Đức Giám mục kinh lý Giáo xứ Tân Dinh

Thứ tư - 16/05/2018 05:00

CUỘC KINH LÝ TẠI GIÁO XỨ TÂN DINH
CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Sau chuyến kinh lý mục vụ ban sáng tại giáo xứ Hội Lộc, Đức Giám mục đã tiếp tục chuyến kinh lý trong Năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng của Giáo phận Qui Nhơn tại giáo xứ Tân Dinh vào lúc 14h00’, Chúa nhật ngày 13.05.2018.

Trong buổi chiều đầy nắng và gió mát nơi vùng quê yên bình, hôm nay cũng là ngày lễ mừng kính Chúa Thăng Thiên, tước hiệu nhà thờ giáo xứ Tân Dinh và cha chánh xứ đã ngỏ mời Đức cha và cha Tổng đại diện về thăm giáo xứ. Tân Dinh là một giáo xứ khá kỳ cựu của Giáo phận Qui Nhơn và đã có nhiều giáo xứ, giáo họ biệt lập được tách ra từ giáo xứ này!

Sau khi giới thiệu cộng đoàn giáo xứ cho Đức cha, cha chánh xứ đã trình bày lịch sử hình thành và tình hình sinh hoạt của giáo xứ cho Đức cha cùng toàn thể cộng đoàn. Mở đầu cuộc trao đổi, Đức cha đã gửi lời chào trân trọng đến cha xứ và bà con giáo dân giáo xứ Tân Dinh. Hầu hết, những câu hỏi trong cuộc gặp gỡ giữa Đức cha với bà con giáo dân liên quan đến 3 vấn đề chính yếu là: đời sống hôn nhân gia đình, địa bàn sinh hoạt của giáo dân trong một giáo xứ, và đời sống đạo đức thiêng liêng của người giáo dân.

Trước tiên là những vấn đề về đời sống hôn nhân gia đình trong giáo xứ. Đây là đề tài được bàn luận nhiều nhất không riêng gì giáo xứ Tân Dinh mà ở hầu hết những giáo xứ khác trong các chuyến kinh lý mục vụ của Đức cha như: Đứa con ngoại hôn có được lãnh nhận Bí tích Rửa tội không? Phải giải quyết như thế nào trong trường hợp người con trong phép chuẩn hôn nhân khác đạo bị ngăn cản chịu phép Rửa tội? Có được phép xưng tội chịu lễ khi một trong hai người phối ngẫu đã ly dị và tái hôn với người khác? Việc xin phép chuẩn hôn nhân khác đạo được thực hiện ở nơi nào?… và một số câu hỏi tương tự như trên. Tùy theo mỗi trường hợp, Đức cha đã phân tích và giải thích rất cặn kẽ.

Về vấn đề người con ngoại hôn, Đức cha nói rằng theo nguyên tắc người con ấy không có lỗi gì và Giáo Hội không có cấm cản trong việc rửa tội. Tuy nhiên, trong trường hợp em bé còn nhỏ và phải sống với người mẹ bên lương, Giáo Hội cảm thấy chưa chắc chắn trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng đức tin cho em bé nên chưa rửa tội. Về phần người cha của em bé, Đức cha khuyên anh rằng hãy tiếp tục cầu nguyện, giữ đạo cách sốt sắng và sau này khi người con lớn lên anh phải hứa đảm bảo là sẽ giáo dục đức tin cho người con thì khi ấy Giáo Hội mới cho rửa tội.

Theo luật Giáo Hội, khi một người được rửa tội, họ sẽ là con cái Thiên Chúa vì ấn tín Bí tích rửa tội là thiêng liêng, không bị mất. Trong trường hợp công khai tuyên bố bỏ đạo, khi đó họ mới là người ngoài Kitô giáo. Nếu chưa công khai tuyên bố bỏ đạo thì họ vẫn được sự quan tâm chăm sóc của cộng đoàn. Nếu người con sinh ra trong phép chuẩn hôn nhân khác đạo bị người chồng cản trở thì người mẹ có quyền đưa con đi rửa tội và sau đó tiếp tục dạy đức tin cho con và đưa con đến nhà thờ. Bởi lẽ, người chồng bên lương đã hứa như thế khi đồng ý cưới người có đạo.

Theo nguyên tắc giáo luật, một khi đã lãnh nhận Bí tích hôn phối thành sự mà đi ly dị rồi tái hôn với người khác thì không được phép xưng tội chịu lễ. Đức cha cũng nói rằng không phải vì người kia đi bước nữa mà chính mình cũng được quyền đi bước tiếp. Còn việc xin phép chuẩn hôn nhân khác đạo, Đức cha nói rằng phải về giáo xứ mình và trình bày với cha sở để ngài hướng dẫn.

Thứ đến là vấn đề người giáo dân đến sinh sống trong phần đất thuộc giáo xứ khác. Với những thắc mắc về vấn đề này, Đức cha đã giải thích rằng địa bàn giáo xứ được tính theo nguyên tắc đối địa trong giáo luật. Người giáo dân có thể có một nhà chính trong giáo xứ và nhiều nhà ở trong những nơi khác nhau thuộc lãnh địa của giáo xứ khác. Nếu một người thuộc giáo xứ này mà đến mua đất, cất nhà nơi giáo xứ khác và có cư sở chính ở đó thì thuộc quyền cha sở nơi họ có cư sở. Do đó, nếu người giáo dân sinh sống trong lãnh địa thuộc giáo xứ khác thì cần phải báo cho cha sở ở giáo xứ đó. Tuy nhiên, Đức cha cũng lưu ý rằng trong sổ sách của giáo xứ cũ, không nên gạch tên người ta, chỉ cần ghi chú họ đã đi đến nơi khác thôi.

Cũng vậy, trong trường hợp đã mua đất, cất nhà, và sinh sống trên địa bàn giáo xứ khác mà chưa chịu nhập vào giáo xứ đó, Đức cha nói rằng hội đồng giáo xứ cần động viên và giải thích cho họ hiểu. Vì lẽ, nơi địa bàn giáo xứ khác nếu không gia nhập vào thì sẽ bất lợi nhiều trong việc sinh hoạt, tham gia với cộng đoàn nơi giáo xứ đó. Đức cha cũng đã ghi nhận rằng vấn đề này đang xảy ra ở nhiều nơi và ngài sẽ bàn với các cha để tìm cách giải quyết thống nhất.

Tiếp theo là những vấn đề liên quan đến việc đọc kinh kính lòng Chúa thương xót và những sinh hoạt của các hội đoàn khác. Về việc đọc kinh kính lòng Chúa thương xót, Đức cha giải thích rằng đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô II ban hành và khuyến khích người Kitô hữu thực hành. Việc kính Lòng Chúa Thương Xót là việc đạo đức chứ không phải là phụng vụ, nên không bắt buộc mọi nơi phải thực hành. Còn đối với những hội đoàn khác, Đức cha cũng nói về chức năng và nhiệm vụ đặc biệt của từng hội đoàn.

Vẫn còn có rất nhiều ý kiến muốn được bày tỏ với Đức cha, tuy nhiên sắp đến giờ dâng Thánh lễ và Đức cha đã mời cha Tổng Đại diện có vài lời nhận định về cuộc gặp gỡ này. Mở đầu phần nhận định, cha Tổng đã nói về đặc tính kỳ cựu rất quí báu của giáo xứ Tân Dinh. Đây là giáo xứ mẹ đã sản sinh ra nhiều giáo xứ và giáo họ biệt lập, nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Nơi đây đã từng được đặt Tòa Giám mục, cơ sở nhà in, Chủng viện Làng Sông, nghĩa trang linh mục... Quả thật, với tính lịch sử đó, giáo xứ Tân Dinh được coi như một thủ từ của Giáo phận.

Thứ đến, cha Tổng cũng đã đề cập đến vị trí địa dư rất thuận lợi trong việc mục vụ của giáo xứ. Giáo xứ chỉ có một thôn cộng với một phần  bên giáo họ Đông Định; do đó, bà con giáo dân trong giáo xứ rất dễ dàng quen biết và gặp gỡ nhau. Cha Tổng cũng nói thêm rằng khác với giáo xứ Tân Dinh, nhiều giáo xứ khác có tới 2 đến 3 huyện, cách nhau hàng chục cây số.

Cuối cùng, cha Tổng cũng lưu ý cộng đoàn giáo xứ cần chăm lo, giữ gìn, và giáo dục đức tin truyền thống cho thế hệ con cháu. Ngài nói rằng “có cứng mới đứng đầu gió”. Do đó, việc giáo dục đức tin cho con cháu là việc làm hết sức cần thiết. Một khi đức tin được cứng cáp rồi thì dù có sống bất cứ nơi đâu, người ta vẫn có thể làm chứng về Chúa cho người khác. Cũng vậy, cha Tổng đã cầu chúc cho cộng đoàn giáo xứ Tân Dinh trong ngày lễ mừng kính Chúa Thăng Thiên, tước hiệu nhà thờ, được dồi dào ơn thánh Chúa và ngày càng phát triển hơn nữa.

 

Sau cuộc gặp gỡ trao đổi với cộng đoàn dân Chúa, Đức cha đã ra nhà xứ để kiểm tra sổ sách của giáo xứ. Cha chánh xứ đã trình lên Đức cha tất cả những sổ sách và giấy tờ liên quan đến giáo xứ. Thật đặc biệt, nơi giáo xứ Tân Dinh vẫn còn lưu lại được những sổ sách rất cổ xưa và rất quí giá... Kiểm tra sổ sách xong, Đức cha tiếp tục dâng Thánh lễ và cho 9 em thiếu nhi trong giáo xứ Rước lễ lần đầu. Đây là dịp các em rất vui mừng vì được Chúa viếng thăm trong tâm hồn. Chuyến kinh lý của Đức cha đã kết thúc tốt đẹp cùng với ơn toàn xá được ngài ban cho cộng đoàn giáo xứ Tân Dinh nhân dịp kỷ niệm Năm thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng của Giáo phận.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Giuse Huỳnh Thanh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay10,289
  • Tháng hiện tại611,794
  • Tổng lượt truy cập28,263,681

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây