Không sợ phải đi ngược dòng để sống đức tin và thay đổi cuộc sống

Thứ ba - 22/01/2013 20:29
Trong bài giáo lý sáng 23/01/2013 tại Vatican ĐTC Bênêđictô 16 đã trình bày suy tư của ngài dựa trên câu đầu tiên của Kinh Tin Kính. “Tôi tin vào Thiên Chúa” là một khẳng định căn bản, tuy có vẻ đơn sơ, nhưng nó mở ra cho thế giới sự tương quan vô tận với Thiên Chúa, với mầu nhiệm của Ngài. Tin vào Thiên Chúa bao hàm việc tháp nhập vào Ngài, đón nhận Lời Ngài, vui vẻ tuân theo sự mạc khải của Ngài. Và Người Kitô hữu không sợ phải đi “ngược dòng” để sống đức tin của mình, chống lại sự cám dỗ “tự đồng hóa”. Sau đây là bài giáo lý của Ngài.
 
Anh chị em thân mến
Abraham tranh của Patriarken Abraham
Abraham tranh của Patriarken Abraham

Trong Năm Đức Tin này, hôm nay tôi muốn bắt đầu suy niệm với anh chị em về kinh Tin Kính, tức là về lời tuyên xưng đức tin trọng thể đi kèm với cuộc sống của mỗi người tín hữu chúng ta. Kinh Tin Kính mở đầu bằng : “Con tin vào Thiên Chúa”. Là một sự khẳng định căn bản, tuy có vẻ đơn sơ, nhưng nó mở ra cho thế giới sự tương quan vô tận với Thiên Chúa, với mầu nhiệm của Ngài. Tin vào Thiên Chúa bao hàm việc tháp nhập vào Ngài, đón nhận Lời Ngài, vui vẻ tuân theo sự mạc khải của Ngài. Như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy, “Đức tin là một hành vi cá nhân: là sự tự do đáp trả của con người đối với sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng mạc khải (số 166). Bởi thế có thể nói tin vào Thiên Chúa tức là ơn huệ và sự dấn thân đi chung với nhau, là ân sủng của Thiên Chúa – Đấng tự mạc khải đến để gặp gỡ chúng ta và sự đáp trả của con người, trong cùng một kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương “nói với con người như người bạn” (Dei verbum, 2), nói với chúng ta trong đức tin và với đức tin, để chúng ta có thể đi vào trong sự kết hiệp với Ngài.

Chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa và Lời Người ở đâu? Căn bản là Kinh Thánh, ở đó Lời Chúa trở nên có thể nghe được cho chúng ta và nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta là “bạn hữu” của Ngài. Toàn thể Kinh thánh thuật lại việc Thiên Chúa tự mạc khải cho nhân loại; Toàn thể Kinh Thánh nói về đức tin và dạy cho chúng ta đức tin bằng cách kể lại một lịch sử mà nơi đó Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc của Ngài và làm cho chính Ngài gần gũi với con người chúng ta, qua những gương mặt rạng ngời của những người tin vào Thiên Chúa và trông cậy vào Ngài, cuối cùng là vào sự mạc khải trọn vẹn của Đức Giêsu.

Với cái nhìn này thì chương 11 thư gởi tín hữu Do thái mà chúng ta vừa nghe rất tuyệt vời. Ở đây nó nói về đức tin và đưa ra ánh sáng các gương mặt vĩ đại trong kinh thánh, những người đã sống, đang trở thành mẫu mực cho tất cả các tín hữu. Câu đầu tiên nói rằng : “Đức tin là nền tảng cho những điều ta hy vọng và là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (11,1). Bởi thế đôi mắt đức tin có khả năng nhìn thấy điều vô hình và tâm hồn tín hữu có thể hy vọng vượt trên mọi hy vọng, như Abraham, mà thánh Phaolô đề cập trong thư gởi tín hữu Roma “ông tin tưởng, bền đỗ trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng (Rm 4,18)

Tôi muốn dừng lại nơi ông Abraham, bởi vì ông là nhân vật quy chiếu đầu tiên khi nói về đức tin vào Thiên Chúa : Abraham tổ phụ vĩ đại là gương mẫu, cha của những kẻ tin (x. Rm 4, 11-12). Thư Do thái nói về ông như sau “Vì đức tin Abraham được Thiên Chúa gọi, đã vâng phục đến một nơi mà ông sẽ được lãnh nhận làm gia ngiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã lưu lại trong đất hứa như nơi đất khách, sống trong lều như Isaac và Giacop, là những người cùng thừa kế một lời hứa. Vì ông trong đợi một thành có nền móng vững chắc, do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng (Dt 11,8-10).

Tác giả thư Do thái đưa ra điểm quy chiếu về lời mời gọi của Abraham, được thuật lại trong sách Sáng thế, sách đầu tiên của Kinh Thánh. Thiên Chúa đã đòi hỏi tổ phụ này điều gì? Ngài đòi ông rời bỏ quê hương của mình và ra đi đến nơi mà Ngài sẽ chỉ cho ông, “hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Làm thế nào để chúng ta đáp lại sự mời gọi tương tự như vậy? Thật vậy, đây là sự ra đi trong tối tăm, không biết Thiên Chúa sẽ đưa ông đến nơi nào; hành trình đó đòi hỏi sự vâng phục và một sự tín thác triệt để, mà chỉ có đức tin mới cho phép đạt tới được. Nhưng bóng đêm của sự không biết được chiếu soi bởi ánh sáng của lời hứa; Thiên Chúa bổ sung vào mệnh lệnh một lời trấn an, lời đó mở ra cho cuộc sống tương lai của Abraham sự tràn đầy : “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại và ta sẽ chúc lành cho ngươi, ta sẽ làm cho tên ngươi lừng lẫy… và nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc (St 12,2.3)

Trong Kinh thánh, phúc lành trước hết là được liên kết với ơn sự sống đến từ Thiên Chúa và được thực hiện chủ yếu trong khả năng sinh sản, trong cuộc sống sinh sôi nảy nở, trải từ thế hệ này đến thế hệ kia. Sự chúc phúc cũng được gắn liền với kinh nghiệm của việc sở hữu một vùng đất, một nơi ổn định để sinh sống và tăng trưởng sự tự do và an toàn, kính sợ Thiên chúa và xây dựng một xã hội con người trung thành với Giao ước, “một vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thiện (x. Xh 19,6).

Vì thế, trong chương trình của Thiên Chúa, tổ phụ Abraham được chỉ định để trở nên “cha của các dân tộc (St 17,5; x. Rm 4,17-18) và đi vào sống trong một vùng đất mới. Thế nhưng Sara vợ ông, người hiếm muộn, không thể có con; và vùng đất mà Thiên Chúa đưa ông đến ở xa quê hương ông, là nơi các dân tộc khác đã sinh sống, và nó không bao giờ thực sự thuộc quyền sở hữu của ông. Nhưng tác giả Kinh thánh nhấn mạnh điểm này như sau : khi Abraham đến nơi Thiên Chúa hứa “thời bấy giờ người Canaan đang ở trong đất ấy” (St 12,6). Vùng đất mà Thiên Chúa ban cho Abraham không thuộc về ông, ông là một người ngoại quốc và mãi mãi là như vậy, tất cả những điều này bao gồm : không nhắm đến việc sở hữu, luôn cảm thấy sự nghèo nàn của mình, coi mọi sự như một ơn huệ. Đây cũng là điều kiện thiêng liêng cho những ai chấp nhận bước theo Thiên Chúa, cho những ai quyết định ra đi bằng cách đón nhận lời mời gọi của Ngài trong đức tin. Thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Roma : ”Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc như đã được nói với ông: dòng dõi ngươi sẽ như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ Sara đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng : điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4, 18-21)

Đức tin dẫn Abraham đi theo con đường nghịch lý. Ông sẽ được chúc phúc nhưng không có những dấu chỉ hữu hình của phúc lành: ông nhận lời hứa trở thành một dân tộc vĩ đại, nhưng với một cuộc sống ghi dấu bởi sự hiếm muộn của bà vợ Sara; Ông được đưa vào một quê hương mới, nhưng nơi đó ông sẽ sống như ngoại kiều; sở hữu duy nhất của vùng đất mà ông được cho phép sẽ là một mảnh đất nhỏ để chôn cất Sara (x. St 23,1-20). Abraham được chúc phúc bởi vì, trong đức tin, ông biết phân định phúc lành của Thiên Chúa bằng cách vượt qua cái bên ngoài, và trông cậy vào sự hiên diện của Thiên Chúa ngay cả khi các con đường của Thiên Chúa có vẻ mầu nhiệm đối với ông.

Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta? Khi chúng ta khẳng định “Con tin vào Thiên Chúa”, chúng ta nói như tổ phụ Abraham : “Con tin cậy nơi Ngài, Con tín thác vào Ngài, lạy Chúa”, nhưng không phải như những người chỉ cậy nhờ trong những lúc khó khăn hay khi dành một vài giây phút sống trong ngày hoặc trong tuần. Khi nói “Con tin vào Thiên Chúa” nghĩa là cuộc sống của chúng ta đặt nền tảng nơi Ngài, để cho Lời Ngài hướng dẫn mỗi ngày, trong từng chọn lựa cụ thể, không sợ đánh mất điều gì của chính mình. Trong nghi thức rửa tội, chúng ta được hỏi ba lần : “con có tin?” Thiên Chúa, tin Đức Giêsu Kitô, tin Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo và những chân lý đức tin khác, lập lại ba lần riêng biệt :”Thưa con tin”, vì cuộc sống cá nhân của tôi phải tiếp nhận một bước ngoặc bằng ơn đức tin, vì cuộc sống của tôi phải thay đổi, phải tự biến đổi. Mỗi khi chúng ta tham dự nghi lễ rửa tội chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta đang sống hồng ân đức tin này mỗi ngày như thế nào.

Tổ phụ Abraham dạy cho chúng ta đức tin; như một ngoại kiều trên thế gian, ông chỉ cho chúng ta quê hương đích thực. Đức tin làm cho chúng ta thành những người lữ hành trên trần gian, được tháp nhập vào thế giới và vào lịch sử, nhưng đang trên đường hướng về quê trời. Tin vào Thiên Chúa làm cho chúng ta thành những người mang các giá trị thường không hợp thời hay những quan điểm thời đại, nó đòi hỏi chúng ta chấp nhận những tiêu chuẩn và chấp nhận những cách ứng xử mà nó không thuộc lối suy nghĩ chung. Người Kitô hữu không sợ phải đi “ngược dòng” để sống đức tin của mình, chống lại sự cám dỗ “tự đồng hóa”. Trong các xã hội của chúng ta Thiên Chúa trở nên “thiếu vắng nghiêm trọng” và thay vào đó là các ngẫu tượng, những ngẫu tượng hoàn toàn khác và trước hết là cái “tôi” độc lập. Ngay cả các tiến bộ tích cực của khoa học và kỹ thuật gây ra cho con người một sự ảo tưởng toàn năng và tự túc. Chủ nghĩa duy ngã gia tăng đã tạo nên không ít sự thiếu quân bình bên trong tương quan giữa con người với nhau và các cư xử trong xã hội.

Tuy vậy, nỗi khát khao của Thiên Chúa không bị dập tắt (x. Tv 63:2) và sứ điệp Tin mừng vẫn tiếp tục vang lên qua lời nói và việc làm của muôn người có đức tin. Tổ phụ Abraham, cha của các kẻ tin, vẫn tiếp tục là cha của nhiều con cái, những người chấp nhận bước đi theo chân người trong sự vâng phục ơn goi của Chúa, tín thác nơi sự hiện diện tốt lành của Thiên Chúa và đón nhận phúc lành của Người để trở thành phúc lành cho tất cả mọi người. Là một thế giới được phúc lành của đức tin, tất cả chúng ta được mời gọi bước theo Đức Giêsu Kitô mà không sợ hãi. Đôi khi nó là một hành trình khó khăn thậm chí có cả thử thách và cái chết, nhưng những điều đó mở ra cho cuộc sống chúng ta một sự biến đổi tận căn của thực tại mà chỉ có đôi mắt đức tin mới có thể thấy và nếm hưởng trọn vẹn.

Như thế, khẳng định “con tin vào Thiên Chúa” thúc đẩy chúng ta ra đi, luôn thoát ra khỏi chính mình, như tổ phụ Abraham, để mang vào trong thực tại mỗi ngày, nơi chúng ta sống sự chắc chắn đến từ đức tin: tức là sự chắc chắn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, cũng như hôm nay; một sự hiện diện mang lại cuộc sống và ơn cứu độ, mở ra cho chúng ta một tương lai với Ngài để sự viên mãn của cuộc đời này sẽ không bao giờ tàn lụi.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay24,769
  • Tháng hiện tại543,364
  • Tổng lượt truy cập28,858,733

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây