Khởi đầu một kỷ nguyên mới

Thứ hai - 24/04/2017 05:11


Khởi Đầu Một Kỷ Nguyên Mới
Chú Giải Tin Mừng Phục Sinh: Matthêu 28, 1-10

 
Shawn Carruth, OSB
The Bible Today, số tháng Tư 2017
 
Trong những bài đọc năm A của lễ Vọng Phục Sinh với đỉnh điểm là bài Tin Mừng theo thánh Matthêu 28, 1-10, thánh sử Matthêu đã ghi lại những biến cố xảy ra vào ngày thứ ba sau khi Chúa Giêsu chịu chết và được an táng trong mộ. Nếu chúng ta chịu khó so sánh những chi tiết và những điểm nhấn nơi bốn Tin Mừng về biến cố này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những khác biệt giữa các tác giả Tin Mừng đã viết về câu truyện trên. Như đa số các học giả về Tân Ước đã đồng thuận, chúng ta giả định rằng Matthêu có bản Tin Mừng của Marcô trong tay và dùng Tin Mừng đó như một nguồn văn bản để viết, và Tin Mừng của Marcô nguyên thuỷ kết thúc với cảnh các bà chạy trốn khỏi mộ (Mc 16, 8). Từ tường thuật của Marcô, Matthêu rõ ràng đã viết thêm vào với cảnh Chúa hiện ra với các phụ nữ (Matt 28, 9-10).  Khi chú ý đến những chủ đề thường được đề cập trong Tin Mừng của Matthêu, chúng ta sẽ hiểu hơn về đoạn Tin Mừng Matthêu 28, 1-10, đặc biệt về cách Matthêu mô tả biến cố Chúa chịu chết và sống lại như dấu chỉ báo hiệu một kỷ nguyên mới, và về cách Matthêu mô tả những phụ nữ đi theo làm môn đệ Chúa.
 
Bình minh

Trước hết Matthêu đã  thêm vào bản văn của Marcô với chi tiết về thời gian khi các bà đến mộ. Thay vào câu của Marcô “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (Mc 16, 2) Matthêu viết “khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng” (Mt 28,1). Có lẽ  sự thay đổi này chỉ là sự khác biệt trong lối hành văn. Nhưng nhìn lại cảnh Chúa Giêsu chịu chết, Marcô mô tả cảnh bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai, Matthêu đã thêm vào cho cảnh đó với các chi tiết: đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy (Mt 27,51-52) và sau đó là cảnh đất rung chuyển dữ dội nơi mộ Chúa (28,23); những chi tiết này khiến chúng ta nghĩ tới một kỷ nguyên mới bắt đầu “khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng”. Trên bình diện chữ nghĩa, Matthêu chỉ nói đến ngày kế tiếp và một tuần mới bắt đầu. Nhưng bản văn đó thật sự muốn nói đến sự sáng tạo mới.

Từ đầu sách Tin Mừng, Matthêu đã tính toán và kể ra các thế hệ trước khi Chúa Giáng Sinh với đỉnh điểm là việc Chúa được hạ sinh (Mt 1, 1-17), điều này gợi ý cho chúng ta rằng  Chúa Giáng Sinh mở ra một kỷ nguyên mới. Tin Mừng Matthêu kết thúc với lời hứa của Chúa Phục Sinh sẽ ở cùng các môn đệ của Ngài mọi ngày cho đến tận thế (28,20).
 
Đất Rung Đá Vỡ

Cảnh động đất khi Chúa chết và sống lại không có trong các Tin Mừng khác. Việc Matthêu viết thêm cảnh này là dấu chỉ thứ hai cho thấy ông muốn giải thích những biến cố trên là khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Động đất thường được dùng trong Kinh Thánh như những dấu chỉ của ngày tận thế. Trong một đoạn song song với Mc 13, 4-8, Matthêu liệt kê động đất là một trong những dấu hiệu Chúa nói với các môn đệ, để trả lời cho câu hỏi của họ về việc Ngài lại đến và về ngày tận thế (Mt 24, 3-7). Cũng như Marcô, Matthêu viết “những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13, 8; Mt, 24, 8). Việc Matthêu kể về động đất lúc Chúa chết và phục sinh cho thấy ông muốn cắt nghĩa cả hai việc chết và phục sinh là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Những biến cố này báo hiệu việc Chúa tác động vào lịch sử để bắt đầu một điều mới. Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu, một buớc ngoặc, nhưng chưa phải là sự hoàn thành.

Không chỉ có đất đá rung chuyển trong mạch văn này. Động từ trong tiếng Hy lạp mà Matthêu dùng nơi câu 28,4 diễn tả người lính canh run rẩy cũng được dùng nơi câu 27, 51 để mô tả cảnh đất rung đá vỡ lúc Chúa chết. Các mô tả khác về những người run rẩy kinh động được tìm thấy ở những đoạn khác nơi Tin Mừng Matthêu cho chúng ta biết ý nghĩa về ngày tận thế theo Tin Mừng này. Khi các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, gặp vua Hêrôđê, dò hỏi về vua Do Thái mới sinh để họ chiêm bái, “vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2,3). Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và đám đông tôn vinh Ngài như “Con vua Đa-vít”, Matthêu viết thêm vào văn bản Marcô gốc câu “cả thành náo động” (Mt 21, 10). Sự xôn xao náo động nơi hai cảnh trên có vẻ phát khởi bởi những danh hiệu có tính chính trị: Giêsu, vua Do Thái và con vua Đa-vít, và bắt nguồn từ sự tôn kính mà dân chúng dành cho Ngài. Không chỉ những cá nhân bị ảnh hưởng tới mà cả những hệ thống chính trị được họ lập ra bảo vệ cũng bị liên quan. Trong câu truyện Chúa Giáng Sinh, người bị ảnh hưởng chính là vua Hêrôđê, vị vua được La-mã ủng hộ, ông cảm thấy bối rối vì tin tức về vua mới sinh ra.  Những người lính canh nơi câu 28, 4 là những tay chân bộ hạ của các thế lực kinh tế xã hội chính trị lúc bấy giờ. Họ có trách nhiệm niêm phong và canh gác mộ để tránh bị “bịp” lần cuối cùng. Nhưng Chúa Giêsu mà họ niêm phong đã sống lại; sự yên ổn mà những ngưòii của thời đại cũ tưởng mình có trong tay nay tỏ lộ ra chỉ là sự yên ổn giả tạo và nửa vời. Những người canh giữ cho những hệ thống và thế lực đó đã run rẩy chết ngất đi. Nay bắt đầu một kỷ nguyên mới.
 
Chứng Kiến và Được Sai Đi

Một trong những can thiệp khác của Matthêu vào văn bản Tin Mừng Marcô là điều chỉnh và mở rộng vai trò của phụ nữ. Để có một đánh giá đầy đủ hơn về sự điều chỉnh này, chúng ta hãy so sánh cách mô tả của Matthêu và Marcô về phụ nữ trong một bối cảnh rộng hơn. Khi Chúa Giêsu chết, cả Marcô lẫn Matthêu tả các phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, và lưu ý là các bà này đã đi theo và giúp đỡ Chúa khi Người còn ở  Galilê (Mc 15, 40-41; Mt 27, 55-56). Nơi Tin Mừng Marcô, sau khi chôn Chúa Giêsu, bà Maria Magđala và bà Maria mẹ ông Jôsê, “để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người” (Mc 15, 47). Nhưng nơi Tin Mừng Matthêu, bà Maria Magđala và một bà khác cũng tên là Maria “ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 27, 61). Giữa chi tiết này và chi tiết về thời gian “khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng”, một cách độc đáo Matthêu đã đưa vào câu truyện về nhóm lính được trao nhiệm vụ canh gác để ngăn ngừa “chuyện bịp bợm cuối cùng” (Mt 27, 62, 66). Việc Matthêu tạo những thay đổi cho văn bản Marcô và thêm vào những  chi tiết tường thuật mới cho chúng ta thấy ít nhất hai điều. Thứ nhất, trước khi lính gác được cắt cử, các phụ nữ đã có mặt ở đó  để canh gác, nhưng kiểu canh gác của họ là sự trông ngóng của những môn đệ trung thành, ngược hẳn với kiểu gác để giữ an ninh của những kẻ chỉ muốn ổn định. Thứ hai, các bà được mô tả là im lặng, tập trung, và ngẫm nghĩ.

Nơi Tin Mừng Marcô, bà Maria Magđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Chúa Giêsu và rồi đi tới mộ (Mc 16, 1-2). Tuy nhiên nơi Tin Mừng Matthêu các bà đi tới mộ để viếng mộ (Mt 28,1).  Các bà tạm thời gác qua những việc các môn đệ phải làm, họ ngồi đối diện với mộ và trông vào mộ. Họ chẳng có một kế hoạch hay chương trình gì cả, chỉ muốn đến gần hơn để suy gẫm về mầu nhiệm của mồ trống và để mầu nhiệm đó nói với họ. Không như những người lính gác, run rẩy chết ngất đi vì khiếp sợ thiên thần (Mt 28,4), các bà cảm thấy nản lòng, nhưng không vì động đất, hay vì thiên thần hiện ra, hay vì sự hiện diện của lính gác Rôma. Các bà đã gạt qua nỗi sợ hãi và nhận lời mời để vào xem. Và họ tiếp nhận sứ điệp của thiên thần loan báo rằng Đấng chịu đóng đinh thập giá mà họ tìm kiếm không còn đó nữa nhưng đã sống lại. Nơi huyệt mộ đã từng giữ xác Chúa nhưng nay xác Chúa không còn đó nữa, họ nhận nhiệm vụ đi nói với các tông đồ của Chúa rằng Ngài đã sống lại và họ sẽ gặp Ngài ở Galilê (Mt 28, 7).
 
Vâng Lời và Bái Lạy

Nơi Tin Mừng Marcô, các bà tiếp nhận cùng một nhiệm vụ từ một thanh niên họ gặp ở mộ (Mc 16,6-7). Nhưng rồi, các bà đã chạy thục mạng khỏi mộ và chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi (Mc 16, 18). Theo những nghiên cứu của các học giả được nhiều người đồng ý, Tin Mừng Marcô bản nguyên thủy kết thúc tại đây. Matthêu đã viết thêm cho bản Tin Mừng của Marcô. Ở đây, như thánh Giuse nơi phần khởi đầu Tin Mừng (Mt 1, 24; 2,13-14), các bà vâng theo sự uỷ nhiệm của thiên thần. Cũng như các bà trong Tin Mừng Marcô họ “sợ hãi”; nhưng khác một điều là trong Tin Mừng Matthêu các bà “cũng rất đỗi vui mừng” (Mt 28,8). Họ đi gấp và ngay cả chạy nhanh để vâng theo lệnh truyền là loan báo điều họ đã nghe.

Vì đã vâng lời nên họ được thưởng khi Chúa Phục Sinh đến gặp họ và niềm hy vọng của họ gặp được người họ tìm nay đã đạt. Bầu khí tĩnh lặng khi họ ngồi đối diện với mộ trong tâm thức ngóng trông, và một tâm hồn mở rộng nơi mộ trống đã giúp họ thấy rõ ràng hơn, xác thực hơn khi họ gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, và rồi họ đã bái lạy Ngài một cách phải lẽ.

Người đọc Tin Mừng đã được chuẩn bị cho biến cố này khi Matthêu mô tả các nhà chiêm tinh. Họ đi tìm vua mới sinh ra để bái lạy và khi họ gặp Ngài, họ đã làm điều đó (Mt 2, 2-11). Các tông đồ cũng bái lạy Ngài khi họ gặp Ngài ở Galilê ở cuối Tin Mừng (Mt, 28,17). Chúng ta có thể thấy những khung hình trong Tin Mừng về cảnh những người từ các nơi xa đển bái lạy Chúa nơi đầu sách và cảnh những môn đệ bái lạy Ngài ở cuối sách.

Những căn tính và sứ mạng thay đổi vì một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với việc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Nơi mộ, thiên thần bảo các bà về nói với các môn đệ Chúa. Khi các bà gặp Chúa trên đường, Ngài giao nhiệm vụ cho các bà về báo cho anh em của Ngài. Việc Chúa sống lại nay ảnh hưởng đến mối quan hệ của Ngài với các môn đệ, từ nay mối quan hệ đó sẽ biến đổi thành mối quan hệ giữa Ngài với các anh em.
 
Kết luận

Đọc Tin Mừng, chúng ta suy niệm về những thứ của thời đại cũ chết đi, khi một kỷ nguyên mới bắt đầu. Chúng ta đã tìm hiểu những gì là bản chất của thời đại đang qua đi theo cái nhìn của Matthêu. Trước hết, sự sống được Phục Sinh không thể bị đè nén. Đoạn Tin Mừng Matthêu 28,1-10 cho ta thấy việc đè nén không mang lại kết quả gì. Việc cắt đặt lính gác nơi Mt 27, 62-66 đã trở thành vô hiệu nơi Mt 28, 4. Khi lính gác trình báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra (Mt 28, 1-11-15), các thượng tế chẳng thể làm gì khác hơn ngoài việc bịa ra một câu truyện để che đậy việc đã xảy ra.

Khi đoạn văn Matthêu 28, 1-10 được đọc cùng với các bài đọc khác trong lễ vọng Phục Sinh, chúng ta cảm nghiệm được khát vọng của Thiên Chúa về sự tạo dựng và về chúng ta trong một kỷ nguyên mới. Chúng ta bắt đầu với sự sáng tạo, sự thiện hảo, và những người được chúc lành. Chúng ta thấy được Thiên Chúa đào tạo và liên tục sửa chữa những người công chính, họ là những người tin vào lời Chúa hứa, và lời mời gọi sống trung thành, sống theo lề luật. Nếu chúng ta muốn trở thành những người công chính, chúng ta cùng với những tàn tích của thời đại cũ phải chết đi với Chúa, để chúng ta được sống mới với Chúa Phục Sinh.

Ví dụ về những phụ nữ môn đệ Chúa giúp chúng ta sống trong buổi bình minh. Có lúc chúng ta thực hiện những trách nhiệm được giao phó sứ và loan báo Tin Mừng. Cũng có lúc chúng ta ngồi trong bóng tối, đối diện và gẫm suy những điều kín ẩn, để chúng ta sắp xếp lại công việc và tiếp tục ra đi, bắt đầu một kỷ nguyên mới. Và chúng ta luôn luôn dành ra thời gian để kiểm điểm lại lòng trung thành của chúng ta với Chúa và rồi bái thờ Ngài.
 
Shawn Carruth, OSB là Tu viện trưởng Tu viện Mounty St. Benedict ở Crookston, Minnesota Mỹ. Mẹ Carruth có văn bằng tiến sĩ  Kinh Thánh và hiện là giáo sư Kinh Thánh Tân Ước tại Đại học Concordia ở Minnesota.
 
Luke Quang chuyển ngữ

Tác giả bài viết: Luke Quang chuyển ngữ

 Tags: thần học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay18,337
  • Tháng hiện tại619,842
  • Tổng lượt truy cập28,271,729

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây