt gánh tương tư.

2.2.3.10. Ách tắc

Trên cuộc hành trình, người đi có thể bị mắc kẹt khi ách tắc giao thông hoặc ở một nơi lầy lội. Quan hệ vợ chồng có thể căng thẳng với những bất đồng hay mâu thuẫn.

 (19) My marriage is on the rocks; both myself and my husband have talked things through.

(20)          Lấy chồng chẳng biết mặt chồng

Đêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng.

2.2.3.11. Ngõ cụt

Hết đường trên cuộc hành trình là lúc gặp phải ngõ cụt. Hết đường trong hành trình hôn nhân là khi cuộc hôn nhân bế tắc không có lối thoát.

(21) We can not turn back now.

(22) Vợ xứ Đông, chồng xứ Bắc

 “Ngõ cụt” hay “bế tắc” là tình trạng hôn nhân bị ngừng trệ hoàn toàn; các mâu thuẫn bất đồng không thể giải quyết được; hai vợ chồng không thể tiếp tục sống với nhau và đi đến quyết định “đường ai nấy đi”.

Khảo sát, nghiên cứu các biểu đạt của ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi thấy rằng ý niệm NGUỒN “CUỘC HÀNH TRÌNH” đã ánh xạ các thuộc tính của nó lên ý niệm ĐÍCH “HÔN NHÂN”. Cộng đồng người Việt và cộng đồng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất đều trải nghiệm ý niệm hôn nhân với các thuộc tính: điểm xuất phát, đích đến, người đồng hành, phương tiện, phương hướng, tốc độ, lên thác xuống ghềnh, ách tắc, ngõ cụt... được gán bởi ý niệm cuộc hành trình.

2.2.4. Điểm giống và khác nhau của các biểu đạt ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trong tiếng Anh và tiếng Việt

Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt, ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH được thể hiện thông qua hệ thống biểu đạt rất đa dạng.

2.2.4.1. Điểm giống nhau

 Điều có thể nhận thấy ở đây là cả người Việt và cộng đồng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất đều có chung trải nghiệm thực tế về ý niệm cuộc hành trình. Khi di chuyển từ một địa điểm này đến một địa điểm khác, họ phải tuân theo một lộ trình từ điểm xuất phát đến đích theo một hướng nhất định. Chính trải nghiệm thường ngày đó chi phối tư duy ngôn ngữ của hai cộng đồng ngôn ngữ và họ đều dùng các thuộc tính của ý niệm phổ biến – “cuộc hành trình” để diễn tả ý niệm trừu tượng hơn – “hôn nhân”. Vì thế điểm giống nhau trong ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH là ở chỗ cả hai cộng đồng đều có cách tư duy ngôn ngữ giống nhau. Điều đó được thể hiện thông qua  bảng sau:

Cơ chế ánh xạ HÔN NHÂN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt

Ý niệm nguồn

Ý niệm đích

1.     Điểm xuất phát

2.     Đích đến

3.     Quãng đường

4.     Bạn đồng hành

5.     Phương tiện

6.     Tốc độ

7.     Trở ngại

8.     Ngã ba đường

9.     Ngõ cụt

10. Mỗi người một đường

1.     Đám cưới

2.     Sống trọn đời

3.     Thời gian chung sống

4.     Vợ và chồng

5.     Tình cảm, vật chất

6.     Tiến triển hôn nhân

7.     Trắc trở trong hôn nhân

8.     Các lựa chọn

9.     Bế tắc trong hôn nhân

10. Li hôn

Ú CUỘC HÀNH TRÌNH

Ú HÀNH TRÌNH HÔN NHÂN

2.2.4.2. Điểm khác nhau

Theo Trần Văn Cơ “Ẩn dụ là một cơ chế tri nhận đặt trên cơ sở tri giác con người (bao gồm năm giác quan) hoạt động liên tục nhằm tạo ra những ý niệm mới trong những bối cảnh lịch sử và văn hoá của người bản ngữ” [8]. Ẩn dụ là cơ chế chủ yếu trong tư duy ý niệm của con người, phản ánh cách con người nhìn, và nhận biết thế giới thông qua lăng kính ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Ý niệm phải được cấu trúc hoá theo mô hình trường: TRUNG TÂM – NGOẠI VI, theo đó vai trò của TRUNG TÂM thường là khái niệm, NGOẠI VI là những yếu tố ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Chính vì vậy khi nghiên cứu ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy những điểm khác biệt trong cách biểu đạt ý niệm hôn nhân của hai cộng đồng ngôn ngữ. 

Ở đây, yếu tố văn hoá đóng vai trò quyết định tạo ra sự khác biệt. Điểm đáng chú ý là tín ngưỡng và niềm tin của mỗi người cũng như của mỗi dân tộc trong các biểu đạt của ẩn dụ về hôn nhân.

Về văn hoá và tín ngưỡng, cộng đồng Anh ngữ phần lớn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và Thiên Chúa giáo nên trong các biểu đạt của mình về hôn nhân, các trải nghiệm của họ thường gắn chặt với các nghi thức hôn lễ Tây phương và ảnh hưởng của hình tượng Chúa. Trái lại, người Việt chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông, Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian nên trong ý niệm hôn nhân, người Việt thường thể nghiệm qua các nghi lễ hôn nhân như “tiền cheo” hay “cau – trầu” và hệ tư tưởng tam tòng tứ đức trong Nho giáo.

Về đặc điểm kinh tế và điều kiện tự nhiên, với nền văn minh công nghiệp, nhiều loại hình giao thông phát triển trong cộng đồng Anh ngữ ví dụ như giao thông đường thuỷ, đường sắt, đường bộ... Vì thế trong tiếng Anh hôn nhân được trải nghiệm như chuyến du hành trên biển (on the rock; on the reef)... chuyến du lịch bằng đường sắt (off the track) hay cuộc hành trình đường bộ bằng ô tô (a long bumpy road)... Trong khi đó, Việt Nam với nền văn minh lúa nước, chủ yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp nên ý niệm hôn nhân thường gắn với các hiện tượng gần gũi với đời sống sinh hoạt của người Việt như: “đứt quang gãy đòn gánh” hay “giữa đường đứt gánh”. Thêm vào đó loại hình giao thông của người Việt chủ yếu là đường bộ, phương thức chủ yếu là đi bộ, với địa hình lắm sông nhiều núi nên người Việt thường trải nghiệm hôn nhân với “chông gai”, “thác ghềnh”, “lên ải”, “xuống ghềnh”…

3. Một số dạng bài tập ứng dụng liên quan ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trong giảng dạy tiếng Anh cho người Việt

3.1. Cơ sở để đưa ra các dạng bài tập ứng dụng

Các dạng bài tập ứng dụng được đưa ra dựa trên nền tảng các thành tố sau:

Thứ nhất: Ẩn dụ ý niệm tiền giả định sự tồn tại hai miền NGUỒN và ĐÍCH. Trong đó ý niệm NGUỒN thường là ý niệm có tính trực quan cao hơn và thường được trải nghiệm rộng rãi trong các cộng đồng ngôn ngữ. Chính vì thế các dạng bài tập liên quan đến ý niệm nguồn phù hợp cho hệ sơ cấp. Ý niệm đích là các ý niệm mang tính trừu tượng hơn; đòi hỏi người sử dụng ngôn ngữ phải có nền tảng kiến thức và vốn trải nghiệm nhất định vì thế nó phù hợp với các dạng bài tập nâng cao.

Thứ hai: Ẩn dụ ý niệm giúp chúng ta hiểu những khái niệm tương đối trừu tượng thông qua một ý niệm cụ thể và dễ cấu trúc hoá hơn. Một trong những đặc điểm của ẩn dụ ý niệm là tính chất bộ phận của cấu trúc ẩn dụ. Ý niệm trong miền ĐÍCH chỉ thu nhận một bộ phận, chứ không phải toàn bộ những thuộc tính vốn có của ý niệm NGUỒN. Tính bộ phận của ẩn dụ ý niệm làm cho hai không gian NGUỒN và ĐÍCH không bao giờ đồng nhất tuyệt đối, chúng chỉ đồng nhất bộ phận. Chính vì thế, một ý niệm NGUỒN có thể ánh xạ nhiều ý niệm ĐÍCH khác nhau đồng thời một ý niệm ĐÍCH có thể được gán bởi thuộc tính từ nhiều ý niệm NGUỒN khác nhau. Áp dụng ẩn dụ ý niệm vào dạy – học ngoại ngữ, người giáo viên cần giảng dạy ý niệm NGUỒN đầy đủ và có hệ thống. Học sinh với vốn trải nghiệm thực tiễn dựa trên cơ sở kiến thức cơ bản về ý niệm nguồn sẽ có những ánh xạ vừa mang tính khái quát vừa có tính đặc trưng đến các miền ĐÍCH khác nhau. Ví dụ, với ý niệm NGUỒN là CUỘC HÀNH TRÌNH chúng ta có thể ánh xạ lên các ý niệm ĐÍCH như: CUỘC ĐỜI, TÌNH YÊU, THÀNH CÔNG, BÀI HỌC...

Thứ ba: Vận dụng quan điểm dạy học tích hợp vào thực tiễn giáo dục trong việc kết hợp dạy tiếng và dạy văn hoá. Trong dạy học các bộ môn, tích hợp được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ các môn học, lĩnh vực học tập khác nhau thành một “môn học” mới hoặc lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của môn học. Ví dụ lồng ghép nội dung giáo dục đặc trưng trong quan niệm của người Việt về hôn nhân (tính bền vững), hôn nhân mang tính cộng đồng, giáo dục ý thức gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc, giáo dục giao thoa văn hoá trong các môn học Tiếng Việt, Ngoại ngữ… xây dựng môn học tích hợp từ các môn học truyền thống. Tích hợp trong nhà trường sẽ giúp học sinh học tập thông minh và vận dụng sáng tạo kiến thức, kĩ năng và phương pháp của khối lượng tri thức toàn diện, hài hoà và hợp lí trong giải quyết các tình huống khác nhau và mới mẻ trong cuộc sống hiện đại.

3.2. Một số bài tập ứng dụng

3.2.1. Phân loại (Categorization)

   Destination                 Cages              License                        A long bumpy road         

   At a crossroads     Wedlock          Go out separate way   Two hearts as one 

   Tying the knot      Vehicles           Get hitched                 Travelers

  Trapped feeling     Foundering       Sucking                       Deed–end street 

 

MARRIAGE IS A JOURNEY

MARRIAGE IS BINDING

..........

 

……….

3.2.2. Thảo luận (Discussion)

What do you expect for your marriage?

Some suggested ideas: things to bring with, your spouse/ partner, your future, etc.

4. Kết luận

So sánh ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt cho thấy tư duy ngôn ngữ của người Việt và cộng đồng Anh ngữ mang tính phổ quát, trong đó những tri thức nền đều xuất phát từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của con người trong thế giới khách quan. Điều đó được thể hiện thông qua hệ thống các biểu đạt của ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trên các bình diện: điểm xuất phát, đích đến, người đồng hành, phương tiện, tốc độ, phương hướng, hành trang và các trở ngại trên lộ trình. Cả hai cộng đồng ngôn ngữ đều ánh xạ ý niệm đích “hôn nhân” thông qua các thuộc tính của ý niệm nguồn “cuộc hành trình”.

Những điểm khác biệt trong cách biểu đạt về ẩn dụ hôn nhân của người Việt và cộng đồng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất thể hiện dấu ấn văn hoá của các vùng đất khác nhau trên thế giới được phản ánh trong ngôn ngữ.

Các dạng bài tập ứng dụng ẩn dụ ý niệm trong dạy – học ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng có thể áp dụng cho nhiều đối tượng. Các dạng bài tập đó phù hợp với các nguyên tắc dạy học cụ thể như: nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với đời sống; nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa tính trực quan và sự phát triển tư duy lí thuyết...

Bài viết này mới chỉ dừng lại là những nhận xét ban đầu về vấn đề ẩn dụ ý niệm HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Những nghiên cứu chuyên sâu sẽ mô tả chính xác hơn, đánh giá khách quan hơn về hệ thống các biểu đạt của ẩn dụ ý niệm về hôn nhân nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét truyền thống, nét đẹp văn hoá trong quan niệm về hôn nhân của các cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Hoàng Văn Hành (2004), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

2.   Kovecses, Z (2000), Metaphor and Emotion – Language, Culture and Body in human feeling, Cambridge University Press.

3.   Kovecses, Z (2002), Metaphor: A practical introduction, Oxford University Press.

4.   Kramsch (2000), C, Language and Culture, Oxford University Press.

5.   Lakoff, G & Johnson, M (1980), Metaphors we live by, The University of Chicago Press.

6.   Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

7.   Nguyễn Lân (2010), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, NXB Văn học.

8.   Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), NXB Khoa học Xã hội.

9.   Trần Văn Cơ (2010), Ngôn ngữ học tri nhận – Từ điển – Tường giải và Đối chiếu, NXB Phương Đông.

10.Wehmeier, S (2000), Oxford advanced learner’s dictionary, Oxford University Press.

Nguồn tin: nguvan.hnue.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây