Ba vua, họ là ai?

Thứ hai - 01/01/2018 19:03
x


Dwight Longenecker

 

Ba vua là những nhân vật trong Hang đá Giáng Sinh – một ông cỡi lạc đà, một ông quỳ cạnh máng cỏ và một ông đứng dâng quà tặng. Nhưng những nhà thông thái này là ai? Ta biết gì về họ?

Ta không biết chính xác về họ. Bằng chứng trong Tin Mừng được tìm thấy ở 12 câu đầu Tin Mừng Matthêô. Điều ta có thể góp nhặt được từ đoạn này là họ được gọi là “Magi”, hoặc là các nhà bí thuật từ phương Đông đến Giêrusalem và họ nhìn thấy một ngôi sao loan báo sự chào đời của vua dân Do Thái. Tin Mừng không nói đó là các nhà thông thái. Ý tưởng này đến từ ba lễ vật mà họ dâng tặng.

Lần tìm dấu vết những nhà thông thái này là ai, ta phải quay về phương Đông. Sự lựa chọn hiển nhiên là Đế quốc Parthia. Vào thời Chúa Giêsu, Đế quốc Parthia là tên của Đế quốc Ba Tư trước đây, ngày nay là Iran và Iraq. Vào thời Parthia, có một giai cấp các tư tế thông thạo chiêm tinh dựa trên tôn giáo cổ Zoroastrianism[1]. Hầu hết các học giả tin rằng các đạo sĩ là những nhà chiêm tinh tư tế của tôn giáo này đến từ Ba Tư.

Tuy nhiên, tất cả những điều này không được ghi lại trong Tin Mừng Matthêô. Cũng chẳng thấy chỗ nào nói họ là vua hay nói về lạc đà trong trình thuật của Matthêô. Như vậy, do đâu mà có ý tưởng rằng những nhà thông thái này là những ông vua cỡi lạc đà? Ý tưởng về ba vua và sự hiện diện của những con lạc đà  đến từ hai lời sấm trong Cựu Ước.

Thánh Vịnh 72,10-11 viết:

“Từ Tarshish và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Sheba và Seba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.”

Isaia chương 60 được đọc trong ngày lễ Hiển Linh, cũng giống như Thánh Vịnh 72, đã làm nổi lên ý nghĩa kép chuyến viếng thăm của các đạo sĩ: ánh sáng Đức Kitô đã chiếu soi thế gian và nó dành cho mọi người chứ không riêng gì dân Do Thái. Lời sấm viết:

“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.

2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.

3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.

4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.

5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.

6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Midian và Ephah:
tất cả những người từ Sheba kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA. ” (cc. 1-6).

Đấy! Ta có thể thấy ý tưởng về ba vua và lạc đà đến từ đâu. Matthêô nói rằng các vua đến từ phương Đông, và Ba Tư dường như là lựa chọn hiển nhiên, nhưng đoạn trích Isaia tiên báo rằng các vua đến từ Ephah, Midian và Sheba. Vậy đây là nơi đâu?

Midian là tên trong Cựu Ước để chỉ vương quốc của người Nabateans vào thời Chúa Giêsu. Nó nằm ở phía Đông và Nam của Giêrusalem – hiện nay là  Jordan – và Ephah là thành phố của Midian nằm xa về hướng Nam trong bán đảo Ả Rập. Vương quốc cổ Sheba tập trung ở vùng ngày nay là Yemen, cũng về hướng Đông và Nam.

Theo bằng chứng tìm được trong Kinh Thánh, lời sấm của Isaiah gợi ý rằng các nhà thông thái đến từ phần đất mà ngày nay là Jordan, Saudi Arabia và Yemen. Nếu vậy, chắc chắn họ cỡi lạc đà vì vùng Midian đặc biệt nổi tiếng có nhiều lạc đà.

Ta có thể dùng sấm ngôn Cựu Ước để nói các nhà thông thái đến từ đâu không? Những ai tin vào sự chính xác của sấm ngôn Kinh Thánh thì không gặp vấn đề gì khi tin như vậy. Tuy nhiên, cũng có những chỉ dẫn khác gợi ý rằng họ đến từ bán đảo Ả Rập hơn là vùng Ba Tư. Ba lễ vật là vàng, nhủ hương và mộc dược là những manh mối để giải quyết vấn đề nan giải này.

Lễ vật của các đạo sĩ

Vàng đến từ đâu? Như đã nói, Yemen ngày nay thuộc nền văn minh cổ Sheba. Sự thịnh vượng đến huyền hoặc của vương quốc này dựa vào các mỏ vàng ở Ethiopia. Các nhà khảo cổ gần đây đã khám phá ra các mỏ vàng mà họ tin rằng là của nữ hoàng Sheba.

Câu chuyện nữ hoàng Sheba (xem 1 V 10), đem cả đoàn tùy tùng đi theo với các lễ vật sang trọng như một điềm tiên tri. Như nữ hoàng Sheba mang lễ vật đến với vua Do Thái là Solomon, thì vua Sheba thời Chúa Giêsu cũng đến mang lễ vật cho vua Do Thái, như tổ tiên ông đã làm.

Hơn nữa, các vua Yemen vào thời Chúa Giêsu là người Do Thái. Họ quan tâm sâu sắc đến những chuyển biến trong triều đình Hêrôđê và việc một vị vua Do Thái mới ra đời. Cuối cùng, chính Chúa Giêsu cũng đã nói lên mối liên hệ này trong Matthêô 12,42 khi đề cập đến chuyến viếng thăm vua Salomon của nữ hoàng, rồi so với chính mình khi nói: “nhưng ở đây còn có người lớn hơn Salomon nữa”.

Có nhiều manh mối hơn khi dựa vào ba lễ vật này. Bán đảo Ả Rập – đặc biệt là vùng Midian và Sheba — là nơi duy nhất trên thế giới có loại cây đặc biệt mà từ đó người ta thu hoạch nhựa để làm hương liệu và mộc dược. Hai lễ vật quý giá này – được sử dụng vì hương thơm và các mục đích dược liệu – là hoa màu của vùng đất này.

Nguồn gốc của ba lễ vật cho thấy các nhà thông thái đến từ bán đảo Ả Rập. Và các lễ vật không chỉ là quà tặng quý giá dâng lên Đức Kitô nhưng còn là những tặng phẩm biểu trưng cho những vương quốc làm ra nó.

Các tặng phẩm có tính ngoại giao và gợi ý rằng các đạo sĩ là các vị vua hay đại sứ của triều đình Nabatea và Sheba. Thú vị hơn nữa, có sự giao thương nhộn nhịp trên “con đường trầm hương” chạy từ phía Nam Ả Rập cho đến nơi bây giờ là Jordan và băng qua Judea đến Gaza. Nếu các đạo sĩ đi từ Ả Rập và vương quốc Nabatea (ngày nay là Jordan), họ sẽ đi ngang qua Giêrusalem và Bêlem.

Họ là các tư tế?

Họ có phải là các tư tế chiêm tinh? Trong khi chúng ta biết rằng có một giáo phái bí thuật chiêm tinh ở Ba Tư thế nhưng các nhà thông thái Ba Tư này phân tán khắp vùng Đế quốc Parthian, trải dài xuống bán đảo Ả Rập và xa hơn nữa. Và thật sự những người Hỏa giáo Ba Tư không phải là  những nhà chiêm tinh và thông thái duy nhất. Kiến thức và sự khôn ngoan về chiêm tinh thời cổ cũng như thuật nói tiên tri đã được thực hành khắp thế giới cổ xưa.

Chúng ta không biết chắc các nhà thông thái được đề cập trong câu chuyện Giáng Sinh là ai, và các giả thiết cũng như giải thích sẽ vẫn còn tiếp tục. Nhưng nếu gom các bằng chứng lại với nhau thì dường như họ là những nhà chiêm tinh chịu ảnh hưởng của giáo phái Hỏa giáo (Zoroastrianism) trong triều đình của các vương quốc Nabatea và Sheba, mang những lễ vật có ý nghĩa ngoại giao đến dâng cho Vua Do Thái vừa mới chào đời.

 

[1] Hỏa giáo còn được gọi là Hiên giáo, Hỏa hiên giáo, Hỏa yêu giáo hay Bái hỏa giáo là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster (Zarathushtra) sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần trí tuệ Ahura Mazda là thần thế lực cao nhất. (https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Fa_gi%C3%A1o)

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: Giáng sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay10,540
  • Tháng hiện tại397,705
  • Tổng lượt truy cập28,713,074

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây