Giữ lửa cháy bừng: Tông huấn ‘Christus Vivit’

Thứ sáu - 12/04/2019 18:21
x


Giữ lửa cháy bừng: Tông huấn ‘Christus Vivit’
Antonio Spadaro, SJ

Ngài đang sống và muốn bạn sống! Đức Phanxicô đã mở đầu như thế trong Tông huấn mới được ký vào ngày 25 tháng Ba 2019. Tiếng reo này đã tóm kết ý nghĩa tàng ẩn trong bản văn của Bergoglio, có tựa đề Christus Vivit, Đức Kitô sống. “Sự sống,” “đang sống,” “sống” là những từ được lập lại khoảng 280 lần trong bản văn, cũng nhiều như từ “người trẻ” là từ khóa của Tông huấn. Sống trọn vẹn: đây là điểm trọng yếu trong suy tư của Đức Phanxicô về người trẻ. Lật qua những trang của Tông huấn ta thấy được năng lượng tràn trề như lay động chúng ta hay nói văn vẻ là thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn.

Tuổi trẻ không hiện hữu: chỉ có người trẻ

Trong một cuốn sách dưới hình thức phỏng vấn “God is Young” (Thiên Chúa luôn trẻ)[1], Đức Phanxicô nói rằng “tuổi trẻ không hiện hữu. Khi ta nói về tuổi trẻ thì thường vô thức liên hệ đến những điều huyền hoặc về tuổi trẻ. Tôi thì cho rằng tuổi trẻ không hiện hữu, chỉ có người trẻ”.[2] Người trẻ không được phân loại như một giai cấp riêng biệt.

Hiển nhiên, ta có thể nói với Thánh giáo hoàng Phaolô VI rằng thời tuổi trẻ “không nên được xem như là thời của những đam mê tự do, sự thất bại không tránh khỏi, những khủng hoảng khó vượt qua, sự bi quan suy đồi, tính vị kỷ gây hại; làm người trẻ là một ân sủng, nó là sự chúc phúc”.[3] Và đây là ân sủng và chúc lành được ban cho mọi người, tất cả chúng ta hay những ai đã từng là người trẻ. Vì thế, nói về người trẻ là nói về nhân loại. Vượt qua mọi xét đoán khác, Giáo Hội nhìn thấy trong họ những bản năng dành cho hạnh phúc và sự trọn vẹn của những ai mở lòng mình ra với sự sống.

Christus Vivit là sự kết nối trong xâu chuỗi. Hiển nhiên là phải đọc nó như một bản văn riêng biệt, nhưng nên biết rằng Đức thánh cha đã “lấy làm của riêng mình” một tiến trình ghi chép phong phú và phức tạp có sự tham gia của hàng trăm người trẻ: Thượng hội đồng giám mục lần thứ 15 về chủ đề “Người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi”, được tổ chức ở Roma, ngày 3 đến 18 tháng Mười 2018 và Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng nay.[4] Nói về người trẻ là nói về những hứa hẹn. Mỗi người trẻ có điều gì đó của một ngôn sứ. Thượng hội đồng được triệu tập và giải thích lời ngôn sứ này. Christus Vivit là một phần của công trình chú giải này, gồm 9 chương. Chúng ta hãy gom lại những từ khóa của những gì Đức Phanxicô nói khi chúng xuất hiện trong bản văn.

Ngài đang sống và muốn bạn sống!

Chương mở đầu là một chuỗi cận cảnh những người trẻ trong Kinh Thánh. Rất đáng đọc khi Đức thánh cha không làm một bài đại diễn từ mà chỉ tổng hợp vài đặc trưng, vài hành động và cử chỉ … những nét phác họa đủ để vẽ nên một bức tranh lớn. Như vậy ta thấy được một Thiên Chúa gợi hứng cho người trẻ trong giấc mơ của mình (Giuse) và chọn lựa người tuyển chọn của Ngài trong số người chẳng mấy ai biết đến (Đavít). Và chúng ta có một người trẻ thẳng thắn không bọc đường những khắc nghiệt của cuộc (Gideon), những người trẻ luôn bất an đã biết thế nào để can đảm (Samuel), người trẻ thấy mình lạc lõng trước trách nhiệm nhưng biết phản ứng cách khôn ngoan (Solomon) hay đánh thức lương tâm của dân tộc mình (Giêrêmia), người trẻ là mẫu gương cho sự độ lượng trong thời khó khăn (Rút), hay như cô thiếu nữ vô danh phục vụ cho bà vợ của Naaman, vị chỉ huy quân đội của vua Aram, chị đã thông minh biết cách làm thế nào để giúp “ông chủ” của mình.

Kỹ thuật phác họa này cũng được sử dụng cho Tân Ước, nơi những người trẻ muốn trải nghiệm thay đổi trong cuộc sống, muốn được biết. Đức thánh cha viết: “Người ta không nhắm việc làm cho người trẻ thối chí; người ta mong họ mơ những điều vĩ đại, tìm kiếm những chân trời rộng lớn, nhằm mục đích cao hơn, thách thức thế giới, chấp nhận các thách thức và cống hiến những gì tốt nhất của bản thân để xây dựng một điều gì đó tốt hơn” (Số 15).

Có người còn muốn “từ bỏ tuổi trẻ của mình” (Số 18). Đây là lối diễn tả mạnh mẽ liên quan đến người trẻ tuổi kia đến với Đức Giêsu để tìm kiếm “điều gì đó khác hơn”, nhưng lại buồn bã quay đi. Và như thế, từ bỏ tính cách trẻ là sống phân tâm, mê ngủ, và “lướt qua bề mặt của cuộc sống” (Số 19).

Chương hai xây dựng hình tượng của “tính cách trẻ”. Chúng ta không chỉ nhìn vào trực giác về hiện tượng tuổi trẻ. Chúng ta có một gương mặt: gương mặt Đức Giêsu. Đức thánh cha nhìn thấy tính cách trẻ ở đấy. Đức Kitô cũng được trình bày với vài đặc điểm và được tô vẽ với sự tưởng tượng nào đó.

Đức Giêsu là người trẻ với nhiều mối liên hệ. Hãy đọc hình ảnh mà Đức Phanxicô vẽ ra về đoàn hành hương gia đình lên Giêrusalem: “Chúa Giêsu ở đó, trà trộn với những người khác, đùa giỡn với người trẻ khác, kể cho người lớn những câu chuyện dỡn và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của nhóm. Thật vậy, chữ Hy Lạp mà Thánh Luca sử dụng để mô tả nhóm - synodía – rõ ràng gợi lên một “cộng đồng lớn hơn đang trên hành trình”, mà Thánh gia là một thành phần. Nhờ sự tin tưởng của cha mẹ, Người có thể tự do di chuyển và học cách lữ hành cùng người khác” (Số 29).

Ở đây chúng ta thấy tính cách đặc biệt khi ở trong đoàn người (caravan), điều mà Đức thánh cha liên hệ với từ “synod” (thượng hội đồng), nghĩa là, biến cố của Giáo Hội phát sinh ra tông huấn này.  Một giáo hội có tính hội đồng (synodal Church) là giáo hội biết làm thế nào để trẻ và là một phần của thế giới dấn thân vào thế giới của những mối liên hệ mà không tách ra thành một vị trí riêng biệt, ưu tuyển. Đây là một đoàn người: đây là hình ảnh của Giáo Hội. Đây cũng là cách sống trong thế giới với những dự án, nhưng không phải “những dự án cách ly những người trẻ khỏi gia đình và cộng đồng lớn hơn, hoặc biến họ thành thiểu số ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm. Thay vào đó, chúng ta cần các dự án có thể củng cố họ, đồng hành cùng họ và thúc đẩy họ gặp gỡ người khác, dấn thân vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ mệnh” (Số 30).

Sự luôn thao thức, chìa khóa đưa đến sự thánh thiện và sứ mệnh của Giáo Hội

Đây là điều Giáo Hội được kêu mời (cf. Các số 34-42): thoát khỏi mọi xơ cứng và bất động, có thể đấu tranh cho công bằng, trở nên khiêm tốn. Nhưng Đức Phanxicô biết rằng nhiều người trẻ không cho rằng Giáo Hội có ý nghĩa trong cuộc đời họ. Thật vậy, nhiều người thấy rằng Giáo Hội thật phiền toái và gây khó chịu (cf. Số 40). Khi tự vệ và không lắng nghe, Giáo Hội trở thành một “Viện bảo tàng” (Số 41). Vì thế, vấn đề ở đây là: Làm thế nào để Giáo Hội ôm lấy những giấc mơ của người trẻ?

Đức thánh cha không dừng lại ở mức độ trừu tượng, nhưng vạch ra vài hình ảnh khác, chân dung ngắn gọn của 12 vị thánh trẻ là sự tiếp nối những bức phác họa các nhân vật trong Kinh Thánh: từ Thánh Sebastian ở thế kỷ III đến Chân phước Chiara Badano mất năm 1990.

Đức thánh cha thấy rằng Đức Maria là hình ảnh trọn vẹn của Giáo Hội. Nhưng thật thú vị khi lưu ý rằng ngài định nghĩa Đức Maria như là người luôn thao thức hay “tràn trề năng lực” (Số 46). Tóm lại, luôn thao thức là chìa khóa đến sự thánh thiện và nhiệm vụ của Giáo Hội.

Chương thứ ba của tông huấn dành cho việc đọc được hiện trạng của người trẻ hôm nay, và chính xác là sự thao thức của họ. Việc đọc này không có ý xét hết mọi mặt song chỉ nhắc rộng rãi hơn đến Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng. Đức Phanxicô viết ở phần đầu Tông huấn Christus Vivit: “Bằng cách này, những lời lẽ của tôi sẽ lặp lại vô số tiếng nói của các tín hữu trên toàn thế giới từng làm cho ý kiến của họ được Thượng hội đồng biết đến. Có những người trẻ không phải là tín hữu, nhưng muốn chia sẻ suy nghĩ của họ, cũng nêu ra những vấn đề khiến tôi phải đặt nhiều câu hỏi mới” (Số 4).

Những lời của Đức thánh cha được nạp điện bằng những tiếng nói của tín hữu lẫn người không tin. Ngài làm thế với sự kính trọng thánh thiêng. Thật vậy, ngài viết: “Cõi lòng mỗi người trẻ nên được coi là “mảnh đất thánh thiêng”, mang hạt giống sự sống thần thiêng, mà trước nó, chúng ta phải cởi giày của mình ra mới có thể đến gần và bước vào Mầu Nhiệm sâu hơn” (Số 67).

Từ sự năng động của Thượng hội đồng, một phương pháp nổi bật lên mạnh mẽ và được khẳng định bởi Tông huấn của Đức Phanxicô: trước khi giải thích hay chọn lựa, bạn cần lắng nghe, bạn cần biết rõ thực tại. Bạn cần để mình không nghỉ ngơi, hoặc bị quấy rầy bởi thực tại. Bạn không thể nghe thấy được người trẻ nếu bạn không đi cùng họ trên các nẻo đường của thế giới. Hội họp cùng nhau trong sảnh đường Thượng hội đồng, những mục tử của Giáo hội ý thức rằng sứ điệp Tin Mừng, kho tàng của Giáo Hội, chỉ được lưu truyền bằng cách đi cùng đường với người trẻ. Thật vậy, trong dân Chúa, họ có thể đi trước cả chúng ta. Biểu tượng đi cùng với những suy tư của Thượng hội đồng là các môn đệ làng Emmaus. Nó được Đức Phanxicô sử dụng lại trong tông huấn của mình (cf. Các số 156, 236, 292, 296). Toàn bộ chương ba của tông huấn khẳng định phương pháp đi cùng nhau này.

Điều đầu tiên ta phải lưu ý khi lắng nghe là những tiếng nói khá khác biệt nhau khó hình thành một tiếng nói duy nhất. Đa giai điệu là cần thiết. Ta không thể xếp mọi thứ làm một và như nhau. Như chúng tôi đã nói lúc đầu: ta không thể nói về “tuổi trẻ” cách chung chung. Nếu ta lắng nghe họ và đi cùng họ, tất cả mọi khác biệt và đa dạng của tiếng nói trong họ sẽ nổi lên.

Người trẻ trong một thế giới đang khủng hoảng

Và dù những khác biệt, Đức Phanxicô không do dự khi nói về “người trẻ trong một thế giới đang khủng hoảng” trong tựa đề của một chương. Và khủng hoảng là kết quả của bạo lực, lạm dụng, nghiện ngập và loại trừ đa thể loại. Sự đáp ứng tồi tệ nhất cho tất cả điều này sẽ là “anesthesia” (gây mê): trở nên quen thuộc với xâm lược này của tâm trí và tâm hồn, mất đi sự nhạy cảm, dừng lại ở bình diện bên ngoài và không biết điều gì là không mong muốn, nghèo nàn, xấu xa và thừa thải.

Và thuốc giải là: nhìn thấy sự việc qua đôi mắt đầy nước mắt. Đây là những câu hỏi mà Đức Phanxicô đã đặt ra: “Tôi có thể khóc không? Tôi có thể khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ đói lả, dùng ma túy hoặc ở đường phố, vô gia cư, bị bỏ rơi, bị ngược đãi hoặc bị bóc lột như một nô lệ của xã hội không? Hay là cái khóc của tôi chỉ là cái khóc rên rỉ vị kỷ của các người khóc vì họ muốn một điều gì khác?” (Số 76).

Đức thánh cha nhìn thấy nơi người trẻ “những ước ao, những tổn thương và khao khát” và nhắc rằng Thượng hội đồng đã nhận ra ba chủ đề quan trọng này (cf. Tài liệu cuối cùng, các số 21-31, và trong Tông huấn, các số 86-102). Ngài nhặt lấy và trích dẫn chúng dài hơi. Đó là: môi trường kỹ thuật số, di dân và sự lạm dụng.

Môi trường kỹ thuật số không chỉ được hiểu như là dụng cụ truyền thông, nhưng là bối cảnh cho một nền văn hóa kỹ thuật số rộng rãi hơn. Đức Phanxicô rất rõ ràng khi đồng hóa kỹ thuật số như là bối cảnh cho việc “tham gia chính trị xã hội và quyền công dân tích cực” (Số 87). Trong nghĩa này, ngài đã đụng chạm đến một chủ đề rất nóng trong xã hội chúng ta: một vấn nạn nhưng đồng thời là một thách đố. Ta không thể vờ như hệ thống mạng không hiện hữu và phải lưu ý rằng sự đồng thuận được hình thành qua không gian kỹ thuật số. Đặc biệt, sự bất mãn cũng được biểu lộ ở đấy. Ta phải làm thế nào để khiến cho mạng lưới thành một hình thức tham gia dân chủ mà không rơi vào cạm bẫy của chính sách mị dân?

Di dân được hiểu như là “điển hình cho thời đại chúng ta”. Hiện tượng này được diễn tả qua những hệ quả của nó như là sự đau khổ và lạm dụng, cũng như những não trạng bài ngoại. Giáo Hội hôm nay được kêu gọi đóng vai trò ngôn sứ. Chắc chắn đây là một chủ đề nóng bỏng khác.

Thảm kịch lạm dụng được nói rõ qua những hình thức gắn liền với quyền lực, với kinh tế, lương tâm và tính dục. Đức Phanxicô giải thích: “Đám mây đen này cũng thách thức mọi người trẻ yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội của Người: họ có thể là một nguồn chữa lành lớn lao nếu họ sử dụng khả năng lớn lao của họ để mang lại sự đổi mới, thúc giục và đòi hỏi chứng tá nhất quán, tiếp tục mơ ước và đưa ra các ý tưởng mới mẻ” (Số 100).

Một chủ đề hiện diện suốt tông huấn là việc bảo vệ quyền phụ nữ và nhu cầu tương trợ (Các số 42 và 81) giữa đàn ông và phụ nữ. Đức thánh cha nói về điều này trong số 42: “Thay vào đó, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng cách lưu ý đến các yêu sách chính đáng của phụ nữ muốn tìm công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn lại lịch sử và thừa nhận một phần quả mình sai lầm trong chủ nghĩa toàn trị, thống trị nam giới, nhiều hình thức nô dịch, lạm dụng và bạo lực tình dục. Với quan điểm này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và cung hiến sự hỗ trợ đầy thuyết phục cho tính hỗ tương lớn hơn giữa nam và nữ, dù không nhất trí với mọi điều được một số nhóm nữ quyền đề xuất.”

Ta cũng nên lưu ý sự dịch chuyển từ “tính bổ túc” (complementarity) sang “tính hỗ tương” (reciprocity). Tính bổ túc dường như mang tính tĩnh tại hơn và gán cho phụ nữ một vai trò cũng như cho đàn ông một vai trò khác. Cách nào đó điều này làm kết tinh những mối liên hệ trong trò chơi mô tả tính cách nhân vật mà không tôn trọng đời sống cụ thể của cặp đôi nam nữ. Mạc khải Kitô giáo thành đặt điều này vấn đề, và rồi thì một quan niệm thuần khiết về bản tính con người giải thích sự khác nhau như là cái gì đó được hoạch định để biến tan trong sự kết hợp của tình yêu mà bằng sự phối hợp với nhau một hữu thể nhân sinh hoàn hảo sẽ nổi lên. Trong số 245 ta lưu ý rằng Đức Phanxicô nói về sự thiếu vắng mẫu gương của liderazgo femenino, nghĩa là “những mẫu gương phụ nữ có vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội”.

“Đại sứ điệp”

Chương bốn là chương trung tâm của Tông huấn. Nó được dành riêng cho “đại sứ điệp gởi cho người trẻ” và chứa đựng “ba chân lý lớn mà tất cả chúng ta cần phải lắng nghe” (Số 111).

Đầu tiên là “Thiên Chúa yêu thương bạn”. Sứ điệp này thật đơn giản. Thế nhưng đây là trong tâm của sứ điệp Kitô giáo. “Bất luận các bạn đã nghe nó hay chưa. Tôi muốn nhắc các bạn nhớ điều đó. Thiên Chúa yêu các bạn. Đừng bao giờ nghi ngờ điều này, bất cứ điều gì có thể xảy ra với các bạn trong cuộc sống. Ở mọi thời điểm, các bạn đều được yêu thương vô hạn” (Số 112). Trên hết, Thiên Chúa không phải là một ổ đĩa cứng. Bộ nhớ của Ngài là “một trái tim chứa đầy lòng trắc ẩn dịu dàng” (Số 115). Không có chân lý này trong Kitô giáo thì mọi sự rơi ra từng mảnh. Tác phẩm mục vụ của Đức Phanxicô luôn gây chú ý khi nó sửa sai hình ảnh về một Thiên Chúa nặng nề, mơ hồ và giả tạo. Chúng ta bị quá tải bởi hình ảnh về Thiên Chúa với những ý tưởng làm Ngài xa cách với hình ảnh chân thật của Ngài như là Đấng yêu thương sự sống.

“Đại chân lý” thứ hai mà Đức Phanxicô diễn tả trong chương bốn của Christus Vivit là: “Đức Kitô, vì yêu thương, đã hoàn toàn hiến mình để cứu rỗi chúng ta.” Và chân lý này trở nên lời mời gọi đi đến hành động: “Hãy nhìn vào thập giá của Ngài, bám vào Ngài, để Ngài cứu các bạn” (Số 119). Tình yêu này đi xa đến mức thập giá khắc phục những yếu đuối và mâu thuẫn của chúng ta. Thật vậy, Đức Kitô viết nên câu chuyện tình với chúng ta qua “những vấn đề, yếu đuối và sai sót” của chúng ta (Số 120). Không gì và không ai bị gạt ra ngoài thập giá.

Chân lý thứ ba là Đức Giêsu Kitô đang sống: ¡Él vive! Ngài không chỉ là tấm gương từ trong quá khứ. Đức Bergoglio đòi hỏi: “Các bạn hãy xem Chúa Giêsu như người hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Hãy vui mừng với Người như với một người bạn đã chiến thắng. Người ta đã giết Người, Đấng thánh, Đấng duy nhất công chính, Đấng vô tội, nhưng cuối cùng Người đã chiến thắng. Cái ác không có lời cuối cùng. Nó cũng sẽ không có lời cuối cùng trong cuộc đời các bạn, vì các bạn có một người bạn yêu các bạn và muốn chiến thắng trong các bạn. Đấng Cứu Rỗi của các bạn đang sống” (Số 126). Ta có thể thấy sự chiến thắng, sự vinh thăng trong những lời này, chừng như chúng là hoa trái của niềm vui phục sinh. Đây là điều làm cải hóa chứ không chỉ là “một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả” (số 129).

Như vậy, đây là ba đại chân lý của đức tin: “Thiên Chúa yêu các bạn; Chúa Kitô là Đấng Cứu Rỗi của các bạn; Ngài đang sống” (Số 130).

Bay lên với đôi chân của bạn

Trong chương năm của Tông huấn, Đức thánh cha hỏi điều gì đã thay đổi con đường của tuổi trẻ khi nó được Tin Mừng chiếu rọi. Những yếu tố của hành trình này là gì?

Đức Phanxicô đưa ra những ý tưởng để suy tư, giống như những ghi chú cho cuộc linh thao. Tư tưởng của ngài không như một khảo luận hàn lâm nhưng là một loạt các bản văn cung cấp cho độc giả, đưa ra hướng dẫn để suy tư về hiện sinh và thiêng liêng.

Những giấc mơ và chọn lựa. Thời tuổi trẻ thường được hiểu như là thời của những giấc mơ. Nhưng Bergoglio suy tư rằng sự gặp gỡ với Thiên Chúa làm cho con người trưởng thành và giấc mơ chín mùi, nếu không nó vẫn chỉ là trừu tượng. Đức tin đưa con người đến trách nhiệm: đây là điều trọng yếu. Sự không ngơi nghỉ được xem như là động cơ tăng trưởng vì nó mở cửa trái tim và giữ cho nó luôn luôn mở (cf. Số 138), nhưng nó không được ở trong tình trạng lờ mờ: nó phải đưa đến những chọn lựa. Khi Đức Phanxicô thấy một chàng trai hay cô gái tìm kiếm con đường của mình trong cuộc sống, ngài nhìn thấy như có ai đó muốn “bay lên trên đôi chân của mình”. Đây là cách diễn tả tuyệt hay và đầy đủ. Song Đức thánh cha thấy cần phải chính xác hơn: người trẻ đi trên hai chân giống như người trưởng thành, nhưng trái với người trưởng thành hai chân song song, người trẻ đặt một chân lên trước chân kia, sẵn sàng bước đi. Nói về người trẻ là nói về lời hứa hẹn, mở ra con đường cho hành trình những sự lựa chọn, nghĩa là sự sống đang được sống. Người trẻ đủ điên để làm điều ngốc nghếch, nhưng họ cũng có đủ tài để vực dậy sau đó (cf. Số 139) và tiến về phía trước.    

Khát vọng sống và kinh nghiệm. Hành trình của người trẻ có khuynh hướng về tương lai và có năng lượng cần thiết để chống lại những ảo tưởng của lịch sử. Có lẽ vấn đề sẽ là sự lo lắng xao xuyến (cf. Số 142), nó trở thành thù địch trong khoảng khắc ta thấy rằng hành động của chúng ta không đem lại kết quả ngay lập tức và vì thế chúng ta sợ, bất an và tê liệt. Đức thánh cha tự đặt mình trong hiện trạng của người trẻ sống trong mối căng thẳng này. Ngài nhìn thấy nguy cơ điều này có thể đưa đến sự bất mãn hay vô trách nhiệm. Sứ điệp của ngài rõ ràng thúc đẩy tiến lên phía trước, khi nhận biết rằng Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta sống giây phút hiện tại chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai (cf. Số 147).

Tình bằng hữu. Một yếu tố quan trọng trong đời sống của người trẻ là tình bằng hữu. Đức thánh cha viết rằng Thiên Chúa giúp ta trưởng thành qua bạn bè. Sự hiện diện của bạn bè ở bên cạnh ta trong những lúc khó khăn phản ánh sự trìu mến của Thiên Chúa, sự an ủi và hiện diện dịu dàng của Ngài. Việc kết bạn dạy chúng ta mở lòng mình ra, từ bỏ sự cô lập, chia sẻ đời sống của chúng ta (cf. Số 151). Đây là hình thức liên hệ của người trẻ với Đức Kitô: không phải là sự gắn kết trí năng hời hợt mà là mối thâm tình cao quý của tình bằng hữu.

Trưởng thành và chín mùi. Sự nhiệt tình của tuổi trẻ cần được đồng hành trong sự trưởng thành và chín mùi của nó để sự nhiệt tình không dập tắt vì nhu cầu an toàn và tiện nghi đang gia tăng. Sự cởi mở và mê hoặc không cần phải mất đi. Đức thánh cha đưa ra kinh nghiệm của riêng mình và tự thú: “Khi tôi bắt đầu sứ vụ của mình với tư cách là Giáo hoàng, Chúa đã mở rộng các chân trời của tôi và ban cho tôi tuổi trẻ đổi mới” (Số 160). Câu này là một cái nhìn thấu vào trong đời của Đức thánh cha. Sự chín mùi mở ra những chân trời này đã trở thành lời ngôn sứ khích động cho những ai ở gần chúng (cf. Số 162).

Tình huynh đệ. Sự trưởng thành chín chắn được diễn tả qua sự cởi mở với tha nhân, một hình thức thật sự của “xuất thần” như lời Đức thánh cha đã viết. Và sự nhìn nhận tình huynh đệ triệt để. Để làm chứng cho tình huynh đệ này, Đức thánh cha đã trích dẫn các giám mục của một quốc gia từng kinh nghiệm về một cuộc chiến huynh đệ tương tàn: Rwanda.

Dấn thân. Theo nghĩa này, Đức thánh cha khuyến khích sự tập hợp lại để mở ra với sự dấn thân, vượt ra ngoài những nhóm nhỏ. Ngài nói về “công việc thiện nguyện” và “bác ái chính trị”, “quyền công dân tích cực” và “tính liên kết xã hội”. Đây là những cách diễn tả về sự dấn thân cụ thể để xây dựng một xã hội mới. Một lối diễn tả thường lập lại trong ngôn ngữ của Bergoglio đã tổng kết hình thức tột đỉnh của sự dấn thân: “tình bằng hữu xã hội”, nó mãnh liệt hơn từ “gắn kết”, nhưng cũng là từ thượng lưu. Tình bằng hữu này là hoa trái của sự hội tụ của “năng lực được sẻ chia” (Số 172).

Sứ mệnh. Cuối cùng, Bergoglio nói rõ rằng sự dấn thân này không có ranh giới lẫn giới hạn. Tin Mừng dành cho những người mọi người chứ không chỉ cho những ai ở gần hay nhạy cảm hơn. Sự hợp tác trong việc biến đổi thế giới với năng lực, táo bạo và sáng tạo là nhiệm vụ của cho mọi người.

Những cành cây trên trời và rễ dưới đất.

Tinh thần chung của tông huấn gắn liền với hoạt động biến đổi thế giới. Và phải làm ngay bây giờ chứ không phải ngày mai hay tương lai. Song Bergoglio dành nguyên một chương nói về sự cần thiết của cội rễ. Một tương lai không quá khứ chỉ là thoảng qua; tuổi trẻ không lịch sử và truyền thống có nguy cơ là một ý thức hệ đơn thuần hay một huyền thoại, sự thao túng hay hời hợt: “Thế giới chưa bao giờ được hưởng lợi, cũng như sẽ không bao giờ được hưởng lợi, từ sự đứt đoạn giữa các thế hệ” (Số 191).

Giáo Hội là một chiếc ca nô – đây là điều mà một dự thính viên từ Quần đảo Samoa đã nói ở Thượng hội đồng – nơi mà người già giúp chọn hướng đi bằng cách đọc vị trí của các vì sao và người trẻ, khi đối thoại với người già, đã chèo thuyền với sức mạnh của mình. Đức thánh cha đã nhớ lại lời phát biểu này và đưa nó vào trong Tông huấn Christus Vivit, ngài kết luận rằng chúng ta phải bước lên cùng một con thuyền để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (Số 201). Đối với Đức Phanxicô, người trẻ là một ngôn sứ, nhưng chỉ có thể nói lời ngôn sứ bằng việc lắng nghe giấc mơ của những người đi trước họ trên hành trình cuộc sống: những giấc mơ trên căn bản kinh nghiệm lâu dài của họ.

Đáng chú ý là trong bối cảnh Thượng hội đồng một sự kiện được tổ chức để giới thiệu cuốn sách “Sharing the Wisdom of Time” (Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian).[5] Đức thánh cha tham dự và chào đón những câu hỏi về chủ đề các mối tương quan liên thế hệ từ những người lớn tuổi và trẻ tuổi. Chính cuốn sách là một sưu tập những chứng từ của những người lớn tuổi trên khắp thế giới mà Đức thánh cha đã tương tác, chú thích và kể những câu chuyện cá nhân. Giờ đây Đức thánh cha quay lại với cuốn sách này khi viết: “Trong cuốn sách Chia sẻ sự Khôn ngoan của Thời gian (Sharing the Wisdom of Time), tôi đã phát biểu một số suy nghĩ dưới hình thức câu hỏi “Tôi yêu cầu điều gì nơi những người lớn tuổi trong đó có tôi? Tôi kêu gọi chúng tôi trở thành những người gìn giữ ký ức. Các ông các bà chúng tôi cần phải thành lập một ca đoàn. Tôi vốn hình dung các người lớn tuổi như một ca đoàn thường trực của một đền thánh tâm linh vĩ đại, nơi những lời cầu khẩn và những bài ca ngợi nâng đỡ cộng đồng lớn hơn đang hoạt động và đấu tranh trong lĩnh vực sự sống”. Quả là một điều tuyệt vời “khi những chàng trai và thiếu nữ cùng nhau, những người già và trẻ em, đều ca ngợi thánh danh Chúa - Tv 148, 12-13” (Số 196).

Người già xây dựng ước mơ của mình trên căn bản ký ức, hồi ức, với hình ảnh những kinh  nghiệm sống đã nhiều năm. Theo Đức Phanxicô, nếu người trẻ đâm rễ trong những giấc mơ của người già, họ có thể thấy được tương lai, họ có thể có được những thị kiến mở cho mình những chân trời. Nhưng nếu người lớn tuổi không mơ thì người trẻ không thấy rõ những chân trời (cf. Số 193). Phá vỡ những tương quan liên thế hệ sẽ là một cú đánh vào lịch sử.

Đừng đánh mất ngọn lửa

Toàn chương bảy dành cho “chăm sóc mục vụ giới trẻ”, nghĩa là hoạt động giáo dục khi Giáo Hội đồng hành với người trẻ và khuyến khích họ nắm vai trò chủ đạo. Đức thánh cha bắt đầu với kinh nghiệm của người trẻ đôi khi không tìm thấy câu trả lời cho những mối quan tâm của mình, những nan đề và vấn đề của mình (cf. Số 202). Người trẻ được đòi hỏi đảm nhận một vai trò lớn hơn.

Việc lên kế hoạch thì không đủ cũng như chiến lược và những cuộc hội họp cũng không đủ như là mẫu gương cho hành động. Cần phải có điều gì đó khác hơn. Đức thánh cha dùng những từ như “sáng tạo”, “táo bạo”, “cái nhìn sáng suốt”, “tài khéo” (cf. Các số 203-204). Đức Phanxicô đưa ra hai đường lối hành động chính. Đó là với tay ra (outreach) và dấn thân là cách thu hút người trẻ đến với kinh nghiệm về Thiên Chúa; và trưởng thành (growth), phát triển con đường đi đến sự chín mùi.

Đức thánh cha đòi hỏi rằng trong công việc mục vụ không nên có nguy cơ kinh khủng là làm cho người trẻ “mất lửa” (Số 212). Không để điều này xảy ra. “Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tro tàn, họ sẽ khó có thể giữ được ngọn lửa của những giấc mơ và dự án lớn. Nếu họ lớn lên trong một sa mạc không còn ý nghĩa, họ sẽ phát triển ước muốn cống hiến cuộc đời mình để gieo hạt giống ở đâu?” (Số 216).

Và chắc rằng ngọn lửa sẽ tắt ngấm ngay cả khi kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô chuyển sang “nhồi sọ lý thuyết” (indoctrination) (Số 214): “Nhiều người trẻ trở nên mệt mỏi đối với các chương trình đào tạo tín lý và thiêng liêng của chúng ta, và đôi khi đòi có cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động có lợi cho người khác” (Số 225).

Tin Mừng bị giảm thiểu thành mớ lý thuyết là một Tin Mừng nhạt nhẽo, khó hiểu, xa cách, xa với các nền văn hóa của giới trẻ và có lẽ chỉ hợp với thành phần ưu tú của một giới trẻ “khác”, những người nổi bềnh bồng một mình mà không sức sống cũng chẳng sinh hoa trái gì. Vì thế “chúng ta cũng nhổ rễ hoặc bóp nghẹt bất cứ số chồi nào đang cố gắng mọc lên bất chấp các hạn chế của chúng” (Số 232).

Giáo Hội không phải là một pháo đài

Một chương rất quan trọng dành cho công việc mục vụ trong các cơ sở giáo dục. Đức thánh cha rất thẳng thắn và gay gắt khi cho rằng “Một số trường Công Giáo dường như chỉ được cấu trúc vì mục đích tự bảo tồn. Việc sợ thay đổi khiến họ cố thủ và phòng ngự trước các nguy hiểm, có thật hay tưởng tượng, mà bất cứ thay đổi nào cũng có thể mang lại” (Số 221).

Đức Phanxicô sử dụng một hình ảnh rất mạnh mẽ: “Trường học nào trở thành “một pháo đài” (bunker), bảo vệ các học sinh của mình khỏi những lỗi lầm “từ bên ngoài”, quả là một bức tranh biếm họa của xu hướng này. Thế nhưng, hình ảnh này phản ánh, một cách ớn lạnh, điều nhiều người trẻ kinh qua khi họ tốt nghiệp từ một số định chế giáo dục nào đó: mất sự kết nối không thể vượt qua giữa những gì họ được dạy và thế giới mà họ đang sống.”

Điều đang lâm nguy ở đây không chỉ là nội dung giảng dạy mà những con người mà chúng ta muốn đào tạo. “Cách họ được dạy dỗ về các giá trị tôn giáo và luân lý đã không chuẩn bị để họ đề cao các giá trị đó trong một thế giới đưa chúng ra chế giễu, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin có thể dễ dàng được nâng đỡ giữa nhịp độ chóng mặt của xã hội hôm nay. Vì một trong những niềm vui lớn nhất mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể có là nhìn thấy một học sinh biến thành một người mạnh mẽ, hòa nhập trọn vẹn, một nhà lãnh đạo và một con người sẵn sàng cho đi” (số 221).

Con đường nghiên cứu và đặt vấn đề giúp hình thành tính cách người trưởng thành, có thể chọn lựa với sự phân định và gắn bó với đức tin bằng sự chín chắn trọn vẹn. Ta có thể nói rằng hình mẫu pháo đài đối chọi với hình mẫu bệnh viện dã chiến (field hospital) mà Đức thánh cha hay sử dụng và nói về không gian đào tạo giúp chữa những vết thương của thế giới. Đức thánh cha mạnh mẽ kêu gọi sự tham gia nắm lấy vai trò lãnh đạo.

Ơn gọi và phân định

Hai chương cuối cùng của Tông huấn dành cho ơn gọi và phân định. Đây là những chủ đề được bàn luận xuyên suốt Tông huấn Gaudete et Exsultate. Ở đây, Đức Phanxicô lại quay về với chúng trong ánh sáng của kinh nghiệm Thượng hội đồng.

Bắt đầu chương tám của Christus Vivit – dành cho ơn gọi – Đức Phanxicô viết rằng “trong việc phân định ơn gọi của mình, thật quan trọng khi xác định rằng bạn có nhìn thấy trong chính mình những khả năng cần thiết để phục vụ đặc biệt cho xã hội” (Số 255). Phục vụ tha nhân thường được gắn với hai vấn đề nền tảng là: Gia đình và Công việc.

Gia đình là hướng nhìn ngược lại của lối sống cá nhân và không ràng buộc, tù nhân của sự cô lập và cô đơn. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng thật là quan trọng khi ta có thể “hiến mình cho người một cách quảng đại và riêng biệt” (Số 265).

Công việc là một phần trong cuộc sống nhân sinh đầy đủ và trọn vẹn. Đức Phanxicô thường lập lại điều này khi ghép lại thành ba chữ T trong tiếng Tây Ban Nha là: tierra, techo y trabajo (đất đai, nhà ở và công việc). Ở đây nhắc đến cuộc nói chuyện của ngài với “những phong trào phổ thông” vào ngày 5 tháng Mười Một 2016. Đức Phanxicô viết: “Dù công việc có thể không giúp đạt được ước mơ nhưng thật quan trọng khi giúp người trẻ nuôi dưỡng một nhãn quan, biết cách làm việc theo lối của mình và thỏa mãn cho cuộc sống mình, đồng thời tiếp tục phân định tiếng gọi của Chúa” (Số 268).

Vì thế các chính trị gia phải xem công việc là một vấn đề quan trọng. Ngày nay chúng ta khám phá ra những cách thế mới để bớt làm việc ở một tốc độ lớn hơn là khám phá ra những cách thế mới để sử dụng công việc (cf. Số 271). Và còn thêm nữa là sự ám ảnh giảm giá thành đã nhanh chóng đưa đến việc đưa máy móc thay thế những việc làm. 

Lướt kênh và phân định

Tuy nhiên, cuộc ssống được hiểu như một ơn gọi, đòi hỏi một không gian tĩnh lặng nội tâm. Nó đòi hỏi bỏ lại phía sau sự lướt qua lướt lại của hiện sinh hay lướt kênh truyền hình. Đức Phanxicô đã nói về điều này trong Gaudete et Exsultate (Số 167) và trở lại với điều này ở đây. Thật sự, ngày nay “chúng ta có thể xem hai hoặc nhiều màn ảnh cùng lúc hay đồng thời tương tác với hai hay ba cảnh ảo”. Đối mặt với sự đa nhiệm của hiện sinh này, cần phải có sự khôn ngoan của phân định. Thiếu đi điều nầy, “ta dễ dàng trở thành miếng mồi cho mọi xu hướng thoáng qua” (Số 279). Sự im lặng và tĩnh lặng thật cần thiết để phân định. Đức Phanxicô đưa một loạt những câu hỏi nổi lên trong sự im lặng này. “Tôi có biết được chính mình, hoàn toàn tách khỏi những ảo tưởng và cảm xúc của mình không? Tôi có biết điều gì mang lại niềm vui hay buồn sầu cho tâm hồn của mình không? Đâu là sức mạnh và yếu đuối của tôi? Và rồi những câu hỏi khác tiếp theo: “Tôi có thể phục vụ tha nhân tốt hơn và tỏ ra có ích nhất cho thế giới và Giáo Hội của tôi? Chỗ đứng thật sự của tôi trong thế giới này? Tôi có thể hiến dâng gì cho xã hội? Thậm chí những câu hỏi thực tế hơn: Tôi đã có những khả năng cần thiết để phục vụ chưa? Tôi có thể phát triển những khả năng này không?” (Số 285).

Thật thích hợp khi nhắc lại rằng đối với Đức Phanxicô phân định không phải là sự khôn ngoan dành cho thành phần học thức, ưu tú và được khai sáng. Phân định là một đoàn sủng: “Nó không đòi hỏi những khả năng đặc biệt cũng không chỉ dành cho những người học thức hay thông minh hơn. Chúa Cha sẵn sàng mạc khải cho những kẻ bé mọn (cf. Mt 11,25)”. Đây là điều ngài đã viết trong Gaudete et Exsultate (GE 170). Nhưng trên hết, “phân định không phải là một kiểu tự phân tích chỉ biết có mình, hoặc một hình thức nội quan (tự xét nội tâm) tập trung vào mình, nhưng là một tiến trình thật sự ra khỏi chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp ta làm tròn sứ vụ mà Ngài đã mời gọi ta, vì lợi ích cho anh chị em của ta” (GE 175).

Trong Christus Vivit, Đức Phanxicô nhắm đến việc làm thế nào để giúp người ta phân định được những con đường sống của riêng mình. Ngài viết, điều đầu tiên phải làm là phải lắng nghe. Và sự lắng nghe này bao hàm ba lãnh vực khác nhau của sự nhạy cảm bổ sung (cf. Các số 292-294).

Trước hết là lưu tâm đến người khác với thời gian cần thiết và sự lắng nghe vô điều kiện. Thư hai liên quan đến khả năng nắm bắt đúng trọng tâm mà trong đó ta nhận ra ân sủng hay chỉ là sự cám dỗ đang hoạt động. Sự lắng nghe này hướng đến việc nhận ra Thần Lành nhưng cũng là chiếc bẫy của Thần Dữ, mưu đồ hay sự cám dỗ của hắn. Thứ ba là sự lắng nghe sâu sắc về nơi mà người khác muốn đến, họ muốn mình là ai, vượt qua chiếc vỏ ngoài tình cảm của họ.

Phân định là một tiến trình đòi hỏi sự đồng hành và giả định sự tự do. Không có công thức ma thuật nào ở đây. Đây là bài học lớn mà Đức Phanxicô hiến dâng cho người trẻ hôm nay: giúp họ nhận ra vận mệnh của mình và rằng thế giới đang ở trong tay họ. Trong ánh sáng đức tin, sự dấn thân của họ là ơn gọi và là sứ mệnh.

Thế giới và Giáo Hội cần sự nhiệt tình và trách nhiệm của người trẻ, đồng thời cũng cần trực giác và đức tin của họ. Người trẻ có thể chạy nhanh hơn. Chính vì thế Đức thánh cha đã kết thúc Tông huấn của mình với sự khôn ngoan và khiêm tốn khi viết rằng: “Khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa đến kịp thì hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi” (Số 299).

(Các trích dẫn Tông huấn từ bản dịch Việt ngữ của Vũ Văn An)

 
 
[1] Đức Phanxicô, God is Young: A Conversation, cộng tác với Thomas Leoncini, New York, Random House,  2018.
[2] Ibid., Phần I.
[3] Đức Phaolô VI, Diễn từ phong chân phước Nunzio Sulprizio, 1 tháng Mười Hai 1963.
[4] cf. Final Document of the Synod of Bishops on Young People, Faith and Vocational Discernment, http://www.synod2018.va/content/synod2018/en/fede-discernimento-vocazione/final-document-of-the-synod-of-bishops-on-young-people–faith-an.html.
[5] Đức Phanxicô và những người bạn, Sharing the Wisdom of Time, Loyola Press, 2019.



 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: văn kiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại603,128
  • Tổng lượt truy cập28,255,015

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây