Hãy đi lễ thật sớm, đừng đi lễ trễ! Hãy dạy cho trẻ em biết làm dấu

Thứ năm - 21/12/2017 12:26

Tiếp tục bài giáo lý của Đức thánh Cha về Thánh lễ.

Các nghi thức dẫn nhập của Thánh lễ là trung tâm của bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung tại hội trường Paolo VI, ngày 21/12/2017. Trong bài giáo lý này Đức thánh cha nhắc nhở những người lớn trong gia đình hãy dạy cho các trẻ em biết làm dấu thánh giá sao cho đúng.

Bài số 5. Nghi thức dẫn nhập.

Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn đi vào điểm quan trọng của việc cử hành Thánh thể.

Thánh lễ bao gồm hai phần, Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh thể, cả hai liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một hành động duy nhất của việc thờ phượng (xem. HCPV 56; QCTQ, 28). Được dẫn nhập bởi một số nghi thức chuẩn bị và kết thúc bởi những nghi thức khác, việc cử hành như thể là một thân thể duy nhất, không thể tách rời. Thế nhưng để có thể hiểu đúng hơn, tôi sẽ cố gắng giải thích những thời điểm khác nhau của chúng, mỗi thời điểm đều có khả năng đánh động và có liên hệ đến một chiều kích nhân loại của chúng ta. Thật ra, cần phải biết những dấu hiệu thánh này để sống thánh lễ cách trọn vẹn và tận hưởng tất cả mọi vẻ đẹp của nó.

Khi cộng đoàn giáo dân đã tụ họp, việc cử hành thánh lễ bắt đầu với nghi thức dẫn nhập, nó bao gồm đoàn rước vị chủ tế hoặc đoàn đồng tế tiến vào. Lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” – cử chỉ sám hối – “Tôi thú nhận”, là lúc chúng ta cầu xin ơn tha thứ vì tội lỗi của chúng ta. Kinh Thương xót, Kinh Vinh Danh và Lời nguyện nhập lễ (colletta[1]). Gọi là colletta: không phải là để quyên góp các lễ vật : nhưng là thu tập các ý chỉ cầu nguyện của mọi dân tộc; và việc thu tập các ý chỉ của mọi dân tộc dâng lên trời như lời cầu nguyện. Mục đích của các nghi thức dẫn nhập này là “để các tín hữu họp nhau lại, làm thành một cộng đoàn, và để chuẩn bị lắng nghe lời Chúa bằng đức tin và cử hành Thánh thể cách xứng đáng” (QCTQ 46).

Một thói quen không tốt nhìn đồng hồ và nói “Tôi đến kịp lễ, tôi đến sau bài giảng và vì thế tôi đã chu toàn được bổn phận”. Thánh lễ bắt đầu từ khi làm dấu thánh giá, với nghi thức dẫn nhập, bởi vì ngay từ lúc đó chúng ta thờ phượng Thiên Chúa như là một cộng đoàn. Và điều quan trọng là phải trù liệu để không đến trễ; trái lại, nên đến sớm để chuẩn bị tâm hồn cho nghi lễ này, cho việc cử hành này của cộng đoàn.

Thông thường khi bắt dầu hát ca nhập lễ, linh mục chủ tế cùng các thừa tác viên khác tiến lên cung thánh, ở đây chủ tế cúi chào bàn thờ, với dấu chỉ tôn kính, ngài hôn bàn thờ; khi có hương, ngài xông hương bàn thờ. Tại sao vậy? Vì bàn thờ là Chúa Kitô: là hình ảnh của Chúa Kitô. Khi chúng ta nhìn lên bàn thờ, chúng ta nhìn chính Chúa Kitô đang ở đó. Bàn thờ là Chúa Kitô. Những cử chỉ này có nguy cơ bỏ quên, không được chú ý. Chúng có nhiều ý nghĩa, vì chúng diễn tả ngay từ đầu rằng Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng “hiến dâng xác thân trên thập giá [...] trở nên bàn thờ, hiến lễ và tư tế” (Kinh nguyện thánh thể V). Bàn thờ, vì thế, là dấu chỉ của Chúa Kitô “là trung tâm hành động của ơn sủng được thực hiện với Thánh Thể” (QCTQ 296). Toàn thể cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, là Chúa Kitô, không phải để nhìn nhau, nhưng là nhìn vào Chúa Kitô bởi vì Chúa Kitô là trung tâm của cộng đoàn, không ở xa cộng đoàn.

Tiếp theo là Dấu thánh giá. Linh mục chủ tế tự làm dấu và toàn thể cộng đoàn cũng làm dấu như vậy, với ý thức rằng hành động phụng vụ được thực hiện “nhân danh Cha, Con và Thánh Thần”. Và ở đây tôi chuyển sang một đề tài rất nhỏ khác: Anh chị em có bao giờ thấy các trẻ em làm dấu chưa? Chúng không biết phải làm thế nào. Đôi khi chúng làm dấu, nhưng không phải là dấu thánh giá. Các bậc làm cha làm mẹ, ông bà, làm ơn dạy cho các trẻ em ngay từ thuở nhỏ biết làm dấu thánh giá cho đúng. Giải thích cho chúng biết rằng thập giá Chúa Giêsu là sự che chở của chúng. Và thánh lễ bắt đầu bằng việc làm dấu thánh giá.

Có thể nói mọi lời cầu nguyện đều di chuyển trong không gian của Ba Ngôi chí thánh – “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” – là không gian của sự hiệp thông vô hạn; nó như là nguồn gốc và đích điểm yêu thương của Thiên Chúa Duy Nhất và Ba ngôi, đã biểu lộ và tặng ban cho chúng ta trên thập giá của Chúa Kitô. Thực vậy, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu là ân huệ của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Bí tích Thánh Thể luôn tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Người. Vì vậy, khi làm dấu thánh giá, không những chúng ta tưởng nhớ về Bí tích rửa tội của mình, mà chúng ta xác tín rằng lời cầu nguyện phụng vụ là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng vì chúng ta đã nhập thể, đã chết trên thập giá và đã sống lại vinh quang.

Thế rồi vị linh mục thực hiện lời chào phụng vụ, với biểu thức : “Chúa ở cùng anh chị em” hoặc một biểu thức tương tự khác, kiểu này rất nhiều - ; cộng đoàn đáp: “và ở cùng cha”. Chúng ta đối thoại; chúng ta bắt đầu thánh lễ và chúng ta phải nghĩ đến ý nghĩa của tất cả các cử chỉ và những lời này. Chúng ta đang bước vào trong một “bản giao hưởng”, nơi đó mọi âm sắc khác nhau vang lên, bao gồm lúc thinh lặng, nhằm tạo ra một “hợp âm chung” giữa tất cả những người tham dự, tức là họ được thúc đẩy nhờ một Thánh Thần duy nhất và cho cùng một mục đích như nhau. Thực thế, “lời chào của chủ tế và lời thưa đáp của cộng đoàn diễn tả mầu nhiệm Giáo hội được qui tụ” (QCTQ 50). Như vậy, chúng diễn tả đức tin chung và khát vọng được cùng ở với Chúa và sống hiệp nhất với toàn thể cộng đoàn.

Đây là một bản giao hưởng cầu nguyện, nó đang được tạo ra và ngay lập tức trình bày cùng một lúc rất cảm động, bởi vì vị chủ tế mời gọi tất cả mọi người nhận ra tội lỗi của mình. Tất cả chúng ta là tội nhân. Tôi không biết, có lẽ một số người trong anh chị em không phải là tội nhân... nếu ai trong anh chị em không phải là tội nhân thì đưa tay lên, làm ơn đưa tay lên để mọi người có thể thấy được. Nhưng không ai đưa tay lên cả, tốt rồi : Anh chị em có một đức tin tốt! Tất cả chúng ta là tội nhân; và vì thế ngay từ đầu thánh lễ, chúng ta xin tha thứ. Đó là hành vi thống hối. Không phải chỉ suy nghĩ đến những tội đã phạm, mà còn hơn thế nữa: đó là lời mời gọi xưng thú tội lỗi của mình trước mặt thiên Chúa, trước mặt cộng đoàn, trước mặt anh chị em, với lòng khiêm tốn và thành thật, giống như người thu thuế trong đền thờ. Nếu Bí tích Thánh Thể thực sự làm cho mầu nhiệm vượt qua hiện diện, muốn nói đến việc Chúa Giêsu đi qua từ sự chết đến sự sống, thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là nhận biết đâu là những tình trạng chết chóc của chúng ta để có thể sống lại với Người trong cuộc sống mới. Điều này làm cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng của hành động thống hối. Chúng ta sẽ tiếp tục trong bài giáo lý tiếp theo về điều này.

Chúng ta đi từng bước một trong việc giải thích về thánh lễ. Tôi khuyên anh chị em : hãy dạy cho các con em của mình cách làm dấu thánh giá cho đúng.

 

[1] Colletta được dịch theo hai nghĩa : 1. Lời nguyện nhập lễ; 2. Quyên góp

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin:

 Tags: Giáo lý, Phanxicô

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay11,222
  • Tháng hiện tại421,111
  • Tổng lượt truy cập28,736,480

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây