Đại Hội Di Dân và Đồng Hương Giáo phận Qui Nhơn lần IV, ngày 15.04.2018

Thứ sáu - 20/04/2018 21:41

ĐẠI HỘI DI DÂN VÀ ĐỒNG HƯƠNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN LẦN IV

TẠI TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

15.04.2018

CHỦ ĐỀ: TRI ÂN, CẢM TẠ

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu…”

Có lẽ suốt một cuộc hành trình làm người, bài học vỡ lòng đầu tiên ta được học là hai tiếng “Cảm Ơn”. Cảm ơn đời, cảm ơn nhau và cảm ơn chính bản thân. Tiếp bước trong ca từ yêu thương ấy, những người con đất mẹ Qui Nhơn đã cử hành trọng thể Đại hội Di Dân và Đồng Hương Giáo Phận Qui Nhơn lần thứ IV được tổ chức vào ngày 15/4/2018 tại Dòng Don Bosco Bến Cát với mục đích gặp gỡ, giao lưu, kết nối tình đồng hương huynh đệ, giúp nhau thăng tiến đức tin và nghề nghiệp. Thật đặc biệt hơn nữa đại hội năm nay còn diễn ra trong bầu khí Giáo Phận Qui Nhơn đang sống trong 400 năm Hồng Ân tuôn đổ trên đất mẹ Qui Nhơn.

Tháng tư với những cái nắng gay gắt nơi phố thị ồn ào, với những lời chia xa chưa kịp trao nơi hàng phượng vĩ, với những nỗi buồn ngẩn ngơ khi bản tình ca giao hưởng sắp ngân, thì ngay lúc này đây, khi mặt trời đã lên đến đỉnh sào hay khi màn đêm đã buông mình thì những tấm lưng nhuễ nhại mồ hôi của quý Cha cùng các anh chị trong ban tổ chức vẫn đang hiện diện ở nơi ấy - nơi mà ngày hôm nay một sân khấu trang hoàng lộng lẫy, một sân khấu chứa đầy sự hy sinh đã được dựng lên.

Đúng 8h00, bầu không khí của Đại hội rộn ràng hẳn lên. Trong tiếng nhạc tưng bừng, các bạn trong ban tiếp tân nối đuôi nhau tiếp đón đoàn người cùng đổ về nơi thân thương này.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Rộn ràng nối tiếp niềm hạnh phúc, đúng 9h00 các tham dự viên xếp thành hai hàng, hân hoan chào mừng Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi – vị chủ chăn của Giáo Phận. Nơi lồng ngực trái bao xúc cảm được dịp vỡ òa trong hạnh phúc trào dâng, như chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Tham dự Đại hội còn có sự hiện diện của cha Fx. Phan Văn Mạnh - Trưởng ban MVDD, cha Simon-Phêrô Võ Hoàng Sâm phó ban MVDD, cha Giuse Phan Văn Hay- Thư ký ban MVDD, cha Phêrô Lê Hoàng Vinh – Đặc trách di dân Hạt Phú Yên cùng Qúy Cha trong và ngoài Giáo Phận, Qúy Soeurs Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công, cùng gần 500 anh chị em Di Dân và Đồng Hương là con cái đất Mẹ Qui Nhơn cùng hòa mình trong niềm vui hội ngộ này.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Với chủ đề TRI ÂN – CẢM TẠ cùng nhau nhìn lại chiều dài lịch sử Giáo Phận, người con xứ nẩu cùng hướng lòng về GPQN thân yêu bằng lời cầu nguyện và sự hiệp thông khi Giáo Phận đang sống trong hồng ân Năm Thánh. Với tinh thần đó, bầu không khí được làm nóng qua bài cử điệu khai mạc: “Tình Yêu Gia Đình” do các bạn trong BTC trình bày với thông điệp: Tình yêu hôn nhân chỉ trở nên viên mãn khi nó được kín múc từ suối nguồn tình yêu dạt dào nơi Đức Kitô và Hội Thánh; hãy để tình yêu Thiên Chúa sống trong tình yêu gia đình, hãy để tình yêu gia đình minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa.


 

 

 

 

Tiếp đến là lời chào mừng của Cha Trưởng Ban Di Dân, thay mặt cho Quý Cha và anh chị em trong ban điều hành MVDD gởi lời tri ân sâu sắc đến cha bề trên dòng Don Bosco đã tạo điều kiện để những người con xa quê chúng con có cơ hội quy tụ bên nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Và hơn hết, lời tri ân ngàn vạn lần vẫn không đủ đối với một người, chúng con xin mượn câu nói “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trờ lồng lộng không phủ kín công cha” để nói về vị chăn Giáo Phận đã tổ chức và đồng hành cùng chúng con trong mỗi kỳ đại hội. Đó cũng là cơ hội để chúng con được gặp mặt nhau, được sống gần nhau, được nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận những ơn lành mình đã đón nhận cùng những lỗi lầm nơi mảnh đất phương xa. Dù một năm chỉ gặp mặt một lần nhưng từng ngày trôi qua Cha luôn dõi theo từng hoạt động của chúng con. Với chủ đề TRI ÂN – CẢM TẠ anh chị em Di Dân và Đồng Hương chúng ta được mời gọi tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Để qua đó chúng ta cùng hướng về quê hương Giáo Phận chuẩn bị bế mạc năm Thánh. Nguyện xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu thắp sáng lên mỗi người để chiếu tỏa ánh sáng ấy cho muôn nơi và muôn người.

Mượn lời bài hát 400 năm Hồng Ân “Chung lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi toàn năng với bao yêu thương đắp xây nên giáo phận. Cánh đồng qui nhơn 400 năm hồng ân thắm đượm ơn lành tin mừng cứu rỗi muôn dân”. Để nhắc nhớ lại một lần nữa hành trình 400 năm - một chặng đường lịch sử phát triển đầy cam go và thử thách để thật vui mừng cho ngày hôm nay. Ngày Mẹ Qui Nhơn hùng dũng, oai nghiêm, khoác lên mình chiếc áo được đan dệt bằng máu, nước mắt, đau thương, hạnh phúc của các vị tử đạo đã ngã xuống để 400 năm, Mẹ luôn vững chãi một niềm xác tín kiên trung. Là người con Di Dân và Đồng Hương, thật tự hào biết bao cuộc sống chứng tá của Mẹ. Trong suốt chặng đường dài phát triển, có lúc tưởng chừng sẽ trút hơi thở cuối nhưng bằng niềm cậy trông Mẹ đã ngoan cường qua bao cuộc chiến. Mẹ đã sản sinh ra những anh hùng “đi lên từ những đau khổ lớn lao, giặt áo mình trong máu con chiên” (Kh7,13-14) và “tung hô chiến thắng trong quê hương vĩnh hằng” (Kh7,9-10). Đó là Bốn Vị Thánh: Á Thánh Anrê Phú Yên – chứng nhân đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, Thánh linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông. Thánh Giám mục Stêphanô Theodore Cuét Thể. Dải đất dài miền Trung, cái eo của Tổ Quốc, cái mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, cái mảnh đất cằn cỗi ấy lại là nơi đã mang đến chữ Quốc ngữ đầu tiên cho dân tộc Việt Nam và trở thành khí cụ hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng và cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam hôm nay. Tiếp nối trung tâm Quốc Ngữ là nhà in Làng Sông (giữa thế kỉ 19) một trong ba trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ đầu tiên ở Việt
Nam. Đặc sản văn hóa còn là sự có mặt của các linh mục Gioankim Đặng Đức Tuấn, Trăng Thập Tự với các tập san và hoa biển ra đời cùng các giải văn thơ nhằm lưu truyền món ăn tinh thần qua bao đời thế hệ. Cùng sự góp mặt của nhà thơ Hàn Mặc Tử - một cây bút đại thụ trong phong trào Thơ Mới 1932.

Là người con của đất Mẹ Qui Nhơn chúng ta không thể nào quên được cái “mùi của mẹ”. Mùi của đau thương loạn lạc trong quá khứ, mùi của kiên cường bất khuất trong thời chiến chinh. Và ngày nay cái mùi ấy sẽ vẫn còn lưu truyền mãi nếu bạn và tôi cùng nắm tay nhau hướng lòng mình về cội nguồn dù có đi xa tận chân trời góc bể nào. Sắp đến ngày sinh nhật mẹ hãy dành tặng những món quà bằng tất cả lòng mến yêu dâng lên Mẹ nhé!

Lại một năm nữa trôi qua những người con Di Dân và Đồng Hương Giáo Phận Qui Nhơn cùng hướng lòng về Mẹ Qui Nhơn để chuẩn bị ngày hội bế mạc Năm Thánh. Không phải để khép lại chặng đường hồng ân Năm Thánh mà cánh cửa ấy khép lại để mời gọi bạn và tôi hãy lên đường đem hồng ân đã được đón nhận trong một năm vừa qua vào giữa cuộc đời. Đó cũng chính là những lời yêu thương trong huấn từ khai mạc của Đức Cha. Đức Cha chào đón mọi người bằng nụ cười yêu thương, nụ cười hạnh phúc cùng nụ cười lo toan - lo cho đàn chiên của mình với cuộc sống nơi phương xa từ cái ăn đến cái mặc, và hơn hết là đời sống đức tin. Bằng sự quan tâm đầy yêu thương ấy Đức Cha đã có bài chia sẻ: “Người xa quê sống tâm tình như thế nào trong hồng ân Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Giáo Phận đón nhận Tin Mừng” (1618-2018).

Vẫn giọng nói quen thuộc ấy, giờ đây Đức Cha đang hiện diện với chúng con, chỉ bằng một hành động, một câu nói nhỏ bé đơn sơ thôi nhưng đã chứa đựng vô vàn tình yêu thương Đức Cha gửi con dân của mình: “để Cha ngồi xuống để bà con mình không phải mỏi cổ nhìn lên Cha và để được thấy trước mặt là những gương mặt thân thương”. Đức Cha mở đầu bài chia sẻ bằng một lời khẳng định: Dù là Di Dân hay Đồng Hương, chúng ta đều chung một gốc gác nguồn cội là đất Mẹ Qui Nhơn. Để được quây quần bên nhau trong giờ phút này mỗi anh chị em chúng ta phải nhìn lại dòng lịch sử chứa đựng nhiều điều mà ta phải tri ân cảm tạ Chúa. Và trong dòng lịch sử ấy chứa đựng nhiều cuộc di dân từ đất mẹ Qui Nhơn để đi đến các vùng miền khác. Ra đi vì những khó khăn về đời sống đạo và kinh tế mà những người anh chị em ta phải rời bỏ quê cha đất tổ để kiếm tiền đời sống vật chất và đời sống tinh thần nơi phương xa. Ra đi không phải để dứt tình với quê cha đất mẹ, ra đi không phải để vùi chôn những giá trị thiêng liêng nơi quê nhà mà ra đi để nuôi dưỡng và nhen nhóm lên ngọn lửa đức tin ngày thêm lớn mạnh.

Tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng và luôn đồng hành cùng con dân của mình. Giờ đây Đức Cha sẽ gặp gỡ, giải đáp các thắc mắc của các con chiên. Nghẹn ngào từng tâm sự, trăn trở từng nỗi lo, Cha thật sự là người Mẹ của những người xa quê chúng con. Bằng những động viên, những sẻ chia quý báu Cha đã giúp lòng chúng con hiệp thông thật sự với tình yêu Chúa. Khép lại phần chia sẻ là những giọt nước mắt rơi, là nụ cười ấm lòng của các tham dự viên. Dù cuộc sống gia đình không đẹp như mong muốn nhưng giờ đây họ đã cảm thấy vui vì họ không đi một mình trên con đường lữ hành này nữa mà luôn có lời Cha đồng hành cùng họ.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Hồng ân Chúa thật bao la
Cho con tất cả chỉ là yêu thương”.

Ca sĩ Linh mục JB. Nguyễn Sang đã thay lời cảm tạ của chúng con qua ca khúc Bao la tình Chúa.
 

 

 

 
Hồng ân ngài tuôn đổ dạt dào trong cuộc đời con, vậy mà nhiều khi vô tình hay yếu đuối sa ngã, chúng con lại quên mất Chúa trong cuộc đời, để giờ đây còn lại chút lòng son, con xin biến đổi tình mình nên đẹp như tình Chúa, những yếu đuối, những lầm lỗi xin gác lại nơi quá khứ tội lỗi. Và giờ đây trong niềm hân hoan tình yêu ngài là hành trang cho những người Di Dân và Đồng Hương chúng con bước vào đời sống hôm nay. Vậy với một cuộc sống xa nhà, cộng đoàn Di Dân và Đồng Hương phải sống như thế nào để thắp sáng Tin Mừng trong xã hội hôm nay. Đâu là những nỗi lo âu của người Di Dân và Đồng Hương nhất là các bạn trẻ, mời bạn và tôi cùng đến với bài chia sẻ của Cha Fx. Nguyễn Minh Thiệu SDB. Cha đặt ra ba câu hỏi cho mọi người suy ngẫm. Làm sao để bảo vệ gia đình mình trong xã hội đầy cám dỗ hôm nay? Rời bỏ quê hương xứ sở đồng nghĩa với việc đã rời bỏ cái gì? Đâu là nỗi lo, nỗi sợ nơi cuộc sống phương xa? Để cuối cùng đâu là sức mạnh để giúp chúng ta vượt qua những cái lo, cái sợ trong đời sống hôn nhân gia đình? Có lẽ những câu hỏi này cũng chính là những trăn trở luôn thường trực trong một cuộc sống xa nhà. Điều lựa chọn là ở chính bạn, nhưng hãy cầu nguyện và lựa chọn những điều mà thế gian không lựa chọn. Hãy luôn ghi nhớ: còn đức tin là còn tất cả, mất đức tin là mất tất cả; đừng đánh mất lương tâm để nhận lương tháng. Một câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta cùng lắng lòng suy nghĩ: người xa quê đặt vấn đề công ăn việc làm, chỗ ở, chỗ đứng trong xã hội, còn vấn đề đức tin bạn và tôi đang đặt nó ở đâu? Một đời sống đức tin, một đời sống hôn nhân hãy cùng theo một hướng. Nếu bạn biết đặt tình yêu gia đình lớn lên trong tình yêu Chúa thì chắc chắn tình yêu ấy sẽ sinh hoa thơm trái ngọt.

Muôn ngàn đời con cảm tạ hồng ân Chúa, tình thương Ngài vang danh mãi muôn đời, cùng hòa chung câu ca tiếng hát cùng ca sĩ Lý Hoàng Kim với ca khúc Ca vang tình Chúa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 
12h00 mọi người cùng quây quần bên nhau ăn trưa, giao lưu theo từng Giáo Hạt với nhau. Tuy bữa cơm đơn sơ nhưng thật ấm lòng với người con đi xa, niềm vui của các tham dự viên như muốn kéo dài thêm nữa.


 

 

 

 

 

 

 
Ông bà ta có câu: “Căng da bụng chùng da mắt”. Những cái ngáp ngủ lại lác đác xuất hiện, nhưng nó không trụ lại được lâu vì giờ đây các bạn trẻ ba Hạt Quảng Ngãi – Bình Định - Phú Yên sẽ gửi đến mọi người những tiết mục vô cùng đặc sắc và điều thú vị hơn hết là không hẹn mà cũng gặp, họ cùng nhau xây dựng lên một hành trình sống đức tin của người trẻ: tuổi trẻ là thanh xuân tươi đẹp, là hát ca yêu đời, là những xôm tụ bạn bè, là những ước vọng cao xa, là những hoài bão lớn lao qua tiết mục “Thanh xuân của tôi” do các bạn Hạt Phú Yên thể hiện, đã làm bầu không khí tươi trẻ tràn sức sống. 


 
Nhưng tuổi trẻ cũng là cái tuổi nhiều cạm bẫy rình rập nhất, để rồi khi con tim yếu đuối đã xuôi theo những thú vui chớp nhoáng nơi trần thế, nhưng tình yêu Thiên Chúa vẫn luôn dõi theo mỗi bước đường ta đi, tình yêu thương ngài luôn dang tay rộng mở đón nhận những con tim biết hối lỗi quay về, các bạn Hạt Bình Định đã gửi đến tiết mục kịch vô cùng kịch tính, những phút giây sâu lắng để mỗi người tự nhìn lại chính những lỗi lầm mình từng vương phải để một khi ta không còn nơi nào bám víu, một bàn tay yêu thương đưa ra nâng đỡ ta dậy, để ta lên đường trong tình yêu Thiên Chúa qua cử điệu “Đưa con đi” do các bạn Hạt Quảng Ngãi thể hiện.


 

 
Với tình Chúa yêu thương, anh chị em Di Dân và Đồng Hương chúng ta cùng nắm tay nhau bước vào Thánh Lễ là đỉnh cao của cuộc gặp gỡ, sẻ chia. Trong Thánh Lễ mọi người được cùng nhau bẻ bánh, được kín múc tình yêu Thiên Chúa. Đến với Thánh Lễ hôm nay qua bài chia sẻ của Đức Cha, đã chỉ cho mỗi người con của Giáo Phận thấy đươc tầm quan trọng của đức tin. Nhờ có đức tin mà mỗi người con của Giáo Phận luôn được Thiên Chúa đồng hành nâng đỡ, chỉ dẫn cho chúng ta trong cuộc sống bộn bề lo toan và nhiều cám dỗ. Nhờ đức tin mà những người con của Giáo Phận đã trở thành nhân chứng cho Thiên Chúa trong lòng thế giới hôm nay.

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc16,14-19). Lời Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Tông Đồ xưa cũng là nghi thức sai đi cho người con Di Dân và Đồng Hương Giáo Phận Qui Nhơn hôm nay.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đại hội khép lại trong niềm hân hoan lãnh nhận hồng ân và lên đường chiếu rọi hồng ân ấy đến mọi nẻo đường đời. Và chính trong giây phút lên đường ấy chắc chắn lòng ai cũng mang một niềm tri ân cảm tạ những bậc tiền nhân đã gieo hạt giống đức tin trên quê hương. Để được ngày hôm nay, các ngài đã hi sinh cả mạng sống, trải qua biết bao cuộc bách hại để hạt giống đức tin vươn lên mạnh mẽ. Mỗi người chúng con đang lên đường với một tâm thế vững bước như lời kêu gọi của Đức Giám Mục: Hãy mạnh dạn sống đức tin trong thời đại mới, với đức tin và lòng trông cậy vững vàng nơi Chúa, đây là cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Hãy ra đi, lên đường và vững bước!

Thiên Chúa luôn quan phòng và lo lắng trên mỗi bước đường ta đi. Dòng người nối đuôi nhau ra về, các anh chị và các Cha trong BTC lại cùng chung tay gỡ sân khấu và cùng thu dọn khuôn viên sạch sẽ. Tuy vất vả nhưng có lẽ niềm hạnh phúc vẫn chưa vơi nên nụ cười vẫn vương trên môi mọi người.

“Hãy tạ ơn Chúa vì chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,29).
 

Tác giả bài viết: Bánh Tráng Cỏ

 Tags: di dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây